Bài viết theo chủ đề

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Đại cương về chứng thái nhân cách

Kẻ thái nhân cách

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: CassWiki

Thái nhân cách (psychopathy) là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp psukhe (tâm) và pathos (bệnh tật, đau khổ), và từng được dùng để chỉ bất kì rối loạn tâm thần nào. Vào thời điểm hiện tại, chứng thái nhân cách được mô tả chính xác nhất trong hai công trình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này: Without Conscience (Không có Lương tâm) của Robert Hare và The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey M. Cleckley. Một kẻ thái nhân cách đúng chính xác là như vậy: vô lương tâm, và quan trọng hơn cả, điều này được ẩn giấu sau một cái mặt nạ bình thường tốt đến nỗi ngay cả các chuyên gia cũng bị đánh lừa. Một công trình thứ ba gần đây hơn, Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của Robert Hare và Paul Babiak, đã nâng nghiên cứu trong lĩnh vực này lên một tầng cao mới bằng cách nhấn mạnh thực tế là: Nhờ khả năng che giấu bản chất thực sự của chúng, những kẻ thái nhân cách dễ dàng trở thành những con rắn độc mặc com lê nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. Nhà tâm lý học từ trường đại học Harvard, Martha Stout, mô tả sự phối hợp chết người này như sau:

Hãy tưởng tượng - nếu bạn có thể - không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.

Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.

Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lí của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào. [1]

Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Kẻ thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác. [2]

Mặc dùng được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tâm thần học, thái nhân cách không có đề mục chính xác tương ứng [3] trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các Rối loạn Tâm thần – Phiên bản IV – Có Sửa đổi (DSM-IV-TR), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách chống xã hội (anti-social personality disorder), hay trong Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế - Phiên bản 10 (ICD-10), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách lẩn tránh xã hội (dissocial personality disorder). Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần “Lịch sử”.

Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán chứng thái nhân cách là dùng Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có Sửa đổi (PCL-R) của Robert Hare. Hare mô tả những kẻ thái nhân cách như là “những con thú săn mồi trong cùng loài, những kẻ dùng sự hấp dẫn, thủ đoạn, đe dọa và bạo lực để kiểm soát những người khác và đáp ứng nhu cầu riêng ích kỉ của chúng. Do không có lương tâm và cảm xúc với người khác, chúng nhẫn tâm lấy bất cứ cái gì chúng muốn và làm bất cứ điều gì chúng thích, vi phạm chuẩn mực và đạo đức xã hội mà không có chút cảm giác hối hận hay vương vấn nào.” Hare cũng cho rằng mặc dù tỉ lệ thống kê của những kẻ thái nhân cách trong một xã hội bất kì là rất nhỏ, phần đóng góp của chúng vào những đau khổ trong xã hội là đặc biệt lớn. [4] Qua việc nghiên cứu cho thấy những kẻ thái nhân cách rất lão luyện trong việc leo lên những vị trí cao trong giới kinh doanh và chính trị, chúng ta có thể nói chứng thái nhân cách là vấn đề quan trong nhất của xã hội hiện đại.

Với một người ngoài ngành, thuật ngữ thái nhân cách thường được hiểu rộng hơn, và thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần nói chung. Người ta thường coi “kẻ thái nhân cách” là đại diện cho cảm nhận cá nhân của họ về một con người tà ác, thường dưới hình thức một kẻ điên rồ giết người hàng loạt như vẫn được mô tả trong phim ảnh và văn học. Đây là một nhận thức sai lầm đáng tiếc.

  1. Kẻ thái nhân cách là thế nào?
  2. Lịch sử
  3. Kẻ thái nhân cách là thế nào?: Những tranh cãi trong chẩn đoán
  4. Quan hệ của chứng thái nhân cách với các rối loạn tâm thần khác
  5. Mức độ phổ biến của chứng thái nhân cách
  6. Chứng thái nhân cách ở trẻ em
    1. Nuôi dạy hay tự nhiên?
    2. Thể nền bản năng hay cơ sở tâm sinh học
      1. Bộ não bò sát
      2. Thất bại của dưỡng dục – Liên kết tình cảm?
      3. Rối loạn nhân cách chống xã hội trong DSM-IV và trẻ em
    3. Mô hình hai ngưỡng của Cloninger cho chứng thái nhân cách qua di truyền
    4. Chẩn đoán chứng thái nhân cách ở trẻ em
    5. Các dấu hiệu của chứng thái nhân cách trong thời thơ ấu
  7. Mối liên quan đến luật pháp và xã hội
  8. Kẻ thái nhân cách và bạo lực tình dục
  9. Mức độ đáp ứng với điều trị
  10. Tiêu chí chẩn đoán
    1. Danh sách của Hervey Cleckley
    2. PCL-R: Bảng Kiểm tra Thái Nhân cách
  11. Danh sách tham khảo
  12. Danh sách đọc thêm

1. Kẻ thái nhân cách là thế nào?

“Dễ mến”, “hấp dẫn”, “thông minh”, “lanh lợi”, “gây ấn tượng”, “tạo sự tin cậy”, và “rất thành công với phụ nữ”: Đó là những cách mô tả được lặp lại nhiều lần bởi Hervey Cleckley trong các trường hợp nghiên cứu nổi tiếng của ông về những kẻ thái nhân cách The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường). Dĩ nhiên, bọn chúng cũng “vô trách nhiệm”, “tự hủy hoại bản thân” và những thứ tương tự mặc dù những đặc điểm này thường được che giấu kĩ càng sau chiếc mặt nạ. Những mô tả có vẻ như trái ngược này nêu bật sự thất vọng và bối rối to lớn xung quanh các nghiên cứu về chứng thái nhân cách.

Các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rằng, bề ngoài, kẻ thái nhân cách dường như có thừa thãi những đặc tính mà người bình thường mong ước nhất. Sự tự tin thanh thản của kẻ thái nhân cách có vẻ gần như là một giấc mơ không thể đạt được. Đó cũng thường là điều những người “bình thường” cố gắng đạt được khi họ tham dự các lớp huấn luyện tính mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp, sự hấp dẫn như nam châm của kẻ thái nhân cách với những người khác giới có vẻ gần như là siêu nhiên.

Kẻ thái nhân cách thiếu khả năng suy xét và không có bất cứ ý thức trách nhiệm hay ý thức về hậu quả nào. Nếu có tồn tại, những cảm xúc của chúng cũng bị coi là hời hợt và nông cạn. Chúng bị xem là nhẫn tâm, thủ đoạn và không có khả năng hình thành các mối quan hệ lâu bền hay cảm nhận bất cứ tình yêu nào. Người ta cho rằng mọi cảm xúc mà một kẻ thái nhân cách đích thực thể hiện chỉ là lặp lại bằng cách quan sát và bắt chước cảm xúc của người khác.

Mức độ thông minh trung bình của kẻ thái nhân cách, nếu đo bằng các trắc nghiệm thường dùng, thấp hơn người bình thường một chút, mặc dù khả năng trí óc của mỗi cá thể trong số chúng cũng đa dạng như người bình thường. Trái với quan niệm thông thường, không có mức độ thông minh rất cao trong số những kẻ thái nhân cách và đặc biệt không có tài năng về kĩ thuật hay tay nghề thủ công trong số chúng. [5]

Về mặt sinh học mà nói, hiện tượng này tương tự như hiện tượng mù màu, ngoại trừ việc, không giống như bệnh mù màu, chứng thái nhân cách ảnh hưởng đến cả hai giới tính. Mức độ của nó cũng khác nhau… từ mức độ chỉ vừa đủ để một người quan sát có kinh nghiệm nhận ra cho đến mức độ bệnh hoạn rõ ràng. Cũng như bệnh mù màu, dị tật có vẻ như cũng đại diện cho một sự thiếu hụt trong xử lý kích thích, chỉ có điều không phải là trên cấp độ giác quan mà là trên cấp độ bản năng. Phân tích tâm lý cho thấy sự thiếu hụt rõ ràng chỉ xuất hiện ở nam giới. Ở nữ giới, nó thường được giảm nhẹ, dường như được bù đắp bởi một alen bình thường thứ hai. Điều này gợi ý rằng dị tật này được di truyền qua nhiễm sắc thể X, nhưng ở một gen nửa trội. Điều này chưa được xác nhận bằng việc loại trừ khả năng di truyền từ cha sang con trai. Việc phân tích cách cư xử của những cá nhân này khiến chúng tôi kết luận rằng cả thể nền bản năng của chúng cũng không hoàn thiện, chứa những lỗ hổng nhất định và thiếu hụt một số phản ứng tự nhiên hài hòa mà các thành viên của loài Homo Sapiens vẫn thường có. [6]

Mặc dù kẻ thái nhân cách bị thiếu hụt trong khả năng trải nghiệm và thấu hiểu cảm xúc con người, và có những hạn chế nhất định về mặt trí tuệ, người ta đã quan sát thấy rằng chúng có một thiên bẩm đặc biệt, một loại tri thức của riêng chúng. Thiên bẩm này dường như bắt nguồn từ thực tế là chúng có khả năng quan sát và đánh giá – một cách hoàn toàn vô cảm - những người khác trong mọi loại tình huống và quan hệ khác nhau, và lập kế hoạch cho hành động của chúng mà không bị ảnh hưởng bởi các liên hệ hay cân nhắc về tình cảm. Kẻ thái nhân cách quan sát cẩn thận những người bình thường, đánh giá, rút ra kết luận và qua đó trở nên thông thạo và tường tận với các yếu điểm tâm lý của con người. Chúng thường tiến hành các thí nghiệm nhẫn tâm chỉ để giải trí. Những đau khổ mà chúng gây ra cho người khác không bao giờ làm chúng hối hận, bởi vì, trong cách nhìn của chúng, những đau khổ ấy là kết quả của những yếu điểm của người bình thường, những cá nhân mà chúng không coi là cùng loài với chúng. Cũng như người bình thường cảm thấy hạnh phúc khi làm người khác hạnh phúc, kẻ thái nhân cách dường như tìm thấy một thứ hạnh phúc – hay sự hài lòng – khi làm người khác đau khổ.

Kẻ thái nhân cách học cách nhận biết lẫn nhau trong đám đông ngay từ khi còn bé, và chúng hình thành nhận thức về sự tồn tại của những cá nhân khác tương tự như chúng. [7] Chúng cũng ý thức về sự khác biệt giữa chúng với phần đa số của loài người, những người bình thường khác. Người ta đã quan sát thấy rằng chúng xem những người bình thường như một cái gì đó giống như một loài khác, và cái nhìn này thường là giống như một con thú săn mồi bám theo con mồi. Những người bình thường với thế giới quan bình thường của họ không thể nhận thức hay đánh giá đúng mức sự tồn tại của thế giới những khái niệm dã thú thái nhân cách ấy.

Các nhà nghiên cứu có thể thu thập được một số kiến thức về thế giới bên trong của kẻ thái nhân cách chỉ nhờ vào những phần tử không thành công trong số chúng, những kẻ gây ra tội ác và kết thúc ở nhà tù hay bệnh viện tâm thần, nơi chúng có thể được nghiên cứu. Bằng cách này, những nhà nghiên cứu đã có thể “học ngôn ngữ của chúng” và biết được một chút về thế giới quan của chúng, mặc dù chúng tôi phải lưu ý rằng kẻ thái nhân cách chỉ đồng ý chịu để nghiên cứu nếu chúng tin rằng sẽ thu được lợi ích gì đó cho bản thân. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng kẻ thái nhân cách không có khả năng thu nạp các khái niệm về thế giới quan của người bình thường ngay cả khi chúng cố gắng. Mọi tiến bộ bề ngoài đã bị chứng tỏ lần này qua lần khác rằng đó chỉ là màn kịch chúng diễn (thường là khá tốt) và cái mặt nạ để chúng che giấu thực trạng dị thường của chúng.

Trong bất kì xã hội nào trong thế giới này, những cá nhân thái nhân cách thường tạo ra một mạng lưới tích cực những kẻ cùng thông đồng, tách rời khỏi cộng đồng những người bình thường. Chúng nhận thức sự khác biệt của bản thân. Thế giới của chúng vĩnh viễn chia thành “chúng ta và chúng nó”; một bên là thế giới của chúng với những luật lệ và quy tắc riêng và bên kia là “thế giới xa lạ” của những người bình thường mà chúng coi là đầy những ý tưởng và quy tắc ngạo mạn về sự thật, danh dự và đoan chính, những mực thước mà chúng biết là chúng sẽ bị lên án về mặt đạo đức nếu áp dụng lên bản thân chúng. Khái niệm méo mó về danh dự của chúng khiến chúng lừa gạt và căm ghét những người bình thường và những giá trị của họ. Ngược với những lý tưởng của người bình thường, những kẻ thái nhân cách cảm thấy không giữ lời hứa là hành vi bình thường. Chúng không chỉ thèm muốn của cải và quyền lực mà chúng còn có niềm vui đặc biệt khi chiếm đoạt của người khác (từ anh chị em của chúng chẳng hạn); những thứ chúng có được thông qua ăn cắp, lừa đảo, tống tiền là những trái ngọt hơn nhiều so với những gì chúng kiếm được qua lao động một cách trung thực. Chúng cũng biết rằng bản thân tính cách và cách cư xử của chúng gây ra chấn thương tâm lý cho người bình thường và chúng biết cách lợi dụng nỗi kinh hoàng này để đạt được mục đích của chúng.

Như đã nói ở trên, hầu hết các nghiên cứu về kẻ thái nhân cách đều diễn ra trong quần thể nhà tù, mặc dù nó thường được gợi ý rằng bên cạnh ngồi sau song sắt, kẻ thái nhân cách cũng hoàn toàn có thể ngồi trên ghế hội đồng quản trị, che giấu bản chất thực sự của hắn đằng sau một cái “Mặt nạ của sự Bình thường” được thiết kế cẩn thận. Cleckley đã tạo cơ sở cho ý kiến rằng chứng thái nhân cách khá phổ biến trong cộng đồng bên ngoài. Ông đã thu thập một số trường hợp kẻ thái nhân cách hoạt động bình thường trong cộng đồng với tư cách nhà doanh nghiệp, bác sĩ, hay thậm chí bác sĩ tâm thần.

Không có cảm xúc có nghĩa là kẻ thái nhân cách thực chất là một cỗ máy rất hiệu quả, như một cái máy tính; chúng có thể thực hiện những thao tác rất phức tạp nhằm mục đích moi được từ người khác sự ủng hộ cho những gì chúng muốn. Bằng cách này, nhiều kẻ thái nhân cách có thể đạt được những vị trí rất cao trong cuộc sống. Chỉ có qua thời gian và bằng cách quan sát cẩn thận, những cộng sự của chúng mới nhận thức được thực tế là chúng trèo lên bậc thang danh vọng bằng cách chà đạp lên quyền lợi của người khác, thường là một cách ngấm ngầm đằng sau hàng tầng lớp những sự dối trá. “Ngay cả khi chúng coi rẻ quyền lợi của các cộng sự, chúng thường vẫn có thể tạo ra cảm giác tin cậy và tự tin.”

Một điều đã được chỉ ra là sự trừng phạt và những phương pháp sửa đổi hành vi không cải thiện hành vi của một kẻ thái nhân cách. Điều thường xuyên được quan sát là chúng đối phó với những nỗ lực ấy bằng cách trở nên xảo quyệt hơn và che giấu hành vi của chúng tốt hơn. Điều này sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn trong mục “Mức độ đáp ứng với điều trị”.

Những kẻ thái nhân cách còn có một nhận thức rất méo mó về hậu quả tiềm năng của những hành động của chúng, không chỉ đối với người khác mà còn đối với bản thân chúng. Ví dụ, chúng không nhận thức sâu sắc được nguy cơ bị bắt, bị vạch mặt hay bị thương từ hành vi của chúng. Điều này có thể liên quan đến việc không có khả năng hình dung những khái niệm trừu tượng như quá khứ hay tương lai.

Trong khi suy đoán về cái gì là điểm mấu chốt trong kẻ thái nhân cách khiến chúng trở nên như vậy, [8] Cleckley đi rất gần đến việc gợi ý rằng chúng là con người về mọi khía cạnh – nhưng chúng không có linh hồn. Sự thiếu vắng “phần hồn” này biến chúng thành những “cỗ máy” rất hiệu quả. Chúng có thể hùng biện, viết những tác phẩm uyên thâm, có thể bắt chước những từ ngữ biểu đạt cảm xúc và tạm thời diễn đạt những cảm xúc ấy, nhưng cùng với thời gian, người ta nhận thấy rõ ràng là những từ ngữ của chúng không đi đôi với hành động hay những gì thực sự bên trong chúng.

Khả năng bắt chước thường được kẻ thái nhân cách sử dụng để thuyết phục những người khác rằng hắn là một người bình thường và có những cảm xúc bình thường. Hắn làm như vậy để tỏ ra vẻ đồng cảm với nạn nhân của hắn. Kẻ thái nhân cách sẽ tìm cách làm nạn nhân của hắn và những người xung quanh tin rằng hắn có những cảm xúc bình thường bằng cách thêu dệt những câu chuyện sướt mướt hay tự nhận là đã có những trải nghiệm sâu sắc, xúc động. [9] Yếu tố thương hại là một lý do tại sao các nạn nhân thường sa vào bẫy của những con người “đáng thương” này. Nói dối đối với kẻ thái nhân cách cũng tự nhiên như hơi thở vậy. Khi bị bắt quả tang và vạch trần là nói dối, chúng bịa ra những câu chuyện dối trá mới, và không để tâm nếu bị phát hiện. Như Hare nói:

Dối trá, lừa gạt và thủ đoạn là tài năng tự nhiên của kẻ thái nhân cách… Khi bị bắt quả tang nói dối và vạch trần bằng sự thật, chúng hiếm khi lúng túng hay xấu hổ - chúng chỉ đơn giản là thay đổi câu chuyện hay sửa lại các dữ kiện sao cho có vẻ phù hợp. Kết quả là hàng loạt những tuyên bố trái ngược và một người nghe hoàn toàn bị hoang mang. [10]

Thông thường, hành vi của chúng được thiết kế để gây hoang mang và trấn áp các nạn nhân của chúng, hay để gây ảnh hưởng tiêu cực lên bất cứ ai lắng nghe những gì các nạn nhân ấy kể. Thủ đoạn là chìa khóa cho các cuộc chinh phục của chúng, và dối trá là một cách để chúng đạt được điều đó.

Adolf Guggenbuhl-Craig nói rằng “chúng rất có tài tỏ ra khiêm tốn hơn nhiều những người bình thường, nhưng thực tế thì không phải như vậy”. [11] Những kẻ thái nhân cách hướng tới các vị trí trong chính trị rất giỏi giả bộ quan tâm đến các tầng lớp dưới và tự nhận là đứng về phía những người nghèo, v.v…

Một số kẻ thái nhân cách thậm chí còn có thể rất yêu quý thú vật (trái với quan niệm thông thường), nhưng chúng chỉ xem các con thú ấy là đồ vật của chúng.

2. Lịch sử

Như đã đề cập ở trên, từ “thái nhân cách” (psychopathy, dịch nghĩa đen là “tâm bệnh”) từng được dùng để chỉ bất cứ bệnh tâm thần nào. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thuật ngữ này được áp dụng cho những hội chứng trong đó có những rối loạn về cảm xúc hay hành vi nhưng không có bất cứ khuyết tật trí tuệ nào. Những hội chứng này thường được gọi là điên rồ về mặt đạo đức (moral insanity), điên rồ đơn sắc thái (monomania), v.v... [12] Các trường hợp như vậy đã xác định một cách rõ ràng thực tế là rối loạn tâm thần có thể tồn tại trong một cá thể với trí tuệ nguyên vẹn.


Một trong những hội chứng được xác định trong giai đoạn đầu của tâm thần học hiện đại này được gọi là Bốc đồng (Impulsion) hay chứng điên cuồng bốc đồng (impulsive insanity). Cái này được giải thích là một sự xáo trộn “không suy xét” trong hành động (không xem xét đến hậu quả) hay sự “hung hăng không tự chủ” và sự vắng mặt của bất cứ triệu chứng xáo động tâm thần nào khác. Theo Berrios [13], đây là “điểm cốt lõi mà từ đó về sau khái niệm thái nhân cách được xây dựng nên”. [14]

Có một lý do quan trọng trong pháp y tại sao khái niệm ấy được phát triển lên như vậy: để lời khai của các bác sĩ được chấp nhận trong các phiên tòa hình sự, cần một phân loại nào đó khác hơn, hay vượt ra ngoài, phân loại “mất trí toàn diện”. Mọi người đều thấy rõ rằng có những kẻ tội phạm hoàn toàn bình thường về mặt chức năng, nhưng lại gây ra những tội ác cực kỳ tàn ác và ghê tởm bởi vì có một cái gì đó rõ ràng là “không bình thường” với chúng.

Một thay đổi đến trong nửa đầu thế kỷ 20: khái niệm thái nhân cách được thu hẹp lại để chỉ rối loạn nhân cách nói chung. Rối loạn nhân cách khi đó được định nghĩa là “một xáo động kinh niên về cảm xúc hay ý chí, hay một xáo động trong sự liên kết của chúng với các chức năng trí tuệ, dẫn đến các hành vi phá hoại xã hội.” [15] Đây là một chuyển biến quan trọng từ tư duy coi những kẻ thái nhân cách là những cá nhân “bị tổn thương” sang tư duy coi chúng “gây tổn thương” cho người khác. [16] Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các bác sĩ chưa nhất trí được làm thế nào để phân biệt các chứng rối loạn nhân cách khác nhau hay gọi tên chúng thế nào. Mặc dù vậy, có sự nhất trí là có một nhóm hội chứng rối loạn quan trọng đặc trưng bởi hành vi bốc đồng, hung hăng và chống xã hội.

Theo nhà tâm lý học lâm sàng người Đông Âu, Andrew Lobaczewski, các bác sĩ ở châu Âu vào lúc bấy giờ cho rằng có nhiều loại thái nhân cách bao gồm thái nhân cách nhược thần (asthenic), phân lập (schizoidal), ám ảnh cưỡng chế (anankastic), kích động (hysterical). [17] Ông cũng gợi ý rằng tâm thần học và tâm lý học là những nghề đặc biệt hấp dẫn với những kẻ thái nhân cách, một ý tưởng cũng được Hervey Cleckley, Robert Hare và Paul Babiak ủng hộ, và rằng đây là lý do chính cho sự rối loạn trong chẩn đoán chứng thái nhân cách và sự suy thoái trong các nghiên cứu về bản thân chứng thái nhân cách.

Lobaczewski nói về thực tế là dưới chế độ Đức Quốc xã và chế độ Stalin ở Nga, ngành tâm lý học đã bị đồng hóa và sử dụng để hỗ trợ chế độ độc tài và điều này được thực hiện bởi những kẻ thái nhân cách cầm quyền, những kẻ sau đó triệt tiêu mọi khả năng các thông tin chính xác về hội chứng ấy có thể được truyền bá rộng. Ông chỉ ra rằng bất cứ chế độ nào mà bao gồm chủ yếu những kẻ tâm lý bệnh hoạn cũng không thể để bộ môn tâm lý học phát triển tự do được bởi vì kết quả là mọi người sẽ nhận ra bản thân chế độ đó là bệnh hoạn và nhìn ra “kẻ núp sau tấm màn”. Nhận thức đó sẽ củng cố sức đề kháng tâm lý của những người bình thường, những người chiếm số đông trong bất cứ xã hội nào, và sẽ cung cấp cho họ các biện pháp tự vệ mới. Ông đặt câu hỏi: “Liệu có đế chế bệnh hoạn nào có thể để điều đó xảy ra?” Mọi khả năng dẫn tới một tình huống như vậy phải bị chặn đứng từ xa một cách khéo léo, cả trong và ngoài đế chế.

Dựa trên những quan sát trực tiếp về hiện tượng đó, Lobaczewski nói rằng việc kìm hãm tri thức được thực hiện theo cách tiêu biểu của kẻ thái nhân cách: ngấm ngầm và đằng sau một cái “Mặt nạ của sự Bình thường”. Để có thể kiểm soát các môn tâm lý học, chúng phải nắm được những gì đang diễn ra và ai đang làm gì. Một chế độ chính trị bệnh hoạn tìm xem những cá nhân nào trong ngành là thái nhân cách (thường là những nhà khoa học rất tầm thường), tạo cho chúng điều kiện học tập, lấy bằng cấp và leo lên những vị trí quản lý của các tổ chức khoa học và văn hóa. Ở đó, thúc đẩy bởi cả lợi ích cá nhân và cảm giác ghen tỵ điển hình của kẻ thái nhân cách đối với những người bình thường, chúng sẽ đánh bật những người tài năng hơn xuống. Chúng là những kẻ theo dõi xem các bài viết khoa học có đi theo “hệ tư tưởng đúng đắn” không và tìm cách làm cho những nhà khoa học có tài không có được các tài liệu khoa học mà họ cần. Lobaczewski viết về vấn đề này như sau:
Các bài viết khoa học xuất bản dưới những chế độ như vậy hay nhập khẩu từ nước ngoài đều bị theo dõi, các quỹ nghiên cứu từ chối tài trợ những người thực hiện nghiên cứu theo một số hướng nhất định nào đó. Các chuyên gia đặc biệt xuất sắc có thể trở thành đối tượng bị hăm dọa và bị kiểm soát một cách ngấm ngầm, hiểm độc. Dĩ nhiên điều này khiến ngành tâm lý học nghiên cứu các hội chứng tâm lý bệnh hoạn bị thui chột. Và tất nhiên toàn bộ hoạt động đó được tiến hành theo một cách nào đó tránh sự chú ý của dư luận. Thông thường, các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này bị biến mất không một tăm hơi và nhiều người bị buộc phải ra nước ngoài để rồi trở thành đối tượng cho các chiến dịch quấy rối có tổ chức ở đó. Những danh sách chính thức và không chính thức về các bộ môn không được phép dạy được biên soạn và các chỉ thị tương ứng được đưa ra để bóp méo các bộ môn liên quan. Trong lĩnh vực tâm lý học, danh sách này lớn đến mức hầu như không còn chút gì của môn khoa học này ngoại trừ một cái khung trơ đã bị loại bỏ bất cứ điều gì có thể liên quan hay gợi đến những điểm quan trọng.

Chương trình học cho sinh viên tâm thần không có những kiến thức tối thiểu trong các lĩnh vực tâm lý học đại cương, tâm lý học phát triển và tâm lý học lâm sàng, cũng như những kỹ năng cơ bản trong trị liệu tâm lý. Nhờ vào tình trạng như vậy, những bác sĩ kém cỏi nhất cũng có thể trở thành bác sĩ tâm thần sau một khóa học tối thiểu nhất. Điều này mở toang cánh cửa ngành tâm thần học cho những cá nhân, do bản chất của họ, có xu hướng thích phục vụ một chế độ bệnh hoạn, và nó có ảnh hưởng quyết định đến mặt bằng tri thức trong ngành. Về sau nó cũng tạo điều kiện để cho tâm thần học bị lạm dụng cho những mục đích nó không bao giờ nên được sử dụng. […]

Dĩ nhiên bản chất của chứng thái nhân cách không bao giờ được phép nghiên cứu hay làm sáng tỏ. Vấn đề này được che giấu trong bóng tối bằng một thứ định nghĩa của chứng thái nhân cách cố ý bao hàm nhiều loại rối loạn nhân cách khác nhau, cùng với những hội chứng gây ra bởi những nguyên nhân hoàn toàn khác và đã được biết rõ.

Chúng ta phải thán phục cái định nghĩa của chứng thái nhân cách kể trên trong việc nó ngăn chặn một cách có hiệu quả mọi khả năng thấu hiểu thực chất của vấn đề… Do vậy cuộc chiến “ý thức hệ” diễn ra ở một nơi mà hầu hết mọi người không ngờ tới, bao gồm cả các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đó.

Mặc dù vậy, các bài viết và dữ liệu khoa học cần thiết vẫn có thể được kiếm ra dù có khó khăn. Tuy nhiên, sinh viên và các nhà nghiên cứu mới vào nghề không biết về những gì đã bị lấy ra khỏi chương trình học của họ để tìm cách tiếp cận chúng. Khoa học bắt đầu suy thoái với một tốc độ đáng lo ngại một khi nhận thức ấy bị mất đi.

Chúng ta cần phải hiểu bản chất của hiện tượng xã hội vĩ mô ấy cũng như quan hệ và sự đấu tranh cơ bản giữa hệ thống bệnh hoạn và những môn khoa học nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý và tâm lý bệnh hoạn. Nếu không chúng ta sẽ không thể ý thức đầy đủ về nguyên nhân của những hành động đó. […]

Những hành động và phản ứng của người bình thường, những ý tưởng và tiêu chuẩn đạo đức của họ thường được xem là không bình thường trong mắt của những cá nhân không bình thường. Và nếu một kẻ thái nhân cách coi hắn ta là bình thường, điều này dĩ nhiên là dễ dàng hơn nếu hắn ở vị trí nắm quyền, khi đó hắn sẽ coi một người bình thường khác biệt với tiêu chuẩn “bình thường” của hắn là không bình thường… Điều này giải thích tại sao một chế độ bệnh hoạn luôn có xu hướng coi những người bất đồng chính kiến là “tâm thần không bình thường”.

Những chiến dịch gán cho những người bình thường là mắc bệnh tâm thần và việc sử dụng các bệnh viện tâm thần cho mục đích này diễn ra ở nhiều nước nơi những kẻ thái nhân cách nắm quyền lực chính trị. Hệ thống pháp luật hiện hành … không dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bản chất tâm lý của những hành động như vậy, và do đó không phải là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu chống lại nó. […]

Trong mắt kẻ thái nhân cách, người bình thường chỉ là một kẻ ngây thơ đi tin vào những lí thuyết không hiểu nổi; nếu gọi là “điên rồ” cũng không xa mấy.

Vì vậy, khi chúng ta đã nghe đủ những câu chuyện kiểu như vậy hay có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng ta thấy rõ động cơ cho những hành động như vậy ở một mức độ cơ bản hơn. Điều xảy ra gần như thành quy luật là ý tưởng vu cho ai đó là mắc bệnh thần kinh thường xảy đến từ những đầu óc với nhiều loại khuyết tật và lệch lạc tâm lý khác nhau… Vì vậy một hệ thống pháp luật tốt cần bắt buộc xét nghiệm tâm lý với những cá nhân buộc tội người khác là tâm lý không bình thường một cách quá hăng hái hay dựa trên những bằng chứng quá mong manh.

Mặt khác, bất kỳ hệ thống nào trong đó sự lạm dụng tâm thần học cho các lý do chính trị đã trở thành hiện tượng phổ biến cũng cần được kiểm tra dựa trên những tiêu chí tâm lý tương tự mở rộng cho quy mô xã hội vĩ mô. Bất cứ một người nào có tư tưởng chống lại một hệ thống chính quyền mà anh ta thấy là xa lạ và vô đạo đức, nhưng không che giấu kĩ càng suy nghhĩ của anh ta, đều có thể dễ dàng bị các đại diện của chính quyền đó gán cho là “tâm thần không bình thường”, người có “rối loạn tâm thần” và bị buộc phải điều trị tâm thần. Những bác sĩ tâm thần suy đồi về chuyên môn và đạo đức dễ dàng trở thành công cụ cho mục đích này. Đây trở thành một phương pháp khủng bố và tra tấn người…

Do vậy, sự lạm dụng tâm thần học là xuất phát từ bản chất của thể chế trong đó những kẻ thái nhân cách nắm quyền. Xét cho cùng, tri thức và phương pháp điều trị trong lĩnh vực đó đầu tiên cần phải bị làm thoái hóa để ngăn nó khỏi gây nguy hiểm cho bản thân hệ thống bằng cách đưa ra chẩn đoán, và sau đó phải bị thu nạp để trở thành công cụ đắc lực trong tay nhà cầm quyền…

Những kẻ thái nhân cách nắm quyền ngày càng cảm thấy bị đe dọa mỗi khi ngành y học và tâm lý học có những tiến bộ đáng kể. Xét cho cùng, những ngành khoa học này không chỉ có khả năng đánh bật vũ khí trong cuộc chiến tâm lý ra khỏi tay chúng; họ thậm chí còn có thể đánh vào tận gốc rễ của một thể chế như vậy, và làm điều đó từ ngay bên trong của đế chế đó. Do đó, nhận thức cụ thể về vấn đề này khiến những kẻ thái nhân cách nắm quyền luôn cảnh giác đối với ngành tâm lý học. Điều này cũng giải thích tại sao bất cứ ai biết quá sâu trong lĩnh vực này và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền đó phải bị gán cho bất cứ nhãn hiệu gì họ có thể dựng nên, kể cả bệnh tâm thần. [18]
Năm 1941, Hervey Cleckley viết công trình vĩ đại của ông: The Mask of Sanity: An Attempt to Clarify Some Issues About the So-Called Psychopathic Personality (Mặt nạ của Sự Bình thường: Một cố gắng làm rõ một số vấn đề về cái gọi là hội chứng thái nhân cách). Đây trở thành một bước ngoặt trong nghiên cứu tâm thần và được tái bản nhiều lần sau đó, mặc dù hiện nay nhà xuất bản đã bán hết và người nắm bản quyền tuyên bố không có kế hoạch tái bản lần nữa. [19] Tiến sĩ Cleckley chỉnh sửa và phát triển cuốn sách với mỗi lần tái bản khi ông còn sống. Lần xuất bản thứ hai ở Mỹ vào năm 1950 trải qua nhiều bổ sung và cải tiến nhất. “Bảng kiểm tra Thái nhân cách” của Robert Hare dựa một phần trên công trình của tiến sĩ Cleckley.

Mặt nạ của sự bình thường nổi bật lên bởi luận đề trung tâm của nó, rằng kẻ thái nhân cách thể hiện các chức năng bình thường dựa trên các tiêu chí tâm thần tiêu chuẩn, nhưng tham gia vào những hành vi phá hoại trong bí mật. Cuốn sách được viết nhằm mục đích hỗ trợ việc phát hiện và chẩn đoán những kẻ thái nhân cách khó nắm bắt ấy để làm giảm nhẹ tác hại của chúng chứ không phải để chữa trị bản thân hội chứng đó. Hình ảnh về một bậc thầy lừa đảo, không cảm thấy chút kiềm chế đạo đức hay lương tâm nào, nhưng lại cư xử một cách tuyệt vời nơi công cộng, kích thích xã hội Mỹ và khiến nhiều người chú ý đến việc tự xem xét nội tâm và việc phát hiện những kẻ thái nhân cách ẩn thân trong xã hội nói chúng. Điều này đưa đến việc chỉnh sửa bản thân từ ấy thành một thuật ngữ được xem là nhẹ hơn, “thái nhân cách xã hội” (sociopath).

Thực tế là, trong 50 năm qua, khái niệm thái nhân cách đã được thu hẹp rất nhiều và bây giờ chỉ một rối loạn nhân cách cụ thể, mặc dù có những cố gắng loại bỏ phân loại đó hoàn toàn và chuyển sang “Rối loạn Nhân cách Chống Xã hội”, một thuật ngữ chỉ đến nhiều hành vi đa dạng và không nhất thiết đòi hỏi phải có chẩn đoán lâm sàng thái nhân cách. Robert Hare nhấn mạnh điều quan trọng là phải hiểu thái nhân cách không đồng nghĩa với tội phạm hay bạo lực; không phải mọi kẻ thái nhân cách đều tham gia vào các hành vi bạo lực hay tội phạm. Ngược lại, không phải mọi tội phạm hay cá nhân với hành vi bạo lực đều là những kẻ thái nhân cách. Ông viết:
Mặc dù những kẻ thái nhân cách rõ ràng là có xu hướng dễ vi phạm nhiều quy tắc và chuẩn mực của xã hội, một số đã tìm cách tránh được hệ thống tư pháp hình sự. [20] Chúng là những nhân viên không đáng tin cậy; những nhà kinh doanh nhẫn tâm, vô liêm sỉ; những nhà chính trị tham nhũng; hoặc là những chuyên gia vô đạo đức dùng uy tín và quyền lực của chúng để lợi dụng, lừa bịp các khách hàng, bệnh nhân và công chúng nói chung. Ngoại trừ một số tin tức thỉnh thoảng xuất hiện hay các giai thoại trong ngành, chúng tôi biết rất ít về những cá nhân này. Những nghiên cứu có hệ thống cần được tiến hành để xác định tỉ lệ phổ biến của chứng thái nhân cách trong dân số, những hình thức phạm pháp và không phạm pháp mà hội chứng rối loạn đó thể hiện ra ngoài; và mức độ mà những nghiên cứu về tội phạm thái nhân cách cho chúng ta biết về những kẻ thái nhân cách nói chung. Về vấn đề cuối cùng kể trên, có những dấu hiệu cho thấy nhân cách và xu hướng thực hiện các hành vi vô đạo đức gần như là giống nhau trong những kẻ thái nhân cách tội phạm cũng như không tội phạm. [21]

3. Kẻ thái nhân cách là thế nào?: Những tranh cãi trong chẩn đoán

Điều quan trọng khi xem xét câu hỏi này là hiểu rằng có những tranh cãi. Một bên là mô tả truyền thống về chứng thái nhân cách bắt nguồn từ dòng tâm lý học châu Âu như nói đến ở trên và tổng kết bởi Lobaczewski kết hợp với dòng tâm lý học lâu đời hơn nữa ở Bắc Mỹ với những tên tuổi như Hervey Cleckley, Robert Hare và những người khác. Những nghiên cứu này nói chung là trùng khớp với kinh nghiệm của các nhà tâm thần học, tâm lý học, nhân viên tư pháp hình sự, nhà thực nghiệm tâm lý bệnh học và thậm chí cả các thành viên bình thường trong cộng đồng đã từng có tiếp xúc cá nhân với chứng thái nhân cách.


Ở bên kia của cuộc tranh cãi là cái gọi là trường phái “tân Kraepelin” (Emil Kraepelin) trong chẩn đoán tâm lý, có liên quan chặt chẽ với những nghiên cứu từ trường đại học Washington ở St. Louis, bang Missouri. Quan điểm của trường phái này đi theo các tiêu chí chẩn đoán trong DSM-III, DSM-III-R và DSM-IV cho chứng rối loạn nhân cách chống xã hội (ASPD). Phương pháp cơ bản của trường phái này trong việc đánh giá một kẻ thái nhân cách gần như dựa hoàn toàn vào những hành vi được biết đến hoặc được quan sát công khai. Giả định của họ là bác sĩ không có khả năng đánh giá một cách chính xác các đặc tính về cảm xúc hay quan hệ cá nhân. Một giả định nữa là phạm pháp ở tuổi vị thành niên là triệu chứng cơ bản của ASPD. Điều này có xu hướng nhấn mạnh vào những hành vi phạm pháp hay chống xã hội, nghĩa là những hành vi quan sát được công khai mặc dù chúng có thể không phản ánh mấy cấu trúc nội tâm của cá nhân đó.

Các tiêu chí trong DSM-III cho ASPD được quyết định bởi ủy ban dự thảo DSM-III của Hiệp hội Tâm thần Mỹ và chỉ được sửa đổi chút ít bởi một ủy ban khác cho phiên bản DSM-III-R. Các tiêu chí trong DSM-IV cũng được quyết định bởi một ủy ban mà hầu như không có để ý gì đến kết quả nghiên cứu thực nghiệm. [22] Những tiêu chí này ít chú trọng đến hành vi hơn trước, do đó phần nào tương tự các tiêu chí cho các rối loạn nhân cách khác trong DSM-IV.

Theo Robert Hare, Cleckley, Lobaczewski và nhiều chuyên gia khác về chứng thái nhân cách, chẩn đoán chứng thái nhân cách không thể chỉ dựa trên cơ sở hành vi nhìn thấy bên ngoài mà không xem xét đến các triệu chứng về cảm xúc hay quan hệ cá nhân, bởi vì cách chẩn đoán như vậy về cơ bản sẽ biến nhiều người chỉ bị tổn thương tình cảm bởi cuộc sống hay xã hội thành thái nhân cách, trong khi để cho những kẻ thái nhân cách thực sự, những kẻ có những chiếc “mặt nạ của sự bình thường” rất tốt, lọt lưới. Ngày một nhiều những nghiên cứu cho thấy nhiều (hay phần lớn) những kẻ thái nhân cách lớn lên trong những gia đình ổn định, sung túc và trở thành tội phạm trí thức, nhờ vào tiền bạc và địa vị, không bao giờ để lộ các hành vi hủy hoại trong đời tư của chúng cho công chúng biết và thường là có khả năng nằm ngoài tầm tay của hệ thống tư pháp. [23]

Công trình được biết đến rộng khắp của Robert Hare và Paul Babiak trong cuốn sách Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của họ chứng tỏ rằng chứng thái nhân cách cần được chẩn đoán thông qua một bảng điểm toàn diện lập bởi những người quan sát trình độ cao dựa trên phỏng vấn tâm lý, xem xét lịch sử cá nhân bao gồm cả hồ sơ hình sự và tâm thần nếu có, các cuộc phỏng vấn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người quản lý và nhân viên dưới quyền, cùng với việc quan sát hành vi bất cứ lúc nào có thể được.

Các tiêu chí của DSM-IV không cấu thành một thang điểm hay một bảng trắc nghiệm. Theo đó, người giám định chỉ quyết định xem mỗi tiêu chí là hiện hữu / đúng hay vắng mặt / sai. Quyết định cuối cùng là: nếu tất cả các tiêu chí đều hiện hữu, một chẩn đoán ASPD cho cả đời được đưa ra; nếu một tiêu chí hay nhiều hơn không thỏa mãn, không có chẩn đoán nào được đưa ra. Chúng ta có thể thấy là nhiều kẻ thái nhân cách sẽ dễ dàng tránh bị phát hiện với một hệ thống như thế và nhiều cá nhân, những người có thể bị lạm dụng hay chấn thương tinh thần trong quá khứ, sẽ bị phân loại là ASPD.

Do có nhiều vấn đề với các chẩn đoán ASPD dựa trên DSM-III và DSM-III-R, Hiệp hội Tâm thần Mỹ tiến hành thử nghiệm ở nhiều nơi để thu thập dữ liệu chuẩn bị cho DSM-IV. [24] Cuộc thử nghiệm được thiết kế để xác định xem các đặc điểm nhân cách có thể được sử dụng trong các tiêu chí cho ASPD (lúc chỉ dựa vào những hành vi có thể thấy công khai), mà không làm giảm độ tin cậy. Ý định của các bác sĩ vận động cho chương trình này là để đưa ASPD trở lại truyền thống như các chứng tâm thần khác và kết thúc sự nhầm lẫn giữa ASPD và chứng thái nhân cách.

Kết quả cuộc khảo nghiệm cho thấy hầu hết các đặc điểm nhân cách phản ánh các triệu chứng của chứng thái nhân cách có độ tin cậy tương đương các tiêu chí chỉ dựa vào hành vi như ở trong DSM-III-R; qua đó bác bỏ tiền đề ban đầu dùng để loại các đặc điểm nhân cách khỏi chẩn đoán ASPD / thái nhân cách. [25] Nói một cách khác, đưa các đề mục loại 1 trong PCL-R (Bảng kiểm tra thái nhân cách – có sửa đổi) vào tiêu chí chẩn đoán sẽ cải thiện tính hợp lệ của ASPD mà không làm giảm độ tin cậy. Các phân tích IRT cho thấy PCL-R của Hare trên thực tế đo được các đặc tính thái nhân cách tiềm ẩn ở mọi mức độ! Những phân tích tương tự từ dữ liệu khảo nghiệm cho thấy tiêu chí cho ASPD ít có khả năng phát hiện các đặc tính thái nhân cách hơn, đặc biệt là ở mức độ cao! Nói một cách khác, các tiêu chí ASPD như trong DSM-III-R được thiết kế - không biết có phải cố ý hay không - để bỏ qua những kẻ thái nhân cách ở cấp độ cao nhất!

Mặc dù nghiên cứu này cung cấp cơ sở thực nghiệm ủng hộ cho việc gia tăng các tiêu chí về nội tâm cho ASPD trong DSM-IV, điều này đã không xảy ra. Ủy ban DSM-IV lập luận rằng một bác sĩ bình thường sẽ không sử dụng phương pháp phức tạp để đánh giá các đặc điểm nhân cách như trong cuộc khảo nghiệm đó.

Điều đáng ngạc nhiên là những tiêu chí được sử dụng trong DSM-IV thậm chí không được đánh giá trong cuộc khảo nghiệm. Những gì được đánh giá trong cuộc khảo nghiệm đó là tập hợp 10 triệu chứng ở người lớn (tiêu chí C) cho ASPD liệt kê trong DSM-III-R. Tập hợp 7 hạng mục hiện liệt kê trong DSM-IV được lấy ra từ tập hợp 10 hạng mục trước. Tuy nhiên cuộc khảo nghiệm không đánh giá tiêu chí B (rối loạn hành vi trước tuổi 15), một tiêu chí liệt kê trong DSM-IV là một điều kiện tiên quyết cho một chẩn đoán ASPD!

Đoạn mô tả ASPD trong DSM-IV (mà nó nói là “cũng được biết đến là chứng thái nhân cách”) có nhắc đến những đặc tính truyền thống của chứng thái nhân cách, nhưng lại không phù hợp với các tiêu chí chẩn đoán chính thức ở nhiều điểm. Phần “Các đặc điểm liên quan” có chứa một nhận xét được diễn giải lại của Robert Hare: “Thiếu khả năng đồng cảm, tự đánh giá cao, kiêu ngạo, mồm miệng linh hoạt và hấp dẫn bề ngoài là những đặc tính của ASPD mà có thể đặc biệt hữu ích trong môi trường nhà tù hay pháp lý nơi mà các hành vi tội phạm và hung bạo ít đặc trưng cho rối loạn này hơn.” [27]

Vấn đề nảy sinh ra là ở chỗ những từ được dùng để mô tả các đặc điểm cảm xúc và quan hệ cá nhân ở trên là những từ thường gắn liền với chứng thái nhân cách và dựa phần lớn vào tập hợp 10 hạng mục của rối loạn thái nhân cách và bắt nguồn từ PCL-R. Chúng ta buộc phải kết luận là DSM-IV chứa hai tập hợp tiêu chí chẩn đoán cho ASPD: một bao gồm các hành vi tội phạm và chống xã hội, và cái kia bao gồm các hành vi đó cộng với các suy luận lâm sàng về nhân cách của đối tượng. Điều tệ hơn nữa là bác sĩ không có bất cứ hướng dẫn nào về việc làm thế nào để thực hiện các suy luận đó.

Một trong những hậu quả của sự nhập nhằng gắn liền với các tiêu chí về ASPD / thái nhân cách trong DSM-IV là nó mở rộng cửa cho những vụ xét xử trước tòa trong đó một bác sĩ có thể nói bị can đáp ứng các định nghĩa trong DSM-IV về ASPD và một bác sĩ khác có thể nói ngược lại và cả hai đều đúng! Bác sĩ đầu có thể chỉ dùng các tiêu chí chẩn đoán chính thức trong khi bác sĩ thứ hai có thể nói “vâng, bị cáo có thể đáp ứng các tiêu chí chính thức, nhưng anh ta hay cô ta không có những đặc điểm nhân cách mô tả trong phần “Các đặc điểm liên quan” của đoạn đó trong DSM-IV”. Nói một cách khác, một kẻ thái nhân cách lão luyện cùng với một luật sư giỏi có thể phạm bất cứ tội ác nào mà vẫn thoát thân.

Sự thất bại này của DSM-IV trong việc phân biệt rõ ràng giữa chứng thái nhân cách và ASPD có thể (và chắc chắn là sẽ) có những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Robert Hare viết:
… hầu hết các cấp thẩm quyền coi chứng thái nhân cách là yếu tố tăng nặng hơn là yếu tố giảm nhẹ trong việc xác định trách nhiệm hình sự. Ở một số bang, một bị cáo bị kết tội giết người ở mức độ thứ nhất và bị chẩn đoán là thái nhân cách dễ có khả năng nhận án tử hình với lý do kẻ thái nhân cách về bản chất là nhẫn tâm, không biết ăn năn, không chữa trị được và gần như chắc chắn sẽ phạm tội lần nữa. Nhưng nhiều kẻ giết người lĩnh án tử hình đã, và tiếp tục sẽ, bị gán danh hiệu thái nhân cách một cách nhầm lẫn dựa trên cơ sở các tiêu chí cho ASPD trong DSM-III, DSM-III-R hay DSM-IV. Chúng ta không biết bao nhiêu trong số những người lĩnh án tử hình này thực sự thể hiện cấu trúc nhân cách của kẻ thái nhân cách, hay bao nhiêu người chỉ đáp ứng tiêu chí cho ASPD, một chứng rối loạn áp dụng với phần lớn tội phạm và chỉ có một liên hệ mong manh đến khả năng chữa trị và xác suất phạm tội trở lại. Nếu một chẩn đoán thái nhân cách dẫn đến án tử hình, hay một mức án tăng nặng nào khác như là tù chung thân, người bác sĩ đưa ra chẩn đoán đó cần biết chắc là họ không nhầm lẫn giữa ASPD và chứng thái nhân cách. […] Sự nhầm lẫn trong chẩn đoán giữa hai chứng rối loạn có khả năng làm hại cả bệnh nhân tâm thần lẫn xã hội.

Xã hội ngụy trang

Trong cuốn sách Without Conscience (Không có lương tâm) của tôi, tôi lập luận rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội ngụy trang”, một xã hội trong đó một số đặc tính thái nhân cách – tính vị kỷ, không quan tâm đến người khác, sự nông cạn, thích bề ngoài hơn là nội dung, lạnh lùng, thủ đoạn và những thứ tương tự - ngày càng được chấp nhận và thậm chí đánh giá cao. Có thể dễ thấy là những kẻ thái nhân cách hay những kẻ với chứng ASPD sẽ dễ dàng hòa mình vào các nhóm đề cao các giá trị tội phạm hay chống xã hội. Điều khó hình dung hơn là làm thế nào những kẻ với chứng ASPD có thể ẩn trốn trong các thành phần xã hội nhân đạo và chan hòa hơn. Vậy mà những kẻ thái nhân cách không gặp chút khó khăn nào khi thâm nhập các lĩnh vực kinh doanh, chính trị, thực thi pháp luật, chính phủ, nghiên cứu và các cấu trúc xã hội khác. Chính là những kẻ thái nhân cách vị kỷ, nhẫn tâm, không biết ăn năn đã hòa nhập vào mọi khía cạnh của xã hội và gây ra những tác động thảm khốc cho những người xung quanh và làm các nhân viên thực thi pháp luật phải ớn lạnh sống lưng.

4. Quan hệ của chứng thái nhân cách với các rối loạn tâm thần khác

Khả năng xuất hiện nhiều chứng rối loạn cùng một lúc là một chủ đề gây tranh giữa các luồng tư tưởng nói trên và những vấn đề của DSM-IV đã thảo luận. Có vẻ như khả năng xuất hiện chứng thái nhân cách cùng lúc với các rối loạn tâm thần khác là hạn chế và dễ gây nhầm lẫn. [28] Nhiều trong số những đặc điểm thường được sử dụng để định nghĩa chứng thái nhân cách – tính bốc đồng, vị kỷ nhẫn tâm, vô trách nhiệm, v.v… - cũng xuất hiện ở các rối loạn khác trong các dạng kết hợp khác nhau. Ở góc độ này, chứng thái nhân cách tương tự như các rối loạn nhân cách khác định nghĩa trong DSM-IV. Như đã đề cập ở trên trong phần lịch sử, theo nhà tâm lý học Đông Ấu Andrew Lobaczewski, các bác sĩ của trường phái châu Âu cũ cho rằng có nhiều loại thái nhân cách bao gồm thái nhân cách nhược thần, phân lập, ám ảnh cưỡng chế, kích động. [29]


Chứng thái nhân cách, khi được đo trên PCL-R, là tương quan âm với tất cả các rối loạn Trục I trong DSM-IV ngoại trừ các rối loạn lạm dụng chất gây nghiện. PCL-R Yếu tố 1 có tương quan với rối loạn nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách kịch tính. PCL-R Yếu tố 1 có liên hệ với tính hướng ngoại và tình cảm tích cực. Yếu tố 1, những cái gọi là đặc tính nhân cách cốt lõi của chứng thái nhân cách, thậm chí có thể mang lại lợi ích cho kẻ thái nhân cách (về mặt hoạt động xã hội bình thường).

PCL-R Yếu tố 2 tương quan đặc biệt mạnh với rối loạn nhân cách chống xã hội và tội phạm. PCL-R Yếu tố 2 có liên hệ với phản ứng tức giận, lo lắng, gia tăng nguy cơ tự vẫn, tội phạm và bạo lực bốc đồng.

5. Mức độ phổ biến của chứng thái nhân cách

Ước tính về mức độ phổ biến của bất cứ hội chứng rối loạn nào dĩ nhiên là phụ thuộc vào việc nó được định nghĩa thế nào, đánh giá thế nào, ai là người đánh giá và tại sao. Và dĩ nhiên là nếu có các lý do chính trị để che giấu sự phổ biến của chứng thái nhân cách (ví dụ như có những kẻ thái nhân cách ở vị trí nắm quyền lực chính trị, nơi thu hút chúng đến một cách tự nhiên và chúng có kỹ năng cần thiết để đạt tới), khi đó định nghĩa và cách đánh giá sẽ được thiết kế để dùng cho các lý do chính trị.


Trong một bài viết gần đây, [30] các tác giả viết:
Chứng thái nhân cách, như được trình bày ban đầu bởi Cleckley (1941), không chỉ giới hạn vào việc tham gia các hoạt động bất hợp pháp, mà bao gồm cả các đặc điểm nhân cách như tính thủ đoạn, không thành thật, vị kỷ và không cảm thấy tội lỗi - những đặc điểm thường có trong tội phạm nhưng cũng có ở trong vợ/chồng, cha mẹ, ông chủ, luật sư, chính trị gia và giám đốc, chỉ kể ra một số (Bursten, 1973; Stewart 1991). Đánh giá của chúng tôi về mức độ phổ biến của chứng thái nhân cách trong cộng đồng trường đại học gợi ý rằng có lẽ 5% hoặc hơn trong số các đối tượng được đánh giá có thể coi là thái nhân cách, và tuyệt đại đa số những đối tượng đó là nam giới (hơn 1/10 nam giới so với khoảng 1/100 nữ giới).

Như vậy, chứng thái nhân cách có thể được mô tả là… có xu hướng thiên về cả sự thống trị lẫn tính lạnh lùng. Wiggins (1995), khi tổng kết nhiều nghiên cứu trước đó, chỉ ra rằng những cá nhân ấy thường dễ nổi giận, bực tức và sẵn sàng lợi dụng người khác. Chúng kiêu ngạo, thủ đoạn, hay chỉ trích cay độc, phô trương, hay tìm cảm giác mạnh, nham hiểm, thù dai và làm mọi việc để thu lợi cá nhân. Trong tương tác xã hội (Foa & Foa, 1974), chúng thoải mái nhận tình yêu và sự tôn trọng từ người khác, tự coi bản thân là rất quan trọng và xứng đáng, nhưng lại không hoàn lại tình yêu và sự tôn trọng cho người khác, coi họ là không xứng đáng và không đáng kể. Cách mô tả này rõ ràng là phù hợp với bản chất của chứng thái nhân cách như thường được mô tả.

Nghiên cứu này tìm cách trả lời một số câu hỏi cơ bản về cấu trúc của chứng thái nhân cách ở ngoài môi trường pháp lý… Trong khi làm vậy, chúng ta quay lại với điểm Cleckley (1941) nhấn mạnh ban đầu là chứng thái nhân cách là một kiểu nhân cách không chỉ có ở trong bọn tội phạm mà cả trong các cá nhân thành công trong cộng đồng.

Điều lộ rõ từ những kết quả nghiên cứu của chúng tôi là (a) các tiêu chuẩn đánh giá chứng thái nhân cách đã hội tụ về một nguyên mẫu thái nhân cách có liên quan đến các đặc tính thích thống trị và lạnh lùng trong quan hệ cá nhân; (b) chứng thái nhân cách có trong cộng đồng với một tỷ lệ có thể là cao hơn dự kiến; và (c) chứng thái nhân cách có vẻ hầu như không có điểm chung nào với các rối loạn nhân cách khác ngoại trừ rối loạn nhân cách chống xã hội…

Rõ ràng là trong khi chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ thêm những yếu tố nào phân biệt giữa kẻ thái nhân cách tuân thủ pháp luật (mặc dù có lẽ là không tuân thủ đạo đức) và kẻ thái nhân cách vi phạm pháp luật; những nghiên cứu đó chắc chắn cần sử dụng nhiều các đối tượng nghiên cứu ngoài môi trường pháp lý hơn mức độ từ trước tới nay.

6. Chứng thái nhân cách ở trẻ em

“Nếu bạn có hành vi chống xã hội mà lại lớn lên trong một gia đình êm ấm, lý do cho hành vi bạo lực của bạn có thể liên quan đến sinh học nhiều hơn là quá trình lớn lên của bạn,” tiến sĩ tâm sinh lý học Adrian Raine từ trường đại học Nam California nói.


Năm 1979, cô gái 16 tuổi Brenda Spencer nhận được quà sinh nhật là một khẩu súng trường. Cô ta dùng nó để bắn trẻ em tại một trường tiểu học ở gần nhà (San Diego). Chín bị thương, hai chết. Sau đó một phóng viên hỏi tại sao cô ta làm vậy và cô ta trả lời “Tôi không thích ngày thứ hai. Tôi làm vậy để cho nó náo nhiệt hơn một chút.”

Năm 1986, cậu bé 9 tuổi Jeffrey Bailley, Jr. đẩu một đứa trẻ 3 tuổi xuống phần sâu của một bể bơi của một nhà nghỉ ở Florida bởi vì cậu ta muốn thấy ai đó chết đuối. Trong khi đứa bé chìm xuống đáy bể, Jeffrey lôi ra một cái ghế để ngồi xem. Khi mọi chuyện đã xong, cậu ta đứng lên và về nhà. Khi được hỏi, cậu ta quan tâm đến việc cậu ta là trung tâm của sự chú ý hơn là cảm thấy hối hận về việc đã làm.

Vào ngày 13/4/2000, ba học sinh lớp một bị bắt gặp đang lập mưu giết một bạn cùng lớp. Chúng đã lập một câu lạc bộ “hận thù” và đang tìm cách chiêu mộ những bạn gái khác để cùng tham gia vào kế hoạch giết người. Chúng còn chưa biết chắc sẽ bắn chết nạn nhân của chúng, hay đâm chết với một con dao mổ thịt hay treo cổ.

Những trường hợp này, và bên cạnh đó còn nhiều nữa, cho thấy ngày một rõ hơn rằng chứng thái nhân cách không phải chỉ là một vấn đề của người lớn. Một số chuyên gia phát triển trẻ em tin rằng chứng thái nhân cách ở trẻ em đang gia tăng với một tỷ lệ đáng báo động. Trong nghiên cứu, những đứa trẻ này được coi là “thái nhân cách còn non trẻ” và chúng sẽ trở nên ngày một nguy hiểm hơn khi chúng lớn lên. Như các nghiên cứu cho thấy, hầu hết trong số chúng sẽ không trở thành kẻ giết người nhưng chắc chắn chúng sẽ học cách thi triển thủ đoạn, lừa gạt và lợi dụng người khác để thu lợi cho bản thân tốt hơn.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng những đứa trẻ như vậy đã không phát triển được các gắn bó tình cảm để khiến chúng có thể đồng cảm với nỗi đau của người khác. Thay vào đó, chúng phát triển những đặc tính kiêu ngạo, dối trá, ái kỷ, không biết xấu hổ và nhẫn tâm.

Như đã nói ở trên, trong nhiều năm, các tiêu chí chẩn đoán cho chứng thái nhân cách ở người lớn đã trải qua một số thay đổi về khái niệm gây nhiều nhầm lẫn. Kẻ thái nhân cách từng được gọi là thái nhân cách xã hội (sociopath) nhưng chúng cũng từng được phân biệt thành một nhóm riêng biệt khỏi thái nhân cách xã hội. Một yếu tố gây rắc rối nữa đã được thảo luận ở trên là sự phát triển của các tiêu chí chẩn đoán cho rối loạn nhân cách chống xã hội. Các tiêu chí này có nhiều trùng lặp với các đặc tính của một kẻ thái nhân cách, nhưng lại cũng có những điểm khác biệt cơ bản. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi chứng thái nhân cách vị thành niên cũng được định nghĩa một cách mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn với nhiều loại rối loạn hành vi vị thành niên khác hoặc có những đứa trẻ đã được chẩn đoán là rối loạn hành vi trong khi đáng ra phải được chẩn đoán là thái nhân cách.

Trong bộ phim The Bad Seed (Hạt giống hỏng), 1956 dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1954, đứa trẻ thái nhân cách Rhoda được mô tả là dễ thương, đáng yêu, đầy thủ đoạn và chết người. Tác giả của cuốn sách, William March, đã chịu ảnh hưởng từ công trình của Hervey Cleckley. Wikipedia tuyên bố sai lầm là thuật ngữ “thái nhân cách" chưa được sử dụng vào thời điểm cuốn sách được viết. [31]

Trong Không có Lương tâm Robert Hare trích từ Hạt giống hỏng:
Những người tốt hiếm khi nghi ngờ. Họ không thể tưởng tượng việc người khác làm những điều bản thân họ không làm được, và thường họ chấp nhận đáp án ít kịch tính là sự thật và để cho mọi chuyện qua đi. Đồng thời, những người bình thường có xu hướng hình dung kẻ thái nhân cách là một kẻ bề ngoài cũng quái dị như nội tâm của hắn. Điều này không thể xa sự thật hơn nữa… Những con quái vật trong cuộc sống thực này thường trông và cư xử một cách bình thường hơn những người anh chị em bình thường của chúng. Chúng trình diễn một bức tranh của đức hạnh còn thuyết phục hơn là chính bản thân đức hạnh – cũng giống như bông hồng bằng sáp hay hay quả đào bằng nhựa trông còn hoàn hảo hơn, giống hình ảnh mà chúng ta có trong đầu về một bông hồng hay quả đào hơn là bản gốc không hoàn hảo mà từ đó chúng được tạo ra.
6.1. Nuôi dạy hay tự nhiên?

Những kẻ thái nhân cách là được sinh ra hay tạo ra?

Robert Hare gợi ý rằng cả hai chiều đều có dính líu. [32] J. Reid Meloy viết:
…một đứa trẻ đi vào thế giới này với một kiểu gen nhất định và kiểu gen đó bộc lộ ra ngoài tùy theo kinh nghiệm cá nhân. [33]
6.1.1. Thể nền bản năng hay cơ sở tâm sinh học

Andrew Lobaczewski thảo luận về vai trò của cái mà ông gọi là thể nền bản năng. Ông viết:
Thể nền bản năng của con người có cấu trúc sinh học hơi khác của động vật một chút. Về mặt sức mạnh, nó đã trở nên ít mạnh mẽ hơn và mềm dẻo hơn, qua đó từ bỏ vai trò chỉ đạo hành vi độc quyền của nó. Nó trở nên dễ tiếp nhận sự điều khiển của lý trí hơn mà vẫn không đánh mất nội dung bản năng phong phú của con người… Thể nền này chứa đựng kết quả của hàng triệu năm phát triển tâm sinh học bắt nguồn từ điều kiện sống của loài vượn người, vì vậy nó không phải và cũng không thể là một tạo vật hoàn hảo. Những yếu điểm thuộc về bản chất con người mà hầu hết mọi người đều biết và những sai lầm trong nhận thức về tự nhiên và lĩnh hội thực tế vì vậy đã được hình thành trên cả loài người từ hàng thiên niên kỷ. […]

Con người sống theo bầy đàn trong suốt thời tiền sử, vì vậy thể nền bản năng của loài người được hình thành theo liên kết đó và qua đó định hình các cảm xúc của chúng ta về những gì chúng ta thu nhận từ cuộc sống. Nhu cầu có một cơ cấu nội bộ phù hợp, tương đồng và việc phấn đấu để đạt được một vai trò xứng đáng trong cơ cấu đó được mã hóa ở tận mức độ này. […]

Sự sốt sắng tìm cách kiểm soát bất cứ ai gây hại cho chúng ta hay nhóm của chúng ta là nguyên thủy đến gần như thành phản xạ vô điều kiện khiến chúng ta không còn chút nghi ngờ nào rằng nó cũng được mã hóa ở mức độ bản năng. […]

Cũng chính ở cấp độ này bắt đầu xảy ra sự khác biệt giữa các cá nhân, ảnh hưởng đến sự hình thành cá tính, thế giới quan và thái độ của họ. Khác biệt chủ yếu xảy ra ở các tương tác tâm sinh học tại thể nền này; khác biệt trong nội dung chỉ là thứ yếu. Đối với một số người, các bản năng chủ đạo đóng vai trò thay thế tâm lý; đối với những người khác, bản năng dễ dàng nhường chỗ cho lý trí. Cũng có lý do để cho rằng một số người được phú cho bản năng phong phú và tinh tế hơn những người khác. Một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số có khiếm khuyết đáng kể trong thể nền bản năng, và chúng ta coi số người này là bệnh hoạn thuộc về bản tính. [34]
J. Reid Meloy viết cùng một ý:
“Ngôi nhà của kẻ thái nhân cách” được xây trên một cái nền tâm sinh học không có sự gắn bó tình cảm, rất ít nhạy cảm và lo âu…

Sự gắn bó tình cảm là một hệ thống hành vi có nguồn gốc sinh học và đặc trưng theo loài. Nó duy trì sự gần gũi giữa trẻ em và người chăm sóc. Khái niệm này lần đầu tiên được hình thành và nghiên cứu bởi John Bowlby, James Robertson và Mary Ainsworth tại Phòng khám Tavistock ở London (Robertson và Bowlby, 1952; Bowlby, 1953; Ainsworth và Bowlby, 1954). Sự gắn bó tình cảm ăn sâu trong loài chim và động vật có vú, nhưng thường là vắng mặt ở loài bò sát. [35]
Meloy nhắc đến đến “bản chất bò sát” của những kẻ thái nhân cách ở một số chỗ khác trong công trình của ông:
Một quan sát lâm sàng nữa hỗ trợ giả thuyết về một trạng thái bò sát trong một số nhân vật thái nhân cách nguyên ủy là sự thiếu vắng cảm xúc trong mắt của chúng. Mặc dù thông tin này chỉ bắt nguồn từ trực giác và có tính giai thoại, trong quá trình làm việc trong môi trường pháp y và trại giam, tôi đã nghe những mô tả về cặp mắt của một số bệnh nhân hay tù nhân là lạnh lùng, không chớp, khắc nghiệt, trống rỗng và thiếu vắng cảm xúc. Phản ứng của các nhân viên khi nhận thấy điều này trong mắt kẻ thái nhân cách bao gồm: “Tôi cảm thấy sợ hãi… hắn ta trông rất kỳ quái; tôi cảm thấy hắn như đang nhìn xuyên qua tôi; khi hắn nhìn tôi, tóc gáy tôi dựng đứng cả lên.”

Nhận xét cuối cùng đặc biệt đáng chú ý vì nó mô tả được phản ứng sợ hãi tự nhiên, nguyên thủy của con mồi trước một con thú ăn thịt.

Tôi rất ít khi nghe những nhận xét tương tự từ những người nhân viên giàu kinh nghiệm ấy khi họ đối phó với những cơn đe dọa, bạo lực hay bùng phát của các bệnh nhân khi đang hùng hổ, tức giận. Có vẻ như họ cảm nhận được sự thiếu hụt khả năng cảm nhận tình cảm và khả năng đồng cảm ở một cá nhân thái nhân cách, mặc dù cá nhân đó không hề tỏ ra bạo lực trong lúc đó…

Tôi hầu như không thấy có tài liệu nghiên cứu nào, cả lý thuyết lần thực nghiệm, tìm hiểu hành vi săn mồi bằng mắt này của kẻ thái nhân cách… Cái nhìn chăm chăm của kẻ thái nhân cách trỏ đến sự thích thú bản năng hơn là sự quan tâm đồng cảm. Tương tác này được định hình bởi các thông số về quyền lực chứ không phải là sự gắn bó tình cảm. [36]
Việc nhìn nhận kẻ thái nhân cách như là loài bò sát về bản chất cũng được nhắc đến bởi Andrew Lobaczewski khi ông viết về tác động của kẻ thái nhân cách lên người bình thường:
Khi tâm trí của người bình thường tiếp xúc với một hiện thực quá khác biệt so với những trải nghiệm của một người bình thường lớn lên trong một xã hội chi phối bởi những người bình thường, sự tiếp xúc này tạo ra những triệu chứng sốc tâm sinh lý trong não, dẫn đến hoạt động vỏ não cũng như cảm xúc bị ức chế một cách không kiểm soát được. Tâm trí người ấy khi đó hoạt động chậm hơn và kém sắc bén hơn vì các cơ chế liên kết đã trở nên kém hiệu quả. Đặc biệt khi một người tiếp xúc trực tiếp với một cá nhân thái nhân cách, kẻ nhân cơ hội đó dùng nhân cách bệnh hoạn của hắn làm chấn thương tâm thần của những người khác, tâm trí của anh ta thường bị sa vào một trạng thái đờ đẫn tạm thời. Thái độ kiêu ngạo và nhục mạ người khác của những kẻ thái nhân cách, thứ luân lý giả tàn bạo mà chúng dùng làm u mê mạch suy nghĩ và khả năng tự vệ của anh ta, để rồi những giá trị lệch lạc của kẻ thái nhân cách có thể bám rễ vào tâm trí anh ta…

Chỉ sau khi những trạng thái tâm lý cực kỳ khó chịu ấy qua đi nhờ việc nghỉ ngơi bầu bạn cùng những người tốt bụng, anh ta mới có thể suy ngẫm lại – luôn luôn là một quá trình khó khăn và đau đớn – và nhận thức được tâm trí và khả năng suy xét của anh ta đã bị đánh lừa bởi một cái gì đó mà người bình thường không tưởng tượng được. [37]
6.1.2. Bộ não bò sát (reptilian brain)

Theo các học thuyết tiến hóa, khoảng nửa tỷ năm trước, nhiều loài động vật có xương sống phát triển tràn lan trên bề mặt trái đất. Tiếp sau đó là nhiều chủng loại đa dạng của côn trùng, lưỡng cư và cuối cùng là những loài khủng long đầu tiên. Cùng với thời gian, não bộ cũng đã tiến hóa để đáp ứng với những tác động liên tục thay đổi của môi trường. Hệ viền và “não bò sát” của các dạng sinh vật nguyên thủy không bị thay thế, mà chỉ phát triển tiếp lên.

Não bộ con người phát triển thành một chuỗi bốn bộ não riêng biệt, mỗi bộ não có bộ nhớ, dây thần kinh vận động và các chức năng khác của riêng chúng. Mỗi bộ não mở rộng và chi tiết hóa thêm vào các xử lý của các tầng não trước, và tăng cường khả năng tổ chức và sinh tồn cho các chức năng của não sau, não giữa và tủy sống. “Bộ não” đầu tiên mô tả bởi Maclean là “bộ não bò sát”. Phần não này chứa các kiến thức sơ cấp truyền từ đời này qua đời khác qua di truyền và điều hành các hành vi lặp lại thuộc về nghi thức như di cư, bảo vệ lãnh thổ, gây hấn, tán tỉnh. Maclean mô tả một thành tựu quan trọng của bộ não bò sát là “trở về”, hay là xu hướng trở về một khung tham khảo được nhận biết từ trước sau khi rời ra để thực hiện hoạt động sinh sản, kiếm mồi, v.v… Mahoney liên hệ điều này đến sự phát triển của “hiện thực” con người, hình ảnh chúng ta tạo ra về một thế giới trật tự và ổn định về mặt thời gian.

“Bộ não” thứ hai cần phát triển là hệ viền (limbic system) hay “não cổ thú” (paleomammalian brain). Ở mức độ này các mẫu hành vi liên quan đến đời sống (ăn uống, gây hấn, và sinh sản) được hợp nhất và cải tiến. Nó được biết đến nhiều nhất bởi vai trò của nó trong xử lý mức độ tình cảm và động lực (Mahoney, 1991). Hệ viền phối hợp cơ chế duy trì sự sống nội môi, hành vi có chủ đích, trí nhớ, việc học tập và tình cảm. Như vậy, nó có hình thái sơ cấp của sự suy ngẫm và tự điều khiển.

Bộ não thứ ba, bộ não “thú mới” (neomammalian brain), còn được biết đến với cái tên “vỏ não mới” (neocortex), chiếm 85% não bộ người trưởng thành. Phần vỏ não trước, liên quan đến các tổ chức trí não bậc cao, chủ ý và sự tự nhận thức, lớn gấp sáu lần so với các loài linh trưởng khác cùng kích cỡ như con người (Mahoney, 1991). Mahoney cảnh báo không nên nghĩ rằng vì nó phát triển sau, các chức năng lý trí của vỏ não mới có thể thắng thế hay kiểm soát các tình cảm từ não viền. Mặc dù bị ức chế bởi vỏ não mới, một số bộ phận của hệ viền với các chức năng sinh tồn sơ cấp có thể thắng thế sự kiểm soát của vỏ não mới. (Joseph, 1992; Joseph, 1993, Mahoney, 1991).

Bộ não thứ tư của con người được nhìn nhận là khác biệt với vỏ não mới và được chia thành hai “não cao cấp” hay bán cầu não riêng biệt và hoạt động độc lập. Trong mô tả ban đầu của ông về “bộ não ba ngôi”, MacLean không nhìn nhận sự cần thiết phải mô tả cấp bậc thứ tư của hoạt động não độc lập này, tuy nhiên phần lớn các nhà thần kinh học hiện đại không đồng ý với quan điểm đó (Mahoney, 1991). Sự phân chia giữa bốn hệ thống não này và những thay đổi thích hợp trong cảm xúc và suy nghĩ xảy ra chủ yếu trong thời thơ ấu, nhưng tiếp tục đến tuổi thiếu niên và thậm chí trưởng thành. Hầu hết chúng ta khi nhìn thấy người khác đau khổ, trung tâm tình cảm của chúng ta, hệ viền, được đánh thức. Chúng ta cảm thấy một chút những gì người khác đang cảm nhận. Hare và các đồng nghiệp của ông (dùng chụp ảnh cộng hưởng từ (fMRI)) nghiên cứu các hoạt động thần kinh khi những kẻ thái nhân cách xử lý các từ khác nhau. Khi những người bình thường xử lý các từ mang cảm xúc tiêu cực (ví dụ, hãm hiếp, cái chết, ung thư), hoạt động trong hệ viền của não gia tăng. Với những kẻ thái nhân cách, có rất ít hay không có sự gia tăng hoạt động trong những khu vực này.

Trong Journal of Biological Psychiatry (Tạp chí Tâm thần Sinh học), Adrian Raine của trường Đại học California giải thích rằng trung bình não của những kẻ giết người có tỉ lệ hấp thu glucose thấp hơn đáng kể so với bộ não lành mạnh của các đối tượng đối chứng. Raine ghi lại rằng “hoạt động kém hiệu quả của các vùng viền giúp giải thích tại sao những kẻ tội phạm bạo lực không rút ra được bài học từ kinh nghiệm và ít có khả năng điều chỉnh cảm xúc của chúng.” [38]

6.1.3. Thất bại của dưỡng dục – Liên kết tình cảm?

Nhiều nhà nghiên cứu thiên về - và thậm chí là bám lấy - giải thích “thất bại của dưỡng dục” cho chứng thái nhân cách. Về điều này, Meloy viết:
Tầm quan trọng của sinh học trong… chứng thái nhân cách không nên bỏ qua (Raine, 1993; Cooke, Forth, và Hare, 1998)… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng thái nhân cách có có mối quan hệ phi tuyến nghịch với các kinh nghiệm thời thơ ấu bị bỏ mặc hay lạm dụng (Marshall và Cooke, 1999). Nói một cách khác, những kẻ bị chứng thái nhân cách nghiêm trọng ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình khi chúng lớn lên; trong khi những kẻ bị chứng thái nhân cách nhẹ hay trung bình chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoàn cảnh gia đình. Chụp não (PET) cũng cho thấy sự thiếu hụt về chức năng đo bởi glucose phóng xạ trong những kẻ giết người với nhiều tiền án trầm trọng hơn ở những kẻ từ môi trường gia đình tốt so với những kẻ từ môi trường gia đình xấu (Raine, Stoddard, et al., 1998) [39]
Meloy mô tả kẻ thái nhân cách như sau:
Kẻ thái nhân cách là một kẻ giả mạo. Không có khả năng đồng hóa sâu sắc với mọi người, hầu hết các hành vi của hắn khi trưởng thành bao gồm việc bắt chước và mô phỏng một cách có ý thức các suy nghĩ, tình cảm và hoạt động của người khác… Tôi dùng từ bắt chước để chỉ việc làm theo một cách chủ ý và có ý thức thái độ hay hành vi của một người khác…

Không như một người với chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đôi khi còn cảm nhận một cách có ý thức sự giả tạo của bản thân, kẻ thái nhân cách không có chút nhận thức nào về “cái tôi giả” này hay cái bản chất giả tạo của những trải nghiệm của hắn. Hắn không chỉ đóng vai và quan sát các giới hạn của vai đó. Hắn thực sự sống vai hắn đóng.

Quá trình thái nhân cách cũng có thể được thể hiện bởi những cá nhân mà sự mô phỏng của chúng quá lão luyện, cho dù là nhận thức, tình cảm hay hành vi, đến nỗi tuyệt đối không có chút nghi ngời nào là một sự đồng hóa giả tạo có thể đang diễn ra. Đặc biệt khó khăn khi đánh giá là với kẻ thái nhân cách thông minh và có duyên giao thiệp… Mọi thành công trong việc chỉ ra những cá nhân này chủ yếu phụ thuộc vào các thông tin chứng thực từ người thân, gia đình, người quen và các bác sĩ khác. [40]
6.2. Rối loạn nhân cách chống xã hội trong DSM-IV và trẻ em

Rối loạn nhân cách chống xã hội được mô tả trong DSM-IV như là “một tình trạng phổ biến của việc bỏ qua và vi phạm các quyền của những người khác, bắt đầu từ khi còn nhỏ hay chớm niên thiếu và tiếp tục đến lúc trưởng thành… Tình trạng này còn được gọi là thái nhân cách, thái nhân cách xã hội, hay rối loạn nhân cách lẩn tránh xã hội.” [41] Sự lẫn lộn giữa các thuật ngữ, như đã thảo luận ở trên, là đặc biệt có hại cho nghiên cứu vì trong khi DSM-IV mô tả rối loạn nhân cách chống xã hội là “gắn liền với địa vị kinh tế xã hội thấp kém”, [42] chứng thái nhân cách lại “có vẻ ít có khả năng gắn liền với nghịch cảnh hay bất lợi xã hội”. [43]

Chứng thái nhân cách không gắn với cân nặng thấp lúc sinh, biến chứng lúc sinh, nuôi dạy không tốt, nghèo khó, chấn thương tâm lý khi còn bé hay các trải nghiệm bất lợi khác, và quả thực Robert Hare nhận xét “Tôi không thấy có bằng chứng thuyết phục nào rằng chứng thái nhân cách là kết quả trực tiếp của các yếu tố xã hội hay môi trường khi còn bé”. [44]

6.3. Mô hình hai ngưỡng của Cloninger cho chứng thái nhân cách qua di truyền

Mô hình ‘hai ngưỡng’ của Cloninger gợi ý một đóng góp đa gen và giới hạn theo giới tính cho chứng thái nhân cách. Theo đó, nhiều đàn ông hơn là phụ nữ sẽ vượt quá ngưỡng để kích hoạt các khuynh hướng gen có sẵn. Mô hình này dự đoán rằng nam giới dễ bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường hơn và những người phụ nữ trở thành thái nhân cách có khuynh hướng gen thái nhân cách cao hơn nam giới. Điều này được xác nhận bởi khám phá là con cái của những kẻ thái nhân cách nữ giới dễ trở thành thái nhân cách hơn con cái của những kẻ thái nhân cách nam giới. [45]

Một đặc tính của chứng thái nhân cách là các hành vi cực kì bạo lực và chống xã hội xuất hiện ở lứa tuổi rất sớm, thường là bao gồm nói dối vặt và không suy nghĩ, ăn cắp vặt, một quá trình giết hại thú vật, thử nghiệm tình dục từ sớm, và ăn cắp. [46] Trong một nghiên cứu trên 653 đối tượng phạm tội nghiêm trọng, các hành vi có vấn đề trong thời thơ ấu cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của chứng thái nhân cách như là một lớp người riêng. Tuy nhiên, ‘các thông số về lịch sử tội phạm lúc trưởng thành được phân bố liên tục và bản thân chúng không đủ để phát hiện thành viên của lớp đó.’ [47] Trong một nghiên cứu khác, những kẻ thái nhân cách tội phạm nam giới có điểm số về các vấn đề lúc sinh ra và chỉ số không đối xứng thấp hơn những kẻ tội phạm thông thường. Những kẻ tội phạm đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt nhất về chứng thái nhân cách có chỉ số không đối xứng thấp nhất trong những kẻ tội phạm. [48]

Giáo sự Adrian Raine chỉ đạo một nghiên cứu trong đó các nhà khoa học từ trường Đại học Nam California và trường Đại học California tại Irvine dùng Chụp Cắt lớp bằng Phát xạ Positron (PET) để chụp não bộ của 38 đối tượng nam và nữ đã bị truy tố vì tội giết người. Một số trong đó đã có đơn xin miễn tố vì mắc bệnh tâm thần, trong khi số còn lại đã được chứng nhận không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Chụp bằng PET đo sự hấp thụ đường huyết (glucose) ở các vùng não khác nhau trong quá trình thực hiện những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại. (Glucose là nhiên liệu cơ bản cho hầu hết các hoạt động của tế bào. Lượng tiêu thụ glucose liên quan đến mức độ hoạt động của tế bào.)

Các nhà nghiên cứu xem qua hàng đống hồ sơ xét xử, phỏng vấn của luật sư, hồ sơ y tế và tâm thần và các bài báo để tìm kiếm bằng chứng về quá trình lớn lên của các đối tượng; liệu họ có từng bị trải qua lạm dụng thể xác hay tình dục, bỏ bê, nghèo khổ cùng cực, cho làm con nuôi, có xung đột nghiêm trọng trong gia đình, có cha mẹ tội phạm - tất cả các rủi ro thường được gắn với xu hướng bạo lực trong tâm trí mọi người.

Các nhà nghiên cứu cho điểm mức độ nghiêm trọng của những rủi ro họ tìm thấy trên một thang điểm 5, với 0 nghĩa là không bị lạm dụng, 1 rất ít, 2 thỉnh thoảng, 3 thường xuyên và 4 cùng cực.

Trong 38 kẻ giết người, chỉ có 12 có bằng chứng là đã trải qua lạm dụng và thiếu hụt tâm lý đáng kể (điểm 2 đến 4). Số 26 còn lại trải qua rất ít lạm dụng và thiếu hụt tâm lý hoặc không chút nào (điểm 0 đến 1).

So với các đối tượng từ những môi trường thơ ấu tiêu cực, 26 đối tượng còn lại từ môi trường bình thường có hoạt động của vùng giữa vỏ não dưới trán (medial prefontal cortex) trên trung bình 5.7% thấp hơn. Đáng chú ý hơn nữa, một phần đặc biệt của vùng giữa vỏ não dưới trán – vùng trán ổ mắt ở bán cầu não phải – cho thấy hoạt động 14.2% ít hơn.

“Phụ huynh của những đứa trẻ bạo lực thường tự hỏi, ‘Tôi đã làm gì sai?’” Raine, giáo sư sinh lý học của College of Letters, Arts and Sciences, trường Đại học Nam California, nói. “Khi những đứa trẻ này đến từ một gia đình tốt, câu trả lời có thể là hoàn toàn không gì cả. Một thiếu hụt về mặt sinh học có thể là nguyên nhân.”

6.4. Chẩn đoán chứng thái nhân cách ở trẻ em

Thông thường chứng thái nhân cách không được chẩn đoán ở trẻ em hay thiếu niên và một số nơi có luật rõ ràng cấm chẩn đoán chứng thái nhân cách và các rối loạn nhân cách tương tự ở trẻ vị thành niên. Các xu hướng thái nhân cách đôi khi có thể được nhận biết từ thời thơ ấu hay chớm niên thiếu và nếu được nhận ra, có thể chẩn đoán dưới dạng rối loạn hành vi. Phải nhấn mạnh là không phải tất cả trẻ em chẩn đoán là rối loạn hành vi đều lớn lên thành thái nhân cách, hay thậm chí là có chút rối loạn nhân cách nào, nhưng những dấu hiệu từ thời thơ ấu này được tìm thấy với tỷ lệ cao hơn đáng kể trong số những kẻ thái nhân cách so với trong dân số nói chung.

Những trẻ em có dấu hiệu thái nhân cách mạnh thường tỏ ra miễn nhiễm với sự trừng phạt; có vẻ như không gì có thể thay đổi hành vi tiêu cực của chúng. Do vậy, cha mẹ thường đầu hàng, và các hành vi đó càng xấu đi. [49]

6.5. Các dấu hiệu của chứng thái nhân cách trong thời thơ ấu

Một thời gian, dưới sự ảnh hưởng của DSM-III, nó được cho rằng các dấu hiệu của chứng thái nhân cách ở trẻ em bao gồm những đặc điểm sau:
  • Một giai đoạn đái dầm dài hơn bình thường
  • Độc ác với thú vật
  • Đốt phá và các hành vi phá hoại khác
  • Nói dối
  • Trốn học
  • Trộm cắp
  • Hung hăng với bạn bè
  • Thách thức uy quyền
Ba dấu hiệu, đái dầm, độc ác với thú vật và đốt phá được gọi là bộ ba MacDonald, và được mô tả lần đầu tiên bởi J.M. MacDonald là những dấu hiệu của chứng thái nhân cách. [50] Tính xác đáng của dấu hiệu đái dầm sau đó đã bị chính MacDonald nghi ngờ. [50] Những thông tin mới nhất cho thấy đái dầm có nhiều khả năng chỉ là một vấn đề gắn với kỳ vọng của những người xung quanh và sự phát triển chậm của đứa trẻ. Trong quá khứ, những đứa trẻ đái dầm thường phải chịu những biện pháp chữa trị đau đớn như là thuốc men, dùng các thiết bị cơ khí và các bào chế dược khác, đến mức đôi khi bị tàn tật vĩnh viễn. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến các hành vi phản ứng. Cách chữa trị hiện đại cho chứng đái dầm tập trung vào các liệu pháp hành vi và giáo dục cho cả phụ huynh và trẻ em. Mặc dù vậy, một khi đã bị cho là một dấu hiệu của chứng thái nhân cách ở trẻ em, nhãn hiệu ấy khó mà loại bỏ được.

Phải đến gần đây mới bắt đầu có nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát để trả lời câu hỏi liệu các trẻ em với những dấu hiệu bị cho là biểu hiện của chứng thái nhân cách này phản ứng với can thiệp chữa trị thế nào so với những trẻ em chẩn đoán rối loạn hành vi nhưng không có những đặc điểm ấy. Kết quả từ nghiên cứu này phù hợp với các bằng chứng khác - trỏ đến khả năng điều trị thấp. [51]

Một nghiên cứu khác cho rằng những kẻ thái nhân cách có một kiểu gen riêng dẫn đến một “tính khí hay cá tính bẩm sinh, cộng với một xu hướng kém phản ứng thuộc về bản năng, dẫn đến đứa trẻ trở nên không phản ứng một cách có chọn lọc với những chỉ dẫn cần thiết cho việc giao tiếp xã hội bình thường và sự phát triển đạo đức.” [52]

Do ít có bằng chứng trỏ đến lịch sử phát triển bất ổn định hay tổn thương não ở những kẻ thái nhân cách, chúng ta cần chú ý đến khả năng những trẻ em thái nhân cách bị chẩn đoán nhầm là mắc chứng rối loạn quá hiếu động - thiếu tập trung, rối loạn hành vi, hay rối loạn chống đối. Theo Hare, ‘tất cả các hạng mục chẩn đoán này đều không phù hợp với trẻ em thái nhân cách. Rối loạn hành vi là gần nhất, nhưng nó không nắm bắt được những đặc điểm tình cảm, nhận thức và quan hệ xã hội…, những đặc điểm rất quan trọng trong chẩn đoán chứng thái nhân cách.’ [53]

7. Mối liên quan đến luật pháp và xã hội

Điều quan trọng cần lưu ý là chứng thái nhân cách có một số định nghĩa khác nhau trong luật pháp và tư pháp mà không nên lẫn lộn với định nghĩa trong y học. Các bang và các quốc gia khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau, đã ban hành những luật pháp cụ thể để đối phó với những kẻ tội phạm thái nhân cách, và nhiều trong số các luật này hiện nay vẫn còn giá trị:

  • Ban lập pháp bang Washington định nghĩa “cá tính thái nhân cách” nghĩa là “sự tồn tại ở bất kì người nào các điều kiện di truyền, bẩm sinh hay mắc phải gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tình cảm hay ý chí chứ không phải trí tuệ và thể hiện ra ngoài bởi những bất thường trong cá tính khiến cho người đó khó hay không thể hòa nhập với xã hội.”
  • Năm 1939, California ban hành một luật tội phạm thái nhân cách [55] trong đó định nghĩa kẻ thái nhân cách hoàn toàn dựa vào những kẻ tội phạm với khuynh hướng “phạm tội tình dục với trẻ em.” Một luật năm 1941 tìm cách làm rõ hơn và quy định rằng bất cứ ai bị phát hiện là thái nhân cách phải bị đưa vào một bệnh viện của bang và những người khác bị tuyên án bởi tòa án.
  • “Rối loạn thái nhân cách” được định nghĩa trong Đạo luật Sức khỏe Tâm thần (Vương quốc Anh) [57] là “một chứng rối loạn dai dẳng hay một khuyết tật về tâm trí (kể cả có hoặc không bao gồm một suy giảm đáng kể về trí thông minh) mà dẫn đến các hành vi hung hăng một cách bất thường hay vô trách nhiệm một cách nghiêm trọng của cá nhân đó.”
Trong vài năm qua, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi đối với việc chẩn đoán chứng thái nhân cách trong các tội phạm. Trong khi trước kia, một chẩn đoán lâm sàng của chứng thái nhân cách có rất ít giá trị trong việc dự đoán hành vi tội phạm về sau, sau khi Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có sửa đổi (PCL-R) của Robert Hare được sử dụng rộng rãi, mối liên hệ giữa chứng thái nhân cách và tội phạm đã được thiết lập qua thực nghiệm. Có nhiều bằng chứng rộng rãi cho thấy, mặc dù tỷ lệ thống kê rất nhỏ của chúng trong dân số nói chung, những kẻ thái nhân cách chiếm một tỷ lệ khá lớn trong quần thể tù nhân và gây ra một tỷ lệ tội ác và tệ nạn xã hội lớn đến mức gây sốc.

Đặc tính tiêu biểu của kẻ thái nhân cách – chúng không liên hệ về tình cảm với phần còn lại của loài người và chúng coi những người khác chỉ như những vật thể - khiến chúng dễ dàng khai thác những người yếu đuối và có thể sử dụng bất cứ cách gì chúng chọn để đạt được cái chúng muốn trên phương diện vật chất và quyền lực.

Mặc dù vậy, hành vi tội phạm phổ biến trong xã hội hơn chứng thái nhân cách rất nhiều. Những người không phải thái nhân cách thường xuyên tham gia vào các hành vi tội phạm ít nghiêm trọng hay một số trường hợp cá biệt, những hành vi tội phạm nghiêm trọng. Nhưng sự nghiệp tội phạm của kẻ thái nhân cách khác về bản chất. [58] Hành vi phạm tội của kẻ thái nhân cách thậm chí khác cả với những hành vi phạm tội cực kì nghiêm trọng và kéo dài của những người không phải thái nhân cách. Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy các hành vi chống xã hội của những kẻ thái nhân cách được thúc đẩy bởi những yếu tố khác so với những gì thúc đẩy những kẻ tội phạm không phải thái nhân cách. Cách hoạt động, loại nạn nhân mà chúng chọn, đặc điểm hành vi của chúng khi phạm tội cũng khác.

Những kẻ thái nhân cách bắt đầu sự nghiệp tội phạm của chúng ở một độ tuổi rất sớm và tiếp tục tham gia vào các hoạt động đó trong suốt cuộc đời chúng [59] mặc dù các nghiên cứu cho thấy sự suy giảm đáng kể trong hành vi tội phạm vào khoảng lứa tuổi 35-40 ở những tội ác không bạo lực. [60] Nhưng điều này không có nghĩa là chúng từ bỏ tội ác, nó chỉ có nghĩa là hoạt động tội ác của chúng giảm xuống ngang với mức trung bình của kẻ tội phạm chuyên nghiệp không phải thái nhân cách. Nó cũng có thể có nghĩa rằng chúng đã học được cách lẩn tránh pháp luật. Xu hướng phạm tội ác bạo lực và hành vi hung hăng của kẻ thái nhân cách có vẻ không giảm theo tuổi. [61]

Câu hỏi cần được hỏi là: sự suy giảm theo tuổi trong hành vi tội phạm của kẻ thái nhân cách có phải là phản ánh của những thay đổi trong đặc điểm nhân cách cốt lõi của chúng không?

Câu trả lời có vẻ là không. Một nghiên cứu dùng PCL-R trên một số lớn những kẻ tội phạm nam giới trong độ tuổi từ 16 đến 70 được tiến hành bởi Harpur và Hare trong năm 1994. Các điểm số về Yếu tố 2 (các đặc tính lệch lạc xã hội) giảm mạnh theo tuổi, trong khi điểm số về Yếu tố 1 (các đặc tính tình cảm / quan hệ xã hội) giữ nguyên. Điều này cho thấy sự thay đổi theo tuổi trong hành vi chống xã hội của kẻ thái nhân cách không đi kèm với thay đổi trong các đặc tính vị kỷ, thủ đoạn và nhẫn tâm, nền tảng của chứng thái nhân cách.

Những kẻ thái nhân cách có tỷ lệ phạm tội ác bạo lực như cướp có vũ trang, cướp tài sản, đánh người cao hơn, và chúng cũng tham gia vào hành vi bạo lực và lạm dụng tình dục cùng giới với tỷ lệ cao hơn trong nhà tù. Trong quần thể nhà tù, số tội ác bạo lực do những kẻ thái nhân cách gây ra nhiều gấp khoảng ba lần so với những tội phạm không phải thái nhân cách.

Những kẻ thái nhân cách không chỉ có tỷ lệ phạm tội ác bạo lực cao hơn, chúng còn phạm những loại tội ác bạo lực khác hơn những kẻ không phải thái nhân cách. 2/3 số nạn nhân của những kẻ thái nhân cách là nam giới lạ mặt trong khi 2/3 số nạn nhân của những tội phạm không phải thái nhân cách là thành viên nữ trong gia đình hay người quen. Những tội phạm không phải thái nhân cách gây ra hành vi bạo lực trong tình trạng kích thích cùng cực, trong khi những kẻ thái nhân cách lạnh lùng lựa ra nạn nhân của chúng để trả thù. Điều đó nói lên rằng đối với kẻ thái nhân cách, bạo lực là công cụ, là phương tiện của chúng. [62]

Việc chứng thái nhân cách là một nguy cơ dẫn đến tỷ lệ tái phạm cao hơn đã được khẳng định.

8. Kẻ thái nhân cách và bạo lực tình dục

Trong số những kẻ tội phạm tình dục tại một cơ sở điều trị, những kẻ hiếp dâm, những kẻ từng tấn công thiếu niên, và những kẻ từng tấn công trẻ em, có tỷ lệ thái nhân cách (PCL-R) trung bình lần lượt là 76,5%, 24,0% và 14,8%. Một nửa số những kẻ hiếp dâm hàng loạt có thể là thái nhân cách. [63]


Những kẻ hiếp dâm được chia thành bốn loại cơ bản: trả thù, cơ hội, bạo dâm và không bạo dâm. Động lực chính của loại bạo dâm và không bạo dâm là tình dục; động lực chính của loại trả thù và cơ hội là tính hung hăng hay thù địch. Chứng thái nhân cách có tỷ lệ cao ở những kẻ hiếp dâm cơ hội hoặc bạo dâm. 81% những kẻ hiếp dâm thái nhân cách và 56% những kẻ hiếp dâm không phải thái nhân cách được phân loại là cơ hội hoặc trả thù. [64]

Những kẻ thái nhân cách sử dụng đến bạo lực một cách thường xuyên và nghiêm trọng hơn trong khi gây ra tội ác tình dục. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chứng thái nhân cách có thể được gắn với tính tàn bạo tình dục. Điểm PCL-R cao có mối tương quan dương với sự kích thích tình dục qua bạo lực được chứng tỏ qua phép đo thể tích dương vật. [65]

Những kẻ tội phạm tình dục thường khó điều trị, [66] nhưng chính những kẻ thái nhân cách trong số chúng là có nhiều khả năng tái phạm sớm và thường xuyên nhất. [67]

Một nghiên cứu cho thấy trong vòng sáu năm kể từ khi ra tù, hơn 80% những kẻ tội phạm tình dục thái nhân cách phạm tội bạo lực ít nhất một lần, trong khi con số đó ở những kẻ không phải thái nhân cách là 20%. Nhiều, nhưng không phải tất cả những tội ác này là về tình dục. [68] Trong một nghiên cứu tiếp theo trên một mẫu nghiên cứu lớn, các nhà nghiên cứu thu được những kết quả tương tự, và thêm vào đó còn tìm ra: sự tái phạm tội ác tình dục có thể được dự đoán rất tốt bởi sự kết hợp của một điểm PCL-R cao và bằng chứng qua đo thể tích dương vật cho thấy sở thích với những sự kích thích không bình thường như trẻ em, cảnh hiếp dâm hay các cảnh bạo lực không mang tính tình dục. [69]

9. Mức độ đáp ứng với điều trị

Một nghiên cứu gần đây tại Canada trên một điều trị tập thể cho 238 kẻ tội phạm tình dục (hiếp dâm, phạm tội loạn luân) ở nhà lao Warkworth ở bang Ontario. Những tù nhân này bao gồm một số kẻ thái nhân cách đã được xác định rõ. Tất cả chúng được dạy cách “đồng cảm” với nạn nhân và hiểu biết về “chu kì phạm tội” của chúng trong quá trình điều trị. Sau khi được ra tù, nghiên cứu cho thấy những kẻ có điểm số cao nhất về “hành vi tốt trong điều trị” và những kẻ có điểm cao nhất về “khả năng đồng cảm” là những kẻ dễ tái phạm nhất sau khi được thả vào cộng đồng. […]

Trị liệu tâm lý không chỉ cần một lý thuyết tốt và một bác sĩ giỏi. Nó còn cần bệnh nhân. Từ bệnh nhân (patient) xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là “chịu đau khổ”. Một bệnh nhân, theo định nghĩa, đang bị khó chịu về một điều gì đó. Thế nhưng hầu hết các trị liệu của tù nhân bắt nguồn không phải từ sự đau khổ của tù nhân mà là sự bắt buộc bởi hệ thống pháp luật. Hệ thống cải tạo ở Canada biết rằng bao nhiêu kẻ thái nhân cách cuối cùng sẽ được thả vào cộng đồng, vì thế họ tìm cách thay đổi chúng, mặc dù mọi trị liệu tâm lý cho người trưởng thành mà phải bắt buộc đều có kết quả đáng ngờ. [70]
Sự bi quan của các bác sĩ về khả năng chữa trị của những kẻ thái nhân cách là chính đáng. Những kẻ thái nhân cách không cảm thấy đau khổ và do đó không nghĩ rằng có điều gì không ổn với chúng cả. Chúng không bị căng thẳng hay rối loạn tâm căn, và do đó không tự nguyện tìm đến điều trị. Chúng không coi thái độ và hành vi của chúng có gì không ổn cả, và các chương trình trị liệu thiết kế để giúp chúng “phát triển khả năng đồng cảm” và kỹ năng giao tiếp không có ích gì cho chúng cả. Kẻ thái nhân cách không thấy có khuyết tật gì trong tâm thần của chúng và không thấy có nhu cầu phải thay đổi.

Freud lập luận rằng tâm lý trị liệu không có khả năng chữa trị những kẻ thái nhân cách chính là vì điều kiện tiên quyết để có thể dùng tâm lý trị liệu là phải có lương tâm. Chính lương tâm và khả năng quan tâm đến người khác là cái khiến cho một người xem xét một cách nghiêm túc các động cơ dẫn đến hành vi của họ. Thế nhưng những kẻ thái nhân cách về định nghĩa là không có lương tâm và khả năng quan tâm đến người khác.

Khi tỷ lệ tái phạm của những kẻ thái nhân cách đã tham gia trị liệu được xem xét, người ta tìm ra rằng tỷ lệ tái phạm nói chung trong nhóm đã qua trị liệu và chưa qua là cao tương đương nhau, lần lượt là 87% và 90%, tuy nhiên tỷ lệ tái phạm bạo lực cao hơn một cách đáng kể ở nhóm đã qua trị liệu so với nhóm chưa qua trị liệu, lần lượt là 77% và 55%. Ngược lại, nhóm tội phạm không phải thái nhân cách đã qua trị liệu có tỷ lệ tái phạm nói chung và tái phạm bạo lực thấp hơn nhiều, 44% và 22%, so với nhóm không qua trị liệu, 58% và 39%. Vậy là có vẻ như chương trình trị liệu có kết quả với những tội phạm không phải thái nhân cách, nhưng thực tế lại làm những kẻ thái nhân cách thực sự tồi tệ hơn. Một lý do nữa để cực kỳ cẩn thận với các tiêu chí chẩn đoán. [71]

Câu hỏi ở đây là: Làm sao mà trị liệu có thể làm ai đó nặng thêm? Phỏng đoán của Robert Hare là liệu pháp nhóm và cách điều trị theo hướng nhận thức trên thực tế đã giúp những kẻ thái nhân cách phát triển những thủ đoạn tốt hơn để lừa gạt và khai thác người khác nhưng không làm gì để giúp chúng hiểu được chính bản thân chúng.

Các vấn đề trong chữa trị chứng thái nhân cách có một phần nguyên nhân từ sự yếu kém của các tài liệu nghiên cứu làm nền tảng cho phương pháp chẩn đoán định ra trong DSM-IV. Khi không có một đánh giá chính xác, khó mà có thể xây dựng một kế hoạch điều trị rõ ràng. Hơn nữa, sự thiếu hụt các nhóm thực nghiệm và so sánh cũng gây khó khăn để kết luận “không gì có tác dụng cả”. Robert Hare đã gợi ý một chương trình điều trị thay vì hướng tới việc giúp kẻ thái nhân cách phát triển khả năng đồng cảm và lương tâm (thay đổi nhân cách), thì hướng tới việc thuyết phục kẻ thái nhân cách rằng chính chúng phải chịu trách nhiệm cho hành vi của chúng và rằng chúng có thể học cách sử dụng những điểm mạnh và điểm yếu vốn có của chúng để đạt được các nhu cầu và mong muốn của chúng theo những cách có ích cho xã hội. Có vẻ yếu điểm duy nhất của một ý tưởng như thế là nó không thỏa mãn một trong những xu hướng nổi bật nhất của kẻ thái nhân cách: khát vọng cho quyền lực và kiểm soát người khác.

10. Tiêu chí chẩn đoán

10.1. Danh sách của Hervey Cleckley
Hervey Cleckley định nghĩa chứng thái nhân cách như sau: [103]
  1. Sự hấp dẫn hờI hợt và mức độ thông minh trung bình
  2. Không có sự ảo tưởng và những suy nghĩ không logic khác
  3. Không có sự hồI hộp và các biểu hiện xúc cảm thần kinh khác.
  4. Không đáng tin cậy
  5. Giả dốI, thiếu thành thật
  6. Không biết hốI hận hay xấu hổ
  7. Hành vi chống đốI xã hộI mà không có biểu hiện ăn năn
  8. Khả năng phán đoán kém và không biết học hỏI từ kinh nghiệm
  9. Vị kỷ một cách bệnh hoạn và không có khả năng yêu thương
  10. Nói chung là nghèo nàn trong các phản ứng tình cảm chính khác
  11. Thiếu khả năng nhận thức sâu sắc
  12. Thụ động trong các quan hệ giữa các cá nhân nói chung
  13. Hành vi kỳ cục, phản cảm khi uống rượu bia, đôi khi cả khi không uống rượu bia
  14. LờI đe dọa tự tử rất hiếm khi thực hiện
  15. Cuộc sống tình dục không có tình cảm, tầm thường và không tích hợp vớI cuộc sống nói chung
  16. Không có khả năng thực hiện kế hoạch dài hạn trong cuộc sống
10.2. PCL-R: Bảng Kiểm tra Thái Nhân cách

Trong các nghiên cứu và điều trị lâm sàng hiện đạI, chứng thái nhân cách thường được đánh giá và chẩn đoán bởI Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có Sửa đổI (PCL-R) của Hare. Đây là một thang điểm đánh giá lâm sàng vớI 20 mục. MỗI mục trong bảng PCL-R được cho điểm trên một thang 3 điểm (0, 1, 2) theo những tiêu chí cụ thể dựa trên thông tin trong hồ sơ lý lịch và phỏng vấn. Như đã nói ở trên, công cụ chẩn đoán này cũng bao gồm cả các hồ sơ hình sự hay tâm thần, các cuộc phỏng vấn vớI gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, ngườI quản lý, ngườI dướI quyền, cùng vớI những quan sát hành vi khác khi có thể.

1. Lém lỉnh và hấp dẫn hời hợt: Có xu hướng ăn nói lưu loát, bề ngoài hấp dẫn, thu hút ngườI khác.Kẻ thái nhân cách không tỏ ra một chút nào vẻ nhút nhát, lo lắng về bản thân hay e ngại khi nói bất cứ điều gì. Kẻ thái nhân cách không bao giờ ấp úng. Chúng cũng đã tự giảI phóng bản thân khỏI quy tắc xã hộI là để thờI gian cho ngườI khác được nói.

2. Tự đánh giá quá mức về bản thân: Nhìn nhận khả năng và giá trị của bản thân một cách phóng đạI quá mức đến nực cười. Rất tự tin, tự phụ, hay khoe khoang, không nhìn nhận quan điểm ngườI khác. Kẻ thái nhân cách tin rằng hắn thuộc về một đẳng cấp cao hơn của loài người.

3. Có nhu cầu được kích thích hay dễ buồn chán: Một nhu cầu quá mức vớI những kích thích mớI lạ, hồI hộp, hấp dẫn. Hay làm những việc mạo hiểm. Kẻ thái nhân cách thường ít có ý thức làm việc đến nơi đến chốn vì chúng rất dễ chóng chán. Ví dụ như chúng không làm lâu được ở một nơi nào, hay không hoàn thành những việc mà chúng cho là nhàm chán hay lặp đi lặp lại.

4. Nói dốI bệnh hoạn: Có thể ở mức trung bình hoặc cao. Ở dạng trung bình, chúng là khôn ranh, xảo quyệt, tinh quái. Ở mức cao, chúng lừa lọc, gian dốI, bất chính, vô đạo đức.

5. Lừa gạt và điều khiển ngườI khác: Nói về việc sử dụng sự dốI trá, bịp bợm để lừa gạt ngườI khác nhằm mục đích cá nhân. Khác vớI điểm 4 ở mức độ của sự nhẫn tâm lợI dụng ngườI khác, phản ảnh thông qua việc không quan tâm đến cảm xúc và nỗI đau khổ của các nạn nhân của chúng.

6. Không có khả năng hốI hận: Nói về việc không có cảm xúc hay mốI quan tâm đến những mất mát, đau đớn và đau khổ của các nạn nhân; một xu hướng không quan tâm, lạnh lùng, không cảm xúc. Điểm này thường được thể hiện bằng một thái độ khinh thị đốI vớI nạn nhân.

7. Tình cảm nông cạn: Nghèo nàn về tình cảm hay hạn chế về bề rộng và chiều sâu của cảm xúc; lạnh lùng trong quan hệ xã hộI mặc dù rất thích giao thiệp rộng rãi.

8. Nhẫn tâm và không có khả năng đồng cảm: Không có tình cảm vớI ngườI khác nói chúng; lạnh lùng, khinh khỉnh, không chu đáo, bất lịch sự.

9. LốI sống ăn bám: Sống phụ thuộc vào ngườI khác một cách cố ý, ích kỷ, lợI dụng, phản ánh qua sự thiếu động lực tiến thủ, ý thức tự giác thấp, và không có khả năng bắt đầu hay kết thúc những việc thuộc trách nhiệm của mình.

10. Khả năng điều khiển hành vi kém: Biểu hiện ra ngoài sự khó chịu, thiếu kiên nhẫn, hay đe dọa, hung hăng, chửI bớI ngườI khác. Thiếu khả năng kiểm soát sự nóng giận, hành động thiếu suy nghĩ.

11. Hành vi tình dục bừa bãi: Có một loạt những mốI quan hệ ngắn ngủI, hờI hợt; không kén chọn bạn tình; có nhiều mốI quan hệ cùng một lúc; từng tìm cách ép buộc ngườI khác vào quan hệ tình dục hay rất tự hào khi kể lạI những thành công về tình dục của mình.

12. Có vấn đề sớm về hành vi: Nhiều vấn đề về hành vi trước khi đến tuổI 13, bao gồm dốI trá, trộm cắp, gian lận, phá hoạI, bắt nạt bạn bè, hành vi tình dục, đốt phá, sử dụng thuốc kích thích, uống rượu, bỏ nhà.

13. Không có mục đích sống dài hạn mang tính thực tế: Không có khả năng lập ra và thực hiện những kế hoạch hay mục tiêu dài hạn; cuộc sống lang bạt, không định hướng.

14. Bốc đồng: Có những hành vi không định trước, phản ánh sự thiếu suy nghĩ hay kế hoạch trước khi làm; không có khả năng chống lạI sự cám dỗ, nỗI thất vọng, sự thúc dục; không suy tính đến hậu quả; dạI dột, khó lường, thất thường và liều lĩnh.

15. Thiếu trách nhiệm: Thường xuyên không hoàn thành hay giữ đúng trách nhiệm và cam kết, như là không trả hóa đơn hàng tháng, không trả tiền nợ, làm việc cẩu thả, vắng mặt hay đi làm muộn, không tôn trọng thỏa thuận hợp đồng.

16. Không nhận trách nhiệm về hành vi của bản thân: Phản ánh trong việc chốI bỏ, lẩn tránh trách nhiệm, đổ lỗI cho ngườI khác, thiếu tận tâm trong công việc.

17. Nhiều quan hệ hôn nhân ngắn hạn: Không có khả năng duy trì những quan hệ lâu dài trong đờI sống, bao gồm cả quan hệ hôn nhân.

18. Tiền án, tiền sự vị thành niên: Có những vấn đề về hành vi trong khoảng tuổI 13-18, liên quan chủ yếu đến tộI phạm hoặc những hành vi có biểu hiện rõ ràng sự lợI dụng ngườI khác, hung hăng, hay tàn nhẫn, nhẫn tâm.

19. Được tự do tạm thờI nhưng bị hủy vì những vi phạm mang tính kỹ thuật như bất cẩn, không đến đang ký đúng hạn, không đến dự tòa.

20. Tội phạm đa năng: Phạm nhiều dạng tộI hình sự, bất kể đã bị bắt và kết án hay chưa; rất tự hào khi phạm tộI chót lọt.

Danh sách tham khảo


  1. Stout, Martha, The Sociopath Next Door, Broadway (2005)
  2. The Oxford Textbook of Psychopathology, Edited by Theodore Millon, Paul H. Blaney, Roger D. Davis, Oxford University Press, 1999, New York
  3. Hare, R. D. Psychopathy and Antisocial Personality Disorder: A Case of Diagnostic Confusion, Psychiatric Times, February 1996, XIII, Issue 2 Accessed June 26, 2006
  4. Hare, Robert D, Psychopaths: New Trends in Research. The Harvard Mental Health Letter, September 1995
  5. Lobaczewski, Andrzej, Political Ponerology: The Science of Evil Adjusted for Political Purposes; Red Pill Press; (1984, 2006)
  6. Lobaczewski, 1984, 2006
  7. Lobaczewski, 1984, 2006
  8. Cleckley, Hervey, The Inner World of the Psychopath from "The Mask Of Sanity." http://www.cassiopaea.com/cassiopaea/innerpsycho.htm
  9. Babiak, Hare, (2007)
  10. Hare, Without Conscience; The Guilford Press (1999)
  11. Guggenbuhl-Craig, Adolf; The Emptied Soul; Spring Publications, (1999)
  12. Millon, 1981; Pichot, 1978; Oxford Textbook of Psychopathology.
  13. Berrios, 1996 p. 428
  14. Oxford Textbook of Psychopathology, 1999
  15. Oxford Textbook of Psychopathology, 1999, p. 556
  16. Blackburn, 1993
  17. Łobaczewski, 1984, 2006 p. 156
  18. Lobaczewski, 1984, 2006
  19. ersonal correspondence to the author of this article.
  20. Hare 1993
  21. Babiak, 1995; Cleckley 1976; Forth, Brown, Hart, & Hare, 1996; Gustafson & Ritzer, 1995
  22. Widiger & Corbitt, 1995; Hare & Hart, 1995
  23. Hare et al, 1991; Lilienfeld, 1994; Widiger & Corbitt, 1995
  24. Hare et al., 1991; Widiger et al., 1996; Widiger & Corbitt, 1995
  25. Widiger et al, 1996
  26. Cooke & Michie, 1997
  27. Robert Hare, Psychopathy and Antisocial Personality Disorder: A Case of Diagnostic Confusion, Psychiatric Times, February 1996, Vol. XIII, Issue 2, http://www.psychiatrictimes.com/p960239.html
  28. Hare, 1999
  29. Łobaczewski, 2006 p. 156
  30. "Construct VAlidity of Psychopathy in a Community Sample: A Nomological Net Approach, Salekin, Trobst, Krioukova, Journal of Personality Disorders, 15(5), 425-441, 2001),
  31. http://en.wikipedia.org/wiki/The_Bad_Seed ; June 24, 2007
  32. J. Reid Meloy (2001) The Mark of Cain: Psychoanalytic insight and the Psychopath; The Analytic Press, NJ, London
  33. J. Reid Meloy (2001) The Mark of Cain: Psychoanalytic insight and the Psychopath; The Analytic Press, NJ, London
  34. Lobaczewski, 2006, op cit.
  35. J. Reid Meloy (2001) op. cit.
  36. J. Reid Meloy (1994) The Psychopathic Mind: Origins, Dynamics, and Treatment; Jason Aronson
  37. Lobaczewski (2006) op cit
  38. http://serendip.brynmawr.edu/bb/neuro/neuro98/202s98-paper1/Katz.html
  39. J. Reid Meloy (2001) op cit
  40. J. Reid Meloy (2001) op cit
  41. American Psychiatric Association, 1994, p. 645
  42. DSM-IV, 1994, p. 647
  43. Rutter, Giller & Hagell, 1998, p. 110
  44. Hare, 1993, p. 170
  45. Cloninger, C.R., Reich, T., & Guze, S.B. (1975). The multifactorial model of disease transmission: Sex differences in the familial transmission of sociopathy (antisocial personality). British Journal of Psychiatry. 50: 975-90.; Mealey, L. (1995). The sociobiology of sociopathy: an integrated evolutionary model. Behavioral & Brain Sciences. 18: 523-599
  46. Hare, 1993, p. 158
  47. Harris, G.T., Rice, M.E., & Quinsey, V.L. (1994). Psychopathy as a taxon: evidence that psychopaths are a discrete class. Journal of Consulting and Clinical Psychology. 62: 387-97
  48. Lalumière, Harris & Rice, 2001
  49. Ramsland, Katherine, The Childhood Psychopath: Bad Seed or Bad Parents?
  50. J. M. MacDonald "The Threat to Kill". American Journal of Psychiatry, 125-130, 1963
  51. Hawes, D. J., & Dadds, M. R. (2005). The treatment of conduct problems in children with callous-unemotional traits. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 73(4), 737-741. [1]
  52. Mealey, 1995, p536, Hare, 1999, p. 567
  53. Hare, 1993, p. 159
  54. Washington State Legislature Revised Code of Washington (RCW) Accessed June 26, 2006
  55. Statutes and Amendments to the Codes of California 1939, page 1783, ch. 447, enacted June 6, 1939
  56. Statutes and Amendments to the Codes of California 1941, page 2462, ch. 884, enacted June 28, 1941.
  57. The Mental Health Act (uk) Reforming The Mental Health Act, Part II, High risk patients Accessed June 26, 2006
  58. Hare, Cooke, Hart, 1999
  59. Forth & Burke, 1998; Hare, Forth & Strachan, 1992
  60. Hare, McPherson & Forth, 1988
  61. Harris, Rice, and Cormier, 1991
  62. Hare and Wong, 1987, Cornell et al., 1996, Dempster et all, 1996, Hart & Dempster, 1997
  63. Prentky, R., & Knight, R. (1991). Identifying critical dimensions for discriminating among rapists. Journal of Consulting and Clinical Psychology. 59: 643-661
  64. Prentky & Knight, 1991
  65. Quinsey et al, 1995, Serin, Malcolm, Khanna & Barbaree, 1994
  66. Quinsey, Harris, Rice & Lalumiere, 1993
  67. Hare, Cooke, Hart, 1999, p 564.
  68. Quinsey et al, 1995
  69. Rice and Harris, 1997
  70. Norman Doidge, Beyond Therapy: Some Evil Can't Be Cured, National Post http://www.friedgreentomatoes.org/articles/beyond_therapy.php
  71. Rice, Harris, Cormier, 1992
  72. Hare, 1999, p. 567
  73. Cooke & Michie
  74. Blackburn, 1998, p. 296
  75. DiLalla, Carey, Gottesman & Bouchard, 1996, Lykken, 1995
  76. Syndulko, 1978
  77. Gorenstein & Newman, 1980
  78. Damasio, 1994
  79. Gorenstien & Newman, 1980, Newman & Wallace, 1993
  80. McBurnett & Pfiffner, 1998, Lynam, 1996.
  81. Frick, 1998
  82. Forth & Burke, 1998
  83. Hare, 1993
  84. Lykken, 1995
  85. Lykken, 1957, Lykken, 1995
  86. Hare, Cooke, Hart, 1999, p. 570
  87. Gray, 1987, Fowles and Missel, 1994.
  88. Newman and Wallace, 1993.
  89. Fowles & Missel, 1994; Hare, 1978; Lykken, 1995.
  90. Newman & Wallace, 1993
  91. Newman & Wallace, 1993, p. 712
  92. Hare, Cooke, Hart, 1999 p. 571
  93. Lykken, 1995
  94. Hare, 1970
  95. Hare, 1978
  96. Hare, 1998.
  97. Williamson et all, 1991
  98. Intrator et al, 1997, Hare, 1998
  99. Kiehl, Hare, McDonald and Brink, 1999
  100. Williamson, 1991; Kiehl et all, 1999.
  101. Christianson et al, 1996; Patrick, 1994; Patrick, Cuthbert & Lang, 1994; Williamson et al, 1991; Blair et all, 1995; Hare, Williamson & Harpur, 1988; Hayes & Hare, 1998; Day & Wong, 1996; Hare & McPherson, 1984b; Hare & Jutai, 1988; Intrator et all, 1997; Mills, 1995; Raine, O'Brien, Smiley, Scerbo & Chan, 1990; Gilstrom, 1995; Hayes and Hare, 1998; Lapierre, Braun & Hodgins, 1995, Williamson, 1991.
  102. Damasio, 1994
  103. Cleckley, H, 1941 The Mask of Sanity (pdf Download 1.38mb)

Danh sách đọc thêm:

  • Cleckley, Hervey: The Mask of Sanity
  • Hare, R. D. Without Conscience: The Disturbing World of the Psychopaths Among Us
  • Stout, Marth, The Sociopath Next Door
  • Meloy, J. Reid: The Psychopathic Mind: Origins, Dynamics, and Treatment
  • Babiak, Paul and Hare, Robert D.: Snakes in Suits: When Psychopaths Go to Work
  • Raine, Adrian and Sanmartin, José: Violence and Psychopathy
  • Cooke D.J., Michie C. Refining the construct of psychopathy: Towards a hierarchical modelPsychological Assessment, 2001, 13(2), 171-188.
  • Hill, C. D., Neumann, C. S., & Rogers, R. (2004). "Confirmatory Factor Analysis of the Psychopathy Checklist: Screening Version (PCL:SV) in Offenders with Axis I Disorders." Psychological Assessment, 16, 90-95.
  • D.J. Cooke, Adelle E. Forth, and Robert D. Hare: Psychopathy: Theory, Research and Implications for Society
  • Neumann, C. N., Vitacco, M. J., Hare, R .D., & Wupperman, P. (in press). "Deconstructing the 'Reconstruction' of Psychopathy: A Comment on Cooke, Michie, Hart, & Clark." Journal of Personality Disorders.
  • Patrick, Christopher J. (2006) Handbook of Psychopathy.
  • Michael H. Thimble, F.R.C.P., F.R.C. Psych. Psychopathology of Frontal Lobe Syndromes.
  • Campbell, Coyne H.: Induced Delusions: The Psychopathy of Freudianism

    * * * * * *

    Về tác giả: Laura Knight-Jadczyk là một nhà sử học và tác giả của 14 cuốn sách cùng nhiều bài báo xuất bản trên giấy và đăng trên Internet. Bà là người sáng lập trang tin tức Sott.net và là nguồn cảm hứng cho thí nghiệm Cassiopaean (Cassiopaean Experiment) và chương trình giảm stress và phục hồi sức khỏe Éiriú Eolas. Bà đang sống tại Pháp với chồng bà, nhà vật lý học, toán học người Ba Lan Arkadiuz Jadczyk, bốn đứa con, và một số thành viên gia đình khác cùng tám con chó, năm con chim và một con mèo.

    8 nhận xét:

    1. blog rất bổ ích và cần phải được phổ biến rộng hơn. cám ơn tác giả nhiều. Mong sẽ được đọc nhiều bài viết của bác trong năm 2013 này nữa. hãy tiếp tục viết bác nhé.

      Trả lờiXóa
    2. Cảm ơn vì thông tin hữu ích. Sau khi đọc bài viết này, mình tự hỏi không biết nhiều trường hợp đạo đức xuống cấp nghiêm trọng hiện nay như vụ mấy thanh niên hành hạ chó trên cầu, đâm chết người chỉ vì "thấy ngứa mắt" hay phải chờ lấy cơm từ thiện quá lâu mà giết luôn cả chủ quán là những biểu hiện của kẻ thái nhân cách? Rõ ràng chúng không có ý niệm gì về đạo đức, lương tâm, không quan tâm đến mạng sống và sự đau khổ của người khác? Hi vọng sắp tới bạn sẽ có bài viết nói về chứng thái nhân cách gắn liền với những sự kiện gần gũi.

      đây là blog của mình duysonidol.blogspot.com
      rất vui nếu được chủ blog ghé thăm và nếu thấy có gì cần sửa đổi thì góp ý vài lời

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. Chào bạn Sơn. Thông thường, chứng thái nhân cách được chẩn đoán bởi các bác sĩ tâm thần chuyên môn dựa trên phỏng vấn với cá nhân, bạn bè, người thân xung quanh và lịch sử cá nhân đó từ khi còn bé. Tóm lại, đó là một quá trình phức tạp mà người thường không nên tự làm. Từ "thái nhân cách" cũng là một từ nghiêm trọng không nên sử dụng bừa bãi.

        Trong trường hợp bạn nhắc đến ở trên, cũng như những trường hợp đạo đức xuống cấp nghiêm trọng khác, mình không loại trừ khả năng một số người tham gia là thái nhân cách. Tuy nhiên, mình thiên về khả năng những người này bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thái nhân cách trong xã hội ta mà hành động như vậy. Đây là một chủ đề rất quan trọng nữa mà mình hy vọng sẽ đề cập đến khi có thời gian.

        Để hiểu thêm về những kẻ thái nhân cách trong hoàn cảnh đời thường, bạn có thể tìm xem hai bộ phim "The Good Son" (http://www.imdb.com/title/tt0107034/) và "Nightcrawler" (http://www.imdb.com/title/tt2872718/). Hai bộ phim này có rất ít máu me nhưng làm mình rùng mình hơn bất cứ bộ phim nào khác.

        Thân.

        Xóa
      2. cảm ơn bạn, để mình xem thử, dạo này đang tìm phim hay xem mà chưa có ai giới thiệu :)

        Xóa
      3. Hôm nay nhân xem lại bài viết này, mình muốn nói rõ hơn một chút về những gì mình viết ở trên. Mình nói rằng chẩn đoán chứng thái nhân cách là một quá trình phức tạp mà người thường không có chuyên môn không nên làm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để điều đó ảnh hưởng đến cách ứng xử của mình đối với những cá nhân đó.

        Lấy một ví dụ khác để minh họa. Giả sử bạn đang đi đường trông thấy một thanh niên mặt mũi bặm trơn, tay cầm con dao đi đằng trước. Bạn sẽ không cần quan tòa hay nhân viên điều tra xác nhận đó là một tên cướp nguy hiểm mà bạn lập tức sẽ tránh xa, và có thể là cảnh báo cho người thân hay những người khác xung quanh.

        Tương tự như vậy, nếu bạn biết một người mà sau một thời gian quan sát, bạn nhận thấy có nhiều đặc điểm khớp với một kẻ thái nhân cách thì bạn biết nên làm gì.

        Xóa
      4. Có bài tâm sự này trên VnExpress "Sống trong ngục tù vì lấy chồng đẹp trai" theo mình là một ví dụ điển hình về kẻ thái nhân cách trong đời thường. Khi nào có thời gian bạn có thể tham khảo.

        Xóa
    3. dài quá, vừa chơi điện tử vừa đọc mà mãi không xong

      Trả lờiXóa
    4. Việt cộng có nên đc gán nhãn là "thái nhân cách" ko admin ?

      Trả lờiXóa

    Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.