Bài viết theo chủ đề

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Rắn độc mặc com-lê - Chương 2: Những người ấy là loại gì?

Nguồn: Snakes in Suits: When Psychopaths Go to Work
Tác giả: Paul Babiak và Robert Hare

Tiểu thuyết và phim ảnh thường mô tả kẻ thái nhân cách theo những khuôn mẫu cực đoan. Chúng xuất hiện là những kẻ giết người hàng loạt, hiếp dâm và lừa đảo máu lạnh. Không may là điều này cũng có phần đúng, nhưng bức tranh trong hiện thực phức tạp hơn một chút.


Nhiều năm nghiên cứu tội phạm trong tù đã chỉ rõ mức độ tội ác và bạo lực của những kẻ thái nhân cách. Giờ đây chúng ta biết những kẻ thái nhân cách cả nam và nữ thực hiện nhiều tội ác hơn và đa dạng hơn những tội phạm bình thường. Những tội ác của chúng thường mang tính bạo lực hơn những tội phạm bình thường, và bản chất hành vi của chúng mang tính hung hăng, đe dọa, chế ngự và tàn bạo hơn. Hơn nữa, sự hung hăng và bạo lực của chúng có bản chất như thú săn mồi – lạnh lùng và tuyệt đối không có những chấn động tình cảm mãnh liệt thường đi kèm hành vi bạo lực của hầu hết người bình thường khác. Kiểu hung hăng và bạo lực của chúng mang tính công cụ, là một cách để chúng đạt mục đích, và rất hiếm khi đi kèm chút bận tâm nào về những đau đớn, khổ sở ở các nạn nhân. Ngược lại, hầu hết bạo lực ở các tội phạm khác mang tính phản xạ bột phát – một phản ứng nhất thời đối với sự đe dọa hay tình huống gây ra cảm xúc mãnh liệt. Loại bạo lực này thường được nối tiếp bởi cảm xúc hối hận và mặc cảm tội lỗi về những gì đã gây ra cho người khác.

Có lẽ điều nguy hiểm nhất từ khía cạnh an toàn cộng đồng là những kẻ tội phạm thái nhân cách tái phạm với tỷ lệ cao hơn nhiều và sớm hơn nhiều so với các tội phạm khác. Tỷ lệ tái phạm là phần trăm số tội phạm phạm thêm một tội ác nữa sau khi được trở về với cộng đồng. Những kẻ thái nhân cách chiếm khoảng 15% số tội phạm trong tù. Nhiều người trong số 85% còn lại có thể coi là thái nhân cách xã hội hay bị rối loạn nhân cách chống xã hội, một rối loạn tương tự thường bị nhầm lẫn với chứng thái nhân cách (xem dưới đây). Mặc dù tỷ lệ thái nhân cách trong dân số nói chung là khá nhỏ – chỉ khoảng 1% - những tác hại về xã hội, kinh tế, thể chất và tinh thần gây ra bởi những cá nhân với chứng rối loạn này vượt xa con số đó. Chúng gây ra ít nhất một nửa những tội ác bạo lực nghiêm trọng ở Bắc Mỹ. Tuy vậy, như chúng ta sẽ thấy, không phải tất cả những kẻ thái nhân cách đều là tội phạm, và không phải tất cả tội phạm đều là thái nhân cách.



Thái nhân cách, thái nhân cách xã hội và rối loạn nhân cách chống xã hội

Nhiều người nhầm lẫn về sự khác nhau giữa thái nhân cách, thái nhân cách xã hội và rối loạn nhân cách chống xã hội. Những thuật ngữ này thường được coi như có thể hoán đổi cho nhau – bởi cả công chúng và các chuyên gia – nhưng chúng chỉ những rối loạn khác nhau mặc dù có liên quan.

Thái nhân cách (psychopathy) là một rối loạn nhân cách đặc trưng bởi những đặc điểm tính cách và hành vi mà chúng ta sẽ xem xét kỹ trong cuốn sách này. Những kẻ thái nhân cách không có lương tâm và không có khả năng đồng cảm, hối lỗi hay trung thành với bất cứ ai ngoại trừ bản thân chúng.

Thái nhân cách xã hội (sociopathy) không phải là một rối loạn tâm thần chính thức. Nó chỉ một tập hợp những thái độ và hành vi được coi là không phù hợp hay mang tính tội phạm bởi xã hội nói chung, nhưng được coi là bình thường hay cần thiết bởi một tầng lớp xã hội hay nhóm người nào đó. Những kẻ thái nhân cách xã hội có thể có lương tâm phát triển tốt và khả năng cảm nhận sự đồng cảm, hối lỗi và lòng trung thành, nhưng ý thức về cái đúng và cái sai của họ dựa trên các tiêu chí và những gì được coi là bình thường trong tầng lớp xã hội hay cộng đồng của họ. Nhiều tội phạm có thể được coi là thái nhân cách xã hội.

Rối loạn nhân cách chống xã hội ( antisocial personality disorder hay APD) là một danh mục chẩn đoán trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê, phiên bản IV (DSM-IV) của Hiệp hội Tâm thần Mỹ. Các hành vi hình sự và chống đối xã hội đóng vai trò chủ đạo trong định nghĩa của rối loạn này, và do vậy, APD tương tự như thái nhân cách xã hội. Một số người chẩn đoán với APD là thái nhân cách, nhưng nhiều người không phải. Sự khác biệt giữa chứng thái nhân cách và rối loạn nhân cách chống xã hội là ở chỗ chứng thái nhân cách bao gồm những đặc điểm tính cách như thiếu khả năng đồng cảm, tính khoa trương và cảm xúc hời hợt, mà định nghĩa của APD không có. APD phổ biến trong xã hội nói chung và trong cộng đồng tù nhân hơn chứng thái nhân cách từ 3 đến 4 lần. Mức độ phổ biến của những kẻ mà chúng ta có thể gọi là thái nhân cách xã hội là không xác định, nhưng có nhiều khả năng là cao hơn nhiều so với APD.


Ai đó có thể lập luận rằng những kẻ thái nhân cách sống tự do trong xã hội đơn giản là chưa bị bắt vì phạm tội ác hay thực hiện hành vi chống xã hội. Căn cứ vào đặc điểm tính cách, xu hướng coi thường luật lệ và đi sát đến giới hạn của những gì được coi là hành vi có thể chấp nhận được của những kẻ thái nhân cách, lập luận trên cũng không phải không có lý. Tuy nhiên, chỉ vì ai đó là thái nhân cách không có nghĩa rằng kẻ đó là tội phạm. Một số kẻ thái nhân cách sống trong xã hội và xét chi li ra thì không vi phạm pháp luật - mặc dù chúng đến rất gần điểm đó, với những hành vi thường là rất khó chịu cho những người xung quanh. Một số khác có thể sống những cuộc sống có vẻ như bình thường, không làm hại người khác một cách rõ ràng, nhưng lại gây ra những vấn đề về kinh tế, tâm lý và tình cảm theo những cách khó nhận thấy. Chúng sẽ không phải là những cha mẹ, con cái hay thành viên gia đình kiểu mẫu. Chúng cũng sẽ không phải là những bạn bè hay đồng nghiệp đáng tin cậy. Nhiều kẻ thái nhân cách chọn cách sống ăn bám, sống dựa vào sự hào hiệp hay cả tin của những người khác bằng cách lợi dụng lòng tin và sự giúp đỡ của bạn bè hay gia đình. Chúng có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác, từ nguồn hỗ trợ này đến nguồn hỗ trợ khác. Có nhiều khả năng bạn biết ai đó như vậy. Bạn có thể làm việc cho, làm việc cùng hay kết hôn cùng ai đó với chứng thái nhân cách mà không biết rằng có một thuật ngữ tâm thần cho cái kẻ đã gây cho bạn biết bao đau khổ. Đó cũng có thể là hàng xóm, bạn bè, thành viên gia đình với những hành vi mà bạn thấy khó hiểu và đáng ghê tởm.

Vậy làm thế nào các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần xác định chính xác ai đó là thái nhân cách? Trong buổi sơ khai của lĩnh vực nghiên cứu về thái nhân cách, không có phương pháp tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi nào cho mục đích đó. Các tiêu chí chẩn đoán khi đó mơ hồ, đôi khi dễ nhầm lẫn, và có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm cá nhân của người chẩn đoán. Cái quá khứ tối tăm u ám này đã sáng tỏ lên rất nhiều trong 50 năm qua và chứng thái nhân cách đã trở thành một trong những hội chứng tâm thần được nghiên cứu nhiều và hiểu rõ nhất.

Một người tiên phong trong những năm đầu của lĩnh vực này là tiến sĩ Hervey Cleckley, làm việc với tư cách bác sĩ tâm thần tại một cơ sở tâm thần cuối những năm 1930. Các phạm nhân và bệnh nhân được gửi đến bệnh viện tâm thần để điều trị nếu người ta cho rằng họ bị căn bệnh tâm thần nào đó. Cleckley có cơ hội nghiên cứu các bệnh nhân của ông một cách cẩn thận, và ông nhận ra rằng nhiều người trong số họ không biểu lộ các triệu chứng thông thường của bệnh tâm thần, mà thay vào đó có vẻ “bình thường” trong hầu hết mọi lúc. Ông quan sát họ mê hoặc, điều khiển và lợi dụng các bệnh nhân khác, hay người thân, hay thậm chí cả nhân viên bệnh viện. Trong con mắt chuyên môn của Cleckley, những cá nhân đó là những kẻ thái nhân cách.

Cuối cùng Cleckley đã viết cuốn sách mà về sau trở thành cuốn giáo khoa kinh điển về chứng thái nhân cách Mặt Nạ Của Sự Bình Thường (The Mask of Sanity). Xuất bản lần đầu vào năm 1941, cuốn sách này giờ đang ở phiên bản thứ năm (1976), và là một trong những cuốn sách đầu tiên đưa ra một bức tranh rõ ràng về chứng thái nhân cách. Mặc dù có trí tuệ bình thường, các bệnh nhân của Cleckley thường có những quyết định sai lầm, không học hỏi được từ kinh nghiệm bản thân, khiến họ lặp lại những hành vi lệch lạc, không mang lại kết quả tốt đẹp. Họ thiếu khả năng nhận thức về bản thân và về tác động của những hành vi của họ lên người khác, nhưng có vẻ hoàn toàn không bận tâm về điều đó. Họ không hiểu và cũng không bận tâm đến cảm xúc của người khác, không có khả năng cảm thấy xấu hổ hay hối lỗi về những thiệt hại họ gây ra cho người khác. Họ rất không đáng tin cậy, ngay cả về những thứ liên quan đến hoàn cảnh hiện tại của họ, và có vẻ không có mục đích rõ ràng nào trong cuộc sống. Điều nổi bật nhất là những bệnh nhân này là những kẻ nói dối bậc thầy, nói dối về gần như tất cả mọi thứ (kể cả những thứ không quan trọng mà hầu hết mọi người không bỏ phí thời gian và năng lượng để nói dối). Họ không thành thật, nhưng bề ngoài lại thường tỏ ra rất thành thật với những ai ít kinh nghiệm tiếp xúc với họ, đặc biệt là các nhân viên mới.

Xem xét hồ sơ của họ cho thấy họ trở nên bạo lực hay chống đối xã hội vì những lý do dường như ngẫu nhiên hay phi logic. Họ có thể vị kỷ đến mức cùng cực, và dường như không có khả năng trải nghiệm những cảm xúc sâu sắc của con người, đặc biệt là tình yêu và lòng trắc ẩn. Họ không có mối quan hệ lâu dài hay thân tình nào. Ngay cả những quan hệ tình dục của họ cũng hời hợt và không có tình cảm. Trên thực tế, họ dường như không có khả năng cảm nhận một cách mãnh liệt bất cứ cảm xúc nào mà những người khác cảm nhận, có lẽ ngoại trừ những cảm xúc sơ đẳng như giận dữ, thịnh nộ hay thất vọng. Theo Cleckley, bề ngoài những kẻ thái nhân cách tỏ ra hấp dẫn và thông minh. Chúng thường có khả năng dễ dàng làm người khác vui, có thể kể những câu chuyện bịa nghe như thật. Họ không có vẻ có suy nghĩ hoang tưởng hay phi logic, đặc điểm thường thấy của rối loạn tâm thần, và họ cũng không có xu hướng tỏ ra lo lắng hay dễ xúc cảm. Bề ngoài họ tỏ ra bình thường, lành mạnh về tinh thần, có khả năng kiểm soát bản thân. Trên thực tế, nhiều người trong số họ khá là đáng yêu. Như Cleckley viết, “kẻ thái nhân cách trình diễn một vẻ bề ngoài hoàn toàn bình thường, thậm chí nhiều khi tỏ ra có khả năng trí tuệ cao, và khá thường xuyên thành công trong kinh doanh hay các hoạt động nghề nghiệp khác.”

Tiêu đề cuốn sách của ông, Mặt Nạ Của Sự Bình Thường (The Mask of Sanity), phản ánh niềm tin của Cleckley rằng mặc dù những kẻ thái nhân cách không bộc lộ các triệu chứng tâm thần rõ ràng, chúng mắc một chứng rối loạn sâu sắc trong đó thành phần ngôn ngữ và tình cảm của suy nghĩ không liên kết được với nhau, một hội chứng ông gọi là rối loạn ngữ nghĩa. Bạn đọc có thể bị cám dỗ bởi ý nghĩ có thể chẩn đoán ai đó có phải là thái nhân cách không chỉ bằng việc quan sát hay lắng nghe anh ta hay cô ta nói chuyện và đánh dấu các đặc điểm tương đồng trên danh sách của Cleckley. Tuy nhiên, Cleckley chưa bao giờ có ý định biến danh sách những quan sát của mình thành một danh sách tiêu chí chính thức dành cho việc chẩn đoán, và cũng chưa bao giờ thử nghiệm mô hình của mình bằng phương pháp thống kê. Với tư cách một bác sĩ nhiều năm tiếp xúc với những kẻ thái nhân cách, ông chỉ ghi lại những đặc điểm mà theo ông là đặc trưng của chứng thái nhân cách.

Việc xác nhận các quan sát của ông và phát triển những phương pháp khoa học để chẩn đoán được dành lại cho những người khác, một trong số đó là Hare, tác giả thứ hai của cuốn sách này. Hare mô tả những nỗ lực của ông trong cuốn sách Không Có Lương Tâm: Thế Giới Ghê Sợ Của Những Kẻ Thái Nhân Cách Giữa Chúng Ta (Without Conscience: The Disturbing World of the Psychopaths Among Us) như sau:

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi làm việc với tư cách bác sĩ tâm thần tại một trại giam an ninh cao để kiếm thêm tiền học cao học. Khi ở đó, tôi bắt đầu quan tâm đến hành vi của những kẻ thái nhân cách mà thỉnh thoảng tôi gặp. Mối quan tâm ban đầu của tôi là tìm hiểu xem có sự khác nhau gì về mặt tâm lý giữa những tội phạm thái nhân cách và không thái nhân cách hay không. Cleckley đã lưu ý rằng những kẻ thái nhân cách sử dụng ngôn ngữ hơi khác hầu hết những người bình thường. Sự khác nhau đó ở cấu trúc câu, cách lựa chọn từ ngữ và âm điệu của chúng. Tôi và một số nhà nghiên cứu khác còn nhận thấy rằng những kẻ thái nhân cách gặp khó khăn trong việc hiểu sắc điệu tình cảm của từ ngữ. Chúng thường mô tả những tội ác man rợ nhất của chúng một cách thản nhiên, không biểu lộ chút tình cảm nào. Chỉ nghe những lời miêu tả thản nhiên ấy cũng đủ làm ớn lạnh nhiều nhân viên điều tra, mặc dù họ thường có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với tội phạm. Liệu có khác biệt gì đó trong não bộ những kẻ thái nhân cách có thể giải thích điều này?

Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về bộ não để tìm câu trả lời. Trong những thí nghiệm ban đầu, tôi thường cho các tội phạm thái nhân cách và không phải thái nhân cách đọc các từ mang nội dung tình cảm khác nhau và đo phản ứng sinh lý của họ. Những từ mang nội dung tình cảm cao như “hiếp dâm”, “máu me” hay “dao”, trong khi những từ mang nội dung tình cảm thấp như “cây cối”, “nhà cửa”, “đá”. Do được đào tạo chuyên về tâm lý học thực nghiệm, tôi biết rằng những từ có nội dung tình cảm cao sẽ gây ra những phản ứng sinh lý trên cơ thể các đối tượng tham gia và có thể được đo bằng các máy đo độ nhạy cao. Liệu điều đó có đúng với những kẻ thái nhân cách không?

Trở ngại đầu tiên là xác định chứng thái nhân cách. Không có đánh giá tiêu chuẩn và đáng tin cậy nào cho phép các nhà nghiên cứu xác định chứng rối loạn đó. Mức độ chính xác của chẩn đoán khi đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng và kinh nghiệm của nhà nghiên cứu. Một số nhà nghiên cứu có thể dùng tiêu chuẩn của Cleckley, một số khác dùng cuốn Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê (DSM) của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, cuốn sách hướng dẫn cho các bác sĩ tâm thần khi đó mới ra đời, một số khác nữa dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Không có đồng thuận trong việc chẩn đoán, làm sao một nhà nghiên cứu ở Canada có thể chắc rằng một đồng nghiệp ở nơi nào khác trên thế giới sẽ lặp lại được những kết quả nghiên cứu của ông? Lỡ ra hai người không đồng ý trong việc xác định đối tượng nào là thái nhân cách, đối tượng nào không?

Tôi cần xây dựng một phương pháp chẩn đoán thái nhân cách cho việc nghiên cứu, và công cụ mới này phải đáng tin cậy và có cơ sở vững chắc về tâm lý học. Danh sách các mô tả về hành vi của Cleckley, mặc dù là điểm khởi đầu tốt, nhưng vẫn không đầy đủ. Bằng cách thu thập một số lớn những mô tả hành vi và đặc điểm của chứng thái nhân cách được biết đến khi đó và dùng các kỹ thuật thống kê để xử lý, tôi bắt đầu xác định được những đặc điểm và hành vi phổ biến và cụ thể nhất để phân biệt giữa người thái nhân cách và không thái nhân cách.

Kết quả của công trình nghiên cứu đó là Bảng Kiểm tra Thái nhân cách - Có Sửa đổi (Psychopathy Checklist – Revised), hay gọi tắt là PCL-R, một danh sách bao gồm 20 đề mục về đặc điểm và hành vi trong giao tiếp, tình cảm và lối sống. Những kẻ thái nhân cách “thực sự” có tất cả hoặc hầu hết các đề mục trong PCL-R, trong khi những người chỉ có một vài đề mục không phải là thái nhân cách. Trong suốt 20 năm trở lại đây, các nghiên cứu thống kê trong nhiều cộng đồng tội phạm trên khắp thế giới luôn cho thấy PCL-R là khuôn mẫu chính xác trong việc chẩn đoán chứng thái nhân cách.


Tự nhiên? Nuôi dưỡng? Cả hai?

Chứng thái nhân cách là sản phẩm của tự nhiên hay do nuôi dưỡng? Như với hầu hết những thứ khác của con người, câu trả lời là cả hai đều góp phần. Một câu hỏi hợp lý hơn là “Tự nhiên và nuôi dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của những hành vi và đặc điểm đặc thù của chứng thái nhân cách đến mức nào?” Câu trả lời cho câu hỏi này đang trở nên ngày một rõ hơn với việc ứng dụng di truyền học hành vi vào các nghiên cứu về đặc điểm tính cách và hành vi.

Một số nghiên cứu trên các cặp song sinh gần đây cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng yếu tố di truyền có tầm quan trọng ít nhất là tương đương với các yếu tố môi trường trong sự phát triển của các đặc điểm cốt lõi của chứng thái nhân cách. Các nhà nghiên cứu Blonigen, Carlson, Krueger & Patrick tuyên bố rằng kết quả nghiên cứu trên 271 cặp song sinh người lớn của họ cung cấp “bằng chứng đáng kể về sự đóng góp của yếu tố di truyền vào những đặc điểm tính cách của chứng thái nhân cách.” Sau đó, các nhà nghiên cứu Larrson, Andershed & Lichstenstien cũng đi đến kết luận tương tự trong nghiên cứu trên 1090 cặp thiếu niên song sinh của họ: “Yếu tố di truyền có thể giải thích hầu hết các sự khác nhau của tính cách thái nhân cách.” Viding, Blair, Moffitt & Plomin nghiên cứu 3687 cặp song sinh bảy tuổi và cũng kết luận rằng “những triệu chứng cốt lõi của chứng thái nhân cách được quyết định chủ yếu bởi di truyền.” Họ báo cáo rằng sự đóng góp của di truyền là mạnh nhất ở những trường hợp có đặc điểm tính cách nhẫn tâm - vô cảm kết hợp với hành vi chống xã hội.

Những bằng chứng này không có nghĩa là con đường dẫn đến chứng thái nhân cách ở người lớn là cố định và không thể thay đổi, nhưng nó chỉ ra rằng môi trường xã hội sẽ rất khó có thể khắc phục những gì tự nhiên đã mang lại. Như đã nêu ra trong cuốn Không Có Lương Tâm, những yếu tố cần cho sự phát triển của chứng thái nhân cách - như không có khả năng đồng cảm, không có khả năng cảm nhận tất cả các cảm xúc bình thường của con người trong đó có sợ hãi - được mang lại bởi tự nhiên, có thể là di truyền hoặc những ảnh hưởng sinh học chưa biết đến trong quá trình phát triển của bào thai. Kết quả là khả năng hình thành năng lực tự kiểm soát hành vi, lương tâm và khả năng “kết nối” tình cảm với người khác bị suy giảm rất nhiều.

Dùng cách ví von đơn giản, nó cũng như người thợ gốm nặn ra sản phẩm từ đất (nuôi dưỡng), nhưng đặc tính của đồ gốm đó còn phụ thuộc vào loại đất được dùng (tự nhiên).


Công cụ đáng tin cậy và được sử dụng rộng rãi nhất để chẩn đoán chứng thái nhân cách là Bảng Kiểm tra Thái nhân cách - Có Sửa đổi (PCL-R) của Hare. PCL-R là một thang đánh giá lâm sàng chứ không phải một bảng tự đánh giá. Đối tượng được đánh giá không tự trả lời các câu hỏi, như các trắc nghiệm tâm lý khác thường làm. Thay vào đó, một bác sĩ tâm lý hay tâm thần đã được làm quen với phương pháp đánh giá sẽ hoàn thành bản trắc nghiệm dựa trên một cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng và dựa vào thông tin trong hồ sơ của đối tượng. Qua đó, với mỗi đề mục trong bảng kiểm tra, người bác sĩ tâm lý hay tâm thần phải đưa ra quyết định xem đặc điểm đó có ở đối tượng đang được đánh giá hay không. Với mỗi đề mục, nhiều tiêu chí đánh giá và kiểm tra được áp dụng. Có cả một cuốn hướng dẫn kỹ thuật chứa định nghĩa rất chi tiết và nhiều ví dụ hành vi cho tất cả 20 đề mục trong bảng kiểm tra.

Nếu người đánh giá cho rằng đối tượng được đánh giá rõ ràng có một đặc điểm nào đó, 2 điểm sẽ được ghi lại cho đề mục đó. Nếu đặc điểm đó chỉ xuất hiện đôi lúc hoặc không rõ ràng thì nó sẽ được nhận 1 điểm. Và nếu nó hoàn toàn không có ở đối tượng được đánh giá thì 0 điểm được ghi lại. Vì có cả thảy 20 đề mục trong bảng PCL-R, một người có thể được nhận điểm số từ 0 (nghĩa là không có chút triệu chứng thái nhân cách nào) đến 40 (nguyên mẫu thái nhân cách hoàn hảo).

Bảng PCL-R và phiên bản rút gọn PCL:SV đã cho phép các nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới tiến hành nghiên cứu về mọi khía cạnh của chứng thái nhân cách, bao gồm cả khía cạnh thần kinh của nó. Như đã lưu ý lúc trước, một vấn đề được đặc biệt quan tâm là cách thức kẻ thái nhân cách xử lý các từ ngữ, hình ảnh mang nội dung tình cảm cao. Kết quả từ nhiều thí nghiệm chụp não (dùng máy chụp cộng hưởng từ MRI) cho thấy những kẻ thái nhân cách không có phản ứng não bộ giống người bình thường đối với những tác nhân kích thích bằng lời nói hay hình ảnh mang nội dung tình cảm cao. Trong khi những người bình thường có phản ứng não bộ đối với những từ ngữ và hình ảnh mang nội dung tình cảm cao khác hẳn so với những tác nhân kích thích trung tính, những kẻ thái nhân cách có cùng một phản ứng não bộ. Những kẻ thái nhân cách xử lý kích thích mang nội dung tình cảm cao như thể nó mang nội dung trung tính.

Trả lời được câu hỏi đó lại dẫn đến câu hỏi khác. Tại sao những kẻ thái nhân cách lại phản ứng khác so với người bình thường? Có phải bộ não của chúng có cấu trúc khác? Có phải sự nghèo nàn về tình cảm của chúng là do quá trình nuôi dưỡng từ nhỏ? Sẽ phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa để có lời giải đáp cho những câu hỏi này, nhưng những tiến bộ đáng kể trong thiết bị thí nghiệm đang giúp chúng ta tiến tới một hiểu biết sâu sắc hơn về kẻ thái nhân cách. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu của họ trong những năm gần đây.

Từ những nghiên cứu ban đầu về PCL-R, một số lớn các nhà nghiên cứu đã dùng công cụ đó để đánh giá các tội phạm thái nhân cách ở nhiều quốc gia và điều kiện khác nhau. Những đề mục trong bảng đó đã vượt qua sự thử thách của thời gian và sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà khoa học. Mặc dù PCL-R được phát triển dựa trên cộng đồng tội phạm, nó cũng đã được dùng trên các nhóm khác, bao gồm cả các bệnh nhân tâm thần và công chúng nói chung. Tuy nhiên, đối với công chúng nói chung, một phiên bản khác của PCL-R có vẻ phù hợp hơn. Đó là Bảng Kiểm tra Thái nhân cách : Phiên bản Phân loại (PCL:SV), phát triển bởi Hare và các đồng nghiệp. Các đề mục trong PCL:SV được liệt kê dưới đây và được cho điểm theo cùng một cách cho điểm trong PCL-R. Tổng số điểm của 12 đề mục trong PCL:SV có thể dao động từ 0 đến 24.

Chúng ta có thể phân loại cách đặc điểm tính cách của kẻ thái nhân cách dựa trên một mô hình bốn yếu tố hay phạm trù. Phạm trù giao tiếp mô tả cách kẻ thái nhân cách trưng bày hay thể hiện bản thân đối với những người khác; phạm trù tình cảm mô tả những gì chúng có thể hoặc không thể cảm nhận về mặt tình cảm; phạm trù lối sống mô tả cách chúng sống trong cộng đồng; và phạm trù chống xã hội mô tả xu hướng hướng đến các hành vi chống xã hội của chúng. Lưu ý rằng việc cho điểm mỗi đề mục đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, phải tuân thủ theo hướng dẫn cho điểm trong cuốn Hướng dẫn Sử dụng PCL:SV, và phải có trong tay đầy đủ các thông tin qua nhiều cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng và hồ sơ cá nhân chi tiết. Cuốn Không có Lương tâm (Without Conscience) cung cấp nhiều mô tả kỹ lưỡng hơn.


Các phạm trù và đặc điểm của kẻ thái nhân cách (từ PCL:SV)

Giao tiếp:
  • Hời hợt
  • Khoa trương
  • Dối trá
Tình cảm:
  • Thiếu khả năng hối lỗi
  • Thiếu khả năng đồng cảm
  • Không nhận trách nhiệm
Lối sống:
  • Bốc đồng
  • Không có mục tiêu trong cuộc sống
  • Vô trách nhiệm
Chống xã hội: Có lịch sử lâu dài
  • Kém khả năng kiểm soát hành vi
  • Hành vi chống xã hội lúc vị thành niên
  • Hành vi chống xã hội lúc trưởng thành

Một điểm số trong bảng PCL-R như thế nào thì được chẩn đoán là thái nhân cách? Hầu hết mọi người trong cộng đồng dân số nói chung sẽ có số điểm thấp hơn 5 trên bảng PCL-R, trong khi điểm số trung bình cho tội phạm nam và nữ là 22 và 19. Ngưỡng điểm 30 thường được dùng để chẩn đoán chứng thái nhân cách, mặc dù một số nhà nghiên cứu và bác sĩ dùng ngưỡng điểm 25 cho mục đích nghiên cứu. Khoảng 15% tội phạm nam và 10% tội phạm nữ có điểm số từ 30 trở lên.

Phiên bản PCL:SV có ít đề mục hơn PCL-R nhưng điểm số của cả hai bảng có cùng ý nghĩa về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Hầu hết mọi người trong cộng đồng dân số nói chung sẽ có số điểm thấp hơn 3 trên bảng PCL:SV, trong khi điểm số trung bình trong cộng đồng tội phạm là khoảng 13. Ngưỡng điểm 18 thường được dùng để chẩn đoán chứng thái nhân cách.

Dù ngưỡng điểm nào được dùng đi chăng nữa, những cá nhân có điểm số cao rõ ràng là khác hẳn những cá nhân điểm số thấp. Sự khác biệt này là thuộc về bản chất hay mức độ thì vẫn còn chưa được xác định chắc chắn, mặc dù những bằng chứng nghiên cứu gần đây cho thấy cái sau có nhiều khả năng đúng hơn.

Tôi có phải thái nhân cách không?

Danh sách những đặc điểm thái nhân cách thường gợi lên sự lo ngại: “Chúa ơi! John rất là bốc đồng và vô trách nhiệm. Có khi anh ta là thái nhân cách!” Hoặc, “Tôi là người thích mạo hiểm và tôi lang chạ với rất nhiều người. Chết rồi, tôi là thái nhân cách!” Có thể là vậy, nhưng điều đó chỉ đúng khi nhiều đặc điểm liên quan khác cũng có mặt.

Hãy nghĩ về chứng thái nhân cách như một biến thiên đa chiều liên tục, như là huyết áp vậy. Nó có thể dao động từ thấp đến mức đáng báo động cho đến cao một cách nguy hiểm. Chúng ta có thể gọi những người có huyết áp tâm thu và tâm trương rất thấp hay rất cao là người huyết áp thấp hay người huyết áp cao. Ở giữa hai thái cực này là một dải các chỉ số huyết áp, một số được coi là bình thường, một số khác phản ánh những mức độ đáng lo ngại khác nhau, nhưng chưa đến mức được coi là bệnh lý.

Cũng tương tự như vậy, điểm số và mức độ nghiêm trọng (mật độ) của các đặc tính thái nhân cách có thể dao động từ gần như bằng 0, người đó có lẽ đã gần thành phật, cho đến cao một cách bất thường, biểu thị một rắc rối lớn. Chúng ta gọi những kẻ ở mức độ cao đó là thái nhân cách. Chúng có mức độ đặc biệt cao của những đặc điểm giao tiếp, tình cảm, lối sống và chống xã hội cấu thành định nghĩa của chứng thái nhân cách.

Hầu hết mọi người rơi vào giữa hai thái cực, nhưng chủ yếu ở gần thái cực thấp. Những người ở khoảng giữa có một số đáng kể những đặc điểm thái nhân cách, nhưng họ không phải là thái nhân cách theo đúng định nghĩa của từ này. Hành vi của họ sẽ phụ thuộc vào tập hợp những đặc điểm mà họ có. Dĩ nhiên, nhiều người trong số họ sẽ không phải là những công dân kiểu mẫu hay dễ chịu cho lắm. Những người còn lại có thể được mô tả với những từ như mạnh mẽ, tham vọng, thích quyền lực, thực dụng, thích chơi bời v.v...

Về tác giả:

Tiến sĩ Paul Babiak là một nhà tâm lý học chuyên về tổ chức doanh nghiệp và là giám đốc của HRBackOffice, một công ty tư vấn trong lĩnh vực phát triển nhân sự cấp cao. Những bài viết của ông đã được đăng trên các tờ New York Times, Washington Post, Harvard Business Review và nhiều tờ báo khác.

Tiến sĩ Robert D. Hare là tác giả cuốn Without Conscience (Không có lương tâm) và là người phát minh Bản Kiểm tra Thái nhân cách (The Pychopathy Checklist), công cụ chẩn đoán chứng thái nhân cách được sử dụng rộng rãi hiện nay. Ông là giáo sư danh dự khoa tâm lý học ở trường Đại học British Columbia, và là giám đốc Darkstone Research Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn pháp y. Ông đã dành được rất nhiều giải thưởng cho những nghiên cứu về chứng thái nhân cách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.