Bài viết theo chủ đề

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây

Tác giả: John J. Mearsheimer
Nguồn: Foreign Affairs

Nhận xét: Bài viết dưới đây là của John Mearsheimer, một trong những tác giả của cuốn sách gây tranh cãi Vận động Hành lang cho Israel (The Israel Lobby). Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga, trong một bài phát biểu gần đây trước các giảng viên và sinh viên trường MGIMO vào ngày 1/9, đã nói như sau:

Những người hiểu biết, bao gồm cả ở phương Tây, vẫn có thể nhìn thấu qua những thông tin xuyên tạc. Số mới đây của tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) (tháng 9 - 10 năm 2014) có đăng bài viết sâu sắc của Giáo sư John Mearsheimer trường đại học Chicago "Tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây", trong đó ông viết rằng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu giờ đang đối mặt với một lựa chọn: hoặc là tăng thêm áp lực lên Nga trong khi tiếp tục hủy diệt Ukraine, điều sẽ mang lại tổn thất cho mọi bên liên quan, hoặc là "sang số" và giúp xây dựng một Ukraine thịnh vượng và trung lập, điều sẽ góp phần thúc đẩy tích cực sự hợp tác giữa Nga và phương Tây. Mọi bên đều được lợi với lựa chọn ấy. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Nhưng trước hết, các nhà hoạch định chính sách phải thực sự lắng nghe những lời khôn ngoan này.

Theo quan điểm hiện hành của phương Tây, cuộc khủng hoảng tại Ukraine xuất phát từ chính những hành vi kích động của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo quan điểm này, được cho rằng đã sát nhập Crimea, trong một tham vọng lâu dài nhằm khôi phục lại đế chế Xô Viết, và thậm chí có thể ông còn đang nhắm đến phần còn lại của Ukraine, cũng như các quốc gia Đông Âu khác. Theo quan điểm này, việc lật đổ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào tháng 2 năm 2014 đơn thuần chỉ là một cái cớ cho ông Putin đưa ra quyết định cho phép quân đội Nga vào kiểm soát Ukraine.

Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm. Bản thân Mỹ và các nước đồng minh châu Âu mới là người thực sự chịu trách nhiệm nhiều nhất cho cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân chính của vấn đề, sự mở rộng của khối NATO, là yếu tố trọng tâm của một chiến lược còn lâu dài hơn thế nhằm lôi kéo Ukraine tách khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, và sáp nhập nước này vào phương Tây. Cùng thời điểm đó, sự mở rộng về phía Đông của khối EU, cùng với sự hậu thuẫn của các nước phương Tây với những hoạt động đòi quyền dân chủ ở Ukraine – bắt đầu bằng cuộc Cách mạng Cam vào năm 2004 – cũng là những yếu tố rất quan trọng. Từ giữa thập niên 90, các nhà lãnh đạo Nga đã quyết liệt phản đối sự mở rộng của khối NATO, và trong những năm gần đây, họ đã làm rõ quan điểm của mình rằng họ sẽ không thể ngồi yên khi quốc gia láng giềng chiến lược của mình trở thành điểm tập kết của quân đội các nước phương Tây. Đối với Putin, việc lật đổ bất hợp pháp xảy ra với vị tổng thống thân Nga đã được dân cử ở đây – ông thẳng thắn đề cập về nó là một “cuộc đảo chính”, một giọt nước tràn ly. Ông đã phản ứng bằng cách nắm lấy Crimea, một bán đảo mà ông e ngại rằng NATO có thể đặt cứ điểm hải quân ở đó, và ông cũng sẽ tiếp tục làm lung lay tình hình chính trị tại Ukraine cho đến khi nước này từ bỏ nỗ lực gia nhập về phía các nước phương Tây.

Nhận xét: Bản thân Hoa Kỳ, NATO và Kiev đã làm rất tốt việc làm mất ổn định tình hình chính trị ở Ukraine rồi, không cần đến Nga.

Những phản ứng của Putin không thực sự gây bất ngờ. Sau cùng thì phương Tây đã đứng ngay ở sân nhà của nước Nga và trực tiếp đe dọa đến lợi ích chiến lược của nước này, điều mà ông Putin đã nhấn mạnh và liên tục nhắc lại. Các sự kiện này đã gây bất ngờ cho giới nguyên thủ ở Mỹ và các nước châu Âu chỉ vì họ có một cái nhìn lệch lạc về chính trị quốc tế. Họ cho rằng logic của chủ nghĩa hiện thực hiện không còn ý nghĩa gì trong thế kỷ hai mốt này, và châu Âu có thể tiếp tục duy trì hòa bình và tự do trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc về luật pháp, tự chủ kinh tế, và tinh thần dân chủ.

Nhận xét: Khi các vị lãnh đạo phương Tây dùng những từ này, đó là từ mã chỉ chủ nghĩa tư bản kền kền và sự cai trị của các "ông chủ của thế giới" mà họ vẫn áp dụng tại khắp các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, dự định to lớn này hẳn đã lệch hướng khi động đến Ukraine. Những cuộc khủng hoảng diễn ra ở nước này cho thấy hệ thống những chính sách thực dụng vẫn còn giữ vai trò nhất định trong thời điểm này – và quốc gia nào lờ nó đi là chuốc họa vào thân. Những nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu tiếp tục phạm những sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng lôi kéo Ukraine trở thành một điểm tựa chiến lược cho phương Tây ngay trên biên giới Nga. Bây giờ, khi kết quả đã lộ rõ ngay trước mắt, sẽ còn là một sai lầm còn to lớn hơn nếu tiếp tục chính sách ngớ ngẩn này.

Lời khiêu khích từ châu Âu

Khi Chiến tranh lạnh đang đến hồi kết thúc, những nhà lãnh đạo Xô Viết đã mong muốn rằng quân đội Mỹ sẽ duy trì ở châu Âu, và NATO vẫn sẽ tồn tại ổn định, một thỏa ước mà họ cho rằng sẽ giúp duy trì một nước Đức thống nhất và ổn định. Thế nhưng họ, và những người kế tục Nga không muốn một NATO phát triển lớn rộng hơn, và cho rằng những nhà ngoại giao phương Tây hiểu vấn đề của họ. Còn chính quyền Clinton thì lại nghĩ khác, trong những năm giữa thập niên 90, họ bắt đầu xúc tiến mở rộng NATO.

Chặng đầu tiên của cuộc mở rộng này bắt đầu vào năm 1999, và mở rộng đến Cộng hòa Séc, Hungary và Phần Lan. Chặng thứ hai là vào năm 2004, bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia. Moscow ngay từ đầu đã có những lời chỉ trích khá gay gắt. Chẳng hạn như trong chiến dịch ném bom tấn công người Serbia ở Bosnia của quân NATO vào năm 1995, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã nói, “Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy điều gì có thể xảy đến, nếu để cho quân NATO tiến đến sát biên giới Liên Bang Nga … Ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ lan rộng khắp lãnh thổ châu Âu.” Tuy nhiên, nước Nga khi đó quá yếu để có thể ngăn cản sự mở rộng của NATO về phía Đông – điều mà, dù thế nào chăng nữa, khi đó có vẻ không nguy hiểm lắm, vì không một quốc gia thành viên mới nào của khối này chia sẻ biên giới với Nga ngoại trừ các nước vùng Baltic bé nhỏ.

Sau đó, NATO bắt đầu nhìn xa hơn về phía Đông. Trong hội nghị các nước thuộc NATO vào tháng 4 năm 2008 tại Bucharest, khối đồng minh xem xét việc kết nạp Georgia và Ukraine. Chính quyền tổng thống Mỹ George W.Bush ủng hộ, nhưng Pháp và Đức đã phản đối động thái này, lo ngại đây có thể là một hành động chống Nga trắng trợn quá mức. Vào phút cuối, các thành viên NATO đi đến một sự nhân nhượng: các nước đồng minh sẽ không bắt đầu quá trình gia nhập chính thức, tuy nhiên, họ đã công khai ủng hộ cho Georgia và Ukraine và tuyên bố mạnh dạn, “Các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO.”

Moscow, tuy vậy, không xem đó là một sự nhân nhượng. Alexdaner Grushko, khi đó là thứ trưởng Bộ ngoại giao, đã nói, “Sự gia nhập của Georgia và Ukraine vào khối các nước đồng minh sẽ là một sai lầm chiến lược vô cùng to lớn và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất cho toàn bộ an ninh của châu Âu.” Putin tiếp tục giữ quan điểm rằng việc kết nạp hai quốc gia này vào NATO sẽ là "mối đe dọa trực tiếp" đến nước Nga. Một tờ báo Nga đã công bố rằng, Putin, trong cuộc hội đàm với ông Bush, đã “tiết lộ rất ẩn ý rằng nếu Ukraine được phép gia nhập vào NATO, sẽ không cần phải nhắc đến sự tồn tại của họ nữa.”

Cuộc đổ bộ của Nga vào Georgia trong tháng 8 năm 2008 đã xua tan mọi nghi ngờ còn đọng lại về quyết tâm của Putin nhằm ngăn chặn Georgia và Ukraine gia nhập NATO. Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili, người đã cương quyết đưa nước này gia nhập NATO, vào mùa hè năm 2008 đã quyết định sẽ tái sáp nhập hai vùng li khai là Abkhazia và Nam Ossetia. Tuy nhiên, Putin đã cố gắng làm suy yếu Georgia và chia tách họ khỏi NATO. Sau khi chiến tranh nổ ra giữa chính phủ Georgia và vùng li khai Nam Ossetia, quân đội Nga đã chiếm quyền kiểm soát Abkhazia và Nam Ossetia. Moscow đã làm rõ quan điểm của mình. Thế nhưng, bất chấp những cảnh cáo rõ ràng này, NATO vẫn không chịu chính thức từ bỏ mục tiêu đưa Georgia và Ukraine gia nhập khối đồng minh. Và NATO tiếp tục mở rộng, bằng việc đưa Albania và Croatia trở thành thành viên của khối này.

Nhận xét: Có nhiều thứ diễn ra trong cuộc chiến với Georgia đó hơn là những gì Mearsheimer viết ở đây. Khi đó, sau khi được giúp đỡ về vũ khí, huấn luyện quân sự và sự cổ vũ thúc đẩy từ NATO, đứng đầu là Hoa Kỳ, tổng thống bù nhìn phương Tây của Georgia, Mikheil Saakashvili, đã ra lệnh tấn công các mục tiêu dân sự tại Nam Ossetia, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạng nặng. Nhớ rằng phần lớn dân chúng ở đây là người gốc Nga, nói tiếng Nga, mang dòng máu Nga, cũng như dân chúng ở Crimea và miền đông Ukraine hiện nay. Đài báo phương Tây không hề để ý đến cuộc tàn sát dân thường này chút nào cho đến khi xe tăng Nga tiến vào Nam Ossetia và đẩy lui quân Georgia đến tận Tbilisi. Khi đó đài báo phương Tây mới bắt đầu vào cuộc và dựng nên câu chuyện "Georgia bị tấn công bởi Nga".

EU cũng tiến hành mở rộng về phía Đông. Tháng 5 năm 2008, EU cho ra mắt sáng kiến về Đối tác chiến lược phía Đông của họ, một chương trình nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng ở một số quốc gia như Ukraine và mong muốn sáp nhập họ vào nền kinh tế EU. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các lãnh đạo Nga coi kế hoạch này như một sự khiêu khích, gây tổn hại đến lợi ích của họ. Tháng 2 năm nay, trước khi Yanukovych bị buộc phải từ chức, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov buộc tội EU đã cố gắng tạo ra một “khối ảnh hưởng” tại vùng Đông Âu. Trong mắt của những lãnh đạo người Nga, sự mở rộng của EU chính là một con ngựa dò đường cho sự mở rộng của NATO.

Công cụ cuối cùng của phương Tây nhằm lôi kéo Kiev khỏi Moscow chính là các nỗ lực gia tăng giá trị phương Tây và đẩy mạnh dân chủ ở Ukraine cùng các nước hậu Xô Viết khác, một kế hoạch thường đi liền với việc đầu tư cho các cá nhân và tổ chức thân phương Tây. Victoria Nuland, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Âu và khu vực Âu – Á, ước tính trong tháng 12 năm 2013 rằng nước Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỉ đô la từ năm 1991 đến nay để giúp Ukraine đạt được “tương lai họ xứng đáng được hưởng.” Một phần của nỗ lực này là việc chính phủ Mỹ hỗ trợ tài chính cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED). Quỹ không lợi nhuận này đã tài trợ hơn 60 dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy xã hội dân sự ở Ukraine, và chủ tịch của NED, ông Carl Gershman, đã gọi nước này là “giải thưởng to lớn nhất.” Sau khi Yanukovych thắng cử tổng thống Ukraine năm 2010, NED cho rằng ông đang gây ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu của họ, và vì thế, họ tăng cường những nỗ lực hỗ trợ các phe đối lập và đẩy mạnh hoạt động của những tổ chức vì dân chủ ở nước này.

Nhận xét: Xã hội dân chủ là một từ mã khác chỉ sự tự do để cai trị và lèo lái chính trị từ hậu trường của các "ông chủ của thế giới" mà không bị ngăn chặn bởi chính phủ nước đó. Và những tổ chức phi chính phủ như NED là một loại công cụ để họ thực hiện điều đó.

Khi các nhà lãnh đạo Nga nhìn vào những can thiệp xã hội từ phương Tây ở Ukraine, họ lo lắng rằng nước Nga có thể là mục tiêu tiếp theo. Và nỗi sợ đó hoàn toàn không phải là không có cơ sở. Tháng 9 năm 2013, Gershman đã viết trên tờ Bưu điện Washington, “Lựa chọn gia nhập EU của Ukraine sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc Nga mà đại diện là ông Putin.” Ông còn nói thêm :”Người Nga cũng vậy, họ phải lựa chọn, và Putin có thể thấy chính mình thua cuộc không chỉ là ở những vùng lân cận nước Nga, mà còn cả chính trong nước Nga nữa.”

Nhận xét: Chủ nghĩa đế quốc Nga chẳng qua là chủ quyền Nga, điều mà những "ông chủ của thế giới" không thể chấp nhận.

Kích động khủng hoảng

Gói bộ ba chính sách của phương Tây – sự mở rộng của NATO, sự mở rộng của EU, và đẩy mạnh dân chủ – đã thêm dầu vào ngọn lửa đang chờ thời điểm để bùng lên. Thời điểm ấy đến vào tháng 11 năm 2013, khi Yanukovych từ bỏ hiệp ước kinh tế chiến lược ông đã ký kết với EU để chấp nhận 15 tỉ đô la viện trợ của Nga. Quyết định này làm dấy lên làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng và kéo dài trong suốt 3 tháng sau đó, và vào trung tầm tháng 2, đã dẫn đến cái chết của khoảng một trăm người biểu tình. Các nhà ngoại giao phương Tây nhanh chóng bay đến Kiev để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vào ngày 21 tháng 2, chính phủ và phe đối lập thỏa ước sẽ để cho Yanukovych nắm giữ quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Nhưng thỏa ước đó đã bị thất bại ngay lập tức, và Yanukovych phải chạy trốn sang Nga ngay ngày hôm sau. Chính phủ mới ở Kiev là một chính phủ thân phương Tây và chống Nga đến tận xương tủy, và trong đó bốn thành viên cấp cao có thể được gọi là những kẻ phát xít mới.

Mặc dù mức độ đóng góp của Mỹ có thể vẫn chưa rõ ràng, nhưng rõ ràng là Washington đã đứng sau cuộc đảo chính này. Nuland và thượng nghị sĩ cộng hòa John McCain đã tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ, và Geoffrey Pyatt, đại sứ quán Mỹ ở Ukraine, đã tuyên bố sau cuộc lật đổ Yanukovych rằng đó là “một ngày đáng ghi vào sách lịch sử.” Như một đoạn ghi âm điện thoại bị rò rỉ tiết lộ, Nuland ủng hộ việc thay đổi chế độ và mong muốn chính trị gia người Ukraine Arseniy Tatsenyuk trở thành thủ tướng của chính phủ mới, và ông đã trở thành đúng như vậy. Không có gì khó hiểu khi người Nga thuộc mọi tầng lớp nghĩ rằng phương Tây đóng một vai trò trong cuộc lật đổ ông Yanukovych.

Với Putin, thời điểm để chống lại Ukraine và phương Tây đã đến. Không lâu sau ngày 22 tháng 2, ông ra lệnh cho quân đội Nga ghành Crimea khỏi Ukraine, và thời gian ngắn sau đó, ông sáp nhập nó vào lãnh thổ Nga. Việc này là tương đối dễ dàng vì hàng nghìn lính của quân đội Nga đã đóng sẵn ở căn cứ hải quân của Crimea, cảng Sevastopol. Phần khác, Crimea cũng là một mục tiêu đơn giản do có đến 60% dân số ở đây là gốc Nga. Hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi Ukraine.

Tiếp theo đó, Putin gây áp lực lớn lên chính phủ mới ở Kiev để ngăn họ đứng về phe phương Tây chống lại Moscow, và nhấn mạnh rõ ràng rằng ông sẽ phá hỏng đất nước Ukraine chứ không để họ trở thành một chỗ chỗ dựa cho phương Tây ngay trước cửa nhà nước Nga. Để hướng tới mục tiêu đó, ông đã cung cấp các chuyên gia, trang bị vũ khí, và hỗ trợ về mặt ngoại gia cho quân đội li khai ở phía đông Ukraine, những người đang đẩy đất nước vào cuộc nội chiến. Ông tập trung một số lượng lớn quân đội vũ trang gần biên giới với Ukraine, và hăm dọa sẽ cho tiến quân vào nếu chính phủ nước này đàn áp quân nổi dậy. Ông cũng đẩy giá khí đốt của Nga bán cho Ukraine lên rất cao, đồng thời đòi thanh toán cho những khoản xuất khẩu trước đó. Putin đang chơi cứng rắn.

Nhận xét: Trong khi chúng ta có thể chắc chắn rằng Nga bí mật hỗ trợ quân li khai, không có bằng chứng rằng Nga đã cung cấp vũ khí. Nói rằng quân li khai đã đẩy đất nước vào cuộc nội chiến cũng là không chính xác. Một lần nữa, Kiev đã tự làm điều đó. Quân li khai chẳng qua chỉ chống lại cái gọi là hoạt động chống khủng bố của Kiev mà thôi.

Chẩn đoán

Hành động của Putin là dễ hiểu. Là vùng đất rộng lớn bằng phẳng mà từ Napoleon của Pháp, cho đến đế chế Đức Quốc xã đều đã phải vượt qua để tấn công vào nước Nga, vai trò của Ukraine quả thực là một khu vực trung gian mang ý nghĩa chiến lược sống còn đối với nước Nga. Không một nhà lãnh đạo Nga nào lại chấp nhận một liên minh quân sự cho đến gần đây còn là đối thủ sống còn của mình tiến vào Ukraine. Và cũng không vị lãnh đạo người Nga nào có thể đứng yên nhìn trong khi các nước phương Tây sắp đặt một chính phủ quyết tâm sáp nhập Ukraine vào phương Tây.

Washington có thể không thích cách làm của Moscow, nhưng họ phải hiểu cái lý lẽ nằm sau nó. Đây là địa chính trị 101: Các cường quốc lớn luôn nhạy cảm với những đe dọa tiềm ẩn ở gần lãnh thổ của mình. Suy cho cùng thì chính Mỹ cũng không chấp nhận việc một cường quốc nào khác tập kết quân đội ở bất cứ đâu trên khu vực Tây bán cầu, chứ đừng nói là ngay trên biên giới của họ. Cứ thử tưởng tượng, Washington có thể nổi giận thế nào nếu Trung Quốc xây dựng được một liên minh quân sự đáng gờm bao gồm cả Canada và Mexico. Đặt suy đoán sang một bên, những nhà lãnh đạo người Nga đã nhiều lần nhắc nhở các đối tác phương Tây rằng họ coi việc mở rộng của NATO tới Georgia và Ukraine là không thể chấp nhận được, cũng như bất kỳ nỗ lực nào khác nhằm lôi kéo các nước này chống lại Nga. Đây là lời nhắn gửi mà cuộc chiến tranh Nga – Georgia năm 2008 đã nhấn mạnh rõ ràng.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và các đồng minh châu Âu tranh luận rằng họ đã cố gắng làm giảm nỗi sợ của Nga và rằng Moscow nên hiểu NATO không có ý xấu nào đối với Nga cả. Ngoài việc liên tục phủ nhận sự mở rộng của NATO là nhắm tới Nga, các nước đồng minh cũng chưa từng tập kết quân sự dài hạn tại các nước thành viên mới của họ. Năm 2002, họ thậm chí còn thành lập cái gọi là Ủy ban NATO – Nga như một nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác. Để tiếp tục xoa dịu Nga, Mỹ, vào năm 2009, đã lên tiếng thông báo rằng họ sẽ tập kết hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển mới nhất tại vùng biển châu Âu ít nhất là trong thời gian đầu, thay vì trên lãnh thổ Czech và Phần Lan. Nhưng không một biện pháp nào ở trên có vẻ hiệu quả. Người Nga vẫn cương quyết phản đối sự mở rộng của NATO, đặc biệt là việc kết nạp Georgia và Ukraine. Và chính Nga, chứ không phải phương Tây, mới là người cuối cùng quyết định cái gì là mối họa đối với họ.

Để hiểu tại sao phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không thấy rằng các chính sách mà họ áp dụng với Ukraine tiềm ẩn một cuộc xung đột lớn với Nga, chúng ta phải nhìn lại giữa những năm 1990, khi mà chính phủ Clinton bắt đầu ủng hộ sự mở rộng của NATO. Các chuyên gia cấp cao đã đưa ra rất nhiều ý kiến cả ủng hộ lẫn phản đối, nhưng không đạt được sự đồng thuận nào cả. Hầu hết cư dân tị nạn từ các nước Đông Âu ở Mỹ và các nước lân cận rất ủng hộ sự mở rộng này bởi vì họ muốn NATO sẽ bảo vệ các quốc gia như Hungary hay Phần Lan. Một số người theo tư tưởng thực tế cũng ủng hộ chính sách này vì họ cho rằng nước Nga vẫn cần bị kiểm soát.

Tuy nhiên, đa số những người thực tế thì phản đối sự mở rộng, vì họ tin rằng một cường quốc bị hạn chế bởi dân số đang già hóa, cùng với nền kinh tế một chiều thì thực sự không cần thiết phải kiểm soát chặt. Và họ e ngại rằng sự mở rộng này sẽ chỉ khiến cho Moscow có cớ để gây hấn trên khu vực Đông Âu. Nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đã nêu rõ quan điểm này trong một bài phỏng vấn năm 1998, ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua chặng đầu tiên trong chương trình mở rộng NATO. “Tôi nghĩ rằng nước Nga sẽ dần dà phát sinh các phản ứng tiêu cực, và điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách của họ nữa,” ông nói. “Tôi cho rằng đây sẽ là một sai lầm bi thảm. Chẳng có lý do nào cho việc này cả. Không có ai hăm dọa ai ở đây cả.”

Trong khi đó, hầu hết những người theo quan điểm tự do thì lại ủng hộ sự mở rộng này, và họ bao gồm cả những thành viên chủ chốt của chính phủ Clinton. Họ tin rằng sự kết thúc của Chiến tranh lạnh đã làm chuyển biến hoàn toàn cục diện chính trị quốc tế, và một trật tự thế giới mới đã thay thế những lý thuyết thực dụng từng được áp dụng với châu Âu. Nước Mỹ không phải chỉ là quốc gia “không thể thiếu,” như Ngoại trưởng Madeleine Albright đã tuyên bố, mà còn là "ông anh cả hiền hòa", và do đó, sẽ không bị coi là một mối đe dọa với Moscow. Mục tiêu, về bản chất mà nói, là làm sao biến cả châu Âu trở thành giống như Tây Âu.

Vì thế, nước Mỹ và các đồng minh của họ đã tìm cách đẩy mạnh phong trào dân chủ ở các quốc gia Đông Âu, cùng với việc đẩy mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của họ, và đưa họ vào các tổ chức quốc tế. Sau khi đã chiến thắng trong cuộc luận bàn tại Mỹ, những người mang tư tưởng tự do không gặp chút khó khăn nào trong việc thuyết phục những đồng minh châu Âu hỗ trợ sự mở rộng của NATO. Suy cho cùng thì với những thành tựu đã đạt được trong quá khứ, châu Âu còn thấy hứng thú hơn cả Mỹ với quan điểm rằng địa chính trị giờ đây không còn là một vấn đề đặc biệt quan trọng, và rằng một trật tự tự do rộng khắp có thể duy trì được hòa bình ở châu Âu.

Những tư tưởng tự do đã hoàn toàn thống trị các lý luận về an ninh châu Âu trong thập kỷ đầu của thế kỷ này đến mức ngay cả khi khối đồng minh áp dụng chính sách phát triển theo hướng mở cửa thì sự mở rộng của NATO cũng chỉ vấp phải rất ít những ý kiến trái chiều theo tư tưởng thực tế. Thế giới quan theo tư tưởng tự do giờ đã được chấp nhận là tư tưởng chủ đạo trong giới chính trị Mỹ. Chẳng hạn như vào tháng 3, tổng thống Barack Obama đã phát biểu về Ukraine, trong đó ông đã liên tục nhấn mạnh “lý tưởng” đã thúc đẩy các chính sách của giới phương Tây và việc những lý tưởng này “đang bị đe dọa bởi cách nhìn xưa cũ và lạc hậu về quyền lực.” Hồi đáp của ngoại trưởng Mỹ John Kerry về cuộc khủng hoảng ở Crimea cũng phản ánh quan điểm này: “Bạn không thể đứng trong thế kỷ hai mốt mà ứng xử theo cách của thế kỷ mười chín, tấn công một đất nước khác với những lý do vu khống được.”

Nhận xét: Đấy là John Kerry phát biểu đại diện cho một đất nước thường xuyên tấn công các nước khác dựa trên những lý do vu khống.

Về bản chất mà nói, hai bên đang chơi với hai luật chơi khác nhau: Putin và đồng bào của mình suy nghĩ và hành động theo những quan điểm thực tế, trong khi những đối tác phương Tây của họ thì lại cứ bám vào những ý tưởng về tự do chính trị quốc tế. Kết quả là Mỹ và các đồng minh của họ không nhận ra họ đang là nguyên nhân chính cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nhận xét: Mearsheimer một lần nữa không nhìn ra được những từ mã địa chính trị. Sự thật là phương Tây đi theo một thể chế chỉ phục vụ cho các "ông chủ của thế giới"; trong khi Putin chống lại thể chế đó vì lợi ích của toàn thể nước Nga và thông qua đó, lợi ích của cả thế giới.

Trò đổ lỗi

Trong cùng cuộc phỏng vấn vào năm 1998, Kennan đã tiên đoán rằng sự mở rộng của NATO sẽ gây ra khủng hoảng, và ngay sau đó, những người ủng hộ cho sự mở rộng sẽ nói "thấy chưa, chúng tôi chẳng đã nói vì họ là người Nga mà.” Và như là được giật dây, hầu hết những nhà ngoại giao phương Tây đã mô tả về ông Putin như là thủ phạm thực sự cho tình trạng bất ổn ở Ukraine. Vào tháng 3, theo tờ Thời báo New York, thủ tướng Đức Angela Merkel đã gián tiếp đề cập rằng ông Putin đã ứng xử không hợp lý, và cũng bảo với ông Obama rằng, ông ta “đang đứng trong một thế giới khác.” Mặc dù không nghi ngờ gì rằng, Putin là một người có khuynh hướng xử sự độc đoán, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho cáo buộc rằng ông mang tinh thần không ổn định. Trái lại, ông là một nhà chiến lược hàng đầu, mà ắt hẳn bất cứ ai muốn trở thành đối thủ của ông trên trường chính trị quốc tế đều phải dè chừng và kính trọng.

Các nhà phân tích khác đưa ra một cáo buộc nghe có vẻ hợp lý hơn, rằng Putin đang hối tiếc vì sự sụp đổ của nhà nước Liên minh Xô viết, và ông sẽ quyết tâm vực dậy nó bằng việc mở rộng đường biên giới của nước Nga. Theo như lý luận này, Putin đã tiếp quản Crimea, và bây giờ đang dò xét xem bao giờ sẽ là thời điểm thích hợp để tiến tới tiếp quản Ukraine, hoặc ít nhất sẽ là phần miền Đông nước này, và cuối cùng ông sẽ tấn công những quốc gia láng giềng khác với Nga. Đối với một số người theo lý luận này, Putin là đại diện cho một Adolf Hitler kiểu mới, và việc tiến tới ký kết bất kỳ thỏa hiệp nào với ông ta đều có thể lặp lại sai lầm xảy ra ở Munich. Do đó, NATO phải thu nạp Georgia và Ukraine để có thể kiểm soát Nga trước khi họ khống chế các nước láng giềng của mình và đe dọa đến cả các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, lập luận này nhanh chóng sụp đổ khi suy xét một cách cẩn thận. Nếu Putin quyết tâm xây dựng một nước Nga rộng lớn hơn, ắt hẳn ý định của ông ta đã phải lộ ra trước ngày 22 tháng 2. Thế nhưng, gần như chẳng có bằng chứng nào cho thấy ông đã quyết tâm đoạt quyền kiểm soát Crimea, cũng như các vùng lãnh thổ khác ở Ukraine trước đó. Thậm chí ngay cả những nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ sự mở rộng của NATO cũng không làm vậy vì lo rằng nước Nga sẽ sử dụng đến các biện pháp quân sự. Động thái của Putin ở Crimea làm chính họ cũng hết sức ngạc nhiên và dường như đó chỉ là một phản ứng tự nhiên từ phía Putin với vụ lật đổ ông Yanukovych. Ngay sau đó vụ lật đổ, Putin đã tuyên bố không ủng hộ sự li khai của nhân dân Crimea, trước khi nhanh chóng thay đổi quyết định của mình.

Bên cạnh đó, ngay cả khi nước Nga muốn mở rộng, họ vẫn thiếu khả năng để có thể dễ dàng tiếp quản và chiếm lấy miền Đông Ukraine, chưa nói đến là toàn bộ đất nước này. Hơn 15 triệu dân – chiếm đến một phần ba dân số của Ukraine – nằm giữa sông Dniepper, con sông chia đôi đất nước, và biên giới với Nga. Tuyệt đại đa số những người này muốn giữ nguyên là người Ukraine và sẽ không chịu khuất phục sự chiếm đóng của quân đội Nga. Hơn thế nữa, quân đội Nga chỉ thuộc mức trung tầm, vốn chẳng thể hiện được rằng mình sẽ có thể trở nên mạnh như một đội quân Wehrmacht hiện đại, có rất ít khả năng có thể ổn định toàn bộ đất nước Ukraine. Moscow cũng không chuẩn bị tốt cho một cuộc chiếm đóng tốn kém, nền kinh tế yếu kém của họ có thể sẽ còn phải chịu những tổn hại nặng nề hơn trước tác động của sự trừng phạt kinh tế do việc chiếm đóng đó.

Nhưng ngay cả khi Nga có một cỗ máy quân sự hùng hậu, và nền kinh tế ấn tượng đi nữa, có nhiều khả năng họ vẫn không thể chiếm đóng Ukraine một cách thành công. Chúng ta chỉ cần nhìn vào kinh nghiệm của Xô Viết và Mỹ ở Afghanistan, kinh nghiệm của Mỹ tại Việt Nam và Iraq, và kinh nghiệm của Nga ở Chechnya để có thể nhận thấy sự tiếp quản một đất nước bằng quân đội thường sẽ dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Putin chắc hẳn phải hiểu rằng việc cố gắng chiếm quyền kiểm soát Ukraine sẽ như là nuốt một con nhím vậy. Phản ứng của ông trước những sự kiện ở Ukraine chỉ mang tính phòng thủ chứ không thiên về tấn công.

Một lối thoát

Do hầu hết những nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục phủ nhận rằng các ứng xử của Putin xuất phát từ một mối lo ngại an ninh thực sự nên không có gì đáng ngạc nhiên khi họ cố gắng thay đổi chúng bằng cách gia tăng những chính sách hiện thời của họ, và ra các chính sách trừng phạt Nga mới. Mặc dù Kerry duy trì quan điểm rằng “tất cả mọi phương án đều được xem xét”, cả Mỹ và các đồng minh NATO đều không muốn phương án sử dụng quân sự để bảo vệ Ukraine. Phương Tây đang dựa vào những chính sách trừng phạt kinh tế của mình để ngăn chặn việc nước Nga tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy ở phía Đông Ukraine. Vào tháng 7, Mỹ và các nước EU đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt cấm vận kinh tế đợt ba cho nước Nga, nhắm tới chủ yếu những cá nhân cấp cao có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Nga, cùng một số ngân hàng tên tuổi, các công ty năng lượng, và các doanh nghiệp quốc phòng. Họ cũng đưa ra lời đe dọa sẽ triển khai thêm những đợt trừng phạt khác, mạnh tay hơn đợt này, và sẽ nhắm đến tất cả các thành phần của nền kinh tế Nga.

Những biện pháp này có rất ít hiệu quả. Hơn nữa, những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn ít có khả năng được xem xét sử dụng; các nước Tây Âu, đặc biệt là Đức, đã phản đối chúng vì lo bị nước Nga trả đũa, và giáng những đòn nặng nề lên nền kinh tế EU. Nhưng thậm chí nếu Mỹ có thể thuyết phục các đồng minh của mình ban hành những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt này, Putin vẫn sẽ không thay đổi quyết định của mình. Lịch sử đã cho thấy các quốc gia sẵn sàng hứng chịu tất cả mọi lệnh trừng phạt để bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình. Và chẳng có lý do nào để nghĩ rằng Nga là một ngoại lệ.

Các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn bám vào các chính sách khiêu khích đã gây ra cuộc khủng hoảng ngay từ đầu. Vào tháng 4, phó tổng thống Mỹ Joseph Biden đã có cuộc gặp với cơ quan lập pháp của Ukraine và bảo họ rằng, “Đây là cơ hội thứ hai để thực hiện lời hứa đã được đưa ra trong cuộc Cách mạng Cam.” John Brennan, giám đốc CIA, đã không cải thiện gì cho tình hình khi mà, cùng tháng, ông đến thăm Kiev trong một chuyến đi mà được Nhà Trắng cho biết là nhằm mục tiêu cải thiện hợp tác an ninh khu vực với chính phủ Ukraine.

Trong khi đó, EU lại tiếp tục đẩy nhanh chương trình Đối tác phương Đông của họ. Vào tháng 3, José Manuel Barroso, chủ tịch Ủy ban châu Âu, tóm tắt những suy nghĩ của EU về Ukraine, đã nói rằng, “Chúng ta có một khoản nợ, một nghĩa vụ phải hỗ trợ quốc gia này, và chúng ta sẽ làm việc để tiến đến với họ càng gần càng tốt.” Và đúng như vậy, ngày 27 tháng 6, EU và Ukraine ký thỏa thuận kinh tế mà Yanukovych đã từ bỏ bảy tháng về trước. Cũng vào tháng 6 đó, tại cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao, các nước thành viên NATO thống nhất rằng khối đồng minh sẽ để ngỏ cửa cho các thành viên mới, mặc dù các bộ trưởng ngoại giao đã không thẳng thắn đề cập đến Ukraine. “Không một quốc gia thứ ba nào có quyền ngăn chặn việc mở rộng của NATO,” tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố. Các bộ trưởng ngoại giao cũng nhất trí đồng thuận về việc hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau cho việc cải thiện năng lực quân sự của Ukraine trong những lĩnh vực như chỉ huy và điều hành, công tác hậu cần và an ninh điện tử. Các lãnh đạo người Nga, theo lẽ tự nhiên, rất tức giận trước những hành động này; những phản ứng của phương Tây với cuộc khủng hoảng chỉ làm tình hình thêm tồi tệ.

Có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tuy nhiên – nó cần phương Tây nhìn nhận quốc gia này theo một cách hoàn toàn mới. Nước Mỹ và các đồng minh của họ phải từ bỏ kế hoạch phương Tây hóa Ukraine và thay vào đó, hãy nhắm đến việc xây dựng một quốc gia trung lập giữa NATO và Nga, tương tự như vai trò của Áo trong cuộc Chiến tranh lạnh. Các nhà lãnh đạo phương Tây nên thừa nhận rằng Ukraine quan trọng với Putin đến mức họ không thể xây dựng một chính quyền chống nước Nga ở đó được. Điều này cũng không có nghĩa là trong tương lai, sẽ hình thành một chính phủ Ukraine thân Nga và chống phương Tây. Trái lại, mục đích chính là một Ukraine độc lập, chẳng thuộc quyền lực của cả phe thân Nga hay phe phương Tây.

Để đạt được mục tiêu này, nước Mỹ và các nước đồng minh cần phải chính thức từ bỏ việc mở rộng NATO tới Georgia và Ukraine. Phương Tây cũng nên hỗ trợ việc định hình một kế hoạch giải cứu kinh tế với Ukraine, với vốn góp chung từ các nước EU, quỹ IMF, nước Nga và nước Mỹ, điều mà có thể Moscow sẽ rất chào đón, do họ muốn có một Ukraine thịnh vượng và ổn định trên sườn Tây của nước Nga. Và phương Tây cũng nên giới hạn những nỗ lực xây dựng xã hội bên trong Ukraine. Đã đến lúc phải ngừng việc hỗ trợ một cuộc Cách mạng cam khác. Mặt khác, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cũng nên khuyến khích Ukraine tôn trọng những quyền của người thiểu số, đặc biệt là quyền ngôn ngữ của bộ phận những người nói tiếng Nga.

Một số người có thể tranh luận rằng thay đổi các chính sách về Ukraine vào thời điểm muộn như thế này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của nước Mỹ trên toàn thế giới. Không nghi ngờ rằng sẽ có những hao tổn nhất định, nhưng những tổn thất nếu cố gắng duy trì một chiến lược sai lầm sẽ còn lớn hơn. Hơn thế nữa, các quốc gia khác sẽ tôn trọng một quốc gia học được từ những sai lầm của mình và hơn hết tìm ra được giải pháp hữu hiệu để đương đầu với những vấn đề trước mắt. Lựa chọn này rõ ràng là rất khả thi cho nước Mỹ.

Nhận xét: Không may là các vị lãnh đạo Hoa Kỳ là những kẻ thái nhân cách, những kẻ thà chìm cùng với con tàu đang chìm của họ còn hơn là được cứu mà phải thừa nhận rằng họ đã sai lầm.

Chúng ta cũng nghe nói đến luận điểm rằng Ukraine có quyền quyết định họ muốn làm đồng minh với ai và Nga không có quyền ngăn chặn Kiev gia nhập với phương Tây. Thật là nguy hiểm nếu Ukraine nghĩ vậy về chính sách ngoại giao của họ. Một sự thật đáng buồn là sức mạnh thường đi đôi với lẽ phải, nhất là trong trường chính trị giữa các cường quốc với nhau. Những quyền trừu tượng kiểu như quyền tự quyết hầu như là vô nghĩa khi các nước lớn lôi kéo các nước nhỏ vào tranh chấp. Cuba có quyền thành lập một liên minh quân sự với Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh không? Nước Mỹ chắc chắn đã không nghĩ vậy, và người Nga cũng nghĩ giống thế về việc để Ukraine gia nhập vào phương Tây. Ukraine nên hiểu lẽ đời và ứng xử cẩn trọng với những nước láng giềng đầy quyền lực thì tốt hơn.

Tuy nhiên, ngay cả với những ai không chấp nhận lập luận này và tin rằng Ukraine có quyền xin tham gia vào EU hay NATO, một thực tế vẫn còn đó là Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ cũng có quyền đề từ chối lời đề nghị này. Chẳng có lý do gì phương Tây phải cho Ukraine một chỗ dựa khi nước này đang thực hiện những chính sách ngoại giao sai lầm, nhất là khi với họ, sự an toàn của Ukraine không phải là vấn đề sống còn. Chiều theo mong mỏi của một số người dân Ukraine thật chẳng xứng với những xung đột và thù địch mà điều này gây ra, đặc biệt là cho người dân nước này.

Dĩ nhiên, một số nghiên cứu có thể thừa nhận rằng có thể NATO đang ứng xử rất kém trong quan hệ với Ukraine, nhưng vẫn tranh luận rằng Nga là một đối thủ ngày càng mạnh hơn và phương Tây không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục những chính sách hiện thời của họ. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Nước Nga là một cường quốc đang suy yếu, và họ sẽ chỉ ngày càng suy yếu đi. Ngay cả khi Nga có là một cường quốc đang mạnh lên, thì cũng chẳng có lý do gì để kết nạp Ukraine vào NATO. Lý do đơn giản là, nước Mỹ và các nước đồng minh châu Âu không coi Ukraine như một lợi ích chiến lược, như việc họ không sẵn lòng can thiệp quân sự để hỗ trợ nước này đã chứng tỏ. Do đó, thật quá đỗi ngớ ngẩn để cho gia nhập một thành viên NATO mới mà các nước thành viên khác không có ý định bảo vệ. NATO mở rộng trong quá khứ là do những người theo tư tưởng tự do cho rằng khối đồng minh sẽ không bao giờ phải thực hiện hiệp ước đảm bảo an ninh của mình, nhưng những nước cờ mạnh gần đây của Nga đã cho thấy việc trao cho Ukraine cơ hội gia nhập NATO sẽ đặt nước Nga và phương Tây vào một cuộc xung đột.

Nhận xét: Nga là một cường quốc đang suy yếu? Xin lỗi, chúng tôi không có cùng quan điểm ấy.

Bám chặt vào chính sách hiện tại cũng sẽ càng làm phức tạp hóa quan hệ của phương Tây với Moscow về các vấn đề khác. Nước Mỹ cần sự hỗ trợ của Nga trong việc rút quân trang thiết bị của Mỹ từ Afghanistan qua lãnh thổ Nga, hoặc đạt đến một thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay việc ổn định tình hình ở Syria. Trên thực tế, Moscow từng giúp đỡ Washington trong tất cả những vấn đề trên trong quá khứ. Vào mùa hè năm 2013, chính Putin đã giải cứu cho Obama khi ông thỏa thuận với Syria khiến nước này thực hiện việc giải giáp vũ khí hóa học của họ và qua đó tránh được nguy cơ những cuộc tấn công quân sự mà ông Obama đã đe dọa từ trước. Nước Mỹ một lúc nào đó cũng sẽ cần đến sự hỗ trợ của nước Nga trong việc kiềm chế một Trung Quốc đang lớn mạnh. Tuy nhiên, những chính sách của Mỹ hiện thời chỉ khiến cho Moscow tiến đến gần hơn với Bắc Kinh.

Nước Mỹ và các nước đồng minh châu Âu của họ giờ đang phải đương đầu với một lựa chọn về Ukraine. Họ có thể duy trì chính sạch hiện tại, điều này sẽ làm căng thẳng thêm xung đột với Nga, và làm hỏng mọi nỗ lực với Ukraine – một kịch bản mà tất cả mọi người đều sẽ là kẻ thua cuộc. Hoặc họ có thể thay đổi cách làm của mình, và xây dựng một Ukraine thịnh vượng và trung lập, một kết quả sẽ không làm tổn hại đến nước Nga, và cho phép phương Tây có cơ hội sửa chữa mối quan hệ với Moscow. Đây là cách tất cả đều là người thắng cuộc, và cùng có lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.