Bài viết theo chủ đề

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Cuộc chiến tranh tuyên truyền và kinh tế của Hoa Kỳ chống lại Nga

Chiến tranh Nga Mỹ
Nga muốn chiến tranh. Hãy xem họ đặt đất nước của họ gần các căn cứ quân sự Mỹ đến mức nào!

Tác giả: Diana Johnstone
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Hơn một năm qua, Hoa Kỳ đã triển khai kịch bản được thiết kế để (1) tái lập sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với Châu Âu bằng cách ngăn chặn Châu Âu giao thương với Nga, (2) làm phá sản Nga, (3) lật đổ Vladimir Putin và thay thế ông ta bằng một tay sai của Hoa Kỳ, giống như kẻ say sưa Boris Yeltsin trước đây.

Những ngày qua đã cho thấy rất rõ sự xảo trá kinh tế trong cuộc chiến của Hoa Kỳ chống lại Nga.

Tất cả bắt đầu ở hội nghị quốc tế cấp cao quan trọng về tương lai của Ukraina được tổ chức ở Yalta vào tháng 12 năm 2013, tại đó chủ đề chính là cuộc cách mạng khí đá phiến mà Hoa Kỳ hy vọng có thể sử dụng để làm suy yếu Nga. Cựu bộ trưởng năng lượng Hoa Kỳ Bill Richardson ở đó để đưa ra lời chào mời, được Bill và Hillary Clinton hoan nghênh. Washington hy vọng sử dụng kỹ thuật fracking để tạo ra nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt tự nhiên, loại Nga ra khỏi thị trường. Lời chào mời đó với châu Âu cũng giống như là treo đầu dê bán thịt chó vậy.

Nhưng cú lừa đó không thể hoàn thành dựa trên nguyên tắc “thị trường” bất khả xâm phạm, do fracking tốn kém hơn việc chiết xuất khí đốt của Nga nhiều. Một cuộc khủng hoảng lớn trở nên cần thiết để bóp méo thị trường bằng sức ép chính trị. Với cuộc đảo chính ngày 22 tháng 2, do Victoria Nuland dàn xếp, Hoa Kỳ trên thực tế đã giành quyền kiểm soát Ukraina, đưa tay chân “Yats” (Arseniy Yatsenyuk) lên nắm quyền, người này ủng hộ việc gia nhập NATO. Mối đe dọa trực tiếp đối với căn cứ hải quân của Nga ở Crimea đã dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập một cách hòa bình bán đảo trong lịch sử vốn dĩ của Nga trở lại Nga. Nhưng dàn đồng ca của Hoa Kỳ lên án việc sáp nhập hòa bình bán đảo Crimea là “cuộc xâm lược quân sự của Nga”. Động thái phòng vệ đó được NATO loan báo là bằng chứng của việc Putin có ý đồ xâm lược các quốc gia láng giềng của Nga ở Đông Âu bất kể lý do.

Cùng lúc đó, cuộc xâm lược kinh tế của Hoa Kỳ lặng lẽ triển khai.

Ukraina là một trong những nguồn dự trữ khí đá phiến lớn nhất ở Châu Âu. Giống như các quốc gia Châu Âu khác, người Ukraina đã biểu tình chống lại các tác động tổn hại môi trường của việc fracking trên quê hương của họ, nhưng không giống các quốc gia khác, Ukraina không có luật cấm. Chevron đã tham gia.

Vào tháng 5 vừa qua, R. Hunter Biden, con trai của phó tổng thống Hoa Kỳ, trở thành thành viên trong ban giám đốc của Burisma Holdings, nhà cung cấp khí đốt tư nhân lớn nhất của Ukraina. Biden trẻ chịu trách nhiệm về bộ phận pháp lý của Holdings và đóng góp vào “sự mở rộng quốc tế” của công ty.

Ukraina có đất canh tác màu mỡ cùng dự trữ dầu đá phiến. Người khổng lồ nông nghiệp Cargill của Hoa Kỳ đã đặc biệt tích cực ở Ukraina, đầu tư vào kho chứa ngũ cốc, thức ăn gia súc, nhà cung cấp trứng và hãng kinh doanh nông nghiệp chủ chốt, Ukr Land Farming, cũng như cảng tại Novorossiysk ở Biển Đen. Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Ukraina cũng rất tích cực với sự có mặt của Monsanto, John Deere, nhà chế tạo nông cụ CNH Industrial, DuPont Pioneer, Eli Lilly & Company. Monsanto dự định xây dựng một “nhà máy hạt giống ngũ cốc không biến đổi gen” trị giá 140 triệu dollar ở Ukraina, rõ ràng là nhắm tới thị trường e ngại hạt giống biến đổi gen (GMO) của Châu Âu. Trong bài phát biểu tại hội nghị của Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Ukraina do Chevron tài trợ một năm trước đây, Victoria Nuland đề cập tới việc Hoa Kỳ đã chi 5 tỷ dollar trong hai mươi năm qua để giành được Ukraina.

Vào ngày 2 tháng 12, tổng thống Poroshenko bổ nhiệm ba người ngoại quốc làm bộ trưởng trong nội các: một người Mỹ, một người Lít-va và một người Grudia. Ông ta cấp quốc tịch Ukraina cho họ chỉ vài phút trước buổi lễ.

Người sinh ra ở Mỹ, Natalie Jaresko, là bộ trưởng tài chính mới của Ukraina. Với một nền tảng gia đình Ukraina cũng như bằng cấp của trường Harvard và DePaul, Jaresko chuyển từ Bộ Ngoại Giao tới Kiev để lãnh đạo phòng kinh tế của đại sứ quán Hoa Kỳ mới mở khi Ukraina tách ra khỏi Liên Bang Soviet. Ba năm sau, bà ta rời đại sứ quán Hoa Kỳ để lãnh đạo quỹ Western NIS Enterprise được Hoa Kỳ tài trợ. Vào năm 2004, bà ta thiết lập quỹ đầu tư cổ phiếu riêng. Là người ủng hộ cuộc Cách Mạng Cam năm 2004, bà ta tham gia Hội Đồng Cố Vấn Nhà Đầu Tư Nước Ngoài của tổng thống “Cam” Viktor Yushenko.

Chủ ngân hàng đầu tư Aivaras Abromavicius là bộ trưởng Kinh Tế mới, đặt chính sách kinh tế dưới sự ảnh hưởng, hay nói đúng hơn là kiểm soát, của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Y Tế mới, Aleksandr Kvitashvili từ Grudia, được đào tạo ở Hoa Kỳ và không nói tiếng Ukraina. Ông ta từng là bộ trưởng y tế tại quê hương Grudia dưới thời tổng thống tay sai của Hoa Kỳ Mikheil Saakashvili.

Hoa Kỳ đã hoàn tất việc nắm chặt kinh tế Ukraina. Bước kế tiếp là bắt đầu fracking, dĩ nhiên sẽ biến Hunter Biden thành nhà tài phiệt mới nhất của Ukraina.

Không ai đề cập tới điều này nhưng hiệp định thương mại gây tranh cãi giữa E.U. và Ukraina, mà việc trì hoãn nó gây ra cuộc biểu tình Maidan dẫn tới cuộc đảo chính ngày 22 tháng 2 do Hoa Kỳ chỉ đạo, xóa bỏ các rào cản thương mại, cho phép tự do xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp do công ty Hoa Kỳ sản xuất ở Ukraina sang các quốc gia E.U. Chính quyền Ukraina chìm đắm trong nợ nần nhưng điều đó không ngăn cản các công ty Hoa Kỳ kiếm lợi nhuận khổng lồ từ đất nước màu mỡ, lương thấp và phi luật lệ này. Các nhà sản xuất ngũ cốc Châu Âu, như Pháp, có thể bị thiệt hại lớn khi gặp cạnh tranh giá rẻ.

Cuộc tấn công của chính quyền Kiev bị ám ảnh bởi Nga ở Đông Nam Ukraina đã giết chết lĩnh vực công nghiệp vốn có thị trường ở Nga của quốc gia này. Nhưng đối với những nhà cai trị Kiev từ miền tây Ukraina thì điều đó không quan trọng. Cái chết của nền công nghiệp cũ có thể giữ cho lương thấp và lợi nhuận cao.

Ngay sau khi người Mỹ giành quyền kiểm soát kinh tế Ukraina, Putin thông báo hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt Tuyến Phương Nam. Hợp đồng được ký vào năm 2007 giữa Gazprom và công ty hóa dầu ENI của Ý, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho vùng Ban-căng, Áo và Ý tránh đi qua Ukraina, một quốc gia trung gian không đáng tin cậy khi liên tục không thanh toán các khoản nợ và hút khí đốt chuyển cho Châu Âu để sử dụng. Công ty Đức Winterhall và công ty Pháp EDF cũng đầu tư vào Tuyến Phương Nam.

Trong những tháng gần đây, các đại diện của Hoa Kỳ gia tăng sức ép, buộc các quốc gia Châu Âu đã tham gia phải hủy bỏ dự án. Tuyến Phương Nam là phao cứu sinh đối với Serbia, vẫn đang khốn đốn bởi hậu quả từ những trận ném bom của NATO và việc bán đổ bán tháo các ngành công nghiệp được tư hữu hóa cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm và an ninh năng lượng mà nó rất cần, Serbia cũng sẽ nhận được 500 triệu euro phí quá cảnh hàng năm. Belgrade phản đối cảnh báo rằng Serbia phải tuân thủ chính sách đối ngoại chống lại Nga của E.U. để đáp ứng các điều kiện làm ứng cử viên gia nhập E.U.

Điểm yếu là Bulgaria, nước này cũng nhận được những lợi ích tương tự khi chấp nhận cho đường ống đi qua lãnh thổ. Đại sứ Hoa Kỳ ở Sofia, Marcie Ries đã bắt đầu cảnh báo các doanh nhân Bulgari rằng họ có thể phải gánh chịu trừng phạt nếu hợp tác với các công ty Nga. Chủ tịch về hưu của Ủy Ban Châu Âu, José Manuel Barroso người Bồ Đào Nha, người được coi là “Maoist” khi “chủ nghĩa Mao” được sử dụng như biện minh cho việc chống lại phong trào giải phóng được Soviet hậu thuẫn ở các thuộc địa Châu Phi của Bồ Đào Nha, đã đe dọa Bulgaria với việc khởi kiện bất tuân thủ Châu Âu trong hợp đồng Tuyến Phương Nam. Đe dọa này viện tới quy định của E.U. chống lại việc cho phép cùng một công ty cung cấp và chuyển tiếp khí đốt. Nói ngắn gọn là E.U. đang cố gắng áp dụng hồi tố một quy định của bản thân họ cho một hợp đồng được ký kết với một quốc gia không thuộc E.U khi quy định đó chưa được ban hành.

Cuối cùng, John McCain bay tới Sofia để hăm dọa thủ tướng Bulgaria, Plamen Oresharski, để hủy bỏ hợp đồng, khiến cho Tuyến Phương Nam nằm trên Biển Đen mà không có lối vào đất liền Ban-căng.

Tất cả những chuyện đó thật là nực cười khi mà luận điệu ưa thích trong cuộc chiến tuyên truyền hiện nay của Hoa Kỳ chống lại Nga là Gazprom là một vũ khí nguy hiểm được Putin sử dụng để “ép buộc” và “bắt nạt” Châu Âu.

Bằng chứng duy nhất là Nga thường xuyên kêu gọi Ukraina trả các khoản nợ khí đốt quá hạn từ lâu. Một cách vô ích.

Hủy bỏ Tuyến Phương Nam là một cú đánh đến muộn của NATO vào Serbia. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic than vãn về tổn thất Tuyến Phương Nam: “Chúng ta đang trả giá cho xung đột giữa các cường quốc.”

Các đối tác người Ý trong hợp đồng cũng không vui vẻ với tổn thất lớn đó. Nhưng quan chức và truyền thông E.U. vẫn lên án Putin về mọi thứ như thường lệ.

Dĩ nhiên là khi bạn thường xuyên bị xúc phạm và cảm thấy không được chào đón thì bạn sẽ quay đi. Putin mang dự án đường ống dẫn dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức bán cho thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Đấy có vẻ là một hợp đồng tốt cho Nga và cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng toàn bộ sự việc vẫn có vẻ đáng quan ngại.

Dầu của Nga là công cụ ép buộc? Nếu Putin có thể sử dụng Gazprom để buộc Erdogan thay đổi chính sách về Syria, và từ bỏ quyết định lật đổ Bachar al Assad, nhằm đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan, thì đó sẽ là kết quả tuyệt vời. Nhưng hiện giờ vẫn chưa có dấu hiệu của một tiến triển như vậy.

Sự thay đổi từ Ban-căng sang Thổ Nhĩ Kỳ đào sâu ngăn cách giữa Nga và Tây Âu, mà về dài hạn sẽ gây tổn thương cho cả hai phía. Nhưng điều đó cũng đào sâu bất bình đẳng kinh tế giữa phương Nam và phương Bắc Châu Âu. Đức vẫn nhận được khí đốt của Nga từ Tuyến Phương Bắc, dự án hợp tác của Gerhard Schroeder với Putin. Song các quốc gia phía Nam Châu Âu, vốn đang chìm trong khủng hoảng của đồng euro, thì bị bỏ mặc trong lạnh giá. Điều này có thể thúc đẩy nổi loạn chính trị đang lớn dần tại những quốc gia đó.

Khi những tiếng nói dấy lên ở Ý phàn nàn rằng việc trừng phạt Nga khiến Châu Âu bị tổn thương nhưng Hoa Kỳ thì vô sự, người Châu Âu có tự an ủi bằng những lời ngọt ngào của người được giải Nobel Hòa Bình ở Nhà Trắng, người ca ngợi Liên Minh Châu Âu đã làm điều đúng đắn, ngay cả khi điều đó “là gay go đối với kinh tế Châu Âu”.

Trong bài phát biểu với các CEO hàng đầu vào ngày 3 tháng 12, Obama nói rằng sự trừng phạt nhằm mục tiêu thay đổi “nhận thức” của Putin, nhưng không nghĩ rằng điều đó sẽ thành công. Ông ta chờ đợi “chính trị trong nội bộ Nga” sẽ “bắt kịp với những gì diễn ra trong kinh tế, đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục duy trì sức ép.” Đấy là một cách khác để nói rằng ăn cắp thị trường khí đốt của Nga, ép buộc Châu Âu áp đặt trừng phát, và khiến những con rối mù quáng của Washington ở Arab Saudi hạ giá dầu bằng cách làm tràn ứ thị trường, đều chỉ nhằm mục đích khiến nhân dân Nga đủ ghét Putin để lật đổ ông ta. Nói một cách ngắn gọn là thay đổi chế độ.

Vào ngày 4 tháng 12, Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức công bố động cơ của Hoa Kỳ đằng sau tất cả mớ bòng bong này bằng cách đưa ra thứ có thể coi là tồi tệ nhất mà khối lập pháp từng đưa ra: Nghị quyết 758. Nghị quyết là một bản tóm tắt tất cả những lời dối trá chống lại Vladimir Putin và Nga trong hơn một năm qua. Có lẽ chưa bao giờ có nhiều lời dối trá được nhồi nhét trong một văn bản chính thức đến như vậy. Mặc dù vậy, cuộc chiến tuyên truyền được chứng thực bằng số phiếu thông qua 411 so với 10 phản đối. Nếu như điều này không dẫn đến chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân, và vẫn còn những nhà sử học trong tương lai, thì họ sẽ đánh gia nghị quyết này là bằng chứng sự thất bại hoàn toàn của trí tuệ, trung thực, và tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị mà Washington đang cố gắng áp đặt cho toàn thế giới.

Ron Paul đã viết một phân tích xuất sắc về tài liệu đáng xấu hổ đó ở đây và ở đây nữa.

Bất kể người ta có nghĩ gì về chính sách đối nội của Paul, về đối ngoại thì ông ta đứng riêng một mình – rất riêng biệt – như là tiếng nói của lý trí. (Vâng, có cả Dennis Kucinich nữa, nhưng họ loại bỏ ông ta bằng cách xóa bỏ theo kiểu gian lận quận của ông ta khỏi bản đồ.)

Sau một danh sách dài những lời dối trá “Xét rằng”, những lời lăng mạ và đe dọa, chúng ta trở thành phe gây sự thô bỉ trong chiến dịch nguy hiểm này. Hạ Viện kêu gọi các quốc gia Châu Âu “làm suy yếu khả năng sử dụng nguồn khí đốt như là công cụ tạo sức ép chính trị và kinh tế đối với các quốc gia khác của Liên Bang Nga bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và các nguồn năng lượng khác từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác” và “thúc giục tổng thống xúc tiến phê chuẩn của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ về việc xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang Ukraina và các quốc gia Châu Âu khác.”

Quốc Hội đã sẵn sàng mạo hiểm và thậm chí là khuyến khích chiến tranh hạt nhân, nhưng khi đi vào bản chất của vấn đề, đó là việc đánh cắp thị trường khí đốt của Nga bằng thứ mà cho đến nay vẫn là trò lừa gạt: khí đá phiến thu được từ fracking của Hoa Kỳ.

Tồi tệ hơn Chiến Tranh Lạnh

Phái tân bảo thủ điều khiển các chính khách thiếu trải đời của Hoa Kỳ không phải chỉ đẩy chúng ta vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Nó còn tồi tệ hơn nhiều. Cuộc đối đầu dai dẳng với Liên Bang Soviet là “Lạnh” do Sự Phá Hủy Đảm Bảo Cho Đôi Bên (MAD). Cả Washington và Moscow đều hoàn toàn nhận thức được rằng chiến tranh “Nóng” có nghĩa là đụng độ vũ khí hạt nhân sẽ tiêu diệt tất cả mọi người.

Lần này, Hoa Kỳ nghĩ rằng họ đã “thắng” trong Chiến Tranh Lạnh và dường như say sưa với sự tự tin rằng họ có thể thắng một lần nữa. Sự nâng cấp vũ khí hạt nhân của họ và xây dựng “lá chắn hạt nhân” quanh biên giới Nga chỉ nhằm mục tiêu tạo cho Hoa Kỳ khả năng đánh phủ đầu – khả năng hạ gục bất cứ sự trả đũa nào của Nga đối với tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ. Điều đó không thể thành công, nhưng nó làm suy yếu sự răn đe.

Nguy cơ của một cuộc chiến toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân thực sự lớn hơn dưới thời Chiến Tranh Lạnh. Hiện nay chúng ta đang ở trong một dạng Chiến Tranh Băng Giá, bởi vì tất cả những gì mà Nga làm hay nói đều không có bất cứ tác động nào. Phe tân bảo thủ điều khiển các chính sách của Hoa Kỳ từ sau hậu trường đã sáng tạo ra câu chuyện hoàn toàn giả tưởng về “sự xâm lược” của Nga mà thổng thống Hoa Kỳ, giới truyền thông và giờ là Quốc Hội đã chấp nhận và tán thành. Các nhà lãnh đạo Nga phản ứng với sự trung thực, chân thành và vẫn đang kiềm chế bất chấp những thóa mạ đối với họ. Nhưng điều đó không giúp ích được gì. Tình thế đã bị đóng băng. Khi lý trí thất bại, bạo lực sẽ tiếp bước. Chỉ là sớm hay muộn.

1 nhận xét:

  1. trước đây mỹ chống liên xô lấy cớ chống nhà nước cộng sản....ngày nay nước nga là một xã hội dân chủ rồi mà mỹ vẫn không thay đổi thái độ.....càng lộ rõ dã tâm đế quốc của mỹ.....

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.