Bài viết theo chủ đề

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Suy nghĩ tích cực không phải lúc nào cũng tốt cho bạn

Lạc quan và bi quan
Ly rượu vẫn còn một nửa hay ly rượu đã hết một nửa?

Tác giả: Tiến sĩ Adam Grant
Nguồn: Psychology Today
Nguồn dịch: Tâm Lý Học Tội Phạm

Nếu bạn muốn đạt được một mục tiêu lớn, cách suy nghĩ thông thường nói rằng hãy suy nghĩ tích cực. Tưởng tượng bản thân bạn có một bài thuyết trình tuyệt vời và hấp thu năng lượng của khán giả. Hình dung về một cuộc phỏng vấn xin việc lý tưởng, và tưởng tượng bản thân bạn đang trên 9 tầng mây khi bạn được nhận. Dù những chiến lược đó nghe có vẻ lôi cuốn, hóa ra chúng thường phản tác dụng. Nhiều người trong chúng ta thành công hơn khi chúng ta tập trung vào những lý do khiến chúng ta có thể thất bại.

Trong một loạt nghiên cứu thông minh, các nhà tâm lý Julie Norem và Nancy Cantor đã so sánh những ‘người lạc quan chiến lược’ và ‘những người bi quan tự vệ’. Nếu bạn là một người lạc quan chiến lược, bạn tưởng tượng về kết quả tốt nhất có khả năng xảy ra và sau đó hăm hở lập kế hoạch để thực hiện nó. Nếu bạn là một người bi quan tự vệ, ngay cả nếu bạn từng thành công trong quá khứ, bạn biết lần này có thể khác. Bạn bắt đầu tượng tượng về tất cả những việc có thể bất ổn. Điều gì xảy ra nếu tôi làm đổ café lên người phỏng vấn? Điều gì xảy ra nếu tôi vô tình có bài thuyết trình bằng tiếng nước ngoài? Điều gì xảy ra nếu tôi quên tên của mình?

Hầu hết mọi người giả định rằng những người lạc quan chiến lược thì làm tốt hơn những người bi quan tự vệ, vì họ thu được lợi ích từ sự tự tin và những kỳ vọng cao. Norem và Cantor phát hiện thấy những người bi quan tự vệ thì có nhiều lo lắng hơn và đặt ra kì vọng thấp hơn cho bản thân họ trong những nhiệm vụ phân tích, phát biểu và sáng tạo. Nhưng họ không hề thực hiện kém hơn.

“Lúc đầu, tôi không biết làm thế nào mà những người đó có thể làm rất tốt mặc cho sự bi quan của họ”, Norem viết trong cuốn The Positive Power of Negative Thinking (Sức mạnh Tích cực của Suy nghĩ Tiêu cực). “Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu nhận ra họ đã làm tốt chính sự bi quan của họ…suy nghĩ tiêu cực biến lo lắng thành hành động.” Bằng cách tưởng tượng về những cảnh tồi tệ nhất, những người bi quan tự vệ thúc đẩy bản thân họ chuẩn bị nhiều hơn và cố gắng hơn.

Những người lạc quan chiến lược và những người bi quan tự vệ thành công dưới những hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn là một người bi quan tự vệ hoặc bạn đang cố gắng để thúc đẩy một người bi quan tự vệ, các chiến lược được chứng minh là có hiệu quả thường trái ngược với những gì bạn mong đợi.

1. Đừng huýt sáo trong khi bạn đang làm việc

Dù bằng chứng cho thấy hạnh phúc thường làm chúng ta thành công hơn bằng cách nuôi dưỡng năng lượng và sự sáng tạo, nó có thể gây phản tác dụng đối với những người bi quan tự vệ. Khi những người lạc quan chiến lược và người bi quan tự vệ ném phi tiêu, họ nhìn chung làm tốt ngang nhau, nhưng lại hiệu quả nhất dưới những điều kiện đối lập nhau. Trước khi phóng phi tiêu, một số người được nghe những băng ghi âm thư giãn (“nghe sóng vỗ trên một đại dương.”) Những người khác tưởng tượng bản thân đang phóng phi tiêu và không trúng mục tiêu của họ. Khi họ thực sự ném phi tiêu, những người lạc quan chiến lược ném chính xác hơn khoảng 30% khi họ được thư giãn hơn là khi họ tưởng tượng về những kết quả tiêu cực. Nhưng điều ngược lại lại đúng với những người bi quan tự vệ: họ ném chính xác hơn khoảng 30% khi họ nghĩ về những kết quả tiêu cực thay vì thư giãn hoặc tưởng tượng về thành tích hoàn hảo. Nghiên cứu của Norem cho rằng “tâm trạng tích cực làm hại đến thành tích của những người bi quan tự vệ.” Khi họ đang ở trong một tâm trạng tốt, họ trở nên tự bằng lòng; họ không còn có nỗi lo lắng thường huy động sự nỗ lực của họ. Nếu bạn muốn làm hại những người bi quan tự vệ, chỉ cần khiến họ hạnh phúc.

2. Sự động viên làm nhụt chí

Chúng ta nghĩ rằng động viên người khác là một ý tưởng tốt, nhưng đừng vội. Trong một thực nghiệm, mọi người hoàn thành một bức vẽ đòi hỏi sự tập trung và chính xác. Trước nhiệm vụ, đối với một nửa số người tham gia, nhà nghiên cứu nhìn điểm số của họ thời đại học và nói “Hmm, bạn đã học tốt trong quá khứ nên tôi nghĩ rằng bạn sẽ rất tự tin về công việc của bạn. Bạn có lẽ sẽ làm rất tốt trong những nhiệm vụ sắp đến.” Những lời động viên đó nâng cao một chút thành tích của những người lạc quan chiến lược, họ đã làm tốt hơn 14%. Ngược lại, những người bi quan tự vệ đã làm tệ hơn đáng kể khi họ được động viên, ghi được số điểm thấp hơn 29%. Lời động viên làm tăng sự tự tin của họ, dập tắt nỗi lo và can thiệp đến những nỗ lực của họ để đặt ra những kỳ vọng thấp. Như Oliver Burkeman viết trong cuốn The Antidote (Thuốc giải), “Sự bảo đảm là một con dao hai lưỡi.”

3. Không lo lắng, gặp rủi ro

Khi con người đang lo lắng, chúng ta đôi lúc nói với họ hãy làm bản thân sao lãng. Một lần nữa, điều này không đem lại lợi lộc cho những người bi quan tự vệ. Trong một thực nghiệm khác, mọi người hoàn thành một bảng câu hỏi về phong cách của họ, và sau đó thực hiện một bài kiểm tra toán bao gồm việc cộng và trừ nhẩm các con số trong đầu (như 15 + 47 – 73). Những người lạc quan chiến lược không thu được lợi lộc từ việc suy ngẫm về những kết quả có khả năng xảy ra, nhưng những người bi quan tự vệ thì có. Khi những người bi quan tự vệ làm bản thân sao lãng với nhiệm vụ khác ngay trước bài kiểm tra toán thì số điểm của họ thấp hơn khoảng 25% so với khi họ liệt kê những kết quả cực đoan nhất có thể xuất hiện trong bài kiểm tra, và họ sẽ cảm nhận như thế nào. Dành thời gian để lo lắng giúp họ tạo được sự lo lắng cần thiết để thúc đẩy bản thân họ.

4. Dành sự tưởng tượng cho lúc xem phim

Nghiên cứu cho thấy những tưởng tượng tích cực làm giảm kết quả đạt được - khi mọi người tưởng tượng đang giảm cân hoặc theo đuổi một mối quan hệ thì tỷ lệ họ theo đuổi đến cùng giảm đi. Cũng vậy, mọi người thực hiện tệ hơn khi họ nói “Tôi sẽ” hơn là khi họ hỏi bản thân “Liệu tôi sẽ?”

“Sự khẳng định khiến bạn có cảm giác tốt”, Dan Pink viết trong cuốn To Sell Is Human. “Nhưng nó không thúc đẩy bạn tập trung nguồn lực và chiến lược để thực sự hoàn thành nhiệm vụ.”

Chúng ta cần cả những người lạc quan và những người bi quan

Ở Mĩ, chúng ta thiên vị những người lạc quan hơn những người bi quan. Khi các nhà kinh tế làm khảo sát với hơn 1000 CEO Mĩ, họ phát hiện thấy hơn 80% đạt số điểm là người “rất lạc quan.”

Những người lạc quan phát triển tốt trong những công việc đòi hỏi khả năng phục hồi sức mạnh sau thất bại và sự kiên trì. Ví dụ, trong những nghề bán bảo hiểm với tỷ lệ từ chối cao, những người lạc quan bán được nhiều hơn 37% so với người bi quan qua một khoảng thời gian 2 năm và số người từ bỏ trong năm đầu tiên ít hơn một nửa. Trong cuốn Learned Optimism (Học Sự Lạc quan), nhà tâm lý Martin Seligman tiết lộ rằng khi mọi việc bất ổn, những người bi quan xem những sự kiện tiêu cực mang tính cá nhân (Tôi là một người nói chuyện trước công chúng tồi tệ), vĩnh viễn (Tôi không bao giờ trở nên tốt hơn), và rộng khắp (Tôi sẽ đánh mất sự tôn trọng của đồng nghiệp và người yêu). Ngược lại, những người lạc quan nhận ra khi một bài thuyết trình không được như mong đợi, nó có thể vì khán giả chưa sẵn sàng cho thông điệp của họ, họ có thể luyện tập và cải thiện, và họ vẫn có thể xuất sắc ở những nhiệm vụ khác và có một buổi tối vui vẻ ở nhà.

Đồng thời, chúng ta cũng cần những người bi quan để tiên liệu điều xấu nhất và chuẩn bị đối phó với nó. Trung bình, nghiên cứu chỉ ra rằng những người không bao giờ lo lắng thì có thành tích trong công việc thấp hơn những người đôi lúc lo lắng. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi các doanh nhân là những người rất lạc quan thì những đầu tư mới của họ mang lại ít thu nhập hơn và phát triển chậm hơn, và khi những CEO là người rất lạc quan thì họ có nhiều khoản nợ rủi ro hơn và đặt công ty của họ vào cảnh hiểm nghèo. (Đây có thể là lí do tại sao có ít CFO là người lạc quan hơn CEO).

Cuối cùng, cả hai kiểu suy nghĩ đều gây nguy hiểm chết người nếu chúng cực đoan. Sự bi quan khiến chúng ta không làm được gì cả và sự lạc quan cũng trở nên độc hại. Chìa khóa là tìm thấy phạm vi chừng mực kết hợp những lợi ích của cả hai cách tiếp cận. Như cách nói của Richard Pine, “Những người chỉ huy tốt nhất - bao gồm cả tổng thống - biết rằng quá lạc quan là nguy hiểm, và rằng sự lãnh đạo khôn ngoan và có hiệu quả đồng nghĩa với việc tìm được sự cân bằng giữa cách nhìn trên trời của người lạc quan và cách đánh giá thực tế hơn của người bi quan trong mọi tình huống. Hãy lấy một phần người bán hàng, một phần nhà sáng chế, một phần luật sư, một phần kỹ thuật viên an toàn, khuấy lên một chút và bạn sẽ có được một nhà lãnh đạo tuyệt vời.”

Nếu bạn là kiểu người lúc nào cũng nói với người khác hãy nhìn vào mặt tươi sáng, bạn có thể cần xem xét lại. Việc một người thành công hay không không phải là một vấn đề của suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, mà là liệu họ có chọn chiến lược phù hợp với kiểu suy nghĩ của họ hay không.

Và nếu bạn là một người bi quan tự vệ, khi đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ thực sự quan trọng, bạn có thể cần liệt kê những điểm yếu của bạn thay vì những điểm mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.