Bài viết theo chủ đề

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Người ta có thể bị thuyết phục họ đã làm một việc họ chưa hề làm chỉ trong 3 giờ

Nguồn: Association for Psychological Science
Nguồn dịch: Tâm lý học Tội phạm

Nghiên cứu mới cho thấy chỉ trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ, những người trưởng thành vô tội có thể bị thuyết phục khiến họ tin rằng mình đã thực hiện một tội phạm nào đó trong những năm thanh thiếu niên – một số tội có thể nghiêm trọng như tấn công có vũ khí – ngay cả khi điều đó là hoàn toàn hư cấu.

Những người vô tội có thể bị cảnh sát thẩm vấn theo cách khiến cuối cùng họ tự thuyết phục bản thân là mình đã từng phạm tội. Và niềm tin đó có thể mạnh mẽ đến mức đôi khi họ ký giấy thú nhận sai với cảnh sát.

Đầu năm ngoái, một nhóm các luật sư và nhà thống kê đăng một bài báo nói rằng 4.1% các bị cáo bị tuyên án tử hình ở Mỹ bị phán xét sai lầm. Để điều tra hiện tượng này, một nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà tâm lý học Julia Shaw từ đại học Bedfordshire ở Anh đã điều tra các nguyên nhân khả dĩ, và nhận thấy rằng, nếu bị tra hỏi “đúng cách” thì những người vô tội có thể tạo nên những câu chuyện trong tâm trí họ với đầy đủ các tình tiết đến mức họ có thể tự thuyết phục bản thân một cách sai lầm rằng họ đã phạm pháp.

“Những điều mà chúng tôi tìm ra cho thấy rằng ký ức sai về việc phạm tội có sự liên quan của cảnh sát có thể được tạo dựng một cách dễ dàng đến kinh ngạc, và có thể có tất cả các tình tiết phức tạp y hệt như ký ức thật sự”, Shaw nói trong một bài phỏng vấn. “Tất cả những gì mà những người tham gia trong cuộc nghiên cứu cần để tạo ra ký ức sai rất chi tiết là 3 giờ đồng hồ trong một môi trường thẩm vấn thân thiện, trong đó người thẩm vấn đưa ra một số chi tiết sai và sử dụng kỹ thuật truy cập trí nhớ kém.”

Shaw và đồng nghiệp của bà, nhà tâm lý pháp y Stephen Porter từ đại học British Columbia ở Canada, đã bắt đầu nghiên cứu bằng cách chiêu mộ 60 sinh viên đại học chưa từng có liên can hình sự nào. Các nhà nghiên cứu sau đó yêu cầu những người nuôi dưỡng họ điền một bảng câu hỏi mô tả một số sự kiện cụ thể mà những sinh viên này có thể đã trải qua trong khoảng thời gian từ 11 đến 14 tuổi, và liệt kê chi tiết đến hết khả năng trí nhớ của họ cho phép. Những câu hỏi này được giữ bí mật đối với các sinh viên.

Tiếp theo, những sinh viên tham gia được đưa tới phòng thí nghiệm để tiến hành ba cuộc thẩm vấn kéo dài 40 phút mỗi cuộc dàn trải trong khoảng thời gian 3 tuần.

Trong cuộc thẩm vấn đầu tiên, các nhà nghiên cứu mô tả sơ lược 2 sự kiện cho mỗi sinh viên, một sự kiện mà sinh viên đó đã trải qua trong độ tuổi thanh thiếu niên (chi tiết của sự kiện này được cung cấp bởi những người nuôi dưỡng), và một sự kiện giả chưa từng xảy ra.

Phân nửa những sự kiện giả này liên quan đến một tội nào đó có sự liên quan với phía cảnh sát, chẳng hạn như một vụ xâm phạm, tấn công có vũ khí hay trộm cắp. Một nửa các sự kiện giả còn lại bao gồm những việc như bị chó cắn hay bị một loại thương tật nào đó, hay bị mất số tiền lớn. Những sự kiện này trên thực tế chưa từng xảy ra, nhưng các nhà nghiên cứu lồng vào trong mô tả của họ các chi tiết thực về thời thanh thiếu niên của các sinh viên – ví dụ như tên của một người bạn ở thời điểm đó của họ – để làm cho những sự kiện giả nghe có vẻ thuyết phục.

Các sinh viên được yêu cầu giải thích những gì đã xảy ra với họ trong những sự kiên này. Dĩ nhiên, họ gặp trở ngại trong việc nhớ lại chi tiết của các sự kiên giả, nhưng được khuyến khích cố gắng nhớ lại, và các nhà nghiên cứu đề nghị họ thử một số chiến thuật gợi nhớ khác nhau để giúp họ “nhớ lại”.

Trong cuộc thẩm vấn lần 2 và 3 trong những tuần sau đó, các sinh viên lại một lần nữa được yêu cầu nhớ lại những gì đã xảy ra với họ trong các sự kiện thực lẫn các sự kiện giả. Trong lúc họ mô tả một số chi tiết nào đó theo trí nhớ của họ, họ được yêu cầu xác định xem những ký ức đó sống động đến mức nào, và họ tin là nó có thật đến mức nào.

Công bố kết quả của họ trong tạp chí Khoa học Tâm lý (Psychological Science), Shaw và Porter tìm ra rằng trong số 30 sinh viên được bảo rằng họ đã phạm tội trong thời niên thiếu, có 21 người – tương đương 71% – đã phát triển ký ức sai về quá khứ. Trong số 20 người được bảo rằng họ đã phạm tội xâm hại người khác, có hay không có vũ khí, 11 người đã có thể mô tả chi tiết đến kinh ngạc tương tác của họ với cảnh sát trong vụ việc – vốn dĩ không hề có thực.

Tương tự, 76,6% trong số 30 sinh viên được cung cấp những mẩu chuyện sai về thời niên thiếu nhưng không mang tính chất tội phạm cũng hình thành những ký ức sai về họ.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng khi họ so sánh các mẩu chuyện hư cấu, những ký ức sai có tính chất tội phạm cũng chi tiết như những ký ức sai về cảm xúc, và cũng có cùng mức độ chắc chắn (của người được cung cấp các chuyện hư cấu), sự sống động và các chi tiết về giác quan, như xác định bởi các sinh viên. Chính những chi tiết nhỏ nhưng có thật đã khiến họ bị thuyết phục và tin vào những sự hư cấu lớn hơn.

“Trong những tình huống như thế, trí nhớ mang tính tái thiết vốn dĩ có thể bị sai lệch của não bộ có thể tạo ra những hồi tưởng sai với mức độ “thực” đáng ngạc nhiên. Trong những buổi phỏng vấn, chúng tôi ghi nhận một số người tham gia nhớ lại những tình tiết hết sức sống động và mô diễn lại những hành động phạm tội mà họ chưa từng làm,” Shaw nói. “Nghiên cứu này cho thấy rằng mỗi chúng ta đều có khả năng có ký ức sai về các sự kiện mang tính chất cảm xúc cũng như tội phạm.”

Các nhà nghiên cứu nói rằng những gì họ phát hiện có thể có những hệ quả lớn lao đối với hệ thống pháp luật hình sự khi đụng dến việc ghi lại khai báo của nghi can và của nhân chứng. Và những người đam mê tìm hiểu tội phạm hình sự đều biết khai báo nhân chứng có sức nặng thế nào với quan tòa và bồi thẩm trong một vụ án thiếu bằng chứng vật chất.

“Hiểu được rằng những ký ức giả rất chi tiết này tồn tại, và rằng những cá nhân 'bình thường' có thể bị dẫn dắt để tạo ra ký ức sai như thế một cách khá dễ dàng, đó là bước đầu tiên trong việc đề phòng việc cáo buộc sai xảy ra,” Shaw nói trong bài phỏng vấn. “Bằng cách chứng minh thực nghiệm những tai hại mà các kỹ thuật thẩm vấn 'tồi' – những kỹ thuật được biết là có thể tạo ra ký ức sai – có thể đem lại, chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc thuyết phục điều tra viên tránh sử dụng các phương pháp đó và thay vào đó dùng những phương pháp tra hỏi 'tốt'.”

Nhận xét: Đây chỉ là một trong hàng loạt nghiên cứu tâm lý cho thấy rõ sự thật đáng sợ rằng con người hoàn toàn không phải thông minh, logic, làm chủ bản thân như họ vẫn muốn nghĩ. Ngược lại, họ rất dễ bị thao túng, điều khiển bởi các yếu tố bên ngoài. Đó là điều mà những kẻ thái nhân cách cầm quyền đã biết rõ từ lâu và chúng rất tích cực thao túng tâm lý quần chúng thông qua giới truyền thông mà chúng hoàn toàn nắm giữ.

Xem thêm:

2 nhận xét:

  1. tìm kiếm một blog hay như thế này mãi mà giờ mới thấy
    đây là blog của mình: duysonidol.blogspot.com
    rất hân hạnh nếu được trò truyện với chủ blog để trao đổi các vấn đề của đời sống

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé qua xem và để lại nhận xét. Mình cũng rất hân hạnh nếu có thể trao đổi thêm với bạn. Bạn có thể liên lạc với mình qua nhận xét trên blog này hoặc thư điện tử tại vnsott (@) gmail.com

      Thân.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.