Tác giả: Lance Freeman
Nguồn: Information Clearing House
Nguồn dịch: Blog Nhân Chủ
Người dân Mỹ, tôi có vài tin xấu cho bạn: Bạn có phẩm chất đời sống tồi nhất trong các nước tiên tiến - tệ hại vượt xa các nước khác.
Nếu bạn biết rằng người ta thật sự sống ra sao tại các nước Tây Âu, Úc, New Zealand, Canada và ở nhiều vùng của Á châu, bạn sẽ nổi loạn, xuống đường đòi một cuộc sống khá hơn. Thật vậy, một tài xế tắc xi trung bình của Úc hay Singapore có mức sống khá hơn một nhân viên văn phòng tiêu biểu ở Mỹ.
Tôi biết điều này vì tôi là người Mỹ, và tôi đã bỏ trốn từ cái nhà tù mà bạn gọi là quê nhà. Tôi đã sống vòng quanh thế giới, tại các nước giàu và nghèo, và chỉ có một nước duy nhất tôi không bao giờ muốn về sống trở lại: đó là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Chỉ mới nghĩ về nó thôi đã làm tôi tràn ngập nỗi kinh sợ.
Hãy suy nghĩ về điều này: Bạn, người dân Mỹ, là dân tộc duy nhất trong các nước phát triển không có hệ thống bảo hiểm y tế chung cho mọi người. Tất cả mọi người tại Tây Âu, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapre và New Zealand có hệ thống chung duy nhất. Nếu họ bị bệnh, họ có thể tập trung hết năng lượng để bình phục. Nếu bạn mắc bệnh, bạn phải chống đỡ với hai thứ cùng lúc: bệnh tình của bạn và nỗi lo sợ bị phá sản. Hàng triệu người Mỹ phá sản mỗi năm vì phí tổn y tế, và hàng chục ngàn người chết hằng năm vì họ không có bảo hiểm hay bảo hiểm không đủ. Và đừng tin một giây phút nào cái thứ tuyên truyền rác rưởi rằng nước Mỹ có hệ thống y tế tốt nhất và danh sách đợi ngắn nhất: Tôi từng tới bệnh viện ở Úc, New Zealand, Âu Châu, Singapore, và Thái Lan, và tất cả mọi bệnh viện đều hơn cái bệnh viện “tốt” mà tôi thường đi khi còn ở Mỹ. Danh sách đợi ngắn hơn, cơ sở tiện nghi hơn, và các bác sĩ cũng giỏi ngang bằng.
Đây là điều mỉa mai, vì bạn là những người cần hệ thống y tế tốt hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Tại sao vậy? Vì lối sống Mỹ của bạn gần như được thiết kế để làm bạn bị bệnh.
Hãy bắt đầu với chế độ ăn của bạn: Phần lớn thịt bò bạn ăn đã bị nhiễm bẩn trong quá trình chế xuất. Gà của bạn bị nhiễm vi khuẩn salmonella. Gia súc và gia cầm của bạn bị tiêm đầy hormone tăng trưởng và thuốc kháng sinh. Tại hầu hết các nước khác, chính quyền sẽ hành động để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những thứ này; tại Mỹ, chính quyền bị mua đứt bởi giới kỹ nghệ để ngăn cản bất cứ luật lệ hay sự thanh tra hiệu quả nào. Trong vài năm nữa, phần lớn các sản phẩm rau quả bán ra trên thị trường Mỹ sẽ được biến chế từ các nông sản biến đổi gen, do mối quan hệ khăng khít giữa tập đoàn Monsanto và chính quyền Mỹ. Tệ hại hơn nữa, do lượng si-rô bắp nhiều fructose (high fructose corn syrup) khổng lồ mà dân Mỹ tiêu thụ, một phần ba số trẻ em sinh ra ở Mỹ ngày nay sẽ mắc bệnh tiểu đường loại 2 vào một thời điểm nào đó trong đời của chúng.
Dĩ nhiên, không chỉ thực phẩm đang giết bạn, mà còn các loại thuốc nữa. Nếu bạn có chút sinh khí nào khi bạn còn bé, họ sẽ cho bạn Ritalin. Và rồi, khi bạn đủ lớn cả để nhìn xung quanh, bạn sẽ bị trầm cảm nên họ sẽ cho bạn Prozac. Nếu bạn là đàn ông, điều này sẽ khiến bạn bất lực vì các hóa chất, nên bạn sẽ cần Viagra để cương lên. Trong khi đó, chế độ ăn đều đặn đầy dầu hydro hóa (trans fat) bảo đảm cho bạn nồng độ cholesterol cao trong máu, nên bạn sẽ cần đơn thuốc cho Lipitor. Cuối cùng, vào cuối ngày, bạn sẽ nằm thao thức cả đêm lo lắng về việc mất bảo hiểm y tế, nên bạn sẽ cần Lunesta để ngủ.
Với chế độ ăn bảo đảm làm bạn bị bệnh và một hệ thống y tế thiết kế để bạn cứ duy trì tình trạng như vậy, cái bạn thực sự cần là một kỳ nghỉ dài đâu đó. Xui xẻo thay, bạn không thể có nó. Tôi sẽ bật mí cho bạn một bí mật nho nhỏ: nếu bạn đi biển ở Thái Lan, núi ở Nepal hay bờ san hô ở Úc, bạn có lẽ sẽ là người Mỹ duy nhất trong tầm nhìn. Và bạn sẽ được vây quanh bởi đám đông người Đức, Pháp, Ý, Israel, Bắc Âu và dân Á Châu sung túc. Tại sao vậy? Vì họ được trả lương đầy đủ để có thể thăm viếng các nơi này VÀ họ có thể lấy đủ ngày phép để làm vậy. Cho dù nếu bạn có thể dành dụm đủ tiền để đi đến một trong những nơi chốn đẹp không tả nổi này, đến khi bạn vừa tỉnh cơn say máy bay là đến giờ leo lên máy bay và hối hả lao về lại với công việc của bạn.
Nếu bạn nghĩ tôi dựng lên chuyện này, hãy kiểm chứng với thống kê về số ngày nghỉ thường niên trung bình theo quốc gia:
Phần Lan: 44
Ý: 42
Pháp: 39
Đức: 35
Anh: 25
Nhật Bản: 18
Mỹ: 12
Sự thật là bọn chúng hành bạn như chó ở Mỹ. Điều này không có gì ngạc nhiên: nước Mỹ chưa bao giờ rời bỏ mô hình lao động đồn điền/công xưởng và bất cứ phong trào lao động thật sự nào đều bị đàn áp dã man. Trừ phi bạn thuộc về tầng lớp ông chủ, sự chọn lựa của bạn chỉ giới hạn trong việc sống sót với đồng lương ít ỏi trong ngành dịch vụ hay chơi trò “dành ghế” để có một góc bàn trong văn phòng (cái vị trí mà đằng nào trong tuần tới cũng sẽ được chuyển giao qua Ấn Độ). Điều khá nhất mà bạn có thể hy vọng là kiếm được một bằng cấp chuyên môn và rồi cố gắng chen vào tầng lớp trung lưu. Và kể cả những người bấu víu vào được giới trung lưu cũng chỉ cách xa sự nghèo khó trong đường tơ kẽ tóc của một cơn bạo bệnh hay thất nghiệp. Công việc của bạn không bảo đảm. Công ty của bạn không có lòng lo lắng cho bạn. Họ cài bạn vào thế chống lại các đồng nghiệp chừng nào điều đó phù hợp với họ, rồi sau đó họ tống cổ bạn đi.
Dĩ nhiên, bạn không có sự lựa chọn nào khác: hệ thống đã được thiết kế ra như vậy. Ở hầu hết các nước tiên tiến, giáo dục đại học là miễn phí hoặc được tài trợ phần lớn. Nhưng tại nước Mỹ, một bằng đại học có thể làm bạn nợ tới 100 ngàn đô-la. Như vậy, bạn bước vào thế giới việc làm với món nợ nặng trĩu. Hãy quên đi việc nghỉ một năm để đi vòng quanh thế giới và tìm hiểu chính mình - bạn phải bắt đầu làm việc hay là nhìn chỉ số tín dụng của bạn lao xuống dốc.
Nếu bạn “may mắn”, bạn thậm chí có thể kiếm được một công việc đủ tốt để giúp bạn đạt tiêu chuẩn vay tiền mua nhà. Và rồi bạn sẽ xài phân nửa cuộc đời làm việc của bạn chỉ để trả tiền lời trên món nợ đó. Chúc mừng bạn đã tới thế giới nô lệ thông qua nợ nần của Mỹ. Nước Mỹ có ảo tưởng về sự giàu có vĩ đại vì có thật nhiều “hàng hóa” xung quanh, nhưng thật ra ai sở hữu nó? Trên thực tế, người Mỹ trung bình nghèo hơn người dân xóm ổ chuột nghèo nhất tại Manila, vì ít ra họ không có nợ nần. Nếu họ muốn thu vén và dọn đi, họ có thể làm được; nhưng nếu bạn muốn dọn đi, bạn không thể làm được, vì bạn còn phải trả nợ.
Tất cả những điều này dẫn tới câu hỏi: Tại sao có ai lại chịu đựng những thứ đó? Hỏi bất kỳ người Mỹ nào và bạn sẽ có được cùng câu trả lời: vì nước Mỹ là nước tự do nhất trên trái đất.
Nếu bạn tin điều này thì tôi có thêm nhiều tin xấu cho bạn: Mỹ thực ra nằm trong những nước ít tự do nhất trên thế giới. Nước tiểu bạn bị kiểm tra, email và điện thoại của bạn bị theo dõi, hồ sơ y tế riêng tư của bạn bị giám sát, và lúc nào bạn cũng có thể quằn quại trên mặt đất vì bị chích 2 mũi roi điện Taser vào mông do lỡ mồm nói gì đó không đúng chỗ.
Và đó mới chỉ là tự do về thể xác. Về tinh thần, bạn thật sự bị cầm tù. Bạn thậm chí không biết mức độ bạn bị dày vò bởi nỗi sợ phá sản do ốm đau, mất việc, vô gia cư và tội ác bạo lực vì bạn chưa từng sống trong một nước nơi không cần thiết phải lo lắng về những chuyện như vậy.
Nhưng nó đi sâu hơn việc bị giám sát và lo lắng nhiều. Sự thật là, bạn không tự do vì đất nước của bạn đã bị sang đoạt và chiếm đóng bởi một chính quyền khác. Đến 70% tiền thuế của bạn chạy tới Lầu Năm Góc, và Lầu Năm Góc là chính quyền thật sự của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Bạn buộc phải trả thuế cho chính quyền chiếm đóng này hoặc là chết. Nếu bạn từ các tầng lớp kém may mắn, bạn còn phải phục vụ và chết trong các cuộc chiến tranh vô tận của chúng, hay gửi con cái của bạn để làm việc đó. Bạn không có sự lựa chọn trong chuyện này: một hệ thống quân dịch dựa trên các yếu tố kinh tế-xã hội tại Mỹ cung cấp nguồn bia đỡ đạn đều đặn cho quân đội.
Nếu bạn gọi một cuộc sống dưới sự giám sát, trong lo lắng và lao động không ngừng phục vụ một chính quyền bạn không bầu lên là "tự do," thì bạn và tôi có ý niệm rất khác nhau về chữ "tự do" đó có nghĩa là gì.
Nếu có chút cơ may là đất nước này thay đổi thì có lẽ còn có lý do để hy vọng. Nhưng liệu bạn có thể nhìn chung quanh một cách thành thật và kết luận rằng có điều gì sẽ thay đổi không? Thay đổi sẽ đến từ đâu? Dân chúng? Hãy nhìn kỹ các đồng hương của bạn: dân lao động ở Mỹ bị nhồi sọ một cách tàn bạo bởi lũ chó hoang như Rush Limbaugh, Bill O’Reilly và Sean Hannity. Các thành viên của giới lao động được dạy liếm gót giày chủ nhân và cúi xuống để bị đá vào mông cái nữa. Bọn chúng đã huấn luyện những người này thuần thục đến nỗi họ sẵn sàng cầm vũ khí chống lại một nửa còn lại của giới lao động ngay khi chủ nhân của họ ra lệnh.
Nếu dân chúng không thể thực thi việc thay đổi, còn giới truyền thông thì sao? Không có cơ may nào. Từ đài Fox News cho tới báo NewYork Times, truyền thông đại chúng ở Mỹ không là cái gì khác hơn là bộ phận quan hệ công chúng của các tập đoàn cai trị, chủ yếu là hệ thống công nghiệp quân sự. Ít nhất, dân chúng Liên Xô cũ biết rằng tin tức của họ sánh ngang với phân bò. Tại Mỹ, bạn lớn lên nghĩ rằng bạn có một nền truyền thông tự do, điều đó làm sự tuyên truyền hữu hiệu gấp bội. Nếu bạn không nghĩ giới truyền thông Mỹ chỉ đơn thuần là tuyên truyền doanh nghiệp, hãy tự hỏi câu hỏi sau đây: Bạn có bao giờ nghe một công ty truyền thông lớn của Mỹ đăng tải đề nghị là nước Mỹ có thể chi tiêu cho hệ thống bảo hiểm toàn dân bằng việc cắt giảm chi tiêu quân sự?
Nếu thay đổi không đến từ dân chúng hay giới truyền thông, tiềm lực thay đổi còn lại chỉ là giới chính trị. Bất hạnh thay, tiến trình chính trị Mỹ là một trong những nền chính trị thối nát nhất trên thế giới. Trong mỗi nước trên trái đất, người ta biết trước các chính trị gia ăn hối lộ từ giới giàu có. Nhưng thường thì chuyện này xảy ra bí mật, sau lằn cửa khép của các hội quán ưu tú của họ. Tại Mỹ, chuyện hối lộ chính trị kiểu này diễn ra ban ngày ban mặt, như một phần của cách hành xử hợp pháp, tiêu chuẩn và được chấp nhận. Tại Mỹ, họ chỉ gọi các món hối lộ này là đóng góp chiến dịch tranh cử, ủy ban vận động chính trị và vận động hành lang. Người ta không thể hy vọng các chính trị gia thay đổi hệ thống này hơn là hy vọng một người lấy cái rìu và tự đốn chân mình từ dưới.
Không, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không thể thay đổi thành tốt hơn. Sự thay đổi duy nhất là thành tệ hơn. Và khi tôi nói tệ hơn, tôi muốn nói là tệ hơn nhiều. Khi chúng ta đang nói chuyện thế này thì hệ thống kinh tế đã duy trì đất nước này từ thời hậu chiến đang sụp đổ. Nước Mỹ đã xài hết “thẻ tín dụng” vào năm 2008 và bây giờ, các chủ nợ, bắt đầu với Trung Quốc, đang trong quá trình đặt nền móng cho một hệ thống tiền tệ mới thay thế hệ thống “đồng đôla dầu mỏ” của Anh-Mỹ. Đến khi có một bản vị vững vàng thay thế đồng đôla Mỹ, đồng đô xanh sẽ chìm nghỉm như hòn đá.
Trong khi nước Mỹ đang chất chồng nợ nần, nó cũng lại bận rộn đưa các công việc sản xuất và văn phòng ra nước ngoài, và để hạ tầng cơ sở của nó nát bấy. Cùng lúc đó, các quốc gia Á Châu và Âu châu đang đầu tư vào giáo dục, hạ tầng và nguyên liệu. Cho dù Hoa Kỳ cố gắng xây dựng lại một nền kinh tế thật sự (chứ không phải một nền kinh tế tài chính/dịch vụ) bạn có nghĩ rằng công nhân Mỹ sẽ còn bao giờ có thể cạnh tranh với công nhân Trung Quốc hay Âu Châu? Bạn đã có bao giờ nhìn thấy một nhà máy Nhật bản hay Đức quốc chưa? Bạn có bao giờ gặp một công nhân Singapore hay Trung quốc chưa?
Chỉ có hai lựa chọn tương lai đối mặt nước Mỹ, và không có cái nào đẹp đẽ cả. Trường hợp tốt nhất là một sự tuột dốc chậm chạp nhưng có trật tự - về cơ bản là sự tiếp nối của những gì đang xảy ra trong hai thập niên qua. Mức lương sẽ xuống, thất nghiệp sẽ lên, bảo hiềm y tế cho người già và nghèo khó cùng quyền lợi An sinh Xã hội sẽ bị cắt, đồng tiền sẽ mất giá, và sự cách biệt giàu nghèo sẽ bung ra ngoài vòng kiểm soát cho tới khi Mỹ bắt đầu trở nên giống như Mexico hay Philippines - những hòn đảo tí hon của sự giàu có vây quanh bởi đại dương nghèo khó (đất nước Mỹ đã đi được nửa đường tới đó rồi).
Khả năng tương đương còn lại là một sự sụp đổ bất thần, có lẽ xảy đến khi các nước chủ nợ như Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc và các quốc gia dầu hỏa Opec bán tống bán tháo đôla Mỹ. Một khả năng liên quan là việc chính phủ Mỹ vỡ nợ với số nợ khổng lồ của họ. Chỉ cần liếc nhìn bản chi thu của chính phủ Mỹ cũng đủ thuyết phục bạn rằng chuyện này có thể xảy ra đến như thế nào: chi tiêu chính phủ gia tăng phi mã và thuế thu vào tuột dốc - nó không thể duy trì mãi được. Nếu một trong hai kịch bản này xảy ra, cuộc khủng hoảng dây chuyền sau đó sẽ khiến sự suy thoái kinh tế hiện tại nhìn giống như một cuộc đi dạo mát trong công viên.
Dù là sự sụp đổ từ từ hay bất thần một cách thót tim, kết quả sẽ là sự hỗn loạn, xung đột dân sự và chủ nghĩa phát-xít. Hãy đối diện sự thật: Mỹ giống như Nam Tư cũ - một hỗn hợp của nhiều văn hóa đối nghịch nhau, chỉ thống nhất trên danh nghĩa mà thôi. Các bạn sẽ có nhóm Taliban của riêng của các bạn: thành phần Thiên chúa cực hữu căm ghét ý niệm một nhà nước thế tục thành lập theo Hiến Pháp. Bạn có một lớp quần chúng đầu óc bình dân rộng lớn đã thấm nhuần tuyên truyền đài Fox và các đài phát thanh trong nhiều thập niên vừa qua, sẵn sàng đổ lỗi sụp đổ kinh tế lên đảng Dân chủ, những người đồng tình luyến ái và người nhập cư. Bạn có một tầng lớp tư sản tàn bạo sẵn sàng dùng mọi phương tiện trong tầm tay để bảo vệ của cải của họ chống lại khối quần chúng đói khát.
Thêm vào đó bạn có các trang trại công nghiệp, các vùng ngoại ô trải dài và một hệ thống vận chuyển hàng hóa dựa trên xe tải, tất cả phụ thuộc vào dầu mỏ, thứ sắp trở nên quá đắt đỏ với hầu hết mọi người. Và bạn có nhiều súng ống. Rất nhiều súng ống, Tóm lại: Mỹ quốc đang sắp trở thành một nơi rất khó sinh sống.
Hiện nay, chính phủ đang xây dựng hàng rào và tường dọc theo biên giới phía bắc và phía nam. Hiện nay, chính phủ đang thiết kế một hệ thống căn cước quốc gia (sẽ được gắn thêm các tính năng sinh trắc học). Hiện nay, chính phủ đang xây dựng một hệ thống giám sát rộng lớn đến nỗi họ có thể theo dõi nhất cử nhất động của bạn, trên mạng, ngoài phố và xuyên qua biên giới. Nếu bạn nghĩ rằng điều này để bảo vệ bạn khỏi “khủng bố”, thì bạn lầm to một cách đáng buồn. Nếu có biến cố gì xảy ra, bạn có thật sự nghĩ rằng bạn sẽ có thể nhảy vào chiếc xe cũ, lái qua biên giới Canada và dùng thời gian câu cá và uống bia Molson? Không, nhà nước sẽ phong tỏa toàn bộ quốc gia. Họ không muốn nguồn thuế của họ trốn đi mất. Họ không muốn nguồn “tuyển quân” của họ trốn thoát . Họ không muốn BẠN trốn thoát.
Tôi không viết điều này để dọa bạn. Tôi viết điều này tới bạn như là một người bạn. Nếu bạn có thể đọc và hiểu những gì tôi viết ra đây, tức là bạn là thành phần của một cộng đồng thiểu số tại Mỹ. Bạn là thiểu số trong một đất nước không có chỗ cho bạn.
Thế bạn nên làm gì?
Bạn nên rời khỏi nước Mỹ.
Nếu bạn còn trẻ, bạn có nhiều sự lựa chọn: bạn có thể dạy tiếng Anh tại Trung Đông, Á châu hay Âu châu. Hay bạn có thể vào đại học hay cao học ở nước ngoài và bắt đầu xây dựng căn bản chuyên môn cho phép bạn đủ tiêu chuẩn được giấy phép lao động. Nếu bạn có tay nghề và chuyên môn thật sự rồi, bạn có thể xin di dân đến bất cứ quốc gia nào như là di dân có tay nghề. Nếu bạn lớn tuổi và bạn có chút tiền tiết kiệm, bạn có thể nghỉ hưu tại một nơi như Costa Rica hay Philippines. Nếu bạn không lấy được nhập cảnh để làm việc, đi học hay hưu trí, cũng đừng để điều này ngăn cản bạn - hãy cứ đi bằng thị thực du lịch đến quốc gia mà bạn thích và thảo luận với cộng đồng dân ngoại quốc ở đó. Bất cứ nơi nào bạn đi, tới gặp luật sư di trú càng sớm càng tốt. Tìm ra một cách chính xác làm thế nào đến được con đường dẫn đến thường trú nhân và sau đó quốc tịch của quốc gia mà bạn lựa chọn.
Bạn không đơn độc đâu. Có cả triệu người Mỹ như tôi sống ngoài nước Mỹ. Sống một cuộc đời đầy đủ ý nghĩa, bình an, tự do và sung túc hơn là chúng ta có thể đạt được ở quê nhà. Vài người trong chúng tôi đi đến quyết định này một cách ngẫu nhiên - chúng tôi sống một năm ở nước ngoài và hiểu ra rằng chúng tôi thích vậy - những người khác thực hiện quyết định đầy ý thức, thu xếp và dọn đi vĩnh viễn. Bạn sẽ tìm thấy chúng tôi ở Canada, trên toàn Âu châu, tại nhiều vùng ở Á Châu, tại Úc và New Zealand, và tại phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.
Chúng tôi có thương nhớ gia đình và bạn bè không? Có chứ. Chúng tôi đôi khi có nhớ một phần nào đó của quê xưa không? Có chứ. Chúng tôi có tính đến việc trở lại sống tại Mỹ không? Không bao giờ. Và những người trong chúng tôi có thường trú nhân hay quốc tịch có thể bảo lãnh các thành viên gia đình từ quê nhà để có thể nhập cảnh dài hạn trên đất nước hiện cư trú của chúng tôi.
Để kết luận, tôi muốn nhắc nhở bạn điều này: trừ phi bạn là người thổ dân Da Đỏ hay là con cháu của lớp người nô lệ, thì ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, tổ tiên của bạn đã chọn rời bỏ quê hương họ để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ không là kẻ phản bội hay là người xấu, họ chỉ muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và gia đình. Có phải đây là lúc bạn tiếp tục cuộc hành trình của họ chăng?
Xem thêm:
w
Trả lờiXóaTỉnh lại đi em gái/trai ! em đi nước ngoài bao giờ chưa mà bài viết của em hay thế ?
Trả lờiXóa..."hãy cứ đi bằng thị thực du lịch đến quốc gia mà bạn thích và thảo luận với cộng đồng dân ngoại quốc ở đó. Bất cứ nơi nào bạn đi, tới gặp luật sư di trú càng sớm càng tốt. Tìm ra một cách chính xác làm thế nào đến được con đường dẫn đến thường trú nhân và sau đó quốc tịch của quốc gia mà bạn lựa chọn."... , ko hiểu Tác giả: Lance Freeman đang có quộc tịch gi; xin ông cho biết quốc tịch của ông để chúng tôi học tập ông.
Trả lờiXóa