Bài viết theo chủ đề

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Bắt nạt trên mạng: Những lời nói giết người

Bắt nạt trên mạng

Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Khái niệm bắt nạt bây giờ không còn là một cái cốc đầu của Chaien dành cho Nobita. Một hành động bắt nạt bây giờ có thể hủy hoại một con người - với sự cộng hưởng vô thức của một đám đông hình thành bởi Internet. Những cái chết trẻ vì không chịu nổi áp lực đã và đang xảy ra, ngay nơi bạn sống.

Nàng “Jane Doe” thời đại số

Ở Mỹ, những nhân vật vô danh hoặc buộc phải giấu tên vì lý do pháp lý được gọi là John Doe (đàn ông) hoặc Jane Doe (phụ nữ). Cái tên này ra đời dưới thời vua Edward III tại Anh từ thế kỷ 14, có thể tạm so sánh như cách gọi “anh A.” hoặc “chị B.” ở nước ta. Nạn nhân là nữ trong các vụ án lạm dụng tình dục được chính thức dùng tên “Jane Doe” tại tòa.

Vụ “Jane Doe” nổi tiếng nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ là một cô bé 6 tuổi, bị chính cha ruột xâm hại tình dục, diễn ra năm 1984. Ở Massachusetts, một liên minh các tổ chức xã hội gọi là Jane Doe Inc. đã được lập nên để hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục hoặc bạo hành gia đình.

Nhưng trong thời đại số, các “Jane Doe” có thể mang một số phận khác. Họ không bị tấn công ngoài đời mà trên mạng: đó là những cô gái bị tung ảnh nóng lên mạng xã hội, một trong những hình thức “cyber bullying” (bắt nạt/khủng bố bằng phương tiện số) phổ biến nhất.

Tòa án hạt trung tâm California tháng rồi vừa thụ lý một vụ “Jane Doe”. Cô là một sinh viên luật ở California, đã hẹn hò với một người đàn ông tại Virginia trong sáu tháng. Trong thời gian đó, họ trao đổi ảnh khỏa thân và các video riêng tư. Nhưng sau khi chia tay, người đàn ông tung ảnh đó lên mạng. Nàng Jane Doe nộp đơn ra tòa.

Những kịch bản “Jane Doe thời đại số” như thế phổ biến trên khắp thế giới. Ngay tại Việt Nam, một “chị L.” tại Hải Dương mới đây đã phải nhờ đến nhà chức trách sau khi bạn trai cũ của chị tung ảnh riêng tư của hai người lên mạng, kèm những lời đe dọa yêu cầu tiếp tục mối quan hệ. Tay này mới bị bắt tạm giam ngày 1-5 vừa qua.

Đây chỉ là vụ mới nhất trong một chuỗi hành xử ấu trĩ của rất nhiều chàng “John Doe” tại Việt Nam. “Nếu mày đã thích thái độ với bố mày thì bố mày cũng cho mày nổi tiếng luôn” - một nam thanh niên viết trên tài khoản cá nhân kèm theo loạt hình khỏa thân của bạn gái cũ hồi đầu năm nay.

Vấn đề của những nàng Jane Doe thời đại số khác hẳn các nạn nhân của tấn công tình dục trước kia: họ chỉ có thể được phép ẩn danh trước tòa án, chính quyền hoặc trên báo chí. Mà đây rõ ràng chỉ là một sự ẩn danh trên hình thức.

Trên các mạng xã hội, một khi vụ tấn công diễn ra, danh tính của họ đã được phơi bày hoàn toàn trước một đám đông không thể kiểm soát. Không điều gì có thể ngăn cản đám đông này phát tán các hình ảnh kèm danh tính, thậm chí địa chỉ và lịch sử cá nhân của họ.

Trong trường hợp này, công cụ để “áp bức/bắt nạt” đã trở thành một dạng nội dung số, hay chính xác hơn là nội dung khiêu dâm, thứ mà nhiều quốc gia, đơn cử như Mỹ, đã quyết định không kiểm soát vì đơn giản là... không thể kiểm soát.

Trong một ví dụ tiêu biểu khác, một cô giáo cấp II tại Thái Nguyên từng bị một người đàn ông chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook và đăng ảnh giường chiếu lên... chính Facebook của cô. Ngay trong buổi tối hôm đó, rất nhiều em học sinh và cả phụ huynh, vốn đang theo dõi cô giáo trên Facebook, bị đập vào mắt những bức ảnh này. Thông tin được lan ra nhanh chóng.

Rất nhiều bình luận bức xúc của cả học sinh lẫn phụ huynh xuất hiện. Sự việc hoàn toàn không thể vãn hồi. Không nhà báo nào “dám” tìm lại người giáo viên ấy để hỏi rằng cuộc sống của cô trở nên khốn khổ thế nào - chỉ biết chắc rằng đó là một sự việc vô cùng khủng khiếp.

Nói cách khác, Jane Doe ngày nay gần như không thể ẩn danh. Và đó chính là lý do khiến họ trở thành nạn nhân của một sự hành hạ lâu dài về tinh thần.

"Bắt nạt kỹ thuật số” là gì?

Việc tung ảnh nhạy cảm của phụ nữ lên mạng xã hội chỉ là một dạng thức tiêu biểu nhất của “cyber bullying” - áp bức hay là khủng bố qua mạng. Những người quan tâm đến lịch sử của mạng xã hội hẳn không thể nào quên được vụ án “Nước Mỹ đối đầu với Drew”.

Đó là khi Lori Drew, một phụ nữ tại Missouri, sử dụng tên giả để làm quen, nhục mạ và thuyết phục cô bé 13 tuổi Megan Meier tự tử. Sau cái chết của Megan, cả nước Mỹ phẫn nộ, nhưng khi đó luật pháp nước này không có luật để xử Drew và bà này được tuyên trắng án.

Vụ án đó cho thấy tác hại khủng khiếp của những tổn thương về mặt tinh thần mà người ta có thể gieo rắc cho nhau qua môi trường số.

Hiện chưa có thống kê nào chỉ ra chính xác số người đã tự tử sau khi trở thành nạn nhân của bạo hành qua mạng. Nhưng chắc chắn đó là một con số không nhỏ. Tên của những cô gái, chàng trai trẻ măng liên tục được xướng lên trên các mặt báo thế giới, từ Phi sang Mỹ, khi họ quyết định quyên sinh vì không chịu nổi sự áp bức từ mạng xã hội.

Rehtaeh Parson, người Canada, 17 tuổi: tự sát sau khi những bức hình cô bị hãm hiếp lan truyền trên mạng. Alexis Pilkinton, người Mỹ, 17 tuổi: tự sát (một phần) vì những lời nguyền rủa trên mạng, và thậm chí ngay cả trong lúc bạn bè tưởng niệm cái chết của cô trên mạng, những lời thóa mạ vẫn xuất hiện.

Nahnah Abynah, người Ghana, 19 tuổi: tự sát sau khi đoạn băng quay cảnh quan hệ của cô và bạn trai xuất hiện trên mạng. Ryan Halligan, người Mỹ, 13 tuổi: tự kết thúc cuộc sống sau một chuỗi tin nhắn kỳ thị đồng tính chỉ vì cậu yêu thích âm nhạc và phim truyền hình.

Tyler Clementi, người Mỹ, 19 tuổi: nhảy xuống sông Hudson sau khi bạn cùng phòng lén quay cảnh cậu âu yếm một chàng trai khác và tung lên mạng... Những vụ việc liên tiếp xảy ra trong hơn một thập kỷ qua chỉ chứng minh rằng những quyền uy đen tối của Internet đang ngày càng trở nên đáng sợ.

Các hình thức “bắt nạt” thông qua phương tiện số muôn hình vạn trạng. Tung ảnh riêng tư, gửi tin nhắn thóa mạ (bằng điện thoại hoặc mạng xã hội), hay phức tạp hơn, bôi nhọ bằng việc tung tin xấu: rất nhiều cô gái từng trở thành nạn nhân của những trò đùa độc địa như tung ảnh lên mạng kèm theo số điện thoại và lời mời mua dâm. Trong những trường hợp này, khả năng xác định được thủ phạm là vô cùng khó khăn.

Vấn đề của những cuộc bạo hành tinh thần qua mạng là các hệ thống luật pháp chưa theo kịp để xử lý thích đáng thủ phạm. Trong vụ Tyler Clementi tự vẫn, phiên tòa xử người bạn cùng phòng cũng được giới truyền thông Mỹ đặt tên là “New Jersey chống lại Dharun Ravi” (tên của người đã quay trộm). Nhưng sau đó, Dharun Ravi chỉ bị xử 3 năm tù giam vì tội lớn nhất là “xâm phạm quyền bí mật đời tư”.

Sự phức tạp hình thành như sau: nếu như một cá nhân xúc phạm hoặc làm nhục bạn ngoài đời, bạn có thể tránh đi. Thậm chí khi kẻ đó gieo rắc tin đồn theo phương thức truyền thống, nó cũng sẽ chỉ lan trong một cộng đồng hạn chế hơn rất nhiều so với môi trường mạng.

Tất nhiên, sự bạo hành tinh thần ngoài đời vẫn có thể dẫn tới sự bế tắc và mong muốn chấm dứt cuộc sống, nhưng việc lờ đi một người, bỏ quê hương đi vẫn dễ dàng hơn rất nhiều so với thoát khỏi “độ phủ” của Internet.

Thời đại số cho phép mọi thứ gia tăng cường độ: những lời xúc phạm sẽ đến liên tục thông qua điện thoại/tài khoản Facebook của bạn, thứ bạn không thể rời bỏ vì sự thiết yếu; một bức ảnh nhạy cảm sẽ lan truyền với tốc độ khủng khiếp; một tin đồn ẩn danh có thể được cả quốc gia biết trong ngày hôm sau. Tác hại của bạo hành tinh thần thời đại số vì thế cũng trở nên nghiêm trọng hơn bạo hành tinh thần cổ điển rất nhiều.

Các điều luật hình sự quy định tội “xúc phạm danh dự” và “vu khống” với khung hình phạt vài năm tù được hình thành dựa trên những quan niệm truyền thống về hành vi này - giữa một người với một người. Nó không, hay là đã chưa tính đến yếu tố cộng hưởng cực mạnh của mạng xã hội ngày nay, thứ có thể nhân một lời xúc phạm hoặc vu khống lên hàng triệu lần và khiến một con người hoàn toàn tuyệt vọng.

Không dễ nhận diện

Trong cộng đồng Facebook Việt, có thể dễ dàng tìm thấy những cộng đồng nhằm vạch mặt những “con” chuyên đi “cướp chồng” người khác, với mỗi nhóm ở các tỉnh thành từ Hải Phòng đến Bắc Giang. Trên những nhóm này, chị em phụ nữ đăng hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ của những “con cướp chồng”, “con cave” được thành viên “tố cáo” kèm lời thóa mạ nặng nề - và cộng đồng cũng vô thức lao vào chửi bới, nguyền rủa những phụ nữ này.

Gần như không thể xác định được độ xác thực của những thông tin được đăng tải. Những hội nhóm này hoàn toàn có thể là nơi để lợi dụng trả thù riêng, và là một bằng chứng cho thấy những hình thức “bắt nạt online” hoàn toàn có thể diễn ra trong vô thức và rất khó nhận diện.

Đôi khi thủ phạm của những vụ bắt nạt trực tuyến không phải là một cá nhân mà là cả một cộng đồng. Hình thức phổ biến nhất là quấy rối tình dục. Rất nhiều cô gái trẻ đã khổ sở vì ảnh của họ được tung lên mạng ở đâu đó, và sau đó trở thành đối tượng để bình bàn, nhận xét với những lời lẽ thô tục. Không dễ nhận ra rằng đó chính là quấy rối tình dục, thậm chí quấy rối ở một cường độ rất cao.

Rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện tại những quốc gia phát triển, nơi tình trạng “bắt nạt số” đang lên cao.

Tại Anh và Mỹ, nhiều tổ chức xã hội đã được thành lập nhằm đối phó với nạn bắt nạt qua mạng, như tổ chức những tài liệu và khóa học nâng cao nhận thức cho cộng đồng, bao gồm cả phát hành những phần mềm đặc biệt ngăn chặn tình trạng bạo hành qua mạng. Các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu tự mở rộng khái niệm “bắt nạt” từ hành vi thông thường ở môi trường của trẻ nhỏ ra những hoạt động theo hướng “khủng bố” ở người trưởng thành.

Chính sách của các mạng xã hội, đơn cử như Facebook, cũng đặc biệt hà khắc với các nội dung mang tính xâm hại đến người khác. Đội ngũ kiểm duyệt “hành vi bạo lực hoặc gây hại” (tổ an toàn) của Facebook có hàng trăm người, nắm vững 24 thứ ngôn ngữ và túc trực liên tục để nhận các báo cáo trên toàn cầu. Chỉ một hành vi xâm phạm, một tài khoản có thể bị khóa vĩnh viễn. Còn dường như với Việt Nam, mọi thứ vẫn cứ đang là chương khởi đầu đầy bối rối của một thời đại phức tạp trên môi trường số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.