Bài viết theo chủ đề

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

10 điều những người có sức mạnh ý chí siêu việt làm khác người bình thường

Tác giả: Colin
Nguồn: Willpowered
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

“Những người này chắc phải là thánh nhân!”

Roy Baumeister, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về khoa học của ý chí, nghĩ vậy.

Ông và các đồng nghiệp nghiên cứu một số người ở Đức và Hà Lan, những người có vẻ như có sức mạnh ý chí không có gì cản nổi. [1]

Họ ăn uống lành mạnh.

Họ tập thể dục thường xuyên.

Họ được giáo dục tốt.

Họ thành công trong công việc của mình.

Họ dành được thời gian cho bạn bè và gia đình.

Và họ tường thuật về hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống của họ.

Thực sự là thánh nhân. Nhưng cho mục đích của bài viết này, tôi sẽ mạn phép gọi những người này là những người Giàu Ý chí.

Để tìm hiểu làm thế nào những người Giàu Ý chí này chống lại sự cám dỗ và vượt qua thói quen trì hoãn, các nhà nghiên cứu cho họ một thiết bị có nút bấm để bấm mỗi khi họ sử dụng đến sức mạnh ý chí trong ngày. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết những người Giàu Ý chí làm gì khác với người bình thường chúng ta.

Nhưng rồi một điều buồn cười đã xảy ra - họ hầu như không bao giờ bấm nút!

Các nhà nghiên cứu bối rối. Tại sao những người Giàu Ý chí này hầu như không bao giờ sử dụng đến sức mạnh ý chí của họ?

Câu trả lời là họ không cần đến nó. Họ sắp xếp cuộc sống của họ để tăng cường và bảo tồn sức mạnh ý chí của họ - khiến cho việc thực hiện các quyết định đúng đắn dễ dàng hơn.

Họ làm 10 thứ dưới đây khác những người bình thường chúng ta:

1. Tấn công

Có một uẩn khúc nhỏ trong câu chuyện về những người Giàu Ý chí ở Đức và Hà Lan. Nhiều người trong số họ thuật lại rằng nếu họ ngồi vào chiếc ghế sau quán rượu, họ sẽ không bao giờ rời đi được.

Những người khác thuật lại rằng họ không thể chống lại sự cám dỗ của đồ ngọt khi có chúng ở xung quanh. Có vẻ các “thánh nhân” này cũng dễ bị cám dỗ như những người bình thường chúng ta. [1]

Vậy, bí quyết của họ là gì?

Hóa ra, bí quyết của họ đơn giản là họ không đặt bản thân vào các tình huống đó. Cuộc sống của họ được tổ chức tốt để tránh phải đối mặt với sự cám dỗ.

Những người này chơi tấn công.

Họ nghĩ về những gì có thể cám dỗ họ trong tương lai - cho dù đó là rượu bia, bánh kẹo hay sự phân tán tư tưởng trong khi làm việc - và sắp xếp để tránh chúng. Họ có vẻ là những siêu nhân về ý chí vì họ hầu như không bao giờ phải sử dụng đến nó.

Để trở thành một người Giàu Ý chí, hãy nghĩ về các lý do khiến bạn đi lạc khỏi mục tiêu - rồi sắp xếp để bạn thành công từ trước khi bắt đầu.

Hãy chuẩn bị đồ tập thể dục từ tối hôm trước.

Hãy đặt chuông đồng hồ để giúp bạn thức giấc.

Đừng để thực phẩm không lành mạnh trong nhà.

Hãy dọn dẹp nơi làm việc của bạn để không còn những thứ khiến bạn phân tán tư tưởng.

Tất cả các thứ đó có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện chúng sẽ giúp bạn sử dụng sức mạnh ý chí của mình hiệu quả hơn và bám chặt lấy mục tiêu của bạn.

2. Đừng thất bại

Đây có lẽ là sự khác biệt lớn nhất giữa những người Giàu Ý chí và người bình thường.

Người bình thường đặt ra những mục tiêu phi thực tế đến mức vô vọng. Họ lập kế hoạch giảm 5 cân, học một ngôn ngữ mới và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình - tất cả cùng một lúc.

Rồi họ cố gắng quá sức chịu đựng, cảm thấy tuyệt vọng và từ bỏ tất cả mọi mục tiêu họ đã đặt ra.

Những người Giàu Ý chí làm ngược lại. Họ đặt ra các mục tiêu mang tính thực tế, với những kế hoạch thực tế và những mốc thời gian thực tế. Và khi tôi nói mang tính thực tế, tôi muốn nói những mục tiêu mà họ biết chắc chắn họ sẽ không thất bại. [2]

Bạn có lẽ đã lập ra quá nhiều mục tiêu phi thực tế trong quá khứ đến nỗi bạn quên mất cảm giác hoàn thành được một mục tiêu mình đề ra thế nào. Đạt được mục tiêu không chỉ mang lại cho bạn cảm giác mạnh mẽ của sự thành công, nó còn mang lại cho bạn sự tự tin rằng bạn có thể đạt được mục tiêu tiếp theo, và mục tiêu tiếp theo nữa.

Để trở thành người Giàu Ý chí, đặt ra MỘT mục tiêu mà bạn biết là bạn sẽ không thất bại. Bạn không cần kết quả lớn lao ngay lập tức. Bạn chỉ cần đi một bước đi đúng hướng. Rồi một khi bạn làm được điều đó, hãy đi thêm một bước nữa. Không có gì phải vội, miễn là mỗi bước bạn đi đều là đúng hướng.

3. Tập trung vào sự nhất quán chứ không phải cường độ

Không có gì đặc biệt về những người Giàu Ý chí. Họ không đạt được các kỳ công lớn thông qua những nỗ lực phi thường. Họ chỉ đơn giản xuất hiện và làm công việc của họ - ngày này qua ngày khác.

Họ đến phòng tập thể dục một cách thường xuyên.

Họ có thái độ thân thiện và làm công việc hàng ngày một cách hiệu quả.

Họ đi ngủ sớm vào mỗi tối và dậy sớm vào mỗi buổi sáng.

Rồi, theo thời gian, những chiến thắng nhỏ này tích tụ lại. Chúng mang lại ý chí mạnh mẽ hơn để chống lại sự cám dỗ hay mang lại sức mạnh để tiếp tục trước những thử thách.

Hầu hết chúng ta làm theo cách ngược lại. Thay vì đơn giản là ăn một bữa sáng lành mạnh vào mỗi buổi sáng, chúng ta ăn bất cứ thứ gì chúng ta muốn. Rồi chúng ta thực hiện một chế độ ăn cực kỳ hà khắc để giảm cân thật nhiều, thật nhanh!

Thay vì tập thể dục 30 phút mỗi ngày, chúng ta không tập thể dục chút nào. Rồi chúng ta thực hiện một chương trình tập thể dục cường độ cao với hứa hẹn mang lại “bụng sáu múi trong 8 tuần”!

Thay vì làm một dự án 30 phút mỗi ngày, chúng ta đợi đến phút cuối. Rồi chúng ta tiêm cafe vào tĩnh mạch, ăn cơm hộp và làm việc suốt đêm để hoàn thành nó.

Để trở thành người Giàu Ý chí, bạn phải có sự kiên nhẫn và bền bỉ. Đừng cố gắng hoàn thành những mục tiêu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Chỉ cần thay đổi một hành vi hàng ngày mà, cùng với thời gian, sẽ mang lại những kết quả mong đợi. Rồi làm điều đó hàng ngày một cách nhất quán. [3]

Hãy nhớ rằng, nước cắt được qua đá không phải bằng sức mạnh của nó, mà bằng sự bền bỉ.

4. Giấc ngủ

Ngủ là dành cho kẻ yếu đuối” - Margaret Thatcher.

Mặc dù Margaret Thatcher có ý tốt với câu nói đó, bà ta đã rất sai lầm. Bạn ngủ càng nhiều thì bạn càng mạnh mẽ hơn, ít nhất là về mặt ý chí.

Khi bạn ngủ không đủ, vỏ não trước trán (phần não bộ mà bạn dùng để phát huy sức mạnh ý chí) bị ảnh hưởng mạnh nhất. Khi bạn mệt mỏi, các tế bào não của bạn không có khả năng hấp thụ glucose - thứ mà bộ não dùng làm nhiên liệu - một cách hiệu quả. Điều đó nghĩa là bạn mất đi phần “sức mạnh” trong sức mạnh ý chí của bạn. [4]

Bộ não của bạn sẽ nhận ra rằng nó không nhận được đủ glucose, và ngay lập tức sẽ tạo ra trạng thái thèm carbohydrate đơn giản và caffeine để bổ sung nguồn cung cấp của nó. Đó là lý do tại sao bạn thấy các hộp pizza và cốc cafe trải đầy ký túc xá đại học trong thời gian thi cử. Bộ não của các sinh viên cần được tiếp nhiên liệu!

Có một tin thậm chí còn tồi tệ hơn. Do các tế bào não của bạn không hấp thụ glucose một cách có hiệu quả như bình thường, bạn sẽ không chỉ ăn pizza mà bạn sẽ ăn nhiều hơn nhiều so với lượng mà bạn cần. Bộ não bạn sẽ tiếp tục tạo ra cảm giác thèm ăn cho đến khi nó nhận được đủ glucose từ máu - bất kể bao nhiêu calo mà điều đó mang lại cho bạn.

Tóm lại, những người thiếu ngủ chắc chắn sẽ không Giàu Ý chí.

Để tránh khỏi số phận này, giải pháp hiển nhiên là ngủ nhiều hơn! Nhưng điều đó nói thì dễ hơn làm trong cái thế giới đầy các thứ kích thích này.

Vậy dưới đây là một số cách để bạn lấy được thêm sức mạnh ý chí từ giấc ngủ mà bạn hiện đang có:

1. Một căn phòng hoàn toàn tối

Hầu hết chúng ta đánh giá thấp ảnh hưởng của ánh sáng trong phòng ngủ lên giấc ngủ của chúng ta. Khi phòng ngủ của bạn hoàn toàn tối, nó giúp bộ não bạn ngừng hoạt động và ngủ hiệu quả hơn. Điều này giúp bạn nghỉ ngơi được nhiều hơn từ số giờ bạn nằm trên giường, và giúp khôi phục sức mạnh ý chí của bạn. [5]

2. Ngủ trưa

Những nghiên cứu khác cho thấy số giờ mà bạn thức liên tục có nhiều ảnh hưởng nhất. Vì vậy, chia nó làm đôi với một giấc ngủ trưa có thể có lợi ích đáng kể. Ngủ 7 tiếng ban đêm với một giấc ngủ trưa 1 tiếng thì tốt hơn là ngủ liền 8 tiếng mà không có giấc ngủ trưa trong ngày. [6]

3. Tạo nguồn dự trữ

Ngủ nhiều hơn vào cuối tuần sẽ tạo ra nguồn dự trữ năng lượng mà não bạn có thể sử dụng cho sức mạnh ý chí trong tuần. Vì vậy, nếu bạn không thể ngủ nhiều hơn trong tuần, hãy xem liệu bạn có thể ngủ bù vào cuối tuần không. [7]

5. Tập thiền

Thiền là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để trở nên Giàu Ý chí. Bằng cách tập thiền, bạn huấn luyện bộ não tập trung và chống lại thôi thúc suy nghĩ lan man.

Nghiên cứu cho thấy chỉ sau 2 – 3 ngày tập thiền trong 10 phút, bộ não bạn sẽ có thể tập trung tốt hơn, bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn và ít bị căng thẳng hơn. [8]

Có rất nhiều huyền thoại xung quanh việc tập thiền. Đốt hương, tụng kinh, mặc áo cà sa, v.v… Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giải thích thiền thực sự là gì.

Thiền đơn giản là sự thực hành đưa ý nghĩ của bạn về hiện tại.

47% cuộc đời của chúng ta dành để hồi tưởng về quá khứ hay suy nghĩ về những gì chúng ta sẽ làm trong tương lai. Chúng ta dành rất ít thời gian với một tâm trí thư thái, tập trung vào những gì chúng ta đang làm ngay lúc này. [9]

Đó là điều mà thiền cố gắng mang lại. Nó thường được thực hành bằng cách ngồi thẳng lưng trong một căn phòng yên tĩnh không có sự phân tán bên ngoài và tập trung hoàn toàn vào hơi thở của bạn. Tuy nhiên, nó cũng có thể được thực hiện với bất kỳ hoạt động nào mang lại cho bạn sự tập trung và chú ý hoàn toàn.

Nhận xét: Để trở thành Giàu Ý chí thông qua tập thiền, chương trình thiền dưỡng sinh Éiriú Eolas (tiếng Việt) là một phương pháp tốt để bạn bắt đầu.

6. Tập thể dục

Nó có lẽ sẽ không gây sốc cho bạn khi biết rằng những người Giàu Ý chí tập thể dục thường xuyên. Nhưng điều gây sốc là việc tập thể dục đơn giản làm tăng cường sức mạnh ý chí của bạn đến mức nào!

Các nhà nghiên cứu lấy 24 người không tập thể dục trong độ tuổi từ 18 đến 50 để tham gia vào một chương trình nghiên cứu 2 tháng. Họ được đến phòng tập thể dục miễn phí và được yêu cầu tập thể dục 1 lần / tuần trong tháng đầu tiên và 3 lần / tuần trong tháng thứ hai.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu kiểm tra những người tham gia với nhiều hoạt động tự kiểm soát bản thân khác nhau, từ việc chống lại sự cám dỗ cho đến việc kiên trì thực hiện những nhiệm vụ đầy thử thách.

Kết quả thực sự là đáng kinh ngạc.

Chỉ sau hai tháng tập thể dục, tất cả những người tham gia thực sự đã tăng cường khả năng chống lại sự cám dỗ và kiên trì thực hiện những nhiệm vụ đầy thử thách của họ.

Nhưng lợi ích không chỉ dừng lại ở đó. Mặc dù không có bất kỳ hướng dẫn nào từ các nhà nghiên cứu, những người tham gia còn:

  • Trì hoãn ít hơn trong công việc

  • Cảm thấy có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn

  • Giảm uống rượu bia và cafe

  • Tiết kiệm tiền hơn

  • Ăn vặt ít hơn

  • Bắt đầu chế độ ăn uống lành mạnh

  • Xem TV ít hơn

  • Dành nhiều thời gian học tập hơn

  • Tiêu ít tiền hơn vào những ý thích mua hàng bột phát

  • Đến đúng hẹn hơn

Tất cả những hoạt động này xảy ra một cách tự nhiên từ việc tập thể dục thường xuyên. [10]

Tuy nhiên, trước khi bạn lên kế hoạch chuyển từ không tập thể dục chút nào sang tập thể dục hàng ngày, hãy dừng lại. Điều quan trọng cần nhớ là trong cả một tháng, những người tham gia này chỉ đến phòng tập thể dục 1 lần / tuần. Điều đó có nghĩa là họ chỉ đi tổng cộng 4 lần trong suốt tháng đầu tiên!

Để trở thành người Giàu Ý chí, bạn không cần thiết phải lên kế hoạch tập thể dục một cách điên cuồng. Để bắt đầu nhận được tất cả các lợi ích liệt kê ở trên, bạn chỉ cần lập một kế hoạch nhất quán và không quá sức. Dù là bạn tập thể dục 1 lần / tuần hay 4 lần / tuần, điều đó không quan trọng. Để đạt được lợi ích, hãy lập một kế hoạch mà bạn sẽ không thất bại.

7. Thực hành chánh niệm

Bạn có xỉa răng trước khi đánh răng? Bạn làm gì mỗi khi mới đến chỗ làm?

Chúng ta có xu hướng tin rằng hai thứ trên và mọi lựa chọn khác mà chúng ta thực hiện trong suốt cả ngày là thông qua một quá trình lựa chọn quyết định xem xét đầy đủ mọi thông tin.

Nhưng 45% quyết định hàng ngày của chúng ta được thực hiện một cách hoàn toàn tự động, máy móc. Từ quyết định ăn gì, mặc gì và làm gì khi mới đến chỗ làm, bộ não của chúng ta chạy trong chế độ tự động. [11]

Thật không may, những quyết định tự động này được đưa ra trong cái phần não thúc đẩy bạn ăn thực phẩm không lành mạnh, trì hoãn những công việc quan trọng và bỏ qua buổi tập thể dục để nằm dài trên ghế cả buổi tối.

Vì vậy, bạn dành càng nhiều thời gian trong chế độ tự động thì bạn càng làm gia tăng cảm giác thèm ăn vặt và mong muốn trì hoãn bắt đầu mọi thứ đến ngày mai. [12]

Bạn có thể trở thành người Giàu Ý chí đơn giản bằng cách lưu tâm nhiều hơn đến các quyết định hàng ngày của bạn. Điều này chỉ đơn giản như là dừng lại tự hỏi tại sao bạn quyết định làm một cốc cafe ngay khi đến văn phòng. Hay tại sao bạn ăn ngũ cốc cho bữa sáng thay vì trứng.

Đơn giản chỉ cần đặt câu hỏi về những quyết định hàng ngày này và bạn sẽ tăng cường sức mạnh ý chí để thực hiện các lựa chọn tốt hơn. [12]

8. Đón nhận những tình huống dễ bị tổn thương

Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người không phải là cái chết, đó là nói trước công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân hành động nói không phải là cái chúng ta sợ. Cái chúng ta thực sự sợ là đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương.

Chúng ta sợ lời chỉ trích.

Chúng ta sợ sự phán xét.

Chúng ta đơn giản là sợ bị kém cỏi về một cái gì đó và cho người khác biết về điều đó.

Nhưng nếu bạn không đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương, bạn sẽ không bao giờ lớn mạnh lên được.

Những người Giàu Ý chí đi ra ngoài vùng thoải mái của họ. Họ đón nhận thực tế rằng họ sẽ dễ bị tổn thương, nhưng họ học hỏi từ các sai lầm của họ. Họ có thể buông bỏ được những lời chỉ trích họ sẽ nhận từ người khác. Bởi vì họ biết rằng họ sẽ trở nên tốt hơn, lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, mặc dù họ đi ra ngoài những gì thoải mái, quen thuộc, họ không mời chào sự thất bại và hỗn loạn đến cho bản thân. Thay vào đó, họ dành nhiều thời gian trong vùng học tập. [13]

Để trở thành người Giàu Ý chí, hãy tự đẩy bản thân vừa đủ ra khỏi những gì thoải mái, quen thuộc, nhưng đừng xa quá đến nỗi mọi thứ trở nên hỗn loạn và ngoài tầm kiểm soát. Đừng sợ phát biểu trước công chúng, nhưng cũng đừng để bài phát biểu đầu tiên của bạn là bài phát biểu chủ chốt trong một hội thảo trước hàng ngàn người.

9. Ăn một chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp

Không phải là điều đáng ngạc nhiên khi những người Giàu Ý chí ăn uống lành mạnh một cách thường xuyên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là việc ăn uống lành mạnh làm tăng sức mạnh ý chí của bạn! Và điều đó làm việc tiếp tục ăn uống lành mạnh dễ dàng hơn. Đó là một chu trình đẹp đẽ.

Khi cơ thể nhận vào thực phẩm, nó tạo ra một hóa chất gọi là glucose trong mạch máu. Đây là thứ mà bộ não sử dụng như nguồn nhiên liệu để suy nghĩ, sáng tạo và phát huy sức mạnh ý chí. Vì vậy, để đảm bảo một nguồn sức mạnh ý chí tốt, bạn cần đảm bảo bộ não bạn có đủ glucose để sử dụng làm năng lượng. [14]

Bất kỳ thực phẩm chứa calo nào cũng sẽ cho bộ não của bạn glucose. Nhưng không phải tất cả glucose đều được tạo ra như nhau. Các loại thực phẩm có đường sẽ làm nồng độ glucose tăng vọt lên, cho bạn nhiên liệu sức mạnh ý chí trong thời gian ngắn, nhưng sau đó lại gây ra sự sụt giảm glucose nhanh chóng, khiến cho sức mạnh ý chí của bạn cũng suy giảm nhanh chóng như vậy.

Điều tốt nhất mà bạn nên làm là giữ cho nồng độ glucose trong máu ổn định. Điều này sẽ cung cấp cho bộ não của bạn một nguồn nhiên liệu ổn định để phát huy sức mạnh ý chí trong thời gian dài. Để thực hiện điều này, các nhà nghiên cứu đề xuất chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp. [15]

Dưới đây là một số loại thực phẩm chỉ số đường huyết thấp sẽ cung cấp cho bạn nhiên liệu cho sức mạnh ý chí trong thời gian dài.

1. Thịt nạc

Không cần gì khoa trương, hoa mỹ cả - chỉ cần thịt nạc từ bò, lợn, gà và cá.

2. Hạt

Cụ thể là các loại hạt nhiều chất axít béo omega-3 như quả óc chó, quả hồ đào và hạt điều. (Chú ý: cái này không bao gồm các loại hạt họ đậu như lạc).

3. Trái cây tươi

Trái cây tươi tốt hơn trái cây khô vì trái cây khô có tỷ lệ đường cao trong đó. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng đột biến nồng độ glucose ngắn hạn và tiếp đó là nồng độ glucose lao dốc. Một số lựa chọn tốt là chuối, quả việt quất, táo và anh đào.

4. Rau

Tất cả các loại rau sẽ giúp xây dựng sức mạnh ý chí của bạn về lâu dài, nhưng những loại rau mang lại thật nhiều sức mạnh ý chí là phần rễ của cây. Chúng bao gồm khoai lang, khoai tây và cà rốt. Những loại đó cho bạn nguồn nhiên liệu tốt để cho sức mạnh ý chí.

Bây giờ, trước khi bạn muốn cải tổ toàn diện chế độ ăn của bạn, nhớ rằng những người Giàu Ý chí trong nghiên cứu trên thú nhận rằng họ bất lực trong việc chống lại sự cám dỗ của kẹo và rượu bia khi chúng được đặt trước mặt họ. Và họ thỉnh thoảng vẫn ăn hoặc uống chúng.

Vì vậy không bao giờ nói không bao giờ. Đừng tuyệt đối cấm bản thân ăn những thứ bạn thực sự muốn. Chỉ cần đảm bảo rằng hầu hết các bữa ăn của bạn là lành mạnh - và luôn luôn có một bữa sáng lành mạnh.

Nhận xét: Xem thêm tập hợp các bài viết về sức khỏe và dinh dưỡng trên blog này để tìm ra giải pháp tốt nhất cho sức khỏe của bạn

10. Tập trung vào quá trình chứ không phải kết quả

Điều cuối cùng những người Giàu Ý chí tập trung vào là quá trình thực hiện chứ không phải kết quả.

Khi bạn đặt mục tiêu để giảm cân, được thăng chức, hoặc hoàn thành một cuộc chạy marathon, bạn thường tập trung vào kết quả cuối cùng. Tại sao lại không nhỉ? Bạn cần giữ trong đầu cái mà bạn đang hướng tới.

Nhưng trong khi làm việc hướng tới bất cứ mục tiêu nào, luôn có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát ảnh hưởng đến mục tiêu của bạn.

Nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, bạn không thể kiểm soát yếu tố di truyền của bạn. Một số người sẽ dễ giảm cân hơn những người khác.

Nếu mục tiêu của bạn là chạy một cuộc marathon, bạn không thể kiểm soát tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lịch trình tập luyện của bạn. Bạn có thể bị ốm, bạn có thể bị thương, và bạn có thể gặp phải một loạt những chuyện khẩn cấp trong công việc hay gia đình quan trọng hơn việc tập luyện.

Nếu mục tiêu của bạn là được thăng chức, bạn không thể kiểm soát danh sách những người khác mà công ty cũng xem xét. Bạn không thể kiểm soát mức độ kinh nghiệm của các ứng cử viên khác, cũng như mức độ quen biết của họ.

Tất cả các yếu tố đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Vì vậy, nếu bạn tập trung vào những mục tiêu liên quan đến kết quả như vậy, ngay cả khi bạn làm mọi thứ hoàn hảo, bạn có thể vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.

Và nếu bạn không đạt được kết quả, sức mạnh ý chí của bạn sẽ bị sụt giảm đáng kể.

Bạn sẽ mất đi động lực và cảm hứng khi bạn bắt đầu tự hỏi liệu sẽ có bao giờ bạn đạt được những gì bạn thực sự muốn trong cuộc đời. Điều này có thể làm bạn suy sụp sâu sắc và không chỉ làm hỏng mục tiêu này mà cả các mục tiêu khác trong tương lai nữa.

Bạn có thể vượt qua hiện tượng này bằng cách chuyển sang tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát được. Thay vì tập trung vào kết quả, bạn nên tập trung vào quá trình thực hiện. Bởi vì ngay cả những kế hoạch hoàn hảo nhất cũng có thể bị gián đoạn bởi những sức mạnh bên ngoài.

Bạn không thể kiểm soát khả năng cơ thể bạn giảm cân bao nhiêu, nhưng bạn có thể kiểm soát loại thực phẩm nào bạn đưa vào cơ thể.

Bạn không thể đảm bảo rằng bạn sẽ hoàn thành cuộc chạy marathon, nhưng bạn có thể kiểm soát nỗ lực của bạn khi tập luyện chuẩn bị cho nó.

Bạn không thể kiểm soát liệu ông chủ của bạn có thăng chức cho bạn không, nhưng bạn có thể đến văn phòng làm việc sớm với một thái độ tích cực một cách thường xuyên.

Để trở thành người Giàu Ý chí, hãy dùng những kết quả mà bạn muốn đạt được để định ra phương hướng hành động - nhưng sau đó hãy quên chúng đi. Sau khi biết bạn sẽ đi đâu, hãy tập trung vào quá trình và nỗ lực cần thiết để đi tới đó. Điều này sẽ giúp bạn có động cơ phấn đấu tốt hơn ngày này qua ngày khác, thay vì tập trung vào kết quả mà hiện đang có vẻ quá xa vời.

Kết luận

Không có gì đặc biệt về những người đặc biệt Giàu Ý chí. Họ đơn giản chỉ là có một cách nhìn hơi khác về cuộc sống so với người bình thường.

Thay vì sử dụng sức mạnh ý chí như biện pháp cuối cùng, họ dùng nó để tránh sự cám dỗ ngay từ đầu.

Thay vì đặt ra những mục tiêu to lớn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn, họ đặt ra những mục tiêu mang tính thực tế mà họ có thể thực hiện trong một thời gian dài.

Thay vì trì hoãn mọi thứ và rồi cuống cuồng cố gắng bù lại vào phút cuối, họ tập trung vào làm từng phần nhỏ mỗi ngày.

Và thay vì tập trung sự chú ý vào kết quả cuối cùng - thường là ngoài tầm kiểm soát của họ - họ tập trung vào quá trình đến đó, vào những nỗ lực của họ và vào những gì họ có thể kiểm soát được.

Rồi, vào cuối mỗi ngày, họ đã đi một bưới nhỏ theo đúng hướng. Và họ chuẩn bị để đi một bước nữa vào ngày hôm sau.

Chú thích:

  1. Ridder, D., Lensvelt-Mulders, G., Finkenauer, C., Stok, F., & Baumeister, R. (2011). Taking Stock of Self-Control: A Meta-Analysis of How Trait Self-Control Relates to a Wide Range of Behaviors. Personality and Social Psychology Review, 76-99.

  2. Baumeister, R., & Tierney, J. (2011). Willpower: Rediscovering the greatest human strength. New York: Penguin Press.

  3. Olson, J., & Mann, J. (2013). The slight edge (8th anniversary ed.). Austin, TX: Greenleaf Book Group Press.

  4. Spiegel, K., Tasali, E., Leproult, R., & Van Cauter, E. (2009). Effects Of Poor And Short Sleep On Glucose Metabolism And Obesity Risk. Nature Reviews Endocrinology, 253-261.

  5. Dijk, D., & Archer, S. (2009). Light, Sleep, and Circadian Rhythms: Together Again. PLoS Biology, E1000145-E1000145.

  6. Feature, J (29 Nov. 2011) WebMD Magazine. Power Naps: Napping Benefits, Length, and Tips. WebMD.

  7. Breus, M. (2013) Can You Ever REALLY Catch-up on Sleep? Psychology Today: Health, Help, Happiness.

  8. Oman, D., Shapiro, S., Thoresen, C., Plante, T., & Flinders, T. (2008). Meditation Lowers Stress And Supports Forgiveness Among College Students: A Randomized Controlled Trial. Journal of American College Health, 569-578.

  9. Bradt, S. (2010, November 11). Wandering mind not a happy mind. http://news.harvard.edu/gazette/story/2010/11/wandering-mind-not-a-happy-mind/

  10. Oaten, M. & Cheng, K. (2006) Longitudinal Gains in Self-regulation from Regular Physical Exercise. British Journal of Health Psychology 11.4: 717-33.

  11. Duhigg, C. (2012). The power of habit: Why we do what we do in life and business. New York: Random House.

  12. Kahneman, D. (2011). Thinking, fast and slow. New York: Farrar, Straus and Giroux.

  13. Colvin, G. (2008). Talent is overrated: What really separates world-class performers from everybody else. New York: Portfolio.

  14. Gailliot, M., Baumeister, R., DeWall, C., Maner, J., Plant, E., Tice, D., ... Schmeichel, B. (2007). Self-control Relies On Glucose As A Limited Energy Source: Willpower Is More Than A Metaphor. Journal of Personality and Social Psychology, 325-336.

  15. Pollan, M. (2009) Food Rules: An Eater's Manual. New York: Penguin

3 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.