Bài viết theo chủ đề

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Bao giờ Việt Nam được như Cuba?

Những cảnh thế này có thể thấy ở khắp nơi trên đất nước Cuba

Tác giả: Như Thổ
Nguồn: PetroTimes

Gần đây, ông Lê Quảng Ba, Đại sứ Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên khi nói chuyện với báo giới về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Triều Tiên đã thốt lên rằng: “Bao giờ ta có thể làm được như họ!”. Rồi ông lý giải, ở Triều Tiên cơ sở hạ tầng cực kỳ tốt, việc chăm sóc cho trẻ em rất đảm bảo, giáo dục rất được chú trọng… Và ông cũng nói thẳng rằng, không ít người trong chúng ta bấy lâu nay đã nhìn Triều Tiên bằng con mắt phiến diện. Điều này cũng có lỗi là từ ở phía Triều Tiên “bế quan tỏa cảng” về mặt thông tin, khiến cho thế giới không hiểu về quốc gia mình mà lại cứ nghe theo giọng điệu tuyên truyền của một số nước phương Tây.

Nhân chuyện này, tôi mới nhớ lại những gì đã được “mắt thấy tai nghe” ở một quốc gia - đó là Cuba.

Không ít người Việt sang Cuba mà chủ yếu là các quan chức, một số doanh nhân sang tìm kiếm cơ hội làm ăn đã chê Cuba không tiếc lời. Nào là một đất nước nghèo đói, xe cộ cũ nát chạy tung tăng trên đường; nào là nhiều khu phố nhà cửa xuống cấp, bẩn thỉu; nào người dân sống trong cảnh thiếu thốn, thậm chí thiếu từ cái bàn chải đánh răng. Và bên cạnh đó là một tư duy làm kinh tế cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ… Nói nôm na là cái gì cũng kém, cũng xấu. Thậm chí có một vị lãnh đạo của ngành du lịch Việt Nam đã từng phũ mồm “Kiểu làm du lịch của Cuba thì chẳng có gì đáng học”. Nhưng vị này lại không biết doanh thu từ du lịch của Cuba còn cao hơn doanh thu của du lịch Việt Nam, chiếm gần 20% GDP.

Người viết bài này cũng đã được sang Cuba tới 4 lần từ năm 2006 đến nay; cũng đã được làm việc với lãnh đạo Bộ Kinh tế Cuba; Bộ Nội vụ Cuba và lãnh đạo công an một số tỉnh, thành. Rồi cũng đã gặp gỡ không ít cán bộ, công nhân Cuba, trong đó có không ít người đã từng sang giúp ta mở đường Hòa Lạc - Xuân Mai, xây dựng khách sạn Thắng Lợi, mở đường Hồ Chí Minh…

Và quả thật, tôi cũng xin phép được nhắc lại câu của Đại sứ Lê Quảng Ba nếu như nói về Cuba: “Bao giờ ta có thể làm được như họ?!”.

Rõ ràng rằng, bấy lâu nay, cũng do Cuba xa chúng ta quá, hơn nữa, việc cung cấp thông tin còn rất hạn chế, cho nên thế giới và cả Việt Nam nữa - cũng không hiểu Cuba. Rất nhiều lời nhận xét về Cuba là xuất phát từ những kẻ trọc phú ở Việt Nam - đó là một số đại gia lắm tiền nhiều của và họ nhìn người dân Cuba bằng con mắt của kẻ lắm tiền.

Nhưng họ không biết rằng, ở Cuba, có những điều mà ít nhất 2/3 dân số Việt Nam đang nằm mơ cũng không được như vậy.

Tất cả trẻ em Cuba đều được giáo dục miễn phí ngay từ mẫu giáo lớn (5 tuổi) cho đến khi tốt nghiệp đại học hoặc học lên đến tiến sĩ. Trong suốt quá trình học này, học sinh không phải chi một xu cho tiền may đồng phục, tiền mua sắm sách vở, giấy bút và còn được nuôi ăn một bữa hoặc cả ngày (tùy theo từng trường).

Trẻ em Cuba từ khi đi học mẫu giáo đã được học 3 thứ. Đó là: âm nhạc, múa và bơi lội. Còn chữ nghĩa thì cũng có học nhưng chỉ là nhận biết mặt chữ mà thôi. Không có một trẻ em Cuba nào bị thất học, dù đó là ở nơi “thâm sơn cùng cốc”.

Tất cả người dân Cuba đều được khám, chữa bệnh miễn phí và được dùng những loại thuốc tốt nhất có thể. Vào những bệnh viện ở Cuba, không làm gì có cảnh bệnh nhân “lóp ngóp” chui từ gầm giường ra chào hoặc ba bốn bệnh nhân chung nhau một giường (như ở Việt Nam). Việc một ông ủy viên Trung ương nằm chung phòng điều trị với một ông phó thường dân là chuyện bình thường.

Tất cả người dân, trẻ em Cuba đều được uống sữa tươi miễn phí. Nếu là trẻ em dưới 10 tuổi thì đều “như vắt chanh”, mỗi ngày được uống nửa lít sữa và nhà nào không có điều kiện ra cửa hàng lấy thì có người mang sữa đến tận nhà.

Rồi nữa, giáo dục của Cuba được xếp vào hàng tiên tiến nhất thế giới, ngang với Đan Mạch. Y tế Cuba thì đứng vào hàng đầu và họ đã chế ra được vắc-xin phòng chống bệnh ung thư và nhiều loại thuốc đặc biệt khác. Thể thao Cuba thì cũng đứng vào hàng thứ 14, 15 gì đó trên thế giới (trong khi Việt Nam ta chưa được xếp vào thứ bậc nào trên thế giới, hoặc nếu có thì cũng hàng... đội sổ).

Còn về trật tự xã hội thì quả thực đó là một thiên đường cho sự ngăn nắp, nề nếp, văn minh và sự tôn trọng các quy tắc trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.

Đúng là người dân Cuba còn thiếu thốn bởi cái lệnh cấm vận cực kỳ dã man của Mỹ. Nhưng trong phạm vi có thể, Chính phủ Cuba đã lo cho trẻ em và người già hết mức. Đấy chính là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong một lần, tôi về tỉnh Holguín - quê hương của Chủ tịch Fidel Castro. Vào tối Chủ nhật, tôi ra quảng trường ở thành phố chơi và thực sự kinh ngạc khi thấy có đến cả hơn 100 thanh thiếu niên mang các loại nhạc cụ ra hòa tấu - chủ yếu là bộ hơi (các loại kèn). Hóa ra ở thành phố này có một ông nhạc trưởng. Mỗi tháng một lần, ông lại phát cho những thanh thiếu niên biết chơi nhạc một bản nhạc. Học sinh mang về tập và cứ đến tối Chủ nhật thì lại ra quảng trường tập hòa tấu. Một khung cảnh thanh bình, văn minh hiếm có mà dĩ nhiên, chưa từng thấy ở Việt Nam.

Đi trên đường phố thủ đô La Habana hoặc đến bất cứ cửa hàng nào, không làm gì có cảnh người dân chen lấn, xô đẩy mua hàng hóa hoặc chen lấn lên xe buýt. Một cháu bé đang đi tung tăng trên vỉa hè, nếu vui chân chạy xuống đường thì lập tức tất cả các phương tiện giao thông đang đi trên đường dừng lại, người lái xe sẽ xuống xe dắt cháu trên vỉa hè rồi mới đi tiếp.

Những điều đó - chắc chắn rằng những người vốn nhìn Cuba hay Triều Tiên bằng con mắt “trọc phú” sẽ không bao giờ nhìn thấy bởi họ quen đến những nơi có tiền là có tất cả. Nhưng họ lại không nghĩ rằng, có những điều trong cuộc sống con người ta mà có tiền cũng chẳng thể mua được: Đó là sự hạnh phúc, bình an.

Cuba, Triều Tiên - không phải là họ không biết và không có khát vọng làm giàu. Nhưng họ không làm giàu bằng mọi cách như ở Việt Nam ta. Họ không làm giàu bằng kiểu tàn phá môi trường; không làm giàu bằng các trò làm ăn chộp giật, lừa đảo, bất chấp luật pháp. Đúng là xã hội của họ còn nhiều thiếu thốn, cách quản lý, xây dựng phát triển kinh tế của họ cũng còn nhiều điều phải bàn, phải cải tổ nhưng rõ ràng họ đã chăm lo tốt hơn ta rất nhiều cho đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em và người già. Mà nhân đây cũng phải nói thêm rằng, bình quân thu nhập theo đầu người của Cuba còn gấp 3 lần người Việt Nam (khoảng 3.000USD/người/năm). Chỉ có điều là Cuba đã dành 54% tổng thu nhập quốc gia cho giáo dục và y tế.

Bao giờ Việt Nam ta mới được như thế!?

Nhận xét: Một điều có vẻ như thành quy luật là những nơi được "ánh sáng văn minh" của chủ nghĩa tư bản phương Tây chiếu rọi đến nhiều thì người dân thường thấp cổ bé họng ở đó lại có vẻ không hạnh phúc. Ngược lại, ở những nơi "xa xôi hẻo lánh" nhưng có những nhà lãnh đạo có lương tâm, làm việc vì dân thì người dân có được hạnh phúc thực sự, mặc dù có thể họ không được giàu có bằng. Mời các bạn xem những bài dưới đây về những nơi như vậy, ở cả hai thái cực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.