Bài viết theo chủ đề

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Vì sao Monsanto dễ dàng trở lại Việt Nam?

Hạt giống biến đổi gen

Tác giả: Anh Nguyễn
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Tháng 10-2014, nhóm các nhà nghiên cứu và những người bạn của Việt Nam trên Vietnam Study Group (VSG - một nhóm liên lạc chung chuyên nghiên cứu về Việt Nam với nhiều chuyên gia và học giả quốc tế) bất ngờ xôn xao về thông tin Monsanto chi 1,5 tỉ đồng học bổng cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học.

Vấn đề lớn nhất ở đây với họ vì Monsanto chính là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh VN. Ước tính có khoảng 75,8 triệu lít thuốc trừ cỏ đã được quân đội Mỹ sử dụng mà trong đó Monsanto là nhà cung cấp chính.

Từng là một bị đơn

Monsanto là công ty chủ chốt trong 37 công ty hóa chất mà các nạn nhân da cam VN từng kiện tại Mỹ (từ năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại. Vụ kiện này cuối cùng đã bị tòa án Mỹ bác bỏ, bất chấp sự phản đối của các chuyên gia và các nạn nhân. Trước đó, các cựu binh Mỹ cũng từng kiện các tập đoàn hóa chất này.

Với thành tích “tai tiếng” đó, các chuyên gia đều rất ngạc nhiên khi thấy VN dễ dàng chấp nhận học bổng từ một công ty như vậy.

Viết trên VSG, Mark Ashwill, giám đốc điều hành của Capstone Vietnam (một công ty về phát triển nhân lực) và nguyên là giám đốc Viện Giáo dục quốc tế (IIE) ở VN, tỏ rõ sự thất vọng: “Chỉ với món tiền nhỏ 1,5 tỉ đồng, Monsanto đã mua được vị trí vào một trường đại học và xuất hiện trên báo giới VN. Lãnh đạo Monsanto, tập đoàn kiếm tới 15 tỉ USD năm ngoái, chắc hẳn phải cười khẩy vào khoản tiền tiếp cận nhỏ như vậy ở đất nước từng là nạn nhân cho các sản phẩm độc hại của họ và đang tiếp tục phải trả cái giá rất đắt vì môi trường bị hủy hoại, những tổn thương chịu đựng đối với con người vì chất độc da cam”.

Lá thư của ông Ashwill đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và chia sẻ, các chuyên gia đều bày tỏ lo ngại về tác động của Monsanto, đặc biệt là chiến dịch mà tập đoàn này đang thúc đẩy để đưa các sản phẩm biến đổi gen (GMO) vào VN.

Andrew Pearson, một nhà làm phim tài liệu, nói muốn đưa sinh viên VN sang Mỹ để so sánh những trang trại trồng sản phẩm GMO của Monsanto với những trang trại vẫn trồng bằng các sản phẩm tự nhiên để đảm bảo sức khỏe cho con người và chất lượng đất. “Họ sẽ hiểu mức độ nghiêm trọng của sai lầm họ đang mắc phải” - ông Pearson nói.

Di sản nghịch lý

Những thông tin lo ngại về GMO và các sản phẩm của Monsanto đang tràn vào VN thực tế đã được lên tiếng từ trước đó. Cách đó hơn một năm rưỡi, tháng 1-2013, Trude Bennett - giáo sư về sức khỏe cộng đồng Đại học North Carolina (Mỹ), người thường xuyên về VN dạy học cũng như tham gia các dự án cộng đồng - cũng đã viết tới VSG để bày tỏ lo ngại:

"Di sản quý báu nhất mà Việt Nam có là hệ thống giống cây trồng tự nhiên qua nhiều thế kỷ. Monsanto chắc chắn sẽ phá hủy di sản đó" - Andrew Pearson (nhà làm phim tài liệu).

“Gần đây, tôi thấy báo động với sự xâm lấn của nông sản của Monsanto và Dow Chemical vào VN - chính những công ty đã sản xuất ra chất độc da cam và các loại thuốc trừ cỏ khác gây ra những hậu quả kinh hoàng trong chiến tranh VN. Giống như nhiều người trong giới khoa học, tôi từ lâu vẫn cho rằng công nghệ sinh học (đặc biệt là việc tạo ra các sản phẩm, hạt giống và thực phẩm biến đổi gen) là mối nguy lớn đối với môi trường, với nông sản và khiến chúng ta phải phụ thuộc một cách nguy hiểm vào các tập đoàn đa quốc gia như Monsanto.

...Khi biết nhiều hơn về kết quả tác động của GMO đối với các thú vật, tôi rất sốc nhưng cũng không ngạc nhiên khi thấy các tập đoàn tấn công một cách rất hệ thống để bôi xấu các nhà nghiên cứu, những người chỉ ra mối nguy hại nghiêm trọng (của GMO) đối với sức khỏe”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, nhà nhân chủng học Joanna Kirkpatrick, tiến sĩ từ ĐH California ở Berkeley, cho biết hiện có rất nhiều thông tin sai về quy trình và hậu quả của GMO đối với sức khỏe của con người, động vật và môi trường được Monsanto cùng các tập đoàn sản xuất GMO tuyên truyền. “Cách thức vận hành của Monsanto là tìm mọi cách mua những người bán hạt giống bằng các cách khác nhau, kể cả là trả tiền, để người bán hạt giống cuối cùng không còn bán các hạt truyền thống nữa (mà người nông dân có thể giữ hạt giống và trồng tiếp vào năm sau - nông dân trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào giống biến đổi gen của Monsanto)”.

Bà nhắc đến bộ phim tài liệu Bitter Seeds (*) ghi lại chi tiết việc dùng giống bông biến đổi gen đã dẫn tới sự tuyệt vọng ra sao cho nông dân ở Ấn Độ (và sau đó là tỉ lệ tự sát rất cao trong nông dân Ấn Độ). Rất nhiều gia đình nông dân ở Ấn Độ đã mất hết đất đai vì vòng xoáy phụ thuộc vào Tập đoàn Monsanto (phải mua hạt giống).

Trên CounterPunch gần đây, giáo sư Desiree Hellegers của ĐH bang Washington (WSU) đã viết một bài dài về sự trở lại của Monsanto vào VN (**). Trong bài viết, giáo sư kể đến cuộc gặp của nhóm cựu binh Mỹ với nhóm đại diện của Hội Nạn nhân chất độc da cam VN (VAVA). Trong cuộc gặp, phó chủ tịch Quỹ cựu binh Mỹ vì hòa bình chi nhánh số 160 - Chuck Searcy, một cựu binh từng chiến đấu ở VN, nói: “Chúng tôi trân trọng sự rộng lượng của người Việt. Nhưng chúng tôi nghĩ chúng ta cũng nên học bài học của quá khứ”.

Searcy nói ông muốn biết vì sao sau hậu quả kinh hoàng của chất độc da cam, Chính phủ VN lại để cho Tập đoàn Monsanto trở lại, mở văn phòng và kinh doanh tại VN. Đặc biệt khi Monsanto giờ đang bán các hạt giống biến đổi gen như hạt ngô.

Trả lời câu hỏi này, đại diện của VAVA nói VN đã vào WTO và “khi chúng tôi ký hiệp định WTO, chúng tôi phải chấp nhận họ vào”.

Theo GS Hellegers, VN nên coi lại chính bài học của Mexico, đặc biệt sau khi nước này vào khu mậu dịch thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào giữa những năm 1990. Sau NAFTA, ngô giá rẻ từ Mỹ tràn ngập vào Mexico, trong đó có nhiều giống biến đổi gen của Monsanto. Thị trường ngô của Mexico không những bị sụp đổ mà các giống ngô bản địa của Mexico cũng bị lai tạp và làm hỏng nguồn giống tự nhiên của ngô nước này.

Với một công ty đầy tai tiếng như vậy, sự xuất hiện trở lại của Monsanto ở VN là một điều khiến nhiều người thấy khó hiểu.

“Một di sản buồn đầy nghịch lý và tai ác” - ông Ashwill viết trên VSG.

(*): http://teddybearfilms.com/2011/ 10/01/bitter-seeds-2/

(**): http://www.counterpunch.org/2015/05/08/trade-wars-monsantos-return-to-vietnam/

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.