Bài viết theo chủ đề

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường

Mặt nạ của kẻ thái nhân cách

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: THE PSYCHOPATH - The Mask of Sanity

Hãy tưởng tượng - nếu bạn có thể - không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.

Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.

Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lí của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào.

Bạn không bị kìm giữ khỏi bất cứ mong muốn nào bởi cảm giác tội lỗi hay hổ thẹn, và bạn cũng không phải đối mặt với ai về sự nhẫn tâm của mình. Thứ nước đá trong mạch máu của bạn kỳ quái và khác xa những gì họ từng trải qua đến mức họ hiếm khi có chút ý niệm gì về trạng thái của bạn.

Nói một cách khác, bạn hoàn toàn không có chút vướng bận nội tâm nào, và tiện lợi hơn nữa, khả năng tự do làm bất cứ điều gì mà không bị lương tâm cắn dứt của bạn không ai nhận thấy được.

Bạn có thể làm bất cứ điều gì, và ngay cả khi đó, cái lợi thế kì lạ của bạn so với phần đông những người khác, những người bị giới hạn bởi lương tâm của họ, vẫn thường không bị phát hiện.

Bạn sẽ sống như thế nào?

Bạn sẽ làm gì với lợi thế to lớn và bí mật của bạn, và với sự bất lợi tương ứng của những người khác (lương tâm)?

Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào việc những ham muốn của bạn là gì, bởi vì không phải ai cũng giống ai. Ngay cả những kẻ vô đạo đức sâu sắc cũng không phải đều giống nhau. Một số người – cho dù họ có lương tâm hay không – thích sự thảnh thơi biếng nhác trong khi một số khác đầy ắp những mơ ước và khát vọng cuồng nhiệt. Một số người tài giỏi lỗi lạc, một số ngu đần, và phần lớn, dù có lương tâm hay không, ở vào khoảng giữa. Có những người hung bạo và những người hòa nhã; những cá nhân khát máu và những người không có ham muốn như vậy. […]

Chỉ cần bạn không bị buộc phải dừng lại, bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Nếu bạn sinh ra vào đúng thời điểm, được thừa kế cơ nghiệp gia đình, và bạn đặc biệt có tài khơi dậy lòng hận thù và cảm giác bị tước đoạt ở những người khác, bạn có thể sắp xếp để giết hại một số lớn những người khác mà họ không nghi ngờ gì. Nếu có đủ tiền, bạn có thể thực hiện việc này từ xa, nơi bạn có thể ngả lưng ngồi xem trong an toàn và thỏa mãn. […]

Điên rồ, đáng sợ - và có thật trong khoảng 4 phần trăm dân số…

Tỉ lệ phổ biến của chứng rối loạn chán ăn được ước tính là 3.43 phần trăm, và được coi gần như là bệnh dịch. Thế mà con số này vẫn còn thấp hơn tỉ lệ của chứng rối loạn nhân cách chống xã hội. Tâm thần phân liệt, một chứng rối loạn nhân cách được nhiều người biết đến, chỉ xảy ra ở 1 phần trăm dân số - chỉ bằng một phần tư tỉ lệ nhân cách chống xã hội. Và tỉ lệ ung thư đại tràng ở Mỹ, một tỉ lệ được các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cho là “cao một cách đáng báo động”, là khoảng 40 trên 100.000 - một trăm lần nhỏ hơn tỉ lệ nhân cách chống xã hội.

Tỉ lệ cao của chứng thái nhân cách trong xã hội con người có ảnh hưởng sâu sắc lên phần còn lại của chúng ta, những người cũng phải sống trên hành tinh này, ngay cả những người chưa bị tổn thương lâm sàng. Các cá nhân trong cái 4 phần trăm ấy làm tổn thương các mối quan hệ của chúng ta, vét sạch các tài khoản ngân hàng của chúng ta, làm kiệt quệ lòng tự trọng của chúng ta, lấy đi các thành quả của chúng ta, và ngay cả sự yên ổn của chúng ta trên trái đất.

Vậy mà đáng ngạc nhiên là nhiều người không biết gì về chứng rối loạn này, hoặc nếu có biết, họ chỉ nghĩ về phần bạo lực của chứng thái nhân cách - những kẻ giết người hay giết người hàng loạt - những kẻ vi phạm pháp luật nhiều lần một cách rõ ràng, những kẻ nếu bị bắt sẽ bị bỏ tù, hay thậm chí có thể bị tử hình bởi hệ thống luật pháp của chúng ta.

Chúng ta thường không biết đến và cũng thường không nhận ra con số lớn hơn của những kẻ thái nhân cách không bạo lực, những kẻ thường không vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, những kẻ mà hệ thống pháp luật chính thống của chúng ta hầu như bất lực.

Hầu hết chúng ta không hình dung được sự tương ứng nào giữa việc thai nghén một kế hoạch diệt chủng và việc nói dối với ông chủ về đồng nghiệp mà không chút hối hận. Thế nhưng sự tương ứng về tâm lí không chỉ có ở đó; nó làm ta ớn lạnh. Đơn giản mà sâu sắc, mối liên hệ giữa hai trường hợp là sự thiếu vắng cái cơ chế tình cảm bên trong khiến chúng ta day dứt mỗi khi chúng ta làm việc gì mà chúng ta cho là vô đạo đức, trái với luân lí, vô trách nhiệm hay ích kỉ.

Hầu hết chúng ta cảm thấy có lỗi một chút nếu chúng ta ăn miếng bánh cuối cùng trong bếp, chứ đừng nói đến khi chúng ta tìm cách hại người khác một cách cố tình và có hệ thống.

Những kẻ không có chút lương tâm nào tạo thành một nhóm riêng biệt, dù chúng là những tên bạo chúa giết người hay chỉ là những kẻ nhẫn tâm đâm bị thóc chọc bị gạo trong xã hội.

Sự hiện diện hay vắng mặt của lương tâm là một sự phân chia sâu sắc trong loài người, có thể nói còn quan trọng hơn là trí thông minh, chủng tộc hay thậm chí giới tính.

Cái phân biệt giữa một kẻ thái nhân cách sống ăn bám vào sức lao động của người khác khỏi một kẻ thỉnh thoảng đi cướp các cửa hàng nhỏ hay một tên tướng cướp – cái tạo nên sự khác biệt giữa một thằng du côn bình thường và một tên giết người thái nhân cách - chỉ là địa vị xã hội, động cơ, trí thông minh, sự khát máu, hay đơn giản là cơ hội.

Cái phân biệt tất cả những kẻ này và phần còn lại của chúng ta là cái lỗ trống sâu thẳm trong nhân cách, nơi mà lẽ ra tồn tại cái cao nhất của tính người. [Tiến sĩ Martha Stout, The Sociopath Next Door (Kẻ thái nhân cách ở nhà bên)] (rất nên xem)

________________________________________________________

Với những ai trong số các bạn đang tìm hiểu thêm về chứng thái nhân cách, cuốn The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey Cleckley là tài liệu không thể thiếu được trong nghiên cứu về những kẻ thái nhân cách không phải là tội phạm. Cuốn sách này không còn bán nữa. Chúng tôi đã chụp lại nó và đội ngũ các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã dành ra hai tuần xem xét cẩn thận để loại bỏ các lỗi chuyển đổi văn bản. Bạn có thể tải cả cuốn sách về miễn phí dưới dạng PDF. (Xem thử một chương mẫu từ quyển The Mask of Sanity)

“Dễ mến”, “hấp dẫn”, “thông minh”, “lanh lợi”, “gây ấn tượng”, “tạo sự tin cậy”, và “rất thành công với phụ nữ”: Đó là những cách mô tả được lặp lại nhiều lần bởi Cleckley trong các trường hợp nghiên cứu nổi tiếng của ông về những kẻ thái nhân cách. Dĩ nhiên, bọn chúng cũng “vô trách nhiệm”, “tự hủy hoại bản thân” và những thứ tương tự. Những mô tả này nêu bật sự thất vọng và bối rối to lớn xung quanh các nghiên cứu về chứng thái nhân cách.

Những kẻ thái nhân cách dường như có thừa thãi những đặc tính mà những người bình thường mong ước nhất. Sự tự tin thanh thản của kẻ thái nhân cách có vẻ gần như là một giấc mơ không thể đạt được. Đó cũng thường là điều những người “bình thường” cố gắng đạt được khi họ tham dự các lớp huấn luyện tính mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp, sự hấp dẫn như nam châm của kẻ thái nhân cách với những người khác giới gần như là siêu nhiên.

Một giả thuyết có ảnh hưởng sâu rộng của Cleckley về kẻ thái nhân cách là anh ta mắc một căn bệnh tâm thần thực sự, chính xác hơn là một sự thiếu hụt sâu sắc và không thể chữa được về tình cảm. Nếu anh ta có một chút cảm xúc nào, nó cũng chỉ là thứ tình cảm hời hợt nhất. Anh ta có thể làm những điều kì quái, tự hại mình và hại người bởi vì những hậu quả làm người bình thường cảm thấy ngượng nghịu, hổ thẹn, kinh tởm với bản thân hoàn toàn không ảnh hưởng anh ta chút nào. Cái đối với những người khác là thảm họa thì đối với anh ta chỉ là chuyện phiền phức thoáng qua.

Cleckley cũng cho thấy có cơ sở để nói rằng chứng thái nhân cách khá phổ biến trong cộng đồng. Ông đã thu thập một số trường hợp về những kẻ thái nhân cách hoạt động bình thường trong cộng đồng với tư cách nhà doanh nghiệp, bác sĩ và thậm chí bác sĩ tâm thần. Một số nhà nghiên cứu coi thái nhân cách hình sự - thường được gọi là chứng rối loạn nhân cách chống xã hội – như một dạng cực độ của dải nhân cách “bình thường”.

Nhận định của chúng tôi là những kẻ thái nhân cách hình sự là “những kẻ thái nhân cách không thành công”. Dĩ nhiên, điều này ngụ ý rằng còn tồn tại trong xã hội nhiều kẻ thái nhân cách thành công hơn những kẻ bị hệ thống luật pháp chú ý tới.

Harrington đi xa đến mức nói rằng kẻ thái nhân cách là mẫu người mới tạo ra bởi áp lực tiến hóa của cuộc sống hiện đại. Những nhà nghiên cứu khác chỉ trích cách nhìn này và chỉ ra những khuyết tật có thật của kẻ thái nhân cách lâm sàng phải chịu.

Nghiên cứu về những kẻ thái nhân cách “mức nhẹ” - những kẻ chúng tôi gọi là “loại thái nhân cách trong làng” - hầu như mới bắt đầu. Chúng ta biết rất ít về chứng thái nhân cách dưới hình sự. Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc ý kiến rằng cần phải nghiên cứu chứng thái nhân cách không phải như một loại bệnh lâm sàng mà như một đặc điểm nhân cách nói chung trong cộng đồng. Nói cách khác, thái nhân cách đang dần được xem như một lớp người riêng.

Một khía cạnh rất đáng chú ý của những kẻ thái nhân cách là “cuộc sống bí mật” của chúng có khi không bí mật cho lắm. Có vẻ như những kẻ thái nhân cách có một nhu cầu thỉnh thoảng được “đi nghỉ ngơi trong bẩn thỉu và bệnh hoạn” giống như nhu cầu của những người bình thường được đi nghỉ ở một khu nghỉ mát nơi họ có thể thưởng thức cảnh đẹp và văn hóa. Nhu cầu này là bằng chứng cho thấy có vẻ như việc “đóng kịch con người” là rất căng thẳng với những kẻ thái nhân cách. Để có cảm giác đầy đủ về cái “nhu cầu” kì lạ này của những kẻ thái nhân cách, hãy đọc thêm chương 25 và 26 trong cuốn The Mask of Sanity.

Đồng thời hãy đọc cả những phỏng đoán của Cleckley về vấn đề “cốt lõi” với những người này. Ông đã đi rất gần đến giả thuyết rằng chúng là con người trên mọi khía cạnh - trừ việc chúng không có phần hồn. Sự vắng mặt của “phẩm chất linh hồn” này khiến chúng trở thành những “cỗ máy” rất hiệu quả. Chúng có thể rất thông minh, viết các tác phẩm uyên thâm, bắt chước các từ ngữ biểu lộ tình cảm, nhưng cùng với thời gian, nó bộc lộ ra rằng từ ngữ của chúng không đi đôi với hành động. Chúng là loại người tuyên bố rằng chúng đang chìm đắm trong đau buồn và rồi đi tham gia tiệc tùng để “quên đi.” Vấn đề là ở chỗ: chúng thực sự quên đi.

Là những cỗ máy rất hiệu quả, như một cái máy tính, chúng có thể thực hiện những chương trình rất phức tạp nhằm giành được sự ủng hộ của người khác để có được cái chúng muốn. Bằng cách này, nhiều kẻ thái nhân cách có thể đạt được những địa vị rất cao trong xã hội. Chỉ có sau một thời gian dài, những người cộng tác với chúng mới nhận ra sự thật rằng chúng trèo lên bậc thang danh vọng bằng cách dẫm lên đầu những người khác. Nhưng “ngay cả khi chúng thực sự thờ ơ về lợi ích của các cộng sự, chúng thường vẫn có khả năng gây cảm tình và tin tưởng.”

Kẻ thái nhân cách không thấy chút khuyết tật gì trong nhân cách của chúng cũng như không thấy chút nhu cầu thay đổi nào.

_________________________________________________________

Những kẻ thái nhân cách trong Thời Đại Mới

Trong những ngày này, có một sự bùng nổ thực sự trong con số các tường thuật từ các bạn đọc của chúng tôi về những kinh nghiệm với các cá nhân họ gặp phải trong các lĩnh vực “nghiên cứu không chính thống” cũng như trong các va chạm thông thường trong cuộc sống của họ. Điều gây sốc là con số của những cá nhân ấy suy ra những tường thuật này. Đây không phải chỉ là vài sự việc thỉnh thoảng xảy ra. Nó có vẻ gần như là một đại dịch!

Nhóm nghiên cứu và thảo luận trên mạng của chúng tôi đã bỏ một thời gian nghiên cứu và phân tích các tương tác cùng các đặc điểm và tính cách những nhân vật này. Nghiên cứu của chúng tôi đã khiến chúng tôi nhận dạng chúng là những kẻ thái nhân cách. Chúng cũng có thể là những kẻ ái kỉ vì chứng ái kỉ có vẻ chỉ là một “phương diện” của chứng thái nhân cách hoặc là một dạng biểu hiện “nhẹ hơn.” Bạn có thể nói rằng kẻ ái kỉ là một dạng “thái nhân cách trong làng”, một dạng ít vi phạm luật pháp hơn nhờ vào các “lập trình xã hội” của anh ta. Qua đó, chúng là những “cỗ máy sinh tồn” rất hiệu quả, gây ra những thiệt hại không thể kể xiết cho gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp trong cuộc sống của chúng.

Chỉ khi một người quan sát cẩn thận một kẻ thái nhân cách toàn diện - một dạng ái kỉ đã cường điệu hóa - họ mới có thể nhận ra những đặc điểm cường điệu hóa ấy và qua đó giúp họ nhận diện dễ dàng hơn những kẻ thái nhân cách “trong làng” – hay kẻ ái kỉ.

Thế giới của chúng ta dường như bị xâm chiếm bởi những cá nhân với những cách tiếp cận cuộc sống và tình yêu khác quá xa với những gì lâu nay vẫn được coi là chuẩn mực thông thường. Điều này khiến chúng ta không được chuẩn bị để đối phó với thủ đoạn mà Robert Canup gọi là “sự dối trá hợp lí” của chúng. Như ông ta cho thấy, những lí luận “dối trá hợp lí” này đã chiếm hữu lĩnh vực pháp lí và hành chính của thế giới chúng ta và biến chúng thành những cỗ máy mà trong đó con người với cảm xúc thực sự bị hủy diệt.

Bộ phim gần đây, Ma trận, đã chạm một cung bậc sâu sắc trong xã hội vì nó minh họa cái bẫy máy móc mà cuộc sống của bao người bị mắc vào, cái bẫy mà họ không thể nào thoát ra được vì họ tin rằng mọi người quanh họ, những ai “trông giống người”, đều thực sự giống họ - về tình cảm, tinh thần và các phương diện khác.

Lấy ví dụ khái niệm “lí luận pháp lý” như Robert Canup giải thích trong nghiên cứu của ông ta về “kẻ thái nhân cách lão luyện xã hội”. Khái niệm lí luận pháp lý có vẻ như là một trong những nền tảng của xã hội chúng ta. Nó chẳng qua là nghệ thuật lừa bịp: kẻ nào khéo léo nhất trong việc sử dụng cơ cấu luật pháp để thuyết phục một nhóm người về một điều gì đó, là kẻ được tin. Vì cái hệ thống “lí luận pháp lý” này đã được thiết lập từng bước một như một phần của nền văn hóa chúng ta, khi nó xâm nhập cuộc sống cá nhân của chúng ta, chúng ta thường không nhận ra nó ngay lập tức.

Con người đã quen cho rằng những người khác – ít nhất - đều cố gắng “làm đúng”, “sống tốt”, công bằng và trung thực. Vì vậy, rất thường xuyên chúng ta không bỏ thời gian thẩm định xem người vừa bước vào cuộc sống của chúng ta có phải thực sự là “người tốt” hay không. Và khi một xung đột nảy sinh, chúng ta tự động rơi vào giả định rằng trong bất cứ xung đột nào, bên này đúng một phần theo một cách, bên kia đúng một phần theo cách khác, và chúng ta có thể đánh giá bên nào hầu hết là đúng hay sai. Vì chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các “lí luận pháp lý”, khi bất cứ tranh chấp nào phát sinh, chúng ta tự động nghĩ rằng sự thật sẽ nằm đâu đó giữa hai thái cực. Trong trường hợp này, áp dụng một chút logic toán học vào vấn đề lí luận pháp lý có thể sẽ có ích.

Giả sử rằng trong một tranh chấp, một bên là vô tội, trung thực và nói sự thật. Rõ ràng là nói dối không giúp ích gì cho một người vô tội cả; anh ta có thể nói dối được gì? Nếu anh ta vô tội, lời nói dối duy nhất anh ta có thể nói là thú nhận sai rằng “Tôi đã làm điều đó”. Ngược lại, nói dối chỉ có tốt với kẻ phạm tội dối trá. Hắn ta có thể tuyên bố “Tôi không làm điều đó”, và buộc tội người khác làm điều đó, trong khi đó người vô tội mà hắn ta cáo buộc chỉ có thể nói sự thật “Tôi không làm”.

Sự thật – khi bị bóp méo bởi một kẻ nói dối thành thạo, luôn có thể làm một người vô tội xấu đi trong mắt người khác - nhất là khi người vô tội ấy trung thực và thừa nhận những sai lầm của anh ta.

Giả định cơ bản rằng sự thật nằm giữa lời khai của hai bên luôn dịch chuyển lợi thế về phía bên nói dối và xa khỏi bên nói thật. Trong phần lớn các trường hợp, sự dịch chuyển này kết hợp với việc sự thật bị bóp méo theo một cách nào đó để gây phương hại cho người vô tội dẫn đến kết quả là lợi thế luôn nằm trong tay những kẻ dối trá - những kẻ thái nhân cách. Ngay một hành động đơn giản là đưa ra lời khai sau khi tuyên thệ cũng là vô dụng. Nếu một người là kẻ nói dối, tuyên thệ chẳng có nghĩa gì với hắn ta. Ngược lại, việc tuyên thệ ảnh hưởng mạnh mẽ lên một nhân chứng nghiêm túc, trung thực. Một lần nữa, lợi thế nằm bên phía kẻ nói dối.

Điều này cũng làm nổi bật một điểm đặc biệt về kẻ thái nhân cách: chúng có vẻ như không có khả năng nhận thức khái niệm trừu tượng “tương lai”.


Một điều thường được lưu ý là những kẻ thái nhân cách có một lợi thế rõ ràng so với những người có lương tâm và cảm xúc vì kẻ thái nhân cách không có lương tâm và cảm xúc. Có vẻ như nguyên nhân là vì lương tâm và cảm xúc liên quan đến khái niệm trừu tượng về “tương lai” và “những người khác”. Nó thuộc về “không thời gian”. Chúng ta có thể cảm thấy nỗi sợ hãi, sự cảm thông, đồng cảm, nỗi buồn và những cảm xúc khác vì chúng ta có thể tưởng tượng một cách trừu tượng về tương lai dựa trên kinh nghiệm chúng ta có trong quá khứ, hoặc thậm chí chỉ là những “khái niệm trừu tượng hóa từ kinh nghiệm” trong vô số các biến thể của nó. Chúng ta có thể “dự đoán” những người khác sẽ phản ứng thế nào vì chúng ta có thể “nhìn thấy chính mình” trong họ ngay cả khi họ ở “ngoài kia” và tình huống có chút khác biệt bên ngoài, mặc dù diễn biến tương tự. Nói một cách khác, chúng ta có thể đặt mình vào địa vị người khác không chỉ về không gian mà cả về thời gian.

Kẻ thái nhân cách dường như không có khả năng này.

Chúng không có khả năng “tưởng tượng” theo cái nghĩa có thể thực sự kết nối bằng hình ảnh trực tiếp “từ bản thân nối đến đến bản thân một người khác”.

Ôi chao, quả thực là chúng có thể bắt chước cảm xúc, nhưng cảm xúc thực sự duy nhất mà chúng có – điều khiến chúng nỗ lực diễn các màn kịch khác nhau để đạt hiệu quả - là một loại “thèm khát dã thú” đối với những cái chúng muốn. Nói một cách khác, chúng “cảm nhận” nhu cầu, mong muốn như là tình yêu, và việc không được thỏa mãn nhu cầu, mong muốn được chúng mô tả là “không được yêu”. Hơn thế nữa, cái quan điểm dựa trên “nhu cầu, mong muốn” này mặc định rằng chỉ có sự “thèm khát” của kẻ thái nhân cách là hợp lệ, và tất cả mọi thứ khác “ngoài kia”, những thứ ở ngoài kẻ thái nhân cách, là không có thật ngoại trừ những thứ có thể được hấp thụ bởi kẻ thái nhân cách như một loại “thức ăn”. “Cái ấy có thể dùng được không hay cái ấy có thể cung cấp cái gì đó được không?” là vấn đề duy nhất kẻ thái nhân cách có vẻ quan tâm đến. Mọi thứ khác - mọi hoạt động khác - đều là thứ yếu so với nhu cầu này.

Nói tóm lại, kẻ thái nhân cách – và kẻ ái kỉ ở mức độ thấp hơn – là một con dã thú. Nếu chúng ta nghĩ về những tương tác của dã thú với các con mồi của chúng trong thế giới động vật, chúng ta có thể có chút ý niệm về những gì ở sau cái “mặt nạ của sự bình thường” của kẻ thái nhân cách. Như một con dã thú dùng mọi biện pháp lén lút để bám theo con mồi, chia cắt nó ra khỏi đàn, tiếp cận con mồi và làm giảm sức chống cự của nó, kẻ thái nhân cách cũng tạo ra đủ loại ngụy trang bằng từ ngữ và vẻ bề ngoài - dối trá và thủ đoạn - để “hấp thụ” con mồi của chúng.

Điều này dẫn chúng ta tới một câu hỏi quan trọng: Kẻ thái nhân cách thực sự nhận được gì từ các nạn nhân của chúng? Dễ nhận thấy cái chúng đang theo đuổi khi chúng lừa dối và thực hiện thủ đoạn để đạt được tiền bạc, vật chất hay quyền lực. Nhưng trong nhiều trường hợp, như là quan hệ yêu đương hay bạn bè giả tạo, không dễ dàng để thấy cái kẻ thái nhân cách theo đuổi. Không đi quá xa với những suy đoán về tâm linh - một vấn đề Cleckley cũng gặp phải – chúng ta chỉ có thể nói rằng có vẻ như kẻ thái nhân cách thích thú khi làm người khác đau khổ. Cũng như những người bình thường thích thú khi thấy người khác hạnh phúc, hay làm những điều khiến người khác mỉm cười, kẻ thái nhân cách thích thú điều hoàn toàn ngược lại.

Bất cứ ai từng quan sát một con mèo đùa giỡn với một con chuột trước khi giết và ăn thịt nó có lẽ tự giải thích rằng con mèo chỉ “giải trí” với những trò hề của con chuột. Nó không hình dung được sự khiếp đảm và đau đớn mà con chuột trải qua, và do vậy, con mèo là vô tội khỏi mọi ác niệm. Con chuột chết, con mèo được ăn, đấy chỉ là tự nhiên. Những kẻ thái nhân cách thường không ăn thịt các nạn nhân của chúng.

Vâng, trong những trường hợp cực độ, toàn bộ diễn biến giữa mèo và chuột được thực thi và tục ăn thịt người có một lịch sử lâu dài trong đó nó được cho rằng một số năng lực nhất định của nạn nhân có thể được hấp thụ qua việc ăn thịt một số bộ phận nhất định của họ. Nhưng trong cuộc sống bình thường, có thể nói những kẻ thái nhân cách và ái kỉ không đi đến cùng. Điều này khiến chúng ta nhìn lại tình huống mèo vào chuột bằng con mắt khác. Giờ chúng ta hỏi: có phải quá đơn giản hóa khi nghĩ rằng con mèo vô tội chỉ giải trí với con chuột chạy qua chạy lại, cố gắng điên cuồng để thoát thân? Có cái gì khác trong tình huống này hơn là thấy ở bề ngoài không? Có điều gì khác hơn ngoài việc được “giải trí” bởi những trò hề của con chuột cố gắng chạy trốn? Nói cho cùng, về mặt tiến hóa mà nói, tại sao hành vi đó được gắn cứng vào con mèo? Có phải con chuột trở nên ngon hơn vì những hóa chất tiết ra từ sự sợ hãi tràn ngập cơ thể bé nhỏ của nó? Có phải một con chuột cứng đờ vì sợ hãi là một món “thịnh soạn” hơn?

Điều này gợi ý rằng chúng ta nên xem xét lại các ý tưởng của chúng ta về những kẻ thái nhân cách từ một góc nhìn khác. Có một điều chúng ta biết chắc chắn: nhiều người sau khi tương tác với những kẻ thái nhân cách hay ái kỉ thuật lại cảm giác “cạn kiệt”, mụ mẫm và sau đó thường bị sức khỏe suy sụp. Có phải điều này nghĩa là một phần của diễn biến, một phần lí do tại sao những kẻ thái nhân cách theo đuổi “tình yêu” và “tình bạn” mà bề ngoài không mang lại chút lợi ích vật chất nào, là vì có một sự hấp thu năng lượng?

Chúng tôi không biết lời giải đáp cho câu hỏi này. Chúng tôi quan sát, xây dựng lí thuyết, suy đoán và đưa ra giả thuyết. Nhưng cuối cùng, chỉ có các nạn nhân mới có thể xác định cái họ đã mất trong những gì xảy ra – và những mất mát đó thường là nhiều hơn nhiều những mất mát vật chất. Về một mặt nào đó, có vẻ như những kẻ thái nhân cách là những kẻ ăn linh hồn.

Lương tâm dường như phụ thuộc vào khả năng tưởng tượng ra hậu quả. Nhưng hầu hết “hậu quả” liên hệ đến cái đau theo một cách nào đó, và những kẻ thái nhân cách thực sự không hiểu cái đau trên phương diện tình cảm. Chúng hiểu sự thất vọng khi không đạt được cái chúng muốn, và đối với chúng, đó là cái đau. Nhưng dường như chúng chỉ hành động đơn thuần dựa trên đánh giá theo Lý Thuyết Trò Chơi: chúng sẽ nhận được gì, và phải chi phí những gì? Và những “chi phí” này không liên quan gì đến khả năng có thể bị nhục nhã, gây đau đớn cho người khác, phá hoại tương lai, hay nhiều khả năng khác mà những người bình thường xem xét khi đi đến một lựa chọn. Nói một cách ngắn gọn, người bình thường gần như không thể tưởng tượng nổi cuộc sống nội tâm của kẻ thái nhân cách.

Điều này dẫn chúng ta đến một khả năng thực sự xuất sắc của những kẻ thái nhân cách: khả năng tập trung hoàn toàn vào một cái gì đó đang hấp dẫn chúng mãnh liệt. Một số bác sĩ đã so sánh nó với khả năng tập trung của một con thú săn mồi đang bám theo con mồi của nó. Khả năng này có ích nếu một người sống trong một môi trường với rất ít biến số. Tuy nhiên phần lớn tình huống thực tế đòi hỏi chúng ta phải để ý đến một số thứ cùng một lúc. Những kẻ thái nhân cách thường tập trung cao độ vào việc đạt được cái chúng muốn đến mức chúng không nhận ra các tín hiệu nguy hiểm.
Ví dụ, một số kẻ thái nhân cách đạt được danh tiếng là những phi công chiến đấu không biết sợ trong Thế Chiến II. Họ bám mục tiêu như một con chó cắn dính vào chân người. Tuy nhiên, những phi công này thường không theo dõi những chi tiết ít hấp dẫn như kim chỉ nhiên liệu, độ cao, vị trí của họ và của các máy bay khác. Đôi lúc họ trở thành anh hùng, nhưng thường xuyên hơn là họ bị giết hoặc được biết đến như những kẻ cơ hội, đánh lẻ, những kẻ không thể tin cậy được vào việc gì, ngoại trừ chăm sóc cho bản thân họ. [Hare]
Cần nhấn mạnh rằng những kẻ thái nhân cách có bề ngoài thu hút như bất cứ ai - thậm chí gây kích thích! Chúng tỏa ra một năng lượng hấp dẫn làm người nghe phải nhổm người lên trên ghế. Ngay cả khi một phần của người bình thường bị sốc hay khó chịu vì những gì kẻ thái nhân cách nói, họ như con chuột bị thôi miên bởi con mèo đang tra tấn nó. Ngay cả khi họ có cơ hội chạy đi, họ không làm thế. Nhiều kẻ thái nhân cách “kiếm sống” bằng cách sử dụng biệt tài hấp dẫn, lừa dối và thủ đoạn để đạt được lòng tin cậy của các nạn nhân của chúng. Nhiều kẻ trong số bọn chúng có mặt trong những nghề lao động trí óc nơi chúng được hỗ trợ trong những điều ác của chúng bởi thực tế là phần lớn mọi người cho rằng những người trong một số đẳng cấp nhất định đáng tin cậy hơn nhờ vào bằng cấp hay địa vị xã hội của họ. Luật sư, bác sĩ, giáo viên, chính trị gia, bác sĩ tâm lý thường không phải mất công để có được lòng tin tưởng của chúng ta vì bản thân vị trí của họ đã cho họ điều đó. Nhưng sự thật là: những kẻ thái nhân cách cũng có mặt trong những vị trí cao quí ấy!

Đồng thời, những kẻ thái nhân cách là những kẻ mạo danh thiện nghệ. Chúng hoàn toàn không do dự về việc giả mạo các bằng cấp và chứng nhận đầy ấn tượng để có được những vị trí mang lại uy tín và quyền lực. Chúng lựa chọn những ngành nghề trong đó các kĩ năng cần thiết dễ giả mạo, các thuật ngữ dễ học và các bằng cấp ít khi bị kiểm tra kĩ càng. Những kẻ thái nhân cách rất dễ dàng giả mạo cố vấn tài chính, mục sư, bác sĩ tâm lý. Và đó là một ý nghĩ đáng sợ.

Những kẻ thái nhân cách thăng tiến bằng cách lừa gạt mọi người làm việc cho chúng: kiếm cho chúng tiền, danh vọng, quyền lực, hoặc thậm chí đứng lên bảo vệ chúng khi người khác tìm cách vạch mặt chúng. Nhưng đó là ngón nghề của bọn chúng. Đấy là điều chúng làm hàng ngày, và chúng làm rất giỏi. Hơn nữa, công việc ấy rất dễ dàng vì mọi người thường là cả tin với một niềm tin không gì lay chuyển được về bản chất tốt đẹp vốn có của con người.

Thủ đoạn là chìa khóa cho các cuộc chinh phục của kẻ thái nhân cách. Ban đầu, kẻ thái nhân cách sẽ diễn các cảm xúc lâm ly giả tạo để tạo ra sự đồng cảm, và nhiều trong số chúng nghiên cứu các thủ thuật để sử dụng cho các màn diễn này. Những kẻ thái nhân cách thường có khả năng khơi dậy lòng thương hại từ người khác vì chúng trông có vẻ như những “linh hồn lạc lối” như Guggenbuhl-Craig từng viết. Vì vậy, yếu tố thương hại là một lí do tại sao các nạn nhân thường bị mắc bẫy những con người “tội nghiệp” này.

Nhà tâm lý học Robert Hare trích dẫn một trường hợp nổi tiếng trong đó một kẻ thái nhân cách được bầu là “Công dân kiểu mẫu trong năm” và là chủ tịch Phòng thương mại ở thị trấn nhỏ của hắn ta. (Nhớ là John Wayne Gacy đang vận động tranh cử chức chủ tịch Thanh thương hội quốc tế ngay khi hắn bị kết án giết người lần thứ nhất!) Nhân vật của chúng ta tự nhận là có một bằng tiến sĩ từ trường đại học Berkeley. Hắn tranh cử một vị trí trong hội phụ huynh trường với kế hoạch lấy đó làm bàn đạp để tiến lên vị trí trong hội đồng nhân dân được trả lương cao hơn.

Có một lúc, một phóng viên địa phương đột nhiên có ý tưởng kiểm tra nhân vật này – xem các bằng cấp của hắn ta có thật không. Người phóng viên phát hiện ra rằng chi tiết có thật duy nhất trong tiểu sử giả mạo của nhà chính trị gia đầy triển vọng này là nơi sinh và ngày sinh.Mọi thứ khác đều là hư cấu. Người này không chỉ là một kẻ mạo danh hoàn toàn, hắn ta còn có một lịch sử dài với các hành vi chống xã hội, gian lận, mạo danh và án tù. Liên hệ duy nhất của hắn với một trường đại học là một loạt khóa học mở rộng từ xa mà hắn tham gia trong khi ở trong nhà tù liên bang Leavenworth. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là hắn lừa đảo từ khi còn bé. Trong suốt hai thập kỉ, hắn lẩn trốn khắp nước Mỹ, luôn đi trước những người bị hắn bịp bợm một bước. Trong thời gian đó, hắn lấy ba người vợ, có bốn đứa con và hắn thậm chí không biết chúng ra sao. Và bây giờ đang lúc hắn gặp vận may! Tiên nhân cái thằng phóng viên mũi dài!

Khi hắn bị vạch mặt, hắn hoàn toàn không lo lắng gì. “Những người dễ tin này sẽ đứng lên bảo vệ ta. Một kẻ lừa bịp lành nghề là một người xét đoán con người lành nghề”, hắn nói. Đáng kinh ngạc là hắn đã đúng. Thay vì căm giận vì tất cả bọn họ đã bị nói dối và lừa gạt hoàn toàn từ đầu đến cuối, cộng đồng địa phương mà hắn lừa đảo để giành lấy lợi ích và danh vọng hắn không đáng được hưởng đã đổ xô ra để ủng hộ hắn!

Tôi không đùa chút nào! Và đó không phải chỉ là “ủng hộ lấy lệ”. Chủ tịch đảng Cộng hòa ở địa phương viết về hắn: “Tôi đánh giá tính trung thực, liêm chính, và sự tận tụy với công việc của ông ta ngang bằng với tổng thống Abraham Lincoln”. Như Hare ghi chú lại một cách khô khan, thằng ngốc này dễ bị ảnh hưởng bởi ngôn từ mà không nhìn thấy hành động.

Yếu điểm tâm lý nào khiến người ta thích lời dối trá hơn sự thật?

Điều này có thể liên quan đến cái gọi là mâu thuẫn nhận thức. Leon Festinger phát triển lí thuyết về mâu thuẫn nhận thức trong thập kỉ 50 khi ông gặp một giáo phái UFO ở vùng miền Tây. Họ đang tiên đoán rằng sắp có một thảm họa toàn cầu và “người ngoài hành tinh giáng thế”. Khi không có ai giáng thế và cũng không có thảm họa nào, ông nghiên cứu phản ứng của các tín đồ và ghi lại chi tiết trong cuốn sách When Prophecy Fails (Khi tiên tri sai lầm). Festinger quan sát:
Một người với một niềm tin là một người khó thay đổi. Nói với anh ta rằng bạn không đồng ý thì anh ta quay đi chỗ khác. Cho anh ta thấy thực tế hay các con số thì anh ta nghi ngờ nguồn gốc của chúng. Kêu gọi đến lí lẽ thì anh ta không nhìn ra lập luận của bạn.

Chúng ta đều từng trải qua kinh nghiệm cố gắng vô ích để thay đổi niềm tin mãnh liệt ở ai đó, đặc biệt là nếu người đó có đầu tư vào niềm tin đó. Chúng tôi đã quen thuộc với các luận điểm tài tình và muôn màu muôn vẻ mọi người nghĩ ra để bảo vệ niềm tin của họ, giữ chúng nguyên vẹn bất chấp những cuộc tấn công mãnh liệt nhất.

Nhưng tài xoay xở của con người không chỉ dừng lại ở chỗ bảo vệ một niềm tin. Giả sử một cá nhân tin một điều gì đó với tất cả trái tim; giả sử thêm rằng anh ta đã cam kết với niềm tin ấy, rằng anh ta đã thực hiện những hành động không thể lấy lại được vì nó; cuối cùng, giả sử rằng anh ta được cho thấy bằng chứng rõ ràng và không thể phủ nhận rằng niềm tin của anh ta là sai lầm: điều gì sẽ xảy ra? Thường xuyên cá nhân đó sẽ xuất hiện, không những không lay chuyển, mà còn tin tưởng về chân lí trong niềm tin của mình hơn bao giờ hết. Thật vậy, anh ta có thể còn hăng hái hơn nữa trong việc thuyết phục và thay đổi người khác tin vào niềm tin của anh ta.
Có vẻ một phần vấn đề liên quan đến cái tôi và nhu cầu được “đúng”. Những người có nhu cầu cao để được “đúng” hay “hoàn hảo” có vẻ như không có khả năng chấp nhận rằng họ đã bị lừa bịp. “Với những người Mỹ hay hoài nghi, không có tội lỗi nào đáng nhục nhã hơn là trở thành một thằng khờ cả tin”. Người ta sẽ đi theo và ủng hộ một kẻ thái nhân cách, bất chấp bằng chứng rằng họ đã và đang bị lừa, vì sự toàn vẹn của cái tôi của họ phụ thuộc vào việc được đúng, và phải thừa nhận họ đã phán xét sai lầm sẽ phá hủy cái hình ảnh được xây dựng cẩn thận của chính họ.

Đáng kinh ngạc hơn nữa là việc khi những kẻ thái nhân cách bị vạch mặt bởi những người không sợ thừa nhận rằng họ đã bị lừa, chúng rất thành thạo trong việc tô vẽ các nạn nhân của chúng thành những “thủ phạm thực sự”. Hare trích dẫn một trường hợp về một người vợ thứ ba của một tay giáo viên trung học bốn mươi tuổi:
“Trong năm năm trời ông ta lừa dối tôi, khiến tôi sống trong sợ hãi và ghi séc giả trên tài khoản của tôi. Nhưng tất cả mọi người, kể cả bác sĩ, luật sư và bạn bè tôi, đều đổ lỗi cho tôi về những gì xảy ra. Ông ta khiến họ tin tưởng rằng ông ta là một người tuyệt vời và rằng tôi đang hóa điên giỏi đến mức chính tôi cũng bắt đầu tin vào điều đó. Ngay cả khi ông ta vét sạch tài khoản của tôi và bỏ đi với một đứa học sinh mười bảy tuổi, rất nhiều người vẫn không thể tin vào điều đó, và một số muốn biết tôi đã làm gì để khiến ông ta hành động lạ lùng như vậy!”

Những kẻ thái nhân cách có đủ mọi thứ để lừa gạt người khác: chúng có thể nói liến thoắng, chúng có sức hấp dẫn, chúng có thể tự tin và thoải mái trong các tình huống xã hội; chúng bình tĩnh trước áp lực, không bối rối trước khả năng bị phát hiện ra, và cực kì nhẫn tâm. Và ngay cả khi chúng bị vạch mặt, chúng có thể tiếp tục như là không có chuyện gì xảy ra. Điều này thường biến ngược những người buộc tội bọn chúng thành mục tiêu bị buộc tội.

Tôi đã một lần chết lặng với lí lẽ của một tù nhân nói rằng nạn nhân bị hắn giết đã được hưởng lợi từ tội ác đó vì đã học được “một bài học nhớ đời về cuộc sống”. [Hare]
Các nạn nhân thường tự hỏi: “Làm sao tôi có thể ngu ngốc như vậy? Làm sao tôi có thể mắc lừa bởi các trò vô lí không tưởng tượng nổi ấy?” Và nếu họ không tự hỏi, bạn có thể chắc chắn rằng bạn bè và cộng sự của họ sẽ hỏi “Làm thế quái nào anh/chị lại bị lừa đến mức như thế?”

Câu trả lời thông thường: “Bạn phải ở đấy mới biết được” không truyền tải được tất cả. Hare viết:
Điều khiến những kẻ thái nhân cách khác với mọi người là khả năng nói dối dễ dàng một cách khác thường, sự toàn diện của những lời nói dối đó và sự nhẫn tâm của chúng.

Nhưng còn một điều khác khó hiểu không kém về cách nói của những kẻ thái nhân cách: việc chúng thường phát biểu những câu mâu thuẫn hay không phù hợp về logic mà không bị phát hiện ra. Nghiên cứu gần đây về ngôn ngữ của những kẻ thái nhân cách cung cấp cho chúng ta một số đầu mối quan trọng về câu đố này cũng như khả năng tung hứng các từ ngữ - và cả người nghe - dễ dàng một cách khác thường của chúng. […]
Đây là vài ví dụ:
Khi được hỏi hắn đã bao giờ thực hiện một tội ác bạo lực hay chưa, người đàn ông đang ở tù vì trộm cắp trả lời: “Chưa, nhưng có một lần tôi đã phải giết một người”.

Một người phụ nữ với một kỉ lục đáng kinh ngạc về gian lận, lừa đảo, dối trá và hứa hẹn suông đã kết luận trong một lá thư gửi ban xem xét ân xá: “Tôi đã làm rất nhiều người thất vọng… Một người chỉ có danh tiếng và tên tuổi là quan trọng. Lời nói của tôi tốt như vàng.”

Một người đàn ông đang ở tù vì cướp có vũ trang trả lời về lời khai của một nhân chứng: “Thằng ấy nói dối. Tôi không ở đó. Lẽ ra tôi nên bắn vỡ cái sọ chó chết của nó ra.”
Trích từ buổi phỏng vấn kẻ giết người hàng loạt Elmer Wayne Henley:
Người phỏng vấn: “Anh làm như anh là nạn nhân của một kẻ giết người hàng loạt, nhưng nếu anh nhìn vào hồ sơ thì sẽ thấy chính anh là kẻ giết người hàng loạt.”
Henley: “Tôi không phải.”
PV: “Anh không phải là kẻ giết người hàng loạt?”
H: “Tôi không phải là kẻ giết người hàng loạt.”
PV: “Bây giờ anh nói rằng anh không phải là kẻ giết người hàng loạt, nhưng anh đã giết người hàng loạt.”
H: “À vâng, đấy chỉ là ngữ nghĩa.”

Vân vân… Điểm mà các nhà nghiên cứu ghi nhận là những kẻ thái nhân cách dường như gặp khó khăn giám sát lời nói của chính chúng. Hơn thế nữa, chúng thường ghép các thứ với nhau theo những cách kì quặc, như là loạt nhận xét này của kẻ giết người hàng loạt Clifford Olson: “Và rồi tôi làm tình hàng năm với cô ta.” “Một lần một năm?” “Không. Hàng năm. Từ phía sau.” “Ồ, nhưng cô ta chết rồi!” “Không, không, Cô ta chỉ vô lương tâm.” Về những kinh nghiệm của hắn, Olson nói: “Tôi có đủ thuốc giải độc để viết đầy năm hay sáu cuốn sách - đủ một bộ ba.” Hắn quyết tâm không trở thành một “con dê chạy trốn” dù cho “sự kiện di cư” có thế nào chăng nữa. 1 [Hare, Without Conscience (Không có lương tâm)]
Những người từng có kinh nghiệm với những kẻ thái nhân cách trong số chúng ta biết rằng ngôn ngữ của kẻ thái nhân cách là hai chiều. Như ai đó đã từng nói, chúng “sâu sắc như cơi đựng trầu”. Kẻ thái nhân cách được so sánh như một người mù màu đã học cách sinh hoạt trong thế giới đầy màu sắc bằng các sách lược đặc biệt. Họ có thể nói với bạn rằng họ “dừng ở đèn đỏ”, nhưng với họ nó thực sự có nghĩa là họ biết cái đèn ở trên cùng nghĩa là “dừng lại”, và họ dừng lại. Họ gọi nó là đèn “đỏ” như mọi người khác, nhưng họ không có chút kinh nghiệm “đỏ” thực sự nghĩa là gì.

Người ngoài hầu như không thể phân biệt được một người mù màu đã phát triển những cơ chế đối phó như vậy với những người nhìn thấy màu sắc.

Những kẻ thái nhân cách sử dụng các từ ngữ về tình cảm giống như cách những người mù màu sử dụng các từ ngữ về màu sắc mà họ không nhận biết được. Những kẻ thái nhân cách không chỉ học cách dùng các từ ngữ một cách tương đối phù hợp, chúng còn học cách diễn tả cảm xúc không dùng lời. Nhưng chúng không bao giờ cảm xúc ấy.

Đặc tính này của tâm trí kẻ thái nhân cách đã được kiểm chứng rộng rãi trong các bài trắc nghiệm liên tưởng từ mà đối tượng nghiên cứu được nối với máy điện não đồ. Thông thường các từ có nội dung gợi cảm xúc gây ra phản ứng ở não lớn hơn các từ trung tính. Đây có vẻ là sự phản ánh về lượng thông tin lớn hơn chứa trong những từ đó. Với phần lớn chúng ta, từ ung thư ngay lập tức có thể mang đến tâm trí không chỉ các mô tả về căn bệnh mà còn cả sự sợ hãi, đau đớn, lo lắng hay bất cứ điều gì tùy theo kinh nghiệm của chúng ta với ung thư - việc chúng ta hay một người thân nào của chúng ta bị mắc nó, hay việc nó có một số tác động đến cuộc sống của chúng ta, v.v… Điều này cũng đúng với nhiều từ khác trong kho từ vựng của chúng ta. Và trừ phi chúng ta có một kinh nghiệm đau buồn với nó, một từ như cái hộp hay tờ giấy là trung tính.

Những kẻ thái nhân cách phản ứng với tất cả các từ gợi cảm xúc như các từ trung tính. Bọn chúng như là vĩnh viễn bị trừng phạt phải hoạt động với một Từ Điển Vị Thành Niên.2 Hare viết:
Trước đây tôi đã thảo luận về vai trò của “tiếng nói nội tâm” trong sự phát triển và hoạt động của lương tâm. Chính các suy nghĩ, hình ảnh và đối thoại nội tâm chứa đầy cảm xúc tạo ra sự “châm chích” của lương tâm, giải thích khả năng kiểm soát hành vi mạnh mẽ của nó và sản sinh cảm giác tội lỗi và hối hận cho các vi phạm. Đây là một điều những kẻ thái nhân cách không thể hiểu được. Đối với chúng, lương tâm chẳng qua chỉ là nhận thức trí óc về các luật lệ là những người khác dựng lên - những từ rỗng không. Những cảm xúc cần thiết để tạo ra uy lực cho những luật lệ này bị thiếu.
Hơn thế nữa, cũng như một cá nhân mù màu có thể không bao giờ biết anh ta bị mù màu trừ phi anh ta làm một thử nghiệm để xác định nó, kẻ thái nhân cách không có khả năng thậm chí nhận thức sự nghèo nàn về tinh thần của mình. Chúng cho rằng nhận thức của chúng cũng giống như mọi người khác. Chúng cho rằng sự thiếu vắng cảm xúc của chúng cũng giống như mọi người khác. Và đừng có mắc sai lầm: bạn không thể làm tổn thương đến cảm xúc của chúng vì chúng không có chút nào! Chúng sẽ giả vờ có cảm xúc nếu điều đó hợp với mục đích của chúng hay giúp chúng đạt được cái chúng muốn. Chúng sẽ diễn đạt bằng lời sự hối hận, nhưng hành động của chúng sẽ mâu thuẫn với từ ngữ của chúng. Chúng biết rằng “hối hận” là quan trọng, và “xin lỗi” là có ích, và chúng sẽ cho ra thoải mái, mặc dù thường là dùng những từ có ý đổ lỗi cho nạn nhân vì đã khiến chúng phải xin lỗi.

Đây là lí do tại sao chúng rất giỏi sử dụng Lý Thuyết Trò Chơi. Và trừ khi chúng ta tìm hiểu các qui tắc suy nghĩ của chúng, chúng sẽ tiếp tục sử dụng nó lên chúng ta với những kết quả tai hại. Những người bình thường đau đớn khi bị đối xử độc ác và tàn nhẫn. Những kẻ thái nhân cách chỉ giả bộ đau đớn vì đối với chúng, đau có nghĩa là không đạt được cái chúng đang muốn và cố đạt được qua các thủ đoạn!

Trong cuốn sách Violent Attachments (Sự Gắn Bó Bạo Lực), cả phụ nữ và nam giới đều ghi nhận cái nhìn chằm chằm của kẻ thái nhân cách. Đó là một cái nhìn dữ dội, không chớp mắt như muốn tiêu diệt nạn nhân hay mục tiêu của nó. Đặc biệt phụ nữ tường thuật lại cái nhìn này như cái nhìn thôi miên con mồi của loài bò sát. Nó như là kẻ thái nhân cách đang tập trung tất cả sức mạnh về phía bạn thông qua đôi mắt của hắn, một cảm giác mà một phụ nữ thuật lại như là đang “bị ăn thịt”. Chúng có xu hướng xâm phạm khoảng không gian của người khác bằng những xâm nhập bất ngờ hay bằng cái nhìn chằm chằm đáng sợ (thứ mà một số phụ nữ nhầm lẫn với tính dục).

Một nghiên cứu rất thú vị khác là về cách những kẻ thái nhân cách vung tay khi chúng nói. Sự di chuyển của tay có thể cho các nhà nghiên cứu biết nhiều về cái gọi là “các đơn vị suy nghĩ”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các suy nghĩ và ý tưởng của những kẻ thái nhân cách được sắp xếp thành những gói nhỏ một. Điều này thuận tiện cho việc nói dối, nhưng nó khiến cho việc giải quyết một tổng thể suy nghĩ phức tạp, sâu sắc và gắn kết mạch lạc gần như không thể thực hiện được.

Hầu hết mọi người đều có thể kết hợp các ý tưởng và có những chủ đề suy nghĩ nhất quán, nhưng những kẻ thái nhân cách gặp khó khăn lớn khi làm điều này. Một lần nữa, điều này gợi cho chúng ta nghĩ đến một hạn chế di truyền về cái chúng tôi gọi là Từ Điển Vị Thành Niên. Không những chúng sử dụng những định nghĩa cực kì hạn hẹp, cách hoạt động của não bộ của chúng khiến chúng không thể làm khác được. Gần như tất cả các nghiên cứu về những kẻ thái nhân cách cho thấy một thế giới nội tâm vô vị, non nớt, không có màu sắc và những chi tiết thường thấy trong thế giới nội tâm của những người bình thường. Điều này giúp ích nhiều trong việc giải thích tính không nhất quán và mâu thuẫn trong lời nói của chúng.
Tình trạng này cũng tương tự như một bộ phim trong đó một cảnh được quay lúc trời nhiều mây và cảnh tiếp theo - được coi là diễn ra chỉ vài phút sau đó - được quay lúc trời nắng rực rỡ. […] Một số người coi phim - những nạn nhân của kẻ thái nhân cách – có thể không nhận thấy sự không nhất quán đó, nhất là khi họ đang mê mải trong các tình tiết.
Những kẻ thái nhân cách có tiếng xấu là không trả lời các câu hỏi chúng được hỏi. Chúng sẽ trả lời một cái khác, hay theo một cách mà câu hỏi trực tiếp không hề được giải đáp. Chúng cũng dùng các từ ngữ khiến cho một phần thuyết minh của chúng trở nên khó hiểu. Đây không phải là cách nói năng bất cẩn mà ai cũng thỉnh thoảng phạm phải, mà là dấu hiệu của một tình trạng bên dưới trong đó cách tổ chức hoạt động suy nghĩ cho thấy có điều gì đó không ổn. Không phải nội dung những gì chúng nói mà là cách chúng nói tiết lộ bản chất thật sự của chúng.

Nhưng một lần nữa, điều này nêu ra câu hỏi: nếu lời nói của chúng kì cục như vậy, làm thế nào những người thông minh vẫn bị chúng lừa? Tại sao chúng ta không nhận ra những mâu thuẫn trong đó?

Một phần câu trả lời là những sự kì cục ấy khá tinh vi khiến cho khi nghe bình thường, chúng ta thường không nhặt ra được. Nhưng kinh nghiệm của cá nhân tôi là một số những từ bị “bỏ qua” hay sắp xếp một cách kì quặc hay sử dụng sai được bộ não của chính chúng ta tự động phiên dịch lại giống như cách chúng ta tự động “điền vào chỗ trống” trên một cái bảng điện tử khi một chữ cái không hiển thị. Chúng ta có thể lái xe trên đường vào ban đêm và thấy đằng trước chữ K_ách sạn, và trong đầu chúng ta tự động đặt chữ “h” vào chỗ trống và đọc thành “Khách sạn”. Một quá trình tương tự diễn ra giữa kẻ thái nhân cách và nạn nhân. Chúng ta tự điền thêm vào “tính người còn khuyết” với các giả định của chúng ta, dựa trên những gì chính chúng ta nghĩ, cảm nhận và muốn nói. Bằng cách này, chúng ta điền vào những “chỗ trống” với những gì ở trong chúng ta và vì vậy, chúng ta dễ dàng bị thuyết phục rằng kẻ thái nhân cách là một gã rất tuyệt - bởi vì hắn cũng giống như chúng ta! Hoạt động trên sự tin tưởng lẫn nhau đã trở thành phản xạ có điều kiện của chúng ta, và chúng ta luôn cố gắng “cho người khác thêm cơ hội”. Vậy là, có những chỗ trống, chúng ta “cho thêm cơ hội”, và chúng ta lâm vào cảnh gậy ông đập lưng ông.
Những kẻ thái nhân cách coi bất cứ một trao đổi xã hội nào một “cơ hội kiếm ăn”, một cuộc thi đấu hay thử nghiệm ý chí trong đó chỉ có một người chiến thắng. Động cơ của chúng là thi hành các thủ đoạn và chiếm hữu, một cách nhẫn tâm và không chút hối hận. [Hare].
Một kẻ thái nhân cách khi được phỏng vấn bởi nhóm của Hare nói khá thẳng thắn: “Việc đầu tiên tôi làm là đánh giá anh. Tôi tìm một góc độ, một khía cạnh, tìm ra cái anh cần và cho anh cái đó. Sau đó là lúc thu hồi vốn, với lãi suất. Tôi xiết chặt các đinh ốc”. Một kẻ thái nhân cách khác thừa nhận là hắn ta không bao giờ nhắm vào các phụ nữ hấp dẫn - hắn ta chỉ quan tâm đến những người trong tình trạng bấp bênh và cô đơn. Hắn tuyên bố hắn có thể ngửi thấy một người trong cảnh túng quẫn “giống như lợn ngửi thấy nấm mọc dưới mặt đất”.

Sự nhẫn tâm lợi dụng người già, cô đơn, người cô thế, yếu đuối là điểm đặc trưng riêng biệt của kẻ thái nhân cách. Và khi một trong số họ thức tỉnh và nhận ra điều gì đang xảy ra, họ thường là quá xấu hổ để khiếu nại.

Một trong những cách chính kẻ thái nhân cách dùng để kiếm mồi trên những người khác là lợi dụng nhu cầu tìm thấy ý nghĩa hay mục đích trong cuộc sống của những người bình thường. Chúng sẽ đóng giả là tư vấn tâm lí, hay một loại “chuyên gia” nào đó để thu hút những người đang đi tìm lời giải đáp. Chúng là bậc thầy trong khả năng nhận ra tâm trạng ám ảnh hay thiếu tự tin mà hầu hết mọi người có, và chúng sẽ trâng tráo nịnh bợ vuốt ve họ để có một người trung thành cho việc sử dụng sau này. Hare kể về một nhà tâm lí học trong một bệnh việc tâm thần với cuộc sống bị hủy hoại bởi một bệnh nhân thái nhân cách. Hắn ta vét sạch tài khoản ngân hàng của cô, dùng đến hết giới hạn các thẻ tín dụng của cô, và rồi lặn mất hút. Làm thế nào hắn đến với cô? Cô ta nói rằng cuộc sống của cô trước đó “trống rỗng” và cô đơn giản là không chống nổi những lời vuốt ve ngọt ngào của hắn. Như chúng ta đã biết, những từ ngữ đó rất rẻ mạt với những kẻ thái nhân cách. Chúng có thể nói “Anh sẽ cầu nguyện cho em”, hay “Anh yêu em” chỉ để gây ấn tượng. Nó thực sự, thực sự không có nghĩa gì. Nhưng một số người cô đơn và tuyệt vọng đến nỗi ngay cả những thứ giả mạo cũng tốt hơn là không có gì.

Và rồi, tất nhiên, có những người chính họ bị thương tổn và biến dạng tâm lí đến mức kẻ thái nhân cách là lựa chọn hiển nhiên cho họ. Họ có thể có nhu cầu bị đối xử tồi tệ, hay nhu cầu được kích thích bởi nguy hiểm hay nhu cầu “cứu vớt” hay “sửa chữa” linh hồn ai đó đang gặp nguy nan.
Trong một cuốn sách về Richard Ramirez, kẻ thờ phụng Satan và chuyên bám theo các cô gái ban đêm, tác giả miêu tả một cô sinh viên trẻ ngồi qua suốt các buổi thẩm vấn trước phiên tòa và gửi thư tình và ảnh của mình cho Ramirez. “Tôi cảm thấy rất thương cảm anh ta. Khi tôi nhìn anh ta, tôi thấy một chàng trai đẹp trai đã làm hỏng cuộc đời chỉ vì không có ai hướng dẫn anh ta”, cô ta được tường thuật đã nói vậy. [Hare]
Đáng buồn thay, như chúng ta thấy, những kẻ thái nhân cách không thiếu gì nạn nhân vì quá nhiều người sẵn sàng và tình nguyện đóng vai trò đó. Và trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân cương quyết từ chối không chịu tin vào bằng chứng rằng họ đang là nạn nhân. Sự chối bỏ tâm lí đã lọc bỏ những thông tin gây đau đớn, và những người đã đầu tư lớn vào những ảo tưởng của họ thường không có khả năng thừa nhận rằng họ đang bị lừa dối vì nó quá đau đớn. Thông thường, đây là những phụ nữ cứng nhắc tuân theo vai trò truyền thống của người phụ nữ với nghĩa vụ trở thành một “người vợ tốt”. Cô ta tin rằng nếu cô cố gắng hơn nữa, hay đơn giản là đợi nó qua, chồng cô sẽ thay đổi. Khi anh ta bỏ mặc cô, hành hạ cô, lừa dối cô với người khác hay lợi dụng cô, cô ta vẫn có thể quyết định “cố gắng hơn, đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn vào mối quan hệ, và chăm sóc anh ta tốt hơn”. Cô tin rằng nếu cô làm như vậy, cuối cùng anh ta sẽ nhận ra và sẽ thấy cô đáng giá thế nào, và khi đó anh ta sẽ quì xuống với lòng biết ơn và đối xử cô như một bà hoàng.

Cứ nằm mơ đi.

Trên thực tế, một người phụ nữ như vậy, với sự tận tụy mãnh liệt với một người đàn ông như vậy, và quyết tâm hi sinh để trở thành một người vợ tốt, đã để cho những câu chuyện cổ tích ấy bóp méo nhận thức về hiện thực của cô. Sự thực là cô bị đày vào một số phận cả đời chịu lạm dụng và thất vọng cho đến khi “đầu bạc răng long”.

Một trong những giả định cơ bản trong chữa trị tâm lí là người bệnh cần và muốn được giúp đỡ trong những vấn đề tâm lí và tình cảm đang mang lại phiền não đau đớn của họ. Kẻ thái nhân cách không cho rằng chúng có vấn đề về tâm lí hay tình cảm nào, và chúng thấy không có lí do gì để thay đổi hành vi của chúng cho phù hợp với những chuẩn mực mà chúng không đồng ý. Chúng rất hài lòng với bản thân và với cuộc sống nội tâm của chúng. Chúng không thấy có gì sai trái trong cách chúng suy nghĩ hay hành động, và chúng không bao giờ nhìn lại một cách hối tiếc hay nhìn về phía trước với sự lo lắng. Chúng nhìn nhận bản thân như những sinh linh vượt trội trong một thế giới thù nghịch trong đó những người khác là đối thủ cạnh tranh quyền lực hay tài nguyên. Chúng cảm thấy hành động tối ưu là thi hành thủ đoạn và lừa gạt người khác để có được những gì chúng muốn.

Hầu hết các chương trình trị liệu chỉ cung cấp các lí do mới để bào chữa cho hành vi của chúng cũng như những hiểu biết mới về điểm yếu của người khác. Thông qua chữa trị tâm lí, chúng học những thủ đoạn tâm lí mới tốt hơn. Cái mà chúng không làm là nỗ lực để thay đổi cách nhìn và thái độ của bản thân.

Có một kẻ thái nhân cách được nghiên cứu bởi Hare và nhóm nghiên cứu của ông trong lúc đang tham gia một chương trình trị liệu ở trong tù. Bác sĩ tâm thần của nhà tù đã viết trong hồ sơ của hắn: “Anh ta đã có những tiến bộ tốt… Anh ta có vẻ quan tâm nhiều hơn đến người khác và mất hầu hết các suy nghĩ tội phạm.”

Hai năm sau, trợ lí của Hare phỏng vấn nhân vật của chúng ta. Lúc này cần phải nói rõ rằng để cho nghiên cứu được chính xác hơn, điều kiện ghi rõ là tất cả những gì các đối tượng nghiên cứu nói với Hare hay các trợ lí của ông đều không được nói lại với ban quản lí nhà tù, và họ tuân theo đúng điều kiện ấy để cho các đối tượng cảm thấy tự do khi nói với họ. Những kẻ thái nhân cách, nếu chúng biết chúng sẽ không bị trừng phạt vì những gì chúng phát biểu, sẽ rât tự hào khoe khoang về về kĩ năng lừa dối người khác của chúng. Nhân vật của chúng ta, như trên được đánh giá bởi bác sĩ tâm thần trong tù là có tiến bộ xuất sắc, được mô tả bởi trợ lí của Hare là kẻ tội phạm đáng sợ nhất mà cô từng gặp và rằng hắn thoải mái khoe khoang về việc hắn đã lừa bịp để cho nhân viên nhà tù tin rằng hắn đang giáo dục cải tạo tốt. “Tôi không thể tin được những thằng cha ấy,” hắn nói. “Ai cấp giấy phép hành nghề cho bọn nó? Tôi sẽ không để cho bọn nó phân tích tâm lí con chó của tôi! Nó sẽ ỉa lên bọn nó cũng như tôi đã làm vậy.”

Những kẻ thái nhân cách không phải là những người “không ổn định”, Robert Hare đã kết luận sau nhiều năm nghiên cứu. Những gì chúng suy nghĩ và hành động xuất phát từ một “cấu trúc nội tâm vững như đá và có sức đề kháng cực kì tốt với các ảnh hưởng từ bên ngoài.” Nhiều trong số bọn chúng đã được bảo vệ trong nhiều năm khỏi các hậu quả từ các hành vi của chúng bởi gia đình và bạn bè có thiện ý. Chừng nào các hành động của chúng không bị kiểm soát và trừng phạt, chúng tiếp tục cuộc sống như vậy không bị mấy trở ngại.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng chứng thái nhân cách là do các khó khăn trong việc gắn bó tình cảm khi còn thơ ấu. Sau nhiều năm tìm hiểu về cuộc đời của những kẻ thái nhân cách, tiến sĩ Hare đã xoay ngược ý tưởng này lại. Ông nói:
Ở một số trẻ em, chính việc không gắn bó được về tình cảm là một triệu chứng của chứng thái nhân cách. Có khả năng là những đứa trẻ này thiếu khả năng gắn bó đó và việc chúng không gắn bó được về tình cảm phần lớn là kết quả chứ không phải nguyên nhân của chứng thái nhân cách. [Hare]
Nói một cách khác: chúng sinh ra đã như vậy và bạn không thể cải tạo chúng được.

Với nhiều người, ý tưởng về một trẻ em thái nhân cách là gần như không tưởng tượng nổi. Nhưng thực tế là những kẻ thái nhân cách thực sự được sinh ra như vậy chứ không phải tạo nên bởi hoàn cảnh. Ồ, dĩ nhiên là có kẻ thái nhân cách được “tạo ra”, nhưng nói chung chúng khác kẻ thái nhân cách bẩm sinh ở một số điểm.

Trên thực tế, nghiên cứu lâm sàng cho thấy rõ ràng rằng chứng thái nhân cách không tự nhiên xuất hiện lúc trưởng thành. Các triệu chứng tiết lộ nó từ sớm trong đời. Dường như cha mẹ của những kẻ thái nhân cách biết có một cái điều gì đó rất không bình thường thậm chí trước khi đứa trẻ bắt đầu đi học. Những đứa trẻ như vậy bướng bỉnh cưỡng lại các cố gắng cho chúng hòa đồng với bạn bè. Chúng “khác” những đứa trẻ khác theo những cách không giải thích được. Chúng “khó bảo” hơn, hay “cứng đầu”, hay hung hăng, hay “khó hiểu”. Chúng khó gần, lạnh lùng, xa cách và không phụ thuộc.

Một bà mẹ nói: “Chúng tôi không bao giờ có thể gần gũi với nó ngay cả khi nó còn là đứa sơ sinh. Nó luôn cố gắng đạt được cái nó muốn, dù bằng cách tỏ ra dễ thương hay gào khóc. Nó có thể giả bộ ăn năn hối lỗi một cách dễ thương…”

Sự thật là: chứng thái nhân cách ở trẻ nhỏ là một thực tế rõ ràng, và việc không nhận ra nó có thể dẫn đến nhiều năm nỗ lực vô vọng để tìm hiểu đứa trẻ bị làm sao và phụ huynh đổ lỗi cho chính họ. Hare viết:
Trong khi các dấu hiệu suy thoái xã hội ngày càng trở nên nóng bỏng, chúng ta không còn có thể tự cho phép bỏ qua sự hiện diện của chứng thái nhân cách ở một số trẻ em. Nửa thế kỉ trước, Hervey Cleckley và Robert Lindner từng cảnh báo rằng việc không thừa nhận sự hiện diện của những kẻ thái nhân cách trong chúng ta đã gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội. Ngày nay, các tổ chức xã hội của chúng ta - trường học, tòa án, bệnh viện tâm thần - đối mặt với cuộc khủng hoảng đó mỗi ngày theo hàng nghìn cách khác nhau và cái khăn bịt mắt đối với hiện thực về chứng thái nhân cách vẫn còn đó. […]

Thập kỉ qua đã chứng kiến sự xuất hiện của một hiện thực kinh hoàng và không thể chối cãi được: sự gia tăng mạnh mẽ của tội phạm vị thành niên đe dọa áp đảo các tổ chức xã hội của chúng ta. […] Trẻ em dưới mười tuổi đã có khả năng gây ra những loại bạo lực điên rồ mà có thời chỉ dành riêng cho những kẻ tội phạm trưởng thành đã chai cứng. […] Vào lúc tôi đang viết đây, một thị trấn nhỏ ở một bang phía tây đang cuống cuồng tìm cách đối phó với một đứa chín tuổi, kẻ bị cáo buộc đã dùng dao đe dọa để hãm hiếp và lạm dụng những đứa trẻ khác. Đứa trẻ còn quá nhỏ để truy tố và cũng không thể đưa nó vào diện chăm sóc đặc biệt bởi vì “điều này chỉ có thể thực hiện khi đứa trẻ bị nguy hiểm chứ không phải các nạn nhân của nó”, theo như một công chức trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. [Hare]
Tại sao có vẻ như chúng ta có một bệnh dịch thực sự của chứng thái nhân cách? Các nhà nghiên cứu sinh học xã hội đang gợi ý rằng sự gia tăng của chứng thái nhân cách là biểu hiện của một chiến lược nhân giống gen riêng biệt. Nói một cách đơn giản, hầu hết mọi người có một vài đứa con và dành rất nhiều thời gian và sức lực để chăm sóc chúng. Trong khi đó, những kẻ thái nhân cách quan hệ với số lượng lớn phụ nữ và bỏ rơi họ. Chúng bỏ phí rất ít năng lượng trong việc nuôi dạy con cái, và bằng cách này, những gen thái nhân cách được lan truyền như một đám cháy rừng. Các nhà nghiên cứu không nói rằng hành vi tình dục đó được chỉ đạo một cách có ý thức, chỉ là “tự nhiên” đã tạo nên chúng như vậy để chúng có thể tiếp tục duy trì có hiệu quả.

Hành vi của những kẻ thái nhân cách phái nữ cũng phản ánh cùng một chiến lược. “Tôi luôn có thể có đứa khác”, một kẻ thái nhân cách nữ trả lời lạnh lùng khi được hỏi về một sự việc trong đó đứa con gái hai tuổi của cô ta bị một trong số nhiều người tình của cô ta đánh đến chết. Khi được hỏi tại sao cô ta còn muốn có con nữa, (hai đứa đã được đưa vào giám hộ để bảo vệ chúng), cô ta nói “Tôi yêu trẻ nhỏ”. Một lần nữa chúng ta thấy cảm xúc được biểu lộ mâu thuẫn với hành động.

Lừa lọc dường như là một kĩ năng có giá trị thích ứng cao trong xã hội chúng ta. Thực tế là những kẻ thái nhân cách thường leo lên trên cùng, ví dụ như John Forbes Nash chẳng hạn.

Vào lúc này, có một cái gì đó rất đáng sợ đang diễn ra trong cộng đồng siêu hình học: người ta đang nói về cái gọi là “trẻ em Indigo”. Một trong những người quảng bá chính cho ý tưởng này, Wendy Chapman, viết:
Trẻ em Indigo là thế hệ đang được sinh ra hôm nay và hầu hết chúng từ 8 tuổi trở xuống. Chúng khác thường. Chúng có những đặc điểm có một không hai khác hẳn với trẻ em những thế hệ trước. […]

Đây là những đứa trẻ thường nổi loạn chống lại uy quyền, không theo khuôn phép, cực kì nhạy cảm và yếu ớt về tình cảm và đôi khi cả thể chất, có năng khiếu cao trong học hành và thường là cả về lĩnh vực siêu hình, thường có trực quan tốt, rất thường xuyên bị liệt vào loại mắc chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD), hoặc là rất đồng cảm với người khác hoặc là rất lạnh lùng và nhẫn tâm, và khôn ngoan trước tuổi. Những mô tả này nghe có giống bạn hay con cái bạn không?

Trẻ em Indigo đi vào thế giới này với những thử thách khó khăn cần vượt qua. Mức độ nhạy cảm cùng cực của chúng khiến cha mẹ chúng, những người không có những đặc tính này, khó có thể thấu hiểu và đánh giá đúng. Năng khiếu của chúng cao một cách khác thường. Sự chống đối khuôn phép và kỉ cương của chúng khiến chúng gặp khó khăn trong những năm thơ ấu và có thể ngay cả lúc trưởng thành. Đó cũng là những gì sẽ giúp chúng đạt được những mục tiêu lớn ví dụ như thay đổi hệ thống giáo dục chẳng hạn. Là một trẻ em Indigo không dễ dàng gì với bất cứ ai trong số chúng, nhưng nó báo hiệu một sứ mệnh. Những trẻ em Indigo là những người đến để nâng cao giải tần của hành tinh chúng ta! Đây là những cá nhân chủ chốt sẽ giúp chúng ta giác ngộ để đạt được sự thăng hoa.
Tôi nghe thấy đây có vẻ như một trường hợp chối bỏ sự thật và mơ tưởng hão huyền trầm trọng. Nhưng như chúng ta đã biết là hiện thực tâm lí chỉ là một công cụ cho Hiện Thực Thần Học, tôi nghĩ rằng bạn đọc đã đi trước tôi và nhận ra cái vụ “trẻ em Indigo” này chỉ là một trò bịp bợm qui mô lớn. Bà Chapman đã tốt bụng cung cấp cho chúng ta một danh mục để xác định “trẻ em Indigo”. Sau những gì chúng ta đã học về kẻ thái nhân cách, hãy thử xem danh mục của bà ta:
Có lòng tự tin vững mạnh, kết nối với nguồn
Biết chúng thuộc về nơi này cho đến khi chúng được bảo khác đi
Có ý thức cá nhân rõ ràng
Gặp khó khăn với kỉ cương và thẩm quyền
Không chịu làm theo mệnh lệnh hay hướng dẫn
Thấy như bị tra tấn khi phải xếp hàng, thiếu kiên nhẫn
Không chịu nổi những hệ thống nghi thức không đòi hỏi sáng tạo
Thường thấy những cách làm việc tốt hơn ở nhà cũng như ở trường
Phần lớn là không theo khuôn phép
Không tiếp thu các nhận xét giáo lí, muốn có lí do rõ ràng
Dễ cảm thấy nhàm chán với các nhiệm vụ được giao
Khá sáng tạo
Dễ mất tập trung, có thể làm nhiều việc cùng lúc
Bộc lộ trực giác mạnh
Có sự đồng cảm mạnh mẽ với người khác hoặc không có chút nào
Phát triển tư duy trừu tượng từ rất sớm
Có năng khiếu hoặc tài năng, rất thông minh
Thường bị xác định hay nghi ngờ là mắc chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD) hoặc rối loạn quá hiếu động - thiếu tập trung (ADHD), nhưng vẫn có thể tập trung khi chúng muốn
Là người mơ mộng và có tài nhìn xa trông rộng
Có cặp mắt rất già dặn, sâu sắc và khôn ngoan
Có hiểu biết về mặt tâm linh hoặc có khả năng giao cảm
Thường biểu lộ sự giận dữ ra ngoài hơn là hướng vào trong và có thể gặp rắc rối với những cơn thịnh nộ
Cần sự hỗ trợ của chúng ta để khám phá bản thân
Sinh ra để thay đổi thế giới - để giúp chúng ta sống trong hòa hợp và hòa bình giữa mọi người và để nâng cao giải tần của hành tinh chúng ta
Chúng ta thấy ở trên là một danh mục bao gồm một số hành vi thái nhân cách rõ ràng cùng với một số hành vi của trẻ em có năng khiếu bẩm sinh. Chúng ta phải tự hỏi đây có phải là một mưu đồ đan kết hai cái lại với nhau không.

Cái ý tưởng “trẻ em Indigo” này ở đâu ra? Cụm từ “trẻ em Indigo” được đặt ra bởi Nancy Ann Tappe trong cuốn sách Understanding Your Life Through Color (Hiểu Về Cuộc Sống Của Bạn Qua Màu Sắc) (1982) và nó chỉ đến màu sắc của vầng hào quang từ những đứa trẻ này [Chú thích: “Indigo” trong tiếng Anh nghĩa là màu chàm.]. Jan Tober từng phỏng vấn bà Tappe để chuẩn bị cho cuốn sách The Indigo Children (Trẻ Em Indigo) (1999) của mình và bà Tappe có nói: “Những đứa trẻ nhỏ này - tất cả những đứa từng giết hại bạn cùng học hay cha mẹ chúng mà tôi biết - đều là Indigo”.

Tuyên bố này vẫn không ngăn cản Tober viết cuốn sách của mình và tuyên bố những đứa trẻ này là “những bậc thầy về tâm linh, những sinh linh đầy khôn ngoan đến đây để dạy chúng ta một cách sống mới”. Các môn đồ của ý tưởng này biện hộ cho thực tế là “không phải tất cả trẻ em Indigo đều đầy ắp tình yêu vô điều kiện, sự khoan dung và không phán xét”, bằng cách tuyên bố rằng chúng cần được đối xử “đặc biệt” và nâng niu như nâng trứng vì chúng quá đặc biệt, tinh tế và nhạy cảm.

Nếu vậy thì tôi đi đầu xuống đất. Chúng là lũ thái nhân cách và chúng có một âm mưu khác hẳn. Và bằng cách nào đó, chúng nhận thức được và tìm cách bảo đảm rằng con cái của chúng được chăm sóc tốt, và rằng một số lớn những kẻ thái nhân cách lớn lên mà không bị nhận biết chúng là ai.

Mặc dù vậy, không gì giải thích được sự cực đoan mà những “tín đồ chân chính” sử dụng để tìm cách biện hộ cho cái không thể biện hộ được. Elizabeth Kirby, một nhà doanh nghiệp nữ ở miền nam California, người đã “nghiên cứu và thực hành siêu hình học suốt 21 năm qua”, viết:
Khi nghe về các vụ thảm sát trường học, tôi biết trẻ em Indigo là người kéo cò súng. Vụ thảm sát ở trường trung học Columbine khủng khiếp đến mức nó được tất cả mọi người chú ý. Vào thời gian đó, con gái lớn của tôi nói với tôi, “Bởi vì họ (Eric Harris và Dylan Klebold) là Indigo nên khi họ muốn làm thế, họ cứ thế mà làm. Không ăn năn, không hối hận, họ chỉ cứ đi vào và bắn tất cả những người đó bởi vì bọn họ muốn thế và cảm thấy họ cần làm thế”. Trẻ em Indigo không có cảm giác tội lỗi để giữ chúng lại và vì chúng không chấp nhận uy quyền, chúng tin rằng chúng không cần phải tuân theo luật lệ.

Các cây bút trào lưu chủ đạo ở Mỹ như Jonathan Kellerman đang đánh đồng các tay súng Indigo trong các vụ thảm sát trường học với những kẻ thái nhân cách; những phần tử đen tối gồm có những kẻ ức hiếp, rình rập và lạm dụng người khác, những kẻ giết người hàng loạt và những kẻ giết người để có cảm giác phấn khích. Tôi không tin những trẻ em Indigo mang vũ khí đến trường để làm hại các trẻ em khác là thái nhân cách. Họ đã bị bắt nạt, trêu chọc và có thái độ muốn trả thù và lập lại công bằng cho những tổn thương họ phải chịu. Họ không phải giết chỉ để có cảm giác phấn khích được giết người. Những đứa trẻ này biết phải thay đổi hệ thống trường lớp và chúng chọn bạo lực để phát ra tuyên bố của mình, để gióng lên hồi chuông cảnh báo cho chúng ta. Một số trong những trẻ em Indigo siêu hình này không do dự sử dụng bạo lực để mang lại sự thay đổi, và để đưa chúng ta đến sự giác ngộ.

Bạo lực Indigo đã xuất hiện và nó sẽ còn tiếp tục, ít nhất là với thế hệ này của trẻ em Indigo. Thông qua bạo lực Indigo, chúng ta thấy hệ thống trường học cần phải thay đổi đến thế nào và vấn đề bắt nạt và đe dọa trong trường học cần được giải quyết khẩn thiết thế nào. Khi trẻ em Indigo lớn lên thành người lớn, chương trình hành động của họ sẽ đi ra khỏi hệ thống trường học và đi vào các hệ thống khác của chúng ta, như là hệ thống xã hội, chính trị và pháp luật của chúng ta chẳng hạn. Timothy McVeigh, người đánh bom ở thành phố Oklahoma, là một Indigo.
Đáng kinh ngạc phải không? Bạn có để ý câu: “Một số trong những trẻ em Indigo siêu hình này không do dự sử dụng bạo lực để mang lại sự thay đổi, và để đưa chúng ta đến sự giác ngộ”.

Chúng ta có thấy câu đó hơi mâu thuẫn một chút xíu không? Có phải nó gượng ép một chút không? Hay là người viết tự bưng tai bịt mắt không còn thấy gì nữa?

Chưa bao giờ kẻ thái nhân cách có sức lôi cuốn như lúc này. Phim ảnh về kẻ thái nhân cách đang cực kì thịnh hành. Hare đặt câu hỏi “Tại sao? Cái gì giải thích được sức hấp dẫn ghê gớm của một thứ nhân cách không có lương tâm đối với trí tưởng tượng chung của chúng ta?” Một nhà lí luận đề xuất rằng những người ngưỡng mộ, tin tưởng, hay cảm thấy gắn bó với những kẻ thái nhân cách, chính họ cũng là thái nhân cách một phần. Bằng cách tương tác với kẻ thái nhân cách, dù chỉ là bề ngoài, họ được tận hưởng trong giây phút một trạng thái tinh thần không bị chi phối bởi các câu thúc của đạo đức. Những người đó được tạo cơ hội để tận hưởng thú vui bạo lực và tình dục mà không bị hậu quả.

Với người bình thường, những bộ phim đó nhắc nhở họ về sự nguy hiểm và tính hủy diệt của kẻ thái nhân cách. Họ rùng mình với cảm giác có cái gì đó tối tăm và lạnh lẽo ở ngay sau gáy họ. Với những người khác, những người với nhân cách bên trong kém phát triển, các bộ phim đó cùng với sự ca tụng những hành vi thái nhân cách chỉ có tác dụng tạo ra một hình mẫu cho các hành vi bạo lực và thú tính nghiêm trọng đối với người khác.

Một số nhà tâm lí học đưa ra các biện hộ cho hành vi thái nhân cách, gợi ý nguyên nhân như tổn thương tâm lí, bị lạm dụng, v.v… Vấn đề là ở chỗ những lí lẽ ấy đều không đứng vững trong hết trường hợp này đến trường hợp khác.

Có vẻ như sự khác biệt duy nhất mà hoàn cảnh gia đình tạo ra là cách một kẻ thái nhân cách thể hiện bản thân. Một kẻ thái nhân cách lớn lên trong một gia đình ổn định và được tiếp cận với những cách giáo dục và xã hội tích cực có thể trở thành một kẻ tội phạm trí thức hay có thể là một doanh nhân, chính trị gia, luật sư, quan tòa hay một chuyên viên với những hành vi ám muội. Một cá nhân khác với cùng một đặc điểm, nhưng lớn lên với một hoàn cảnh thiếu thốn có thể trở thành một tên lừa đảo thông thường, một tên tội phạm hình sự hay đâm thuê chém mướn.

Vấn đề là ở chỗ các yếu tố xã hội và cách nuôi dạy của cha mẹ chỉ ảnh hưởng lên cách biểu hiện ra ngoài của chứng rối loạn này, nhưng không có chút ảnh hưởng nào đến việc cá nhân đó không có khả năng đồng cảm hay phát triển lương tâm.

Robert Hare một lần gửi một bài viết đến một tạp chí khoa học. Bài viết có chứa điện não đồ của một số nhóm đàn ông trưởng thành đang thực hiện một bài tập về ngôn ngữ. Biên tập viên của tạp chí đó trả lại bài viết và nói “Những điện não đồ này không thể là của người thật được.”

Nhưng chúng đúng là vậy. Đó là điện não đồ của những kẻ thái nhân cách.

Một số người đã so sánh chứng thái nhân cách với chứng tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng như chúng ta sẽ thấy:
Chứng tâm thần phân liệt và chứng thái nhân cách đều được đặc trưng bởi hành vi bốc đồng, kém chuẩn bị. Hành vi này có thể bắt nguồn từ một hệ thống ức chế phản xạ kém phát triển hay kém phối hợp. Chúng tôi đã thử nghiệm giả thuyết rằng chứng tâm thần phân liệt và chứng thái nhân cách liên quan đến việc xử lí tín hiệu thần kinh không bình thường trong quá trình ức chế các hành vi không phù hợp.

Những người tham gia là các bệnh nhân tâm thần phân liệt, những đối tượng thái nhân cách không bị rối loạn thần kinh và các đối tượng đối chứng không bị tâm thần phân liệt hay thái nhân cách (được xác định bởi Bảng Kiểm Tra Thái Nhân Cách – Có Sửa Đổi (Psychopathy Checklist – Revised) của Hare), tất cả đều đang bị giam giữ trong một khu điều trị tâm thần bảo mật tối đa. Chúng tôi ghi lại các phản xạ và các dấu hiệu tiềm năng liên quan đến sự kiện trong một bài tập thử phản xạ Đi / Không Đi.

Kết quả: Các bệnh nhân tâm thần phân liệt mắc nhiều lỗi hơn các đối tượng đối chứng. Đúng như dự kiến, các đối tượng đối chứng bộc lộ xung phủ định ở thùy trán (N275) mạnh hơn với kích thích Không Đi hơn là kích thích Đi. Hiệu ứng này nhỏ hơn ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và không có ở đối tượng thái nhân cách. Cũng ở các đối tượng đối chứng, xung tín hiệu P375 (tín hiệu khẳng định) mạnh hơn với kích thích Đi hơn là các lần thử Không Đi, một hiệu ứng không tồn tại ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và tồn tại theo chiều ngược lại ở đối tượng thái nhân cách.

Kết luận: Những khám phá này ủng hộ giả thuyết rằng quá trình thần kinh liên quan đến sự ức chế phản ứng là không bình thường ở cả chứng tâm thần phân liệt và chứng thái nhân cách. Tuy nhiên, bản chất của các quá trình này có vẻ khác nhau trong hai chứng rối loạn.
Ngày càng có nhiều dữ liệu dẫn đến kết luận rằng chứng thái nhân cách có nguyên nhân mang tính sinh lí và có nhiều đặc tính của một căn bệnh,” Sabine Herpertz, một bác sĩ tâm thần ở trường đại học RWTH-Aachen ở Đức, nói.

Các kĩ thuật chụp não như chụp cắt lớp bằng phát xạ positron (PET) và chụp bằng cộng hưởng từ (MRI) tạo cơ hội nghiên cứu chứng thái nhân cách sâu hơn nữa. Chúng cho phép các nhà nghiên cứu khám phá xem liệu những thiếu hụt về sinh lí và tình cảm của kẻ thái nhân cách có thể có nguồn gốc từ những khác biệt cụ thể trong cấu trúc hay sự kích hoạt của não.

Trong số những nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực này, có hai lí thuyết chính về chứng thái nhân cách. Một lí thuyết, đưa ra bởi Adrian Raine của trường đại học Nam California tại Los Angeles và được ủng hộ bởi các công trình nghiên cứu của Antonio Damasio của trường đại học Iowa, gán vai trò chủ đạo cho một khu vực não gọi là vùng thùy trán sau ổ mắt. Đây là một phần của một vùng vỏ não gọi là thùy trán trước, có nhiệm vụ tham gia vào các hoạt động có ý thức.

Lí thuyết kia, quảng bá bởi James Blair của trường đại học London, cho rằng các rối loạn chức năng cơ bản nằm ở trong hạch hạnh nhân, một cấu trúc nhỏ hình hạt hạnh nhân có vai trò quyết định trong trong việc xử lí tình cảm và sự sợ hãi. Gần đây, dùng kĩ thuật quét PET, Blair đã chỉ ra rằng hạch hạnh nhân được kích hoạt ở các tình nguyện viên bình thường khi tiếp xúc với nỗi buồn hay sự giận dữ ở người khác, và ông đưa ra giả thuyết rằng rối loạn chức năng ở hạch hạnh nhân có thể giải thích việc những kẻ thái nhân cách không có khả năng sợ hãi hay đồng cảm.

Blair cũng chỉ ra rằng hai lí thuyết không nhất thiết là loại trừ lẫn nhau vì vùng thùy trán sau ổ mắt với chức năng ‘suy nghĩ’ và hạch hạnh nhân với chức năng ‘cảm xúc’ có rất nhiều liên quan đến nhau.

Sau mối quan ngại rộng khắp rằng hệ thống luật pháp hình sự và điều trị sức khỏe tâm thần không đối phó được một cách có hiệu quả với những kẻ thái nhân cách nguy hiểm, có một phong trào vận động ở nhiều nước nhằm đưa ra các cải cách pháp luật cơ bản. Đề xuất gây tranh cãi nhất là cho phép giam giữ những cá nhân với các rối loạn nhân cách nghiêm trọng trong các bệnh viện tâm thần an ninh cao ngay cả khi họ không bị cáo buộc phạm tội gì. Mặc dù đề xuất này khiến các nhà hoạt động cho quyền tự do công dân lo ngại, trong những đề xuất khác được đưa ra có một sáng kiến lớn giúp hệ thống nhà tù cải thiện việc xử lí những tù nhân mắc chứng rối loạn chống xã hội – bao gồm cả những kẻ thái nhân cách.

Một người từng phải chịu đau khổ về tay một kẻ thái nhân cách nói:
“Thế giới chỉ có một vấn đề: lũ thái nhân cách. Có hai loại thái nhân cách cơ bản: hòa hợp xã hội và chống xã hội. Đặc tính cơ bản nhất của kẻ thái nhân cách là ý muốn áp đặt những hoang tưởng của chúng lên người khác và ý muốn này luôn thường trực, ám ảnh không cưỡng lại được trong tâm trí chúng. Kẻ thái nhân cách hoàn toàn không đếm xỉa đến và thường xuyên vi phạm các Quyền của người khác, đặc biệt là Quyền Tự Do Giao Thiệp, trong đó bao gồm cả quyền không giao thiệp, và Quyền được Yêu.”
Hết lần này đến lần khác, chúng ta gặp phải vấn đề nho nhỏ này: những hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng mà cần phải được bảo vệ chống lại các bằng chứng khách quan hay tín ngưỡng của những người khác. Chúng ta phải tự hỏi “Những hệ thống tín ngưỡng ấy từ đâu đến mà mang lại những hậu quả lại kinh khiếp như vậy?” Và rồi chúng ta phải suy nghĩ về một điều là bây giờ, trong thời đại này, khi mà nhiều hệ thống như vậy đang sụp đổ và được thay thế bởi những cái khác với cùng một chức năng là đánh lạc hướng sự chú ý của chúng ta khỏi Hiện Thực đang xảy ra, một cách suy nghĩ nhất định nào đó cần được “áp đặt” lên chúng ta. Và đó là điều lũ thái nhân cách làm tốt nhất.

Những kẻ thái nhân cách thống trị và thiết lập tiêu chuẩn cho các hành vi trong xã hội chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới thiết lập dựa trên một hệ thống thứ bậc bệnh hoạn, người trên hút năng lượng từ người dưới. Hầu hết mọi người bị tổn thương tâm lí đến mức họ không còn có khả năng ngay cả tưởng tượng một hệ thống khác dựa trên một mạng lưới cộng sinh.
Họ không chỉ bị tổn thương bởi người khác mà còn bởi hàng ngàn những điều ác nho nhỏ chính họ gây ra đối với người khác chỉ để tồn tại. Để họ có thể nhìn được bộ mặt thật của hệ thống thế giới này, nó đòi hỏi họ phải nhìn ra được vai trò họ đã tham gia đóng góp để duy trì nó. Đó là một đòi hỏi rất lớn với một cái tôi mỏng manh. Ngoài ra, những người không phải là thái nhân cách, vẫn muốn tạo những mối liên kết tình người, nhưng lại không dám vì sợ bị lợi dụng và lạm dụng về mặt năng lượng.
Với quá trình nghiên cứu lịch sử chúng tôi đã tiến hành, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đây không phải là một hiện tượng giới hạn trong thời đại hiện nay của chúng ta. Nó là một chiến lược tiến hóa xuyên thiên niên kỉ, từng bước từng bước đã đưa chúng ta tới tình trạng hiện nay. Những vấn đề nổi bật ngày nay chỉ là một thủ đoạn nham hiểm để đánh lạc hướng sự chú ý của những người dễ bị đánh lừa. Điều này được củng cố bởi những kẻ “vỗ tay thuê” trong khán giả, và có vẻ như có cả một đạo quân thái nhân cách trong chúng ta với nhiệm vụ làm vectơ đánh lạc hướng sự chú ý và đường đi của mọi người. Chúng tôi hi vọng rằng độc giả của những trang này sẽ tự cho phép bản thân tưởng tượng, nghiên cứu và thực thi một lối sống khác. Và đồng thời đứng lên khẳng định quyền của chính mình. Như Wilhelm Reich đã viết:
Tại sao con người, qua hàng ngàn năm, ở bất cứ chỗ nào anh ta xây dựng hệ thống khoa học, triết học hay tôn giáo, lại đi lạc lối một cách đều đặn như vậy và với những hậu quả thảm khốc như vậy? […]

Câu trả lời nằm đâu đó trong cái phần của cuộc sống đã bị che giấu kĩ càng và đặt ra ngoài tầm với chúng ta bởi các tổ chức tôn giáo. Do đó, có thể nói nó nằm trong mối quan hệ giữa con người với các năng lượng vũ trụ đang chi phối con người.
Cùng một câu hỏi được đặt ra bởi Don Juan của Castaneda:
Tôi muốn kêu gọi tới bộ óc phân tích của anh, Don Juan nói. Hãy suy nghĩ một chút, và nói cho tôi biết anh giải thích thế nào sự mâu thuẫn giữa sự thông minh của con người trong người kĩ sư và sự ngu ngốc của các hệ thống tín ngưỡng của anh ta, hay sự ngu ngốc của các hành vi mâu thuẫn của anh ta. Các nhà phù thủy tin rằng những sinh vật săn mồi đã cho chúng ta các hệ thống tín ngưỡng, các ý tưởng về điều thiện và điều ác, các tập tục xã hội của chúng ta. Chúng là những kẻ đã dựng lên các hi vọng, sự trông đợi và mơ ước về thành công hay thất bại của chúng ta. Chúng đã cho chúng ta sự sự thèm muốn, tham lam và sự hèn nhát. Chính những sinh vật săn mồi đã làm chúng ta tự mãn, đơn điệu và ích kỉ.

Để giữ chúng ta ngoan ngoãn, dễ bảo và yếu ớt, những sinh vật săn mồi đã thực hiện một chiến thuật tuyệt vời - tất nhiên là tuyệt vời từ điểm nhìn của một nhà chiến lược quân sự. Một thủ đoạn kinh khiếp từ điểm nhìn của những ai phải chịu đau khổ vì nó. Chúng cho chúng ta tâm trí của chúng! Anh có nghe tôi không? Những sinh vật săn mồi cho chúng ta tâm trí của chúng và nó trở thành tâm trí của chúng ta. […] Thông qua tâm trí đó, mà thực ra là của chúng, những sinh vật săn mồi bơm vào cuộc sống của con người tất cả những gì thuận lợi cho chúng. [Castaneda, The active side of infinity (Mặt sống động của vô cực)]
Vấn đề này cũng được phác họa bởi Georges Gurdjieff:
Vì vậy mà trong tình hình thực tiễn của nhân loại, không có gì cho thấy rằng quá trình tiến hóa đang tiếp diễn. Ngược lại, khi chúng ta so sánh cả nhân loại với một người, chúng ta có thể thấy khá rõ ràng sự phát triển của cá tính lấn lướt bản chất. Nghĩa là sự phát triển của những cái giả tạo, cái hư không, cái ngoại lai lấn lướt cái tự nhiên, cái thật và những cái của chính cá nhân đó.

Cùng với đó, chúng ta thấy sự phát triển của tính máy móc.

Nền văn hóa đương đại cần những cỗ máy người. […] Một điều tôi chắc chắn là sự nô lệ của con người đang phát triển và gia tăng. Con người đã trở thành một nô lệ tự nguyện. Anh ta không còn cần đến xiềng xích nữa. Anh ta bắt đầu thích sự nô lệ của mình, tự hào về nó. Và đấy là điều kinh khủng nhất có thể xảy đến với một con người. [Gurdjieff, op. cit]
Sự bất khoan dung và tàn ác là cần thiết để đảm bảo “sự che giấu” được tiếp tục. Một loại “người” nhất định hành động đại diện cho sự che giấu này. Và theo nghĩa này, những kẻ thái nhân cách, như là những Cỗ Máy Phản Ứng Ngoại Lai, là những con cờ trong Trò Chơi Bí Mật của Thần Linh.

Chú dẫn:
  1. Ở đây Olson nhầm lẫn một loạt từ gần giống nhau trong tiếng Anh: annual (hàng năm) và annal (thuộc về hậu môn); unconscientious (vô lương tâm) và unconscious (bất tỉnh); antidote (thuốc giải độc) và anecdote (giai thoại); escape goat (con dê chạy trốn) và scapegoat (người giơ đầu chịu báng); migrating (di cư) và mitigating (làm giảm nhẹ). Những nhầm lẫn này rất ít khi xảy ra với người nói tiếng Anh từ nhỏ. (Trở lại)
  2. Đây là một khái niệm dùng trong trường Tương Lai Lượng Tử (QFS). Một hiện tượng thường thấy trong xã hội loài người là nhiều người dùng những từ giống hệt nhau nhưng lại hiểu theo những nghĩa rất khác nhau. Nguyên do là trong thời thơ ấu, mỗi người xây dựng cho mình một bản đồ ngữ nghĩa của thế giới xung quanh. Bản đồ này quyết định những khái niệm một người có thể tiếp cận được để dùng trong suy nghĩ của mình. Nó cũng tham gia vào các liên kết về tình cảm, các giá trị tinh thần, v.v…
    Từ ngữ chỉ là những biểu tượng hay kí hiệu để kết nối tới bản đồ trên. Nó có thể so sánh với một cái từ điển. Từ điển vị thành niên thường chỉ chứa các định nghĩa từ lấy từ sách giáo khoa mà không có chiều sâu và sắc thái có được từ việc sử dụng lâu dài và sự hiểu biết sâu sắc. Một số người có thể rất giỏi sử dụng từ ngữ, bắt chước cách chúng được dùng, nhưng lại thiếu chiều sâu. Một ví dụ cực đoan là những kẻ thái nhân cách. (Trở lại)

1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.