Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương mở đầu

Hấp dẫn và dễ mến: Ted Bundy - Một kẻ thái nhân cách tiêu biểu

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: The sociopath next door

Chương mở đầu: Tưởng tượng

Khác biệt trong tâm hồn còn lớn hơn khác biệt trên khuôn mặt – Voltaire

Hãy tưởng tượng - nếu bạn có thể - không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào. Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin. Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lý của bạn hoàn toàn khác họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào. Bạn không bị kìm giữ khỏi bất cứ thèm muốn nào bởi cảm giác tội lỗi hay hổ thẹn, và bạn cũng không phải đối mặt với ai về sự nhẫn tâm của mình. Thứ nước đá trong mạch máu của bạn kỳ quái và khác xa những trải nghiệm cá nhân của họ đến mức hiếm khi họ có chút ý niệm gì về trạng thái của bạn.

Nói một cách khác, bạn hoàn toàn không có chút vướng bận nội tâm nào, và tiện lợi hơn nữa, khả năng tự do làm bất cứ điều gì mà không bị lương tâm cắn dứt của bạn không ai nhận thấy được. Bạn có thể làm bất cứ điều gì, và ngay cả khi đó, cái lợi thế kỳ lạ của bạn so với phần đông những người khác, những người bị giới hạn bởi lương tâm của họ, thường vẫn không bị phát hiện.

Bạn sẽ sống như thế nào? Bạn sẽ làm gì với lợi thế to lớn và bí mật của bạn, và với sự bất lợi tương ứng của những người khác (lương tâm)? Câu trả lời sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc những ham muốn của bạn là gì, bởi vì không phải ai cũng giống ai. Ngay cả những kẻ vô đạo đức sâu sắc cũng không phải đều giống nhau. Một số người – cho dù họ có lương tâm hay không – thích sự thảnh thơi biếng nhác trong khi một số khác đầy ắp những mơ ước và khát vọng cuồng nhiệt. Một số người tài giỏi lỗi lạc, một số ngu đần, và phần lớn, dù có lương tâm hay không, ở vào khoảng giữa. Có những người hung bạo và những người hòa nhã; những cá nhân khát máu và những người không có ham muốn như vậy.

Có thể bạn là người thèm muốn tiền bạc và quyền lực, và mặc dù bạn không có một chút lương tâm nào, bạn có một trí thông minh tuyệt diệu. Bạn có bản chất năng động và khả năng về trí tuệ để theo đuổi sự giàu sang và ảnh hưởng to lớn, và bạn không hề bị dao động bởi tiếng nói cắn rứt của lương tâm, tiếng nói đã ngăn cản những người khác làm bất cứ việc gì cần để đạt được mục đích. Bạn chọn kinh doanh, chính trị, luật, ngân hàng, quan hệ quốc tế hay một trong hàng loạt ngành nghề dễ dẫn đến quyền lực, và bạn theo đuổi sự nghiệp của mình với một niềm say mê lạnh lùng, không chấp nhận bất cứ trở ngại thông thường về đạo đức hay luật pháp nào. Khi cần thiết, bạn làm giả sổ sách và hủy các bằng chứng, bạn đâm nhân viên và khách hàng (hay cử tri) của mình sau lưng, cưới vì tiền bạc, nói với những người tin cậy bạn những lời nói dối chết người có tính toán từ trước, tìm cách phá hoại những đồng nghiệp quyền lực hay thành đạt, và chà đạp lên những người phải phụ thuộc hay không có tiếng nói. Và tất cả những điều này bạn làm với sự tự do phóng túng tuyệt vời có được từ việc không có chút lương tâm nào.

Bạn trở nên thành công một cách không tưởng tượng nổi, không ai có thể bỏ qua bạn, thậm chí có thể là trên toàn cầu. Tại sao lại không nhỉ? Với trí óc thông minh của bạn và không một chút lương tâm để ngăn trở các mưu đồ của bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Hoặc có thể là không. Giả sử bạn không đạt đến mức độ như vậy. Vâng, bạn có nhiều tham vọng, và để đạt được thành công bạn sẵn sàng làm mọi thứ mà những người có lương tâm không bao giờ nghĩ tới, nhưng bạn không có trí thông minh trời phú. Trí tuệ của bạn có thể là hơn mức trung bình một chút, và mọi người nghĩ bạn thông minh, thậm chí có thể rất thông minh. Nhưng sâu thẳm trong lòng, bạn biết rằng bạn không có khả năng nhận thức hay sáng tạo để đạt đến những tầm cao của quyền lực mà bạn vẫn thầm mơ tới, và điều này khiến bạn phẫn uất với thế giới bên ngoài và ghen tỵ với những người xung quanh bạn.

Là một người như vậy, bạn náu mình trong một góc, hay có thể là một vài góc, nơi bạn có thể kiểm soát một nhóm người nhỏ. Điều này làm thỏa mãn một chút khát vọng quyền lực của bạn, mặc dù bạn vẫn thường xuyên bực dọc vì không đạt được nhiều hơn. Thật là đáng bực mình khi thoát khỏi cái tiếng nói nội tâm nực cười vẫn ngăn cản không cho những người khác đạt đến quyền lực to lớn, nhưng lại không đủ năng lực để tự mình theo đuổi những thành công vĩ đại ấy. Đôi khi bạn rơi vào tâm trạng ảm đạm hay thịnh nộ gây ra bởi sự bức bối chỉ có mình bạn hiểu được.

Nhưng bạn vẫn thích thú với những công việc đem lại cho bạn quyền kiểm soát một số người hay một nhóm nhỏ mà không bị ai xét nét, tốt nhất là những người hay nhóm người yếu đuối hay dễ bị tổn thương. Bạn là một giáo viên hay bác sĩ tâm thần hay luật sư chuyên về các vụ ly hôn. Hoặc bạn có thể là một nhà tư vấn về một lĩnh vực nào đó, môi giới chứng khoán hay tư vấn nghệ thuật hay tư vấn nhân lực. Hoặc bạn có thể làm một việc không có lương, như là tổ trưởng khu phố hay y tá tình nguyện hay ở nhà nuôi con. Dù ở công việc nào đi nữa, bạn điều khiển và bắt nạt những người dưới quyền đến hết mức có thể mà không bị mất việc hay khiển trách. Bạn làm vậy ngay cả khi không có mục đích gì cụ thể ngoài việc tạo cảm giác ly kỳ cho chính bạn. Làm người khác phải khổ sở nghĩa là bạn có quyền lực – hay đó là cách bạn nhìn nhận – và việc bắt nạt người khác đem lại cho bạn một liều thuốc kích thích. Thật là thú vị.

Có thể bạn không thể làm giám đốc một tập đoàn liên quốc gia, nhưng bạn có thể dọa một số người, hay làm họ phải chạy nhốn nháo như đàn gà, hay đánh cắp đồ của họ, hay tốt nhất là tạo ra những tình huống khiến họ tự dằn vặt bản thân. Và đấy là quyền lực, đặc biệt là khi những người bị bạn điều khiển hơn bạn về một mặt nào đó. Sướng nhất là hạ gục những người thông minh hay thành công hơn bạn, hoặc có thể là hấp dẫn hơn, được hâm mộ hơn hay đáng ngưỡng mộ về đạo đức. Đó không phải chỉ cho vui, đó là báo mối thù sống chết. Và khi không có lương tâm, nó thật dễ dàng. Bạn chỉ nói vài lời nói dối nhẹ nhàng với ông chủ, hay chủ của chủ, tiết ra vài giọt nước mắt cá sấu, hay phá hoại dự án của đồng nghiệp, hay khiến một bệnh nhân (hay một đứa trẻ) cảm thấy rối tung đầu óc, nhử mồi ai đó với những lời hứa hão, hay đưa ra một thông tin giả nào đó mà không ai phát hiện.

Hoặc giả sử bạn là một người có khuynh hướng bạo lực hay thích nhìn thấy bạo lực. Bạn có thể giết đồng nghiệp của mình hay thuê người giết cô ta, hay ông chủ của bạn, hay vợ cũ, hay chồng của cô bồ giàu có của bạn, hay bất cứ ai làm bạn bực mình. Bạn phải cẩn thận, vì nếu không khéo, bạn có thể bị bắt và bị trừng phạt bởi luật pháp. Nhưng bạn sẽ không bao giờ phải đối mặt với lương tâm của mình, bởi vì bạn không có lương tâm. Nếu bạn quyết định giết người, những khó khăn duy nhất là ở bên ngoài. Sẽ không có tiếng nói phản đối nào trong nội tâm của bạn.

Chỉ cần bạn không bị buộc phải dừng lại, bạn có thể làm bất cứ điều gì. Nếu bạn sinh ra vào đúng thời điểm, được thừa kế cơ nghiệp gia đình, và bạn đặc biệt có tài khơi dậy lòng hận thù và cảm giác bị tước đoạt ở những người khác, bạn có thể sắp xếp để giết hại một số lớn những người khác mà họ không nghi ngờ gì. Nếu có đủ tiền, bạn có thể thực hiện việc này từ xa, nơi bạn có thể ngả lưng ngồi xem trong an toàn và thỏa mãn. Trên thực tế, khủng bố (thực hiện từ xa) là nghề nghiệp lý tưởng đối với một người khát máu và không có lương tâm, bởi vì nếu bạn làm đúng cách, bạn có thể làm cả một nước náo loạn. Nếu đấy không phải là quyền lực thì còn là gì nữa?

Hoặc hãy tưởng tượng thái cực đối lập: Bạn không quan tâm đến quyền lực chút nào. Ngược lại, bạn là loại người không thực sự muốn bất cứ thứ gì. Tham vọng thực sự duy nhất của bạn là không phải làm việc để kiếm sống. Bạn không muốn làm việc như mọi người khác. Không có lương tâm, bạn có thể ngủ nướng hay làm những việc bạn thích hay xem vô tuyến hay đi chơi đâu đó suốt ngày. Sống bên lề xã hội, và với một chút bố thí từ người thân hay bạn bè, bạn có thể sống như vậy bao lâu cũng được. Mọi người có thể thì thầm to nhỏ rằng bạn kém cỏi hay bạn bị trầm cảm, là một trường hợp đáng buồn, hoặc ngược lại, nếu họ nổi cáu lên, họ có thể cằn nhằn rằng bạn lười biếng. Với những ai gần gũi với bạn hơn, khi họ thực sự tức giận, họ có thể hét vào mặt bạn, gọi bạn là đồ tồi, đồ ăn bám. Nhưng họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng bạn thực sự không có lương tâm, rằng ở mức độ cơ bản nhất, tâm hồn của bạn không giống như của họ.

Cảm giác hoang mang của một lương tâm tội lỗi không bao giờ bóp nghẹt trái tim bạn hay làm bạn thức dậy giữa đêm khuya. Bất chấp lối sống của mình, bạn không bao giờ cảm thấy vô trách nhiệm, hay thậm chí ngay cả xấu hổ, mặc dù để có vẻ bề ngoài thích hợp, đôi khi bạn cũng giả vờ như vậy. Ví dụ, nếu bạn giỏi quan sát mọi người và những phản ứng của họ, bạn có thể trưng lên một bộ mặt thất thần, nói bạn rất xấu hổ về lối sống của mình, và rồi nói về việc bạn cảm thấy khó chịu như thế nào. Bạn làm thế chỉ vì để mọi người nghĩ rằng bạn đang bị trầm cảm thì dễ chịu hơn là lúc nào cũng để họ hét vào mặt bạn hay bắt bạn đi tìm một việc nào đó.

Bạn nhận thấy những người có lương tâm cảm thấy có lỗi sau khi họ cãi cọ với một người mà họ tin rằng đang bị “trầm cảm” hay “có vấn đề”. Thực tế nhiều khi còn tốt hơn thế nữa, họ thường cảm thấy có trách nhiệm phải chăm sóc cho một người như vậy. Nếu như, bất chấp hoàn cảnh bần cùng của bạn, bạn có được quan hệ tình cảm với ai đó thì người này, không hề nghi ngờ bạn thực sự là thế nào, sẽ cảm thấy đặc biệt có trách nhiệm. Và vì tất cả những gì bạn muốn là không phải làm việc, người cấp tiền cho bạn không cần phải giàu có cho lắm, chỉ cần đảm bảo là bị ràng buộc bởi lương tâm.

Tôi tin rằng tưởng tượng bạn là một trong những người đó là một việc điên rồ đối với bạn, bởi vì họ đúng là điên, điên một cách nguy hiểm. Điên rồ nhưng có thật, họ thậm chí có tên gọi. Nhiều chuyên gia tâm thần gọi trạng thái không có lương tâm là “rối loạn nhân cách chống xã hội” (antisocial personality disorder), một loại biến dạng tính cách không chữa được và hiện được cho là tồn tại trong khoảng 4 phần trăm dân số - nghĩa là 1 trong 25 người. Tình trạng không có lương tâm này còn được gọi bằng những tên khác, thường gặp nhất là “thái nhân cách” (psychopathy). Trên thực tế, tình trạng không biết hối hận là rối loạn nhân cách đầu tiên được công nhận trong tâm thần học, và những thuật ngữ dùng để chỉ nó trong thế kỷ vừa qua bao gồm bệnh tâm lý thấp kém (psychopathic inferiority), điên dại về mặt luân lý (moral insanity), và đần độn về mặt luân lý (moral imbecility).

Theo cuốn Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder IV (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần IV) của American Psychiatric Association (Hiệp hội tâm thần học Mỹ), được coi là chuẩn mực trong lĩnh vực tâm thần hiện nay, chẩn đoán lâm sàng “rối loạn nhân cách chống xã hội” nên được xem xét tới nếu một cá nhân có ít nhất ba trong số bảy đặc điểm sau đây: (1) không tuân theo các chuẩn mực xã hội; (2) lừa dối và thủ đoạn; (3) bốc đồng, không lập kế hoạch trước; (4) dễ cáu gắt, hung hăng; (5) coi nhẹ an toàn của bản thân và người khác; (6) thường xuyên vô trách nhiệm; (7) không hối hận sau khi làm tổn thương, đối xử tệ hay lấy cắp của ai đó. Sự có mặt của bất cứ ba trong số các “triệu chứng” trên trong một cá nhân là đủ để khiến nhiều bác sĩ tâm thần nghi rối loạn nhân cách chống xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu và bác sĩ khác cho rằng định nghĩa trên của APA mô tả tính chất tội phạm nói chung thì đúng hơn là chứng thái nhân cách đích thực. Họ chỉ ra những đặc điểm khác đã được ghi nhận của những kẻ thái nhân cách. Một trong những đặc điểm thường thấy là tính lém lỉnh và vẻ hấp dẫn bề ngoài. Nó cho phép kẻ thái nhân cách quyến rũ người khác, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là một sức thu hút mà lúc đầu có thể khiến kẻ thái nhân cách tỏ ra hấp dẫn và thú vị hơn hầu hết những người bình thường xung quanh. Anh ta hay cô ta có vẻ tự nhiên hơn, hay sôi nổi hơn, hay “phức tạp” hơn, hay gợi cảm hơn, hay thú vị hơn mọi người khác. Đôi khi sức thu hút thái nhân cách này được đi kèm với một thái độ phô trương mà lúc đầu có vẻ hấp dẫn nhưng sau khi để ý kỹ, lại tỏ ra kỳ quặc hay tức cười. (“Một ngày nào đó thế giới sẽ nhận ra tôi là người đặc biệt thế nào,” hay “Em biết rằng sau tôi, không có người tình nào làm được như vậy.”)

Thêm vào đó, những kẻ thái nhân cách có nhu cầu được kích thích cao hơn bình thường. Điều này dẫn đến việc chúng thường thực hiện những hành vi có nguy cơ cao về mặt thể chất, xã hội, tài chính hay luật pháp. Đúng như đặc tính của mình, chúng có thể dụ dỗ những người khác cùng thực hiện những vụ việc mạo hiểm. Chúng còn được biết tới qua đặc tính nói dối và lừa gạt đến mức bệnh hoạn, và quan hệ ăn bám với các “bạn bè” của chúng. Dù là có học thức hay địa vị cao đến mức nào khi trưởng thành, chúng thường có một lịch sử những vấn đề về hành vi khi còn bé, đôi khi bao gồm việc sử dụng thuốc kích thích hay tiền án, tiền sự, và luôn luôn chối bỏ trách nhiệm về bất cứ vấn đề nào xảy ra.

Và đặc điểm nổi bật của những kẻ thái nhân cách là sự hời hợt về tình cảm của chúng, bản chất nông cạn và ngắn ngủi của mọi cảm xúc thương yêu mà chúng tự nhận là có và sự nhẫn tâm đến đáng kinh ngạc. Chúng không có dấu vết nào của khả năng thấu cảm và không có quan tâm thực sự nào trong việc gắn bó tình cảm với người bạn đời. Một khi vẻ hấp dẫn bề ngoài bị mất đi, những cuộc hôn nhân của chúng là không có tình yêu, một chiều và gần như luôn luôn là ngắn ngủi. Nếu người bạn đời có chút giá trị nào đối với kẻ thái nhân cách, đấy là vì cô ta hay anh ta được coi như một vật sở hữu, một thứ kẻ thái nhân cách có thể cảm thấy tức giận khi bị mất, nhưng không bao giờ buồn rầu hay cảm thấy chịu trách nhiệm.

Tất cả những đặc điểm này, cùng với những “triệu chứng” liệt kê bởi American Psychiatric Association, là những biểu hiện hành vi của một trạng thái tâm lý mà hầu hết chúng ta không thể tưởng tượng được, sự vắng mặt của cái gần như là giác quan thứ bảy của chúng ta – lương tâm.

Điên rồ, đáng sợ - và có thật trong khoảng 4 phần trăm dân số.

Nhưng con số 4 phần trăm có nghĩa thế nào với xã hội? Để liên hệ với những vấn nạn chúng ta nghe nói thường xuyên hơn, hãy xem thử những thống kê sau: Tỉ lệ phổ biến của chứng rối loạn chán ăn ước tính là 3.43 phần trăm, và được coi gần như là bệnh dịch. Thế mà con số này vẫn còn thấp hơn tỉ lệ của chứng rối loạn nhân cách chống xã hội. Tâm thần phân liệt, một chứng rối loạn nhân cách được nhiều người biết đến, chỉ xảy ra ở 1 phần trăm dân số - chỉ bằng một phần tư tỉ lệ nhân cách chống xã hội. Và tỉ lệ ung thư đại tràng ở Mỹ, một tỉ lệ được các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cho là “cao một cách đáng báo động”, là khoảng 40 trên 100.000 - một trăm lần nhỏ hơn tỉ lệ nhân cách chống xã hội. Nói một cách ngắn gọn hơn, trong chúng ta có nhiều kẻ thái nhân cách hơn những người bị chứng rối loạn chán ăn vẫn được nói đến rùm beng trên đài báo. Số kẻ thái nhân cách cũng nhiều gấp bốn lần số bệnh nhân tâm thần phân liệt và gấp 100 lần số người bị chẩn đoán là mắc ung thư đại tràng.

Là một bác sĩ tâm thần, tôi chuyên về chữa trị cho các bệnh nhân bị chấn thương tâm lý. Trong 25 năm qua, tôi đã làm việc với hàng trăm bệnh nhân, những người phải chịu các nỗi đau tinh thần mỗi ngày trong cuộc đời họ vì những lạm dụng họ bị trải qua trong thời thơ ấu hay những trải nghiệm khủng khiếp khác trong quá khứ. Như tôi mô tả trong cuốn The Myth of Sanity (Tính hoang đường của sự tỉnh táo), các bệnh nhân chấn thương tâm lý của tôi bị hàng loạt triệu chứng dày vò, bao gồm lo âu thường xuyên, trầm cảm đến mức không làm việc được, và trạng thái tâm thần phân ly. Cảm thấy không thể chịu nổi cuộc sống của họ trên cõi đời này, nhiều người trong số họ đã đến gặp tôi sau khi hồi phục từ những lần tự sát không thành. Một số bị chấn thương từ những thảm họa nhân tạo và thiên tạo như chiến tranh, động đất, nhưng phần lớn trong số họ đã bị khống chế và tàn hại về mặt tinh thần bởi các thủ phạm là những kẻ thái nhân cách – đôi khi là những kẻ thái nhân cách lạ mặt, nhưng tiêu biểu hơn là do cha mẹ, họ hàng lớn tuổi hơn hay anh chị em là thái nhân cách. Trong khi giúp đỡ các bệnh nhân của tôi và gia đình họ đương đầu với những tổn hại trong cuộc sống của họ, và khi nghiên cứu lịch sử các trường hợp đó, tôi nhận ra rằng tổn thương gây ra bởi những kẻ thái nhân cách lên chúng ta là sâu sắc và lâu dài, đôi khi đến mức chết người, và phổ biến đến mức đáng sợ. Sau khi làm việc với hàng trăm bệnh nhân, tôi tin rằng rằng đối mặt công khai và trực tiếp với thực tế về chứng thái nhân cách là một điều cấp thiết cho tất cả chúng ta.

Khoảng một trong mỗi 25 cá nhân là thái nhân cách, nghĩa là, nói một cách nôm na, họ không có lương tâm. Không phải là nhóm người này không hiểu được sự khác biệt giữa cái tốt và cái xấu; nó là ở chỗ sự phân biệt này không hề hạn chế hành vi của họ. Sự phân biệt về lý trí giữa điều phải và trái không bật lên trong họ tiếng còi báo động và đèn nhấp nháy, hay lòng kính sợ Chúa, như nó vẫn làm với phần còn lại của chúng ta. Không bị cản trở bởi một chút xíu cảm giác tội lỗi hay hối hận nào, một trong mỗi 25 người có thể làm bất cứ điều gì.

Tỉ lệ cao của chứng thái nhân cách trong xã hội con người có ảnh hưởng sâu sắc lên phần còn lại của chúng ta, những người cũng phải sống trên hành tinh này, ngay cả những người chưa bị tổn thương lâm sàng về tâm lý. Các cá nhân trong cái 4 phần trăm ấy làm tổn thương các mối quan hệ của chúng ta, vét sạch tài khoản ngân hàng của chúng ta, làm kiệt quệ lòng tự trọng của chúng ta, lấy đi các thành quả của chúng ta, và ngay cả sự yên ổn của chúng ta trên trái đất. Vậy mà đáng ngạc nhiên là nhiều người không biết gì về chứng rối loạn này, hoặc nếu có biết, họ chỉ nghĩ về phần bạo lực của chứng thái nhân cách - những kẻ giết người hay giết người hàng loạt - những kẻ vi phạm pháp luật nhiều lần một cách rõ ràng, những kẻ nếu bị bắt sẽ bị bỏ tù, hay thậm chí có thể bị tử hình bởi hệ thống luật pháp của chúng ta. Chúng ta thường không biết đến và cũng thường không nhận ra con số lớn hơn của những kẻ thái nhân cách không bạo lực, những kẻ thường không vi phạm pháp luật một cách rõ ràng, những kẻ mà hệ thống pháp luật chính thống của chúng ta hầu như bất lực.

Hầu hết chúng ta không hình dung được mối liên hệ nào giữa việc thai nghén một kế hoạch diệt chủng và việc nói dối với ông chủ về đồng nghiệp mà không chút hối hận. Thế nhưng mối liên hệ về tâm lý không chỉ tồn tại ở đó; nó làm ta ớn lạnh. Đơn giản mà sâu sắc, mối liên hệ giữa hai trường hợp là sự thiếu vắng cái cơ chế tình cảm bên trong khiến chúng ta day dứt mỗi khi chúng ta làm việc gì mà chúng ta cho là vô đạo đức, trái với luân lý, vô trách nhiệm hay ích kỉ. Hầu hết chúng ta cảm thấy có lỗi một chút nếu chúng ta ăn miếng bánh cuối cùng trong bếp, chứ đừng nói đến khi chúng ta tìm cách hại người khác một cách cố tình và có hệ thống. Những kẻ không có chút lương tâm nào tạo thành một nhóm riêng biệt, dù chúng là những tên bạo chúa giết người hay chỉ là những kẻ nhẫn tâm đâm bị thóc chọc bị gạo trong xã hội.

Sự hiện diện hay vắng mặt của lương tâm là một sự phân chia sâu sắc trong loài người, có thể nói còn quan trọng hơn là trí thông minh, chủng tộc hay thậm chí giới tính. Cái phân biệt giữa một kẻ thái nhân cách sống ăn bám vào sức lao động của người khác với một kẻ thỉnh thoảng đi cướp các cửa hàng nhỏ hay một tên tướng cướp – cái tạo nên sự khác biệt giữa một thằng du côn bình thường và một tên giết người thái nhân cách - chỉ là địa vị xã hội, động cơ, trí thông minh, sự khát máu, hay đơn giản là cơ hội. Cái phân biệt tất cả những kẻ này và phần còn lại của chúng ta là cái lỗ trống sâu thẳm trong nhân cách, nơi mà lẽ ra tồn tại cái cao nhất của tính người.

Đối với 96 phần trăm còn lại của chúng ta, lương tâm là một phần cơ bản đến mức chúng ta hiếm khi thậm chí nghĩ về nó. Trong hầu hết trường hợp, nó hoạt động như một phản xạ. Trừ phi sự cám dỗ là cực kỳ lớn (và thật may mắn rằng trong cuộc sống bình thường, điều đó thường không xảy ra), chúng ta không cần phải cân nhắc về mỗi câu hỏi luân lý chúng ta gặp phải. Chúng ta không phải tự hỏi, Hôm nay liệu tôi có cho con tôi tiền ăn trưa hay không? Hôm nay liệu tôi có đánh cắp cặp tài liệu của đồng nghiệp không? Hôm nay liệu tôi có bỏ vợ đi với người khác không? Lương tâm quyết định thay chúng ta trong tất cả những trường hợp đó một cách thầm lặng, tự động và liên tục đến mức cả trong lúc trí tưởng tượng bay bổng nhất, chúng ta cũng không thể tưởng tượng được một cuộc sống không có lương tâm. Và vì vậy, lẽ tự nhiên là khi một ai đó có một lựa chọn thực sự vô lương tâm, tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ đến là những giải thích khác xa sự thật: Cô ấy quên đưa tiền cho con. Đồng nghiệp của người ấy chắc là để thất lạc cặp tài liệu ở đâu đó. Vợ anh ta chắc hẳn có tính khí khó chịu đến mức không thể chịu nổi. Hoặc là chúng ta nghĩ ra những nhãn hiệu mà nếu không xem xét cẩn thận, gần như có thể giải thích được hành vi chống xã hội của những người ấy: Anh ta “lập dị”, hay “nghệ sĩ”, hay “rất có tinh thần tranh đấu”, hay “lười biếng”, hay “không biết gì”, hay “lúc nào cũng lêu lổng như vậy”.

Ngoại trừ những con quái vật thái nhân cách chúng ta thỉnh thoảng thấy trên vô tuyến với những hành vi quá kinh khiếp để có thể giải thích theo cách thông thường, những kẻ không có lương tâm gần như luôn vô hình đối với chúng ta. Chúng ta rất quan tâm đến việc bản thân chúng ta và những người khác thông minh đến đâu. Một đứa trẻ bé xíu cũng phân biệt được con trai và con gái. Chúng ta có những cuộc chiến tranh vì lý do chủng tộc. Nhưng đối với điều có lẽ là có ý nghĩa nhất đang chia rẽ loài người - sự có mặt hay vắng mặt của lương tâm – chúng ta hầu như mù tịt.

Rất ít người, dù họ có học vấn cao đến đâu trong các lĩnh vực khác, biết nghĩa của từ thái nhân cách. Số người biết rằng rất có thể từ đó áp dụng cho một số người họ biết còn ít hơn nữa. Và ngay cả sau khi chúng ta đã biết cái nhãn hiệu ấy, hầu hết mọi người vẫn không thể hình dung được trạng thái hoàn toàn không có lương tâm. Trên thực tế, khó có thể tìm được một trải nghiệm nào khác khó có sự thấu cảm hơn. Mù hoàn toàn, trầm cảm lâm sàng, khiếm khuyết sâu sắc về nhận thức, trúng xổ số độc đắc, và hàng ngàn trải nghiệm cực điểm khác của con người, ngay cả loạn tâm thần, đều có thể tưởng tượng được. Chúng ta đều đã từng bị lạc trong bóng tối, Chúng ta đều đã từng bị trầm cảm chút ít. Chúng ta đều đã từng cảm thấy ngốc nghếch, ít nhất là một hoặc hai lần. Hầu hết chúng ta đã liệt kê trong đầu những gì chúng ta sẽ làm nếu tự nhiên được một đống tiền. Và trong giấc mơ ban đêm, suy nghĩ và các hình ảnh trong đầu chúng ta trở nên lẫn lộn.

Nhưng không quan tâm chút nào đến hậu quả của các hành vi của chúng ta lên xã hội, lên bạn bè, lên gia đình, lên con cái của chúng ta? Không biết nó giống cái quái gì? Chúng ta sẽ làm gì với bản thân? Không có một trải nghiệm nào trong đời chúng ta, dù là lúc thức hay lúc ngủ, cho chúng ta biết được. Cái gần nhất mà chúng ta có lẽ đã trải qua là bị đau đớn về thể xác đến mức khả năng suy nghĩ và hành động của chúng ta tạm thời bị tê liệt. Nhưng ngay cả trong lúc bị đau, cảm giác ân hận vẫn tồn tại. Hoàn toàn không có cảm giác ân hận là không thể tưởng tượng được.

Lương tâm là người quản đốc toàn năng nhất của chúng ta, đặt ra luật lệ cho các hành vi của chúng ta và trừng phạt về mặt tinh thần khi chúng ta vi phạm. Chúng ta chưa bao giờ yêu cầu được có lương tâm. Nó đơn giản là tồn tại ở đó, mọi lúc, như là lá phổi hay trái tim. Nói một cách nào đó, chúng ta thậm chí không thể tự nhận công trạng là đã có nó. Và chúng ta không thể tưởng tượng sẽ cảm giác thế nào nếu không có nó.

Tình trạng không biết ân hận còn đặc biệt gây bối rối trong giới y học. Không như ung thư, chứng chán ăn, tâm thần phân liệt, trầm cảm, hay thậm chí chứng ái kỷ (narcissism), chứng thái nhân cách có vẻ như mang một khía cạnh luân lý. Những kẻ thái nhân cách hầu như luôn luôn bị nhìn nhận là xấu xa, quỷ dữ, ngay cả bởi (và có lẽ là đặc biệt bởi) các bác sĩ tâm thần và quan điểm rằng những bệnh nhân này là gớm ghiếc về mặt đạo đức hay đáng sợ thể hiện rất rõ trong các tài liệu chuyên môn.

Robert Hare, giáo sư tâm lý học tại trường đại học British Columbia, đã phát triển một bảng tóm tắt gọi là Psychopathy Checklist (Bảng kiểm tra thái nhân cách), hiện đã được chấp nhận như một công cụ chẩn đoán tiêu chuẩn cho các nhà nghiên cứu và bác sĩ trên toàn thế giới. Về các đối tượng của mình, nhà khoa học vô tư không thiên vị này viết, “Tất cả mọi người, kể cả các chuyên gia, đều có thể bị lừa, bị điều khiển và làm cho bối rối, hoang mang. Một kẻ thái nhân cách giỏi có thể chơi bản concerto trên các sợi dây tình cảm của bất cứ ai… Sự phòng thủ tốt nhất bạn có được là từ việc hiểu bản chất của những con thú hình người này.” Và Hervey Cleckley, tác giả của tài liệu kinh điển The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự đạo mạo), nói về kẻ thái nhân cách thế này: “Đẹp hay xấu, ngoại trừ trên một nghĩa rất phiến diện, thiện hay ác, tình yêu, sự kinh dị, tính hài hước không có ý nghĩa gì, không làm hắn động tâm chút nào.”

Có thể lập luận dễ dàng rằng “thái nhân cách” (psychopathy dịch nghĩa đen là tâm bệnh) và “rối loạn nhân cách chống xã hội” là những thuật ngữ sai lệch, phản ánh một hỗn hợp không bền vững của các khái niệm, và rằng dùng sự vắng mặt của lương tâm như là một tiêu chuẩn cho bệnh tâm thần thực ra không có nghĩa ngay từ đầu. Về mặt này, một lưu ý quan trọng là tất cả các chẩn đoán tâm thần khác (kể cả chứng ái kỷ) đều đem lại những sự đau đớn hay khó chịu cho người mang bệnh. Chứng thái nhân cách đứng riêng biệt là “căn bệnh” duy nhất không gâycho người mang nó chút khó chịu chủ quan nào. Những kẻ thái nhân cách thường rất hài lòng với bản thân và cuộc sống của chúng, và có lẽ vì chính lý do này, không có phương thức “chữa trị” có hiệu quả nào. Thông thường, những kẻ thái nhân cách chỉ tìm đến chữa trị khi bị tòa án bắt buộc, hay khi có những lợi ích nào khác từ việc trở thành bệnh nhân. Mong muốn được chữa khỏi không bao giờ là mục đích thực sự. Tất cả những điều này dẫn đến câu hỏi là liệu sự vắt mặt của lương tâm có phải là một căn bệnh tâm thần, hay là một tên gọi về mặt pháp luật, hay là một cái gì khác hoàn toàn.

Đặc biệt trong khả năng gây hoang mang ngay cả ở những chuyên gia lâu năm, khái niệm thái nhân cách tiến rất gần đến những khái niệm của chúng ta về linh hồn, chính và tà, và sự liên hệ này gây khó khăn cho việc suy nghĩ rõ ràng về chủ đề này. Và bản chất ta và địch không tránh khỏi của vấn đề này dẫn đến những câu hỏi khó trả lời về mặt khoa học, luân lý và chính trị. Làm sao để nghiên cứu một cách khoa học một vấn đề có vẻ có một phần luân lý trong đó? Ai là người cần được giúp đỡ trong vấn đề ấy, “người bệnh” hay những người phải chịu đựng họ? Các nghiên cứu tâm lý đang đưa ra những phương pháp để “chẩn đoán” chứng thái nhân cách, những ai là người cần được kiểm nghiệm? Trong một xã hội tự do, liệu có nên kiểm nghiệm thái nhân cách trên bất cứ một người nào không? Và nếu một người đã được xác định rõ ràng là thái nhân cách, liệu xã hội có thể làm gì với thông tin đó? Không có chẩn đoán nào khác đem lại những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị và chuyên môn như vậy, và chứng thái nhân cách, với mối liên hệ đến những hành vi từ đánh vợ và hiếp dâm cho đến giết người hàng loạt và gây chiến tranh, về một phương diện nào đó là ranh giới cuối cùng và đáng sợ nhất của tâm lý học.

Những câu hỏi đáng sợ nhất là những câu hỏi hiếm khi được nhắc đến, dù chỉ thì thầm: Liệu chúng ta có thể nói chắc chắn rằng chứng thái nhân cách là một căn bệnh đối với người mang nó không? Liệu chứng thái nhân cách có phải là một chứng rối loạn không, hay nó là hữu dụng? Cũng không dễ chịu tương đương là sự không rõ ràng đối với câu hỏi ngược lại: Liệu lương tâm có phải là điều tốt cho cá nhân, hay tập thể có nó không? Hay là lương tâm, như một số kẻ thái nhân cách đã ngụ ý, chỉ là một rào cản tâm lý cho quần chúng? Dù chúng ta nói thành lời hay không, những suy nghĩ như trên đang hiện ra lù lù trên hành tinh này nơi mà trong hàng ngàn năm cho đến tận hiện tại, những cái tên nổi tiếng nhất luôn thuộc về những người có thể hành động phi luân lý ở phạm vi đủ lớn. Và trong thời đại ngày nay, lợi dụng người khác hầu như đã trở thành mốt thời thượng, và các phương thức kinh doanh vô lương tâm có vẻ là cách duy nhất đem lại của cải vô tận. Ở mức độ cá nhân, hầu hết chúng ta đều có những ví dụ từ cuộc sống của chính chúng ta về một người vô liêm sỉ nào đó đã thành công và có những lúc giữ nguyên tắc đạo đức có vẻ như là một điều ngu ngốc.

Có phải là những kẻ gian lận không bao giờ khá được, hay thực ra là những người tốt luôn về đích sau cùng? Liệu thiểu số vô liêm sỉ ấy có thống trị trái đất không?

Những câu hỏi ấy phản ánh một trong những mối quan tâm chính của cuốn sách này, một chủ đề xảy ra với tôi từ ngay sau tai họa ngày 11/9/2001, đẩy tất cả những người có lương tâm vào sự đau đớn dằn vặt, một số vào sự tuyệt vọng. Thông thường tôi là một người lạc quan, nhưng lúc đó, cùng với một số nhà tâm lý học và những người nghiên cứu bản chất con người khác, tôi lo ngại rằng đất nước tôi và nhiều nước khác sẽ rơi vào những cuộc xung đột đầy thù hằn và những cuộc chiến tranh báo thù sẽ ám ảnh chúng ta trong nhiều năm tới. Tự nhiên, một dòng từ một bài hát chiếm lĩnh tâm trí tôi mỗi khi tôi cố thư giãn hay đi ngủ: “Sa tăng, cười, giang rộng cánh.” Hình ảnh Sa tăng giang cánh trong tâm trí tôi, phá lên cười một cách cay độc và bay lên từ đống đổ nát, không phải là một kẻ khủng bố mà là một kẻ thủ đoạn quỷ quyệt dùng hành vi của những kẻ khủng bố để thổi bùng lên ngọn lửa hận thù trên toàn cầu.

Tôi bắt đầu quan tâm đến chủ đề hiện tại về chứng thái nhân cách và lương tâm trong một cuộc nói chuyện điện thoại với một đồng nghiệp của tôi, một người đàn ông tốt và bình thường vẫn lạc quan, hay động viên mọi người nhưng lúc đó choáng váng và nản chí với thế giới xung quanh. Khi đó chúng tôi đang thảo luận về một bệnh nhân chung. Xu hướng muốn tự vẫn của bệnh nhân đó đã trở nên xấu đi một cách đáng báo động, có vẻ như nguyên nhân là từ các thảm họa vừa xảy ra trong nước Mỹ (và tôi vui mừng thông báo bệnh nhân này đã có nhiều cải thiện đáng kể từ lúc đó). Đồng nghiệp của tôi nói rằng ông cảm thấy thật có lỗi vì bản thân ông đang rất bối rối và không có đủ năng lượng tinh thần như bình thường để dành cho người bệnh đó. Người bác sĩ với lòng thương yêu và tinh thần trách nhiệm phi thường này, trong khi cũng bị khủng hoảng như mọi người khác về các sự việc mới xảy ra, tin rằng ông đang xao lãng trách nhiệm. Giữa lúc đang tự chỉ trích bản thân, ông dừng lại, thở dài và nói với tôi với một giọng mệt mỏi khác hẳn thường ngày, “Cô biết không, đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao phải có lương tâm? Nó chỉ làm chúng ta bị thua thiệt.”

Tôi cực kỳ sửng sốt với câu hỏi này, chủ yếu là vì sự nhạo báng chua cay hoàn toàn không giống tinh thần vui vẻ nồng nhiệt thường ngày của ông ta. Sau một lúc, tôi trả lời bằng một câu hỏi khác. Tôi nói, “Vậy cho tôi biết, Bernie. Nếu anh có thể lựa chọn, tôi muốn nói là thực sự, theo nghĩa đen, có một lựa chọn trong vấn đề này - mặc dù dĩ nhiên là anh không có - liệu anh chọn để có lương tâm như anh đang có, hay anh muốn trở thành thái nhân cách, và có thể làm… bất cứ điều gì?”

Ông ta suy nghĩ một lát rồi nói, “Cô nói đúng. Tôi sẽ chọn để có lương tâm.”

“Tại sao?” tôi hỏi dồn.

Một chút im lặng nữa rồi tiếp đến “Bởi vì…” kéo dài. Cuối cùng, ông nói, “Cô biết không, Martha, tôi không biết tại sao. Tôi chỉ biết tôi sẽ chọn lương tâm.”

Và có lẽ tôi mong quá mà tưởng tượng ra, nhưng có vẻ như sau tuyên bố đó, có một thay đổi nho nhỏ trong giọng của Bernie. Nó nghe ít có vẻ đầu hàng hơn, và chúng tôi bắt đầu nói về những kế hoạch mà một trong những tổ chức chuyên môn của chúng tôi đang chuẩn bị để giúp người dân ở New York và Washington.

Sau cuộc nói chuyện đó, và một thời gian dài sau đó, tôi suy nghĩ về câu hỏi của người đồng nghiệp, “Tại sao phải có lương tâm?” và về lựa chọn của ông để bị ràng buộc bởi lương tâm hơn là thoát khỏi ràng buộc đó, và về việc ông không biết tại sao ông sẽ lựa chọn như vậy. Một nhà luân lý học hay nhà thần học sẽ có thể trả lời, “Bởi vì nó là đúng,” hay “Bởi vì tôi muốn là một người tốt.” Nhưng nhà tâm lý học bạn tôi không thể đưa ra một câu trả lời trên phương diện tâm lý.

Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng chúng ta cần biết lý do tâm lý. Đặc biệt là bây giờ, trong một thế giới có vẻ sẵn sàng tự sụp đổ bởi những mưu đồ tài chính quốc tế, khủng bố, và các cuộc chiến tranh hận thù, chúng ta cần biết tại sao, trên phương diện tâm lý, là một người có lương tâm lại tốt hơn là một người không bị ràng buộc bởi cảm giác ăn năn hối hận. Câu trả lời của tôi, với tư cách là một nhà tâm lý học, cho câu hỏi, “Tại sao phải có lương tâm?” là một phần của cuốn sách này. Trước khi đến các lý do, tôi thảo luận về những con người không có lương tâm, những kẻ thái nhân cách – chúng cư xử thế nào, chúng cảm giác thế nào - để rồi chúng ta có thể xem xét một cách có ý nghĩa hơn giá trị, đối với 96 phần trăm còn lại của chúng ta, của việc sở hữu một đặc tính có thể đem lại sự đau đớn, và – vâng, đúng là như vậy - sự hạn chế. Những trang tiếp theo là lời ngợi ca của một nhà tâm lý học cho tiếng nói bé nhỏ ấy, và cho đại đa số nhân loại, những người được ban một lương tâm. Nó là một cuốn sách dành cho những người không thể tưởng tượng một cách sống nào khác.

Cuốn sách này còn là cố gắng của tôi để cảnh báo những người tốt về “kẻ thái nhân cách ở nhà bên”, và giúp họ đối phó. Với tư cách một nhà tâm lý học và một con người, tôi đã chứng kiến quá nhiều cuộc đời gần như bị hủy hoại hoàn toàn bởi hành động của thiểu số vô lương tâm. Những kẻ đó vừa nguy hiểm lại vừa đặc biệt khó nhận ra. Ngay cả khi chúng không bạo lực – và đặc biệt khi chúng quen thuộc và gần gũi với chúng ta – chúng vẫn hoàn toàn có thể phá hoại cuộc sống mọi người, và làm xã hội nói chung trở nên mất an toàn. Đối với tôi, sự thống trị của những kẻ không có chút lương tâm nào đối với phần còn lại của chúng ta là một ví dụ đặc biệt phổ biến và đáng sợ của cái mà nhà viết tiểu thuyết F. Scott Fitzgerald gọi là “sự cai trị của kẻ yếu”. Và tôi tin rằng tất cả những người có lương tâm cần học để biết hành vi hàng ngày của những kẻ này như thế nào để họ có thể nhận biết và đối phó một cách có hiệu quả với những kẻ nhẫn tâm và suy đồi về đạo đức.

Nói về lương tâm, chúng ta có vẻ như là một loài của những thái cực. Chúng ta chỉ cần bật vô tuyến lên để thấy sự đối nghịch đáng kinh ngạc ấy, để thấy hình ảnh của những người bò rạp xuống để giải cứu một con chó con khỏi ống cống, tiếp ngay sau đó là tường thuật về những kẻ khác tàn sát phụ nữ và trẻ em và chồng xác chết lên thành đống. Và mặc dù có lẽ không gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta cũng thấy những sự đối nghịch đầy rẫy. Buổi sáng, một phụ nữ nào đó vui vẻ đuổi theo để đưa cho chúng ta đồng tiền chúng ta vừa đánh rơi, và buổi chiều, một người khác cười khẩy và chèn qua đầu xe chúng ta.

Do những hành động hoàn toàn trái ngược mà chúng ta chứng kiến hàng ngày, chúng ta cần nói một cách cởi mở về cả hai thái cực của nhân cách và hành vi con người. Để tạo ra một thế giới tốt hơn, chúng ta cần hiểu bản chất những kẻ thường hành động ngược lại với lợi ích cộng đồng và làm vậy mà bị vướng bận chút nào về tinh thần. Chỉ bằng cách cố gắng khám phá bản chất của sự độc ác nhẫn tâm, chúng ta mới có thể tìm được những cách để con người có thể chiến thắng nó, và chỉ bằng cách nhận biết bóng tối, chúng ta mới có thể thực sự tìm đến với ánh sáng.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những kẻ thái nhân cách lên cuộc sống của chúng ta. Tự mỗi cá nhân những người có lương tâm có thể học cách nhận diện “kẻ thái nhân cách ở nhà bên”, và với tri thức ấy có thể làm thất bại những mục tiêu hoàn toàn ích kỷ của chúng. Ít nhất, họ có thể tự bảo vệ bản thân và những người thân của họ khỏi những thủ đoạn đê tiện của chúng.

Về tác giả:

Tiến sĩ Martha Stout là một nhà tâm lý học người Mỹ. Bà là giảng viên tại khoa tâm thần học của Khoa Y, trường đại học Harvard và đồng thời khám bệnh tại phòng khám tư của mình được 25 năm nay. Bà hiện đang sống tại Cape Ann, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Xem tiếp:



1 nhận xét:

  1. Tại sao bản dịch này lại không có các chương mang số lẻ như chương 1,3,5,... ạ ?

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.