Bài viết theo chủ đề

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 14: Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn


Vào năm 1994, một khám phá làm rung chuyển cả giới y học. Các nhà khoa học phát hiện ra một hooc-môn quan trọng mà trước đó họ không hề biết. Hơn thế nữa, nó không phải chỉ là một hooc-môn quan trọng; nó là một hooc-môn có ảnh hưởng đến tất cả các hooc-môn khác và kiểm soát hầu như tất cả hoạt động của vùng dưới đồi trong não bộ. Họ tìm ra nó ở nơi mà không ai ngờ tới: trong các tế bào mỡ của chúng ta.


Tên của hooc-môn đó là leptin.

Trước khi leptin được phát hiện ra, các nhà khoa học tin rằng mỡ trong cơ thể chỉ là một khối thừa xấu xí không ai muốn có mà cơ thể dùng để dự trữ năng lượng thừa. Quan điểm này về mỡ đã vĩnh viễn thay đổi. Bây giờ người ta hiểu rằng mỡ trong cơ thể là một cơ quan nội tiết phức tạp và tinh vi.

Một mục đích chủ yếu của leptin là phối hợp các phản ứng về mặt chuyển hóa năng lượng, nội tiết và hành vi của cơ thể đối với sự đói kém. Dĩ nhiên, đó có thể nói là chức năng quan trọng vào bậc nhất đối với sự sống còn – ưu tiên hàng đầu của mọi sinh vật. Do vậy, nó ảnh hưởng một cách mạnh mẽ lên cảm xúc, sự thèm muốn và hành vi của chúng ta. Tất cả mọi thứ khác đều phải nhường chỗ cho sự sống còn. Trên thực tế, leptin không phải là hooc-môn duy nhất tiết ra từ các tế bào mỡ. Hàng chục loại hooc-môn khác cũng được sản xuất ở đó. Hầu hết chúng đều có tác dụng kích thích phản ứng sưng tấy. Bản thân leptin cũng là một chất cytokine kích thích sự sưng tấy và đóng vai trò lớn trong các quá trình sưng tấy của cơ thể. Thêm vào đó, nó còn kích thích việc sản xuất các chất gây sưng tấy khác từ các mô mỡ trong khắp cơ thể. Đây là lý do tại sao những người bép phì lại có nhiều vấn đề liên quan đến sự sưng tấy như vậy.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Vai trò của Carbohydrat trong Cơ thể

Carbohydrat
Ngoại trừ chất xơ, tất cả carbohydrat đều biến thành đường sau khi tiêu hóa

Tác giả: Nora Gedgaudas
Nguồn: Primal Body, Primal Mind

Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 13: Vai trò của carbohydrat trong cơ thể

Lượng đường trắng tiêu thụ hàng năm ở Hoa Kỳ:

  • 1750: 1,8 kg một người, một năm
  • 1850: 9,1 kg một người, một năm
  • 1994: 54 kg một người, một năm
  • 1996: 73 kg một người, một năm
Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng đường tiêu thụ trên toàn cầu tiếp tục gia tăng khoảng 2% mỗi năm, và dự tính vào năm 2007 sẽ đạt khoảng 154 triệu tấn. Lưu ý: Con số này chưa bao gồm các loại đường hóa học công nghiệp khác như High Fructose Corn Syrup (HFCS) (đường hóa học làm từ ngô có nồng độ fructose cao).

HFCS hiện được ước tính là nguồn calo hàng đầu trong chế độ ăn người Mỹ! Sự gia tăng trong tỷ lệ béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường trùng khớp hầu như hoàn toàn với sự ra đời của HFCS gần 30 năm trước. Trung bình mỗi người bây giờ tiêu thụ 150 gam đường mỗi ngày. Một nửa trong số đó là fructose (đường tinh được tạo thành từ một nửa glucose và một nửa fructose). Con số này gấp 3 lần mức có thể gây ra rối loạn sinh hóa trong cơ thể. Cơ thể chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự vệ chống lại cơn lũ này. 90% tiền mua thực phẩm của dân Mỹ hiện nay được dùng để mua thực phẩm chế biến sẵn, và HFCS (loại đường độc hại nhất trong tất cả) có mặt trong gần như tất cả mọi sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn. Xin nhớ cho là những con số đường tiêu thụ này là trung bình và nhiều người tiêu thụ hơn gấp đôi con số đó. Dựa trên ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2011, một người Mỹ trung bình tiêu thụ 12 thìa đường mỗi ngày, tương đương với gần 2 tấn đường trong cả đời (hình dung một cái xe tải cá nhân loại lớn chở đầy đường). Nếu bạn muốn có một hình ảnh về lượng đường tiêu thụ trung bình trong một năm, hình dung một cái xe đẩy một bánh loại lớn, đầy có ngọn.

Tất cả các con số trên đều chưa bao gồm lượng đường trong chế độ ăn của chúng ta từ những nguồn tinh bột khác - bánh mì, mì ống, ngũ cốc, khoai tây, gạo - hay những cái gọi là đường “tự nhiên” như mật ong, mật, hay đường chuyển hóa từ lượng protein ăn vào nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể. Khi tất cả chúng thực sự được cộng lại, chúng ta sẽ phải kinh ngạc tại sao nạn dịch béo phì, tiểu đường, ung thư và bệnh tim (đó mới chỉ là một số căn bệnh liên quan đến đường) lại không tồi tệ hơn nhiều so với mức độ hiện nay. Tổ tiên của chúng ta thậm chí trong mơ cũng không thể hình dung được sự điên rồ này.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Ăn nhiều đường chóng già

Nguồn: Việt Báo (dịch từ Daily Mail)



Chúng ta đều biết rằng kẹo ngọt làm gia tăng số đo vòng 2, nhưng bạn có biết rằng chocolate cũng mang lại nếp nhăn?
Trong cuốn sách mới 10 Minutes/10 Years: Your Definitive Guide To A Beautiful And Youthful Appearance, bác sĩ chuyên khoa da liễu Fredric Brandt tại Mỹ đã giải thích vì sao đường là kẻ thù số một.

"Đường đẩy nhanh quá trình thoái hoá elastin và collagen, 2 protein chủ chốt của da. Nói theo cách khác, nó làm cho bạn già đi", tiến sĩ Brandt nói.

Ông tin rằng chỉ cần giảm lượng đường tiêu thụ, bạn có thể quay ngược thời gian tới 10 năm, cải thiện kết cấu và sắc thái làn da.