Bài viết theo chủ đề

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 14: Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn


Vào năm 1994, một khám phá làm rung chuyển cả giới y học. Các nhà khoa học phát hiện ra một hooc-môn quan trọng mà trước đó họ không hề biết. Hơn thế nữa, nó không phải chỉ là một hooc-môn quan trọng; nó là một hooc-môn có ảnh hưởng đến tất cả các hooc-môn khác và kiểm soát hầu như tất cả hoạt động của vùng dưới đồi trong não bộ. Họ tìm ra nó ở nơi mà không ai ngờ tới: trong các tế bào mỡ của chúng ta.


Tên của hooc-môn đó là leptin.

Trước khi leptin được phát hiện ra, các nhà khoa học tin rằng mỡ trong cơ thể chỉ là một khối thừa xấu xí không ai muốn có mà cơ thể dùng để dự trữ năng lượng thừa. Quan điểm này về mỡ đã vĩnh viễn thay đổi. Bây giờ người ta hiểu rằng mỡ trong cơ thể là một cơ quan nội tiết phức tạp và tinh vi.

Một mục đích chủ yếu của leptin là phối hợp các phản ứng về mặt chuyển hóa năng lượng, nội tiết và hành vi của cơ thể đối với sự đói kém. Dĩ nhiên, đó có thể nói là chức năng quan trọng vào bậc nhất đối với sự sống còn – ưu tiên hàng đầu của mọi sinh vật. Do vậy, nó ảnh hưởng một cách mạnh mẽ lên cảm xúc, sự thèm muốn và hành vi của chúng ta. Tất cả mọi thứ khác đều phải nhường chỗ cho sự sống còn. Trên thực tế, leptin không phải là hooc-môn duy nhất tiết ra từ các tế bào mỡ. Hàng chục loại hooc-môn khác cũng được sản xuất ở đó. Hầu hết chúng đều có tác dụng kích thích phản ứng sưng tấy. Bản thân leptin cũng là một chất cytokine kích thích sự sưng tấy và đóng vai trò lớn trong các quá trình sưng tấy của cơ thể. Thêm vào đó, nó còn kích thích việc sản xuất các chất gây sưng tấy khác từ các mô mỡ trong khắp cơ thể. Đây là lý do tại sao những người bép phì lại có nhiều vấn đề liên quan đến sự sưng tấy như vậy.


Ai ngờ chú lính mới tò te lại chỉ huy tất cả?

Nếu bạn chưa từng nghe đến leptin, hay thậm chí nếu bác sĩ của bạn chưa từng nghe đến nó, đừng ngạc nhiên. Các công ty dược phẩm vẫn chưa tạo được một loại thuốc nào có thể ảnh hưởng lên leptin theo chiều hướng tốt. Chế độ ăn uống là thứ duy nhất có thể làm điều này một cách hiệu quả. Do vậy, mặc dù nó là cực kỳ quan trọng, leptin hầu như không được dạy trong các trường y hay nhắc tới trên đài báo. Tôi dám cá rằng hoặc là bạn chưa từng nghe nói về nó hoặc nghe rất ít.

Hiểu về leptin là cần thiết, mặc dù hoạt động của nó trong cơ thể là cực kỳ phức tạp. Hiểu về leptin cũng tương đương với việc hiểu làm thế nào để điều chỉnh hệ thống nội tiết, kiểm soát tình cảm, cải thiện toàn diện sức khỏe và thậm chí kéo dài tuổi thọ của bạn. Trên nhiều khía cạnh, nó là hooc-môn quan trọng nhất trong cơ thể.

Trên thực tế, không một rối loạn hooc-môn nào trong cơ thể có thể được chữa lành nếu leptin chưa hoạt động được bình thường. Giữ nồng độ leptin ở mức bình thường có thể giúp tránh được hầu hết các căn bệnh của tuổi già và gia tăng tuổi thọ. Nồng độ leptin ở mức cao trong thời gian dài có liên quan đến hầu hết các căn bệnh thoái hóa và sưng tấy cũng như chứng béo phì và giảm tuổi thọ. Bạn càng làm tăng sự nhạy cảm của não bộ và các thụ cảm trong cơ thể với thứ hooc-môn quan trọng này bao nhiêu thì bạn càng khỏe mạnh bấy nhiêu.

Leptin kiểm soát quá trình chuyển hóa chất ở động vật có vú. Hầu hết mọi người nghĩ rằng đó là nhiệm vụ của tuyến giáp, nhưng thực ra leptin điều khiển tuyến giáp, và thông qua đó kiểm soát mức độ chuyển hóa chất. Leptin quản lý tất cả các nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể. Leptin quyết định khi nào chúng ta cảm thấy đói, khi nào thì dự trữ mỡ và khi nào thì lấy mỡ dự trữ ra đốt. Leptin phối hợp các phản ứng sưng tấy và thậm chí còn có thể điều khiển sự cân bằng giữa hệ thống thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm. Nếu bất cứ phần nào của hệ thống nội tiết bị hư hỏng, bao gồm cả tuyến thượng thận và các hooc-môn sinh dục, lời cầu nguyện được khỏe mạnh của bạn sẽ không bao giờ được đáp ứng chừng nào bạn chưa đưa nồng độ leptin về mức bình thường.

Đây là một điểm mấu chốt cần nắm vững: Hệ thống nội tiết là một hệ thống kết nối lẫn nhau cực kỳ phức tạp và nó được điều khiển thông qua một hệ thống quản lý rất tinh vi.

Ở trên đỉnh hệ thống quản lý đó là leptin. Ngay dưới nó là người trợ lý insulin. Dưới nữa là hai hooc-môn tuyến thượng thận, adrenaline và cortisol. Rồi đến các hooc-môn tuyến yên. Chúng kiểm soát các hooc-môn tuyến giáp và hooc-môn sinh trưởng (và nhiều hooc-môn khác nữa). Sau đó là các hooc-môn tuyến giáp, hooc-môn sinh dục, v.v...

Không một bác sĩ nội tiết nào trên thế gian này, dù có giỏi giang đến đâu, có thể tái tạo được sự cân bằng tinh tế của dàn nhạc giao hưởng nội tiết của bạn. Và không có một hooc-môn nhân tạo nào, dù cấu trúc hóa học có gần đến đâu, có thể thay thế những gì cơ thể tạo ra một cách tự nhiên. Mỗi khi bạn tìm cách thay đổi một loại hooc-môn trong cơ thể, nó ảnh hưởng đến tất cả – thường là theo những cách không lường trước được. Ở đây tôi không muốn nói rằng hooc-môn nhân tạo là hoàn toàn vô dụng, nhưng phải cực kỳ thận trọng khi dùng đến lựa chọn này và chỉ dùng nó khi hiểu rõ các cơ chế và các liên kết có liên quan. Đôi khi nồng độ một loại hooc-môn quá thấp nên được coi là dấu hiệu về một rối loạn nào đó bên trong hơn là trạng thái thiếu hụt cần được bổ sung. Các bác sĩ (ngay cả các bác sĩ theo đường lối điều trị tự nhiên) thường coi cơ thể là ngu ngốc, không biết hoạt động thế nào cho tốt. Cholesterol quá cao? Chắc chắn là phải giảm nó đi bằng một loại thuốc nào đấy (thay vì tìm hiểu xem tại sao nó lại cao như vậy và giải quyết tận gốc vấn đề). Testosterone quá thấp? Chắc chắn là cơ thể quá ngu ngốc nên không sản xuất đủ lượng nó cần và chúng ta cần bổ sung thêm (thay vì tìm hiểu các cơ chế kiểm soát hooc-môn này và tìm ra vấn đề gốc rễ của nó).

Các hooc-môn hoạt động cùng nhau như một gia đình – và chúng cũng rối loạn cùng nhau!
  • Janet Lang, B.A., D.C.
Các hooc-môn được đo bằng đơn vị nanogam và picogam – một phần tỷ và một phần ngàn tỷ của một gam! Hooc-môn không phải là thuốc bổ (mặc cho bác sĩ của bạn nói gì đi nữa). Chúng là những chất cực kỳ mạnh được dùng trong cơ thể với những liều lượng nhỏ theo những cách cực kỳ phức tạp và tinh tế để điều khiển hoạt động của cả cơ thể. Nếu bạn muốn cải thiện hoạt động của tuyến thượng thận, tuyến giáp hay hooc-môn sinh dục, đến nói chuyện với leptin. Phục hồi hoạt động bình thường của leptin là bước cần thiết đầu tiên để phục hồi sự cân bằng của hệ thống nội tiết, tất nhiên với giả thiết rằng các cơ quan nội tiết của bạn vẫn còn chưa bị phá hủy bởi các quá trình tự miễn hay bị cắt bỏ.

Vậy cái gì làm rối loạn leptin và hệ thống nội tiết?

Yếu tố mạnh nhất gây rối loạn nội tiết là các đợt dâng trào đường huyết do ăn carbohydrat nhiều và thường xuyên.

Hóa ra là leptin và insulin có liên quan chặt chẽ với nhau. Cái gì gây rối loạn insulin thì cũng gây ảnh hưởng xấu đến leptin. Thủ phạm nguy hại nhất là carbohydrat trong những thực phẩm có thành phần chủ yếu là tinh bột hoặc đường. Chúng bao gồm bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, mì ống, gạo và cồn trong rượu bia. Các loại đường “tự nhiên” như mật ong, mật mía cũng gây tác hại tương tự. HFCS, sản xuất từ ngô biến đổi gen (GMO) bằng một loạt hóa chất độc hại, là thứ chết người. Rất nhiều loại thuốc cũng góp phần gây tác hại cho leptin và insulin. Caffeine và các loại chất kích thích khác cũng khiến nồng độ đường huyết gia tăng mạnh. Sự dâng trào đường huyết gây ra bởi những chất này làm nồng độ leptin tăng mạnh, tràn ngập các thụ cảm trên bề mặt tế bào và cùng với thời gian khiến chúng 'nhờn' với các thông điệp của leptin (tương tự quá trình xảy ra với insulin).

Bộ phận tiếp theo bị rối loạn là tuyến thượng thận và cái gọi là Trục Vùng Dưới đồi – Tuyến yên – Tuyến thượng thận (HPA axis). Khi bị rối loạn, trục này ức chế cả tuyến giáp, làm giảm hoạt động toàn bộ hệ thống sinh lý của cơ thể. Điều này xảy ra do tuyến thượng thận, sau một thời gian phải gồng mình làm nhiệm vụ trái tự nhiên là điều hòa nồng độ đường huyết quá cao rồi lại quá thấp, trở nên quá tải và phải giảm hoạt động tuyến giáp (điều khiển tốc độ chuyển hóa chất của cơ thể) để tránh bị hư hỏng hoàn toàn.

Đây là thời điểm mọi thứ bắt đầu trở nên hỏng hóc, rời rạc. Rối loạn leptin, glycation, insulin quá nhiều, tuyến thượng thận quá tải hợp lại là con tàu siêu tốc đưa bạn đến với sự mệt mỏi mãn tính, thoái hóa và bệnh tật. Thêm vào một ít chất béo hydro hóa (trans fat) và những cái đinh cuối cùng trên quan tài đã được đóng xong.

Thứ duy nhất có thể phục hồi hoạt động bình thường của leptin là một chế độ ăn rất ít đường và tinh bột ( có nghĩa là loại trừ ngũ cốc, bánh mì, mì ống, gạo, khoai tây và kẹo bánh) và đầy đủ mỡ tự nhiên.

Nó rất đơn giản và rõ ràng. Cơ thể và trí óc nguyên thủy của bạn được điều khiển bởi leptin. Một chế độ ăn đầy đủ mỡ tự nhiên và rất ít carbohydrat là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến sức khỏe, hạnh phúc và tuổi thọ cho bạn. Hãy nhớ điều này: Đối với cơ thể nguyên thủy của chúng ta, đầy đủ mỡ trong bữa ăn mang ý nghĩa sống còn.

Làm sao tôi biết mình bị kháng leptin?

Bất cứ triệu chứng nào dưới đây (lấy từ cuốn Chế độ ăn Rosedale của Ron Rosedale và Carol Coleman) có thể báo hiệu bạn bị kháng leptin:
  • Béo phì
  • Bụng phệ
  • Không giảm cân được dù tập thể dục bao nhiêu chăng nữa
  • Mệt mỏi sau bữa ăn
  • Cao huyết áp
  • Thường xuyên thèm ăn vặt
  • Thường xuyên thèm đồ ngọt hay chất kích thích (như caffeine)
  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng hay stress
  • Lúc nào cũng thấy đói hay thấy đói vào ban đêm
  • Loãng xương
  • Nồng độ triglyceride khi đói cao, hơn 100 mg/dL – đặc biệt là khi bằng hoặc cao hơn nồng độ cholesterol
  • Khó ngủ hay ngủ không sâu
Danh sách ấy có quen thuộc với bạn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.