Bài viết theo chủ đề

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Lobaczewski và nguồn gốc môn Tà Ác Học Chính Trị

Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net

Bắt đầu ngay sau Thế Chiến II và tiếp tục trong những thập kỷ sau khi chế độ độc tài Xô viết được áp đặt lên các nước Đông Âu, một nhóm các nhà khoa học - chủ yếu là người Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary - đã bí mật hợp tác trong một nghiên cứu khoa học về bản chất của chế độ độc tài. Bị các cơ quan an ninh quốc gia ngăn chặn không được tiếp xúc với phương Tây, công trình nghiên cứu của họ bị giữ kín trong bóng tối, ngay cả khi những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ như Hervey Cleckley và Gustave Gilbert đang bỏ công sức tìm hiểu về cùng một vấn đề.1 Thành viên sống sót cuối cùng của nhóm này, một nhà tâm lý học và chuyên gia về thái nhân cách người Ba Lan tên là Andrew Lobaczewski (1921 – 2007), cuối cùng đặt tên môn khoa học mới của họ - tổng hợp các nghiên cứu về tâm lý, tâm thần, xã hội học, lịch sử - là “tà ác học” (ponerology), một thuật ngữ ông vay mượn từ các linh mục của Tu viện Benedictine tại làng Ba Lan lịch sử Tyniec. Xuất phát từ từ poneros trong kinh thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp, từ này gợi đến cái ác bẩm sinh có ảnh hưởng làm hư hỏng mọi thứ xung quanh, một mô tả rất phù hợp cho chứng thái nhân cách và những ảnh hưởng xã hội của nó.

Những gì chúng ta biết về nghiên cứu này đến từ một số rất ít nguồn. Sợi dây liên lạc duy nhất của Lobaczewski với các nhà nghiên cứu khác là thông qua Stefan Szuman (1889 – 1972), một giáo sư đã nghỉ hưu, người có nhiệm vụ chuyển những tóm tắt kết quả nghiên cứu giữa các thành viên ẩn danh trong nhóm. Hậu quả của việc bị phát hiện tiến hành loại nghiên cứu bị cấm này là rất nghiêm trọng. Các nhà khoa học có thể bị bắt giữ, tra tấn, thậm chí là giết hại. Do vậy việc giữ bí mật nghiêm ngặt trong nhóm nhỏ của họ là tuyệt đối cần thiết. Họ giữ gìn cho bản thân và công trình nghiên cứu bằng cách chia sẻ kết quả nghiên cứu ẩn danh. Bằng cách này, nếu có ai bị bắt và tra tấn, người ấy cũng không thể tiết lộ tên tuổi và nơi ở của những người khác, một mối đe dọa rất thực tế với an toàn cá nhân và khả năng hoàn thành công trình nghiên cứu. Lobaczewski chỉ tiết lộ tên của hai giáo sư người Ba Lan thuộc thế hệ trước, những người tham gia vào giai đoạn đầu của nghiên cứu - Stefan Blachowski (1889 - 1962) và Kazimierz Dabrowski (1902 – 1980).2 Blachowski chết trong hoàn cảnh đáng ngờ và Lobaczewski phỏng đoán ông đã bị ám sát bởi mật vụ nhà nước do tham gia vào công trình nghiên cứu này. Dabrowski xuất cảnh và do không muốn từ bỏ quốc tịch Ba Lan của mình để làm việc ở Hoa Kỳ, ông đã nhận một vị trí tại trường Đại học Alberta, Canada, nơi ông có thể giữ hai quốc tịch. Nếu đọc kỹ những tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh của Dabrowski, chúng ta có thể thấy nền móng lý thuyết của những gì sau này trở thành môn tà ác học.3

Cũng như Lobaczewski, Dabrowski coi chứng thái nhân cách là “trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của cá nhân cũng như tổ chức xã hội”.4 Ông cảnh báo, “Sự thiếu nhận thức về bản chất tâm lý của các cá nhân như vậy [tức là những kẻ thái nhân cách] gây ra những đau khổ, kinh hoàng không kể xiết, từ bạo lực, chiến tranh, diệt chủng cho đến sự hủy hoại của nền văn minh nhân loại... Chừng nào sức mạnh quyến rũ, thôi miên của kẻ thái nhân cách còn chưa bị đối diện với sự thật và những hậu quả về mặt luân lý cũng như thực tiễn của việc đi theo tiếng gọi quyến rũ thôi miên ấy, thì ngay cả những nhóm hay tổ chức xã hội lớn cũng có thể đi vào con đường thoái hóa, suy đồi.5 Trong một lần đề cập có lẽ là đầu tiên đến thái nhân cách trong chính trị, ông nhận xét rằng sự thái quá của tham vọng cùng ham muốn quyền lực, tiền bạc “thể hiện đặc biệt rõ ở thái nhân cách trong chính trị”:6

Nhiều phương pháp được phát triển nhằm làm lan rộng sự bất đồng giữa các nhóm (như trong câu châm ngôn “chia để trị”). Sự phản bội và lừa lọc trong chính trị được biện minh và nói đến như những phẩm chất tốt. Nguyên tắc lợi dụng những tình huống cụ thể cũng được phát triển. Giết người, ám sát đối thủ vì mục đích chính trị cho đến trại tập trung và diệt chủng đều là sản phẩm của những hệ thống chính trị bị thâm nhập và chế ngự bởi kẻ thái nhân cách.7

Trong một đoạn viết đi hàng thập kỷ trước thời đại, ông nêu lên quan sát của mình rằng bạn có thể tìm những kẻ thái nhân cách kém thành công trong nhà tù, nhưng với những kẻ thái nhân cách thành công thì phải tìm ở những vị trí quyền lực (như là “các nhà lãnh đạo chính trị hay quân sự tầm cỡ quốc gia, chủ tịch nghiệp đoàn lao động, v.v...”) Ông lấy làm ví dụ hai nhà lãnh đạo đặc trưng bởi sự “kém phát triển về mặt tình cảm” này. Đó là Hitler và Stalin, hai người được đề cập đến nhiều lần trong các cuốn sách của ông,8 và cả hai đều bộc lộ đặc điểm “thiếu sự đồng cảm, lạnh lùng về mặt cảm xúc, không có giới hạn về sự tàn nhẫn và đam mê quyền lực”.9

Dabrowski và Lobaczewski đã nếm trải nỗi kinh hoàng ấy một cách trực tiếp. Tháng 9 năm 1939, phát xít Đức dàn cảnh một vụ tấn công cờ sai, về sau được biết ỉađến với cái tên sự kiên Gleiwitz, để xâm lược Ba Lan. Đây là một phần của một dự án SS lớn hơn, Chiến Dịch Himmler, mà mục đích là dựng chuyện Ba Lan tấn công trước để có cớ “trả đũa”. Nói một cách khác, người Đức rất cần một cái cớ nghe lọt tai để xâm lược. Lính Đức ăn mặc như người Ba Lan tấn công một đài phát thanh và phát đi một bản tuyên truyền chống Đức, đồng thời giết hại một người Đức có tư tưởng ủng hộ Ba Lan, Franciszek Honiok, và đặt xác ông này tại hiện trường.10 Đức Quốc xã dùng sự kiện này để biện minh cho cuộc xâm lược, và sau đó chúng thiết lập một chế độ khủng bố dẫn đến cái chết của khoảng sáu triệu người Ba Lan. Để hướng tới mục tiêu hủy diệt toàn bộ cuộc sống văn hóa Ba Lan, các trường học bị đóng cửa, các giáo sư bị bắt giữ và gửi đến trại tập trung, một số bị giết hại. Môn tâm thần học bị cấm hoàn toàn. Theo Jason Aronson ở khoa Y trường Đại học Harvard, Đức Quốc xã sát hại phần lớn bác sĩ tâm thần đang hành nghề. Chỉ có 38 người sống sót trong số khoảng 400 người từ trước cuộc xâm lược.11 Trong thời gian đầy biến động này, Lobaczewski tham gia chiến đấu trong tổ chức kháng chiến bí mật Home Army của Ba Lan, và ước muốn nghiên cứu tâm lý học của ông phát triển.

Ngôi trường phong cách gothic mà sau này ông học, trường Đại học Jagiellonian, chịu thiệt hại nặng nề trong những năm chiến tranh do chủ trương tiêu diệt tầng lớp trí thức của Đức Quốc xã. Ngày 6/11/1939, 144 giáo sư và nhân viên của trường bị bắt giữ và gửi đến trại tập trung. Trước đó họ được bảo rằng họ phải tham dự buổi thuyết trình bắt buộc về kế hoạch của Đức cho ngành giáo dục Ba Lan. Khi đến nơi, họ bị bắt giữ trong giảng đường cùng với tất cả những người khác có mặt trong tòa nhà. Rất may là do sự phản đối của công chúng, hầu hết trong số họ được thả tự do vài tháng sau đó. Và mặc dù ngôi trường bị cướp phá bởi Đức Quốc xã, những người sống sót chiến dịch đó đã thành lập được một trường đại học bí mật vào năm 1942.12 Các buổi lên lớp thường xuyên được bắt đầu lại vào năm 1945 và có lẽ đấy là lúc Lobaczewski bắt đầu học về tâm lý học với giáo sư tâm lý học Edward Brzezicki.13, 14 Lobaczewski có lẽ cũng gặp Stefan Szuman, một nhà tâm lý học nổi tiếng giảng dạy tại Jagiellonian vào thời điểm này. Sau này Szuman đóng vai trò làm trung tâm lưu chuyển những tài liệu nghiên cứu bí mật cho Lobaczewski.

Trong khi Jagiellonian và các trường đại học khác của Ba Lan được hưởng ba năm tự do, điều này nhanh chóng kết thúc vào năm 1948 khi Ba Lan trở thành một quốc gia vệ tinh của Liên Xô và Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan nắm toàn bộ quyền kiểm soát các trường đại học. Với sự thành lập của nước Cộng hòa Dân chủ Ba Lan, đất nước này rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; các dịch vụ y tế và tâm thần được xã hội hóa và tâm thần học lâm sàng bị ép hoàn toàn đi theo các khái niệm Pavlov. Quá trình “Stalin hóa” hệ thống giáo dục và nghiên cứu của Ba Lan bắt đầu nhanh chóng sau khi Hitler rời đi. Lớp học của Lobaczewski là khóa cuối được giảng dạy bởi các giáo sư “trước Cộng sản”, những người bị chính quyền coi là có “tư tưởng không đúng đắn”. Chỉ trong năm cuối cùng của khóa học họ mới trải nghiệm đầy đủ cái “đời sống mới” không có tính người ấy. Nó cũng truyền cảm hứng cho nghiên cứu của Lobaczewski trong suốt cuộc đời còn lại của ông.

Những kẻ thái nhân cách tiêu biểu trong chính trị

Trong ba thập kỷ sống dưới chế độ độc tài Cộng sản, Lobaczewski làm việc tại các bệnh viện đa khoa và tâm thần. Chế độ độc tài cung cấp nhiều điều kiện và cơ hội để ông cải thiện kỹ năng chẩn đoán lâm sàng của mình - kỹ năng không thể thiếu để sống trong đời sống mới này. Không những vậy, ông còn giúp đỡ trị liệu tâm lý cho những người chịu đau khổ nhiều nhất dưới chế độ cai trị khắc nghiệt ấy. Ngay từ sớm, trong khi những người khác trong chương trình nghiên cứu bí mật quan sát thấy mối quan tâm của Lobaczewski về tâm lý học bệnh hoạn và tâm lý học xã hội của chế độ độc tài, ông cũng nhận ra mình không phải là người đầu tiên theo đuổi những nghiên cứu như vậy, và ông được mời gia nhập nhóm. Lúc đầu ông chỉ đóng góp một phần nhỏ cho nghiên cứu, tập trung chủ yếu vào chứng thái nhân cách. Tên của người chịu trách nhiệm tổng hợp cuối cùng được giữ bí mật, nhưng kết quả tổng hợp ấy không bao giờ được thấy ánh sáng ban ngày. Tất cả các đầu mối liên lạc của Lobaczewski không còn hoạt động sau làn sóng đàn áp hậu-Stalin trong những năm 1960 và ông chỉ còn những dữ liệu mà ông đã có từ trước. Tất cả phần còn lại của công trình nghiên cứu bị mất đi vĩnh viễn, bị thiêu hủy hoặc khóa chặt trong kho lưu trữ mật vụ nào đó.

Đối mặt với tình trạng vô vọng này, ông quyết định tự mình hoàn thành công việc. Nhưng bất chấp những nỗ lực giữ bí mật của ông, các cơ quan chính trị đã nghi ngờ ông sở hữu những kiến thức “nguy hiểm” đe dọa đến quyền lực của họ. Một nhà khoa học người Áo mà Lobaczewski trao đổi với hóa ra là nhân viên mật vụ. Lobaczewski bị bắt giữ và tra tấn ba lần trong thời gian này. Trong khi viết bản thảo đầu tiên vào năm 1968, những người dân địa phương của làng mà ông đang làm việc cảnh báo rằng mật vụ sắp đến. Lobaczewski chỉ có vừa đủ thời gian để đốt bản thảo trong lò sưởi trước khi chúng ập đến.15 Nhiều năm sau, vào năm 1977, phóng viên ở Rome của Đài Châu Âu Tự Do, người mà Lobaczewski trao đổi về công việc của mình, tố giác ông với nhà chức trách Ba Lan.16 Được lựa chọn giữa bị bắt giữ lần thứ tư và “tự nguyện” lưu vong sang Hoa Kỳ, Lobaczewski đã chọn cách thứ hai. Tất cả giấy tờ, sách vở và tài liệu nghiên cứu của ông bị tịch thu và ông rời đất nước với hai bàn tay trắng.

Khi đến thành phố New York, bộ máy an ninh Ba Lan sử dụng ảnh hưởng của họ để ngăn không cho Lobaczewski kiếm được việc làm trong lĩnh vực của ông. Ông kinh sợ khi nhận ra rằng “hệ thống đàn áp công khai mà tôi vừa mới trốn thoát khỏi gần đây cũng phổ biến tương tự ở Hoa Kỳ, chỉ có âm thầm hơn.”17 Tóm lại, Hoa Kỳ cũng bị nhiễm căn bệnh tương tự và thứ “tự do” mà họ trưng ra chào mời chỉ là ảo tưởng. Trong trường hợp các nhà khoa học sống ở nước ngoài, cách làm của mật vụ Ba Lan là gợi ý một số hoạt động nhất định cho các thành viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và họ làm theo một cách cả tin mà không biết động cơ thực sự ở phía sau. Kết quả là Lobaczewski buộc phải làm một công việc lao động chân tay và viết bản thảo cuối cùng cho cuốn sách của ông vào sáng sớm trước khi đi làm. Do đã mất hầu hết dữ liệu thống kê và ghi chép về các ca bệnh cùng với giấy tờ của ông, ông chỉ đưa vào những gì ông có thể nhớ và tập trung chủ yếu vào những quan sát và kết luận dựa trên hàng chục năm nghiên cứu của ông và những người khác cùng với việc nghiên cứu các tường thuật của những người bị hành hạ dưới các chế độ bệnh hoạn khác nhau.

Khi cuốn sách và một bản dịch phù hợp sang tiếng Anh được hoàn thành vào năm 1984, ông không làm sao xuất bản được nó. Các biên tập viên tâm lý nói rằng nó có “quá nhiều chính trị”, và các biên tập viên chính trị nói rằng nó có “quá nhiều tâm lý”. Ông tìm đến sự giúp đỡ của người đồng hương Zbigniew Brzezinski, người vừa mới giữ chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia cho tổng thống Jimmy Carter. Lúc đầu hắn tỏ ra rất tán thưởng cuốn sách và hứa sẽ giúp xuất bản nó. Không may là sau một thời gian trao đổi, Brzezinski bặt tăm hơi, chỉ trả lời rằng đáng tiếc công việc không thành công. Trích nguyên lời Lobaczewski, “hắn ta đã bóp nghẹt nó một cách xảo trá.”18 Cuối cùng, một số lượng bản in nhỏ cho các viện nghiên cứu là kết quả duy nhất ông đạt được và nó không tạo được ảnh hưởng nào với các nhà nghiên cứu và bình luận. Với sức khỏe suy sụp nghiêm trọng, Lobaczewski quay về Ba Lan vào năm 1990, nơi ông xuất bản một cuốn sách khác và đánh máy lại bản thảo cuốn Tà Ác Học Chính Trị: Môn Khoa Học Về Bản Chất Của Tà Ác Điều Chỉnh Cho Mục Đích Chính Trị (Political Ponerology: A Science on the Nature of Evil Adjusted for Political Purposes) vào máy tính. Cuối cùng ông gửi bảo sao này cho các biên tập viên của sott.net và nhà xuất bản Red Pill, và họ xuất bản cuốn sách vào năm 2006. Sức khỏe ông suy sụp hơn nữa và ông qua đời chỉ một năm sau đó, vào tháng 11 năm 2007. Mặc dù các nhà khoa học khác đã tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực này trong những năm qua, cuốn sách của Lobaczewski vẫn là toàn diện và sâu sắc nhất. Nó thực sự là một công trình ngầm kinh điển.

Chú thích

  1. Cleckley viết cuốn sách kinh điển về thái nhân cách Mặt nạ của sự Bình thường (The Mask of Sanity) và Gilbert viết cuốn Tâm lý của Chế độ Độc tài (The Psychology of Dictatorship) dựa trên phân tích của ông về các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã Nuremberg.

  2. Chúng ta không biết có phải Lobaczewski biết nhiều hơn nhưng từ chối tiết lộ tên của họ vì sợ ảnh hưởng đến họ hay không.

  3. Không may là cũng như cuốn sách của Gilbert, những cuốn sách của Dabrowski đã bán hết sạch. Một DVD chứa bản chụp (scan) các công trình của ông được bán ở đây.

  4. Dịch bởi Elizabeth Mika trong cuốn "Dabrowski's Views on Authentic Mental Health", in Mendaglio, S. (ed) Dabrowski's Theory of Positive Disintegration (Scottsdale, AZ: Great Potential Press, 2008), trang 139 - 53.

  5. Dabrowski, K. (with Kawczak, A. & Sochanska, J.), The Dynamics of Concepts (London: Gryf, 1973), trang 40, 47.

  6. Dabrowski, K. 1996 [1977]. 'Multilevelness of Emotional and Instinctive Functions' (Lublin, Poland: Towarzystwo Naukowe Katolickiego Uniwersytetu Lubelskiego, 1996 [1977]), trang 33.

  7. Như trên, trang 153.

  8. Như trên, trang 21; 'The Dynamics of Concepts', trang 40; Dabrowski, K. Personality-shaping Through Positive Disintegration (Boston: Little, Brown, 1967), trang 202; Dabrowski, K. Psychoneurosis Is Not An Illness (London: Gryf, 1972), trang 159.

  9. Dabrowski, K. (with Kawczak, A. & Piechowski, M. M.) Mental Growth Through Positive Disintegration (London: Gryf, 1970), trang 29 - 30.

  10. Xem Wikipedia, "Gleiwitz Incident".

  11. Lời giới thiệu cho cuốn Dabrowski, K. Positive Disintegration. (Boston: Little, Brown, 1964), trang ix – x.

  12. Błachowski dạy ở một trong những trường đại học ngầm như thế ở Warsaw. Xem Wikipedia, "Stefan Błachowski".

  13. Về vụ bắt giữ nhân viên Jagiellonian, xem thêm ở đây.

  14. Xem trang web của Đại học Jagiellonian.

  15. Sau đó, ở Bulgaria, ông đã tìm cách gửi bản thảo thứ hai cho người quen ở Vatican thông qua một khách du lịch người Mỹ gốc Ba Lan nhưng theo ông biết thì nó không hề được chuyển.

  16. Lobaczewski chỉ biết danh tính người đã tố cáo ông từ Học viện Tưởng nhớ Quốc gia Ba Lan (Polish Institute of National Remembrance) vào năm 2005. Xem cuộc phỏng vấn ông ngày 19/11/2005.

  17. Lobaczewski, A., Tà Ác Học Chính Trị: Môn Khoa Học Về Bản Chất Của Tà Ác Điều Chỉnh Cho Mục Đích Chính Trị (Political Ponerology: A Science on the Nature of Evil Adjusted for Political Purposes) (Grande Prairie, AB: Red Pill Press, 2006), trang 23.

  18. Tưởng nhớ: Andrew M Lobaczewski.

Nhận xét:

Phần 2: Mặt nạ của kẻ thái nhân cách

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.