Bài viết theo chủ đề

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Kẻ thái nhân cách: Những con rắn độc mặc complê

Rắn độc mặc complê

Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu hiệu thời đại

Kẻ thái nhân cách tội phạm đã được quan sát và nghiên cứu gần một thế kỷ nay. Thế nhưng ngoại trừ một đoạn đề cập ngắn bởi Cleckley, khái niệm về kẻ thái nhân cách thành công - một kẻ bình thường theo hầu hết các tiêu chuẩn bề ngoài - vẫn nằm trong bóng tối của “âm mưu thông đồng im lặng” ở khắp nơi ấy. Ở những bài tới trong loạt bài viết này, bạn sẽ hiểu tại sao lại có tình trạng như vậy và biết chính xác hậu quả của lỗ hổng nguy hại như vậy trong kiến thức và nhận thức là gì. Cho tới nay, thảo luận chi tiết duy nhất về vấn đề những kẻ thái nhân cách thành công là cuốn sách Rắn độc mặc complê (Snakes in Suits) của Paul Babiak và Robert Hare xuất bản năm 2006. Cuốn sách này là thứ không ai nên bỏ lỡ, và nó có thể cứu mạng bạn, theo nghĩa đen. Những thông tin mà nó chứa đựng có thể áp dụng cho các tương tác ở mọi cấp độ xã hội.

Babiak, một nhà tâm lý học chuyên về lĩnh vực công nghiệp và tổ chức, gặp kẻ thái nhân cách doanh nhân đầu tiên của mình vào năm 1992. Thông qua việc thảo luận chi tiết những kẻ như “Dave” trong môi trường doanh nghiệp, Babiak không chỉ làm rõ các phương pháp mà kẻ thái nhân cách dùng để thâm nhập và trèo lên bậc thang danh vị trong doanh nghiệp, ông còn đập tan các ảo tưởng trước đó về những gì kẻ thái nhân cách có thể hay không thể làm được. Nhiều người trong ngành nghĩ rằng kẻ thái nhân cách không có khả năng thành công trong kinh doanh. Họ nghĩ rằng những hành vi vị kỷ và bắt nạt người khác của kẻ thái nhân cách sẽ làm những người có thể thuê chúng không thích, và sự thao túng và lạm dụng của chúng cuối cùng sẽ làm công ty thất bại. Trên thực tế, những người được gọi là “chuyên gia” đó không thể sai lầm hơn được nữa. Họ dường như đã quên mất khả năng kỳ lạ của kẻ thái nhân cách trong việc trưng ra một hình ảnh cực kỳ bình thường, thậm chí là xuất sắc, cho các nạn nhân của chúng. Và chúng ta là vậy đối với chúng: nạn nhân, mục tiêu.

Ngược lại với niềm tin phổ biến và giả định ngạo mạn ấy, Babiak thấy rằng kẻ thái nhân cách dễ dàng được chấp nhận vào hàng ngũ lãnh đạo của các công ty lớn, và thậm chí còn có thành công trong sự nghiệp.1 Tính vị kỷ cực đoan của chúng thường bị nhầm lẫn thành “đức tính lãnh đạo tích cực”. Thế giới đạo đức tối tăm và sự hỗn loạn nội bộ thường thấy trong các vụ sát nhập, mua lại và tiếp quản công ty có vẻ rất hợp với những loại như chúng. Chúng không chỉ làm việc tốt dưới áp lực - do chúng không có khả năng cảm nhận sự sợ hãi hay căng thẳng - mà những lợi nhuận tiềm năng là quá lớn để từ chối, cả đối với kẻ thái nhân cách và công ty. Như Babiak viết, “sự thiếu kiến thức cụ thể ở các doanh nhân về những thủ đoạn thao túng và lừa gạt của kẻ thái nhân cách là chìa khóa dẫn đến sự thành công của kẻ lừa đảo doanh nghiệp.”2 Trớ trêu thay, chính những tính cách mà các tập đoàn và tổ chức hùng mạnh tìm kiếm lại thường là những thứ mang lại sự sụp đổ không tránh khỏi của họ (chứng kiến sự sụp đổ của Bernie Madoff, Enron và Đức Quốc xã). Và đó là những tính cách mà chúng ta đã quen xem là lý tưởng. Ví dụ, thông qua “gọng kính màu hồng” của những người không hiểu biết, lừa gạt và thao túng trở thành “mang tính thuyết phục” và “có ảnh hưởng lớn”; hành vi lạnh lùng và không ăn năn, hối lỗi trở thành “thiên về hành động” và “có khả năng đưa ra quyết định khó khăn”; không biết sợ và bốc đồng trở thành “dũng cảm” và “đầy nhiệt huyết”; không có cảm xúc trở thành “mạnh mẽ” và “biết điều khiển cảm xúc”.3

Tóm lại, khi chúng ta gọi kẻ thái nhân cách “dũng cảm và có sức thuyết phục”, chúng ta nên đòi tiền hoa hồng quảng cáo cho chúng, bởi vì đó chính là như vậy. Nó như là bán nước rửa và gọi đó là nước thánh! Trên giấy, những đặc tính ấy có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng khi trở thành đồng nghiệp, và đặc biệt là ông chủ, kẻ thái nhân cách trở nên độc đoán, đáng sợ và nguy hiểm. Rất nhanh nhẹn trong việc giành công lao cho việc người khác làm, thuê và đuổi việc nhân viên theo ý thích, kẻ thái nhân cách chỉ biết chấp nhận lời khen, cực kỳ thiển cận và thực sự thiếu những hiểu biết và đức tính để trở thành nhà lãnh đạo tốt. Một kẻ thái nhân cách, như mô tả bởi Babiak, “không muốn và có lẽ không có khả năng thừa nhận rằng những quyết định của ả có thể có bất cứ hậu quả tiêu cực nào cho doanh nghiệp.”4 Ngay cả khi có một cuộc sống bề ngoài có vẻ “bình thường”, kẻ thái nhân cách vẫn gây ra những vấn đề ở dưới tầm rada của luật pháp - về mặt kinh tế, tâm lý và tình cảm.

Chúng làm việc ấy thế nào? Bằng cách phân tích những kẻ lừa đảo doanh nghiệp, Babiak phát hiện phương pháp cơ bản mà kẻ thái nhân cách sử dụng để hoạt động trong môi trường doanh nghiệp phân cấp. Nhưng bất kể trong môi trường nào - một quan hệ lãng mạn, một chiến lược của công ty, một vụ trộm được lên kế hoạch, một chiến dịch bầu cử, một cuộc đảo chính chính trị - danh sách các khả năng là vô tận, kẻ thái nhân cách áp dụng cùng một sách lược với ba giai đoạn “Đánh giá - Thao túng - Bỏ rơi” lên các nạn nhân của chúng. Ở giai đoạn đầu tiên, kẻ thái nhân cách đánh giá giá trị của “đồng minh” tương lai hay người hắn có thể đổ lỗi sau này - những gì anh ta hay cô ta có thể làm để phục vụ cho mục đích của kẻ thái nhân cách. Kẻ thái nhân cách là chuyên gia trong việc phát hiện và sử dụng các “nút bấm” của người khác, những “sở thích và thứ họ không thích, những động cơ, nhu cầu, điểm yếu và lỗ hổng”.5 Điểm mạnh của những người khác bị lợi dụng và điểm yếu bị khai thác. Tiếp đó, kẻ thái nhân cách sử dụng các từ ngữ, thông điệp được dũa gọt riêng cho mục tiêu của hắn, dựa trên thông tin thu thập được trong giai đoạn Đánh giá. Hắn điều chỉnh cách thao túng tùy theo phản ứng của mục tiêu để duy trì sự kiểm soát. Như Babiak và Hare viết:

Chúng thường lợi dụng thực tế là với nhiều người, nội dung của thông điệp ít quan trọng hơn cách mà nó được đưa ra. Một phong cách nói tự tin, tích cực - thường xuyên chèn thêm các thuật ngữ, các cụm từ hoa mỹ sáo rỗng - bù lại sự thiếu hụt về nội dung và sự chân thành trong tương tác của chúng với những người khác... chúng là bậc thầy về gây ấn tượng; sự hiểu biết của chúng về tâm lý người khác kết hợp với khả năng ăn nói lưu loát bề ngoài - nhưng rất thuyết phục - cho phép chúng thay đổi mặt nạ một cách khéo léo để phù hợp tình hình và kế hoạch của chúng. Chúng nổi tiếng với khả năng đeo nhiều loại mặt nạ, thay đổi “con người” tùy thuộc vào đối tượng mà chúng đang tiếp xúc với để tỏ ra hấp dẫn, dễ gần.6

Nghe có vẻ rất giống với công việc của cơ quan tình báo phải không?

Những kẻ thái nhân cách còn sử dụng một loạt các thủ đoạn thao túng, ví dụ như thản nhiên nói ngược hoàn toàn với sự thật. Khi một lời dối trá được lặp lại đủ nhiều lần, và với cách nói chắc chắn tuyệt đối, người bình thường có xu hướng nghi ngờ nhận thức của bản thân mình. “Điều đáng kinh ngạc là các nạn nhân cuối cùng thường nghi ngờ khả năng nhận biết sự thật của chính họ và thay đổi quan điểm để tin những gì kẻ thái nhân cách nói với họ hơn là những gì họ biết rõ là đúng.”7 Trong giai đoạn này, kẻ thái nhân cách khai thác nạn nhân của hắn một cách không thương xót, sử dụng họ để lấy tiền, vị trí, ảnh hưởng, quyền lực. Đến khi các nạn nhân không còn hữu ích nữa, họ bị vứt bỏ trong giai đoạn cuối, Bỏ rơi. Điều này thường có ảnh hưởng tàn hại về tinh thần đối với những người bị lường gạt và tin vào cái mặt nạ dối trá và những “ý tốt” của kẻ thái nhân cách. Khi người vợ hay chồng đã bị vắt kiệt về tình cảm, người già với tài khoản ngân hàng đã bị dọn sạch, hay người “bạn” với những mối quan hệ đã được sử dụng xong, kẻ thái nhân cách chắc chắn sẽ ném họ ra và chuyển sang mục tiêu tiếp theo.

Trong thế giới doanh nghiệp, Babiak xác định một biến thể phức tạp hơn của hình mẫu tương tác trên với năm giai đoạn. Đầu tiên, kẻ thái nhân cách sử dụng sự hấp dẫn và khả năng ăn nói để làm giả các phẩm chất lãnh đạo, thông qua đó lọt vào công ty. Một khi đã được thuê, chúng xác định những mục tiêu khả dĩ và đối thủ cạnh tranh trong các đồng nghiệp - từ những đồng nghiệp tài năng nhưng ngây thơ cho đến cô thư ký cho phép hắn tiếp cận với giám đốc điều hành. Đây là giai đoạn Đánh giá. Babiak mô tả bốn nhóm người mà kẻ thái nhân cách sử dụng trong cuộc chơi của chúng. Các con tốt là những người đồng nghiệp bình thường với “quyền lực và ảnh hưởng không chính thức”. Họ bị thao túng bởi kẻ thái nhân cách để trở nên muốn - hoặc phải - ủng hộ và làm theo chúng. Các ông bầu là những nhân vật cấp cao với quyền lực chính thức. Bằng cách phát triển mối quen hệ với các ông bầu, kẻ thái nhân cách được bảo vệ an toàn khỏi các đồng nghiệp cấp dưới, những người thường nhìn qua được mặt nạ của chúng. Thằng khờ là những con tốt đã không còn hữu ích và do đó bị vứt bỏ. Họ thường hay bị đổ lỗi cho những việc kẻ thái nhân cách làm. Cuối cùng, cảnh sát doanh nghiệp là những cá nhân như kiểm toán viên, nhân viên an ninh và nhân viên phòng tổ chức, những người có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện sự gian lận thao túng ở nơi làm việc.8

Trong giai đoạn thứ ba, giai đoạn Thao túng, kẻ thái nhân cách tạo ra và duy trì “câu chuyện” của chúng, bằng cách bịa ra và lan truyền các thông tin tích cực về bản thân chúng và thông tin tiêu cực về những người khác thông qua mạng lưới các con tốt, ông bầu và những “thằng ngu hữu ích” mà chúng thu thập được. Bằng cách tạo ra xung đột giữa các nhân viên khác, chúng chuyển hướng sự chú ý ra khỏi bản thân chúng. Chúng ưa thích hoạt động đằng sau hậu trường và bên ngoài những cơn bão mà chúng tạo ra và khơi lên. Trong giai đoạn đối đầu, kẻ thái nhân cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và các con tốt (giờ biến thành thằng khờ), sử dụng cách bịa chuyện nói xấu với những “câu chuyện thực tế” luôn luôn khác một cách đáng kể so với sự thật. Chúng làm vậy mà không bị sao do được dựa vào các ông bầu ở trên cao, những người giờ chúng có quan hệ rất thân mật. Và trong giai đoạn cuối cùng, giai đoạn Thăng thiên, chúng lật đổ ông bầu, chiếm lấy vị trí và quyền lợi của người mà lúc trước còn giúp đỡ chúng.9 Trong cuộc chơi của kẻ thái nhân cách, mọi người khác tồn tại chỉ là để bị thao túng, và hắn theo đuổi mục tiêu này bằng mọi giá, ngay cả khi cái giá ấy là đâm sau lưng tất cả những người ủng hộ hắn trong lúc hắn đang lên.

Madoff, kẻ thái nhân cách Phố Wall
Madoff, kẻ thái nhân cách Phố Wall

Mối quan tâm đến kẻ thái nhân cách doanh nghiệp đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ vừa qua, chủ yếu là do việc đưa ra công khai một số vụ lừa đảo và bê bối doanh nghiệp như Enron vào năm 2001 và Madoff vào năm 2009. Kỳ lạ thay, mặc dù số lượng và bản chất các vụ bê bối chính trị là hoàn toàn tương đương với những người anh em trong thế giới doanh nghiệp, ý tưởng rằng kẻ thái nhân cách thâm nhập vào chính phủ - với hậu quả vô cùng tai hại - vẫn chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Trên thực tế, những vụ thảm sát trong chính trị đang xảy ra ngày nay - cái khía cạnh đen tối của lịch sử nhân loại vừa gây mê hoặc vừa khiến chúng ta kinh tởm - và sự tham nhũng thối nát dẫn tới chúng, có nguồn gốc từ sự hiện diện của kẻ thái nhân cách trong những vị trí quyền lực và ảnh hưởng lớn.

Kẻ thái nhân cách có thể được tìm thấy trong tù với đủ loại tội ác bạo lực, cướp bóc đối với các cá nhân, bao gồm cả những tội ác cổ cồn trắng. Các chương trình đại học, nhóm nghiên cứu, hội thảo, sách vở chuyên môn, tài liệu hướng dẫn, tất cả đều có đủ để xử lý vấn đề này và hỗ trợ trong công tác phòng chống những loại tội phạm ấy. Nhưng còn vai trò của kẻ thái nhân cách trong tội ác chống nhân loại thì sao? Tôi không thể tìm thấy dù chỉ một báo cáo khoa học nghiên cứu vai trò của chứng thái nhân cách trong chính trị, dù là trong những thể chế được gọi là dân chủ hay chế độ độc tài công khai. Cũng như lúc đầu các nhà nghiên cứu nghi ngờ khả năng thành công của kẻ thái nhân cách trong kinh doanh, và vấn đề đó đã không được xem xét tới, vấn đề của chứng thái nhân cách trong chính trị vẫn bị kiên quyết gạt sang một bên. Kết quả của sự mù quáng đó đã quá rõ ràng trong lịch sử - và trong hiện tại - cho tất cả mọi người thấy: Diệt chủng, chế độ độc tài, tra tấn được nhà nước bảo trợ, “chiến tranh không có hồi kết”, ám sát chính trị, đội mật vụ chuyên thủ tiêu, tham nhũng, tống tiền, theo dõi dân thường, “bí mật nhà nước”...

Tình hình này là khá kỳ lạ, do các chuyên gia đã cho thấy ngày càng rõ hơn rằng kẻ thái nhân cách có thể làm việc ở những vị trí cao trong tất cả mọi ngành nghề: luật pháp, kinh doanh, y học, tâm lý học, nghiên cứu, quân sự, giải trí, hành pháp, thậm chí cả - và có lẽ đặc biệt là - chính trị. Như Babiak và Hare giải thích, “Nhiều kẻ thái nhân cách có thể tốt nghiệp đại học hoặc nhận được các chứng chỉ chuyên môn, nhưng trong hầu hết các trường hợp, nó không phải thông qua sự chăm chỉ và cố gắng mà là thông qua gian lận, lấy người khác làm hộ bài, và nói chung là 'luồn lách trong hệ thống'”.10

Vụ Madoff có rất nhiều ý nghĩa không chỉ với Phố Wall nói chung mà còn với cả bối cảnh chính trị nữa. Điều thú vị là danh sách nạn nhân của hắn không có tên bất cứ ngân hàng Mỹ hay công ty đầu tư nghiêm túc nào, những đối tượng thông thường đòi hỏi các thông tin mà công ty của Madoff giữ kín. Trên thực tế, công ty của hắn đã bị nghi ngờ là một doanh nghiệp lừa đảo trong gần một thập kỷ, với bằng chứng về các hành vi sai trái từ tận những năm 70. Thế nhưng, cuộc điều tra thực sự bị trì hoãn cho đến khi các con trai hắn tố cáo hắn. Nhiều người biết trong hàng năm trời nhưng giữ im lặng, cho phép Madoff tiếp tục âm mưu làm hại hàng ngàn người. Thuận tiện thay, cháu gái của Madoff cưới một quan chức kiểm toán cao cấp tại Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) năm 2005 và bản thân hắn khoe khoang về mối quan hệ thân thiết của hắn với các quan chức quản lý SEC. Công ty của Madoff có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lập pháp và quản lý của Washington, với Madoff ngồi trong hội đồng quản trị của Hiệp hội Công nghiệp Chứng khoán và anh trai hắn ngồi trong hội đồng quản trị của Hiệp hội Công nghiệp Chứng khoán và Thị trường Tài chính (SIFMA). Trong bài viết của Creswell và Thomas cho tờ Thời báo New York, một phụ tá thân cận của Madoff thuật lại rằng, “Ông ta từng nói với tôi rằng ông ta dành 1/3 thời gian ở Washington vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90.”

Không những quỹ đầu tư của Madoff là cỗ máy rửa tiền hoàn hảo cho những kẻ đồng mưu, hắn còn được bảo vệ bởi mối quan hệ thân cận với các “cảnh sát doanh nghiệp” của SEC và sự kiểm soát chặt chẽ các nhân viên của hắn. “Không có ai bỏ đi vì họ không thể kiếm được công việc nào khác trả hậu hĩnh như ở đây. Một số người, sau khi hắn bị bắt, suy đoán rằng nó như là một kiểu mua sự im lặng; không ai hỏi han điều gì vì Madoff hào phóng và bảo vệ nhân viên hắn.” (The Daily Beast) Theo Babiak và Hare, “Mức độ và cường độ hăm dọa của kẻ thái nhân cách thường khiến các nạn nhân không đứng ra tố cáo được.”11 Bằng cách kiểm soát thủ hạ và nịnh bợ các nhà quản lý, Madoff tự bảo vệ bản thân khỏi bị bại lộ. Chỉ có khi hắn trở nên quá kiêu ngạo thì mọi sự mới đổ vỡ hết cả.

Một kẻ thái nhân cách tiêu biểu trong chính trị
Một kẻ thái nhân cách tiêu biểu trong chính trị

Nhưng Madoff chỉ là triệu chứng của một vấn đề mang tính hệ thống ảnh hưởng đến nhân loại từ mức độ quan hệ giữa các cá nhân cho đến đỉnh cao của quyền lực chính trị. Những kẻ “thái nhân cách tép riu” xoay sở giành ảnh hưởng và quyền lực trong phạm vi tương đối giới hạn: từ gia đình hắn cho đến các đồng nghiệp và nạn nhân tình cờ khác. Những kẻ thái nhân cách linh hoạt hơn chuyển từ nạn nhân này đến nạn nhân khác, thu thập một bảng thành tích những phụ nữ bị hủy hoại về mặt tinh thần và thể xác, những người già bị lừa mất hết tiền tiết kiệm, những tổ chức từ thiện bị mất sạch tiền quyên góp, những đứa trẻ bị tra tấn và lạm dụng. Kẻ thái nhân cách doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng mọi người trong hàng ngũ nhân viên công ty, hành vi tội ác của hắn có thể hủy hoại cuộc sống của hàng ngàn người. Thế nhưng chính kẻ thái nhân cách chính trị, ở vị trí đỉnh cao của uy tín, quyền lực và ảnh hưởng, là kẻ có thể cai trị - và hủy hoại cả đế chế. Ảnh hưởng của hắn vươn rộng ra toàn xã hội và các quyết định của hắn có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người.

Chú thích:

  1. Babiak (2007, 413).
  2. Babiak & Hare (2006, xiii).
  3. Babiak (2007, 419).
  4. Babiak & Hare (2006, 12).
  5. Babiak & Hare (2006, 37).
  6. Babiak & Hare (2006, 38).
  7. Babiak & Hare (2006, 51).
  8. Babiak (2007, 417).
  9. Babiak (2007, 418 - 20).
  10. Babiak & Hare (2006, 47).
  11. Babiak & Hare (2006, 52).

Nhận xét:

Phần 2: Mặt nạ của kẻ thái nhân cách

Phần 4: Kẻ thái nhân cách chính trị

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.