Bài viết theo chủ đề

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Holocaust 2.0 đang đến gần!

Biển tưởng niệm với dòng chữ 'Không bao giờ nữa' ở trại tập trung Dachau tại Đức
Biển tưởng niệm với dòng chữ "Không bao giờ nữa" viết bằng nhiều ngôn ngữ ở trại tập trung Dachau tại Đức

Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Sott.net đang bắt đầu loạt bài điểm lại lịch sử do thực tế rằng con người trên hành tinh này có vẻ không thực sự nhớ những gì họ đã thề là sẽ “không bao giờ quên”. Lịch sử đang lặp lại. Nó đang xảy ra NGAY LÚC NÀY, và sự khởi đầu của quá trình đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Hãy coi những bài viết này là lời cảnh báo của chúng tôi với nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ không rơi vào thinh không một cách vô ích.

Alfred Hitchcock là một nghệ sĩ. Rất ít người hiểu ngôn ngữ của phim ảnh được như ông - cách truyền tải thông điệp trên phương diện tình cảm, vượt ra ngoài tầm của lý trí - và nó thể hiện trong những bộ phim tâm lý kinh dị của ông, như Psycho, The Birds, và Vertigo cùng vô số bộ phim khác. Nhưng ông còn làm một bộ phim mà hầu hết mọi người chưa từng nghe tới. Trong năm 1945, ông được thuê hỗ trợ một bộ phim tài liệu sử dụng những thước phim quay bởi binh lính Anh, Mỹ và Nga về các trại tập trung vừa được giải phóng trải khắp Châu Âu sau Thế Chiến II. Bản thân Hitchcock cuối cùng chỉ làm việc với bộ phim được một tháng, giúp đỡ với việc trình bày trực quan các cảnh quay và từ chối thù lao. Sau đó, nhiều chậm trễ khác nhau nảy sinh, ban điều hành hãng phim dừng dự án, thay đổi trọng tâm, thuê một người quản lý dự án mới (Billy Wilder), và cuối cùng phát hành một phiên bản rút ngắn, hoàn toàn khác có tựa đề Lò xay Chết chóc (Death Mills).

Ngày 26/1, HBO chiếu một bộ phim tài liệu mới, Đêm sẽ Đến (Night Will Fall), kể lại câu chuyện của bộ phim gốc, nằm trong kho lưu trữ trong hàng thập kỷ, và quá trình phục chế nó. Frontline lần đầu tiên phát sóng phiên bản phục chế của bộ phim, Ký ức Trại tập trung (Memory of the Camp), vào năm 1985. Bạn có thể xem nó dưới đây. (Nó cũng có trên trang web của PBS.)

Mục đích ban đầu của bộ phim là để cho mọi người thấy sự kinh hoàng của Đức Quốc xã, để nó “trở thành một tư liệu phục vụ cho ký ức chung của chúng ta”. Nói một cách khác, để không bao giờ quên. Để cho mọi người thấy sự thảm khốc cùng cực mà “nhân loại” có khả năng gây ra, và hy vọng rằng mọi người sẽ học được bài học để rồi nó không bao giờ xảy ra nữa. “Không bao giờ nữa!” là khẩu hiệu ngay lập tức xuất hiện trong đầu khi tôi nghĩ đến sự kiện Holocaust, và đó là một khẩu hiệu tốt, giá như chúng ta đều mở mắt căng tai để thực sự thấy những gì cần thiết để ngăn chặn hành động tàn khốc ở mức độ như vậy xảy ra một lần nữa. Nhưng chúng ta không thể làm vậy. Chúng ta đang ở trên cùng một con đường đến sự hủy diệt. Nó sẽ xảy ra một lần nữa, và nhân loại vẫn sẽ không nhìn thấy khi nó đang đến. Vâng, một số rất ít sẽ thấy, và tiếng nói của họ sẽ là vô vọng. Có những người đã thấy nó đang đến trước Thế Chiến II, và họ bị bỏ qua, bị chế giễu, bị bắt hoặc bị giết.

Nhưng tôi đang đi nhanh quá rồi. Hãy xem bộ phim trước đã.

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Con tàu Titanic Phương Tây bắt đầu chìm

Tàu Titanic đang chìm

Nguồn: politobzor.net
Nguồn dịch: Kichbu Blog

"Hệ thống các giá trị Mỹ" bị một đòn đánh mới. Iran đã từ chối sử dụng đồng dollar Mỹ trong thanh toán với nước ngoài. Theo phó giám đốc Ngân hàng Trung ương của Iran Ali Goliama Kamyaba tuyên bố, từ nay khi ký kết hợp đồng với các nước, Iran sẽ sử dụng các đồng tiền khác. Đó, đặc biệt, sẽ là nhân dân tệ, euro, lira Thổ Nhĩ Kỳ, ruble Nga và won của Hàn Quốc. Nước xuất khẩu dầu lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất vào Trung Quốc... Chính phủ Iran đã thông báo rằng đang áp dụng các biện pháp phòng trường hợp Hoa Kỳ tăng cường các lệnh trừng phạt. Đằng sau tất cả điều này hoàn toàn có thể nhìn thấy rõ "những cái tai" của các cuộc đàm phán và thỏa thuận Nga-Iran gần đây...

Ngoài sự kiện quan trọng như vậy, lợi ích của Hoa Kỳ cũng đã bị thêm một cú đánh ở khu vực Trung Đông. Đó dĩ nhiên là nói về Yemen. Một chính phủ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Saudi Arabia, và tiếp theo của Washington, đã nhanh chóng thất bại trong cuộc chiến giành quyền lực! Đại diện của phong trào "Ansar Allah" (phiến quân người Shiite, Housit) đã thành công trong cuộc đảo chính hầu như không đổ máu. Mặc cho những khẩu hiệu tôn giáo, trước hết, cuộc đảo chính nhằm chống lại Saudi Arabia. Mặc dù giá trị trực tiếp của Yemen trên thị trường dầu là không lớn, cần thấy rằng ở đó có những lối ra Ấn Độ Dương thuận lợi đối với người Saudi... Những lợi ích của Hoa Kỳ đang đòi hỏi chính phủ thân Saudi Ẩbia ở Yemen, nhưng những người nổi dậy đã thực hiện thêm một biện pháp quan trọng nữa, họ không cho phép chính quyền hiện hành từ chức, đồng thời đã kiểm soát được nó. Điều này sẽ không cho phép Hoa Kỳ hoặc Saudi Arabia nhanh chóng tiến hành "hoạt động thân dân chủ" trong khu vực. Và bất kỳ "các hoạt động đặc biệt" nào nhằm phá hoại từ bên trong sẽ cần đến không ít thời gian.

Điều này có nghĩa là gì?! Tiếp cận dầu mỏ của Ả Rập sẽ bị giới hạn ở thị trường châu Á, nơi bạn hàng chính yếu là Trung Quốc. Trong hai năm qua, Saudi Arabia đã dần bị mất thị phần trên thị trường Trung Quốc có lợi cho Nga. Bây giờ sẽ còn mất nhiều hơn nữa ... Nếu so sánh điều này với quyết định của Iran và tăng lượng cung cấp của Nga, thì chúng ta sẽ thấy xuất hiện trước mặt mình một thị trường sản phẩm dầu mỏ to lớn, nơi đơn vị thanh toán không phải là đồng dollar! Cần phải tính đến cả các nhà khai thác dầu mỏ Nam Mỹ. Họ cũng đã từ chối thanh toán bằng dollar. Rồi Châu Âu sẽ không duy trì được bao lâu. Có lẽ trong năm nay Nga sẽ yêu cầu EU thanh toán dầu và khí đốt bằng tiền tệ khác chứ không phải dollar Mỹ. Trong thời gian tương đối ngắn, dòng chảy của đồng dollar dầu mỏ đã giảm sút nghiêm trọng và sẽ còn chỉ giảm hơn nữa. Đây và cũng là những động thái của Nga mà các chuyên gia kinh tế dùng để đe dọa phương Tây!

Nhiều người nghĩ rằng việc chuyển đổi từ thanh toán bằng dollar như một sự kiện tức thời: "Hôm nay Putin đã phát biểu trên truyền hình, còn ngày mai các nhà tài phiệt Mỹ sẽ nhảy ra từ các cửa sổ"... Dĩ nhiên, các nhà kinh tế Mỹ sẽ không đơn giản đứng nhìn sự sụp đổ nền kinh tế họ! Và quá trình này không chỉ là một khoảnh khắc, mà còn không thể đảo ngược. Đúng là hiện nay ngày càng ít phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ, mà phụ thuộc vào Nga ngày càng nhiều hơn. Điều này đã trở nên có thể do lập trường mang tính nguyên tắc của Nga. Nếu Hoa Kỳ tiến hành chính sách kinh tế của họ dựa trên lợi ích riêng của mình, và tích cực truyền bá quan điểm của họ ở khắp mọi nơi, thì Nga đã chọn con đường quan hệ hợp tác. Không cần phải hiểu điều này như là trên thị trường có "một Rasseya hiền lành" hoặc "một nước Nga rất đạo đức" nào đó. Không! Việc thanh toán lạnh lùng và rất thực dụng - "chúng tôi sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận của ngày hôm nay, vì chiến thắng chắc chắn vào ngày mai"...

Những nỗ lực áp đặt Nga bằng các lệnh trừng phạt, trò chơi dầu mỏ và phá giá tiền tệ đã không thành công. Hóa ra nguồn dự trữ an toàn là rất lớn. Những "quỹ bình ổn" nhất mà "các chuyên gia độc lập" chế nhạo, gọi chúng là "cái bùng binh của những kẻ bất tài vô dụng trong nền kinh tế của ban lãnh đạo Nga đã trở nên một bảo đảm thắng lợi kinh tế của Nga. Các biện pháp trừng phạt của Châu Âu, trong tình huống này, đã bị biến từ một phương tiện kỳ vọng gây áp lực đối với LB Nga thành công cụ đe dọa chính trị và kinh tế đối với Liên minh Châu Âu.

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Câu hỏi đầu tiên cần hỏi sau một vụ khủng bố: Nó có phải tấn công cờ giả không?

Tấn công cờ giả

Nguồn: Washington's Blog
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Các chính phủ trên khắp thế giới đã thừa nhận họ sử dụng mánh lới của bọn côn đồ... đánh trước, rồi đổ lỗi cho nạn nhân:

  • Binh lính Nhật gây một vụ nổ nhỏ trên đường ray tàu vào năm 1931, và đổ lỗi cho Trung Quốc để biện minh cho cuộc xâm lược Mãn Châu. Vụ này được biết đến dưới cái tên “Sự kiện Phụng Thiên” hay “Sự kiện Mãn Châu”. Tòa án Quân sự Quốc tế Tokyo viết: “Nhiều kẻ tham gia trong kế hoạch này, bao gồm cả Hashimoto [một sĩ quan quân đội Nhật Bản cấp cao], trong nhiều dịp khác nhau đã thừa nhận sự tham gia của họ và đã tuyên bố rằng mục tiêu của “Sự kiện” là để tạo ra một cái cớ cho sự chiếm đóng Mãn Châu của quân đội Quan Đông...”. Xem tài liệu về phiên tòa xử Hashimoto vì tội ác chiến tranh ở đây.

  • Một thiếu tá SS Đức Quốc xã thừa nhận tại phiên tòa Nuremberg rằng - theo lệnh của giám đốc Gestapo - hắn và một số đặc vụ Đức Quốc xã khác dàn cảnh một vụ tấn công vào tài sản và dân chúng Đức rồi đổ lỗi cho người Ba Lan để biện minh cho cuộc xâm lược Ba Lan. Tướng Đức Quốc xã Franz Halder cũng làm chứng tại phiên tòa Nuremberg rằng nhà lãnh đạo Đức Quốc xã Hermann Goering đã từng thừa nhận đốt cháy tòa nhà Quốc hội Đức vào năm 1933 rồi đổ lỗi cho những người cộng sản.

  • Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev thừa nhận bằng văn bản rằng Hồng quân Liên Xô đã bắn phá làng Mainila của Nga vào năm 1939 - trong khi đổ lỗi cuộc tấn công cho Phần Lan - để tạo ra cớ khởi động “Cuộc Chiến tranh Mùa đông” chống lại Phần Lan. Tổng thống Nga Boris Yeltsin đồng ý rằng nước Nga là bên xâm lược trong Cuộc Chiến tranh Mùa đông.

  • Israel thừa nhận rằng một nhóm khủng bố Israel hoạt động tại Ai Cập đã gài bom tại nhiều tòa nhà, bao gồm cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ, rồi bỏ lại “bằng chứng” chứng minh người Ả rập là thủ phạm (một quả bom trong số đó phát nổ sớm, cho phép người Ai Cập xác định kẻ đánh bom; và nhiều thành viên Israel sau đó cũng thú nhận) .

  • CIA thừa nhận họ đã thuê người Iran trong những năm 1950 đóng giả làm Cộng sản đánh bom trong nội địa Iran để khiến người dân đất nước này chống lại vị thủ tướng được bầu cử dân chủ của họ.

  • Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành vụ đánh bom năm 1955 vào một lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Hy Lạp - đồng thời làm thiệt hại nơi sinh của người sáng lập đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ở gần đó - và đổ lỗi cho Hy Lạp với mục đích kích động và biện minh cho bạo lực chống Hy Lạp.

  • Thủ tướng Anh thừa nhận với bộ trưởng quốc phòng Anh rằng ông ta và tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã phê duyệt một kế hoạch năm 1957 thực hiện các cuộc tấn công trong nội địa Syria và đổ lỗi cho chính quyền Syria nhằm thay đổi chế độ nước này.

  • Cựu thủ tướng Ý cùng một thẩm phán và một viên tướng từng lãnh đạo cơ quan tình báo Ý thừa nhận rằng NATO, với sự giúp đỡ của Lầu Năm Góc và CIA, đã thực hiện đánh bom khủng bố tại Ý và các nước Châu Âu khác trong những năm 1950 và đổ lỗi cho cộng sản nhằm tập hợp sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ của họ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản. Như một người tham gia vào chương trình từng là bí mật này tuyên bố: “Bạn phải tấn công thường dân, phụ nữ, trẻ em, những người vô tội, những người không hề liên quan đến bất cứ cuộc chơi chính trị nào. Lý do khá là đơn giản. Nó sẽ buộc những người này, công chúng Ý, quay ra với chính phủ và yêu cầu an ninh cao hơn.” (Ý và các nước Châu Âu khác là mục tiêu trong chiến dịch khủng bố này đã tham gia vào NATO trước khi những vụ đánh bom xảy ra.)

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Thượng viện Mỹ thừa nhận Hoa Kỳ đã và đang tra tấn tù nhân một cách dã man

Tác giả: Jane Mayer
Nguồn: The New Yorker
Nguồn dịch: Báo An ninh Thế giới

Cuối tháng 12/2014, Thượng viện Mỹ đã cho công bố một bản phúc trình dài 499 trang, mô tả tỉ mỉ hành vi tàn ác không thể tưởng tượng nổi của CIA. Trước sự thật này, một vài người lạc quan cho rằng, việc ngành lập pháp Mỹ tố cáo hoạt động sai trái của cơ quan hành pháp sẽ đem lại những thay đổi theo chiều hướng tốt. Nhưng đây là chuyện khó tin và có lẽ cũng chẳng bao giờ xảy ra!

Ngày 29/12/2014, tờ The New Yorker đã có một bài phân tích, đánh giá về những vấn đề liên quan đến CIA xoay quanh bản phúc trình này…

1. Đến bây giờ, người ta mới biết rõ là ngay từ năm 2002, khi chương trình tra tấn tù nhân được "bật đèn xanh" thì những người làm công tác này đã ý thức rằng theo luật Mỹ, họ có thể phạm tội hình sự.

Một văn bản cho thấy các nhân viên CIA phụ trách thẩm vấn muốn được bảo đảm rằng những tù nhân bị họ tra tấn, hỏi cung sẽ bị cô lập, biệt giam vĩnh viễn, không bao giờ có cơ hội ra trước tòa án để khai những gì đã xảy ra trong lúc bị thẩm vấn. Cũng theo văn bản ấy, các điều tra viên muốn "tù nhân sẽ vĩnh viễn biến mất". Dựa vào lôgíc đó, một số tù nhân "ngoại hạng" bị Chính phủ Mỹ giam giữ ở Guantanamo chưa bao giờ được đưa ra xét xử công khai.

Bản phúc trình cũng cho thấy CIA nhân danh lợi ích an ninh tối cần thiết của quốc gia, đã lừa dối cả chính quyền của Tổng thống Bush lẫn Quốc hội Mỹ. Chính quyền Bush cho phép CIA tiến hành thẩm vấn, còn Quốc hội Mỹ là ngành có quyền giám sát hoạt động của CIA.

Tuy nhiên, khi vụ việc đổ bể, CIA chối bai bải, rằng họ không hề thực hiện hành vi tra tấn tù nhân, mà họ "chỉ tìm đủ mọi cách để khai thác tin tức tình báo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà thôi". Chưa hết, bản phúc trình còn chứng minh một điều là dùng cực hình tra tấn chẳng có ích lợi gì. Người ta có thể lấy tin tức tình báo bằng những phương pháp khác mà không cần phải hành hạ thân thể tù nhân. Hơn nữa, thẩm vấn bằng cực hình thường đưa đến những hậu quả đau thương, làm cho tù nhân sợ quá, bịa chuyện khai láo để khỏi bị đánh đập, gí điện, trấn nước….

Sau khi bản phúc trình được Thượng viện Mỹ công bố, còn có những tài liệu khác cho thấy CIA đã nói dối quanh, đánh lạc hướng các cơ quan chủ quản. Tháng 6/2003, cố vấn tư pháp của Văn phòng Phó tổng thống Mỹ hỏi CIA rằng họ có quay video hành vi trấn nước tù nhân hay không. Cố vấn pháp lý của CIA trả lời là "không". Về mặt kỹ thuật thì điều này đúng vì CIA không hề quay video lúc tra tấn tù nhân nhưng trước đó, họ có làm video về vấn đề này và đoạn băng ghi hình vẫn còn đó.

Không chỉ chối cãi, CIA còn quanh co khi trả lời những câu hỏi của Thượng viện. Ở nhiều đoạn trong bản phúc trình, CIA vừa nói láo, vừa xiên xẹo khiến người đọc thắc mắc không hiểu các quan chức của CIA nghĩ thế nào mà lại dám cả gan đánh lừa, dối gạt cả những cơ quan chủ quản của mình. Họ choàng lên mình một tấm áo che phủ mọi hoạt động bí mật vì họ cho rằng không ai có quyền kiểm soát hoạt động của CIA. Chỉ CIA mới là nơi duy nhất chịu trách nhiệm về hành động của chính họ.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Charlie Hebdo: Vụ 11 tháng 9 của nước Pháp

Hai mặt của tự do ngôn luận
Bức hình chế giễu Hồi Giáo thì là tự do ngôn luận và được tung hô.
Bức hình chế giễu Do Thái thì là tội bài Do Thái và bị kiểm duyệt.

Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Trong những ngày vừa qua kể từ vụ nổ súng tại văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị Do Thái ở Paris khiến 17 người chết, nước Pháp đã chứng kiến những cuộc biểu tình lớn ủng hộ các nạn nhân và gia đình họ, cùng một khẩu hiệu nghe rất kêu những không đúng chỗ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), và một loạt những lời phát biểu thù địchnhững vụ tấn công chống người Hồi giáo. Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Pháp cảnh báo “còn nhiều vụ tấn công nữa”, chính phủ thì đang đẩy mạnh một lập trường cứng rắn trong cuộc chiến tranh chống khủng bố và toàn bộ đất nước đang trong báo động đỏ. Một số người gọi đó là vụ 11 tháng 9 của Pháp. Có thể nói câu đó gần với sự thật hơn là những gì người nói muốn truyền đạt khi nhắc đến mối liên hệ ấy, nếu bạn đọc biết về những thủ phạm thực sự đằng sau vụ tấn công 11 tháng 9.

Để biết tại sao, trước hết chúng ta hãy xem xét cuộc tấn công ở Paris, các nghi phạm và những gì giới truyền thông đã cho chúng ta biết về họ.

Anh em Kouachi

Vụ tấn công bắt đầu lúc 11:30 giờ địa phương, thứ tư ngày 7 tháng 1 năm 2015, tại trụ sở tờ Charlie Hebdo ở Paris. Hai người đàn ông bịt mặt mang súng trường Kalashnikov (sau này được xác định là anh em người Pháp gốc Algeria, Cherif và Said Kouachi) xông vào buổi họp ban biên tập và bắn chết 10 nhân viên, bao gồm cả biên tập viên của tạp chí và nhiều họa sĩ.

Chúng được ghi âm lại đã nói, “Allahu akbar”, “chúng ta đã giết Charlie Hebdo”, và “chúng ta đã trả thù cho nhà tiên tri”. Các nhân chứng mô tả hành động của chúng là rất chuyên nghiệp - chúng chắc chắn đã có rất nhiều huấn luyện và kinh nghiệm chiến đấu. Một nhân chứng lúc đầu nhầm lẫn các tay súng với lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố của Pháp:

“Họ biết chính xác những gì họ phải làm và chính xác phải bắn vào đâu. Trong khi một người canh gác và kiểm tra xem giao thông có thuận lợi không, người kia xông vào kết liễu,” anh nói.

Hai tay súng sau đó rời khỏi tòa nhà và rơi vào một cuộc đọ súng với cảnh sát ở phía bắc tòa nhà. Một tay súng bình thản xử tử một cảnh sát bị thương, Ahmed Merabet (một người Hồi giáo), trên đường phố. Mặc dù có nhiều tuyên bố và video trên mạng nói rằng video quay cảnh đó là giả mạo, nó có vẻ đúng là thật. Súng Kalashnikov không giật nhiều lắm khi bắn, và video bị rung. Hơn nữa, có vẻ như Merabet bị bắn vào lưng chứ không phải vào đầu (giải thích việc không nhìn thấy máu hay vết thương trên video).

Tiếp tục cuộc chạy trốn, các tay súng có vẻ đã trốn thoát cảnh sát sau một cuộc rượt đuổi tốc độ cao, đổi xe nhiều lần, một lần nữa với vẻ bình thản đến kỳ lạ. Ví dụ, khi cướp chiếc xe thứ hai, chúng nói với người chủ xe: “Nếu giới truyền thông hỏi anh điều gì thì nói với họ đấy là al-Qaida ở Yemen.” Không bỏ lỡ bất cứ cơ hội tự quảng cáo nào!

Cảnh sát công bố tên của ba nghi phạm: anh em nhà Kouachi và Hamyd Mourad 18 tuổi, em rể của Cherif. Hamyd Mourad sau đó tự đến trình diện cảnh sát: anh ta đang ở trong lớp học tại trường đại học vào thời điểm xảy ra vụ tấn công; điều được xác nhận bởi giáo sư và các bạn học cùng lớp. Hai anh em Kouachi thì được xác định chỉ thông qua một thẻ căn cước rơi trên chiếc xe Citroën C3 chúng bỏ lại trong khi chạy trốn. Nghe giống như vụ 11 tháng 9 vậy! Còn có tin tường thuật rằng tên tuổi của họ được lan truyền trên Facebook và Twitter đến một giờ trước khi cảnh sát công bố.

Ngày hôm sau, thứ năm, một nữ cảnh sát bị bắn chết tại Montrouge. Lúc đầu vụ này được cho là không liên quan, nhưng sau đó cảnh sát tuyên bố rằng tay súng thủ phạm biết anh em nhà Kouachi. Đây cũng được cho là cùng một tay súng mà về sau bắt con tin trong siêu thị Do Thái. Hai nghi phạm Charlie Hebdo sau đó được thấy lái xe về phía bắc qua Picardy, và họ cướp một trạm xăng.

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Bi kịch Ukraina: Lịch sử và hiện tại

Nguồn: Tiếng nói Nước Nga

Mới đây, một kênh truyền hình Liên bang Nga đã giới thiệu bộ phim tài liệu của đạo diễn Andrei Medvedev "Đề án Ukraina".

Trong phim lần đầu tiên người xem tiếp cận những phân tích chi tiết và khách quan về nguyên nhân thảm kịch đã và đang diễn ra ở Ukraina. Các chuyên gia thừa nhận Nga có một phần trách nhiệm. Họ cũng chia sẻ ý kiến về điều này. Chuyên gia Andrey Ivanov Viện Nghiên cứu Quốc tế trường MGIMO, Bộ Ngoại giao Nga, đã theo dõi bộ phim và cho biết những suy nghĩ của ông:

“Có lẽ hầu hết những ai sống bên ngoài CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) đều nhìn nhận sự kiện ở Ukraina theo lăng kính của bộ máy tuyên truyền phương Tây và Ukraina: một cuộc xung đột giữa những người Ukraina yêu chuộng tự do, khao khát dân chủ và thống nhất vào Liên minh châu Âu với những người Nga mơ tưởng sự phục sinh của nhà nước Liên Xô.

Huyền thoại về cuộc xung đột giữa người Nga và người Ukraina được các phương tiện truyền thông và tầng lớp ưu tú Ukraina ra sức thổi phồng, bản thân họ ngày càng chịu khó phát ngôn trước công chúng bằng tiếng Ukraina. Đối với nhiều người điều này không hề dễ, bởi Nga ngữ vốn là tiếng mẹ đẻ. Nga ngữ cũng là phương tiện giao tiếp chính trong quân đội Ukraina, giữa những người lính đang chĩa họng súng vào người nói tiếng Nga ở Donetsk và Lugansk.

Phim tài liệu "Đề án "Ukraina" của đạo diễn Andrei Medvedev là một nỗ lực trình bày, phân tích vì sao những con người nói chung một thứ tiếng và sống chung một văn hoá lại nhằm bắn vào nhau.

Trước thế kỷ XX, chưa từng có khái niệm một quốc gia Ukraina. Từ “ukraina” được hiểu là "vùng giáp biên của Đế chế Nga," nơi có người Nga sinh sống. Nhưng rồi chính các học giả và nhà báo Nga thế kỷ XIX, với nỗ lực làm suy yếu thế lực của đế chế Nga, dựa vào một trong các phương ngữ ở miền Nam Nga tạo ra “ngôn ngữ Ukraina”, dựng lên huyền thoại về tộc Rus-Ukraina cổ đại tách biệt các tộc người Slav khác. Cũng chính từ một số học giả này phát ra câu nói "Ukraina của người Ukraina", trở thành khẩu hiệu của người nazi Ukraina ngày nay.

Giới quan chức thời Nga hoàng đã không nhận ra mối nguy hiểm từ trò đùa của đám trí thức. Để rồi trong Thế chiến I, người Áo và người Đức đã lập tức khai thác các phần tử nazi Ukraina chống lại Đế chế Nga. Sau này trong Thế chiến II, dưới sự lãnh đạo của Stepan Bandera lực lượng nazi lại hăng hái hợp tác với Đức quốc xã. Đám nazi khét tiếng với hoạt động trừng phạt cả du kích lẫn thường dân, giết hại hàng chục ngàn người Do Thái, người Nga, Ba Lan và Ukraina, nếu họ coi Nga là dân tộc anh em. Trong cuộc chiến Vệ quốc tàn khốc, Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức và Bandera nhờ sự kề vai sát cánh của người Nga và Ukraina, cùng những người Do Thái, Tactar, Ba Lan và hàng chục dân tộc khác.

Nhưng vài thập kỷ trôi qua, sau khi Liên Xô sụp đổ những người lên nắm quyền ở Kiev đã chấp nhận tôn vinh Stepan Bandera - kẻ sát nhân và tay sai Đức quốc xã là người anh hùng đấu tranh vì độc lập Ukraina. Bằng phương tiện truyền thông, người ta thuyết phục những ai coi Nga ngữ là tiếng mẹ đẻ rằng, Ukraina không phải là Nga, người Ukraina và người Nga là hai dân tộc riêng biệt. Vang lên những tiếng thét đòi treo cổ và đâm chết "bọn Moskal" tức người Nga, giành lại "những mảnh đất Ukraina lâu đời" dường như kéo dài tới tận dãy núi Ural.

75 năm trước, đó là miền đất mơ ước của Đức quốc xã, một tham vọng đem lại đau thương cho nhiều dân tộc, trong đó có chính người Đức. Sau cuộc chiến thất bại, người Đức đã ăn năn và tự hứa không để chủ nghĩa phát xít có cơ hội sống lại. Vậy mà lúc này, nhà cầm quyền Đức đang thản nhiên với sự khôi phục của chủ nghĩa phát xít ở Ukraina. Phớt lờ sự chỉ trích của phe đối lập, chính phủ Thủ tướng Merkel đang ủng hộ Tổng thống Ukraina Poroshenko trong cuộc xung đột vũ trang với người dân Donetsk và Lugansk, tuyên bố họ chịu khuất phục trước lực lượng nazi mới. Được Đức, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ, ông Poroshenko cùng những người xung quanh mình đã từ chối giải pháp đàm phán với người dân đông nam Ukraina. Lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng Chín sau thất bại thảm hại của quân chính phủ trước lực lượng dân quân Donbass, Kiev ra sức phục hồi quân đội và tái trang bị.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Bốn lý do tại sao tôi mệt mỏi với Hội chứng Sợ Hồi Giáo

Islamophobia
Những tấm biển mang khẩu hiệu "Hòa nhập", "Tự do Ngôn luận" và "Khoan dung"

Tác giả: Khalisah K. Stevens
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Sau vụ tấn công tờ báo Charlie Hebdo, khó có thể là một người Hồi Giáo và đau buồn cho các nạn nhân trước khi sự chú ý toàn cầu lại một lần nữa chuyển sang đổ lỗi cho bạn do những kẻ thủ phạm kia làm việc đó nhân danh tôn giáo của bạn.

Dưới đây là một số lý do khiến người Hồi Giáo ôn hòa kiệt sức và mệt mỏi bởi những sự kiện vừa qua.

1. Người Hồi Giáo cần phải lên án/chịu trách nhiệm về vụ giết người ngay bây giờ!

Người Hồi Giáo vẫn lên án hành động của tất cả những kẻ cực đoan bởi vì những kẻ cực đoan gây tổn thương cho người Hồi Giáo nhiều hơn bất cứ nhóm nào khác. Bạn nghĩ ai bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự tồn tại của Al Qaeda, Boko Haram, hải tặc Somali và ISIS? Chủ yếu là người Hồi Giáo, sau đó là các sắc tộc thiểu số khắp vùng Trung Đông và Châu Á như người Thiên Chúa Giáo từ Mosul và người Yazidis, cuối cùng là những người dân vô tội ở phương Tây. Nếu bất cứ ai muốn ngăn chặn những kẻ cực đoan, người Hồi Giáo sẽ là NGƯỜI ĐẦU TIÊN hưởng lợi từ việc xóa sổ những nhóm đó.

Chủ nghĩa cực đoan thường nhật xảy ra trong thế giới thứ ba của chúng tôi chỉ có giá trị tin tức khi nó lan sang thế giới thứ nhất. Và khi điều đó xảy ra, giới truyền thông nhanh chóng quay lại và yêu cầu cộng đồng người Hồi Giáo xin lỗi, để chứng tỏ là chúng tôi không ủng hộ những kẻ điên khùng đang làm tổn hại chính chúng tôi

Họ quên đi một cách tiện lợi rằng cội rễ sâu sắc của chủ nghĩa cực đoan bắt nguồn từ những quyết định chính sách đối ngoại tồi tệ của những kẻ hiếu chiến ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, hay các tàn dư của chủ nghĩa thuộc địa. Chúng tôi, những người Hồi Giáo, bị cho là phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động của những kẻ cực đoan chỉ vì họ tự nhận một cách không chính xác là Hồi Giáo.

Tội liên đới, tất cả 1,6 tỷ người chúng tôi.

Phòng trường hợp bạn chưa biết, thì có tin tức mới nhất – ISIS đã và đang giết tất cả mọi người, kể cả những người Hồi Giáo vô tội. Chúng nhắm vào tờ Charlie Hebdo bởi vì tờ báo này đặc biệt ồn ào và khó chịu về Hồi Giáo, và điều đó dẫn tôi tới điểm tiếp theo:

2. Những tay súng cực đoan nhằm vào Charlie Hebdo vì chúng chống lại tự do ngôn luận.

Câu chuyện của giới truyền thông là động cơ của các tay súng khi tấn công tờ Charlie Hebdo là vì chúng chống lại tự do ngôn luận. Tấn công tự do ngôn luận là vấn đề quá rộng và mập mờ để kẻ cực đoan chống lại. Nhưng giới truyền thông đã đi theo hướng đó, bởi vì đấy là một câu chuyện đơn giản tuyệt đẹp.

Người Hồi Giáo cũng hưởng lợi từ tự do ngôn luận. Có nhiều ví dụ nơi mà người Hồi Giáo có thể hưởng lợi từ tự do ngôn luận hay các quyền dân sự khác như khi họ bị giam giữ ở sân bay hay bị đưa tới Vịnh Guantanamo hay bị từ chối tiếp cận luật sư.

Những người bị bắn ở Charlie Hebdo là vô tội và không đáng phải chết, nhưng họ cũng làm gia tăng hội chứng sợ Hồi Giáo, chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt chủng tộc hiện nay. Rất nhiều người thấy khó khăn khi nhìn nhận vấn đề theo cách như vậy ngay sau vụ nổ súng, song đó là sự thật.

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Viết để chữa lành

Nguồn: Đại học Texas tại Austin
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Trong gần 20 năm, tiến sĩ James W. Pennebaker giao cho mọi người một bài tập: viết xuống những cảm xúc sâu thẳm nhất của bạn về một chấn động tinh thần nào đó trong cuộc sống trong vòng 15 – 20 phút và làm vậy bốn ngày liên tục. Nhiều trong số những người làm theo hướng dẫn đơn giản của ông nhận thấy hệ thống miễn dịch của họ được tăng cường. Những người khác thấy điểm số của họ được cải thiện. Với một số người, toàn bộ cuộc sống của họ thay đổi.

Pennebaker, giáo sư khoa Tâm lý học tại trường Đại học Texas ở Austin và tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có cuốn Mở Rộng Lòng (Opening Up)Viết để Chữa lành (Writing to Heal), là một người tiên phong trong nghiên cứu sử dụng việc viết bộc lộ cảm xúc để chữa lành. Nghiên cứu của ông cho thấy việc viết tập trung trong thời gian ngắn có thể có tác dụng tốt với tất cả mọi người, từ những người đang phải đối phó với bệnh hiểm nghèo cho đến nạn nhân tội ác bạo lực cho đến các sinh viên mới vào trường đại học.

“Khi mọi người được cho cơ hội viết về các chấn động tinh thần, họ thường thấy được cải thiện về sức khỏe,” Pennebaker nói. “Họ đến bác sĩ ít hơn. Họ có những thay đổi trong chức năng miễn dịch. Nếu họ là sinh viên năm thứ nhất, điểm số của họ có xu hướng đi lên. Nhiều người nói với chúng tôi sau đó hàng tháng trời rằng đó là một trải nghiệm rất có ích với họ.”

Trong nghiên cứu ban đầu của mình, Pennebaker chú ý đến việc những người có bí mật quan trọng thường dễ mắc một loạt vấn đề về sức khỏe. Nếu bạn có thể tìm được cách để cho những người ấy chia sẻ bí mật của họ, liệu các vấn đề sức khỏe của họ có được cải thiện không?

Hóa ra câu trả lời thường là có, và những người ấy thậm chí không cần nói bí mật của họ với ai khác. Hành động đơn giản viết về những bí mật đó, ngay cả khi họ thiêu hủy những gì họ viết ngay sau đó, có tác động tích cực đối với sức khỏe. Các nghiên cứu tiếp theo cho thấy lợi ích đó không chỉ giới hạn ở những người có bí mật quan trọng, mà có thể áp dụng cả cho những người đang phải đối phó với việc ly hôn, bị mất việc hay thậm chí chỉ là phải đi làm xa.

“Các thăng trầm cảm xúc động động chạm đến mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta,” Pennebaker giải thích. “Bạn không chỉ có mất việc, bạn không chỉ có ly dị. Những thứ đó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của con người bạn - tình hình tài chính của bạn, quan hệ của bạn với những người khác, cách nhìn của bạn về bản thân, suy nghĩ của bạn về cuộc sống và cái chết. Viết giúp chúng ta tập trung và sắp xếp lại các trải nghiệm đã qua.”

Tâm trí chúng ta luôn cố gắng để hiểu về những gì xảy đến với chúng ta. Khi một sự kiện chấn động nào đó xảy ra hay khi chúng ta trải qua một biến động lớn trong cuộc sống, tâm trí chúng ta phải tăng cường hoạt động để xử lý trải nghiệm đó. Nghĩ ngợi về sự kiện có thể khiến chúng ta không ngủ được, làm chúng ta mất tập trung khi làm việc, và thậm chí làm chúng ta không kết nối được với người khác.

Khi chúng ta chuyển một trải nghiệm sang ngôn ngữ, về cơ bản chúng ta đã làm nó trở nên dễ hiểu hơn. Nhiều người có thể thấy cải thiện trong cái gọi là “bộ nhớ hoạt động”, hay khả năng suy nghĩ về nhiều thứ cùng một lúc. Họ cũng có thể ngủ tốt hơn. Kết nối xã hội của họ cũng có thể cải thiện, một phần là vì họ có khả năng tập trung tốt hơn vào người khác ngoài chính bản thân họ.

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Cầu lửa, thời tiết khắc nghiệt và Biến đổi Trái Đất: Tóm tắt SOTT tháng 12/2014

Nguồn: SOTT Media

Mẹ Thiên nhiên có vẻ quyết tâm kết thúc năm 2014 một cách ấn tượng, đẩy mạnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và Biến đổi Trái Đất trong tháng 12. Bão tuyết chôn vùi nhiều thành phố ở vùng Viễn Đông nước Nga và miền đông bắc Trung Quốc, nơi mà một thác nước trên sông Hoàng Hà đóng băng một phần. Nhật Bản bị tấn công bởi lượng tuyết rơi kỷ lục lần thứ hai trong năm, trong khi một đợt giá lạnh kinh khủng tại miền bắc Ấn Độ cướp đi ít nhất 150 mạng người.

Một tuần bão điện từ không ngừng mang lại mưa đá, lũ lụt và thiệt hại rộng khắp cho Sydney, Úc, trong khi một hố sụt khổng lồ nuốt chửng ba xe ô tô ở Melbourne. Cá và cả cá voi tiếp tục chết trôi dạt vào bờ với số lượng lớn tại các bờ biển và cả hồ nước ngọt cùng sông ngòi, một phần do hoạt động núi lửa gia tăng như được chứng tỏ trên đất liền bởi những vụ phun trào ở Indonesia, Mexico, Iceland, Cape Verde, Hawaii và Nhật Bản.

Thành phố Sao Paulo hạn hán nặng nề tháng này bị ngập chìm bởi mưa, biến đường phố thành sông. Vòi rồng nước xuất hiện tại Úc và Địa Trung Hải, một cơn lốc xoáy tấn công trung tâm thành phố Los Angeles lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, trong khi một đợt lốc xoáy 'trái mùa' khác ở miền nam Hoa Kỳ giết hại 5 người và khiến hàng chục người khác mất nhà cửa. 'Trận lụt tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ' tấn công Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Sri Lanka, nơi hơn một phần tư triệu người phải sơ tán khỏi nhà của họ.

Một dải bão giáng xuống bờ biển tây Hoa Kỳ, mang lại sạt lở đất bùn, mưa đá và lũ quét cuốn trôi nhà cửa cùng đường sá. Bên kia Đại Tây Dương, thứ được gọi là 'bom thời tiết' tấn công nước Anh và Ireland, mang lại những đợt sóng khổng lồ và gió mạnh như bão. Tiếp theo là một đợt lạnh lớn mang đến bão tuyết cho Tây Âu, vùng Balkans và Địa Trung Hải, nơi Malta nhận cơn mưa tuyết đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ nay.

Những quả cầu lửa từ thiên thạch ngoạn mục được quay trên bầu trời Puerto Rico, Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Những tiếng nổ được coi là 'bí ẩn' làm rung chuyển nhà cửa suốt từ Hoa Kỳ đến Anh. Một cảnh UFO không thể tin được được quay tại Santiago, Chile và sự xuất hiện của ánh sáng plasma rực rỡ trên bầu trời Lima, Peru đón mừng năm mới.

Hãy đeo dây bảo hiểm vào cho năm 2015; nó sẽ 'thú vị' đấy!

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Phương Tây trừng phạt kinh tế Nga càng mạnh, đòn bật boomerang sẽ càng đau hơn

Nguồn: Tiếng nói Nước Nga

Những động cơ chính trị đang đem lại thiệt hại kinh tế. Bên gánh chịu tổn thất bao gồm cả Moskva lẫn Brussels và đặc biệt là Kiev.

Không những thế, mỗi tháng trôi qua mất mát lại càng nhiều hơn. Theo các chuyên gia, thì đây chính là mục tiêu của Washington. Những hạn chế nhằm vào Nga lại không tác động mấy tới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khó thể nói như vậy về các doanh nghiệp châu Âu và nền kinh tế Ukraina.

Theo tính toán sơ bộ, ngân sách của chính quyền Kiev năm 2014 đã mất mát khoảng 10 tỷ USD. Châu Âu thì thấp thỏm e ngại với sự xuất hiện đối xứng của những "thiên nga đen" mới. Đây là thuật ngữ mà quan chức phương Tây ám chỉ các động thái chiến lược của Nga nhưng tạo ra hoàn cảnh bất lợi cho EU. Hiện giờ, đó là lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ các nước EU và từ chối dự án Dòng chảy phương Nam. Liệu tiếp theo sẽ là gì?

Mọi cái sẽ chỉ càng tồi tệ hơn nếu tiếp tục cuộc chiến trừng phạt. Các chính trị gia và doanh nhân EU nhận thức rất rõ điều này. Ở phương Tây ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc phải chấm dứt sự đối đầu. Trong đó gần đây nhất là tuyên bố của Tổng thống Áo Heinz Fischer. Theo ông, áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Nga sẽ là quyết định ngu xuẩn và tai hại. Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và chính trị thế giới Trường Cao học Kinh tế Nga Igor Kovalyov đồng tình với quan điểm này. Ông Kovalyov đã nêu khả năng cùng gỡ bỏ các hạn chế:

“Mỗi tháng trôi qua, thậm chí mỗi ngày, hậu quả tác động càng rõ rệt hơn. Bởi khối lượng trao đổi thương mại, sự ràng buộc liên lạc và hợp tác lẫn nhau rất lớn. Lệnh trừng phạt không bao giờ mang tính một chiều. Chúng luôn đánh vào cả đối tượng bị cấm vận lẫn những người áp đặt. Một ví dụ điển hình có thể thấy là quan hệ Mỹ - Cuba. Sau nhiều thập kỷ Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh cấm vận với kẻ thù dường như là không đội trời chung của mình, nhưng rồi cùng tới lúc Washington và Havana thấy cần thông qua quyết định thiết lập quan hệ. Đối với EU và Nga, tôi nghĩ đó là vấn đề của vài tháng. Không thể sớm rút lui các biện pháp trừng phạt, cần một thời gian nhất định.”

Chủ đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt chưa được đưa vào chương trình nghị sự của Brussels. Tuy nhiên, mọi cái đang dẫn tới điều này, - các nhà phân tích nhận định. Hầu như ngày nào, Ủy ban châu Âu cũng nhận được báo cáo từ các nước về tổn thất được qui thành tiền do cuộc đối đầu chính trị với Nga gây nên. Ví dụ, Rome đã ước tính 13% tổn thất từ giảm trao đổi thương mại với Nga trong năm 2014 và có thể tới 17% trong năm 2015. Con số này không phải vài triệu mà là hàng tỷ euro. Đối với nền kinh tế đang ốm yếu của Ý, những thiệt hại như vậy thật khó thể tha thứ. Đáp lại thực tế, Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu Federica Magerini chỉ biết lắc đầu và phát biểu rằng, đối với Brussels điều quan trọng lúc này là kết quả chính trị từ các biện pháp trừng phạt, kinh tế chưa cần tính tới. Sự can đảm liệu có đủ lâu? Thật khó chắc chắn.

Trong bối cảnh này, càng khó thể hiểu nỗ lực nối gót bạn bè của Ukraina, đất nước với nền kinh tế đang bị lung lay, - giáo sư Alexander Mikhailenko Bộ môn Hoạt động đối ngoại của Nga thuộc Khoa An ninh quốc gia Học viện Kinh tế và hành chính chia sẻ suy nghĩ như sau:

“Vì sao Ukraina ràng buộc rất nhiều vào mối quan hệ với Nga? Họ bán cho Nga một phần đáng kể các sản phẩm toa xe - 70% khối lượng sản xuất, các đầu tầu. Giờ đây tất cả sẽ bị chìm vào dĩ vãng. Rồi động cơ máy bay từ nhà máy Motor Sich. Nhiều kết cấu kim loại khác nhau từng được Ukraina bán cho Nga. Các hợp đồng trao lớn sẽ bị khép lại.”

Trong số nạn nhân còn phải kể đến nhiều hãng quốc tế. Ví dụ, Exxon Mobil (Mỹ), BP (Anh), Siemens, Bosch (Đức) và v.v... Đối với các doanh nghiệp lớn, thực tế không chỉ là sự thua lỗ trong vài tháng mà kéo theo những tổn thất tiềm năng của vài năm tới. Loạt chiến lược kinh tế dựa trên các hợp đồng dài hạn đã bị phá vỡ. Không dễ gì lấy lại những cơ hội bị bở lỡ, bởi người Trung Quốc thực tế đang nhảy vào thế chân họ.

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Có phải Bill Gates, Rockefeller biết điều gì đó mà chúng ta không biết không?

Ảnh chụp một vụ nổ mảnh thiên thạch trên bầu trời Astrakhan, miền nam nước Nga, ngày 7-6-2012
Ảnh chụp một vụ nổ mảnh thiên thạch trên bầu trời Astrakhan, miền nam nước Nga, ngày 7-6-2012. Chúng ta có thể thấy tại sao người cổ đại gọi sao chổi/cầu lửa trên bầu trời là con rồng.

Nguồn: Sott.net (đăng từ năm 2008)
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

“Thời gian trôi qua, nhưng họ luôn luôn còn 5 - 7 năm thì hoàn thành quả bom.” - Shlomo Brom, phó cố vấn an ninh quốc gia của Israel dưới thời cựu Thủ tướng Ehud Barak.

Trong khi các chính trị gia Israel tiếp tục đánh trống báo động về thứ mà họ (và bây giờ cũng chỉ còn mình họ) tuyên bố là mối đe dọa sắp xảy đến từ một nước Iran có vũ khí hạt nhân, những luận điệu kích động tương tự đang được sử dụng để cố gắng thuyết phục chúng ta về một mối đe dọa hoàn toàn khác nhưng cũng không kém phần lớn lao đối với cuộc sống trên trái đất - “biến đổi khí hậu”. Họ nói rằng chúng ta còn nhiều nhất là 10 năm để ngăn chặn sự hủy diệt không thể tránh khỏi hoặc phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc như các thành phố ven biển chìm trong nước, động đất, sóng thần, bệnh tật nhiệt đới di chuyển lên phía bắc. Trong khi thu thập tài liệu cho bài viết này, tôi đọc một bài blog trong đó có nêu một điểm rất đáng chú ý:

Đặt khoa học sang một bên, một điều tôi thấy nghi ngờ về lý thuyết thảm họa khí hậu là ở chỗ trong khi có sự thay đổi to lớn và khủng khiếp này ở trước chúng ta, bằng một sự ngẫu nhiên trùng hợp đến kỳ lạ, chúng ta luôn luôn nghe nói rằng chúng ta có khả năng ngăn chặn nó với điều kiện - và đến đây người phát biểu bao giờ cũng khoác lên mình điệu bộ cực kỳ nghiêm trọng và khẩn cấp của một màn quảng cáo rẻ tiền - chúng ta phải hành động ngay lúc này. Điều này thật kỳ lạ, bởi vì chúng ta đang nói về tình huống mà (theo những người ủng hộ lý thuyết thảm họa khí hậu ấy) đã diễn ra và tăng dần suốt từ thời Cách mạng Công nghiệp cuối thế kỷ 18. Với khoảng thời gian dài và bao nhiêu ẩn số liên quan như vậy, bạn chắc phải nghĩ rằng việc dự đoán chính xác thời điểm “không còn đường quay lại” sẽ phải có một khoảng sai số đáng kể. Do đó, thật kỳ lạ là không có lấy một người ủng hộ lý thuyết biến đổi khí hậu tuyên bố rằng “Chết rồi! Tôi không muốn phải nói điều này với các bạn, nhưng chúng ta đã 1 – 2 năm (hoặc là 10 hay 50 năm) quá muộn và về cơ bản là chẳng còn gì chúng ta có thể làm nữa.” Có lẽ thêm vào đó: “Đã thế thì chúng ta cứ mặc kệ - mọi người hãy cùng ra cửa hàng xe ô tô SUV mua cái nào càng to càng tốt!” Hoặc là “Hãy tập hợp 10.000 người lại và cùng bay ra Bali làm một bữa tiệc lớn!”

Ngược lại, có hàng ngàn người trong số họ nghĩ rằng chúng ta chỉ còn một vài năm nữa thì đến điểm không còn đường quay lại ấy...

Vậy đó: Chúng ta luôn luôn còn một vài năm nữa là đến điểm không còn đường quay lại, cho dù nó là Iran, biến đổi khí hậu, hay một “thảm họa” nào đó khác mà chúng ta phải hành động ngay lập tức trước khi quá muộn. Lỡ chẳng may Iran đã có bom hạt nhân? Lỡ chẳng may chúng ta đã vượt qua điểm không còn đường quay lại? Bạn sẽ làm gì? HỌ sẽ làm gì?

Và nó dẫn tôi đến bài viết lý thú này:

Có một điều mà bạn không thể nói về người sáng lập Microsoft, Bill Gates, là lười biếng. Ông bắt đầu lập trình ở tuổi 14, thành lập Microsoft ở tuổi 20 trong khi vẫn là một sinh viên tại Harvard. Đến năm 1995, ông đã được tạp chí Forbes liệt kê là người giàu nhất thế giới do là cổ đông lớn nhất của Microsoft, công ty mà sự nỗ lực không ngừng của ông đã biến nó thành gần như độc quyền trong lĩnh vực phần mềm cho máy tính cá nhân.

Năm 2006, khi mà hầu hết mọi người trong hoàn cảnh đó sẽ nghĩ đến việc về nghỉ hưu ở một hòn đảo Thái Bình Dương yên tĩnh, Bill Gates quyết định cống hiến năng lực của mình cho Quỹ Bill và Melinda của ông, quỹ tư nhân “minh bạch” lớn nhất thế giới như nó tự nhận, với số vốn khổng lồ 34,6 tỷ đôla và điều kiện theo luật pháp phải tiêu 1,5 tỷ đôla mỗi năm vào các dự án từ thiện trên thế giới để duy trì phân loại từ thiện miễn thuế của nó. Món quà 30 tỷ đôla bằng cổ phiếu Berkshire Hathaway từ người bạn làm ăn, nhà siêu đầu tư Warren Buffett, vào năm 2006 đưa quỹ của Gates vào tầm cỡ nơi mà lượng tiền nó phải tiêu hàng năm gần như bằng toàn bộ ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hợp quốc.

Vậy nên khi Gates, thông qua Quỹ Gates, quyết định đầu tư khoảng 30 triệu đôla vào một dự án nào đó, dự án ấy đáng để chúng ta chú ý tới.

Không có dự án nào đáng chú ý tại thời điểm này hơn một dự án kỳ lạ ở một trong những địa điểm hẻo lánh nhất của thế giới, Svalbard. Bill Gates đầu tư hàng triệu đôla vào một ngân hàng hạt giống trên bờ biển Barents gần Bắc Băng Dương, cách cực bắc khoảng 1.100 km. Svalbard là một quần đảo đá cằn cỗi thuộc chủ quyền Na Uy, thiết lập vào năm 1925 thông qua một hiệp ước quốc tế. (xem bản đồ)

Trên hòn đảo bị Chúa bỏ quên này, Bill Gates đầu tư hàng chục triệu đôla của ông ta cùng với Quỹ Rockefeller, Tập đoàn Monsanto, Quỹ Syngenta và chính quyền Na Uy cùng nhiều tổ chức khác, vào cái gọi là “ngân hàng hạt giống ngày tận thế”. Tên chính thức của dự án là Hầm Hạt giống Toàn cầu Svalbard đặt trên hòn đảo Spitsbergen của Na Uy, thuộc quần đảo Svalbard.

Liệu đây có phải đơn giản là sự cẩu thả về mặt triết học không? Cái gì đã khiến hai Quỹ Gates và Rockefeller, một mặt ra sức nhân rộng các hạt giống biến đổi gen độc quyền Terminator trên khắp Châu Phi, một quá trình mà, như nó đã diễn ra tại mọi nơi khác trên trái đất, sẽ hủy diệt sự đa dạng hạt giống; và cùng lúc đó đầu tư hàng chục triệu đôla để bảo tồn mọi loại hạt giống được biết trong một cái hầm kiên cố có thể chống bom ở gần Bắc Cực “nhằm bảo tồn sự đa dạng hạt giống cho tương lai”, như tuyên bố chính thức của họ nêu rõ?

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Không có lý do gì để phản đối kết toán trực tiếp bằng nhân dân tệ giữa VN và TQ

Nhân dân tệ

Nguồn: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Báo chí dân túy đang ồn ào phản đối đề nghị của Trung Quốc về việc thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ (NDT) ở Việt Nam. Muốn mà rõ vấn đề này, trước hết cần phải hiểu đề nghị thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ của Trung Quốc nghĩa là gì. Thứ mà phía Trung Quốc đề nghị là settlement (kết toán) trong thương mại quốc tế chứ không phải payment (thanh toán) trong mua bán hàng ngày như ông Nguyễn Đăng Doanh hùng hồn phát biểu trên tờ Một Thế Giới. Điều này không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam hết.

Thanh toán quốc tế rất phức tạp nhưng có thể hình dung qua một ví dụ đơn giản như sau. Một doanh nghiệp A ở Việt Nam bán hàng cho một doanh nghiệp B ở Trung Quốc. Vậy đồng tiền nào sẽ được đùng để thanh toán? Trước kia người ta dùng đồng USD (được gọi là ngoại tệ mạnh), tức là giá cả sẽ được quy đổi ra USD. Sau đó doanh nghiệp B ở Trung Quốc sẽ mua USD chuyển cho doanh nghiệp A ở Việt Nam, doanh nghiệp A sẽ bán USD để lấy VNĐ. Ngược lại nếu doanh nghiệp A (VN) mua hàng của doanh nghiệp B (TQ) thì cũng phải mua đồng USD rồi chuyển cho doanh nghiệp B. Tất nhiên là các doanh nghiệp không thể tự mình làm tất cả những việc phức tạp đó mà họ ủy quyền cho các ngân hàng làm. Tức là A sẽ ủy quyền cho một ngân hàng VN làm trung gian thanh toán, B cũng ủy quyền cho một ngân hàng TQ làm trung gian thanh toán. Hai ngân hàng VN và TQ sẽ thanh toán với nhau bằng đồng USD.

Khi doanh nghiệp VN buôn bán với doanh nghiệp Mỹ thì họ không cần phải chuyển đổi qua một ngoại tệ khác, vì chính đồng USD của Mỹ đã là ngoại tệ mạnh. Điều này có nghĩa là ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Mỹ thanh toán trực tiếp bằng đồng USD của Mỹ. Điều ngạc nhiên là không có chuyên gia kinh tế dân tộc chủ nghĩa nào kêu la về việc mất chủ quyền hay nguy cơ nào khác trong trường hợp này.

Đồng tiền của một quốc gia được sử dụng phổ biến trong thương mại quốc tế là do sức mạnh kinh tế của quốc gia đó tạo ra. Trước kia có đồng USD, rồi đồng Euro, bây giờ tới đồng NDT của TQ. Nền kinh tế của TQ càng phát triển thì thương mại của họ càng trở nên phổ biến khắp nơi và đồng tiền của họ càng được chấp nhận một cách rộng rãi. Mới năm ngoái, nước Đức đã chấp nhận kết toán trực tiếp bằng đồng NDT.

Khi đồng NDT được chấp nhận thanh toán trực tiếp, có nghĩa là ngân hàng VN sẽ giao dịch với ngân hàng TQ bằng đồng NDT. Thay vì ngân hàng TQ phải mua đồng USD để chuyển cho ngân hàng VN thì giờ họ có thể chuyển thẳng NDT cho ngân hàng VN. Phía ngân hàng VN cũng thanh toán bằng NDT cho ngân hàng TQ khi đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ TQ. Tất nhiên để làm được tất cả những việc đó thì TQ phải thiết lập một dịch vụ trung gian thanh toán cho các ngân hàng TQ và VN, đảm bảo cung cấp đủ VNĐ và NDT cho các ngân hàng tham gia hệ thống (hình dung đơn giản: họ làm việc giống như quầy đổi tiền). Đây chính là lý do ngân hàng công thương TQ đề nghị hợp tác với ngân hàng thương mại VN (như BIDV) để phát triển dịch vụ này.

Sự phát triển trong việc thanh toán bằng đồng NDT là một tất yếu của sự phát triển kinh tế. Thương mại giữa VN và TQ phát triển nhanh hơn khả năng cung cấp đồng USD của nền kinh tế VN. Do vậy nếu thanh toán theo kiểu cũ, thông qua đồng USD thì tình trạng tắc nghẽn trong thanh toán do thiếu USD đã cản trở sự phát triển thương mại giữa hai nước. Chính vì lý do đó ở khu vực biên giới đã phát sinh ra các cơ sở phi chính thức làm công việc trung gian thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT giữa doanh nghiệp VN và doanh nghiệp TQ. Một mặt điều này tạo ra sự thanh toán nhanh chóng với chi phí thấp trong thương mại biên giới, mặt khác điều đó cũng tạo ra các gánh nặng quản lý cho cả phía TQ và VN do nằm ngoài hệ thống chính thức và nằm ngoài pháp luật. Phía TQ cho là tổng trị giá của các giao dịch đó đã lên đến 15 tỷ USD, tức là tác động đáng kể đến hệ thống tiền tệ của cả hai nước và cần phải hợp pháp hóa việc kết toán trực tiếp bằng NDT để xóa bỏ tình trạng đó.

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Trung Quốc tuyên bố sẽ không mù quáng tin vào Phương Tây

Nguồn: ruposters.ru

Nguồn dịch: Kichbu Blog

Bắc Kinh cần rút ra những bài học từ cuộc chiến tranh kinh tế do Hoa Kỳ khởi xướng chống Nga, bởi vì nều Moscow thua, thì mục tiêu tiếp theo sẽ là CHND Trung Hoa - trang phân tích của "Tân Hoa Xã" viết. "Không thể tin vào các chính khách từ phương Tây" - hãng thông tấn Trung Quốc bình luận.

Khi cuộc xung đột ở Ucraina chỉ mới bắt đầu bùng phát, tất cả đều cho rằng Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt với Nga "xuất phát nừ những ý định tốt", chỉ để biểu dương sức mạnh. Không ai nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh hủy diệt thực sự - nhà phân tích của "Tân Hoa Xã," nhà kinh tế Liu Chzhitsin viết.

Theo ý kiến của chuyên gia Trung Quốc, "tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát". Những khó khăn kinh tế mà Moscow trang trải qua cho thấy rõ ràng - Washington muốn "chế ngự con gấu Nga" thực sự.

Từ bên ngoài, có thể thấy rõ rằng tình hình ở Ucraina đã được sử dụng bởi Hoa Kỳ chỉ như một cái cớ. "Thật vậy, Mỹ tuyên bố rằng họ vẫn là bá chủ duy nhất và không dễ dàng để thay đổi hoặc phá hủy trật tự thế giới, nơi phương Tây là thống lĩnh".

Mục tiêu của phương Tây có ba phần, nhà kinh tế Trung Quốc cho biết. Thứ nhất, tiêu diệt nước Nga, thứ hai - thông qua việc tiêu diệt này để tấn công các nước BRICS, và thứ ba - gây tổn hại cho Trung Quốc. Nếu Nga sẽ đứng vững, thì Hoa Kỳ vẫn giáng đòn mạnh vào các đồng minh của Nga - nhà phân tích của "Tân Hoa Xã" viết, và sử dụng cách biểu đạt "lôi kéo tất cả chín thế hệ". Điều này có nghĩa rằng người Mỹ sẽ không chịu yên khi còn chưa trừng phạt được ai đang giúp đỡ Moscow, hoặc là họ không thất bại.

"Những khó khăn của Nga là cảnh báo đối với Trung Quốc", - Liu Chzhitsin giải thích. Điều này đặc biệt đúng với an ninh tài chính, bởi vì kinh nghiệm của Moscow cho thấy - trong khi đất nước đang hòa theo theo cây gậy của các nhà kinh tế phương Tây, phát triển nền kinh tế thị trường, tất cả là tốt. Nhưng nếu bắt đầu muốn tự chủ thì sẽ lập tức có vấn đề.

Bởi vậy, bất chấp "hệ thống tài chính khá khép kín và ổn định" của CHND Trung Hoa, đất nước Thiên tử sẽ vẫn cần phải rút ra kết luận và áp dụng các biện pháp.

"Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Nga từ lâu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của tư duy lành mạnh. Mỹ đang thực sự cố gắng để "bóp nghẹt" Nga" - chuyên gia phân tích viết và chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã tấn công vào những vị trí nhạy cảm. Tuy nhiên, Moscow đã không bị mất sức mạnh, Nga đã tự bảo vệ mình, và do đó cuộc đấu sẽ kéo dài và ngày càng khốc liệt hơn.

Những hành động hiện nay của Washington là hung hăng nhất kể từ thời điểm rút quân khỏi Việt Nam trong những năm 70 - tác giả của bài viết cho hay.

"Xung đột của Hoa Kỳ và Nga buộc chúng ta phải bừng tĩnh - Trung Quốc không nên mù quáng tin vào các nhà tư bản và chính khách từ phương Tây. Nếu bạn tuân theo thì họ là "sứ giả nhà trời", nhưng nếu bạn cần làm gì đó trái lại thì những sứ giả này lập tức biến thành ác quỷ tồi tệ nhất", - chuyên gia phân tích của "Tân Hoa Xã" kết luận.

Nhận xét: Tân Hoa Xã là cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung Quốc. Bất cứ nhận xét, phân tích nào trên đó đều có thể được coi là tuyên bố chính thức của Trung Quốc. Do đó, bài viết này có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình chính trị thế giới hiện nay.