Biển tưởng niệm với dòng chữ "Không bao giờ nữa" viết bằng nhiều ngôn ngữ ở trại tập trung Dachau tại Đức |
Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại
Sott.net đang bắt đầu loạt bài điểm lại lịch sử do thực tế rằng con người trên hành tinh này có vẻ không thực sự nhớ những gì họ đã thề là sẽ “không bao giờ quên”. Lịch sử đang lặp lại. Nó đang xảy ra NGAY LÚC NÀY, và sự khởi đầu của quá trình đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Hãy coi những bài viết này là lời cảnh báo của chúng tôi với nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ không rơi vào thinh không một cách vô ích.
Alfred Hitchcock là một nghệ sĩ. Rất ít người hiểu ngôn ngữ của phim ảnh được như ông - cách truyền tải thông điệp trên phương diện tình cảm, vượt ra ngoài tầm của lý trí - và nó thể hiện trong những bộ phim tâm lý kinh dị của ông, như Psycho, The Birds, và Vertigo cùng vô số bộ phim khác. Nhưng ông còn làm một bộ phim mà hầu hết mọi người chưa từng nghe tới. Trong năm 1945, ông được thuê hỗ trợ một bộ phim tài liệu sử dụng những thước phim quay bởi binh lính Anh, Mỹ và Nga về các trại tập trung vừa được giải phóng trải khắp Châu Âu sau Thế Chiến II. Bản thân Hitchcock cuối cùng chỉ làm việc với bộ phim được một tháng, giúp đỡ với việc trình bày trực quan các cảnh quay và từ chối thù lao. Sau đó, nhiều chậm trễ khác nhau nảy sinh, ban điều hành hãng phim dừng dự án, thay đổi trọng tâm, thuê một người quản lý dự án mới (Billy Wilder), và cuối cùng phát hành một phiên bản rút ngắn, hoàn toàn khác có tựa đề Lò xay Chết chóc (Death Mills).
Ngày 26/1, HBO chiếu một bộ phim tài liệu mới, Đêm sẽ Đến (Night Will Fall), kể lại câu chuyện của bộ phim gốc, nằm trong kho lưu trữ trong hàng thập kỷ, và quá trình phục chế nó. Frontline lần đầu tiên phát sóng phiên bản phục chế của bộ phim, Ký ức Trại tập trung (Memory of the Camp), vào năm 1985. Bạn có thể xem nó dưới đây. (Nó cũng có trên trang web của PBS.)
Mục đích ban đầu của bộ phim là để cho mọi người thấy sự kinh hoàng của Đức Quốc xã, để nó “trở thành một tư liệu phục vụ cho ký ức chung của chúng ta”. Nói một cách khác, để không bao giờ quên. Để cho mọi người thấy sự thảm khốc cùng cực mà “nhân loại” có khả năng gây ra, và hy vọng rằng mọi người sẽ học được bài học để rồi nó không bao giờ xảy ra nữa. “Không bao giờ nữa!” là khẩu hiệu ngay lập tức xuất hiện trong đầu khi tôi nghĩ đến sự kiện Holocaust, và đó là một khẩu hiệu tốt, giá như chúng ta đều mở mắt căng tai để thực sự thấy những gì cần thiết để ngăn chặn hành động tàn khốc ở mức độ như vậy xảy ra một lần nữa. Nhưng chúng ta không thể làm vậy. Chúng ta đang ở trên cùng một con đường đến sự hủy diệt. Nó sẽ xảy ra một lần nữa, và nhân loại vẫn sẽ không nhìn thấy khi nó đang đến. Vâng, một số rất ít sẽ thấy, và tiếng nói của họ sẽ là vô vọng. Có những người đã thấy nó đang đến trước Thế Chiến II, và họ bị bỏ qua, bị chế giễu, bị bắt hoặc bị giết.
Nhưng tôi đang đi nhanh quá rồi. Hãy xem bộ phim trước đã.