Bài viết theo chủ đề

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Nghiên cứu cho thấy những kẻ thái nhân cách không học được từ việc bị trừng phạt

Khác biệt giữa não kẻ thái nhân cách và người bình thường
Sự khác biệt giữa não của kẻ thái nhân cách (phải) và người bình thường (trái).

Tác giả: Fiona MacDonald
Nguồn: Science Alert
Nguồn dịch: Tâm Lý Học Tội Phạm

Các tội phạm thái nhân cách bạo lực không rút kinh nghiệm được từ sự trừng phạt như hầu hết những người bình thường, một nghiên cứu mới trên ảnh MRI tiết lộ.

Sau khi quét ảnh não bộ của 32 tội phạm bạo lực, các nhà nghiên cứu người Canada và Anh phát hiện rằng những kẻ mắc chứng thái nhân cách có dị biến ở các khu vực não liên quan đến việc rút kinh nghiệm từ việc bị trừng phạt.

Nghiên cứu này vô cùng quan trọng trong việc tìm ra phương thức tốt nhất để ngăn chặn người ta phạm tội. “Một trong số 5 kẻ tội phạm bạo lực là thái nhân cách,” Sheilagh Hodgins, một trong những nhà nghiên cứu chính từ đại học Montreal nói trong phỏng vấn. “Chúng có tỉ lệ tái phạm cao hơn và các chương trình giáo huấn không mang lại lợi ích gì cho chúng. Nghiên cứu của chúng tôi vén màn bí mật tại sao lại như vậy.”

Nghiên cứu cũng làm nổi bật khác biệt trong não bộ giữa những tội phạm bạo lực thông thường và những tội phạm bạo lực mắc chứng thái nhân cách.

“Những tội phạm thái nhân cách khác biệt so với những người phạm tội thông thường ở nhiều khía cạnh. Các phạm tội thông thường có những đặc tính như phản ứng cực độ đối với sự đe doạ, nóng tính và hung hăng, trong khi những kẻ mắc chứng thái nhân cách có mức phản ứng rất thấp đối với sự đe doạ, lạnh lùng và sự hung hãn của họ là có suy tính và được lên kế hoạch,” Nigel Blackwood, đồng tác giả của nghiên cứu trên từ đại học King’s College London cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Bằng chứng dần được củng cố cho thấy rằng cả 2 loại tội phạm trên đều có sự phát triển não bộ bất thường, nhưng khác nhau rõ rệt, từ khi còn bé.”

Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chụp ảnh MRI chức năng đối với 32 tội phạm bạo lực ở Anh, những kẻ đã bị bắt giam vì những tội như cưỡng hiếp, gây thương tật nghiêm trọng cho người khác và giết người. Trong số đó, 12 người được xếp vào dạng thái nhân cách, và 20 người còn lại là tội phạm thông thường. Nhóm nghiên cứu cũng so sánh ảnh quét não bộ của những kẻ phạm tội (cả 2 loại) với những người không phạm tội khỏe mạnh.

Bên trong máy MRI, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia chơi trò tìm ảnh cặp – đôi khi họ được thưởng điểm cho việc tìm đúng cặp, nhưng đôi khi trò chơi sẽ thay đổi và họ sẽ bị phạt bằng cách trừ điểm nếu tìm đúng.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thấy rằng những kẻ phạm tội, bất kể là thái nhân cách hay không, đều kém hơn trong việc học hỏi từ các tín hiệu của sự trừng phạt, và đưa ra quyết định tồi tệ hơn, mặc dù tốn nhiều thời gian suy xét các lựa chọn hơn những người không phạm tội.

Nhưng khi các nhà nghiên cứu theo dõi những gì diễn ra trong não của những kẻ phạm tội trong thí nghiệm, họ thấy rằng có điều gì đó đặc biệt kỳ lạ xảy ra trong não của những kẻ thái nhân cách.

Khi trò chơi ngừng thưởng điểm cho việc tìm đúng cặp hình và bắt đầu phạt điểm cho việc đó, cơ chế não bộ có liên quan đến việc học tập từ sự trừng phạt ở những kẻ thái nhân cách có những bất thường “trong cả chất xám lẫn một số đường dẫn chất trắng,” Hodgins cho biết. Chất xám có liên hệ với việc xử lý thông tin và nhận thức, trong khi chất trắng điều khiển dòng thông tin giữa các vùng khác nhau của não.

Ngược lại, những kẻ phạm tội không phải thái nhân cách có hoạt động tương tự như người không phạm tội ở những vùng nói trên. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí khoa học Lancet Psychiatry.

“Kết quả này gợi ý rằng những tội phạm thái nhân cách được đặc trưng bởi một kiểu tổ chức não bộ khác biệt trong vùng vốn được sử dụng cho việc học tập từ các hình thức thưởng và phạt,” Blackwood nói trong bài báo được công bố.

Biết được thông tin này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra cách để vừa nhận diện được những kẻ thái nhân cách bạo lực tiềm tàng khi còn bé, vừa giúp phát triển các chiến lược can thiệp.

Blackwood nói: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu hơn về các cơ chế não bộ đặc trưng cho tội phạm bạo lực trưởng thành, và những hiểu biết này có thể được dùng, cùng với những phát hiện khác, trong việc thiết kế các chương trình để giảm tỷ lệ tái phạm. Kết quả của chúng tôi cũng cung cấp giả thiết về sự phát triển bất thường của những tội phạm bạo lực để sau này có thể kiểm nghiệm trong những nghiên cứu đối với trẻ nhỏ.”

Hodgins cho biết thêm: “Vì hầu hết các tội ác bạo lực được thực hiện bởi nam giới có biểu hiện vấn đề về hành vi ứng xử từ khi còn nhỏ, các biện pháp can thiệp dựa trên cơ sở cơ chế học hỏi, nhắm vào những cơ chế não bộ quan trọng đối với kiểu mẫu hành vi này, và nhờ đó mà thay đổi hành vi của người phạm tội, sẽ giúp giảm các tội ác bạo lực một cách đáng kể.”

Và không phải để dọa dẫm bạn, nhưng một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những người đàn ông chụp nhiều ảnh selfie có nhiều khả năng có các đặc điểm thái nhân cách hơn so với bình thường. Coi như là bạn đã được cảnh báo rồi đó!

Nhận xét: Nghiên cứu này mang lại bằng chứng củng cố thêm cho một điểm cần nhấn mạnh khi nói về những kẻ thái nhân cách: Chứng thái nhân cách là KHÔNG chữa được. Khi bạn gặp phải một kẻ thái nhân cách trong cuộc đời, cho dù đó là đồng nghiệp, cấp trên, hay thậm chí là người thân trong gia đình, cách duy nhất để tránh những thiệt hại nặng nề về tinh thần, thể chất, tài chính là cắt đứt hoàn toàn quan hệ và tránh thật xa chúng.

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.