Bài viết theo chủ đề

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Không có Lương tâm: Ba câu chuyện về kẻ thái nhân cách trong đời thường

Rắn độc mặc complê

Tác giả: Giáo sư, tiến sĩ Robert D. Hare
Nguồn: Sách Không có Lương tâm (Without Conscience)
Nguồn dịch: Blog Some Stories

Không có Lương tâm - Chương 1: "Trải nghiệm" Kẻ Thái nhân cách

Những người tốt hiếm khi ngờ vực. Họ không thể tưởng tượng người khác làm những việc mà họ không thể làm. Họ thường chấp nhận những lời giải thích đơn giản là đáp án đúng, và để vấn đề dừng lại ở đó. Người bình thường có khuynh hướng tưởng tượng kẻ thái nhân cách có bề ngoài cũng kinh sợ như nội tâm của hắn. Điều đó hoàn toàn khác xa sự thật... Những con quỷ có thật này thường có vẻ ngoài và hành vi bình thường như những anh, chị, em bình thường khác của chúng, Chúng bày ra vẻ ngoài đức hạnh còn thuyết phục hơn cả đức hạnh chân chính có thể có; cũng giống như các bức tượng sáp hay những trái đào bằng nhựa trông hoàn hảo hơn trong mắt chúng ta, giống với hình ảnh của một người đẹp hay quả đào trong tâm trí ta tưởng tượng, hơn là bản gốc của chúng.

— William March, The Bad Seed

Tôi có thể thấy dòng máu đen từ miệng Halmea nhỏ giọt xuống tấm khăn trải giường gần phần cơ thể của cô bên dưới Hud. Tôi không động đậy hay chớp mắt, nhưng Hud đứng dậy cười toe toét với tôi trong khi hắn khóa lại cái thắt lưng màu ruby. "Một cô gái ngọt ngào đúng không?" hắn ta hỏi. Hắn huýt sáo và xỏ chân vào đôi bốt da đỏ. Halmea cong mình về phía bức tường...

— Larry McMurty, Horseman, Pass By

Sau nhiều năm, tôi đã quen với trải nghiệm sau đây. Để đáp lại câu hỏi nhã nhặn của người bạn cùng ăn tối về công việc của mình, tôi phác thảo vắn tắt các đặc trưng khác biệt của kẻ thái nhân cách. Luôn luôn, ai đó cùng bàn đột nhiên có vẻ trầm tư rồi kêu lên: "Trời đất -- tôi nghĩ ai đó và ai đó là thái nhân cách". Hoặc, "Ông biết không, trước đây tôi chưa từng nhận ra, nhưng người ông miêu tả giống hệt anh rể tôi".

Những hồi đáp lo lắng, trầm tư ấy không giới hạn trong các lĩnh vực xã hội. Thường xuyên, những người đọc công trình của tôi gọi cho phòng nghiên cứu để mô tả một người chồng, đứa trẻ, một người chủ, hay một người quen có những hành vi không thể giải thích được khiến họ sầu khổ và đau đớn trong nhiều năm.

Không gì cho thấy rõ ràng về sự cần thiết làm rõ và phản ánh về chứng thái nhân cách hơn những câu chuyện đời thực của nỗi thất vọng và sự tuyệt vọng. Ba câu chuyện trong chương này cung cấp một cách tiếp cận dễ dàng hơn đến chủ đề kì lạ và mê hoặc này bằng cách truyền tải cái cảm giác đặc trưng "có gì đó không ổn ở đây nhưng tôi không xác định chính xác được".

Một câu chuyện là từ nhà tù, nơi hầu hết các cuộc nghiên cứu về thái nhân cách diễn ra (vì lý do thực tế là có rất nhiều kẻ thái nhân cách trong nhà tù và những thông tin cần thiết để chẩn đoán chúng luôn có sẵn)

Hai câu chuyện còn lại là từ cuộc sống thường ngày, vì những kẻ thái nhân cách không chỉ ở trong tù. Cha mẹ, con cái, vợ chồng, người yêu, đồng nghiệp, và các nạn nhân không may mắn ở khắp mọi nơi vào lúc này đang cố gắng đối phó với sự hỗn loạn và bối rối mà những kẻ thái nhân cách gây ra và cố hiểu điều gì khiến chúng làm vậy. Nhiều người trong số các bạn có thể tìm thấy những điểm tương đồng đáng ngại giữa các cá nhân trong những ví dụ này và những người khiến bạn nghĩ rằng bạn đang sống trong địa ngục.

Ray

Sau khi nhận bằng thạc sĩ tâm lý học vào đầu những năm 1960, tôi tìm một công việc để giúp đỡ cho vợ và con gái sơ sinh của tôi và để chi trả cho bậc học tiếp theo của mình. Chưa từng vào một nhà tù nào, tôi được nhận vào làm nhà tâm lý học duy nhất tại Trại cải tạo British Columbia.

Tôi không có kinh nghiệm thực tế và không đặc biệt hứng thú với tâm lý học lâm sàng hay các vấn đề tội phạm. Trại cải tạo an ninh tối đa gần Vancouver là một nơi ghê gớm chứa những loại tội phạm mà tôi chỉ mới nghe qua các phương tiện truyền thông. Nói rằng tôi ở một nơi rất xa lạ là vẫn còn nhẹ.

Tôi bắt đầu làm việc hoàn toàn không có kinh nghiệm - không có một chương trình huấn luyện hay người cố vấn nào hướng dẫn cách trở thành nhà tâm lý học trong tù. Ngày đầu tiên tôi gặp người quản lý nhà tù và các nhân viên, tất cả đều mặc đồng phục và một số có vũ khí. Nhà tù được vận hành theo hệ thống quân đội, và do đó tôi sẽ phải mặc "đồng phục" gồm áo khoác xanh, quần nỉ xám, và giày đen. Tôi thuyết phục người quản lý là bộ đồng phục đó không cần thiết, nhưng ông khăng khăng rằng ít nhất tôi cũng phải có một bộ, và tôi được cử đi đo kích thước.

Kết quả về bộ đồng phục là dấu hiệu sớm rằng nơi đây không phải tất cả đều trật tự như vẻ bề ngoài: ống tay áo khoác thì quá ngắn, ống quần thì dài lệch nhau đến buồn cười, và hai chiếc giày thì khác nhau đến hai cỡ. Tôi thấy điều cuối cùng đặc biệt khó hiểu, bởi vì người tù đo chân cho tôi đã rất tỉ mỉ kẻ theo chúng trên tờ giấy nâu. Làm sao anh ta có thể đưa ra hai chiếc giày hoàn toàn khác cỡ nhau, ngay cả sau nhiều lời than phiền từ phía tôi là điều vẫn khó tưởng tượng. Tôi chỉ có thể kết luận rằng anh ta đang gửi cho tôi một thông điệp gì đó.

Ngày làm việc đầu tiên của tôi đã đầy biến cố. Tôi được dẫn đến văn phòng của mình, một khu vực rộng lớn ở tầng trên cùng của nhà tù, khác hẳn cái hang ấm cúng, gợi cảm giác tin cậy mà tôi đã hy vọng. Tôi bị cô lập với phần còn lại của nhà tù và phải đi qua vài cánh cửa bị khóa để đến văn phòng mình. Trên bức tường phía trên bàn của tôi là một cái nút đỏ đập ngay vào mắt. Một anh bảo vệ không biết nhà tâm lý học thì làm gì trong tù - cũng giống như tôi - nói cho tôi biết rằng cái nút đó là để phòng trường hợp khẩn cấp, nhưng nếu tôi có khi nào phải nhấn nó, thì cũng đừng hy vọng sự giúp đỡ đến ngay lập tức.

Nhà tâm lý học từng ở vị trí của tôi đã để lại một thư viện nho nhỏ trong phòng. Nó gồm chủ yếu là sách về các bài kiểm tra tâm lý, như là Rorschach Ink Blot Test và Thematic Apperception Test. Tôi có biết về những bài trắc nghiệm đó nhưng chưa bao giờ dùng, vậy nên mấy cuốn sách - cùng với một số đồ vật quen thuộc trong tù - chỉ củng cố thêm trực giác là tôi đã lâm vào thời kì khó khăn.

Tôi chưa ở văn phòng quá một giờ đồng hồ thì "khách hàng" đầu tiên của tôi đã đến. Anh ta cao, gầy, tóc màu sẫm, đang ở trong độ tuổi 30. Không khí xung quanh anh ta dường như kêu vo vo, và ánh mắt anh ta trao cho tôi quá trực diện và mãnh liệt khiến tôi tự hỏi mình đã từng thực sự nhìn vào mắt ai trước đó hay chưa. Cái nhìn đó không ngừng nghỉ - anh ta không hề liếc ngắn ra chỗ khác như hầu hết mọi người thường làm để làm dịu đi sức mạnh từ cái nhìn chằm chằm của họ.

Không chờ lời giới thiệu, người tù - tôi sẽ gọi anh ta là Ray - mở đầu cuộc trò chuyện: "Hey, bác sĩ, khỏe không? Nghe này, tôi có một vấn đề. Tôi cần sự giúp đỡ của ông. Tôi thực sự muốn nói với ông về chuyện này."

Háo hức bắt đầu làm việc như một nhà trị liệu tâm lý thực sự, tôi bảo anh ta kể cho mình chuyện đó. Đáp lại, anh ta lôi ra một con dao và vẫy nó ngay trước mũi tôi, làm tất cả việc đó trong khi vẫn mỉm cười và nhìn vào mắt tôi. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là nhấn cái nút đỏ sau lưng, nó nằm ngay trong tầm mắt Ray và mục đích của nó không nhầm đi đâu được. Có lẽ tôi cảm thấy anh ta chỉ đang thử mình, hay có lẽ tôi biết rằng nhấn cái nút cũng chẳng ích gì nếu anh ta thực sự muốn làm hại tôi, tôi kìm lại.

Sau khi xác định là tôi sẽ không nhấn cái nút, anh ta giải thích rằng anh ta không định dùng con dao đó với tôi mà là với một tù nhân khác, người đã tán tỉnh "thằng em út" của anh ta, từ trong tù chỉ người thụ động hơn trong quan hệ đồng tính. Nguyên nhân anh ta kể cho tôi chuyện này không rõ ràng ngay, nhưng tôi sớm nghi ngờ rằng anh ta đang thử kiểm tra tôi, cố xác định xem tôi là kiểu nhân viên nhà tù thế nào. Nếu tôi không nói gì với người quản lý, tôi sẽ vi phạm một điều luật nghiêm khắc của nhà tù là yêu cầu nhân viên phải báo cáo việc tù nhân sở hữu vũ khí bất kể loại nào. Mặt khác, tôi biết nếu tôi tố giác anh ta, tin đồn sẽ truyền ra rằng tôi không phải là một nhà tâm lý học hướng về tù nhân, và công việc của tôi sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sau buổi nói chuyện của chúng tôi trong đó anh ta miêu tả "vấn đề" của mình không chỉ một hay hai lần mà rất nhiều lần, tôi giữ im lặng về chuyện con dao. Điều an ủi cho tôi là anh ta đã không đâm người tù kia; nhưng nó nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng Ray đã bẫy được tôi: tôi đã tự cho thấy mình là người mềm yếu, người sẽ bỏ qua chứng cứ rõ ràng về việc vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nhà tù để phát triển mối quan hệ "nghề nghiệp" với tù nhân.

Từ buổi gặp đầu tiên đó, Ray làm cho thời gian làm việc 8 tháng trong tù của tôi trở nên khốn khổ. Những đòi hỏi gặp mặt và cố gắng thao túng tôi làm việc này việc nọ cho anh ta là không bao giờ hết. Có một lần, anh ta thuyết phục tôi là anh ta có thể làm một đầu bếp giỏi - anh ta có năng khiếu tự nhiên trong việc nấu nướng, anh ta nghĩ anh ta có thể trở thành bếp trưởng khi được ra tù, rằng đây là một cơ hội lớn để thử nghiệm những ý tưởng của anh ta làm cho việc chuẩn bị thức ăn của nhà tù hiệu quả hơn, v.v - và tôi đã ủng hộ yêu cầu chuyển ra khỏi xưởng máy của anh ta (hình như là nơi anh ta đã làm con dao). Điều tôi không nghĩ đến là nhà bếp đầy đường, khoai tây, trái cây, và những nguyên liệu khác có thể làm rượu. Vài tháng sau khi tôi đề nghị việc chuyển đi, có một tiếng nổ lớn dưới sàn ngay bên dưới bàn của người quản tù. Khi chuyện ầm ĩ qua đi, chúng tôi tìm thấy một hệ thống phức tạp dùng để chưng cất rượu ngay bên dưới sàn. Có trục trặc gì đó và một trong những cái bình đã phát nổ. Không có gì khác thường về sự hiện diện của một hệ thống chưng cất rượu trong một nhà tù có an ninh cao nhất, nhưng sự cả gan trong việc đặt nó ngay bên dưới bàn của người quản tù làm rúng động rất nhiều người. Khi người ta phát hiện ra Ray là đầu não đằng sau vụ làm rượu lậu, anh ta đã bị biệt giam một thời gian.

Khi vừa ra khỏi "cái hố", Ray xuất hiện ở văn phòng tôi như thể chưa có chuyện gì xảy ra và yêu cầu được chuyển từ nhà bếp sang xưởng ô tô - anh ta thực sự thấy mình có sở trường, anh ta thấy cần thiết phải chuẩn bị cho thế giới bên ngoài, nếu anh ta có thời gian tập luyện, anh ta có thể mở cửa hàng riêng của mình ở bên ngoài... Tôi vẫn cảm thấy day dứt vì đã dàn xếp việc chuyển đi ban đầu, nhưng dần dần anh ta đã hạ gục được tôi.

Một thời gian ngắn sau đó tôi quyết định rời nhà tù để học tiến sĩ, và khoảng 1 tháng trước khi tôi rời đi Ray gần như đã thuyết phục được tôi đề nghị cha tôi, một nhà thầu lợp mái, cho anh ta một công việc chỗ ông để củng cố cho đơn xin tạm tha. Khi tôi nhắc đến chuyện này với các nhân viên nhà tù khác, họ không thể ngừng cười nổi. Họ biết rõ Ray, họ đều từng bị lừa bởi các kế hoạch, dự định hoàn lương của anh ta, và từng người một đã quyết định giữ thái độ nghi ngờ khi tiếp cận anh ta. Mệt mỏi rã rời? Tôi nghĩ vậy vào lúc đó. Nhưng sự thật là họ nhìn rõ Ray hơn tôi - mặc cho những mô tả về chuyên môn công việc của tôi. Cái nhìn của họ đã được trau dồi sau nhiều năm kinh nghiệm với những người như anh ta.

Ray có một khả năng lạ thường để lừa đảo không chỉ tôi mà là tất cả mọi người. Anh ta có thể chuyện trò, và nói dối, với sự trơn tru và thẳng thắn đôi khi có thể hạ gục ngay trong tích tắc cả những nhân viên nhà tù đa nghi và kinh nghiệm nhất. Khi gặp tôi anh ta đã có một thành tích phạm tội dài phía sau mình (và, hóa ra, cả phía trước); gần nửa cuộc đời trưởng thành của anh ta là ở trong nhà tù, nhiều tội ác của anh ta rất hung bạo. Vậy mà anh ta vẫn thuyết phục được tôi, và rất nhiều nhân viên khác nhiều kinh nghiệm hơn tôi, về thiện ý cải tạo của anh ta, rằng sự ưa thích phạm tội của anh ta đã bị che phủ bởi niềm đam mê thôi thúc với - ờm, nấu ăn, cơ khí, bất kể thứ gì bạn có thể nghĩ ra. Anh ta nói dối không ngừng, một cách uể oải, về mọi thứ, và anh ta không bối rối chút nào khi tôi chỉ ra những điểm trong hồ sơ trái ngược hoàn toàn với lời nói dối của anh ta. Anh ta chỉ đơn giản chuyển chủ đề và xoay qua một hướng khác. Cuối cùng khi tin chắc anh ta không phải là ứng viên hoàn hảo cho xưởng của cha tôi, tôi từ chối đề nghị của Ray - và đã bàng hoàng vì cơn giận của anh ta đối với lời từ chối của tôi.

Trước khi rời nhà tù để đến trường đại học, tôi vẫn đang trả góp cho chiếc Forb 1958 mà tôi thực sự không chi trả nổi. Một trong những nhân viên ở đó, sau này trở thành người quản lý, đề nghị trao đổi chiếc Morris Minor 1950 của anh ta lấy chiếc Forb của tôi và trả luôn những khoản còn lại. Tôi đồng ý, và vì chiếc Morris không trong tình trạng tốt lắm nên tôi lợi dụng chính sách của nhà tù là để nhân viên được sửa xe trong xưởng ô tô - nơi Ray vẫn đang làm việc nhờ vào đề nghị tôi. Chiếc xe được sơn tuyệt đẹp và động cơ cùng hệ thống truyền động đã được tân trang.

Với tất cả tài sản của mình trên nóc xe và đứa bé của chúng tôi trong cái giường gỗ ở ghế sau, vợ tôi và tôi tiến đến Ontario. Vấn đề đầu tiên xuất hiện ngay khi chúng tôi rời khỏi Vancouver, khi động cơ nghe có vẻ nặng nề. Sau đó, khi chúng tôi gặp những đoạn hơi dốc một chút, bộ tản nhiệt trở nên bị nóng quá mức. Một người thợ máy phát hiện ra ổ bi trong buồng phao của bộ chế hòa khí. Ông cũng chỉ ra nơi một trong những ống dẫn tới bộ tản nhiệt rõ ràng đã bị động chạm vào. Những vấn đề này dễ sửa chửa, nhưng thứ tiếp theo, phát sinh do chúng tôi đi xuống ngọn đồi dài, nghiêm trọng hơn nhiều. Bàn đạp phanh trở nên rất xốp và rồi gãy luôn - không có phanh, và đấy là một ngọn đồi dài. May thay, chúng tôi tới được trạm dịch vụ an toàn, tại đó chúng tôi được biết các dây phanh đã bị cắt để dầu phanh chảy ra từ từ. Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Ray đang làm việc trong cửa hàng lúc chiếc xe được nâng cấp, nhưng tôi biết chắc "điện tín" nhà tù đã thông báo cho Ray ai là chủ nhân mới của chiếc xe.

Ở trường đại học, tôi chuẩn bị để viết luận văn về ảnh hưởng của sự trừng phạt đến việc học và năng suất của con người. Khi nghiên cứu cho bài luận tôi lần đầu tiên gặp các tài liệu về chứng thái nhân cách. Tôi không rõ tại sao mình nghĩ đến Ray ngay lúc đó, nhưng những tình huống kết hợp với nhau đã khiến tôi nhớ đến anh ta.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi nhận bằng tiến sĩ là tại trường Đại học British Columbia, không xa trại cải tạo nơi tôi từng làm việc vài năm trước. Trong tuần lễ đăng ký ở cái thời chưa có máy tính, tôi ngồi sau bàn với vài đồng nghiệp để ghi vào sổ hàng dài những sinh viên có lớp học mùa thu. Sau khi làm việc xong với một sinh viên, tai tôi vểnh lên khi nghe nhắc đến tên mình. "Vâng, tôi làm trợ lý cho tiến sĩ Hare ở trại cải tạo trong suốt thời gian ông ấy ở đó, khoảng một năm, tôi có thể nói vậy. Làm tất cả các công việc giấy tờ cho ông ấy, giúp ông quen với cuộc sống trong tù. Dĩ nhiên, ông thường thảo luận những ca khó với tôi. Chúng tôi làm việc tuyệt vời cùng nhau." Đó là Ray, đứng ngay đầu hàng tiếp theo.

Trợ lý của tôi! Tôi xen vào dòng câu chuyện trơn tru của anh ta bằng nhận xét, "Ồ, vậy sao?" với hy vọng làm anh ta lúng túng. "Hey, bác sĩ, khỏe không?" anh ta gọi không chút giật mình. Sau đó anh ta cứ thế tiếp tục cuộc trò chuyện và chuyển qua một hướng khác. Sau đó, khi tôi kiểm tra đơn đăng ký của anh ta, rõ ràng là bảng điểm của anh ta trong các lớp học đại học trước đó là giả mạo. Nhưng anh ta đủ khôn ngoan để không thử đăng ký bất cứ lớp nào của tôi.

Có lẽ điều cuốn hút tôi nhất là Ray không hề bị lay chuyển ngay cả sau khi sự gian dối của anh ta bị phơi bày - và đồng nghiệp của tôi rõ ràng đã tin tưởng hoàn toàn. Điều gì, trong cấu trúc tâm lý của anh ta, cho Ray khả năng giày xéo lên thực tế, một cách hoàn toàn không hối hận hay bận tâm? Hóa ra, tôi sẽ dành 25 năm tiếp theo nghiên cứu thực nghiệm để trả lời câu hỏi đó.

Câu chuyện về Ray giờ có phần buồn cười khi nhìn lại sau rất nhiều năm trôi qua. Điều ít buồn cười hơn là những trường hợp nghiên cứu về hàng trăm kẻ thái nhân cách mà tôi đã nghiên cứu từ đó tới nay.

Tôi làm việc ở nhà tù vài tháng khi chính quyền gửi cho tôi một tù nhân để trắc nghiệm tâm lý trước phiên tòa xét tạm tha. Anh ta đang chấp hành hình phạt tù 6 năm cho tội ngộ sát. Khi tôi nhận ra các biên bản về hành vi phạm tội bị thiếu trong tập hồ sơ, tôi yêu cầu anh ta kể lại chi tiết cho mình. Người tù nói rằng đứa bé gái sơ sinh của bạn gái anh ta cứ khóc không ngừng hàng giờ và vì đứa bé đã bốc mùi nên anh ta phải miễn cưỡng thay tã cho nó. "Nó ị ra đầy tay tôi và tôi phát điên lên", anh ta nói, thản nhiên một cách rùng rợn cho những gì anh ta làm. "Thế là tôi nắm chân nó kéo lên và quật nó vô tường ", anh ta nói - không tin nổi - với một nụ cười trên mặt. Tôi sững sờ với cách miêu tả đơn giản về hành động kinh khủng của anh ta, và, nghĩ đến đứa con gái sơ sinh của mình, tôi đá anh ta ra khỏi văn phòng và từ chối gặp lại lần sau.

Tò mò với những gì xảy ra sau đó với người đàn ông này, gần đây tôi theo dõi hồ sơ trong tù của anh ta. Tôi được biết anh ta đã được tạm tha một năm sau khi tôi rời nhà tù, và anh ta đã bị chết trong cuộc rượt đuổi tốc độ cao của cảnh sát sau vụ cướp ngân hàng thất bại. Bác sĩ tâm lý của nhà tù đã chẩn đoán người đàn ông này là một kẻ thái nhân cách và đã khuyến cáo không tạm tha. Chúng ta thực sự không thể trách lỗi ủy ban ân xá đã bỏ qua lời khuyên chuyên môn này. Lúc đó, các phương pháp chẩn đoán thái nhân cách còn mơ hồ và không đáng tin cậy, và mối liên quan từ chẩn đoán đó đến việc dự đoán hành vi vẫn chưa được biết đến. Có thể thấy, tình hình bây giờ đã rất khác, và bất kì ủy ban ân xá nào có quyết định mà không xét đến hiểu biết hiện tại về thái nhân cách và việc tái phạm tội có nguy cơ mắc một sai lầm tai hại.

Elsa và Dan

Cô gặp anh trong một tiệm giặt tự động ở London, nơi cô đang nghỉ dạy một năm sau cuộc ly hôn sóng gió và kiệt sức. Cô đã thấy anh quanh khu phố, và khi cuối cùng họ nói chuyện, cô cảm thấy như đã quen biết anh. Anh cởi mở, thân thiện và họ thân nhau ngay lập tức. Ngay từ khi bắt đầu, cô đã nghĩ anh thật vui nhộn.

Cô đang cô đơn. Thời tiết khắc nghiệt và có mưa tuyết. Cô đã xem tất cả mọi bộ phim và vở kịch trong thành phố, và cô không quen ai ở phía đông Đại Tây Dương này.

"Ah, nỗi cô đơn của người lữ khách", Dan ngâm nga đồng cảm trong bữa tối. "Đó là điều tồi tệ nhất."

Sau món tráng miệng anh bối rối phát hiện ra mình đã quên đem theo ví. Elsa rất vui vẻ trả tiền bữa tối, và còn vui hơn nữa khi ngồi xem 2 bộ phim được giảm giá vé mà cô đã xem trong tuần. Trong quán rượu, sau vài ly, anh kể cho cô anh là phiên dịch cho Liên hợp quốc. Anh đã đi khắp thế giới. Vào thời điểm này, anh đang nghỉ giữa hai dự án.

Họ gặp nhau 4 lần trong tuần đó, và 5 lần trong tuần sau. Dan sống ở căn hộ trên cùng một tòa nhà gần Hampstead, anh nói với cô như vậy, nhưng không lâu sau anh chuyển vào sống cùng cô. Cô hết sức ngạc nhiên vì mình yêu thích sự sắp xếp ấy. Nó ngược lại bản chất của cô. Cô còn không biết chắc việc đó xảy đã ra như thế nào, nhưng sau thời gian dài cô đơn cô đã có khoảng thời gian tuyệt vời trong đời.

Tuy vậy, vẫn có những chi tiết, không được giải thích, không được thảo luận, mà cô đã gạt ra khỏi tâm trí mình. Anh chưa bao giờ mời cô đến nhà. Cô chưa bao giờ gặp bạn bè anh. Một đêm anh mang đến một thùng chứa đầy những băng ghi âm vỏ nhựa thẳng từ nhà máy, chưa mở ra. Vài ngày sau đó chúng biến mất. Có lần Elsa về nhà và thấy 3 cái TV xếp chồng lên nhau trong góc. "Một người bạn để nhờ", anh chỉ nói thế. Khi cô ép hỏi thêm, anh chỉ nhún vai.

Lần đầu tiên Dan không tới nơi đã hẹn, cô phát điên vì tưởng anh bị tai nạn - anh luôn phóng thẳng qua đường ngay giữa làn xe.

Anh không về nhà 3 ngày và đang ngủ trên giường khi cô về vào giữa buổi sáng. Mùi nước hoa rẻ tiền và bia quyện vào nhau làm cô buồn nôn, và sự lo lắng cho anh ta chuyển thành một thứ mới với cô: cơn ghen tuông khủng khiếp, điên rồ, không thể kiểm soát được. "Anh đã ở đâu?" cô khóc. "Tôi đã rất lo lắng. Anh đã ở đâu?"

Anh ta cáu kỉnh tỉnh giấc. "Đừng bao giờ hỏi tôi câu đó", anh quát. "Tôi không cho phép như vậy."

"Cái gì...?"

"Nơi tôi đi, việc tôi làm, người tôi gặp - không liên quan đến cô, Elsa. Đừng hỏi."

Anh ta cứ như một con người khác. Nhưng sau đó anh dường như bình tĩnh lại, tỉnh ngủ, và với tới cô. "Anh biết điều đó làm tổn thương em", anh ta nói theo cách dịu dàng như trước, "nhưng hãy xem cơn ghen như căn bệnh cảm cúm, và chờ nó qua đi. Và nó sẽ qua thôi, em yêu, sẽ qua." Như con mèo mẹ liếm con mèo con của mình, anh ta khiến cô tin tưởng anh trở lại. Cho dù cô nghĩ những điều anh nói về cơn ghen thật kì cục. Nó khiến cô tin chắc rằng anh chưa từng trải qua cảm giác đau đớn khi bị tan vỡ lòng tin.

Một đêm cô nhẹ nhàng nhờ anh đi ra góc phố mua cho cô một cây kem. Anh không trả lời, và khi nhìn lên cô thấy anh đang nhìn mình chằm chằm một cách hung hăng. "Luôn có được thứ cô muốn, đúng không," anh nói một cách kì lạ, ác ý. "Mọi điều nhỏ nhất mà Elsa bé nhỏ muốn, ai đó luôn nhảy lên, chạy ra ngoài và mua nó cho cô, đúng không?"

"Anh đùa à? Em đâu phải như vậy. Anh đang nói cái gì thế?"

Anh đứng dậy khỏi cái ghế và đi ra ngoài. Cô không bao giờ gặp lại anh nữa.

Chị em sinh đôi

Trong ngày sinh nhật 30 tuổi của hai cô con gái sinh đôi, Helen và Steve nhìn lại với cảm giác buồn vui lẫn lộn. Mỗi lúc niềm tự hào về thành tích của Ariel bùng lên thì nó đều bị dập tắt bởi một kí ức kinh khủng về những hành vi khó đoán, thường là phá hoại, và tốn kém của Alice. Chúng là cặp sinh đôi khác trứng nhưng luôn có vẻ ngoài giống nhau đáng kinh ngạc; tuy nhiên, tính cách chúng khác nhau như ngày và đêm - có lẽ phép ẩn dụ phù hợp hơn là thiên đường và địa ngục.

Sau ba thập kỷ, sự tương phản ấy chỉ có tăng lên rõ rệt chứ không hề giảm đi. Ariel đã gọi vào tuần trước để chia sẻ tin tuyệt vời - những thành viên ban quản trị công ty luật đã nói rõ rằng nếu tiếp tục giữ vững phong độ, cô chắc chắn sẽ được mời vào hàng ngũ của họ trong 4 hay 5 năm. Cuộc gọi từ Alice - hay chính xác hơn là từ nhân viên phụ trách nơi ở của Alice - thì không phấn khởi lắm. Alice cùng một người khác ở nhà bỏ đi giữa đêm và mất tích đã 2 ngày. Lần gần nhất khi chuyện này xảy ra, Alice đã xuất hiện ở Alaska, đói khát và không một xu dính túi. Từ trước tới giờ, cha mẹ Alice đã không đếm nổi số lần họ phải gửi tiền và sắp xếp để Alice bay về nhà.

Trong khi Ariel cũng có những vấn đề khi lớn lên, chúng đều thuộc loại bình thường. Cô buồn rầu, ủ rũ khi không đạt được điều mình muốn, và còn hơn vậy khi vào tuổi niên thiếu. Cô đã thử hút thuốc và cần sa trong năm thứ hai trung học phổ thông; cô bỏ học ở năm hai đại học, sợ rằng việc mình thiếu định hướng có nghĩa là thiếu tiềm năng. Trong suốt năm lao động đó, Ariel đã quyết định vào trường luật, và từ đó không điều gì ngăn cản được cô. Cô chuyên tâm, quyến rũ, và tham vọng. Cô viết bản tin luật ở trường, tốt nghiệp với bằng danh dự, và có ngay công việc đầu tiên cô đi phỏng vấn.

Với Alice, luôn có "điều gì đó kì lạ". Cả hai cô gái đều xinh đẹp, nhưng Helen ngạc nhiên khi thấy rằng ở tầm 3 hay 4 tuổi Alice đã biết sử dụng vẻ ngoài và nét đáng yêu của bé gái để đạt được thứ mình muốn. Helen còn cảm thấy dường như Alice biết tán tỉnh - cô bé bày ra mọi dáng điệu khi có đàn ông xung quanh - mặc dù việc có những suy nghĩ như vậy về con gái mình khiến bà thấy cực kì tội lỗi. Helen còn cảm thấy tội lỗi hơn khi con mèo con mà anh họ tặng cho hai đứa bé chết, bị thắt cổ, trong sân. Ariel rõ ràng cực kỳ đau khổ; còn nước mắt của Alice thì có vẻ gượng ép. Dù đã cố xua đuổi suy nghĩ đó đi, Helen cảm thấy Alice có dính líu đến cái chết của con mèo.

Chị em gái tranh giành, cãi nhau, nhưng một lần nữa, có "điều gì kì lạ" trong cái cách cặp sinh đôi này gây chiến. Ariel luôn luôn ở bên phòng thủ; Alice luôn luôn là bên tấn công, và cô bé có vẻ có niềm vui thích đặc biệt trong việc hủy hoại mọi thứ của Ariel. Thật là nhẹ nhõm cho mọi người khi Alice rời nhà ở tuổi 17 - ít nhất thì giờ Ariel có thể sống bình yên. Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ được biết sau khi chuyển ra khỏi nhà, Alice đã bắt đầu dùng ma túy. Giờ đây cô không chỉ khó đoán, bốc đồng, có khả năng nổi trận lôi đình để đạt được điều mình muốn - cô còn là một con nghiện, và cô chu cấp cho thói quen đó bằng mọi cách có thể, ngay cả trộm cắp và mại dâm. Tiền bảo lãnh và điều trị - 10000$ cho 3 tuần tại bệnh viện đắt đỏ ở New Hampshire - trở thành gánh nặng tài chính liên miên cho Helen và Steve. "Tôi mừng là ít nhất có ai đó trong nhà này sẽ không bị phá sản", Steve nói khi ông nghe tin mừng của Ariel. Ông vẫn luôn băn khoăn ông còn có khả năng chi trả cho Alice được bao lâu nữa. Trên thực tế, ông đang suy xét một cách nghiêm túc sự khôn ngoan trong việc cố gắng giúp cô tránh bị vào tù. Xét cho cùng, chính Alice, không phải ông hay Helen, mới là người nên chịu hậu quả cho những hành động của mình.

Helen vẫn cứng rắn về việc này: không đứa con nào của bà phải ở tù dù chỉ một đêm (Alice vốn đã ở nhiều đêm rồi, nhưng Helen cố tình lờ đi) miễn là bà còn có thể trả tiền bảo lãnh. Nó trở thành một vấn đề trách nhiệm: Helen hoàn toàn tin tưởng rằng bà và Steve đã phạm sai lầm nào đó khi nuôi dạy Alice, mặc dù đã 30 năm tự suy xét kĩ lưỡng bà vẫn không nhận ra lỗi lầm đó là gì. Có lẽ nó thuộc về tiềm thức, có lẽ bà đã không đủ nhiệt tình khi nghe bác sĩ nói có khả năng bà mang thai đôi. Có thể bà đã hơi xem nhẹ Alice mà không biết, khi cô sinh ra mạnh khỏe hơn Ariel. Có lẽ bà và Steve đã làm bắt đầu hội chứng Jekyll và Hyde khi kiên quyết bắt 2 cô bé không bao giờ mặc đồ giống nhau và đi học những trường múa và trại hè riêng biệt.

Có lẽ... nhưng Helen nghi ngờ điều đó. Chẳng phải mọi bậc phụ huynh đều có lỗi lầm? Chẳng phải cha mẹ đều vô tình thích một đứa này hơn đứa kia, dù chỉ tạm thời? Chẳng phải cha mẹ luôn vui sướng trong những giai đoạn thăng trầm của con họ với sự ngẫu nhiên của cuộc sống? Thật vậy - nhưng không phải mọi phụ huynh đều tạo ra một Alice. Trong khi tìm kiếm câu trả lời ở tuổi thơ hai cô bé, Helen đã quan sát kỹ lưỡng nhiều gia đình khác, và bà đã thấy những bậc phụ huynh rất bất cẩn, rất bất công có được những đứa con ngoan ngoãn, ổn định. Bà biết rằng những phụ huynh ngược đãi con cái một cách trắng trợn thường có những đứa con bất ổn hoặc chuyên gây rối, nhưng Helen chắc chắn rằng với mọi lỗi lầm của họ, bà và Steve không phải là kiểu người đó.

Do vậy, sinh nhật 30 tuổi của hai cô con gái đem đến cho Helen và Steve nhiều cảm xúc lẫn lộn - biết ơn vì cặp song sinh của họ vẫn khỏe mạnh, hạnh phúc vì Ariel đã tìm thấy sự ổn định, thỏa mãn trong công việc của mình, và mối lo quen thuộc về chỗ ở và sự an toàn của Alice. Nhưng có lẽ cảm xúc mạnh nhất khi cặp đôi lâu năm này uống mừng sinh nhật vắng mặt hai con gái là sự ngạc nhiên thất vọng khi mọi chuyện chẳng thay đổi chút nào qua bấy lâu thời gian. Đây là thế kỉ 20 - đáng lẽ họ phải biết cách giải quyết mọi thứ. Có thuốc uống vào để chữa trầm cảm, có cách điều trị kiểm soát nỗi sợ, nhưng không một ai trong số hàng nghìn bác sĩ, nhà tâm lý trị liệu, nhà tâm lý học, cố vấn điều trị, hay nhân viên xã hội đã biết Alice trong nhiều năm có thể đưa ra lời giải thích hay cách điều trị cho vấn đề của cô. Không ai biết chắc là cô có bị bệnh hay không. Sau 30 năm, Helen và Steve nhìn nhau qua bàn và rầu rĩ hỏi, "Con bé bị điên? Hay chỉ đơn giản là xấu xa?"

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.