Nguồn: Vietnam Plus
Trong vòng 3 thập niên, trải qua 5 đời Tổng thống, nước Mỹ đã phát động hàng loạt cuộc tấn công quân sự vào các nước khác. Dưới đây là những nét tóm tắt về các cuộc tấn công này và mức độ ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Ronald Reagan
- Lebanon (Năm 1982-83): Binh sỹ Mỹ triển khai ở Lebanon trong thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình 3 quốc gia. Cùng với Pháp, Tổng thống Reagan hạ lệnh mở các cuộc không kích có giới hạn vào Beirut để trả đũa cho vụ đánh bom vào các trại lính làm 299 lính Mỹ và Pháp thiệt mạng.
- Grenada (1983): Cuộc xâm lược của khoảng 7.000 quân Mỹ cùng 300 lính trong Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) sau khi nổ ra cuộc đảo chính tại quốc đảo vùng Caribe. Cuộc tấn công này bị Anh và Liên hợp quốc lên án nhưng nhận được sự ủng hộ của 6 quốc đảo vùng Caribe, nhóm cho rằng hành động này là chính đáng theo hiến chương OAS.
- Libya (1986): Các trận không kích nhằm trừng phạt chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sau vụ nổ tại một sàn disco ở Berlin (Đức) làm 79 người Mỹ bị thương và 2 người thiệt mạng. Nước Anh ủng hộ các vụ tấn công này nhưng Đại Hội đồng Liên hợp quốc lại lên án.
George H.W. Bush
- Panama (1989): Cuộc xâm lược của hơn 26.000 lính Mỹ xảy ra sau khi nhà độc tài Manuel Noriega tuyên chiến với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với chính phủ Panama bị cáo buộc buôn lậu ma túy. Một lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng sau khi ông Noriega tuyên chiến, nhưng từ trước khi cuộc xâm lược bắt đầu.
- Iraq (1991): Cuộc xâm lược Iraq với sự tham gia của 33 nước khác đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết buộc Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein phải rút quân khỏi Kuwait.
- Somalia (1992): Người Mỹ triển khai quân sang quốc gia châu Phi này với chiêu bài gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bill Clinton
- Iraq (1993): Những cơn mưa tên lửa hành trình đã trút xuống thủ đô Baghdad, đánh trúng các trụ sở tình báo Iraq, để trả đũa một âm mưu ám sát Tổng thống George H.W. Bush
- Somalia (1993): Các đơn vị lĩnh Mỹ được triển khai đồng loạt cùng 35 nước khác để thực hiện sứ mệnh an ninh và ổn định theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Haiti (1994): Mỹ triển khai nhiều quân tham gia sứ mệnh gìn giữ hào bình và ổn định quốc đảo này theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Bosnia (1994-96): Trong vòng 18 tháng, Mỹ và các đồng minh NATO đồng loạt mở nhiều đợt oanh kích mà cao điểm là các trận ném bom, pháo kích và bắn tên lửa hành trình nhằm vào lực lượng người Serbia tại Bosnia. Hành động này được thực hiện theo đề nghị của Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutrous Boutrous-Ghali và áp đặt các vùng cấm bay theo ít nhất là 3 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Binh sĩ nhiều nước được triển khai suốt một năm tại đây trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO.
- Iraq (1996): Nhiều đợt tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu ở miền Nam Iraq để trả đũa cho các vụ tấn công máy bay chiến đấu Mỹ đang thực hiện vùng cấm bay để bảo vệ các sắc tộc thiểu số ở Iraq. Vùng cấm bay được áp đặt theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Sudan, Afghanistan (1998): Các trại huấn luyện khủng bố tại Sudan và Afghanistan bị tấn công bằng tên lửa hành trình để trả đũa vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania làm hơn 220 người thiệt mạng, trong đó có 12 công dân Mỹ.
- Iraq (1998): Một loạt các mục tiêu ở Baghdad đã bị nã tên lửa hành trình để trừng phạt chế độ Saddam Hussein không tuân thủ các cuộc thanh sát vũ khí hóa học của Liên hợp quốc theo các yêu cầu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
- Kosovo: (1999): Các mục tiêu quân sự của Nam Tư cũ bị không kích và trúng tên lửa hành trình trong suốt 3 tháng tấn công. Ngoài ra, nhiều trạm điện, cầu cống và cơ sở hạ tầng khác của Nam Tư cũng bị phá hủy trong chiến dịch này của NATO.
George W. Bush
- Afghanistan (2001): Cuộc xâm lược diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch quân sự của NATO sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Đã có khoảng 100.000 quân từ 48 nước tiến vào Afghanistan trong thành phần lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do Mỹ cầm đầu. Trong số này, có 60.000 lính Mỹ. Vào cuối năm 2013, các binh sĩ NATO trong thành phần ISAF sẽ giảm còn một nửa và toàn bộ các lính chiến đấu nước ngoài sẽ rời khỏi mảnh đất Afghanistan vào cuối năm sau.
- Iraq (2003): Cuộc xâm lược diễn ra với chiêu bài “nguyện vọng của liên minh” 48 nước nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein. Khoảng 160.000 binh sỹ Mỹ đã có mặt tại Iraq vào lúc cao điểm của cuộc chiến và toàn bộ các lực lượng này đã rút đi vào tháng 12/2011 theo một thỏa thuận an ninh giữa chính phủ Iraq và Mỹ.
Barack Obama
- Libya (2011): Mỹ đã bắn hàng loạt tên lửa hành trình và chỉ huy một chiến dịch quân sự quốc tế ban đầu để thực hiện một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó kêu gọi một lệnh ngừng bắn trong cuộc nội chiến tại Libya và thiết lập một vùng cấm bay.
- Pakistan (2011): Dù không hẳn là một cuộc tấn công xâm lược từ nước ngoài thì vụ đột kích tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden lại được coi là một trong những thành công của giới quân đội và tình báo chóp bu Mỹ. Tất cả đều được thực hiện mà không có sự cho phép của Pakistan, quốc gia mà Bin Laden đã ẩn nấp.
- Syria (2014): Cuộc tấn công bằng không quân của lực lượng quân đội Hoa Kỳ và một số quốc gia Ả Rập vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tại miền bắc Syria.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý về hàng trăm vụ tấn công đẫm máu bằng máy bay không người lái được Mỹ thực hiện nhằm vào các mục tiêu là những thủ lĩnh Al-Qaeda trong các nhiệm kỳ của Tổng thống Obama và Tổng thống George W. Bush. Đa số các vụ tấn công này diễn ra tại Pakistan, Afghanistan và Yemen. Nó luôn gây tranh cãi về việc liệu chính phủ của những quốc gia này có cho phép Mỹ thực hiện các vụ tấn công.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.