Bài viết theo chủ đề

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Tiêu hóa và Hấp thụ Dinh dưỡng

Tác giả: Nora Gedgaudas
Nguồn: Primal Body, Primal Mind

Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 5: Tiêu hóa và Hấp thụ Dinh dưỡng

Bạn có thể ăn những thực phẩm đắt nhất, tốt nhất từng có trên thế gian này mà vẫn bị bệnh tật hay sức khỏe kém. Làm sao có thể như vậy được? Một yếu tố cực kỳ quan trọng là sự tiêu hóa. Nếu bạn không thể phân tách và hấp thụ những gì bạn ăn, bạn chỉ tiêu tốn tiền mua thức ăn mà thôi. Tồi tệ hơn nữa, bạn đang tạo ra những hỗn hợp ứ đọng, lên men và độc hại trong hệ thống tiêu hóa có thể làm rối loạn mọi cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể bạn. Không thể nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của một hệ thống tiêu hóa tốt, vậy mà đây lại là chủ đề thường bị bỏ qua khi bàn về một chế độ ăn lành mạnh. Mọi bộ phận khác của cơ thể và tâm trí đều phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tiêu hóa để nhận được những chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bình thường.

Tiêu hóa kém là một vấn đề đã trở thành đại dịch, một điều mà lượng thuốc ức chế acid dạ dày được tiêu thụ hay số ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật hay ruột thừa ngày một tăng đang chứng tỏ. Jonathon Wright, M.D., sau khi dùng thiết bị nội soi để đo độ pH dạ dày của hàng ngàn bệnh nhân, đã ước tính rằng khoảng 90% người Mỹ sản xuất quá ít acid hydrochloric. Hậu quả của điều này là cực kỳ to lớn.

Việc thiếu acid hydrochloric trong dạ dày dẫn đến nhiều vấn đề khá nghiêm trọng:

  1. Tiêu hóa và hấp thụ kém những protein và amino acid cần thiết cho hơn 50.000 chức năng khác nhau trong cơ thể, như sản xuất các chất truyền dẫn thần kinh để điều hòa tâm trạng; sửa chữa và tái tạo các tế bào, cơ quan nội tạng, xương, cơ; và nhiều chức năng không thể thiếu khác.
  2. Hấp thụ kém những khoáng chất thiết yếu như canxi, magiê, phốt-pho, boron, sắt và kẽm. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn nữa khi mà cơ thể cần kẽm để sản xuất acid hydrochloric. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn có thể dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng những khoáng chất cực kỳ quan trọng này và tất cả các hậu quả kèm theo của nó.
  3. Sự sản xuất acid hydrochloric kém bởi dạ dày còn khiến vitamin B12 được hấp thụ kém. Đây là một chất tối cần thiết cho sức khỏe của hệ thần kinh. Vitamin B12 là một chất cho methyl quan trọng, cần thiết cho hoạt động bình thường của não bộ và hệ thống tim mạch. Chúng ta cũng dùng nó để sản xuất các tế bào huyết cầu. Tình trạng thiếu vitamin B12 kéo dài có thể dẫn đến những tổn hại thần kinh không phục hồi được, rối loạn tinh thần, nhận thức và mất trí nhớ, cũng như bệnh thiếu máu và bệnh tim. Một bức tranh không đẹp đẽ cho lắm!
  4. Hỗn hợp thối rữa không được tiêu hóa trong dạ dày (xin lỗi đã phải dùng từ mang tính hình tượng như vậy) gây rối loạn trong các bộ phận khác của hệ thống tiêu hóa. Nó bị lên men, sinh ra khí và biểu hiện ra ngoài thành các triệu chứng ợ nóng, đầy hơi và trung tiện. Nó kích thích và gây sưng tấy trong ruột non. Điều này có thể dẫn đến sự bào mòn của các lông nhung và dẫn đến cái gọi là hội chứng rò ruột (leaky gut syndrome), một trạng thái siêu thẩm thấu của niêm mạc ruột non, thông qua đó các protein chưa được tiêu hóa có thể đi vào mạch máu. Những protein này sẽ bị hệ thống miễn dịch của cơ thể coi như kẻ địch, gây ra nhạy cảm và dị ứng với nhiều thực phẩm và về lâu dài dẫn đến các rối loạn tự miễn.
  5. Mẫn cảm hơn với ký sinh trùng và các bệnh từ thực phẩm khác.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Tác hại của Gluten trong ngũ cốc



Tác giả: Nora Gedgaudas


        Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy
        Chương 3: Tác hại của Gluten trong ngũ cốc

        [Chú thích: Trong bài này nói nhiều đến bệnh tự miễn. Wikipedia định nghĩa bệnh tự miễn là "phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại một chất hoặc mô ở trong cơ thể. Nói một cách khác, hệ thống miễn dịch nhầm một phần của chính cơ thể là kẻ địch và tấn công chính nó." Cũng trong bài này trên Wikipedia liệt kê một danh sách không đầy đủ gồm 173 bệnh tự miễn, bao gồm những bệnh thường gặp như thấp khớp, tiểu đường loại I, bệnh celiac, tâm thần phân liệt, một số loại ung thư, viêm gan, viêm da.]

        Ngũ cốc và các hạt họ đậu thường chứa một chất gọi là acid phytic với nồng độ rất cao. Acid phytic dễ dàng liên kết với các chất khoáng và hợp chất muối trong quá trình tiêu hóa và sau đó bị loại khỏi cơ thể. Do mức tiêu thụ ngũ cốc cao trong cộng đồng, điều này dẫn đến sự thiếu hụt chất khoáng rộng rãi, bao gồm canxi, sắt, magiê và kẽm. Các hạt họ đậu thường chứa tới 60% tinh bột và chỉ một lượng nhỏ protein không hoàn chỉnh. Chúng còn chứa những chất ức chế hấp thụ protein khiến khả năng tiêu hóa và sử dụng protein trong thực phẩm của cơ thể bị suy giảm. Nếu ai sử dụng chúng làm nguồn calo chính trong thời gian dài, tuyến tụy có thể bị tổn hại.

        Ngũ cốc và các hạt họ đậu chứa các chất goitrogen, những chất ức chế hoạt động tuyến giáp, và những “protein ngoại lai” như gluten và gliadin. Những protein này là nguyên nhân cực kỳ phổ biến của các chứng dị ứng và nhạy cảm với nhiều loại thực phẩm, và có thể dẫn tới các rối loạn cả về thể chất, trí não và tinh thần, ngay cả khi những phương pháp sơ chế tốt nhất được áp dụng. Một giả thuyết nữa cho rằng sự thiếu hụt một loại amino acid tối cần thiết tên là L-tryptophan trong ngũ cốc, thứ hiện nay được dùng làm thực phẩm chủ yếu cho gia súc và gia cầm (đấy là chưa kể đến người), có thể giải thích chứng thiếu hụt serotonin, trầm cảm, lo âu và một số rối loạn thần kinh rộng rãi khác trong dân chúng. Nói chúng, việc ăn nhiều carbohydrat (tinh bột) trong thời gian dài, làm cạn kiệt nguồn dự trữ serotonin và các vitamin B của cơ thể. Các vitamin B này cần để chuyển hóa amino acid thành nhiều chất truyền dẫn thần kinh cần thiết trong cơ thể.

        Việc sơ chế những thực phẩm này bằng cách ngâm, làm nảy mầm hay lên men có thể hạn chế hoặc loại trừ acid phytic và một số chất phản dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, những thực phẩm này vẫn chứa lượng carbohydrat rất cao. Nhiều ngũ cốc còn chứa một loại protein cực kỳ tai hại hiện đang là nguyên nhân của những vấn đề sức khỏe trầm trọng cho hàng triệu người: gluten.

        Ngũ cốc không phải là một loại thực phẩm cần thiết cho con người. Thêm vào đó, chúng còn gây ra quá nhiều vấn đề về sức khỏe do lượng gluten và các chất phản dinh dưỡng chứa bên trong, cùng sự thiếu hụt L-trytophan, nồng độ chất béo omega-6 cao và hàm lượng tinh bột lớn, cũng như các nguy cơ dẫn đến các chứng dị ứng và nhạy cảm thực phẩm thứ cấp. Do vậy, với bất cứ ai muốn có sức khỏe tốt, không có lý do gì để ăn ngũ cốc cả.


        Trên thực tế, ăn càng ít ngũ cốc càng tốt. Không ăn chút nào là tốt nhất.

        Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

        Ảo vọng ăn chay - Chương 4 phần 2: Tầm quan trọng của mỡ béo

        Tác giả: Lierre Keith
        Nguồn: The Vegetarian Myth

        Hãy Biết Về Chất Béo Của Bạn (Know Your Fats), tựa đề cuốn sách của tiến sĩ Mary Enig kêu gọi. Tôi ước có thể có một khẩu hiệu dễ nghe hơn. Chúng ta cần một khẩu hiệu như vậy. Chúng ta cần một cái gì đó để chống lại những thế lực đang hợp sức làm hại cơ thể chúng ta, và hành tinh của chúng ta. Những thế lực này cuối cùng hóa ra đều là một. Nhận thức đó là vết rạn đầu tiên trong thế giới quan ăn chay của tôi và dẫn đến những mâu thuẫn cơ bản bên dưới. Tôi không trồng được những thực phẩm tôi ăn – đậu, gạo, lạc. Chúng từ đâu đến? Những người trồng những thứ đó có cần chúng không? Tôi có quyền gì để ăn chúng? Tôi tự xoa dịu bản thân với những con số về lượng ngũ cốc mà gia súc cần nếu tôi ăn thịt chúng thay vì ăn chay. Khi đó tôi biết thế giới tư bản phát triển đang bóc lột về mặt kinh tế các nước kém phát triển hơn. Tôi biết chết đói là một cách chết rất đau đớn, cũng như bị lột da sống ở các lò mổ. Ngoài những điều đó ra, tất cả những gì tôi biết là sự lựa chọn giữa ăn chay và những thứ tồi tệ hơn nhiều: tra tấn, sát sinh. Trước tuổi 20, tôi đã hiểu nông nghiệp với những vụ ngũ cốc ngắn ngày sẽ dẫn đến sự hủy diệt của thế giới này. Nhưng ngoài cái đó ra còn có lựa chọn nào khác? Tôi muốn tất cả chúng ta đều có cái để ăn. Tôi muốn tất cả phụ nữ được giải phóng và tôi muốn tất cả động vật được giải phóng. Tôi muốn thấy một thế giới xanh tươi tràn đầy sự sống. Những người ăn chay nói rằng họ có thể đưa chúng ta đến thế giới đó, rằng ăn thịt là một thói xấu đang giết chết chúng ta và hành tinh này. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đã nhắm mắt đưa chân theo họ.

        Và tôi đã đói. Lúc nào cũng đói. Bạn có thể ăn rất nhiều calo mà vẫn bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Để tiếp tục ăn chay, tôi đã phải chiến đấu với cái đói, một điều mà tôi không bao giờ thừa nhận, đặc biệt là với bản thân, khi tôi vẫn đang ăn chay. Nếu lúc đó tôi đối mặt với cái thèm ăn ấy, liệu tôi có phải dừng ăn chay không? Liệu chủ nghĩa nữ quyền trong tôi, cái vẫn đòi hỏi tôi phải trân trọng cơ thể phụ nữ của tôi, có bắt tôi phải ngừng ăn chay không – đặc biệt là khi cái đói là một trong những hình phạt chính mà chế độ phụ hệ áp dụng lên phụ nữ chỉ vì họ là phụ nữ? Tôi là người chống lại sự hành hạ phụ nữ, chứ không phải là người tham gia, ít nhất là không tham gia một cách sẵn lòng.

        Thay vì đối mặt với tất cả những điều đó, tôi chối bỏ cái đói trong tôi, rồi quên nó đi. Quá trình đó không phải chỉ diễn ra trong một đêm: sự thiếu hụt dinh dưỡng, các thụ thể insulin mệt mỏi vì làm việc quá sức, sức sống mất dần, sự đau đớn. Những đợt tụt đường huyết ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cho đến khi cuối cùng tôi phải ăn gần như liên tục thì mới khỏi cảm thấy như mình sắp chết đến nơi. Dĩ nhiên là chỉ ăn carbohydrate, bởi vì đó là tất cả những gì tôi tự cho phép mình, và điều đó chỉ đảm bảo mang lại một cơn tụt đường huyết mới. Thịt là điều cấm kỵ tuyệt đối đến mức cơn thèm protein của tôi bị coi là một tội ác gần giống như tội ác diệt chủng. Nhưng cái tôi thèm nhất là chất béo. Chất béo thực sự. Không phải thứ dầu thực vật tôi vẫn rán đậu phụ trong đó, mà là chất béo thực sự: chất béo bão hòa, mỡ.

        Sau khi tôi ăn chay được hai năm – hai năm trong đó không một phân tử mỡ động vật nào đi vào người tôi – mẹ tôi đặt một bát kem chua lên bàn: kem chua cùng với pho-mát và một chút hương vị.

        Tôi nhìn chằm chằm vào cái bát ấy. Tôi không thể rời mắt khỏi nó. Và tôi nhận ra rằng không gì có thể ngăn tôi khỏi ăn bát kem chua ấy. Không một thứ gì trong đầu tôi, không một con số, một hình ảnh nào có thể ngăn được thôi thúc sinh học ấy. Tôi ăn. Tôi nhớ lại lúc đó tôi không suy nghĩ gì cả: thực sự không một ý nghĩ nào. Chỉ có cơn đói và sự thỏa mãn cơn đói.

        Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

        Ảo vọng ăn chay - Chương 4 phần 1: Con người được thiết kế để ăn thịt

        Chế độ ăn nguyên thủy
        Nguồn: The Vegetarian Myth
        Tác giả: Lierre Keith

        Chương 4: Ăn chay vì dinh dưỡng

         
        Bắt đầu với châu Phi bảy triệu năm trước đây, bởi vì đó là nơi con người bắt đầu. Khí hậu bắt đầu chuyển từ ẩm ướt sang khô hanh. Các cây to nhường chỗ cho cỏ, và thảo nguyên bắt đầu phủ đầy khắp thế giới. Được nuôi dưỡng bởi cỏ là những động vật ăn cỏ lớn. Hai mươi lăm triệu năm trước, trong sự đa dạng của quá trình tiến hóa, một số cây tìm cách phát triển từ gốc thay vì từ ngọn. Động vật ăn lá sẽ không giết chết những cây này; ngược lại là đằng khác. Nó giúp cây phát triển bằng cách kích thích rễ phát triển. Tất cả cây cối đều cần nitơ và các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa, và động vật ăn cỏ có thể cung cấp những thứ đó cho cỏ trong lúc chúng ăn cỏ. Đấy là lý do tại sao, không giống như những cây khác, cỏ không chứa hóa chất độc nào, cũng như không có những cơ chế tự vệ cơ học như gai hay cành cứng để ngăn cản động vật. Cỏ muốn bị ăn. Chính cỏ là thứ tạo ra bò. So với cỏ, sự thuần hóa của con người chỉ có một ảnh hưởng rất nhỏ lên hệ gen của bò, và bò cho lại con người gen dung nạp lactose.

        Tổ tiên của chúng ta sống trên cây, cho đến khi cây bắt đầu biến đi. Chúng ta có hai lợi thế về mặt tiến hóa để giúp chúng ta vượt qua khó khăn này: ngón tay cái tách ra và hệ thống tiêu hóa ăn tạp. Chúng ta có khả năng thao tác công cụ và chúng ta có một cơ thể được trang bị cả bản năng và hệ thống tiêu hóa để xử lý một loạt các loại thực phẩm khác nhau. Một số động vật chỉ ăn một loại thực phẩm: koala chỉ ăn lá bạch đàn, và ong bắp cày chỉ ăn trên cây vả. Ăn chỉ một loại thực phẩm là một canh bạc; nếu nguồn thức ăn của bạn mất đi, bạn cũng biến đi cùng nó. Nhưng bộ não, cơ quan đòi hỏi rất nhiều năng lượng, ở động vật ăn một loại thực phẩm không cần lớn lắm, và năng lượng dư ra có thể dùng cho các hoạt động khác.

        Không kể sô-cô-la, con người không phải là động vật chỉ ăn một loại thực phẩm. Trước khi chúng ta trở thành người, khi chúng ta còn sống trên cây, chúng ta ăn chủ yếu hoa quả, lá cây và côn trùng. Nhưng từ thời điểm chúng ta đứng thẳng, chúng ta ăn chủ yếu động vật ăn cỏ lớn. Bốn triệu năm trước, người vượn phương Nam, tổ tiên của chúng ta, đã ăn thịt.


        Đã có lúc người ta tin rằng người vượn phương nam ăn hoa quả. Điểm khác biệt giữa người vượn phương nam và người hiện đại được cho là khả năng ăn thịt. Nhưng những chiếc răng của bốn bộ xương ba triệu năm tuổi trong một hang động ở Nam Phi kể lại một câu chuyện khác. Các nhà nhân chủng học Matt Sponheimer và Julia Lee-Thorp tìm thấy carbon-13 trong lớp men răng của những bộ xương này. Carbon-13 là một đồng vị ổn định có ở hai nơi: cỏ và cơ thể những động vật ăn cỏ. Những chiếc răng ấy không có các vết xước gây ra bởi việc nhai cỏ. Người vượn phương nam ăn những động vật ăn cỏ, những con thú nhai lại to lớn sống trên các thảo nguyên.

        Các công cụ bằng đá được tìm thấy bên cạnh những bộ xương của những con thú đã tuyệt chủng từ lâu, chôn sâu dưới đất trong suốt 2,6 triệu năm. Những công cụ đá và những bộ xương đó đã đợi để kể câu chuyện của chúng, câu chuyện về chúng ta. Một số xương có những vết răng phủ lên bởi những vết cắt bằng công cụ: một con thú ăn thịt đã giết con mồi và tiếp theo là người đến mót phần còn lại. Một số xương khác lại ngược lại: vết cắt bằng công cụ, rồi đến những vết răng sắc, nói lên rằng con người với vũ khí đến trước, sau đó mới là con thú với răng. Chúng ta đến từ một gia phả dài của những người thợ săn: 150.000 thế hệ.

        Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

        Ảo vọng ăn chay - Chương 1

        Tác giả: Lierre Keith
        Nguồn: The Vegetarian Myth

        Ảo vọng ăn chay

        Chương 1: Tại sao có cuốn sách này?

        Đây không phải là một cuốn sách dễ viết với tôi. Với nhiều người trong các bạn, nó sẽ không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tôi biết. Tôi là một người ăn chay trong gần 20 năm. Tôi biết những lý do đã buộc tôi đi theo một chế độ ăn khắc nghiệt, và đó là những lý do đáng trân trọng, thậm chí là cao quý. Những lý do như là công lý, lòng từ bi, một nỗi khao khát đến tuyệt vọng làm sao để thế giới này trở nên tốt hơn. Để cứu lấy hành tinh này – những cái cây cuối cùng đã chứng kiến hàng bao thế hệ, những mẩu đất hoang sơ cuối cùng vẫn đang nuôi dưỡng những loài thú sắp tuyệt chủng, lặng im đợi số phận của chúng trong bộ lông hay bộ cánh của mình. Để bảo vệ những kẻ yếu ớt, những kẻ không có tiếng nói. Để nuôi dưỡng những người đang chịu cảnh đói ăn. Hay ít nhất là không tham gia vào cái điều kinh khủng gọi là nền chăn nuôi công nghiệp.

        Những cảm xúc khát khao này sinh ra từ một nỗi niềm đau đáu sâu sắc đến nỗi nó gần như chạm đến thế giới tâm linh. Ít nhất chúng là như vậy đối với tôi, và đến giờ chúng vẫn thế. Tôi muốn cuộc đời của tôi là một cuộc chiến đấu, là tiếng thét xung trận, là một mũi tên sắc nhọn bay vào trái tim của sự thống trị: chế độ phụ hệ, chủ nghĩa đế quốc, sự công nghiệp hóa, và mọi hệ thống quyền lực bạo tàn khác. Nếu những hình ảnh bạo lực này khiến bạn thấy không thoải mái, tôi có thể diễn đạt lại. Tôi muốn cuộc đời của tôi – cơ thể của tôi – là một nơi mà trái đất được ấp ủ, chứ không phải bị nhai nuốt, nơi mà sự bạo tàn không có chỗ đứng, nơi mà bạo lực dừng bước. Và tôi muốn việc ăn uống – hành động cơ bản nuôi dưỡng tôi – là một hành động nuôi dưỡng vạn vật chứ không phải là hành động giết chóc.

        Cuốn sách này được viết để phát triển tiếp những nỗi khát khao ấy, nỗi niềm đau đáu ấy. Nó không phải được viết để chế nhạo khái niệm quyền động vật hay chế giễu những người muốn có một thế giới hiền hòa hơn. Thay vào đó, cuốn sách này là một nỗ lực để tôn vinh những niềm khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta cho một thế giới công bình. Và những khát vọng ấy – cho lòng từ bi, cho sự lâu bền, cho sự phân phối công bằng các tài nguyên – không được đáp ứng bởi triết lý hay sự thực hành chế độ ăn chay. Chúng ta đã bị dẫn đi lầm đường. Những người tiên phong trong phong trào ăn chay có những ý định tốt. Tôi tuyên bố ngay ở đây điều mà tôi sẽ còn lặp lại nữa: rằng mọi điều họ nói về chế độ chăn nuôi công nghiệp là đúng. Đó là một hệ thống độc ác, lãng phí và hủy hoại. Không một dòng nào trong cuốn sách này biện hộ hay quảng bá cho hệ thống sản xuất thực phẩm công nghiệp ở bất cứ mức độ nào.

        Tuy nhiên, sai lầm đầu tiên là cho rằng chế độ chăn nuôi công nghiệp – một cách làm mới được thực hành 50 năm – là cách duy nhất để nuôi gia súc, gia cầm. Những tính toán của họ về mức năng lượng sử dụng, lượng calo tiêu thụ, con số những người bị đói ăn vì thực phẩm của họ bị đem nuôi gia súc, đều dựa trên quan điểm rằng gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc.

        Bạn có thể cho gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc, nhưng đấy không phải là chế độ ăn thích hợp với chúng. Ngũ cốc chỉ xuất hiện khi con người thuần hóa một số loài họ cỏ, sớm nhất là 12.000 năm trước, trong khi auroch, tổ tiên hoang dã của loài bò được thuần hóa hiện nay, đã có mặt hai triệu năm trước đó. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, những loài ăn cỏ không cạnh tranh với con người. Chúng ăn cái chúng ta không ăn được – cellulose – và biến nó thành cái chúng ta ăn được – protein và chất béo. Ngũ cốc sẽ làm tăng mạnh tốc độ tăng trưởng của bò lấy thịt và sản lượng sữa của bò sữa. Ngũ cốc cũng sẽ giết chúng. Sự cân bằng vi khuẩn tinh tế trong dạ cỏ của bò sẽ chuyển thành acid và tự hoại. Gà sẽ mắc bệnh gan nhiễm mỡ nếu cho ăn toàn ngũ cốc, và chúng có thể sống mà không cần chút ngũ cốc nào. Cừu và dê, cũng là những động vật nhai lại, không bao giờ nên động vào ngũ cốc.

        Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

        Gluten: Cái bạn không biết có thể giết bạn

        Không ăn bánh mì

        Tác giả: Mark Hyman, MD
        Nguồn: Gluten: What you don't know might kill you

        Có một thứ bạn đang ăn có thể đang giết dần bạn, và bạn thậm chí không biết điều đó!

        Nếu bạn ăn bánh burger hay khoai tây chiên của McDonald suốt tuần hay uống sáu lon coca mỗi ngày, bạn có thể biết rằng bạn đang rút ngắn cuộc sống của mình. Nhưng ăn một lát bánh mì nâu ngon lành và giòn tan, làm từ bột mì nguyên cám – làm thế nào nó có thể có hại cho sức khỏe của bạn?

        Vâng, bánh mì có chứa gluten, một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, spelt, kamut, và yến mạch. Nó ẩn thân trong bánh pizza, bánh mì, bánh ngọt và hầu hết các thực phẩm chế biến sẵn. Rõ ràng, gluten là thành phần chính của thực đơn Mỹ.

        Điều mà hầu hết mọi người không biết là gluten có thể gây những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho nhiều người. Bạn có thể nằm trong số đó ngay cả khi bạn không có biểu hiện rõ ràng của bệnh celiac.

        Trong bài viết hôm nay, tôi muốn tiết lộ sự thật về gluten, giải thích những mối nguy hiểm và cung cấp cho bạn một phương pháp đơn giản để giúp bạn xác định xem gluten có phải là một vấn đề với bạn hay không.

        Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

        Đại cương về chứng thái nhân cách

        Kẻ thái nhân cách

        Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
        Nguồn: CassWiki

        Thái nhân cách (psychopathy) là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp psukhe (tâm) và pathos (bệnh tật, đau khổ), và từng được dùng để chỉ bất kì rối loạn tâm thần nào. Vào thời điểm hiện tại, chứng thái nhân cách được mô tả chính xác nhất trong hai công trình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này: Without Conscience (Không có Lương tâm) của Robert Hare và The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey M. Cleckley. Một kẻ thái nhân cách đúng chính xác là như vậy: vô lương tâm, và quan trọng hơn cả, điều này được ẩn giấu sau một cái mặt nạ bình thường tốt đến nỗi ngay cả các chuyên gia cũng bị đánh lừa. Một công trình thứ ba gần đây hơn, Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của Robert Hare và Paul Babiak, đã nâng nghiên cứu trong lĩnh vực này lên một tầng cao mới bằng cách nhấn mạnh thực tế là: Nhờ khả năng che giấu bản chất thực sự của chúng, những kẻ thái nhân cách dễ dàng trở thành những con rắn độc mặc com lê nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. Nhà tâm lý học từ trường đại học Harvard, Martha Stout, mô tả sự phối hợp chết người này như sau:

        Hãy tưởng tượng - nếu bạn có thể - không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.

        Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.

        Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lí của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào. [1]

        Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Kẻ thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác. [2]

        Mặc dùng được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tâm thần học, thái nhân cách không có đề mục chính xác tương ứng [3] trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các Rối loạn Tâm thần – Phiên bản IV – Có Sửa đổi (DSM-IV-TR), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách chống xã hội (anti-social personality disorder), hay trong Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế - Phiên bản 10 (ICD-10), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách lẩn tránh xã hội (dissocial personality disorder). Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần “Lịch sử”.

        Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán chứng thái nhân cách là dùng Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có Sửa đổi (PCL-R) của Robert Hare. Hare mô tả những kẻ thái nhân cách như là “những con thú săn mồi trong cùng loài, những kẻ dùng sự hấp dẫn, thủ đoạn, đe dọa và bạo lực để kiểm soát những người khác và đáp ứng nhu cầu riêng ích kỉ của chúng. Do không có lương tâm và cảm xúc với người khác, chúng nhẫn tâm lấy bất cứ cái gì chúng muốn và làm bất cứ điều gì chúng thích, vi phạm chuẩn mực và đạo đức xã hội mà không có chút cảm giác hối hận hay vương vấn nào.” Hare cũng cho rằng mặc dù tỉ lệ thống kê của những kẻ thái nhân cách trong một xã hội bất kì là rất nhỏ, phần đóng góp của chúng vào những đau khổ trong xã hội là đặc biệt lớn. [4] Qua việc nghiên cứu cho thấy những kẻ thái nhân cách rất lão luyện trong việc leo lên những vị trí cao trong giới kinh doanh và chính trị, chúng ta có thể nói chứng thái nhân cách là vấn đề quan trong nhất của xã hội hiện đại.

        Với một người ngoài ngành, thuật ngữ thái nhân cách thường được hiểu rộng hơn, và thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần nói chung. Người ta thường coi “kẻ thái nhân cách” là đại diện cho cảm nhận cá nhân của họ về một con người tà ác, thường dưới hình thức một kẻ điên rồ giết người hàng loạt như vẫn được mô tả trong phim ảnh và văn học. Đây là một nhận thức sai lầm đáng tiếc.

        Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

        Giải độc Hay là Chết: Những Cách Trị liệu Tự nhiên để Đối phó với Bụi Phóng xạ từ Vụ Tan chảy Hạt nhân Fukushima

        Tác giả: Gabriel Segura, MD. Bác sĩ phẫu thuật tim mạch.
        Nguồn: Detoxify or Die: Natural Radiation Protection Therapies for Coping With the Fallout of the Fukushima Nuclear Meltdown

        Chủ đề sức khỏe:
        Sự ngần ngại trong việc công nhận những vấn đề quá rõ ràng và sự chậm trễ trong việc ngăn chặn phơi nhiễm và giảm nhẹ các tác động xấu là đặc tính thường trực của những kẻ ủng hộ năng lượng hạt nhân, những kẻ quan tâm đến việc giữ nguyên những gì hiện đang tồn tại hơn là giúp đỡ hàng triệu người vô tội đang phải chịu hậu quả mặc dù họ không có lỗi gì.
        - Nesterenko, A. V., Nesterenko, V. B. và Yablokov, Chernobyl: Consequences of the Catastrophe for People and the Environment (Chernobyl: Hậu quả của Thảm họa đối với Con người và Môi trường)
        Khói bay lên từ lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima
        Chúng ta nhận được những báo cáo trái ngược từ các nguồn đài báo chính thống về tình trạng hạt nhân khẩn cấp ở Fukushima, Nhật Bản. Một số nói nó ít nghiêm trọng hơn thảm họa Chernobyl nhiều, một số khác nói nó sẽ tồi tệ hơn nhiều so với Chernobyl. Chúng ta phải hiểu thế nào đây? Ai là đáng tin cậy?

        Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng điều hợp lý nên làm là chờ đợi và chuẩn bị cho trường hợp tồi tệ nhất, hy vọng cho trường hợp tốt nhất và chấp nhận những gì sẽ đến. Với suy nghĩ này, tôi quyết định điểm lại những tài liệu có từ trước tới nay về những phương pháp chữa trị dễ áp dụng trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, cũng như những tài liệu về thảm họa Chernobyl. Những gì tôi tìm thấy thực sự gây sốc, nhưng tôi cũng tìm được những phương pháp chữa trị căn bản có thể bảo vệ cho bạn và người thân của bạn.

        Bài viết này bao gồm một tóm tắt khái quát tài liệu Chernobyl: Consequences of the Catastrophe for People and the Environment (Chernobyl: Hậu quả của Thảm họa đối với Con người và Môi trường), xuất bản trong Annals of the New York Academy (Biên niên sử của Học viện New York) (2009). Các tác giả - Alexey V. Nesterenko (Viện An toàn Phóng xạ (BELRAD), Belarus) và Alexey V. Yablokov (Viện Khoa học Nga) cùng với Vassily B. Nesterenko – đã tổng hợp thông tin từ hàng ngàn bài viết khoa học và những tài liệu khác, bao gồm cả những phương pháp trị liệu tự nhiên đã được sử dụng thành công và có thể áp dụng rộng rãi. Cũng có nhiều nghiên cứu khác về những phương pháp trị liệu hiệu quả nhưng không được phổ biến trong y học chính thống. Nó sẽ cho bạn biết rõ những gì cần làm trong trường hợp xảy ra một thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản.


        Đây là một vấn đề đáng quan ngại với tất cả chúng ta vì không có nước nào trên thế giới tránh được hoàn toàn khỏi bụi phóng xạ.

        Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

        Lửa và nước: Ngày không xa

        Băng hà

        Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
        Nguồn: Sott.net

        Vài tháng trước, một thành viên của diễn đàn SOTT đăng một đường dẫn đến bài báo sau nói đến một số nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Lúc ấy tôi không biết cụm từ đối nghịch “Lõi Băng Nhiệt Đới” nghĩa là gì, nhưng bài báo có vẻ giải thích rõ tất cả:

        Lõi Băng Nhiệt Đới Cho Thấy Hai Thay Đổi Khí Hậu Toàn Cầu Đột Ngột

        Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu băng hà đã kết hợp và so sánh các bộ dữ liệu về khí hậu cổ đại trong các lõi băng lấy từ dãy Andes ở Nam Mỹ và dãy Himalaya ở châu Á để vẽ lên một bức tranh về cách thức khí hậu đã biến đổi - và vẫn đang biến đổi - ở vùng nhiệt đới.

        Những kết luận của họ chỉ ra một thay đổi rất lớn trong đó khí hậu chuyển sang một chế độ lạnh hơn xảy ra chỉ hơn 5000 năm trước, và sự đảo ngược sang một thế giới ấm hơn nhiều xảy ra trong vòng 50 năm qua.

        Các bằng chứng cũng cho thấy hầu hết các băng hà ở độ cao lớn tại các vùng nhiệt đới của hành tinh sẽ biến mất trong tương lai gần. Bài viết này được đăng trong số hiện thời của Proceedings of the National Academy of Science (Tạp Chí của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia).

        Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy ở hầu hết các nơi trên thế giới, băng hà và các chỏm băng đang rút lui nhanh chóng, ngay cả ở những vùng mà sự gia tăng trong lượng mưa được ghi nhận. Điều này chỉ ra thủ phạm có nhiều khả năng là sự gia tăng nhiệt độ chứ không phải là sự giảm lượng mưa. […]

        “Xấp xỉ 70% dân số thế giới hiện sống trong vùng nhiệt đới. Vì vậy khi khí hậu thay đổi ở đó có thể dẫn đến những tác động to lớn,” Lonnie Thompson, giáo sư khoa học địa chất tại bang Ohio, giải thích. […]

        “Chúng tôi có bộ dữ liệu đến 2000 năm trước và khi bạn vẽ nó ra, bạn có thể thấy Thời Trung Cổ Ấm (Medieval Warm Period – MWP) và thời Tiểu Băng Hà (Little Ice Age -LIA)”, Thompson nói. Trong MWP, 700 đến 1000 năm trước, khí hậu ấm lên ở một số nơi trên thế giới. MWP được nối tiếp bởi LIA, một sự khởi phát đột ngột của nhiệt độ lạnh hơn đánh dấu bởi bước tiến của các băng hà tại châu Âu và Bắc Mỹ.

        Băng hà là một sức mạnh tàn phá mãnh liệt nhất trên Trái Đất

        “Và trong cùng bộ dữ liệu ấy, bạn có thể thấy rõ thế kỷ 20 và điều đập vào mắt - cho dù bạn nhìn vào từng lõi hay tổ hợp của tất cả bảy cái - là khí hậu 50 năm qua ấm một cách bất thường thế nào.

        “Không có gì giống như vậy trong bộ dữ liệu - ngay cả thời MWP cũng không”, Thompson nói.

        “Sự rất bất thường của các giá trị đồng vị trong 50 năm qua có nghĩa là mọi thứ đang thay đổi một cách sâu sắc. Đấy là câu chuyện đáng nói ở đây”. […]

        Núi băng khổng lồ dài 120km bị mắc cạn sát cạnh khối băng chính

        “Thông điệp bài báo này muốn gửi gắm là khí hậu toàn cầu có thể thay đổi đột ngột, và với 6,5 tỷ người đang sống trên hành tinh, đó là một điều nghiêm trọng.”

        Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân

        Tác giả: Kim McMillen và Alison McMillen

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi nhận thấy những đau đớn và đau khổ về tinh thần chỉ là những dấu hiệu cảnh báo rằng tôi đang sống ngược với sự thật của chính mình.


        Hôm nay, tôi biết, đấy là “Sự Xác Thực”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi hiểu tôi có thể xúc phạm một người đến mức nào khi tôi cố áp đặt những mong muốn của tôi lên người ấy, mặc dù tôi biết thời điểm là không phù hợp và người ấy chưa sẵn sàng, và mặc dù người ấy là tôi.

        Hôm nay, tôi gọi đấy là “Sự Tôn Trọng”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi không còn mong ước một cuộc sống khác, và tôi có thể nhận thấy mọi thứ xung quanh tôi đang mời tôi lớn lên.

        Hôm nay, tôi gọi đấy là “Sự Trưởng Thành”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi hiểu rằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đang ở đúng nơi đúng lúc, và mọi thứ xảy ra đúng vào thời điểm cần thiết, vì vậy tôi bình thản.

        Hôm nay, tôi gọi đấy là “Sự Tự Tin”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi ngừng đánh cắp thời gian của bản thân, và tôi ngừng vẽ lên những dự án khổng lồ cho tương lai. Hôm nay, tôi chỉ làm những gì mang lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc, những gì tôi thích làm và những gì khiến con tim tôi đập rộn ràng, và tôi làm chúng theo cách của riêng tôi và theo nhịp điệu của riêng tôi.

        Hôm nay, tôi gọi đấy là “Sự Giản Dị”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi giải phóng bản thân khỏi bất cứ điều gì không tốt cho sức khỏe - thức ăn, con người, sự vật, tình huống, và tất cả những gì kéo tôi xuống và khiến tôi tách rời khỏi bản thân tôi. Lúc đầu, tôi gọi thái độ ấy là sự ích kỷ lành mạnh.

        Hôm nay, tôi biết đấy là “Tình Yêu Với Bản Thân”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi không còn cố gắng để luôn luôn đúng, và kể từ đó tôi mắc sai lầm ít hơn.

        Hôm nay, tôi phát hiện đấy là “Sự Khiêm Tốn”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi từ chối không tiếp tục sống trong quá khứ và lo lắng về tương lai. Bây giờ, tôi chỉ sống cho hiện tại, nơi mà Mọi Điều đang diễn ra.

        Hôm nay, tôi sống mỗi ngày, ngày qua ngày, và tôi gọi đấy là “Sự Trọn Vẹn”.

        Khi tôi bắt đầu yêu bản thân, tôi nhận ra rằng tâm trí của tôi có thể làm phiền tôi và nó có thể làm tôi đau ốm. Nhưng khi tôi nối liền nó với trái tim, tâm trí tôi trở thành một đồng minh quý giá.

        Hôm nay, tôi gọi kết nối ấy là “Sự Khôn Ngoan Của Trái Tim”.

        Chúng tôi không còn phải sợ tranh cãi, đối đầu hay bất cứ vấn đề gì giữa chúng tôi hay với người khác. Ngay cả các ngôi sao còn va chạm với nhau, và qua sự va chạm của chúng, những thế giới mới được hình thành.

        Hôm nay, tôi biết đấy là “Cuộc Sống”!