Bài viết theo chủ đề

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

BRICS và SCO góp phần đẩy Hoa Kỳ khỏi châu Á

Nguồn: Sputnik Việt Nam

Vào những ngày này, các phương tiện truyền thông thế giới hướng tới thành phố Ufa của Nga, nơi đang cùng lúc diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh: BRICS và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải).

Không chỉ riêng Washington, cả Brussels và Tokyo cũng chăm chú theo dõi các hoạt động này.

Financial Times của Anh viết: Mặc dù BRICS được thường xuyên nhắc tới hơn, nhưng Moskva vẫn đang dành mối quan tâm đặc biệt cho cả SCO. Tổ chức ít được biết đến ở phương Tây, tuy nhiên có vai trò và ảnh hưởng không thua kém BRICS. Vào thời điểm thành lập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm có Nga, Trung Quốc và bốn quốc gia Trung Á đề ra mục tiêu hành động chính là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biên giới. Sau một thập kỷ hoạt động, các nhiệm vụ và chức năng của SCO đã được mở rộng đáng kể. Sự đảo chiều mạnh mẽ về phía đông của Nga gần đây và tăng cường quan hệ với Trung Quốc đã không những làm tăng tiếng nói có trọng lượng của SCO, đồng thời đưa tổ chức lên cấp độ mới toàn cầu.

Mặc dù Hiến chương SCO không đề cập tới nhưng Washington vẫn lo ngại rằng, một trong những mục tiêu chính của Tổ chức Thượng Hải là đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Theo chuyên gia chính trị quốc tế Sergei Manukov thuộc tạp chí Ekspert, một cuộc chơi lớn đang diễn ra ở lục địa Á-Âu:

"SCO là một tổ chức phát triển năng động, đang ngày càng tự tin khẳng định mình trên trường quốc tế. Bởi vậy, ngay cả châu Âu cũng dõi theo hoạt động của hai hội nghị thượng đỉnh. Hơn nữa đây là thời điểm thuận lợi, khi dư luận tạm dừng tranh luận xung quanh cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Ai cũng hiểu nét chủ đạo của tương lai gần là cuộc đối đấu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc giành châu Á nói chung và Thái Bình Dương nói riêng. Trung Quốc bám sát gót Hoa Kỳ, thở sát gáy, thậm chí vượt trên đối thủ trong loạt lĩnh vực quan trọng. Cả hai quốc gia — Hoa Kỳ và Trung Quốc — đang không ngừng tìm kiếm đồng minh. Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã có thêm động lực mới nhờ quan hệ nguội lạnh với phương Tây. Đây là sự hợp tác có lợi cho cả Moskva và Bắc Kinh, đặc biệt trên mặt bằng có sẵn như SCO. Sau khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO, tổ chức sẽ càng mạnh và có uy tín hơn nữa."

Theo Financial Times nhận xét, SCO còn có thể thu nhận những xung lực phát triển mới nhờ sự tham gia của Ấn Độ và Pakistan. Chuyên gia Sergei Manukov cho rằng, kế hoạch được nêu sẽ làm suy yếu thêm chính sách của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương:

"Ấn Độ là một trong mười quốc gia kinh tế phát triển, sở hữu những tiềm năng to lớn, yếu tố Ấn Độ gia nhập SCO sẽ tăng cường mạnh mẽ và nâng cao lập trường của SCO. Rõ ràng, đây là vấn đề hệ trọng đối với Washington. Tất nhiên, Washington có quan hệ tốt với New Delhi, nhưng người Mỹ khó có thể hài lòng trước các mối liên lạc thân thiện hơn của New Delhi và Bắc Kinh. Trước kia, Mỹ luôn khéo léo vận dụng cơ hội từ những bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Việc quan hệ Trung-Ấn đột ngột trở nên mềm mỏng hơn bởi sự tham gia vào SCO sẽ là bất ngờ khó chịu cho Washington. Thế nên, Nhà Trắng không thể không chú ý đến hội nghị thượng đỉnh SCO tại Ufa. Sự kiện rõ ràng có ý nghĩa quan trọng hơn là những gì đang diễn ra ở châu Âu do khủng hoảng tài chính của Hy Lạp."

Nhận xét: Nếu có gì chúng ta học được từ lịch sử đẫm máu của gần 100 năm qua, đó là "Bất cứ cái gì Hoa Kỳ chạm vào đều biến thành Libya hay Iraq cả", như tổng thống Putin của Nga đã nói. Vì vậy, nếu các quốc gia châu Á có thể đẩy được Hoa Kỳ khỏi lục địa này sớm bao nhiêu thì hòa bình và thịnh vượng có thể đến sớm bấy nhiêu.

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.