Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Vì sao hàng loạt đồng minh quay lưng với Mỹ để gia nhập AIIB?

AIIB - Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á

Tác giả: Bảo Sơn
Nguồn: Báo Đất Việt

Tiếp theo Anh, hàng loạt quốc gia Á-Âu gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã gây ra cơn địa chấn trên diễn đàn quốc tế.

Anh gia nhập AIIB gây ra “phản ứng dây chuyền”

Việc Anh - đồng minh quan trong nhất của Mỹ ở châu Âu và trên toàn thế giới chính thức nộp đơn xin gia nhập AIIB - Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, do Trung Quốc lãnh đạo là một đòn mạnh giáng vào Mỹ, bởi nó đã tạo ra một “hiệu ứng Domino” kinh hoàng.

Động thái này của Anh làm cho “quan hệ đặc biệt” Mỹ-Anh trục chính sách phương Tây mấy chục năm qua xuất hiện sự rạn nứt hiếm thấy và bộc lộ sự bất đồng sâu sắc trong những vấn đề quan trọng giữa hai nước đồng minh lâu đời này.

Hơn nữa, bất đồng này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối đoàn kết và hành động chung giữa các quốc gia phương Tây. Động thái này của Anh dẫn đến một phản ứng dây chuyền khiến Mỹ không thể ngăn chặn nổi.

Trong một thời gian ngắn, một số nước chủ chốt của phương Tây như Pháp, Đức, Italia và một số nước khác như Thụy Sĩ, Luxembourg, Đan Mạch, Áo, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nga, Gruzia, Brazil, thậm chí những nước vốn phụ thuộc vào Mỹ như Hàn Quốc và Úc cũng lần lượt đệ đơn xin gia nhập AIIB.

Vậy nguyên nhân nào khiến đồng minh quay lưng lại với Hoa Kỳ?

Đồng minh Mỹ không cưỡng được lợi ích kinh tế của AIIB

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, châu Âu luôn ở trong tình trạng khó khăn về kinh tế kéo dài, nên vấn đề cấp thiết với EU là phải nắm lấy cơ hội phát triển từ nền kinh tế mới nổi và phát triển năng động ở châu Á.

Trong bài phát biểu gần đây của mình, ông Martin Schulz - Chủ tịch Nghị viện Châu Âu cho biết, ngoài phát triển mậu dịch hàng hoá, EU cần phải tiếp tục thúc đẩy dịch vụ và đầu tư với Trung Quốc. Bởi vậy, ông cũng ủng hộ 4 nước châu lục này tham gia vào ngân hàng AIIB.

Anh là nước phương Tây đầu tiên chính thức chấp thuận trở thành thành viên sáng lập của AIIB. Sau đó, hàng loạt quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ là Đức, Pháp, Italia, Hàn Quốc… cũng đã tuyên bố gia nhập ngân hàng này.

Sai lầm” về mặt chính sách của Hoa Kỳ.

Theo như tờ The Daily Telegraph nhận định, duy trì vị trí bá chủ luôn là vấn đề cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Là đồng minh quan trọng của Anh, nhưng khi tìm kiếm lợi ích ở nước ngoài, Washington đã phớt lờ lợi ích của London, điều này khiến đồng minh lâu năm này quay lưng lại với Lầu Năm Góc.

Ngược lại, Trung Quốc đang tuyên truyền một chính sách ngoại giao khôn ngoan hơn là: Không liên minh, không bá quyền, độc lập tự chủ, phát triển hoà bình, coi hòa bình là lợi ích căn bản của toàn nhân loại, lấy kinh tế làm căn cứ bảo đảm cho việc cải thiện điều kiện sống của nhân dân…

Chính điều này đã khiến Trung Quốc thu hút được nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Âu, với nhiều chế độ chính trị, thuộc nhiều khối liên minh, liên kết khác nhau tham gia.

Tuy trước đó, Hoa Kỳ khuyên các đồng minh của mình cần phải cân nhắc trước khi tham gia vào ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, nhưng Washington không thể làm gì để ngăn chặn việc AIIB “hút” đồng minh của mình.

Sức hút từ những dự án kinh tế tương lai của châu Á

Trong tương lai, châu Á sẽ có nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế. Theo ước tính, chỉ riêng khu vực Đông Á đã cần ít nhất 8.000 tỉ USD trong vòng sáu năm tới để xây dựng hạ tầng. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á lại không đủ tiền cho vay trong khi Trung Quốc hoàn toàn có khả năng.

Điều đó cho thấy, dù biết rằng có một số nguy cơ cần xem xét nhưng tham gia AIIB có một sức hút khó cưỡng đối với các nước đang cần nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như các nước phát triển đang gặp phải khó khăn về kinh tế, do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang đến.

Hiện nay, còn có một số chuyên gia khuyên Mỹ nên tham gia vào ngân hàng do Trung Quốc “lãnh đạo” nhằm nhận lấy các lợi ích kinh tế, tranh giành quyền lãnh đạo với Bắc Kinh và “khống chế” đồng minh trong ngân hàng này.

Tuy nhiên, dù có tham dự hay không thì Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản các đồng minh tham gia vào một cơ cấu tài chính do Trung Quốc lãnh đạo. Điều này cho thấy tiếng nói của Washington đã giảm bớt trọng lượng, còn ảnh hưởng của Bắc Kinh thì ngày càng cao.

Nhận xét: Hệ thống kinh tế dựa trên đồng đôla Mỹ đang đi đến hồi kết thúc. Nga và Trung Quốc đang nỗ lực hết sức xây dựng một hệ thống kinh tế mới và tách rời khỏi hệ thống cũ để khỏi bị ảnh hưởng khi nó sụp đổ. Ngân hàng AIIB chính là một phần của hệ thống mới đó, cùng với những cơ chế khác như Ngân hàng Phát triển BRICS, Hệ thống Thanh toán Quốc tế Trung Quốc (CIPS). Các quốc gia khác trên thế giới, kể cả những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ cũng có thể thấy rõ điều này. Đó chính là lý do sâu xa nhất khiến họ gia nhập AIIB hàng loạt bất chấp sức ép của Hoa Kỳ.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.