Bài viết theo chủ đề

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 6

Nguồn: The sociopath next door
Tác giả: Martha Stout

Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê



Chương 6: Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm

Trong hoang mạc, một nhà sư già từng khuyên lữ khách, tiếng nói của Thượng Đế và Quỷ Sứ hầu như không khác biệt. – Loren Eiseley

Trong quá trình hành nghề của mình, một trong những câu hỏi tôi được hỏi nhiều nhất là, “Làm cách nào tôi có thể biết ai là người đáng tin?” Bởi vì các bệnh nhân của tôi đều là những người từng chịu tổn thương tâm lý nặng nề, hầu hết gây ra bởi những người khác, đây là mối quan tâm dễ hiểu với họ. Tuy vậy, tôi có cảm giác rằng đây cũng là vấn đề bức bách với hầu hết chúng ta, kể cả những người chưa từng phải chịu tổn thương tâm lý, và rằng chúng ta đều luôn cố gắng đánh giá về nhân cách của mọi người xung quanh. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến phẩm hạnh của những người có quan hệ gần gũi với chúng ta, và khi chúng ta gặp một người bạn mới hấp dẫn nào đó, chúng ta thường tiêu tốn khá nhiều tâm trí trong việc nghi ngờ, phỏng đoán hay mơ tưởng về câu hỏi này.


Những kẻ không đáng tin cậy không mặc bộ sơmi riêng, hay mang dấu hiệu in trên trán, và việc chúng ta thường phải đưa ra những quyết định quan trọng về người khác chỉ dựa trên phỏng đoán chủ quan là chính dẫn đến những quy tắc phi lý, những quy tắc mà nhiều người biến thành sự mê tín cả đời. “Đừng tin ai quá 30 tuổi,” “Không bao giờ tin đàn ông,” “Không bao giờ tin đàn bà,” “Không bao giờ tin ai cả” là những ví dụ phổ biến nhất. Chúng ta muốn có những quy tắc rõ ràng, ngay cả khi chúng là những quy tắc vơ đũa cả nắm, bởi vì việc xác định được ai là người cần đề phòng là cực kỳ quan trọng với chúng ta. Nhưng những quy tắc chung chung này đều không hiệu quả, và tồi tệ hơn, chúng thường mang lại sự lo lắng và bất an trong cuộc sống của chúng ta.

Trừ phi bạn biết rõ ai đó trong nhiều năm, không có một quy tắc hay cách kiểm định hoàn hảo nào cho sự đáng tin cậy, và việc thừa nhận thực tế này là cực kỳ quan trọng, dù cho nó có thể khiến bạn bất an đến đâu. Sự không chắc chắn trong vấn đề này đơn giản là một phần của cuộc sống con người, và tôi chưa từng biết ai giải quyết được nó một cách hoàn toàn. Thêm vào đó, tưởng tượng rằng có một phương pháp hiệu quả - một phương pháp mà đến giờ bạn vẫn chưa biết được - để giải quyết vấn đề đó một cách chắc chắn là bạn đang tự hạ thấp mình một cách bất công.

Khi nói đến chuyện tin tưởng vào người khác, chúng ta đều mắc sai lầm. Trong đó có những sai lầm lớn hơn những cái khác.

Nói vậy nhưng khi mọi người hỏi tôi về sự tin cậy, tôi thường trả lời rằng có tin xấu và có tin tốt. Tin xấu là thực sự tồn tại những cá nhân không có lương tâm, và những cá nhân này không đáng tin cậy chút nào. Có lẽ trung bình bốn trong một nhóm 100 người bất kỳ là như vậy. Tin tốt lành – và đây là tin rất tốt lành – là ở chỗ 96 trong số 100 người bất kỳ là bị ràng buộc bởi lương tâm, và do vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ hành động theo một tiêu chuẩn tương đối cao của quy tắc xã hội và tinh thần trách nhiệm. Nói một cách khác, họ sẽ hành động tương tự như bạn và tôi. Và đối với tôi, tin thứ hai này quan trọng hơn tin thứ nhất nhiều. Nó có nghĩa rằng, đáng kinh ngạc thay, theo một tiêu chuẩn xã hội nhất định nào đó, khoảng 96 phần trăm quan hệ giữa người với người trong thế giới của chúng ta là an toàn.

Vậy thì tại sao thế giới này lại có vẻ thiếu an toàn đến mức đáng sợ như vậy? Làm sao chúng ta giải thích các bản tin sáu giờ, hay thậm chí các trải nghiệm không hay của bản thân chúng ta? Cái gì đang xảy ra? Liệu có thể tin được là chỉ 4 phần trăm dân số gây ra hầu hết những điều bất hạnh trên thế giới này, và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta? Đây là một câu hỏi bức bách, một câu hỏi có thể làm thay đổi hoàn toàn nhiều giả định của chúng ta về xã hội loài người. Vì vậy tôi xin lặp lại rằng lương tâm là một thứ cực kỳ mạnh mẽ, bền bỉ và hướng thiện. Trừ phi đang bị ảnh hưởng của chứng hoang tưởng loạn thần kinh, cơn thịnh nộ cực điểm, ma túy, bị dồn đến bước đường cùng, hay ở dưới quyền một tay chỉ huy tàn bạo, một người bị ràng buộc bởi lương tâm không bao giờ - và theo một nghĩa nào đó không thể - giết người hay hiếp dâm một cách nhẫn tâm, hay tra tấn người khác, hay đánh cắp tài sản tích cóp cả đời của ai đó, lừa người khác vào mối quan hệ không có tình yêu như một thứ trò chơi, hay cố ý bỏ rơi con cái của chính mình.

Bạn có làm được không?

Khi chúng ta thấy người khác làm những điều như vậy, trên bản tin thời sự hay trong cuộc sống của chính chúng ta, họ là ai? Trong một số ít trường hợp, họ là những người được chính thức thừa nhận là loạn thần kinh, hay đang bị áp lực của những cảm xúc tột điểm. Đôi khi họ là những người bị dồn đến bước đường cùng, hay họ là những kẻ lạm dụng chất kích thích như rượu, ma túy, hay là tay chân của một tay cầm đầu tàn bạo nào đó. Nhưng phổ biến hơn cả, chúng không phải là tất cả những thứ trên. Thay vào đó, chúng là những kẻ không có lương tâm. Chúng là những kẻ thái nhân cách.

Những ví dụ tồi tệ nhất của những hành vi không tưởng tượng được mà chúng ta đọc trên báo thường bị ngầm quy cho “bản tính con người” - mặc dù những sự việc đó làm chúng ta, những người bình thường, phải thấy sốc. Những hành vi đó chắc chắn không phản ánh bản tính bình thường của con người, và chúng ta đang tự xúc phạm và hạ thấp bản thân khi chúng ta nghĩ vậy. Bản tính bình thường của con người, mặc dù còn lâu mới là hoàn hảo, luôn bị khống chế bởi ý thức liên hệ giữa con người với nhau. Những hành vi kinh dị chúng ta thấy trên vô tuyến, và đôi lúc phải chịu đựng trong cuộc sống cá nhân của chính chúng ta, không thuộc về con người bình thường. Thay vào đó, chúng bắt nguồn từ một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với bản chất của chúng ta - sự vắng mặt hoàn toàn của lương tâm.

Tôi nghĩ đây là điều khó chấp nhận với nhiều người. Chúng ta gặp khó khăn khi thừa nhận một số cá nhân vô liêm sỉ từ trong bản chất của họ, và phần còn lại của chúng ta không phải như vậy. Nó bắt nguồn một phần từ cái tôi gọi là “lý thuyết về mặt tối” của bản tính con người. Lý thuyết này - từ ý niệm đơn giản và đúng đắn ban đầu là chúng ta đều có một “mặt tối” không lộ diện trong cư xử thường ngày - bị bóp méo ra thành bất cứ điều gì thực hiện hay cảm nhận được bởi một người đều có thể được thực hiện hay cảm nhận bởi tất cả. Nói một cách khác, trong một số hoàn cảnh nhất định (mặc dù chúng ta không tưởng tượng được những hoàn cảnh ấy là gì) bất cứ ai cũng có thể trở thành một tay chỉ huy trại tập trung chẳng hạn. Trớ trêu thay, chính những người tốt bụng lại thường là những người sẵn sàng đồng tình với lý thuyết này dưới dạng đã bị bóp méo của nó. Họ đồng ý rằng họ có thể, trong một hoàn cảnh kỳ quái nào đó, có thể giết người hàng loạt. Nó đem lại cảm giác dân chủ và ít có tính lên án hơn (và cũng ít gây hoang mang hơn) khi tin rằng tất cả mọi người đều có một mặt tối nào đó hơn là chấp nhận rằng một số người sống vĩnh viễn trong hố sâu tăm tối nhất của đạo đức. Tuy việc thừa nhận một số người không có chút lương tâm nào không hoàn toàn giống với việc nói rằng một số người là hiện thân của cái ác, nhưng nó gần một cách đáng sợ. Và những người tốt rất muốn tránh không phải tin vào sự hiện thân của cái ác.

Dĩ nhiên, mặc dù không phải tất cả mọi người đều có thể trở thành chỉ huy trại tập trung, nhiều người nếu không muốn nói là hầu hết mọi người đều có thể làm ngơ trước những hành vi man rợ của một kẻ như vậy bằng cách chối bỏ hiện thực hay phục tùng mệnh lệnh một cách mù quáng. Khi được hỏi về cảm giác rằng chúng ta không an toàn trong thế giới của chính chúng ta, Albert Einstein từng nói, “Thế giới là một nơi nguy hiểm không phải vì những người tà ác, mà là vì những người không chịu làm gì về điều đó.”

Để làm gì đó với những kẻ vô liêm sỉ, chúng ta trước hết phải nhận biết chúng. Vậy thì, trong cuộc sống của mỗi chúng ta, làm thế nào để chúng ta nhận ra trong số khoảng 25 người, kẻ nào là không có lương tâm và có thể gây nguy hiểm đến tài sản và hạnh phúc của chúng ta? Quyết định xem ai đó có đáng tin hay không thường đòi hỏi biết rõ người đó trong một thời gian dài, và trong trường hợp nhận biết kẻ thái nhân cách, thời gian đó dài hơn nhiều so với thời gian chúng ta sẽ cho phép nếu hắn có mang dấu hiệu rõ ràng trên trán ngay từ đầu. Tình thế khó xử này đơn giản là một phần của cuộc sống con người. Nhưng ngay cả với những người chúng ta đã quen thuộc, câu hỏi bức thiết vẫn là, “Làm cách nào để tôi biết ai đáng tin cậy?” – hay chính xác hơn, ai không đáng tin cậy.

Sau gần 25 năm lắng nghe các bệnh nhân của tôi kể về những kẻ thái nhân cách đã xâm phạm và phá hoại cuộc sống của họ, khi tôi được hỏi, “Làm cách nào để tôi biết ai không đáng tin cậy?”, câu trả lời của tôi thường làm người kia ngạc nhiên. Một cách tự nhiên, mọi người trông đợi tôi sẽ đưa ra chi tiết về một hành vi nham hiểm hay một số cử chỉ hay cách dùng ngôn ngữ đe dọa nào đó để làm dấu hiệu nhận biết. Thế nhưng, tôi thường khiến mọi người ngã ngửa khi đảm bảo với họ rằng dấu hiệu nhận biết không phải là bất kỳ cái nào trong số đó, bởi vì không có dấu hiệu nào trong số đó là luôn chắc chắn. Thay vào đó, dấu hiệu tốt nhất trong tất cả là màn diễn khơi dậy lòng thương hại. Dấu hiệu chắc chắn nhất, hành vi phổ biến nhất của kẻ vô liêm sỉ không phải nhắm vào nỗi sợ của chúng ta, như mọi người vẫn thường tưởng tượng. Oan trái thay, nó nhắm vào sự thương cảm trong mỗi chúng ta.

Tôi biết điều này lần đầu tiên khi tôi còn là một sinh viên sau đại học và có cơ hội phỏng vấn một bệnh nhân đã được xác định là thái nhân cách. Hắn không phải là một kẻ bạo lực, thay vào đó hắn chỉ thích lừa đảo mọi người lấy tiền qua những chương trình đầu tư gian trá tinh vi. Tò mò về cá nhân này và điều gì có thể là động lực thúc đẩy hắn – khi đó tôi vẫn còn trẻ và nghĩ hắn là một hiện tượng hiếm hoi - tôi hỏi, “Cái gì là quan trọng với anh trong cuộc sống? Cái gì anh muốn hơn tất cả những thứ khác?” Tôi nghĩ hắn có thể nói “có nhiều tiền,” hay “không bị vào tù,” hai mục đích mà hắn dùng hầu hết thời gian để hướng tới. Thay vào đó, không một chút do dự, hắn trả lời, “À, cái đó thì dễ. Cái tôi thích nhất hơn bất cứ cái gì là khi mọi người thương hại tôi. Điều tôi thực sự muốn hơn tất cả mọi thứ trên đời là lòng thương hại của người khác.”

Tôi thực sự kinh ngạc và khá là cụt hứng. Tôi nghĩ tôi sẽ thích hơn nếu hắn nói “không bị vào tù”, hay thậm chí “có nhiều tiền”. Và tôi cũng thấy khó hiểu. Làm sao người đàn ông này - làm sao bất cứ ai - lại muốn được thương hại, chứ đừng nói là muốn được thương hại hơn tất cả mọi ước nguyện khác? Tôi không thể tưởng tượng nổi. Nhưng bây giờ, sau 25 năm lắng nghe các nạn nhân, tôi nhận ra có lý do rất hợp lý cho sự ưa thích của kẻ thái nhân cách đối với lòng thương hại. Nó rõ ràng như là cái mũi trên mặt chúng ta, và cũng khó nhận ra như vậy nếu không có một cái gương. Lời giải thích ở đây là những người tốt sẽ để cho những kẻ trông thảm thương làm mọi điều, kể cả giết người. Vì vậy bất cứ kẻ thái nhân cách nào muốn tiếp tục với cuộc chơi của hắn, dù cuộc chơi ấy là cái gì đi nữa, sẽ hướng tới lòng thương hại trên hết.

Hơn cả sự ngưỡng mộ - thậm chí hơn cả sự sợ hãi – lòng thương hại từ những người tốt là tấm séc trắng ký sẵn. Khi chúng ta thương hại, chúng ta không còn chút đề phòng nào, ít nhất là trong khoảnh khắc ấy. Và cũng như bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp khác của con người, những phẩm chất liên kết chúng ta với nhau trong cộng đồng - như gắn bó vợ chồng, kính trọng người trên, tôn trọng người tốt bụng hay giàu đầu óc sáng tạo - sự sơ hở tình cảm khi chúng ta thương hại kẻ khác bị những kẻ không có lương tâm lợi dụng để chống lại chúng ta. Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng tha thứ và bỏ qua cho kẻ không có khả năng cảm thấy hối lỗi là điều không nên, nhưng thường khi hắn tỏ ra quá đỗi thảm hại, chúng ta vẫn làm vậy.

Sự thương hại và thông cảm là những đức tính tốt khi chúng được dành cho những người đáng nhận chúng, những người gặp phải điều không may. Nhưng khi những cảm xúc này bị moi ra từ chúng ta bởi những kẻ không xứng đáng, những kẻ mà hành vi của chúng thường xuyên đi trái với các quy tắc xã hội, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng có một cái gì đó không ổn, một dấu hiệu nguy hiểm hữu ích mà chúng ta thường bỏ qua. Có lẽ ví dụ dễ nhận ra nhất là gã chồng thái nhân cách thường xuyên đánh đập vợ rồi lại ngồi ôm đầu bên bàn, than thở rằng hắn không thể kiềm chế được bản thân, rằng hắn là một tên khốn nạn và rằng cô vợ hãy rộng lòng tha thứ. Ngoài ra còn nhiều ví dụ khác không đếm xuể, một số trắng trợn hơn cả ví dụ về gã chồng vũ phu trên, một số tinh vi đến độ gần như không nhận ra được. Và với những người có lương tâm trong chúng ta, những tình huống ấy giống như một bức ảnh nền có hình ẩn bên trong. Bức ảnh nền (lời kêu gọi sự thương hại) thường xuyên lấn át và áp đảo nhận thức của chúng ta về cái hình ẩn bên trong (hành vi đồi bại).

Khi nhìn một cách khách quan từ xa, lời kêu gọi sự thương hại của kẻ thái nhân cách quả là vô lý và đáng sợ. Skip ngụ ý rằng hắn xứng đáng được thông cảm vì hắn đã buộc phải bẻ gãy tay cô thư ký. Doreen Littlefield tỏ ra là một người khốn khổ làm việc quá sức và nhạy cảm đến mức không chịu nỗi những nỗi đau của bệnh nhân. Từ trong tù, một Barbara Graham đáng yêu, kẻ cướp và giết người tàn bạo, giải thích với các phóng viên rằng xã hội đã không để cho cô ta được chăm sóc các con cô ta. Và về nhân vật chỉ huy trại tập trung nói đến ở trên, trong các cuộc hỏi cung năm 1945 trước tòa án Nuremberg, những tên chỉ huy trại tập trung đã mô tả việc chỉ huy các lò đốt xác là công việc tồi tệ thế nào do mùi khủng khiếp bay ra từ đó. Nhà sử học người Anh Richard Overy đã ghi lại các cuộc phỏng vấn trong đó những tên chỉ huy này phàn nàn là chúng không ăn trưa nổi ở chỗ làm.

Những kẻ thái nhân cách không coi tín nghĩa ra gì, nhưng chúng rất biết cách dùng nó để phục vụ lợi ích của chúng. Và cuối cùng, tôi chắc chắn rằng nếu quỷ sứ có tồn tại, hắn cũng sẽ muốn chúng ta thương hại hắn.

Khi quyết định ai là người đáng tin cậy, luôn nhớ rằng sự kết hợp của những hành vi tồi tệ thường xuyên và những màn kịch nhằm khơi dậy lòng thương hại của bạn là cái gần nhất với dấu hiệu cảnh báo trên trán kẻ vô lương tâm mà bạn có thể có được. Một người mà các hành vi thể hiện cả hai đặc tính trên không nhất thiết phải là một kẻ giết người hàng loạt hay là một kẻ bạo lực vũ phu, nhưng đấy chắc chắn không phải là người bạn muốn kết bạn thân thiết, làm ăn cùng, nhờ chăm sóc con cái bạn hay kết hôn với.

Luke đáng thương

Cái gì là quý giá nhất trong quan hệ xã hội? Tình yêu phải không? Đây là câu chuyện về tai họa thầm lặng của một người phụ nữ, một câu chuyện sẽ không bao giờ xuất hiện trên bản tin lúc sáu giờ.

Bệnh nhân Sydney của tôi không xinh đẹp. Ở tuổi 45, cô có mái tóc vàng cáu bẩn đã điểm bạc và một nhan sắc chưa bao giờ là chim sa cá lặn. Nhưng cô có một trí tuệ đáng nể và một bản danh sách dài những thành công trong nghiên cứu khoa học và chuyên môn. Tại một trường đại học ở bang Florida, cô đã được bổ nhiệm làm phó giáo sư dịch tễ học trước tuổi 30. Cô nghiên cứu về ảnh hưởng của các bài thuốc dân gian lên dân chúng địa phương, và trước khi thành hôn, cô đã đi khắp nơi từ Malaysia đến Nam Mỹ và vùng biển Caribbean. Khi cô chuyển từ Florida về Massachusetts, cô làm cố vấn cho một nhóm dược học dân tộc đóng trụ sở tại Cambridge. Nhưng điều tôi thích nhất ở cô là thái độ nhẹ nhàng và cách suy nghĩ chín chắn của cô trong cuộc sống. Một trong những thứ tôi nhớ nhất là giọng nói nhẹ nhàng ấm áp của cô trong 15 buổi trị liệu ngắn ngủi giữa chúng tôi.

Sydney đã ly dị một người đàn ông tên là Luke. Cuộc ly hôn đã tiêu hao tài sản của cô và khiến cô phải mắc nợ, bởi vì cô muốn chắc chắn là cô được quyền nuôi con. Con cô, Jonathan, tám tuổi khi tôi biết Sydney, mới chỉ lên năm vào thời điểm cuộc ly hôn. Luke cũng bỏ một đống tiền vào cuộc chiến, không phải vì hắn yêu Jonathan mà là vì hắn nổi khùng vì Sydney muốn tống cổ hắn ra khỏi nhà cô.

Căn nhà ở nam Florida có bể bơi. Luke rất thích cái bể bơi đó.

“Luke sống trong một căn hộ nhỏ tồi tàn khi tôi gặp hắn,” Sydney bảo tôi. “Ngay điều đó lẽ ra đã là một dấu hiệu cảnh báo cho tôi. Một người đàn ông 35 tuổi đã từng học sau đại học ở đại học New York - về quy hoạch đô thị - đi sống trong cái nơi tệ hại ấy. Nhưng tôi bỏ qua. Hắn nói hắn rất thích cái bể bơi lớn mà khu tập thể chỗ hắn có. Vì vậy khi hắn thấy tôi có bể bơi của riêng tôi, hắn rất bằng lòng. Tôi có thể nói gì được đây? Chồng tôi lấy tôi vì cái bể bơi của tôi. Thực ra không hoàn toàn như vậy, nhưng nhìn lại, nó chắn chắn đóng góp một phần.”

Sydney bỏ qua lối sống của Luke, và việc hắn thích những thứ cô có, bởi vì cô nghĩ cô đã tìm được của hiếm, một người đàn ông 35 tuổi, cực kỳ thông minh, hấp dẫn, chưa vợ, với những sở thích có vẻ tương đồng với cô, và người đối xử tốt với cô.

“Lúc đầu hắn đối xử rất tốt với tôi, tôi phải nói thế. Hắn đưa tôi đi chơi. Hắn luôn mua hoa tặng tôi. Tôi nhớ tất cả những con chim thiên đường trong hộp ấy, tất cả những bông hoa màu cam ấy. Tôi phải đi mua vài cái lọ thật cao để cắm. Tôi không biết nữa. Hắn ăn nói nhẹ nhàng và có một sức hấp dẫn thầm lặng – chúng tôi có những buổi trò chuyện rất tuyệt. Hắn cũng là loại người nghiên cứu như tôi, tôi nghĩ vậy. Khi tôi mới gặp, hắn đang làm ở một dự án quy hoạch cùng một người bạn của hắn ở trường đại học. Luôn luôn diện complê. Đấy là chỗ tôi gặp hắn, trường đại học. Một nơi tốt và đáng tin tưởng để gặp ai đó phải không? Hắn bảo hắn nghĩ hai chúng tôi có rất nhiều điểm chung, và có lẽ tôi đã tin hắn.”

Sau vài tuần, Sydney biết được kể từ lúc khoảng 20 tuổi, hắn đã sống với một loạt phụ nữ, luôn luôn ở nhà của họ, và rằng có một chỗ ở của riêng hắn, ngay cả là một chỗ rẻ mạt, là những trường hợp ngoại lệ so với cách sống ưa thích của hắn. Nhưng cô cũng bỏ qua cả thông tin này, bởi vì cô đang yêu Luke. Và cô nghĩ rằng hắn cũng yêu cô, bởi vì đó là điều hắn nói với cô.

“Tôi chỉ là một người nghiên cứu lôi thôi lếch thếch. Chưa có ai từng tỏ ra lãng mạn với tôi như vậy. Đấy là một thời gian tuyệt vời – tôi phải thú nhận là vậy. Chỉ có điều nó quá ngắn. Nhưng thôi… Vậy đấy, tôi, một phụ nữ 35 tuổi lôi thôi lúc nào cũng chỉ biết đến công việc, đột nhiên nghĩ đến một đám cưới trắng tinh và mọi thứ đi kèm nữa. Tôi chưa bao giờ làm vậy. Tôi muốn nói là tôi luôn nghĩ đấy là câu chuyện cổ tích ngớ ngẫn họ kể cho bọn trẻ con, chứ không phải điều tôi có bao giờ có được – hay muốn có – và rồi thế đấy, tôi muốn nó, lập kế hoạch cho nó nữa.

“Còn về việc hắn sống ăn bám những người phụ nữ kia – chị có tin được là tôi cảm thấy thương hại cho hắn? Tôi nghĩ hắn đang tìm kiếm người phụ nữ phù hợp hay cái gì tương tự như vậy, và rồi sau một thời gian họ ném hắn ra đường. Bây giờ tôi hiểu tại sao, nhưng lúc đó thì không. Tôi nghĩ, cô đơn làm sao, buồn làm sao. Hắn nói một trong những người phụ nữ đó đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Hắn khóc khi hắn kể với tôi điều đó. Và tôi thấy thương hắn quá chừng.”

Sáu tuần sau khi họ gặp lần đầu, Luke chuyển vào nhà của Sydney, và tám tháng sau họ làm lễ cưới, một lễ cưới lớn ở nhà thờ, tiếp theo là một bữa tiệc thịnh soạn trả bằng tiền của gia đình cô.

“Gia đình cô dâu lúc nào cũng phải trả cho đám cưới đúng không?” cô hỏi tôi một cách châm biếm.

Hai tháng sau đám cưới, Sydney phát hiện cô có mang. Lúc trước cô luôn muốn có con, nhưng tin rằng cô sẽ không lấy chồng. Bây giờ giấc mơ làm mẹ của cô đã thành hiện thực. Cô vui mừng khôn xiết.

“Nó như một phép màu đối với tôi, nhất là khi cái thai bắt đầu cử động. Tôi liên tục nhủ thầm, có một sinh linh mới ở trong đó, một người chưa bao giờ biết thế giới này, một người tôi sẽ yêu thương suốt cuộc đời còn lại của tôi. Nó không thể tin được. Luke hiển nhiên là ít phấn khích hơn tôi nhiều, nhưng hắn vẫn nói hắn cũng muốn có đứa bé. Hắn nói hắn chỉ hồi hộp. Hắn nghĩ rằng tôi xấu xí khi tôi có mang, nhưng tôi nghĩ hắn chỉ là trung thực hơn hầu hết những người đàn ông khác về điều đó. Mỉa mai thay, phải không?

“Tôi thấy hạnh phúc với đứa con đến nỗi tôi không cho phép tôi biết điều tôi nghĩ tôi đã biết, chị hiểu tôi muốn nói gì đấy. Tôi nghĩ lúc có mang tôi đã nhận ra cuộc hôn nhân sẽ không lâu bền. Bác sĩ bảo tôi sau ba tháng đầu, nguy cơ sảy thai không còn cao như trước nữa. Dĩ nhiên tôi tin tưởng chính xác như vậy, và vào tháng thứ tư, tôi đi mua một cái cũi. Tôi vẫn còn nhớ đúng vào ngày họ chở cái cũi đến, Luke về nhà và bảo tôi hắn đã nghỉ việc. Chỉ đơn giản như thế. Như là hắn biết giờ hắn đã nắm được tôi. Tôi sắp có con, và vì vậy tôi chắc chắn sẽ lo liệu mọi thứ. Tôi sẽ lo liệu về tài chính cho hắn bởi vì bây giờ tôi không còn lựa chọn nữa. Hắn đã nhầm, nhưng tôi có thể thấy tại sao hắn nghĩ vậy. Chắn hắn nghĩ tôi sẽ làm mọi điều để níu kéo cái gọi là gia đình ấy.”

Dĩ nhiên, đó không phải là điều Luke nói với Sydney, hay với bạn bè hay gia đình của cô. Hắn bảo tất cả bọn họ rằng hắn bị trầm cảm, trầm cảm nặng đến mức không tiếp tục làm việc được, và bất cứ lúc nào có người khác ở xung quanh, hắn ngồi im lặng, với bộ mặt chán nản, và nói chung diễn vai của một người bị trầm cảm. Điều càng làm Sydney bối rối hơn là một số người bảo cô rằng hiện tượng trầm cảm ở người làm cha lần đầu là điều thường gặp.

“Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ là hắn bị trầm cảm,” Sydney bảo tôi. “Có cái gì đó không hợp lý. Chính tôi đôi lúc từng bị trầm cảm một chút, và nó không giống thế. Một ví dụ là hắn có quá thừa năng lượng khi có cái gì đó hắn thực sự muốn làm. Và còn nữa – cái này có vẻ như chuyện nhỏ, nhưng nó làm tôi gần như phát điên - hắn không chịu đi chữa trị. Tôi nói chúng tôi cần bỏ tiền đi kiếm một bác sĩ tâm thần, hay có thể một loại thuốc men nào đó. Nhưng hắn lẩn tránh ý tưởng ấy như là bệnh dịch vậy.”

Khi Jonathan ra đời, Sydney nghỉ dạy hai tháng để chăm con. Điều đó nghĩa là cả ba thành viên gia đình ở nhà cùng nhau, vì Luke không đi làm. Nhưng Luke hiếm khi thậm chí là nhìn đến con hắn, thay vào đó hắn thích ngồi đọc báo bên bể bơi hay đi chơi với bạn bè. Và khi Jonathan khóc, như mọi đứa trẻ sơ sinh khác, Like nổi cáu, đôi khi nổi cơn thịnh nộ, và đòi Sydney phải làm gì đó cho nó im đi.

“Hắn làm như bị đày đọa vậy, tôi nghĩ đấy là cách mô tả đúng nhất. Hắn bịt tai, mang vẻ mặt như đang bị tra tấn và đi đi lại lại, như thể đứa bé khóc là để gây phiền muộn cho riêng hắn. Tôi nghĩ chắc là hắn muốn tôi phải thương cảm hắn hay cái gì đó tương tự. Nó làm tôi thấy gai người. Lúc đẻ tôi phải mổ, và thời gian đầu tôi thực sự cần người giúp đỡ, nhưng rồi về sau tôi chỉ ước tôi và Jonathan được ở một mình.”

Chính những người bảo Sydney về những người làm cha lần đầu bị trầm cảm bây giờ khẳng định với cô rằng những người mới làm cha đôi khi cảm thấy không thoải mái bên cạnh đứa trẻ và vì vậy giữ khoảng cách một thời gian. Họ khăng khăng rằng Luke cần sự thông cảm và kiên nhẫn.

“Nhưng Luke không ‘giữ khoảng cách’ như cách họ nghĩ. Hắn hoàn toàn bỏ mặc con hắn. Với hắn Jonathan chỉ như là một nắm giẻ rách chứ không hơn - một nắm giẻ rách gây khó chịu. Vậy mà, chị có tin được không, tôi muốn tin những người ấy. Tôi muốn tin rằng bằng một cách nào đó, một cách nào đó, nếu tôi có thể thấu hiểu hơn và kiên nhẫn hơn chút nữa, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp. Chúng tôi cuối cùng sẽ thành một gia đình thực sự - tôi muốn tin vào điều đó biết chừng nào.”

Khi kì nghỉ đẻ của cô kết thúc, Sydney trở lại làm việc và Luke tiếp tục ngồi cạnh bể bơi. Sydney liên hệ với một hãng môi giới để tìm người giữ trẻ, bởi vì rõ ràng là Luke sẽ không chăm Jonathan. Sau vài tuần, cô giữ trẻ trẻ tuổi nói nhỏ với Sydney rằng cô cảm thấy không bình thường khi giữ trẻ với người cha luôn ở bên cạnh nhưng không bao giờ quan tâm chút nào.

“Tôi không hiểu tại sao ông ấy thậm chí không bao giờ ngó đến con ông ấy nữa. Ông ấy có làm sao không, thưa bà?” cô giữ trẻ thận trọng hỏi Sydney.

Dùng lời biện hộ Luke vẫn đưa ra, Sydney ngượng ngùng bảo cô, “Ông ấy lúc này đang trải qua một thời kì khó khăn trong đời. Cô cứ coi như ông ấy không có mặt là được.”

Sydney mô tả lại cách người giữ trẻ nhìn qua cửa kính về phía bể bơi, chắc là nhìn thấy Luke đang ngồi thoải mái thư giãn trong ánh chiều Florida ở đó. Nghiêng đầu sang một bên một cách tò mò, cô nói nhỏ, “Đáng thương.”

Sydney bảo tôi, “Tôi sẽ luôn nhớ câu đó. ‘Đáng thương.’ Luke đáng thương. Lúc ấy thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy như vậy về hắn, bất chấp mọi điều tôi biết.”

Nhưng sự thật là người mà Sydney lấy làm chồng không phải là “Luke đáng thương” chút nào. Hắn cũng không phải là người làm cha lần đầu bị trầm cảm, hay đang trải qua một thời kì khó khăn trong đời. Thay vào đó, hắn là một kẻ thái nhân cách. Luke không có chút ý thức trách nhiệm nào với người khác, và hành vi của hắn, mặc dù không bạo lực, phản ánh sự thật nguy hiểm ấy. Đối với Luke, các quy tắc xã hội và thông lệ trong quan hệ giữa người với người tồn tại chỉ để mang lại lợi thế cho hắn. Hắn bảo Sydney rằng hắn yêu cô, và rồi thậm chí cưới cô làm vợ, chủ yếu là để có cơ hội ngồi gọn vào cuộc sống thoải mái mà cô đổ công sức ra mới có. Hắn sử dụng những ước mơ cháy bỏng và thầm kín nhất của vợ hắn để điều khiển cô, và đứa con của họ là một thứ bực mình mà hắn chịu đựng một cách khó chịu chỉ vì đứa bé có vẻ là vật đảm bảo rằng cô sẽ chấp nhận sự hiện diện của hắn. Ngoài ra, hắn không ngó ngàng gì đến đứa con của chính hắn.

Chẳng bao lâu hắn cũng không ngó ngàng gì đến Sydney nữa.

“Nó như là có một người thuê phòng, một người thuê phòng chị không thích lắm và cũng không trả tiền thuê phòng. Hắn cứ ở đó. Trong hầu hết mọi việc, chúng tôi sống hai cuộc sống riêng biệt. Một bên là Jonathan và tôi luôn ở cùng nhau, và bên kia là Luke. Hầu hết thời gian tôi thực sự không biết hắn làm gì. Đôi khi hắn bỏ đi một hai ngày. Tôi không biết hắn đi đâu – tôi không còn quan tâm về điều đó nữa. Hay đôi khi hắn mời bạn bè đến ăn uống, luôn luôn là không báo trước, khiến có lúc tôi gặp phiền phức. Và hắn làm hóa đơn điện thoại tăng vọt. Nhưng hầu hết thời gian hắn chỉ ngồi cạnh bể bơi, hay lúc nào thời tiết xấu, hắn vào nhà xem TV, hay chơi trò chơi điện tử. Chị biết không, loại trò chơi điện tử mà bọn trẻ con 13 tuổi chơi ấy.

“À, suýt nữa tôi quên - hắn sưu tầm tranh in thạch bản được vài tháng. Tôi không biết cái gì khiến hắn thích trò ấy, nhưng hắn thực sự thích thú với nó một thời gian. Mỗi lần hắn mua một cái tranh mới – và tôi phải nói là chúng đắt - hắn mang vào khoe với tôi, như một đứa trẻ, như là không có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi và hắn chỉ muốn tôi xem cái mới trong bộ sưu tầm nghệ thuật của hắn. Hắn chắc sưu tầm được khoảng 30 cái – cứ để thế chứ không cho vào khung – và rồi một ngày hắn vứt hết. Không còn hứng thú gì với tranh in thạch bản nữa. Chấm hết.”

Những kẻ thái nhân cách đôi khi thể hiện những sự hăng hái mãnh liệt nhưng ngắn ngủi về một thứ gì đó - sở thích riêng, dự án, quan hệ với mọi người. Những sở thích này thường bắt đầu một cách đột ngột, không có lí do, và cũng kết thúc theo cách như vậy.

“Tôi mới có chồng và có con. Đấy lẽ ra phải là một trong những thời điểm hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Vậy mà nó là một trong những thời điểm tồi tệ nhất. Tôi cứ đi làm về, mệt mỏi, và người giữ trẻ lại bảo tôi rằng Luke cả ngày thậm chí không liếc đến Jonathan lấy một lần, và sau một thời gian chồng của tôi bắt đầu tỏ vẻ kinh tởm tôi đến mức tôi thậm chí không thể ngủ trong phòng ngủ nữa. Tôi thật xấu hổ phải nói với chị điều này, nhưng tôi ngủ trong phòng dành cho khách cả một năm trời.”

Nhìn chung, khó khăn lớn nhất của Sydney khi kể lại câu chuyện của cô cho tôi là sự hổ thẹn đến đau đớn của cô về những gì đã xảy ra với cuộc đời cô. Như cô nói, “Chị không thể tưởng tượng nó nhục nhã thế nào khi phải thú nhận, ngay cả chỉ là thú nhận với bản thân, là tôi đã thực sự lấy một người như thế. Mà tôi không phải là một đứa trẻ khi tôi làm điều đó. Tôi lúc đó đã 35 tuổi, chưa kể đã đi vòng quanh thế giới nhiều lần. Lẽ ra tôi phải biết hơn một chút. Nhưng tôi không thấy nó. Tôi không thấy nó chút nào. Có một chút an ủi là tôi nghĩ cũng chẳng có ai xung quanh lúc ấy thấy điều đó. Những ngày này, mọi người bảo tôi họ không bao giờ nằm mơ được là hắn sẽ cư xử như vậy. Và mỗi người có một lý thuyết khác nhau về ‘cái gì là không ổn với Luke.’ Nếu không phải là chuyện xấu hổ như vậy thì nó đã thành chuyện cười. Bạn bè tôi đưa ra mọi nguyên nhân từ tâm thần phân liệt cho đến những cái như là rối loạn thiếu tập trung. Chị có thể tưởng tượng được không?”

Điều không đáng ngạc nhiên chút nào là không một người nào đoán rằng Luke đơn giản là không có lương tâm và đấy là lí do tại sao hắn phớt lờ trách nhiệm đối với vợ và con hắn. Những hành vi của Luke không giống với tưởng tượng của bất cứ ai về chứng thái nhân cách, ngay cả thái nhân cách không bạo lực, bởi vì Luke, mặc dù có chỉ số IQ khá cao, có bản chất là thụ động. Hắn không đi cắt cổ người khác, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để đạt được quyền lực hay của cải. Hắn không phải là cá mập tài chính, và chắc chắn không phải loại ăn nói trơn chu, thích náo nhiệt như Skip. Hắn thậm chí không có đủ sinh khí để làm một tên lừa đảo bình thường, hay lòng can đảm để cướp ngân hàng (hay bưu điện). Hắn không phải là loại người hoạt động. Hắn là loại người không hoạt động. Khát vọng chính của hắn là ngồi một chỗ, tránh phải làm việc, và có ai khác cung cấp một cuộc sống thoải mái cho hắn, và hắn dùng sức chỉ vừa đủ để đạt được mục tiêu khiêm tốn ấy.

Vậy làm thế nào cuối cùng Sydney nhận ra bản chất không biết hối hận của hắn? Đó là màn diễn khơi dậy lòng thương hại.

“Thậm chí sau cuộc ly dị tồi tệ ấy, hắn vẫn cứ lảng vảng ở nhà tôi. Tôi muốn nói là gần như tất cả mọi ngày. Hắn thuê một căn hộ nhỏ rẻ tiền ở chỗ khác và hắn luôn ngủ ở đó, nhưng ban ngày hắn sang nhà tôi. Giờ tôi biết là tôi không nên để cho hắn làm vậy, nhưng lúc đó tôi thấy thương hắn, và đồng thời hắn cũng chú ý đến Jonathan hơn một chút. Khi nó về nhà từ nhà trẻ, đôi khi Luke thậm chí còn đón nó ở bến xe, đưa nó về nhà, dạy nó tập bơi hay cái gì đó. Tôi không còn lưu luyến gì với hắn. Tôi thực sự không bao giờ muốn nhìn thấy hắn nữa, nhưng tôi cũng không đi lại với ai khác – làm sao tôi có thể tin một người đàn ông nào khác nữa? – và tôi nghĩ cũng tốt nếu Jonathan biết nhiều hơn về cha nó, được cha nó quan tâm một chút. Tôi nghĩ sự phiền toái ấycũng đáng nếu con tôi ít nhất có một phần của người cha.

“Đấy là một sai lầm. Chị tôi là người nói toạc ra. Chị ấy nói, ‘Luke không phải thương yêu Jonathan. Hắn thương yêu ngôi nhà của cô.’ Và hỡi ôi, chị ấy đúng làm sao. Nhưng khi đó tôi không rũ bỏ được hắn nữa. Mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ và phức tạp và…làm tôi thấy sợ. Nó thực sự làm tôi thấy gai cả người.”

Cô rùng mình, rồi hít một hơi dài và tiếp tục.

“Khi Jonathan vào lớp một, tôi nhận ra tôi phải tống cổ Luke ra khỏi cuộc sống của chúng tôi một cách dứt điểm. Không có một chút yên bình nào, không…tôi muốn nói niềm vui. Khi ai đó không quan tâm đến chị chút nào như vậy, có hắn ở xung quanh suốt ngày thực sự lấy đi sự yên bình và vui vẻ trong cuộc sống của chị. Hắn cứ đến. Hắn cứ đi vào, hay đi ra bể bơi, ngồi xuống một cách thoải mái, như là hắn vẫn sống ở đó vậy, và tôi trở nên thực sự rầu rĩ, căng thẳng. Tôi phải ngồi trong nhà và kéo các rèm cửa xuống để không phải nhìn thấy hắn. Tình trạng ấy đúng là làm tôi phát điên. Rồi tôi nhận thấy tinh thần của Jonathan cũng đi xuống. Nó cũng không muốn Luke ở bên cạnh.

“Thế là tôi bắt đầu bảo hắn đi. Bây giờ nếu tôi ở nhà người khác và họ bảo tôi đi, tôi sẽ đi – chị có đồng ý không? – ít nhất là vì lòng tự trọng của tôi. Luke thì không như vậy. Hắn làm như hắn thậm chí không hề nghe tôi nói. Như thế cũng đủ làm tôi rờn rợn. Hoặc hắn đi một lúc rồi lại quay lại như không có chuyện gì xảy ra. Vậy là tôi nổi điên, và thay vì chỉ bảo hắn đi, tôi hét vào mặt hắn, hay tôi đe dọa sẽ gọi cảnh sát. Và chị biết hắn làm gì không?”

“Hắn dùng đến Jonathan,” tôi nói.

“Đúng vậy. Làm sao chị biết? Hắn dùng đến Jonathan. Ví dụ một lần, chúng tôi ở cạnh bể bơi, cả ba chúng tôi, và Luke bắt đầu khóc. Nước mắt thật sự chảy ra từ mắt hắn. Rồi tôi nhớ hắn nhặt cái lưới chúng tôi dùng để vớt rác và bắt đầu vớt rác khỏi bể, như là một nạn nhân bị hành hạ trong khi hắn chỉ muốn giúp, và rồi Jon cũng khóc. Nó nói – và tôi sẽ nhớ câu này cho đến hết đời – Jonathan nói, ‘Ôi không. Bố đáng thương. Chúng ta có cần phải đuổi bố đi không?’

“Và rồi Luke ngẩng lên nhìn tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi cảm giác như chưa từng bao giờ gặp hắn trong suốt cả đời. Trông hắn khác đến như thế. Đấy là cặp mắt đáng sợ nhất tôi từng nhìn thấy, lạnh lẽo như hai cục băng – thực sự khó giải thích. Và tôi đột nhiên nhận ra rằng trong tâm trí Luke tất cả những cái này là một cuộc chơi. Đấy là một cuộc chơi, và tôi đã thua, thua to. Tôi đứng sững như trời trồng.”

Một năm sau sự kiện đó bên bể bơi, Sydney rời Florida và vị trí ở trường đại học của cô ở đó và chuyển cùng Jonathan đến Boston để gần bà chị hơn, và 1500 dặm xa khỏi Luke. Vài tháng sau, cô bắt đầu cuộc điều trị tâm lý với tôi. Cô cần giải quyết một số vấn đề còn vương lại từ cuộc hôn nhân, đặc biệt là xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân vì đã cưới Luke lúc trước. Cô là một người cực kì kiên cường, và tôi có mọi lí do để tin rằng cuộc sống của cô bây giờ hạnh phúc hơn. Đôi khi cô đùa rằng, trong vấn đề của cô với Luke, câu “xa mặt cách lòng” có thể áp dụng được, mặc dù cô biết rằng chặng đường dài để đến được sự tự tha thứ là phức tạp hơn.

Sydney cũng đạt được hiểu biết nhất định về sự thiếu vắng lương tâm ở người chồng cũ của cô, và cách nhìn mới này giúp ích cho cô. Nỗi lo lớn nhất còn lại của cô là sự nhạy cảm tinh thần của đứa con tám tuổi của cô, Jonathan. Lần cuối cùng tôi gặp Syney, cô bảo tôi rằng hai mẹ con cô vẫn có những cuộc nói chuyện đầy nước mắt về Florida và việc Jonathan thấy bố nó đáng thương thế nào.

Về tác giả:
Tiến sĩ Martha Stout là một nhà tâm lý học người Mỹ. Bà là giảng viên tại khoa tâm thần học của Khoa Y, trường đại học Harvard và đồng thời khám bệnh tại phòng khám tư của mình được 25 năm nay. Bà hiện đang sống tại Cape Ann, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

5 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác DHTD đã dịch và chia sẻ.

    Tác giả Martha Stout viết hay thật, viết một cách hệ thống và tổng quát, khiến cho người không phải chuyên sâu về Tâm lý như tôi cũng có thể phần nào nắm được vấn đề.

    Theo như bài viết này thì suy nghĩ của tác giả Martha Stout là trái ngược với "lý thuyết về mặt tối".
    Lý thuyết về mặt tối thì nói về sự lẫn lộn trắng đen. Trắng hay đen phụ thuộc vào hoàn cảnh (tôi chưa tìm hiểu về vấn đề này, nhưng qua bài viết nên đoán vậy)
    Còn suy nghĩ của tác giả thì trắng luôn là trắng mà đen cứ mãi là đen.

    Nhưng mà ở những chương trước thì có thống kê là chỉ có 20% tù nhân phạm tội là Thái nhân cách. Vậy là còn 80% còn lại là có lương tâm. (số người có lương tâm bình thường chiếm 96%, còn số người có lương tâm phạm tội chiếm 80% tù nhân.

    Vậy là "lý thuyết mặt tối" vẫn ổn hơn chứ, nó giải thích cho 80% kia. Lý thuyết của tác giả M.S chỉ là một cách nhìn khác để bổ sung thêm, nó giải thích tại sao từ 4% Thái nhân cách bình thường và 20% TNC phạm tội.

    Bác DHTD có ý định dịch ra đầy đủ và in ấn thành sách không?
    Cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn Minh Dat đã chia sẻ ý kiến.

    Theo mình hiểu thì hai lý thuyết (xu hướng tội phạm gây ra bởi hoàn cảnh và xu hướng tội phạm gây ra do bẩm sinh) là bổ sung cho nhau chứ không phải mâu thuẫn nhau. Với 80% những tội phạm không phải thái nhân cách, xu hướng tội phạm của họ có thể giải thích do hoàn cảnh gia đình, xã hội, bức bách vào đường cùng, v.v... Với số 20% còn lại, trong đó chứa đựng tuyệt đại đa số những tội ác nhẫn tâm nhất, mất tính người nhất, mà những người bình thường hầu như không thể tưởng tượng nổi, chứng thái nhân cách bẩm sinh là cách giải thích tốt hơn cả.

    Một điều nữa theo mình hiểu là tác hại chính của chứng thái nhân cách không phải là từ những kẻ tội phạm trong tù mà là từ những kẻ thái nhân cách chưa bị phát hiện vẫn đang sống trong xã hội. Tựa đề của cuốn sách là "Kẻ thái nhân cách ở nhà bên" chứ không phải "Kẻ thái nhân cách trong tù". Những kẻ thái nhân cách thường có xu hướng vượt lên trước trong các cuộc chạy đua tranh giành quyền lực trong xã hội. Cuốn sách này chỉ nói về Skip ở vị trí CEO của một công ty lớn. Thử tưởng tượng những kẻ thái nhân cách ở vị trí cao hơn nữa, như là tổng thống Mỹ chẳng hạn. Tác hại của chúng lên xã hội, lên nhân loại sẽ lớn biết chừng nào? Mình không biết bạn có đọc được tiếng Anh không. Nhưng nếu bạn đọc được, thử tìm "Bush psychopath" trên Google, bạn sẽ tìm được nhiều bài viết lý thú.

    Mình chưa có ý định in thành sách do không có thời gian. Tuy nhiên mình cũng có thể xem xét khả năng ấy nếu có điều kiện thuận lợi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mình đã từng quen ` người tương tự luke
      thật sự,đọc bài viết này mình mới nhận ra được một số điều .
      may mà mình đã từ bỏ kẻ vô lương tâm đó từ lâu.
      thật sự rất đáng sợ

      Xóa
    2. mình đã từng quen ` người tương tự luke
      thật sự,đọc bài viết này mình mới nhận ra được một số điều .
      may mà mình đã từ bỏ kẻ vô lương tâm đó từ lâu.
      thật sự rất đáng sợ

      Xóa
  3. Hôm nay mình đọc bài tâm sự "Sống trong ngục tù vì lấy chồng đẹp trai" trên VnExpress. Mặc dù không phải là người có chuyên môn, nhưng mình nghĩ đó thực sự xứng đáng là ví dụ điển hình về một kẻ thái nhân cách trong đời thường. Mình post ở đây để các bạn có thể so sánh với những gì tác giả Martha Stout viết trong cuốn sách của bà.

    Thân.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.