Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và những người ủng hộ |
Tác giả: Pepe Escobar
Nguồn: Sputnik News
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại
Thủ tướng Alexis Tsipras cho phép người dân Hy Lạp quyết định số phận của chính họ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý dân chủ. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để đẩy Bộ Ba - Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ủy ban Châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đến cực điểm cơn thịnh nộ. Đó là tất cả những gì bạn cần để hiểu về bản chất thực sự của “giấc mơ” Liên minh Châu Âu.
Dĩ nhiên, Tsipras đã đúng. Ông phải yêu cầu trưng cầu dân ý vì Bộ Ba đã trao “tối hậu thư đối với nền dân chủ Hy Lạp và người dân Hy Lạp”. Thật vậy, “một tối hậu thư mâu thuẫn với các nguyên tắc và giá trị nền tảng của châu Âu”.
Nhưng tại sao? Bởi vì hệ thống các tổ chức chính trị - kinh tế châu Âu mà bề ngoài có vẻ rất tinh vi, chuyên nghiệp ấy phải đưa ra một quyết định chính trị nghiêm trọng, và do sự tham lam và thiếu năng lực của họ, họ đã không làm được điều đó.
Ít nhất giờ đây các công dân châu Âu bắt đầu có được ý niệm về kẻ thù thực sự của họ là ai: những tổ chức không minh bạch vẫn được cho là đại diện cho họ.
Gói cứu trợ dành cho Hy Lạp cho tới nay là 240 tỷ euro (mà thực chất phần lớn dùng để giải cứu cho các ngân hàng Đức và Pháp) đã khiến cả một nền kinh tế quốc gia suy giảm 25%; dẫn đến thất nghiệp lan rộng và đói nghèo tăng vọt lên mức chưa từng thấy. Và đối với các tổ chức châu Âu - cộng với IMF - chưa hề bao giờ có kế hoạch B. Nó luôn luôn là theo cách thắt lưng buộc bụng của họ - một dạng khủng bố kinh tế - hoặc là bị tống ra cửa (của sự tuyệt vọng). Cái cớ của họ là để “cứu đồng euro”. Điều làm cho nó trở nên nực cười là Đức chẳng hề quan tâm chút nào nếu Hy Lạp vỡ nợ và Grexit (Hy Lạp rời khỏi đồng tiền chung Châu Âu) là điều không tránh khỏi.
Và mặc dù Liên minh Châu Âu hoạt động như một gã khổng lồ vụng về, vẫn khó mà hiểu được việc những trí thức bình thường có uy tín như Jurgen Habermas đi phê phán đảng Syriza là “theo chủ nghĩa dân tộc” và ca ngợi chủ tịch ECB Mario Draghi, cậu bé vàng của Goldman Sachs.
Chờ đợi Diogenes
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 7 không chỉ là người dân Hy Lạp quyết định họ có chấp nhận hay từ chối những khoản tăng thuế và cắt giảm lương hưu khổng lồ (ảnh hưởng rất nhiều người hiện đã ở dưới mức nghèo chính thức); điều kiện tiên quyết mà Bộ Ba đưa ra để rót thêm tiền cứu trợ, điều kiện mà nhiều bộ trưởng trong chính phủ Hy Lạp gọi là “biện pháp man rợ”. Chúng ta có thể lập luận rằng câu hỏi thích hợp hơn cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 7 là “Hy Lạp sẽ chịu giày xéo đến mức nào để được ở lại với đồng euro?”
Thủ tướng Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Varoufakis đã lật đổ hoàn toàn những tin đồn dai dẳng rằng họ sẽ chấp nhận bất kỳ sự sỉ nhục nào để được ở lại trong khu vực đồng euro. Điều đó chỉ làm giới cầm quyền kinh tế - chính trị của Đức, từ Người Đàn bà Thép Merkel cho đến Bộ trưởng Tài chính Schauble, trở nên cực đoan hơn. “Bí mật” mà họ không hề giấu giếm là họ muốn tống khứ Hy Lạp ra khỏi đồng euro ngay bây giờ.
Và điều đó đang khiến khá nhiều người Hy Lạp - những người vẫn còn tin vào lợi ích của cái được coi là ngôi nhà tài chính chung - từ từ bắt đầu chấp nhận chuyện Hy Lạp rời khỏi đồng tiền chung Châu Âu. Với cái đầu ngẩng cao.