Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Holocaust 2.0: Chào mừng bạn đến với luật rừng

David Crowley và Fritz Gerlich
David Crowley (trái), và Fritz Gerlich

Tác giả: Brently Kopopolous
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Fritz Gerlich là một phóng viên Đức trong thời gian Hitler leo lên nắm quyền. Ông nổi tiếng với những bài chỉ trích chua cay nhắm vào vị lãnh tụ tối cao. Một trong những khoảnh khắc gây tranh cãi nhất của ông là biến ảnh Hitler thành một bức biếm họa với những đặc điểm khuôn mặt của hắn phóng đại lên và hắn đang tay trong tay với một phụ nữ da đen.

Trong bài viết đó, Fritz đề nghị độc giả áp dụng môn khoa học diện mạo của Hitler lên chính hắn, và khi đó, họ sẽ thấy Hitler thậm chí không phải dòng giống Aryan, mà là dòng giống người Mông Cổ. Sự xúc phạm này là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài cho Fritz, người liên tục sử dụng sức mạnh của ngòi bút để chiến đấu chống lại Hitler trên từng bước của chặng đường. Ông bị bắt và tống ra trại tập trung Dachau trong khi đang hoàn thành một bài viết khác nữa về Hitler, và bị giết khoảng một năm sau đó.

Gerlich chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều phóng viên bị đe dọa, đánh đập và sát hại do đã tiết lộ sự thật. Cái ác chỉ có thể ẩn trốn được trong bóng tối. Hỡi bạn đọc thân mến, tôi nhắc lại mẩu lịch sử này với bạn bởi vì tôi muốn nói về một số phóng viên thời hiện đại khác, những người cũng bị giết hại trong những tình huống đáng ngờ. Có vẻ như chúng ta vẫn chưa học được bài học chúng ta từng nói sẽ không bao giờ quên.

Vài ngày sau Tết dương lịch, cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Iraq, David Crowley, vợ anh và đứa con gái năm tuổi của họ được phát hiện đã chết tại nhà họ ở Minnesota. David đang làm một bộ phim tài liệu mang tên Nhà nước Xám (Gray State), vạch trần tình trạng nhà nước cảnh sát hiện nay ở Mỹ. Các bạn và gia đình anh không thấy có dấu hiệu vật lộn nào, tài chính của họ ổn định, và không có lời giải thích rõ ràng nào cho bi kịch này. Điều đó khiến một số người đưa ra phỏng đoán rằng cả gia đình đã “bị tự sát” bởi những kẻ nắm quyền. Thực ra mà nói, ngày nay khó có thể có sự tố cáo vạch trần thực sự nào xảy ra do bản chất và chiều sâu của bộ máy giám sát nhà nước, nhưng vẫn có một số người muốn thử.

Michael Hastings
Michael Hastings (trái) và cảnh vụ tai nạn nơi anh bị giết

Bạn cũng có thể nhớ Michael Hastings. Anh là một phóng viên cho tạp chí Rolling Stone và bị chết trong một vụ “tai nạn” xe hơi hồi năm 2013. Hastings đang viết một bài về CIA. Chỉ vài giờ trước khi chết, anh liên lạc với một luật sư có quan hệ với nhóm điều hành Wikileaks vì anh phát hiện ra anh đang bị điều tra bởi FBI. Ám sát là một thủ thuật quá phổ biến của các cơ quan có tên chữ cái viết tắt, và trong hàng thập kỷ nay, họ vẫn có thể giết hại ai đó và thiết lập bối cảnh, bằng chứng để cho nó trông có giống như một vụ tự tử, tai nạn xe hơi, hoặc một cơn đau tim. Nó tinh tế hơn giày đinh và trại tập trung một chút, nhưng nó có kết quả như nhau.

Nói về những kẻ giống bọn côn đồ đi giày đinh, tôi có nhiều ví dụ điển hình, xảy ra mới tuần này, về cảnh sát hành xử hoàn toàn giống như côn đồ Đức Quốc xã mà không bị sao cả. Một cô gái 17 tuổi bị giết chết bởi cảnh sát ở Colorado vì lái một chiếc xe “bị đánh cắp”. Theo các nhân chứng, cảnh sát nổ súng bắn Jessica, người đang lái xe, và cô mất kiểm soát, đâm vào một trong các viên cảnh sát. Những viên cảnh sát tuyên bố rằng cô “tấn công” họ bằng chiếc xe trước, buộc chúng phải nổ súng.

Jessica Hernandez
Jessica Hernandez, 17 tuổi, bị giết bởi cảnh sát. Tường thuật sự việc của nhân chứng khác với tường thuật của cảnh sát.

Sự khác biệt hoàn toàn giữa lời các nhân chứng và lời tuyên bố của cảnh sát đang trở thành chuyện thường tình. Jessica không phải là tay tội phạm bạo lực nào đó; cô vẫn còn là một thiếu niên, người mà mọi người đều nói là luôn giúp đỡ những người xung quanh. Không có thông tin gì về việc ai sở hữu chiếc xe đó, hay nó có phải thực sự bị đánh cắp hay không. (Nhớ là việc cảnh sát nhanh chóng “thông báo” cho báo chí rằng nghi can mà chúng vừa giết đang thực hiện hành vi phạm tội không có nghĩa rằng điều đó là sự thật.)

Ở đây chúng ta có một nhân viên cảnh sát Missouri, kẻ đã bị tố cáo là đánh thuốc mê, đánh đập và hãm hiếp các nạn nhân của hắn. Hắn bị sa thải khỏi cơ quan cảnh sát Missouri sau khi các khiếu nại và lạm dụng suốt một thập kỷ được đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, bạn thử đoán xem - hắn vẫn được giữ giấy phép hành nghề cảnh sát. Điều đó có nghĩa là hắn có thể được thuê bởi một cơ quan cảnh sát khác và tiếp tục hành vi khủng bố của hắn. Hắn không bị truy tố về bất cứ tội danh nào.

Cảnh sát ở Vương quốc Anh cũng không có gì khác. Nhân viên cảnh sát Warren Luke vừa được xóa hoàn toàn mọi trách nhiệm trong vụ hành hung đánh đập dã man một người mẹ do đã từ chối không chịu để cô con gái bị bệnh bại não ở một mình trong bệnh viện khi được yêu cầu bởi nhân viên.

Bạo lực trong hoàn cảnh đó là hoàn toàn không cần thiết, nhưng vì kẻ thủ phạm thực hiện nó trong khi “đang thi hành nhiệm vụ”, hắn nhận được một cái vỗ nhẹ vào lưng thay vì bị truy tố hình sự và đi tù. Hắn đấm, đá và xô đẩy người phụ nữ này khi bà không tuân lệnh của hắn. Bà bị 40 vết thương khác nhau, phải phẫu thuật phục hồi thẩm mỹ và không còn khả năng quay lại làm việc. Một nhân viên cảnh sát khác có mặt ở đó làm chứng chống lại Luke, gọi cuộc tấn công của hắn lên người phụ nữ này là “khủng khiếp”.

Các nhân viên cảnh sát tại Wisconsin thì được giao nhiệm vụ tóm vào những người dân ngẫu nhiên vào để làm ban bồi thẩm xử án. Những người dân này thực sự là bị bắt cóc khi đang đi trên đường và mang đến tòa án. Không có gì ngạc nhiên khi quan tòa tuyên bố ban bồi thẩm bị ép buộc này “không phù hợp” và giải tán tất cả bọn họ. Không ai thốt một lời nào về chuyện việc đó có đúng đắn hay không.

Bây giờ chuyển sang Pháp, một số thành viên bộ máy quan liêu nhà nước có vẻ đã mất trí khi những đứa trẻ 8 tuổi bị bắt giữ vì tội “ủng hộ khủng bố”. Dĩ nhiên, khủng bố là tàn bạo và không nên được ủng hộ. Nhưng có phải tất cả những đứa trẻ này thực sự phạm tội mà chúng bị buộc tội? Một đứa trẻ 14 tuổi, khi được yêu cầu tham gia tranh luận về vụ tấn công khủng bố ở Paris với các bạn trong lớp, đã dám gợi ý rằng “Họ [chắc là chỉ các tay súng] đã đúng”. Em bị bắt giữ và truy tố vài ngày sau đó, mặc dù em đã tỏ ra hối hận vì đã nói ba từ này. Một đứa trẻ 8 tuổi khác bị bắt giữ vì hoạt động “biện hộ cho hành động khủng bố”.

Trong khi đó, theo Ủy ban Chống Tra tấn tại Israel, Israel thường xuyên tra tấn trẻ em, giam giữ chúng trong lồng, và chỉ có Chúa mới biết những gì khác. Liên Hợp Quốc gần đây vừa chủ trì cuộc họp đầu tiên về Chủ nghĩa Bài Do Thái (anti-semitism). Với từ “Semite”, Liên Hợp Quốc đang chỉ những người Do Thái, nhưng đúng ra mà nói, nhiều người Do Thái tại Israel và trên thế giới hoàn toàn không phải là Semite - họ có nguồn gốc Châu Âu. [Chú thích: Ở đây nói về dân tộc người Do Thái và Ả rập (Semite) có nguồn gốc từ vùng Trung Đông chứ không phải đạo Do Thái (Judaism). Tiếng Việt hầu như không phân biệt hai từ này.] Sau vụ tấn công ở Paris, hội chứng sợ Hồi Giáo, hay sự phân biệt chủng tộc chống người Hồi Giáo, đang gia tăng ở Châu Âu, và đa số người Hồi Giáo ở châu Âu là gốc Semite, có gốc gác bắt nguồn từ vùng Trung Đông.

Gần đây chúng ta có sự ra mắt của bộ phim Lính Bắn tỉa Mỹ (American Sniper), một bộ phim thổi bùng lên một cách triệt để sự nghi ngờ và sợ hãi của dân chúng Mỹ đối với người Hồi Giáo. Trong bài viết ở đây, một cựu lính thủy đánh bộ phân tích bộ phim và giải thích tại sao nó là một sản phẩm điện ảnh rất tồi tệ. Điều thú vị là rất nhiều kỹ thuật tuyên truyền sử dụng chống người Do Thái trong thời Đức Quốc xã có vẻ như đang được dùng chống lại người Hồi Giáo hiện nay: họ “không chịu hòa nhập”, họ không chấp nhận các nhóm người và tôn giáo khác, và họ không chấp nhận bị lăng nhục dưới vỏ bọc của tự do ngôn luận. Đó là những lý do bề ngoài để dán nhãn toàn bộ tôn giáo ấy là “nguy hiểm”.

Những đứa trẻ này đang bị đẩy ra mặt trận phía đông Ukraina để giết và bị giết.

Trong khi đó, tại Ukraina, chúng ta có những kẻ phát xít thực sự đang kêu gọi hủy diệt “các chủng tộc hạ đẳng”, những người có “khuynh hướng tình dục đồi bại” và những người có khuynh hướng ly khai. Chính lũ phát xít đó đang đẩy những đứa trẻ 16 tuổi ra chiến trường ở Đông Ukraina để làm bia đỡ đạn.

Tại Mississippi, các nhà lập pháp đang đề xuất một dự luật cho phép cảnh sát xông vào nhà bạn ngay cả khi không có trát tòa án nếu bạn nuôi chó pit bull ở nhà. Không những thế, chúng còn có thể bắn chết con chó của bạn nếu nó “không được kiềm giữ thích hợp trong khi ở trong cơ ngơi của chủ”, hoặc “những cố gắng bắt giữ con chó một cách hòa bình đã được thực hiện và không thành công”. Đây là sự vi phạm rõ ràng quyền được xác định bởi điều sửa đổi thứ tư của hiến pháp chống lại sự lục soát và tịch thu không hợp lý. Đó cũng là động thái thu vén quyền lực nực cười của chính quyền địa phương. Không có gì đáng ngạc nhiên, đấy là những gì cảnh sát vẫn làm thường xuyên kể từ vụ 11 tháng 9 đến nay.

Nói về những chuyện nực cười, đây là một câu chuyện từ New Jersey. Hai cậu bé ở Bridgewater, bị cuốn hút bởi tinh thần kinh doanh của người Mỹ, đã quyết định mở dịch vụ dọn tuyết trên đường ô tô vào nhà sau một cơn bão tuyết gần đây tại địa phương. Và hai cậu dám làm vậy mà không trả cho “Ông Lớn” 450 đôla để có được giấy phép đi quảng cáo từng nhà trong 180 ngày. Bạn đã đọc đúng đấy, sẽ là bất hợp pháp nếu bạn đi từng nhà, chào hàng dịch vụ dọn tuyết của bạn cho hàng xóm, nếu bạn không trả tiền lệ phí giấy phép. Không may đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về những đứa trẻ bị làm cho hết cửa trong thử nghiệm kinh doanh đầu tiên của chúng. Nó cũng giống kiểu những sạp bán bánh quy và nước giải khát của các em bé gái hướng đạo sinh bị dẹp bỏ ở khắp nơi trên đất Mỹ.

Mọi thứ đang ngày càng trở nên điên rồ. Từ những vụ bắn nhau ngẫu nhiên có vẻ xảy ra hàng ngày, cho đến những mối đe dọa được phóng đại - dù là từ thời tiết hay “bọn cực đoan Hồi Giáo” - chúng ta có một hành tinh nơi mà sự hỗn loạn đang sủi bọt ngay dưới bề mặt.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.