Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Từ chỗ tôi ngồi

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: The Dot Connector Magazine (Tạp Chí Nối Điểm Thành Hình) số 10

Cùng lúc số thứ 10 của tạp chí The Dot Connector chuẩn bị được in, có vẻ như hành tinh của chúng ta đang đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất mà nền văn minh của chúng ta từng biết đến. Ngoài ảnh hưởng của lượng dầu độc hại khổng lồ đang gây ô nhiễm các đại dương của chúng ta còn có những khí độc chết người đang được thải vào khí quyển với nồng độ từ 4000 đến 1 triệu lần (tùy theo từng chuyên gia) nồng độ được coi là an toàn cho con người. Đấy là chưa kể đến những chất phân tán dầu độc hại và bất hợp pháp đang được dùng bởi BP mà cuối cùng sẽ thấm vào nguồn nước ngầm. Rất nhiều người – có lẽ hàng triệu – có nhiều khả năng sẽ bị ốm nặng vì những chất độc này; không biết bao nhiêu có thể sẽ qua đời...


Nhiều chuyên gia đã dự đoán mưa độc sẽ rơi xuống đầu hàng triệu người ở Hoa Kỳ do gió thổi lên và đưa các chất độc xa về phía bắc. Những người khác dự đoán toàn bộ Bắc Đại Tây Dương sẽ trở thành biển chết, có thể còn ảnh hưởng dòng hải lưu đang giữ cho tây bắc châu Âu được ấm áp, và mang lại một kỷ băng hà mới. Rồi lại có mối lo ngại về nguy cơ bùng nổ của khí methane có thể tạo ra một cơn sóng thần đủ sức huỷ diệt tất cả sự sống trong vùng Vịnh. Đấy là mới liệt kê sơ bộ. Thậm chí nếu chỉ 10% những tình huống đó xảy ra, cuộc sống như chúng ta biết sẽ không bao giờ còn như cũ nữa.

Quan sát thảm họa ấy từ xa và đợi đến khi các ảnh hưởng của nó trở nên rõ ràng, tôi biết là tất cả chúng ta đều đang cảm thấy hơi choáng váng một chút với những gì đang xảy ra. Đây thực sự là một thời gian đầy nguy hiểm để sống trên Trái Đất này. Thế nhưng ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất, vẫn có thể có hy vọng, và hy vọng là điều tôi muốn mang đến cho các bạn.

Những người trong số các bạn quen thuộc với thí nghiệm giao cảm của tôi, The Cassiopaean Experiment, một cuộc phối ngẫu giữa khoa học và tâm linh, biết rằng gần đây C nói rằng chúng ta còn rất ít thời gian. Dựa trên những gì chúng ta quan sát được về thay đổi khí hậu và những ảnh hưởng của giếng dầu phun của BP lên Florida, một cơn “siêu bão toàn cầu” như mô tả trong phim The Day After Tomorrow không còn là một ý tưởng điên rồ nữa. Nó có thể xảy ra vào mùa đông tới, hay mùa đông sau nữa; chúng ta không biết được.

Cái chúng ta biết là về mặt kinh tế, năm tới đây – hay lâu hơn nữa – sẽ là khó khăn. Hàng triệu người đã mất việc, nhưng ngay cả con số đó có nhiều khả năng còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Giá thực phẩm chắc chắn sẽ tăng vọt lên trời do những vụ mùa thất bát ở khắp mọi nơi. Một cuộc cách mạng đang đến gần. Cuộc sống bên bờ Vịnh Mexico chẳng bao lâu sẽ không còn trụ được nữa.

Tôi nghĩ không một người bình thường nào trên hành tinh này lại không đồng ý rằng họ muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái họ; và hầu hết trong số họ sẽ thêm vào rằng họ đã không làm được điều đó từ rất lâu rồi. Ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ những kẻ bệnh hoạn tâm lý, không ai muốn thấy đau khổ, bệnh tật, chết chóc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy thì chúng ta phải hỏi: nếu những thứ đó bị mọi người căm ghét đến như vậy, tại sao chúng vẫn phổ biến trên hành tinh của chúng ta?


Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 8

Nguồn: The sociopath next door
Tác giả: Martha Stout

Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê

Chương 8: Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Có thể chúng ta là những con rối - những con rối bị điều khiển bởi những sợi dây của xã hội. Nhưng ít nhất chúng ta là những con rối có quan sát, có nhận thức. Và có thể nhận thức là bước đi đầu tiên hướng tới sự giải phóng cho chúng ta. – Stanley Milgram


“Em muốn nói chuyện với ai đó. Em nghĩ có lẽ là vì cha em ở trong tù.” Hannah, cô gái 22 tuổi, xinh đẹp, môi mím chặt, bệnh nhân mới của tôi, nói lí nhí trong khi vẫn quay mặt về phía một trong những tủ sách của tôi phía bên phải. Sau một lúc, cô nhìn thẳng vào tôi một cách rụt rè và nhắc lại: “Em cần ai đó để nói chuyện. Cha em ở trong tù.”

Cô thở hắt ra một tiếng rất khẽ, dường như nỗ lực để nói chừng đó đã rút hết không khí khỏi phổi cô, và rồi cô im lặng.

Khi ai đó đang rất hoảng sợ, và nhất là khi đó, một phần của trị liệu tâm lý chỉ đơn giản là biết cách lặp lại những câu nói của người ngồi đối diện với bạn mà không tỏ ý phán xét hay tỏ vẻ bề trên. Tôi hơi cúi về phía trước, các ngón tay vẫn lồng quanh gối, và cố gắng tìm gặp cặp mắt của Hannah, lúc này đã dán chặt xuống tấm thảm phương Đông ở giữa chúng tôi.

Tôi nói nhỏ nhẹ, “Cha em ở trong tù?”

“Vâng.” Cô từ từ nhìn lên trong khi trả lời, gần như ngạc nhiên, cứ như tôi đã lấy thông tin này bằng thần giao cách cảm. “Ông ấy giết một người. Ý em là ông ấy không cố ý, nhưng ông ấy giết một người.”

“Và bây giờ ông ấy ở trong tù?”

“Vâng. Vâng, ở trong tù.”

Cô đỏ mặt và mắt rơm rớm.

Tôi luôn bị ấn tượng bởi thực tế là chỉ một chút lắng nghe nhỏ nhoi nhất, một gợi ý mỏng manh nhất về khả năng sẽ được nhận sự cảm thông có thể mang lại ngay lập tức dòng cảm xúc mạnh như vậy. Tôi nghĩ đó là vì chúng ta hầu như không bao giờ thực sự được lắng nghe. Trong công việc với tư cách một nhà tâm lý học, tôi luôn được nhắc nhở hàng ngày về thực tế là chúng ta ít được lắng nghe, và những hành động của chúng ta ít được thấu hiểu bởi mọi người xung quanh đến mức nào. Và một trong những trớ trêu của “nghề lắng nghe người khác” của tôi là bài học nó dạy cho tôi rằng trên nhiều khía cạnh, mỗi người trong chúng ta thực sự là một ẩn số với những người xung quanh.


Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Cưỡi Con Sóng - Chương 1

Cưỡi Con Sóng

Sự thật và những dối trá về năm 2012 và những biến đổi toàn cầu

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: Riding the Wave: The Truth and Lies About 2012 and Global Transformation

Lời giới thiệu
Chương 1 - Cưỡi Con Sóng

Chương 1 - Cưỡi Con Sóng

Chủ đề Con Sóng xuất hiện nhiều lần trong các buổi giao cảm với Cassiopaeans, và nhiều người đã viết cho tôi hỏi thêm chi tiết về sự kiện bí ẩn được cho là một phần của tương lai chúng ta này. Nó là một chủ đề hết sức rộng lớn và liên quan đến nhiều thứ khác đến nỗi tôi lần lữa mãi đến bây giờ. Nhưng tôi nghĩ là bây giờ đã đến lúc để nói về một số trong những thứ đó.


Tại một trong những lần tiếp xúc đầu tiên với Cassiopaeans, đang ở “chế độ thử nghiệm”, tôi tung ra một câu hỏi khá chung chung vào một đêm:
23/7/1994
Hỏi: (L) Cái gì gây ra Biến đổi Trái Đất (Earth Changes)?
Đáp: Những biến đổi sóng điện từ.
Hỏi: (L) Bạn có thể nói cụ thể hơn không?
Đáp: Khoảng trống trong sự trào dâng của trường mặt trời.
Tôi không nghĩ nhiều về câu trả lời này bởi vì tôi hầu như không hiểu nó nói gì. Và lúc đó chúng tôi chưa đến giai đoạn ghi âm các buổi giao cảm trên băng ghi âm nên tôi khá là bận rộn cố gắng ghi chép lại mọi thứ. Nhưng về sau này câu trả lời này sẽ trở nên rất quan trọng, vì vậy hãy nhớ nó!

Trên thực tế, lần đầu tiên tôi bắt gặp ý tưởng về một loại “sóng” lạ lùng nào đó là trong một buổi thôi miên với một người bị bắt cóc bởi người ngoài hành tinh tên là “Candy”. Tôi mô tả buổi thôi miên đó cùng với bản chuyển âm của nó trong cuốn High Strangeness (Sự Kỳ Dị Cực Điểm). Có rất nhiều điều cực kỳ lý thú xảy ra trong buổi thôi miên này, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào Con Sóng. Bây giờ chúng ta đã biết bối cảnh nó xuất hiện, hãy cùng tập trung vào những câu cụ thể:
Đáp: Họ [những kẻ bắt cóc] đang cho chúng tôi thấy bao nhiêu cảnh tàn phá. Các thành phố với những cột sắt cong queo… Mọi thứ sẽ không an toàn… Hành tinh này sẽ không an toàn…
Hỏi: Ai gây ra sự tàn phá ấy?
Đáp: Tôi không biết. Tôi chỉ thấy một con sóng được tạo ra.
Hỏi: Một con sóng được tạo ra?
Đáp: Um hmm.
Hỏi: Cái gì tạo ra con sóng ấy?
Đáp: Tôi không thấy gì cả.
Hỏi: Con sóng ấy làm gì khi nó được tạo ra?
Đáp: Làm trục bị lệch đi. Trục từ trường. Nó là từ tính và chúng ta có trục từ trường. Bằng cách nào đó nó làm trục ấy hoàn toàn mất cân bằng. Nó làm cái gì đó và khiến trục ấy mất cân bằng.
Hỏi: Và kết quả của việc trục ấy mất cân bằng là gì?
Đáp: Tôi thấy Trái Đất đang quay. Không phải bình thường mà trong trạng thái mất cân bằng.
Hỏi: Được rồi. Và kết quả của trạng thái quay mất cân bằng này là gì?
Đáp: Sự tàn phá.
Hỏi: Được rồi. Và bạn không phát hiện được con sóng này từ đâu đến.
Đáp: Không thấy gì cả.
Hỏi: Nó có phải là sóng tự nhiên không? Hay nó là không tự nhiên?
Đáp: Tôi không biết cái này nghĩa là gì. Ai đó đang gây ra… Họ đang làm gián đoạn cái gì đó. Tất cả những con tàu tôi thấy…
Hỏi: Có phải những con tàu ấy gây ra con sóng này?
Đáp: Họ đang làm gián đoạn cái gì đó. Có một sự gián đoạn.
Hỏi: Những đội tàu mà bạn thấy đang đến, họ đến trước sự tàn phá này hay sau đó?
Đáp: Điều duy nhất tôi có thể nói là họ cưỡi con sóng vào.
Hỏi: Họ cưỡi con sóng vào? Và bạn không thấy con sóng này từ đâu đến?
Đáp: Tất cả những gì tôi thấy là chúng ta phải chuẩn bị.
Hỏi: Chúng ta chuẩn bị thế nào?
Đáp: Họ đang chuẩn bị cho chúng ta.
Hỏi: Chúng ta có phải tự làm gì không?
Đáp: Chúng ta bị lập trình.
Hỏi: Làm thế nào ai đó có thể biết là mình bị lập trình?
Đáp: Các thứ sẽ được kích hoạt. Bạn sẽ bị định hướng để làm một số việc nhất định… phim ảnh, sách vở; những thứ khác nhau kích hoạt các thứ trong tiềm thức của bạn… Tôi nhìn thấy một cái chìa khóa, hoặc là một cái bánh xe… cách cái bánh xe khớp với nhau… hai bánh xe khớp với nhau và nó kêu cách một cái.
Hỏi: Được rồi. Con sóng này mà bạn nói, bạn có cảm thấy nó là một con sóng đến từ sâu trong không gian hay nó là một con sóng đến từ trong phạm vi hệ mặt trời của chúng ta?
Đáp: Nó đang đến! Chúng ta không biết về nó nhưng có ai đó biết.
Hỏi: Ai biết? Chính phủ có biết không?
Đáp: Có.


Cưỡi Con Sóng - Lời giới thiệu

Cưỡi Con Sóng

Sự thật và những dối trá về năm 2012 và những biến đổi toàn cầu

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: Riding the Wave: The Truth and Lies About 2012 and Global Transformation

Lời giới thiệu
Chương 1 - Cưỡi Con Sóng



Lời giới thiệu

Cuốn sách này có một lịch sử dài. Kể từ khi phần đầu của loạt bài viết được biết đến dưới cái tên “Con Sóng” xuất hiện trên Internet (www.cassiopaea.org) vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 năm 2000, các độc giả đã tới tấp yêu cầu tôi đưa tài liệu này ra dưới dạng sách. Thêm vào đó, kể từ khi tôi bắt đầu đăng Con Sóng, đã có một loạt những vụ tấn công đến mức không thể tin nổi lên cá nhân chúng tôi, con cái, bạn bè và các cộng sự của chúng tôi, và thậm chí cả các thành viên trong nhóm thảo luận trên Internet của chúng tôi. Lúc đó tôi không biết rằng chỉ có chia sẻ các trải nghiệm và nghiên cứu của chúng tôi lại gây ra một chấn động đến như vậy.


Trên trang web, loạt bài Con Sóng đứng riêng trong đó phần giới thiệu và tiểu sử được kết nối đến những trang khác trên website. Đưa Con Sóng ra dưới dạng sách đòi hỏi một số điều chỉnh nhất định để cho bạn đọc nào không quen thuộc với website của chúng tôi khỏi bị bỡ ngỡ và tự hỏi họ đang đọc cái quái gì. Với ý nghĩ đó, tôi đã cố gắng chuẩn bị cho họ bằng một số tài liệu giới thiệu và những chú dẫn để giải thích khi cần thiết. Tôi cũng khuyên các độc giả mới nên đọc cuốn High Strangeness (Sự Kỳ Dị Cực Điểm) của tôi, trong đó có rất nhiều thông tin về tiểu sử của tôi và các nghiên cứu về hiện tượng UFO / người ngoài hành tinh. Ở đây, tôi chỉ đưa vào một số nhận xét về nguồn cảm hứng trung tâm cho cuốn sách này do chồng tôi, nhà toán học kiêm vật lý lý thuyết Arkadiusz Jadczyk, viết:
Từ “Cassiopaeans” xuất hiện nhiều chỗ trong cuốn sách này và cần một số giải thích. Sau một cuộc thử nghiệm kéo dài hai năm về cái chúng tôi gọi là “giao tiếp siêu quang” thông qua bảng cầu cơ [ND: bảng có in các chữ cái và có một tấm chỉ để liên lạc với thế giới siêu hình], một nguồn tự nhận là Cassiopaeans nói với chúng tôi rằng “chúng tôi là bạn trong tương lai.” Vật lý hiện đại chưa cung cấp cho chúng ta cách thức để tiến hành giao tiếp kiểu này và ngay cả lý thuyết về đề tài này cũng chưa phát triển. Trên thực tế, đề tài này chưa có kết luận dứt khoát và còn nhiều tranh cãi. Mặc dù với lý thuyết hiện nay, giao tiếp với quá khứ chưa thể bị loại trừ là không thể xảy ra, nhưng có lẽ có thể nói là nó ít có khả năng xảy ra. Tuy vậy, một hiện tượng càng ít có khả năng xảy ra bao nhiêu thì việc nó xảy ra càng đáng chú ý bấy nhiêu, và vì lý do này, chúng tôi không loại trừ khả năng là nguồn này nói sự thật. Thay vào đó, chúng tôi quyết định tiếp tục cuộc truyền thông như một dạng thí nghiệm có kiểm soát về “truyền tải ý nghĩ siêu quang”, mặc dù rõ ràng là ngay cả thuật ngữ này cũng chỉ nên được xem như là một lựa chọn tạm thời trong số nhiều cách diễn giải có thể.1

Những thông tin nhận được từ thí nghiệm này liên quan đến những lĩnh vực rộng lớn trong lịch sử, khoa học và siêu hình học, và cung cấp manh mối đưa chúng tôi đến cách nhìn nhận và những suy luận được trình bày trong các bài viết của chúng tôi trên trang web và trong các quyển sách. Có thể nguồn này chỉ là tiềm thức của chúng tôi, nhưng ngay cả nếu vậy thì có gì khác không? Chúng ta có thực sự biết “vô thức” hay “tiềm thức” là cái gì và nó có khả năng gì?

Đôi khi chúng tôi tự hỏi liệu C’s có phải là đúng như là họ nói không, bởi vì chúng tôi không coi bất cứ cái gì là sự thật không thể nghi ngờ. Chúng tôi nhìn nhận mọi thứ với một chút hoài nghi, ngay cả khi chúng tôi nghĩ có nhiều khả năng nó là đúng. Chúng tôi liên tục phân tích những thông tin này cùng một số lượng lớn những tài liệu khác đến với chúng tôi từ nhiều lĩnh vực khoa học và tâm linh.

Chúng tôi mời độc giả cùng tham gia cuộc tìm kiếm Sự Thật với chúng tôi bằng cách đọc tiếp với một tâm trí rộng mở nhưng hoài nghi. Chúng tôi không khuyến khích “chủ nghĩa sùng bái” hay “đức tin”. Chúng tôi khuyến khích sự tìm kiếm Tri Thức và Nhận Thức trong mọi lĩnh vực hoạt động như là cách tốt nhất để phân biệt giữa dối trá và sự thật. Có một điều chúng tôi có thể nói với độc giả: Chúng tôi làm việc rất nhiều, nhiều giờ mỗi ngày, và đã làm vậy trong nhiều năm, để khám phá ý nghĩa về sự tồn tại của chúng ta trên Trái Đất. Đó là tiếng gọi, là sự đeo đuổi, là công việc của chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn tìm cách xác nhận hoặc tinh chỉnh những gì chúng tôi hiểu là có thể xảy ra hoặc có nhiều khả năng xảy ra hoặc cả hai. Chúng tôi làm vậy với hy vọng chân thành rằng tất cả nhân loại sẽ được hưởng lợi ích, nếu không phải bây giờ thì là vào một thời điểm nào đó trong một trong những tương lai có nhiều khả năng xảy ra của chúng ta.


Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 6

Nguồn: The sociopath next door
Tác giả: Martha Stout

Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê



Chương 6: Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm

Trong hoang mạc, một nhà sư già từng khuyên lữ khách, tiếng nói của Thượng Đế và Quỷ Sứ hầu như không khác biệt. – Loren Eiseley

Trong quá trình hành nghề của mình, một trong những câu hỏi tôi được hỏi nhiều nhất là, “Làm cách nào tôi có thể biết ai là người đáng tin?” Bởi vì các bệnh nhân của tôi đều là những người từng chịu tổn thương tâm lý nặng nề, hầu hết gây ra bởi những người khác, đây là mối quan tâm dễ hiểu với họ. Tuy vậy, tôi có cảm giác rằng đây cũng là vấn đề bức bách với hầu hết chúng ta, kể cả những người chưa từng phải chịu tổn thương tâm lý, và rằng chúng ta đều luôn cố gắng đánh giá về nhân cách của mọi người xung quanh. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến phẩm hạnh của những người có quan hệ gần gũi với chúng ta, và khi chúng ta gặp một người bạn mới hấp dẫn nào đó, chúng ta thường tiêu tốn khá nhiều tâm trí trong việc nghi ngờ, phỏng đoán hay mơ tưởng về câu hỏi này.


Những kẻ không đáng tin cậy không mặc bộ sơmi riêng, hay mang dấu hiệu in trên trán, và việc chúng ta thường phải đưa ra những quyết định quan trọng về người khác chỉ dựa trên phỏng đoán chủ quan là chính dẫn đến những quy tắc phi lý, những quy tắc mà nhiều người biến thành sự mê tín cả đời. “Đừng tin ai quá 30 tuổi,” “Không bao giờ tin đàn ông,” “Không bao giờ tin đàn bà,” “Không bao giờ tin ai cả” là những ví dụ phổ biến nhất. Chúng ta muốn có những quy tắc rõ ràng, ngay cả khi chúng là những quy tắc vơ đũa cả nắm, bởi vì việc xác định được ai là người cần đề phòng là cực kỳ quan trọng với chúng ta. Nhưng những quy tắc chung chung này đều không hiệu quả, và tồi tệ hơn, chúng thường mang lại sự lo lắng và bất an trong cuộc sống của chúng ta.

Trừ phi bạn biết rõ ai đó trong nhiều năm, không có một quy tắc hay cách kiểm định hoàn hảo nào cho sự đáng tin cậy, và việc thừa nhận thực tế này là cực kỳ quan trọng, dù cho nó có thể khiến bạn bất an đến đâu. Sự không chắc chắn trong vấn đề này đơn giản là một phần của cuộc sống con người, và tôi chưa từng biết ai giải quyết được nó một cách hoàn toàn. Thêm vào đó, tưởng tượng rằng có một phương pháp hiệu quả - một phương pháp mà đến giờ bạn vẫn chưa biết được - để giải quyết vấn đề đó một cách chắc chắn là bạn đang tự hạ thấp mình một cách bất công.

Khi nói đến chuyện tin tưởng vào người khác, chúng ta đều mắc sai lầm. Trong đó có những sai lầm lớn hơn những cái khác.

Nói vậy nhưng khi mọi người hỏi tôi về sự tin cậy, tôi thường trả lời rằng có tin xấu và có tin tốt. Tin xấu là thực sự tồn tại những cá nhân không có lương tâm, và những cá nhân này không đáng tin cậy chút nào. Có lẽ trung bình bốn trong một nhóm 100 người bất kỳ là như vậy. Tin tốt lành – và đây là tin rất tốt lành – là ở chỗ 96 trong số 100 người bất kỳ là bị ràng buộc bởi lương tâm, và do vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ hành động theo một tiêu chuẩn tương đối cao của quy tắc xã hội và tinh thần trách nhiệm. Nói một cách khác, họ sẽ hành động tương tự như bạn và tôi. Và đối với tôi, tin thứ hai này quan trọng hơn tin thứ nhất nhiều. Nó có nghĩa rằng, đáng kinh ngạc thay, theo một tiêu chuẩn xã hội nhất định nào đó, khoảng 96 phần trăm quan hệ giữa người với người trong thế giới của chúng ta là an toàn.

Vậy thì tại sao thế giới này lại có vẻ thiếu an toàn đến mức đáng sợ như vậy? Làm sao chúng ta giải thích các bản tin sáu giờ, hay thậm chí các trải nghiệm không hay của bản thân chúng ta? Cái gì đang xảy ra? Liệu có thể tin được là chỉ 4 phần trăm dân số gây ra hầu hết những điều bất hạnh trên thế giới này, và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta? Đây là một câu hỏi bức bách, một câu hỏi có thể làm thay đổi hoàn toàn nhiều giả định của chúng ta về xã hội loài người. Vì vậy tôi xin lặp lại rằng lương tâm là một thứ cực kỳ mạnh mẽ, bền bỉ và hướng thiện. Trừ phi đang bị ảnh hưởng của chứng hoang tưởng loạn thần kinh, cơn thịnh nộ cực điểm, ma túy, bị dồn đến bước đường cùng, hay ở dưới quyền một tay chỉ huy tàn bạo, một người bị ràng buộc bởi lương tâm không bao giờ - và theo một nghĩa nào đó không thể - giết người hay hiếp dâm một cách nhẫn tâm, hay tra tấn người khác, hay đánh cắp tài sản tích cóp cả đời của ai đó, lừa người khác vào mối quan hệ không có tình yêu như một thứ trò chơi, hay cố ý bỏ rơi con cái của chính mình.

Bạn có làm được không?

Khi chúng ta thấy người khác làm những điều như vậy, trên bản tin thời sự hay trong cuộc sống của chính chúng ta, họ là ai? Trong một số ít trường hợp, họ là những người được chính thức thừa nhận là loạn thần kinh, hay đang bị áp lực của những cảm xúc tột điểm. Đôi khi họ là những người bị dồn đến bước đường cùng, hay họ là những kẻ lạm dụng chất kích thích như rượu, ma túy, hay là tay chân của một tay cầm đầu tàn bạo nào đó. Nhưng phổ biến hơn cả, chúng không phải là tất cả những thứ trên. Thay vào đó, chúng là những kẻ không có lương tâm. Chúng là những kẻ thái nhân cách.


Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 4

Kẻ thái nhân cách nữ

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: The sociopath next door

Chương 4: Con người tử tế nhất trên đời

Tôi thấy một con ma sói uống rượu ở quán Vic. Tóc nó thật đẹp – Warren Zevon

Doreen liếc vào gương chiếu hậu và ước lần thứ một tỷ rằng cô xinh đẹp hơn. Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn biết bao. Sáng nay trong gương cô trông có vẻ xinh sau một giấc ngủ ngon và đã trang điểm. Nhưng cô biết rằng nếu kỹ năng trang điểm của cô không tốt, hay nếu cô đang lúc mệt mỏi, trông cô sẽ khá là xấu. Trông cô sẽ xấu như một đứa con gái quê mùa ở quê của cô, trông cô sẽ giống như đáng đi vắt sữa bò hơn là ngồi trong chiếc BMW màu đen này. Cô mới chỉ 34 và da cô vẫn còn tốt, không một vết nhăn, mặc dù có thể hơi xanh xao một chút. Nhưng mũi cô hơi nhọn, đủ để người khác nhận thấy, và mái tóc màu rơm, vấn đề khó giải quyết nhất của cô, cứ khô và quăn tít lên mặc dù cô đã làm mọi cách với nó. May thay, cô có một cơ thể tuyệt hảo. Cô rời mắt khỏi gương và nhìn xuống bộ comlê lụa màu xám đang mặc, hơi cổ lỗ nhưng rất vừa. Người Doreen đẹp, và tốt hơn nữa, cô rất biết cách đi đứng. Với một phụ nữ có một khuôn mặt bình thường, trông cô quyến rũ một cách khó tin. Khi cô đi ngang qua phòng, tất cả đàn ông ở đó đều nhìn theo. Nhớ đến điều này, cô mỉm cười và khởi động chiếc xe.

Đi khỏi nhà chừng hai cây số, cô nhận ra mình đã quên chưa cho con Maltese khốn kiếp ăn. Thôi kệ. Con chó kiểu cách ngu ngốc ấy chưa chết đói được trước khi cô đi làm về tối nay đâu. Lúc này, một tháng kể từ khi mua nó trong cơn bốc đồng, cô không thể tin là cô đã mua nó. Khi đó cô nghĩ rằng nó sẽ làm cô duyên dáng hơn khi dắt nó đi dạo, nhưng việc dắt nó đi dạo đã trở nên chán ngắt. Lúc nào có thời gian, cô sẽ mang đến bác sĩ thú y cho nó đi đời, hay có thể cô sẽ bán cho ai đó. Rốt cuộc, nó khá là đắt tiền.

Trong bãi đỗ xe trải rộng dưới chân bệnh viện tâm thần, cô cố ý đỗ cạnh chiếc Escort rỉ ngoèn của Jenna, một cách so sánh bằng hình ảnh để nhắc nhở Jenna về vị trí tương đối của hai người. Liếc một lần nữa vào gương rồi Doreen nhấc chiếc cặp tài liệu đã được nhồi căng phồng để cho mọi người thấy rõ cô làm việc chăm chỉ đến mức nào, và đi lên cầu thang dẫn đến văn phòng ở trên khu bệnh nhân. Lúc đi ngang qua phòng đợi, cô ném một nụ cười “Chúng ta là bạn tốt” cho Ivy, cô thư ký kiêm tiếp tân lôi thôi lếch thếch, và Ivy tươi tỉnh lên ngay lập tức.

“Chào buổi sáng, bác sĩ Littlefield. Lạy chúa, tôi thích bộ comlê của cô quá đi! Nó thật là tuyệt!”

“Cám ơn Ivy. Chị luôn biết cách mang một tâm trạng tốt đến cho tôi,” Doreen trả lời với một nụ cười rạng rỡ khác. “Bấm chuông gọi tôi khi nào bệnh nhân của tôi đến được không?”

Doreen biến vào phòng, và Ivy lắc đầu và nói to trong phòng đợi không người, “Đấy đúng là con người tử tế nhất trên đời.”

Vẫn còn sớm, chưa đến tám giờ, và Doreen đi đến cửa sổ văn phòng để xem các đồng nghiệp của cô đến. Cô thấy Jackie Rubenstein đi về phía tòa nhà, với đôi chân dài và dáng điệu nhẹ nhàng như thường lệ. Jackie đến từ Los Angeles, tính tình điềm đạm và khôi hài, và làn da olive đẹp làm cô lúc nào trông cũng như mới trở về sau một kỳ nghỉ tuyệt vời. Cô cũng rất thông minh nữa, thông minh hơn Doreen nhiều, và đây là lý do chính giữa nhiều lý do khác khiến Doreen thầm căm ghét cô ta. Trên thực tế, Doreen căm ghét cô ta đến mức cô có thể giết cô ta nếu cô nghĩ cô có thể làm điều đó trót lọt, nhưng cô biết cuối cùng cô sẽ bị tóm. Doreen và Jackie cùng làm sau tiến sĩ ở bệnh viện này tám năm trước, trở thành bạn bè, ít nhất từ phía Jackie là vậy, và giờ đây Doreen nghe đồn Jackie có thể được nhận giải thưởng Giáo Viên Hướng Dẫn Tiêu Biểu của năm. Họ bằng tuổi nhau. Làm sao Jackie có thể được nhận giải thưởng “giáo viên hướng dẫn” ở tuổi 34?



Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Tình yêu

Tác giả: Michael Crichton
Nguồn: MichaelCrichton.net

 
Tình yêu…

Hầu hết những người tôi biết nhầm lẫn tình yêu với sở hữu. Lý do cũng dễ hiểu. Nó gắn liền với những giả định cơ bản nhất trong nền văn hóa của chúng ta. “Anh là của em” hay “em là của anh”, những bài hát thường nói, “và chúng ta thuộc về nhau”. Hầu như chẳng có ai dừng lại một chút để suy ngẫm về điều đó.


Ngay khi chúng ta bắt đầu cảm thấy yêu, chúng ta lập tức tìm cách sở hữu. Chúng ta nói một cách tự tin về bạn trai của tôi, vợ của tôi, con của tôi, bố mẹ của tôi. Chúng ta cảm thấy có đủ lý do để có các kỳ vọng về những người đó. Chúng ta coi đó là hoàn toàn hợp lý.

Tại sao? Bởi vì tất cả các khái niệm về tình yêu của chúng ta suy cho cùng bắt nguồn từ tình yêu lãng mạn – và tình yêu lãng mạn mang tính sở hữu một cách hung dữ, điên cuồng. Chúng ta muốn được ở cùng với những người chúng ta yêu, được có họ cho riêng chúng ta, được cảm thấy ánh mắt của họ lên chúng ta, được ngấu nghiến tâm trí và thân thể của họ…được sở hữu họ.

Chúng ta đánh đồng tình yêu và sự sở hữu mạnh đến mức chúng ta thậm chí có thể cảm thấy nếu ai đó không muốn sở hữu chúng ta, người đó không thực sự yêu chúng ta. Mặc dù vậy, tôi muốn chỉ ra rằng cái mà chúng ta gọi là tình yêu lãng mạn hoàn toàn không phải là tình yêu. Nó là một cơn bão cảm xúc, một sức hấp dẫn làm say sưa, không cưỡng lại được – nhưng nó không phải là tình yêu.

Bởi vì tình yêu thực sự không có tính sở hữu. Nó không thể có. Chúng ta đều đồng ý rằng tình yêu là cho, chứ không phải nhận. Trong khi đó ước muốn được sở hữu nảy sinh từ nhu cầu của bản thân người đang yêu – nhu cầu được người kia chấp nhận, nhu cầu được hỗ trợ từ cha mẹ, nhu cầu được thấy đứa con đạt điểm cao, nhu cầu được danh vọng, tiền bạc – nhu cầu được một cái gì đó. Một người yêu mang tính sở hữu tập trung quá mức vào những gì anh ta được nhận, chứ không phải những gì anh ta cho. Người ấy có thể biện hộ sự lệ thuộc của anh ta với chữ tình yêu, nhưng đó là một lời nói dối. Làm sao bạn có thể thực sự yêu ai đó khi mà bạn lệ thuộc vào người đó để có những thứ bạn cần? Đấy không phải là tình yêu, đấy chỉ là thủ đoạn để đảm bảo những thứ bạn cần tiếp tục đến. Robert Palmer hát về việc bị “nghiện tình yêu”, nhưng không ai thực sự nghiện tình yêu cả. Mọi người nghiện những nhu cầu của họ.

Và tình yêu không phải là nhu cầu. Nó không phải.

Tất nhiên, một quan hệ yêu đương sẽ sản sinh sự phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng điều thường xảy ra là, niềm vui của việc cho một cách tự nguyện và không giới hạn chuyển thành nỗi lo sợ về việc có thể không được nhận. Người ấy - chồng bạn, người yêu bạn, con bạn - tự nhiên trở thành quá quan trọng với bạn. Bạn lo lắng về những gì có thể xảy ra. Những gì họ sắp làm. Và ở thời điểm đó, tình yêu dừng lại.

Đôi khi người ta tự hỏi liệu những gì họ đang cảm nhận có phải là tình yêu thực sự không. Những người ấy không bao giờ tự hỏi liệu họ đang vui, hay buồn phiền. Vậy thì tại sao lại có khó khăn khi nhận biết tình yêu? Thông thường, đấy là vì họ đang cảm thấy có mâu thuẫn: cái họ đang cảm nhận là vực sâu của những nhu cầu của họ, chứ không phải là đỉnh cao của tình yêu.

Có những cách để nhận biết tình yêu thực sự. Nó đem lại cảm giác bình yên. Nó ổn định, và nó dễ dàng tồn tại suốt cả đời người. Nó nuôi dưỡng – con người lớn lên dưới ảnh hưởng của nó. Họ trở thành những gì thực sự là họ, chứ không phải những gì ai đó muốn họ trở thành. Tình yêu thực sự không mù quáng; ngược lại, trong nó con người cảm thấy được hiểu và được chấp nhận bởi những gì thực sự là họ. Nó chữa lành. Trong nó con người hồi phục.

Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nghe nói tình yêu là mù quáng, hay tình yêu không thể lâu bền, hay tình yêu mang tính hủy hoại, bạn có thể chắc chắn rằng bạn đang nghe một mô tả của ham muốn tình dục, của mong ước, của nhu cầu. Và đó là một mô tả chính xác, bởi vì nhu cầu đúng là thứ nhất thời và mang tính hủy hoại.

Tình yêu là một thứ hoàn toàn khác hẳn. Một cảm xúc quan tâm sâu sắc mà không đòi hỏi chút gì, một cảm xúc trọn vẹn không mang bất cứ kỳ vọng nào, một cảm xúc hiếm hoi đến mức hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta không thể hình dung được. Họ không thể hình dung có nó, hay được nhận nó. Họ thậm chí có thể tin rằng nó không tồn tại. Nhưng nó tồn tại.

Và nó là thứ đẹp nhất trên đời.


Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Mì chính - Vị ngon giết người

Mì chính - Kẻ giết người thầm lặng
Mì chính - Kẻ giết người thầm lặng

Tác giả: Tiến sĩ y học Russell L. Blaylock
Nguồn: Excitotoxins - The Taste That Kills

Giả sử có ai đó nói với bạn rằng một hóa chất cho vào thức ăn có thể gây tổn hại đến não của con cái bạn, và rằng hóa chất này có thể ảnh hưởng sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của con bạn khiến sau này chúng có thể có khó khăn trong học hành hay đời sống tình cảm? Giả sử có bằng chứng khoa học rằng những hóa chất này có thể làm tổn hại một phần quan trọng trong não có nhiệm vụ kiểm soát các hormone khiến về sau trong đời con bạn có thể có các vấn đề về hormone? Bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Giả sử các bằng chứng cho bạn thấy có nhiều khả năng chất đường hóa học trong lon nước ngọt không đường bạn uống có thể làm phát triển u não, và rằng con số các trường hợp u não kể từ khi chất đường hóa học ấy được sử dụng rộng rãi đã tăng lên một cách đột ngột và đáng kể? Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyết định uống những lon nước ấy của bạn không, và đặc biệt quyết định cho phép con bạn uống chúng? Giả sử các bằng chứng cho bạn thấy một cách rất rõ ràng một trong những thành phần chính của chất đường hóa học (aspartate) có thể gây ra những u não này là MSG (mì chính)? Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyết định đi chợ của bạn không?

Và cuối cùng, giả sử có thể chứng minh rằng tất cả những loại hóa chất này (gọi là exitotoxin) có thể làm nặng thêm hoặc thậm chí gây ra nhiều căn bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Huntington, bệnh Alzheimer, bệnh ALS. Liệu bạn có lo lắng nếu bạn biết rằng những phụ gia thực phẩm có exitotoxin này đặc biệt nguy hại nếu bạn từng bị đột quỵ, tổn thương não, u não, co giật, hay có lịch sử huyết áp cao, tiểu đường, viêm màng não?

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều sẽ không chỉ có lo lắng khi biết rằng những chất độc thần kinh mạnh đã được giới khoa học biết rõ đang được cho vào thực phẩm và đồ uống của chúng ta để chúng bán chạy hơn. Chúng ta sẽ đặc biệt bất bình khi biết rằng những chất phụ gia này không có mục đích nào khác ngoài việc làm tăng vị ngon hay vị ngọt của nhiều loại thực phẩm.

Bạn cũng sẽ bất bình khi được biết nhiều trong số những tổn thương não có thể xuất hiện ở con bạn này là không thể phục hồi được và chúng có thể xuất hiện chỉ sau một lần tiếp xúc với nồng độ đủ lớn. Và tôi đánh cuộc rằng bạn sẽ khó có thể tưởng tượng ngành công nghiệp thực phẩm ngụy trang nhiều trong số những chất phụ gia excitotoxin này một cách tinh vi khiến chúng ta không nhận ra được. Trên thực tế, nhiều thực phẩm với nhãn hiệu “Không chứa MSG” không chỉ có chứa MSG mà còn chứa những chất excitotoxin khác độc hại không kém. Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét lịch sử của nhóm chất phụ gia thực phẩm này.



Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 2

Sách Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: The sociopath next door

Chương 2: Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách

Lương tâm là cửa sổ linh hồn của chúng ta, tà ác là tấm rèm che – Doug Horton

Khi Skip còn bé, gia đình hắn có một khu biệt thự nghỉ mát bên một cái hồ nhỏ trong núi ở bang Virginia, nơi họ vẫn về nghỉ mỗi mùa hè. Họ nghỉ hè ở đó từ lúc Skip tám tuổi cho đến khi hắn đi học trung học ở Massachusetts. Skip mong đến kỳ nghỉ hè của hắn ở Virginia. Ở đó không có nhiều việc để làm, nhưng một hoạt động hắn phát minh ra thú vị đến mức nó bù lại cho sự buồn tẻ nói chung. Trên thực tế, khi quay trở lại trường vào mùa đông và phải chịu đựng một thằng giáo viên ngu ngốc lải nhải về một điều gì đó, đôi khi hắn ngồi mơ màng nhớ lại hình ảnh hắn chơi trò chơi đó bên bờ hồ ở bang Virginia ấm áp và hắn cười lên thành tiếng.

Skip đẹp trai và thông minh tuyệt vời ngay từ khi còn bé. “Thông minh và đẹp trai” là nhận xét mà cha mẹ hắn và bạn bè của họ và thậm chí cả thầy cô giáo của hắn vẫn nói đi nói lại. Và vì vậy họ không hiểu tại sao điểm số của hắn lại tầm thường như vậy, hay tại sao khi đến tuổi, hắn có vẻ không quan tâm chút nào đến việc hẹn hò. Điều họ không biết là ngay từ tuổi mười một, Skip đã đi lại với vô khối bạn gái, nhưng không phải theo cách cha mẹ và thầy cô giáo của hắn hình dung. Luôn có một ai đó, thường là một đứa con gái lớn tuổi hơn, sẵn lòng khuất phục trước sự tán tỉnh và nụ cười quyến rũ của hắn. Thông thường, bạn gái hắn bí mật đưa hắn vào phòng, nhưng đôi khi cả hai tìm một chỗ vắng vẻ nào đó ở sân chơi hay trên khán đài sân bóng chày. Còn về điểm số, hắn đúng là cực kỳ thông minh, hắn có thể có toàn điểm A+, nhưng lấy điểm C hoàn toàn không mất chút công sức nào, vì vậy hắn chỉ làm đến vậy. Đôi khi, hắn thậm chí được B. Điều đó làm hắn buồn cười vì hắn không học bài chút nào. Thầy cô giáo thích hắn và có vẻ cũng dễ bị khuất phục bởi nụ cười và những lời tán dương của hắn như đám con gái, và mọi người đều cho rằng Skip sẽ vào một trường trung học tốt, rồi một trường đại học danh tiếng, bất chấp điểm số của hắn.

Cha mẹ hắn có rất nhiều tiền, “giàu sụ”, như những đứa trẻ khác vẫn nói. Nhiều lần, khi hắn khoảng mười hai, Skip ngồi bên cái bàn cổ bóng láng mà cha mẹ hắn mua cho phòng ngủ của hắn và thử tính toán hắn sẽ được bao nhiêu tiền khi họ chết đi. Hắn tính dựa vào một số sổ sách tài chính hắn đánh cắp từ phòng làm việc của cha hắn. Những sổ sách ấy rối rắm và không đầy đủ, nhưng mặc dù hắn không tính được con số chính xác, Skip có thể thấy rõ ràng là một ngày nào đó hắn sẽ khá giàu.

Mặc dù vậy, Skip có một vấn đề. Hắn hầu như lúc nào cũng thấy buồn chán. Những trò giải trí hắn theo đuổi, ngay cả đám con gái, ngay cả việc lừa thầy cô giáo, ngay cả việc nghĩ về tiền của hắn, không kích thích được hắn quá nửa tiếng. Của cải gia đình là thứ giải trí nhiều hứa hẹn nhất, nhưng nó vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của hắn - hắn vẫn chỉ là một đứa trẻ. Không, sự khuây khỏa thực sự duy nhất khỏi sự nhàm chán là trò vui hắn có ở Virginia. Những kỳ nghỉ là thời gian thật tuyệt. Kỳ nghỉ hè đầu tiên ấy, khi hắn lên tám, hắn chưa có cách nào khác nên chỉ đâm vào bụng các con ễnh ương bằng kéo. Hắn phát hiện ra rằng hắn có thể lấy cái lưới ở kho để đồ đánh cá và bắt các con ếch một cách dễ dàng từ bên bờ hồ. Hắn giữ các ếch nằm ngửa, đâm vào những cái bụng phình ra của chúng, và rồi lật chúng trở lại để xem đôi mắt trong veo ngu ngốc của chúng đờ ra trong khi chúng chảy máu đến chết. Sau đó hắn lấy hết sức ném những cái xác ra hồ, đồng thời hét lên, “Đáng đời chúng bay, những con ếch khốn kiếp!”

Có rất nhiều ếch trong cái hồ đó. Hắn có thể bỏ hàng giờ để giết chúng mà vẫn có vẻ như còn hàng trăm con để cho hôm sau. Nhưng đến cuối kỳ nghỉ hè đầu tiên ấy, Skip quyết định hắn có cách khác hay hơn. Hắn đã chán đâm thủng bụng các con ếch. Làm chúng phát nổ, làm cách nào đó để những con vật béo bự khốn khổ ấy nổ tung lên mới là tuyệt, và để thực hiện điều đó, hắn có một kế hoạch rất hoàn hảo. Hắn biết nhiều đứa trẻ lớn tuổi hơn ở nhà, và một trong số đó hắn biết vẫn cùng gia đình đi nghỉ xuân ở South Carolina vào mỗi tháng tư. Skip nghe nói pháo lớn có được bán và rất dễ mua ở South Carolina. Với một chút hối lộ từ Skip, thằng bạn Tim của hắn sẽ mua cho hắn pháo ở đó và mang giấu về nhà dưới đáy vali. Có lẽ Tim sẽ sợ khi phải làm việc đó, nhưng với một chút lên giây cót tinh thần từ Skip và số tiền hợp lý, nó sẽ làm. Mùa hè sau, Skip sẽ có không phải kéo mà là pháo!

Lấy tiền từ nhà không thành vấn đề và kế hoạch đó diễn ra trót lọt. Tháng tư năm đó, hắn lấy 200 đôla để mua một thùng pháo lớn gọi là “Star-Spangled Banner” mà hắn thấy trong một tạp chí về súng, và 100 đôla nữa để lót tay cho Tim. Và khi cuối cùng Skip cầm được gói hàng trong tay, nó thật là đẹp đẽ. Hắn đã chọn “Star-Spangled Banner” vì nó chứa số lượng nhiều nhất những quả pháo đủ nhỏ để cho vừa, hay gần như vừa vào mồm một con ễnh ương. Có một số cây nến Rome nhỏ xíu; một số “Ngón tay”, đó là những quả pháo nhỏ màu đỏ; một mớ pháo 3cm gọi là “Phù thủy”; và thứ ưa thích của hắn là một số pháo 5cm trong một cái hộp với nhãn hiệu ở ngoài “Hủy diệt” và hình đầu lâu xương chéo ở phía trước.

Mùa hè năm đó, hắn nhét các quả pháo, từng quả một và mồm các con ếch bị bắt, châm ngòi và ném các con ếch lên không phía trên mặt hồ. Hoặc đôi khi hắn đặt con ếch đã châm ngòi xuống, chạy ra xa và nhìn lại xem con vật nổ tung trên mặt đất. Màn trình diễn quả là tuyệt vời – máu me bầy nhầy, lửa lóe sáng, thỉnh thoảng có tiếng nổ lớn và những hình thù như bông hoa đầy sắc màu. Kết quả tuyệt diệu đến nỗi chẳng bao lâu hắn bắt đầu thèm có khán giả chứng kiến thiên tài của hắn. Một buổi chiều, hắn rủ được cô em gái sáu tuổi, Claire, ra hồ, giúp hắn bắt một trong những con ếch, và rồi trước mặt cô bé, làm nó nổ tung trên không. Claire kêu thét lên và ba chân bốn cẳng chạy nhanh hết mức có thể về nhà.

Ngôi biệt thự gia đình nằm cách hồ vài trăm mét, sau một rặng cây độc cần thanh bình. Chỗ ấy không xa đến mức cha mẹ Skip không nghe được các tiếng nổ, và họ đoán Skip chắc hẳn đang nổ pháo bên hồ. Nhưng từ lâu họ đã nhận ra hắn không phải là đứa trẻ có thể kiểm soát được, và rằng họ cần lựa chọn thật cẩn thận những cuộc đấu với hắn. Mấy quả pháo không phải là thứ họ muốn dính vào, ngay cả khi Claire chạy vào nói với mẹ nó rằng Skip đang nổ tung các con ếch. Mẹ Skip chỉ vặn nhạc trong thư viện lên to hết cỡ và Claire thì đi tìm con mèo Emily của nó để giấu đi.



Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương mở đầu

Hấp dẫn và dễ mến: Ted Bundy - Một kẻ thái nhân cách tiêu biểu

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: The sociopath next door

Chương mở đầu: Tưởng tượng

Khác biệt trong tâm hồn còn lớn hơn khác biệt trên khuôn mặt – Voltaire

Hãy tưởng tượng - nếu bạn có thể - không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào. Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin. Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lý của bạn hoàn toàn khác họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào. Bạn không bị kìm giữ khỏi bất cứ thèm muốn nào bởi cảm giác tội lỗi hay hổ thẹn, và bạn cũng không phải đối mặt với ai về sự nhẫn tâm của mình. Thứ nước đá trong mạch máu của bạn kỳ quái và khác xa những trải nghiệm cá nhân của họ đến mức hiếm khi họ có chút ý niệm gì về trạng thái của bạn.

Nói một cách khác, bạn hoàn toàn không có chút vướng bận nội tâm nào, và tiện lợi hơn nữa, khả năng tự do làm bất cứ điều gì mà không bị lương tâm cắn dứt của bạn không ai nhận thấy được. Bạn có thể làm bất cứ điều gì, và ngay cả khi đó, cái lợi thế kỳ lạ của bạn so với phần đông những người khác, những người bị giới hạn bởi lương tâm của họ, thường vẫn không bị phát hiện.

Bạn sẽ sống như thế nào? Bạn sẽ làm gì với lợi thế to lớn và bí mật của bạn, và với sự bất lợi tương ứng của những người khác (lương tâm)? Câu trả lời sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc những ham muốn của bạn là gì, bởi vì không phải ai cũng giống ai. Ngay cả những kẻ vô đạo đức sâu sắc cũng không phải đều giống nhau. Một số người – cho dù họ có lương tâm hay không – thích sự thảnh thơi biếng nhác trong khi một số khác đầy ắp những mơ ước và khát vọng cuồng nhiệt. Một số người tài giỏi lỗi lạc, một số ngu đần, và phần lớn, dù có lương tâm hay không, ở vào khoảng giữa. Có những người hung bạo và những người hòa nhã; những cá nhân khát máu và những người không có ham muốn như vậy.

Có thể bạn là người thèm muốn tiền bạc và quyền lực, và mặc dù bạn không có một chút lương tâm nào, bạn có một trí thông minh tuyệt diệu. Bạn có bản chất năng động và khả năng về trí tuệ để theo đuổi sự giàu sang và ảnh hưởng to lớn, và bạn không hề bị dao động bởi tiếng nói cắn rứt của lương tâm, tiếng nói đã ngăn cản những người khác làm bất cứ việc gì cần để đạt được mục đích. Bạn chọn kinh doanh, chính trị, luật, ngân hàng, quan hệ quốc tế hay một trong hàng loạt ngành nghề dễ dẫn đến quyền lực, và bạn theo đuổi sự nghiệp của mình với một niềm say mê lạnh lùng, không chấp nhận bất cứ trở ngại thông thường về đạo đức hay luật pháp nào. Khi cần thiết, bạn làm giả sổ sách và hủy các bằng chứng, bạn đâm nhân viên và khách hàng (hay cử tri) của mình sau lưng, cưới vì tiền bạc, nói với những người tin cậy bạn những lời nói dối chết người có tính toán từ trước, tìm cách phá hoại những đồng nghiệp quyền lực hay thành đạt, và chà đạp lên những người phải phụ thuộc hay không có tiếng nói. Và tất cả những điều này bạn làm với sự tự do phóng túng tuyệt vời có được từ việc không có chút lương tâm nào.

Bạn trở nên thành công một cách không tưởng tượng nổi, không ai có thể bỏ qua bạn, thậm chí có thể là trên toàn cầu. Tại sao lại không nhỉ? Với trí óc thông minh của bạn và không một chút lương tâm để ngăn trở các mưu đồ của bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì.