Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 6

Nguồn: The sociopath next door
Tác giả: Martha Stout

Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê



Chương 6: Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm

Trong hoang mạc, một nhà sư già từng khuyên lữ khách, tiếng nói của Thượng Đế và Quỷ Sứ hầu như không khác biệt. – Loren Eiseley

Trong quá trình hành nghề của mình, một trong những câu hỏi tôi được hỏi nhiều nhất là, “Làm cách nào tôi có thể biết ai là người đáng tin?” Bởi vì các bệnh nhân của tôi đều là những người từng chịu tổn thương tâm lý nặng nề, hầu hết gây ra bởi những người khác, đây là mối quan tâm dễ hiểu với họ. Tuy vậy, tôi có cảm giác rằng đây cũng là vấn đề bức bách với hầu hết chúng ta, kể cả những người chưa từng phải chịu tổn thương tâm lý, và rằng chúng ta đều luôn cố gắng đánh giá về nhân cách của mọi người xung quanh. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến phẩm hạnh của những người có quan hệ gần gũi với chúng ta, và khi chúng ta gặp một người bạn mới hấp dẫn nào đó, chúng ta thường tiêu tốn khá nhiều tâm trí trong việc nghi ngờ, phỏng đoán hay mơ tưởng về câu hỏi này.


Những kẻ không đáng tin cậy không mặc bộ sơmi riêng, hay mang dấu hiệu in trên trán, và việc chúng ta thường phải đưa ra những quyết định quan trọng về người khác chỉ dựa trên phỏng đoán chủ quan là chính dẫn đến những quy tắc phi lý, những quy tắc mà nhiều người biến thành sự mê tín cả đời. “Đừng tin ai quá 30 tuổi,” “Không bao giờ tin đàn ông,” “Không bao giờ tin đàn bà,” “Không bao giờ tin ai cả” là những ví dụ phổ biến nhất. Chúng ta muốn có những quy tắc rõ ràng, ngay cả khi chúng là những quy tắc vơ đũa cả nắm, bởi vì việc xác định được ai là người cần đề phòng là cực kỳ quan trọng với chúng ta. Nhưng những quy tắc chung chung này đều không hiệu quả, và tồi tệ hơn, chúng thường mang lại sự lo lắng và bất an trong cuộc sống của chúng ta.

Trừ phi bạn biết rõ ai đó trong nhiều năm, không có một quy tắc hay cách kiểm định hoàn hảo nào cho sự đáng tin cậy, và việc thừa nhận thực tế này là cực kỳ quan trọng, dù cho nó có thể khiến bạn bất an đến đâu. Sự không chắc chắn trong vấn đề này đơn giản là một phần của cuộc sống con người, và tôi chưa từng biết ai giải quyết được nó một cách hoàn toàn. Thêm vào đó, tưởng tượng rằng có một phương pháp hiệu quả - một phương pháp mà đến giờ bạn vẫn chưa biết được - để giải quyết vấn đề đó một cách chắc chắn là bạn đang tự hạ thấp mình một cách bất công.

Khi nói đến chuyện tin tưởng vào người khác, chúng ta đều mắc sai lầm. Trong đó có những sai lầm lớn hơn những cái khác.

Nói vậy nhưng khi mọi người hỏi tôi về sự tin cậy, tôi thường trả lời rằng có tin xấu và có tin tốt. Tin xấu là thực sự tồn tại những cá nhân không có lương tâm, và những cá nhân này không đáng tin cậy chút nào. Có lẽ trung bình bốn trong một nhóm 100 người bất kỳ là như vậy. Tin tốt lành – và đây là tin rất tốt lành – là ở chỗ 96 trong số 100 người bất kỳ là bị ràng buộc bởi lương tâm, và do vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ hành động theo một tiêu chuẩn tương đối cao của quy tắc xã hội và tinh thần trách nhiệm. Nói một cách khác, họ sẽ hành động tương tự như bạn và tôi. Và đối với tôi, tin thứ hai này quan trọng hơn tin thứ nhất nhiều. Nó có nghĩa rằng, đáng kinh ngạc thay, theo một tiêu chuẩn xã hội nhất định nào đó, khoảng 96 phần trăm quan hệ giữa người với người trong thế giới của chúng ta là an toàn.

Vậy thì tại sao thế giới này lại có vẻ thiếu an toàn đến mức đáng sợ như vậy? Làm sao chúng ta giải thích các bản tin sáu giờ, hay thậm chí các trải nghiệm không hay của bản thân chúng ta? Cái gì đang xảy ra? Liệu có thể tin được là chỉ 4 phần trăm dân số gây ra hầu hết những điều bất hạnh trên thế giới này, và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta? Đây là một câu hỏi bức bách, một câu hỏi có thể làm thay đổi hoàn toàn nhiều giả định của chúng ta về xã hội loài người. Vì vậy tôi xin lặp lại rằng lương tâm là một thứ cực kỳ mạnh mẽ, bền bỉ và hướng thiện. Trừ phi đang bị ảnh hưởng của chứng hoang tưởng loạn thần kinh, cơn thịnh nộ cực điểm, ma túy, bị dồn đến bước đường cùng, hay ở dưới quyền một tay chỉ huy tàn bạo, một người bị ràng buộc bởi lương tâm không bao giờ - và theo một nghĩa nào đó không thể - giết người hay hiếp dâm một cách nhẫn tâm, hay tra tấn người khác, hay đánh cắp tài sản tích cóp cả đời của ai đó, lừa người khác vào mối quan hệ không có tình yêu như một thứ trò chơi, hay cố ý bỏ rơi con cái của chính mình.

Bạn có làm được không?

Khi chúng ta thấy người khác làm những điều như vậy, trên bản tin thời sự hay trong cuộc sống của chính chúng ta, họ là ai? Trong một số ít trường hợp, họ là những người được chính thức thừa nhận là loạn thần kinh, hay đang bị áp lực của những cảm xúc tột điểm. Đôi khi họ là những người bị dồn đến bước đường cùng, hay họ là những kẻ lạm dụng chất kích thích như rượu, ma túy, hay là tay chân của một tay cầm đầu tàn bạo nào đó. Nhưng phổ biến hơn cả, chúng không phải là tất cả những thứ trên. Thay vào đó, chúng là những kẻ không có lương tâm. Chúng là những kẻ thái nhân cách.


Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 4

Kẻ thái nhân cách nữ

Tác giả: Martha Stout
Nguồn: The sociopath next door

Chương 4: Con người tử tế nhất trên đời

Tôi thấy một con ma sói uống rượu ở quán Vic. Tóc nó thật đẹp – Warren Zevon

Doreen liếc vào gương chiếu hậu và ước lần thứ một tỷ rằng cô xinh đẹp hơn. Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn biết bao. Sáng nay trong gương cô trông có vẻ xinh sau một giấc ngủ ngon và đã trang điểm. Nhưng cô biết rằng nếu kỹ năng trang điểm của cô không tốt, hay nếu cô đang lúc mệt mỏi, trông cô sẽ khá là xấu. Trông cô sẽ xấu như một đứa con gái quê mùa ở quê của cô, trông cô sẽ giống như đáng đi vắt sữa bò hơn là ngồi trong chiếc BMW màu đen này. Cô mới chỉ 34 và da cô vẫn còn tốt, không một vết nhăn, mặc dù có thể hơi xanh xao một chút. Nhưng mũi cô hơi nhọn, đủ để người khác nhận thấy, và mái tóc màu rơm, vấn đề khó giải quyết nhất của cô, cứ khô và quăn tít lên mặc dù cô đã làm mọi cách với nó. May thay, cô có một cơ thể tuyệt hảo. Cô rời mắt khỏi gương và nhìn xuống bộ comlê lụa màu xám đang mặc, hơi cổ lỗ nhưng rất vừa. Người Doreen đẹp, và tốt hơn nữa, cô rất biết cách đi đứng. Với một phụ nữ có một khuôn mặt bình thường, trông cô quyến rũ một cách khó tin. Khi cô đi ngang qua phòng, tất cả đàn ông ở đó đều nhìn theo. Nhớ đến điều này, cô mỉm cười và khởi động chiếc xe.

Đi khỏi nhà chừng hai cây số, cô nhận ra mình đã quên chưa cho con Maltese khốn kiếp ăn. Thôi kệ. Con chó kiểu cách ngu ngốc ấy chưa chết đói được trước khi cô đi làm về tối nay đâu. Lúc này, một tháng kể từ khi mua nó trong cơn bốc đồng, cô không thể tin là cô đã mua nó. Khi đó cô nghĩ rằng nó sẽ làm cô duyên dáng hơn khi dắt nó đi dạo, nhưng việc dắt nó đi dạo đã trở nên chán ngắt. Lúc nào có thời gian, cô sẽ mang đến bác sĩ thú y cho nó đi đời, hay có thể cô sẽ bán cho ai đó. Rốt cuộc, nó khá là đắt tiền.

Trong bãi đỗ xe trải rộng dưới chân bệnh viện tâm thần, cô cố ý đỗ cạnh chiếc Escort rỉ ngoèn của Jenna, một cách so sánh bằng hình ảnh để nhắc nhở Jenna về vị trí tương đối của hai người. Liếc một lần nữa vào gương rồi Doreen nhấc chiếc cặp tài liệu đã được nhồi căng phồng để cho mọi người thấy rõ cô làm việc chăm chỉ đến mức nào, và đi lên cầu thang dẫn đến văn phòng ở trên khu bệnh nhân. Lúc đi ngang qua phòng đợi, cô ném một nụ cười “Chúng ta là bạn tốt” cho Ivy, cô thư ký kiêm tiếp tân lôi thôi lếch thếch, và Ivy tươi tỉnh lên ngay lập tức.

“Chào buổi sáng, bác sĩ Littlefield. Lạy chúa, tôi thích bộ comlê của cô quá đi! Nó thật là tuyệt!”

“Cám ơn Ivy. Chị luôn biết cách mang một tâm trạng tốt đến cho tôi,” Doreen trả lời với một nụ cười rạng rỡ khác. “Bấm chuông gọi tôi khi nào bệnh nhân của tôi đến được không?”

Doreen biến vào phòng, và Ivy lắc đầu và nói to trong phòng đợi không người, “Đấy đúng là con người tử tế nhất trên đời.”

Vẫn còn sớm, chưa đến tám giờ, và Doreen đi đến cửa sổ văn phòng để xem các đồng nghiệp của cô đến. Cô thấy Jackie Rubenstein đi về phía tòa nhà, với đôi chân dài và dáng điệu nhẹ nhàng như thường lệ. Jackie đến từ Los Angeles, tính tình điềm đạm và khôi hài, và làn da olive đẹp làm cô lúc nào trông cũng như mới trở về sau một kỳ nghỉ tuyệt vời. Cô cũng rất thông minh nữa, thông minh hơn Doreen nhiều, và đây là lý do chính giữa nhiều lý do khác khiến Doreen thầm căm ghét cô ta. Trên thực tế, Doreen căm ghét cô ta đến mức cô có thể giết cô ta nếu cô nghĩ cô có thể làm điều đó trót lọt, nhưng cô biết cuối cùng cô sẽ bị tóm. Doreen và Jackie cùng làm sau tiến sĩ ở bệnh viện này tám năm trước, trở thành bạn bè, ít nhất từ phía Jackie là vậy, và giờ đây Doreen nghe đồn Jackie có thể được nhận giải thưởng Giáo Viên Hướng Dẫn Tiêu Biểu của năm. Họ bằng tuổi nhau. Làm sao Jackie có thể được nhận giải thưởng “giáo viên hướng dẫn” ở tuổi 34?



Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Tình yêu

Tác giả: Michael Crichton
Nguồn: MichaelCrichton.net

 
Tình yêu…

Hầu hết những người tôi biết nhầm lẫn tình yêu với sở hữu. Lý do cũng dễ hiểu. Nó gắn liền với những giả định cơ bản nhất trong nền văn hóa của chúng ta. “Anh là của em” hay “em là của anh”, những bài hát thường nói, “và chúng ta thuộc về nhau”. Hầu như chẳng có ai dừng lại một chút để suy ngẫm về điều đó.


Ngay khi chúng ta bắt đầu cảm thấy yêu, chúng ta lập tức tìm cách sở hữu. Chúng ta nói một cách tự tin về bạn trai của tôi, vợ của tôi, con của tôi, bố mẹ của tôi. Chúng ta cảm thấy có đủ lý do để có các kỳ vọng về những người đó. Chúng ta coi đó là hoàn toàn hợp lý.

Tại sao? Bởi vì tất cả các khái niệm về tình yêu của chúng ta suy cho cùng bắt nguồn từ tình yêu lãng mạn – và tình yêu lãng mạn mang tính sở hữu một cách hung dữ, điên cuồng. Chúng ta muốn được ở cùng với những người chúng ta yêu, được có họ cho riêng chúng ta, được cảm thấy ánh mắt của họ lên chúng ta, được ngấu nghiến tâm trí và thân thể của họ…được sở hữu họ.

Chúng ta đánh đồng tình yêu và sự sở hữu mạnh đến mức chúng ta thậm chí có thể cảm thấy nếu ai đó không muốn sở hữu chúng ta, người đó không thực sự yêu chúng ta. Mặc dù vậy, tôi muốn chỉ ra rằng cái mà chúng ta gọi là tình yêu lãng mạn hoàn toàn không phải là tình yêu. Nó là một cơn bão cảm xúc, một sức hấp dẫn làm say sưa, không cưỡng lại được – nhưng nó không phải là tình yêu.

Bởi vì tình yêu thực sự không có tính sở hữu. Nó không thể có. Chúng ta đều đồng ý rằng tình yêu là cho, chứ không phải nhận. Trong khi đó ước muốn được sở hữu nảy sinh từ nhu cầu của bản thân người đang yêu – nhu cầu được người kia chấp nhận, nhu cầu được hỗ trợ từ cha mẹ, nhu cầu được thấy đứa con đạt điểm cao, nhu cầu được danh vọng, tiền bạc – nhu cầu được một cái gì đó. Một người yêu mang tính sở hữu tập trung quá mức vào những gì anh ta được nhận, chứ không phải những gì anh ta cho. Người ấy có thể biện hộ sự lệ thuộc của anh ta với chữ tình yêu, nhưng đó là một lời nói dối. Làm sao bạn có thể thực sự yêu ai đó khi mà bạn lệ thuộc vào người đó để có những thứ bạn cần? Đấy không phải là tình yêu, đấy chỉ là thủ đoạn để đảm bảo những thứ bạn cần tiếp tục đến. Robert Palmer hát về việc bị “nghiện tình yêu”, nhưng không ai thực sự nghiện tình yêu cả. Mọi người nghiện những nhu cầu của họ.

Và tình yêu không phải là nhu cầu. Nó không phải.

Tất nhiên, một quan hệ yêu đương sẽ sản sinh sự phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng điều thường xảy ra là, niềm vui của việc cho một cách tự nguyện và không giới hạn chuyển thành nỗi lo sợ về việc có thể không được nhận. Người ấy - chồng bạn, người yêu bạn, con bạn - tự nhiên trở thành quá quan trọng với bạn. Bạn lo lắng về những gì có thể xảy ra. Những gì họ sắp làm. Và ở thời điểm đó, tình yêu dừng lại.

Đôi khi người ta tự hỏi liệu những gì họ đang cảm nhận có phải là tình yêu thực sự không. Những người ấy không bao giờ tự hỏi liệu họ đang vui, hay buồn phiền. Vậy thì tại sao lại có khó khăn khi nhận biết tình yêu? Thông thường, đấy là vì họ đang cảm thấy có mâu thuẫn: cái họ đang cảm nhận là vực sâu của những nhu cầu của họ, chứ không phải là đỉnh cao của tình yêu.

Có những cách để nhận biết tình yêu thực sự. Nó đem lại cảm giác bình yên. Nó ổn định, và nó dễ dàng tồn tại suốt cả đời người. Nó nuôi dưỡng – con người lớn lên dưới ảnh hưởng của nó. Họ trở thành những gì thực sự là họ, chứ không phải những gì ai đó muốn họ trở thành. Tình yêu thực sự không mù quáng; ngược lại, trong nó con người cảm thấy được hiểu và được chấp nhận bởi những gì thực sự là họ. Nó chữa lành. Trong nó con người hồi phục.

Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nghe nói tình yêu là mù quáng, hay tình yêu không thể lâu bền, hay tình yêu mang tính hủy hoại, bạn có thể chắc chắn rằng bạn đang nghe một mô tả của ham muốn tình dục, của mong ước, của nhu cầu. Và đó là một mô tả chính xác, bởi vì nhu cầu đúng là thứ nhất thời và mang tính hủy hoại.

Tình yêu là một thứ hoàn toàn khác hẳn. Một cảm xúc quan tâm sâu sắc mà không đòi hỏi chút gì, một cảm xúc trọn vẹn không mang bất cứ kỳ vọng nào, một cảm xúc hiếm hoi đến mức hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta không thể hình dung được. Họ không thể hình dung có nó, hay được nhận nó. Họ thậm chí có thể tin rằng nó không tồn tại. Nhưng nó tồn tại.

Và nó là thứ đẹp nhất trên đời.


Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Mì chính - Vị ngon giết người

Mì chính - Kẻ giết người thầm lặng
Mì chính - Kẻ giết người thầm lặng

Tác giả: Tiến sĩ y học Russell L. Blaylock
Nguồn: Excitotoxins - The Taste That Kills

Giả sử có ai đó nói với bạn rằng một hóa chất cho vào thức ăn có thể gây tổn hại đến não của con cái bạn, và rằng hóa chất này có thể ảnh hưởng sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của con bạn khiến sau này chúng có thể có khó khăn trong học hành hay đời sống tình cảm? Giả sử có bằng chứng khoa học rằng những hóa chất này có thể làm tổn hại một phần quan trọng trong não có nhiệm vụ kiểm soát các hormone khiến về sau trong đời con bạn có thể có các vấn đề về hormone? Bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Giả sử các bằng chứng cho bạn thấy có nhiều khả năng chất đường hóa học trong lon nước ngọt không đường bạn uống có thể làm phát triển u não, và rằng con số các trường hợp u não kể từ khi chất đường hóa học ấy được sử dụng rộng rãi đã tăng lên một cách đột ngột và đáng kể? Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyết định uống những lon nước ấy của bạn không, và đặc biệt quyết định cho phép con bạn uống chúng? Giả sử các bằng chứng cho bạn thấy một cách rất rõ ràng một trong những thành phần chính của chất đường hóa học (aspartate) có thể gây ra những u não này là MSG (mì chính)? Liệu điều đó có ảnh hưởng đến quyết định đi chợ của bạn không?

Và cuối cùng, giả sử có thể chứng minh rằng tất cả những loại hóa chất này (gọi là exitotoxin) có thể làm nặng thêm hoặc thậm chí gây ra nhiều căn bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Huntington, bệnh Alzheimer, bệnh ALS. Liệu bạn có lo lắng nếu bạn biết rằng những phụ gia thực phẩm có exitotoxin này đặc biệt nguy hại nếu bạn từng bị đột quỵ, tổn thương não, u não, co giật, hay có lịch sử huyết áp cao, tiểu đường, viêm màng não?

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta đều sẽ không chỉ có lo lắng khi biết rằng những chất độc thần kinh mạnh đã được giới khoa học biết rõ đang được cho vào thực phẩm và đồ uống của chúng ta để chúng bán chạy hơn. Chúng ta sẽ đặc biệt bất bình khi biết rằng những chất phụ gia này không có mục đích nào khác ngoài việc làm tăng vị ngon hay vị ngọt của nhiều loại thực phẩm.

Bạn cũng sẽ bất bình khi được biết nhiều trong số những tổn thương não có thể xuất hiện ở con bạn này là không thể phục hồi được và chúng có thể xuất hiện chỉ sau một lần tiếp xúc với nồng độ đủ lớn. Và tôi đánh cuộc rằng bạn sẽ khó có thể tưởng tượng ngành công nghiệp thực phẩm ngụy trang nhiều trong số những chất phụ gia excitotoxin này một cách tinh vi khiến chúng ta không nhận ra được. Trên thực tế, nhiều thực phẩm với nhãn hiệu “Không chứa MSG” không chỉ có chứa MSG mà còn chứa những chất excitotoxin khác độc hại không kém. Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem xét lịch sử của nhóm chất phụ gia thực phẩm này.