Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Kẻ thái nhân cách ở nhà bên - Chương 8

Nguồn: The sociopath next door
Tác giả: Martha Stout

Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê

Chương 8: Kẻ thái nhân cách ở nhà bên

Có thể chúng ta là những con rối - những con rối bị điều khiển bởi những sợi dây của xã hội. Nhưng ít nhất chúng ta là những con rối có quan sát, có nhận thức. Và có thể nhận thức là bước đi đầu tiên hướng tới sự giải phóng cho chúng ta. – Stanley Milgram


“Em muốn nói chuyện với ai đó. Em nghĩ có lẽ là vì cha em ở trong tù.” Hannah, cô gái 22 tuổi, xinh đẹp, môi mím chặt, bệnh nhân mới của tôi, nói lí nhí trong khi vẫn quay mặt về phía một trong những tủ sách của tôi phía bên phải. Sau một lúc, cô nhìn thẳng vào tôi một cách rụt rè và nhắc lại: “Em cần ai đó để nói chuyện. Cha em ở trong tù.”

Cô thở hắt ra một tiếng rất khẽ, dường như nỗ lực để nói chừng đó đã rút hết không khí khỏi phổi cô, và rồi cô im lặng.

Khi ai đó đang rất hoảng sợ, và nhất là khi đó, một phần của trị liệu tâm lý chỉ đơn giản là biết cách lặp lại những câu nói của người ngồi đối diện với bạn mà không tỏ ý phán xét hay tỏ vẻ bề trên. Tôi hơi cúi về phía trước, các ngón tay vẫn lồng quanh gối, và cố gắng tìm gặp cặp mắt của Hannah, lúc này đã dán chặt xuống tấm thảm phương Đông ở giữa chúng tôi.

Tôi nói nhỏ nhẹ, “Cha em ở trong tù?”

“Vâng.” Cô từ từ nhìn lên trong khi trả lời, gần như ngạc nhiên, cứ như tôi đã lấy thông tin này bằng thần giao cách cảm. “Ông ấy giết một người. Ý em là ông ấy không cố ý, nhưng ông ấy giết một người.”

“Và bây giờ ông ấy ở trong tù?”

“Vâng. Vâng, ở trong tù.”

Cô đỏ mặt và mắt rơm rớm.

Tôi luôn bị ấn tượng bởi thực tế là chỉ một chút lắng nghe nhỏ nhoi nhất, một gợi ý mỏng manh nhất về khả năng sẽ được nhận sự cảm thông có thể mang lại ngay lập tức dòng cảm xúc mạnh như vậy. Tôi nghĩ đó là vì chúng ta hầu như không bao giờ thực sự được lắng nghe. Trong công việc với tư cách một nhà tâm lý học, tôi luôn được nhắc nhở hàng ngày về thực tế là chúng ta ít được lắng nghe, và những hành động của chúng ta ít được thấu hiểu bởi mọi người xung quanh đến mức nào. Và một trong những trớ trêu của “nghề lắng nghe người khác” của tôi là bài học nó dạy cho tôi rằng trên nhiều khía cạnh, mỗi người trong chúng ta thực sự là một ẩn số với những người xung quanh.