Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Giới hạn đỏ: Nga điều tàu chiến, tiếp viện vũ khí cho Syria

Tuần dương hạm Moskva

Tác giả: Tuấn Vũ
Nguồn: Báo Đất Việt

Tình hình Syria tiếp tục căng thẳng khi Nga quyết định đưa 4 chiến hạm hạng nặng đến áp sát quốc gia Trung Đông này với lý do để tập trận.

Thông tin Nga điều 4 chiến hạm đến áp sát Syria được hãng thông tấn RIA Novosti ngày 23/9 dẫn nguồn tin từ Hải quân Nga xác nhận. Theo đó, mục đích của cuộc diều động này là nhằm chuẩn bị lực lượng cho một cuộc tập trận, tuy nhiên Nga không tiết lộ địa điểm và thời điểm cụ thể diễn ra tập trận.

Nguồn tin cho biết thêm, 2 trong số 4 tàu chiến đã được triển khai tại biển Địa Trung Hải sau khi dời căn cứ hải quân tại Biển Đen trước đó. Tàu Moskva và tàu tuần tra Ladniy hiện đã xuất phát và chưa rõ khi nào sẽ tới vị trí tập trận.

Trong số những chiến hạm được Nga điều đến gần Syria lần này, sức mạnh khủng khiếp nhất là tuần dương hạm Moskva. Về vũ khí, Moskva được trang bị 16 quả tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 “Sandbox”).

Hệ thống phóng của nó được bố trí ở phần đầu tàu, bên trái 4 cụm, bên phải 4 cụm (mỗi cụm 2 ống phóng). P-500 có vận tốc 1,7Mach, tầm bắn 550km, 11,7m, đường kính 884 mm, có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân lượng nổ 350 kiloton, hoặc đầu đạn thường nặng 1000kg.

Trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, tên lửa P-500 được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động; các tham số về mục tiêu được hiệu chỉnh tự động thông qua hệ thống điều khiển được liên kết dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.

Về vũ khí phòng không, Moskva được trang bị chủ yếu là 64 quả tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble), là phiên bản trên hạm của tên lửa phòng không mặt đất S-300PMU (tuần dương hạm hạt nhân “đàn anh” lớp Kirov có 96 quả).

Loại tên lửa này có tầm bắn 150km với máy bay và 30km với tên lửa đạn đạo, độ cao tác chiến 27km, bộ chiến đấu nặng 90kg, được phóng bằng hệ thống phóng thẳng đứng, 8 ống phóng được bố trí thành 2 cụm bên trái, phải của đuôi tàu, mỗi bên 4 ống.

Ngoài ra, Moskva còn được trang bị 2 cụm 2 ống loại tên lửa phòng không tầm gần 9K33M “Osa-M” (NATO gọi là SA-N-4 “Gecko”) với cơ số 40 quả tên lửa. Loại tên lửa này có chiều dài 3,2m, đường kính 0,21m, tầm bắn 15km, độ cao tác chiến 12km, vận tốc phóng lên tới 2,5Mach...

Với việc điều 4 chiến hạm đến áp sát Syria, Nga đang dần hoàn thiện sức mạnh tấn công khủng khiếp của mình khi có đủ cả: Không quân với những chiến đấu cơ Su-30SM, cường kích Su-24/25, trực thăng tấn công Mi-28N và máy bay vận tải, tiếp dầu...

Về sức mạnh phòng không, Nga đã điều đến Syria hệ thống phòng không SA-22, hệ thống Buk và có thể bao gồm cả hệ thống phòng không tầm cao S-300. Trong khi đó, để tăng khả năng cho lực lượng tăng thiết giáp, phương Tây cho rằng Nga đã triển khai một số lượng không xác định tăng chủ lực T-90, xe chiến đấu BTR-82A...

Với sự chuẩn bị "chu đáo" này, sức mạnh quân sự của Nga hiện diện tại quốc gia Trung Đông này thực sự rất đáng sợ.



Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Mười chiến lược chăn dắt đám đông của những kẻ thái nhân cách

Nguồn: Facebook Đào Trung Thành

Noam Chomsky, nhà ngôn ngữ học, triết học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, xây dựng một danh sách mười chiến lược thao túng đám đông mà ông quan sát được qua các phương tiện truyền thông:

1/ Chiến lược phân tâm

Yếu tố thiết yếu của việc kiểm soát xã hội, chiến lược chuyển hướng bao gồm chuyển hướng sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề quan trọng và những thay đổi do giới tinh hoa chính trị và kinh tế quyết định, thông qua việc đưa ra một loạt thông tin tràn ngập liên tục nhưng ít có ý nghĩa. Chiến lược phân tâm cũng rất quan trọng nhằm ngăn cản công chúng tiếp cận những kiến thức cần thiết trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, tâm lý học, sinh học thần kinh, và điều khiển học. "Hãy làm phân tâm sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề xã hội thiết thực, hấp dẫn họ bằng những vấn đề không quan trọng thực sự. Tiếp tục làm họ bận rộn, bận rộn, bận rộn, không có thời gian để suy nghĩ, và trở lại chuồng với các động vật khác. " (Trích từ " Vũ khí im lặng cho cuộc chiến thầm lặng”- “Armes silencieuses pour guerres tranquilles”)

2/ Tạo ra vấn đề và sau đó cung cấp các giải pháp

Phương pháp này còn được gọi là "vấn đề - phản ứng - giải pháp." Đầu tiên, người ta tạo ra một vấn đề, một "tình huống" dự định để gây nên phản ứng nhất định đối với công chúng, khiến công chúng yêu cầu thực thi các biện pháp mà kẻ thao túng muốn công chúng chấp nhận. Ví dụ: để cho bạo lực đô thị phát triển, hoặc tổ chức các cuộc tấn công đẫm máu, để công chúng yêu cầu luật về an ninh với giá phải trả là quyền tự do hạn chế. Hoặc: tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mà sự suy giảm các quyền xã hội và loại bỏ các dịch vụ công được chấp nhận như một “điều ác cần thiết”.

3/ Chiến lược suy giảm dần

Để chấp nhận một biện pháp khó chấp nhận, đơn giản là chỉ việc áp dụng nó dần dần trong khoảng thời gian 10 năm. Đó là cách mà theo cách này các điều kiện kinh tế xã hội mới hoàn toàn (theo chủ nghĩa tân tự do) đã được áp đặt trong những năm 1980-1990. Thất nghiệp tràn lan, bấp bênh, tính linh hoạt, phi địa phương hóa, tiền lương không còn có thể đảm bảo một thu nhập xứng đáng, nhiều thay đổi như vậy có thể đã mang lại một cuộc cách mạng nếu như được áp dụng đột ngột.

4/ Chiến lược trì hoãn

Một cách khác để những quyết định không được lòng dân được chấp nhận là trình bày nó như là một "đau đớn nhưng cần thiết", đạt được sự chấp nhận của công chúng trong hiện tại cho việc áp dụng trong tương lai. Luôn luôn là dễ dàng hơn nếu chấp nhận sự hy sinh trong tương lai thay vì ngay lập tức. Trước tiên, bởi vì những hiệu quả này không xảy ra ngay lập tức. Thứ hai, bởi vì công chúng vẫn có xu hướng mong đợi một cách ngây thơ rằng "tất cả mọi thứ sẽ tốt hơn vào ngày mai" và rằng sự hy sinh cần thiết có thể tránh được. Cuối cùng, nó cho phép công chúng có thời gian làm quen với ý tưởng về sự thay đổi và chấp nhận nó miễn cưỡng khi thời điểm đến. Vdu: một đạo luật đánh thuế hay thu phí sẽ không áp dụng bây giờ mà áp dụng sau đó từ 6 tháng đến 1 năm.



Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Dân Mỹ cảm thấy bị đe dọa bởi Chính phủ trong khi dân Nga hoàn toàn tin tưởng Tổng thống

Tác giả: Huy Vũ
Nguồn: Báo Đất Việt

Trong khi những người Nga hoàn toàn tin tưởng và tín nhiệm cao Tổng thống của mình thì người Mỹ đang cảm thấy bị đe dọa bởi Chính phủ.

Theo một cuộc điều tra ý kiến từ công ty nghiên cứu Gallup, gần một nửa số dân Mỹ (khoảng 49%) đang coi Chính phủ là mối đe dọa với cuộc sống và sự tự do của bản thân.

Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 9/9 đến 13/9, với một câu hỏi mở: "Bạn có thấy chính phủ Mỹ là một mối đe doạ trực tiếp đến quyền lợi và sự tự do của người dân Mỹ?".

Kết quả câu trả lời từ 2/3 người của Đảng Cộng hoà và 1/3 người của Đảng Dân chủ là: "Có".

1/5 số người được hỏi quan ngại rằng, chính phủ đang trở nên quá lớn, quá mạnh và có quá nhiều luật pháp. 15% bày tỏ sự không hài lòng với sự tự do và quyền công dân, trong khi 12% bất bình với nỗ lực kiểm soát sử dụng súng.

Những vấn đề khác mà người dân Mỹ phàn nàn về chính phủ bao gồm: quyền tự do phát biểu, tôn giáo, thái độ của lực lượng chấp pháp, quyền cá nhân, vấn đề đồng giới, di cư, thuế, luật pháp kinh doanh và chăm sóc sức khoẻ.

Hiện tại, số lượng người của Đảng Cộng hoà không tin vào chính phủ nhiều gấp đôi Đảng Dân chủ, điều này là đối lập hoàn toàn so với một thập kỉ trước, thời kì của cựu Tổng thống George W. Bush.

Điều tra của Gallup lấy ý kiến của tổng cộng 1.025 người dân trên 18 tuổi ở 50 bang và sai số vào khoảng 4%.

Một cuộc điều tra khác của hãng tin CNN cách đây không lâu cũng chỉ ra rằng, người dân Mỹ không hài lòng với luật kiểm soát súng và di cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, tại Nga, uy tín của ông Putin và chính quyền của ông này được người dân tín nhiệm đến mức cao kỷ lục.

Trung tâm thăm dò ý kiến độc lập của Nga Levada cho biết Tổng thống Vladimir Putin đang nhận được 89% sự ủng hộ của người dân, mức cao nhất kể từ khi ông lãnh đạo đất nước.

Cuộc thăm dò được Levada tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 22/6, với 1,600 người trên khắp 46 vùng lãnh thổ của Nga và được công bố kết quả hôm 24/6.

Số công dân Nga được khảo sát bày tỏ sự không hài lòng với những quyết sách của ông Putin chỉ chiếm 10% trong khi 64 % nghĩ rằng các chính sách hiện hành của Moscow là chính xác.

Ông Putin cũng được 64% dân số nước này lựa chọn là chính trị gia được yêu thích nhất.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3/2018 tới, 57% người dân nga được hỏi cho biết họ muốn ông Putin tái đắc cử tổng thống.

Theo National Interest, người Nga ủng hộ nhà lãnh đạo của mình vì những chính sách thông minh của ông. Chẳng hạn như trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây.

Xem thêm:



Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Tống tiền: Công ty dược phẩm Mỹ nâng giá thuốc thiết yếu lên 55 lần

Tác giả: Andrew Emett
Nguồn: Activist Post
Nguồn dịch: Blog Thời Thổ Tả

Sau khi mua bản quyền một loại thuốc ngăn ngừa nhiễm khuẩn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, bao gồm cả bệnh nhân AIDS và bệnh nhân ung thư đang hóa trị, một công ty dược phẩm đã tăng giá thuốc 5000%. Thay vì phải trả $13,50 cho mỗi viên, bệnh nhân bị các căn bệnh đe dọa tính mạng buộc phải trả $750 mỗi viên thuốc.

Dẫn dắt bởi một cựu giám đốc quỹ đầu tư, hãng Turing Pharmaceuticals do Martin Shkreli thành lập sau khi công ty công nghệ sinh học đầu tiên của ông ta, Retrophin, đã sa thải ông ta trong bối cảnh những cáo buộc gian lận chứng khoán. Một thời gian ngắn sau khi thành lập Turing, Shkreli mua được độc quyền bán Daraprim (pyrimethamine), loại thuốc giúp ngăn ngừa bệnh sốt rét và điều trị ký sinh trùng đơn bào toxoplasmosis.

Theo CDC (Trung tâm kiểm soát ngăn ngừa bệnh tật), toxoplasmosis là căn bệnh truyền qua đường ăn uống phổ biến thứ hai trên thế giới và có thể dễ dàng lây nhiễm sang những người có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu do AIDS, hóa trị liệu, hay thậm chí khi mang thai. Khoảng 60 triệu người Mỹ mang ký sinh trùng Toxoplasma. Nhiễm ký sinh trùng có thể xảy ra do ăn thịt chưa chín kỹ, nấu ăn bằng dụng cụ bị nhiễm bẩn, uống nước không sạch, hay tiếp xúc với phân mèo bị nhiễm bệnh.

Một báo cáo từ Viện Prime tại trường Đại học Minnesota cho thấy giá cả trung bình của các loại thuốc có thương hiệu đã tăng 13% trong năm 2013. Theo báo cáo, các loại thuốc ung thư mới thường có chi phí hơn $100 nghìn mỗi năm, trong khi đó, loại thuốc điều trị bệnh viêm gan mới gọi là Sovaldi có chi phí $84 nghìn chỉ cho 3 tháng điều trị.

Thay vì trực tiếp giải thích việc tăng giá quá mức, Turing Pharmaceuticals đưa ra thông cáo báo chí thừa nhận rằng "một số cơ sở y tế đã gặp phải những khó khăn khi tìm mua thuốc DARAPRIM (pyrimethamine) cho các bệnh nhân được chẩn mắc bệnh toxoplasmosis."

"Ưu tiên số một của chúng tôi là bảo đảm rằng tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh toxoplasmosis có một cách hiệu quả và giá cả phải chăng để tiếp cận Daraprim" - giám đốc Thương mại của Turing là Nancy Retzlaff nói. "Ngay khi chúng tôi được biết một số bệnh viện và phòng khám gặp khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm, chúng tôi đã phát triển một kế hoạch khắc phục ngay để đảm bảo sự tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả cho các bệnh nhân có nhu cầu."

Các bệnh nhân gặp rắc rối trong việc tiếp cận sản phẩm là do giá cả móc túi gần đây. Ngay cả những bệnh nhân có bảo hiểm trang trải, chỉ còn phải trả 20% chi phí, vẫn phải trả ít nhất $150 cho mỗi viên thuốc. Không chỗ nào trong thông cáo báo chí của Turing biện minh cho việc tăng chi phí thuốc đến 5000%.

Thay vì thể hiện chút lòng trắc ẩn nhỏ nhất đối với các bệnh nhân đang bị bệnh đe dọa tính mạng, các bà mẹ mang thai, và người nhận hiến tạng, Martin Shkreli có vẻ đang điều hành hãng Turing Pharmaceuticals như một tay chơi chứng khoán liều lĩnh. Bên cạnh việc mua bản quyền Daraprim, hãng Turing cũng đã chọn một loại thuốc tăng huyết áp mà Shkreli tin là có thể điều trị bệnh tự kỷ. Turing cũng được cho là đang làm việc với một loại thuốc xịt mũi chứa oxytocin và ketamine để điều trị trầm cảm.

Nhận xét: Làm tiền trên nỗi khổ của những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo đã cùng quẫn là một trong những cách tống tiền bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một ngoại lệ thì xin hãy nghĩ lại. Đây là một ví dụ rất thông thường của vấn nạn đã thành hệ thống trong hệ thống y tế Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao người Mỹ chi tiêu khoản tiền lớn nhất trên thế giới cho chăm sóc sức khỏe, nhưng có chất lượng y tế và sức khỏe vào loại tồi tệ nhất trong các nước phát triển. Đó cũng là lý do tại sao hầu hết người dân Mỹ chỉ cách miệng vực của sự phá sản một lần ốm đau nặng.

Xem thêm:



Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

"Mạng nhện" căn cứ quân sự Mỹ phủ kín hành tinh

Tác giả: Trung Dũng
Nguồn: Quân đội nhân dân

Chính quyền Mỹ có hàng trăm căn cứ quân sự và hàng trăm nghìn binh sĩ, nhân viên quân sự đóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ít ai ngờ rằng, hầu hết người dân Mỹ lại chưa từng một lần được nghe về những căn cứ này...

Tấm "mạng nhện" khổng lồ

Theo Tạp chí The Diplomat, Mỹ hiện có xấp xỉ 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới, điều hành bởi hơn 230.000 nhân viên quân sự. Mỹ cũng có khoảng 80.000 binh sĩ đang đóng quân tại Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có 50.000 binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28.000 quân nhân khác làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Ngoài ra, tại châu Âu, Mỹ vẫn duy trì 65.000 binh sĩ đóng tại 58 căn cứ ở I-ta-li-a và 179 căn cứ ở Đức.

Còn theo tờ World Bulletin, số căn cứ quân sự của Oa-sinh-tơn ở nước ngoài là 850, nhưng nếu tính cả các căn cứ nằm trong lãnh thổ Mỹ thì tổng cộng nước này có tới… 5.300 căn cứ. Chỉ có 43 quốc gia trên thế giới không có sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ.

Tuy nhiên, người ta cho rằng, con số thực có thể còn cao hơn những gì đã được công bố, bởi Mỹ chắc chắn còn sở hữu những căn cứ quân sự bí mật.

Nếu nhìn trên bản đồ thế giới, người ta sẽ có cảm giác như các căn cứ của Mỹ tạo thành một tấm "mạng nhện" dày đặc. Quân đội Mỹ đã mở rộng sự hiện diện quân sự tới mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Số lượng khổng lồ các căn cứ ở nước ngoài phần nào đã giúp Mỹ trở thành một siêu cường quốc quân sự của thế kỷ 21 và tạo cho Oa-sinh-tơn một vị thế đáng kể, xét cả về mặt chính trị lẫn quân sự.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ trên khắp thế giới đặc biệt được mở rộng sau hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Tổng cộng diện tích bề mặt của các căn cứ quân sự chính thức của Mỹ xấp xỉ 120.000km2, tức là còn lớn hơn lãnh thổ của một số quốc gia. Nằm trong các căn cứ này là 344.000 tòa nhà, 184.000 khu phức hợp và khoảng 48.000 tòa nhà khác dùng riêng cho các loại dịch vụ.

Như nhận định của tờ World Bulletin, về lý thuyết thì Mỹ không đủ tiềm lực tài chính để duy trì hoạt động của tất cả các căn cứ quân sự “chính thức” ở nước ngoài.

Nước Mỹ có an toàn hơn?

Chi phí quá lớn là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi về việc tại sao Mỹ lại cần nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài như vậy. Nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả của những căn cứ này và đặt câu hỏi rằng, liệu chúng có thực sự làm cho nước Mỹ an toàn hơn?

Sau 6 năm nghiên cứu, Giáo sư Đa-vít Vai-nơ (David Vine) thuộc Trường Đại học American University mới đây đã xuất bản một cuốn sách, trong đó ông cho rằng, các căn cứ quân sự tại nước ngoài đang làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ cũng như “quyền lực mềm” của Oa-sinh-tơn ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Giáo sư Đa-vít Vai-nơ trích lời bình luận của ông Brát-lây L.Bâu-man (Bradley L.Bowman), Giáo sư Học viện Quân sự Mỹ nhận định rằng, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông là “chất xúc tác chính” dẫn tới “chủ nghĩa bài Mỹ” và chủ nghĩa cực đoan. Điều này đã được chứng minh qua mối tương quan giữa số lượng các căn cứ và lực lượng Mỹ ở Trung Đông với hoạt động tuyển quân của nhóm khủng bố Al Qaeda.



Khủng hoảng tị nạn: Đằng sau "sự thật" của báo chí là một sự thật khác

Nguồn: Blog Karel Phùng

"Phương tây khóc người tỵ nạn bằng một mắt còn mắt kia vẫn ngắm súng" - Bashar al-Assad

Đó là câu trả lời của ông Assad trên đài RT nhưng cũng là câu mà tôi mượn để trả lời một số bạn nhắn tin hỏi trong những ngày qua về vấn đề người tỵ nạn. Để viết chi tiết, tôi sẽ viết ngắn gọn thành ba ý chính:

1. Người ngoại quốc ở Đức phạm tội nhiều, đàn bà Hồi giáo đẻ lắm, lười làm.

Điều này sai hoàn toàn! Kể cả những người Việt sống ở Đức cũng có nhận định đó bởi vì họ chỉ tiếp xúc với tầng lớp đó nên có cảm giác người Ả rập, nói chung, Iran, Kurrd, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban,..... đều như vậy. Cụ thể bạn lên bệnh viện trường đại học Y khoa Hannover, rất nhiều giáo sư bác sĩ là người ngoại quốc và các công sở, các công ty cũng không ngoại lệ. Ai ở Đức đọc câu đó rồi vẫn dám khẳng định là tôi nói sai, bảo họ tới gặp tôi! Tôi sẽ dẫn các bạn tới những khu vực người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd, người Nga,.... mua nhà đẹp, làm công việc mà nhiều kẻ phải mơ ước.

2. Nước Đức đối xử ra sao và liệu có khả năng hay không? Nếu trà trộn trong người tỵ nạn là dòng người khủng bố thì sao?

Xin bạn đừng làm kẻ bị nhồi sọ như vậy chứ. Trước tiên cần phải hiểu rõ thế nào là khủng bố và ai là khủng bố? Đánh bom giết người là khủng bố, phải rồi. Nhưng một đất nước mang quân đội tới một nước khác chiếm đóng hoặc lật đổ chính quyền của nước đó vậy người dân sẽ làm gì? Họ khoanh tay nhìn hay họ ra mời chào quân đội kia? Họ chống đối và họ có phải khủng bố hay không? Tùy theo khái niệm khủng bố là gì!

Nếu cứ giết người theo cách man rợ là khủng bố thì nước Bỉ là bậc thầy của khủng bố, nước Tây Ban Nha phải là cha mẹ của khủng bố, Vatican phải là ông cụ nội của khủng bố. Bằng chứng xin mời xem lại lịch sử.

Nước Đức có bộ luật rất chặt chẽ. Cái khó là người tỵ nạn vì có thể nói tiếng Ả rập nên từ nước nào họ cũng khai man là dân Syria. Như vậy trục xuất sẽ khó khi bị bác đơn tỵ nạn. Còn đại đa số nếu được chấp nhận ở lại họ sẽ phải tuân thủ luật pháp Đức, tự lo cuộc sống và hội nhập vào đây nên nước Đức chẳng có gì mà phải lo. Công ăn việc làm không bao giờ thiếu với người muốn làm việc và đồng thời có khả năng làm việc.

3. Vì sao làm sóng tỵ nạn đổ về châu Âu?

Bạn phải tự đặt câu hỏi: Chiến tranh Syria đã lâu, người tỵ nạn trải khắp khu vực bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy sớm không phải, muộn không phải, hà cớ vì sao họ lại dồn cùng một lúc?

Thực tế thì: Nếu Nga hỗ trợ Syria thêm mạnh thì Assad sẽ đánh bại quân ly khai mặc dù chúng được phương tây hỗ trợ về nhiều mặt. Như vậy Syria sẽ dần ổn định trở lại, Assad vẫn nắm quyền và đó là điều mà Mỹ và phương tây không hề muốn. Phương tây muốn sử dụng dư luận thế giới làm sức ép can thiệp vào Syria. Bằng cách nào? Chỉ với một Syria loạn lạc, dân chạy tỵ nạn khắp nơi. Nói cho rõ là "khủng hoảng nhân đạo xuất hiện" và khi không thể kiểm soát được tình hình thì phương tây mới có cớ đưa ra đại hội đồng LHQ để thảo luận và lo việc đưa quân đội vào quang minh chính đại để can thiệp.

Vẫn là một cái cớ để chiến tranh phải không ạ?

Xem thêm:



Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Liệu Việt Nam có tìm được sự cân bằng giữa Mỹ - Nhật Bản và Trung Quốc?

Tác giả: Andrei Ivanov
Nguồn: Sputnik Việt Nam

Trong khi nhận sự viện trợ từ Nhật Bản để tăng cường khả năng của nước mình chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, tuy nhiên, Việt Nam không tìm cách gây ra đối đầu với Bắc Kinh hay làm tăng sự phụ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản.

Ông Vasily Kashin, chuyên viên nghiên cứu quân sự từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, bình luận như vậy trước thông tin của các phương tiện truyền thông Nhật Bản về việc Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra:

"Viện trợ của Nhật Bản chủ yếu không phải là vũ khí hay tàu chiến cho hải quân, mà là thiết bị cho cảnh sát biển. Nhật Bản đã từng cung cấp viện trợ này cho những nước khác, họ đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Cảnh sát biển Philippines và đã cung cấp viện trợ cho nước này. Bây giờ Nhật Bản chỉ đơn giản mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực này và thiết lập quan hệ với Việt Nam. Nhưng, cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam bất kỳ loại vũ khí nghiêm trọng. Mỹ cũng đang thực hiện những bước đi đầu tiên theo hướng này, họ cho phép cung cấp cho Việt Nam các máy bay tuần tra. Nhật Bản hành động cẩn thận hơn trong vấn đề này. Song, đó là một tín hiệu đối với Trung Quốc cho thấy rằng, Nhật Bản thúc đẩy quá trình thành lập một mặt trận thống nhất bao gồm các nước đang đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc".

"Sputnik": Nhật Bản có thể áp dụng những biện pháp nào nữa để củng cố vai trò của Việt Nam như một đồng minh trong liên minh chống Trung Quốc?

"Trong vấn đề này cũng như trong các vấn đề khác, Nhật Bản làm theo chỉ thị của Mỹ. Sau khi tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Nhật Bản thông qua quyết định cung cấp viện trợ cho Việt Nam. Nhưng, không nên đánh giá quá mức sự xích lại gần nhau giữa hai nước đó, bởi vì Việt Nam không có ý định đứng về một bên nào. Hà Nội không có ý định lao vào vòng tay của người Mỹ, bởi vì họ lo ngại về sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nỗi lo ngại chỉ có thể gia tăng khi mọi người đang theo dõi việc Mỹ xuất khẩu các giá trị của họ. Tất nhiên, Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc. Trong các tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển Hoa Nam, Nhật Bản luôn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ và các quốc gia — những đối thủ của Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ tăng cường mạnh sự hợp tác với Việt Nam, thì Nhật Bản sẽ theo gương Mỹ. Song, điều này có thể xảy ra chỉ sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường đáng kể sự tin tưởng lẫn nhau, hoặc nếu Trung Quốc đột nhiên phạm sai lầm chết người trong quan hệ với Việt Nam".

"Sputnik": Chắc là, Việt Nam nhận thức được rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản đang cố gắng lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc. Liệu Việt Nam sẵn sàng tham gia cuộc đối đầu với Trung Quốc? "Không. Việt Nam quan tâm đến việc duy trì quyền chủ động tối đa trong nền chính trị, duy trì quan hệ tốt với tất cả các nước, để sử dụng vị trí chiến lược của mình. Bây giờ cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều "tán tỉnh" Việt Nam. Ấn Độ và Nga cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam có cơ hội nhận được các khoản đầu tư và công nghệ tiên tiến từ tất cả các nước. Tình trạng này là rất thuận lợi cho Việt Nam.