Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Rắn độc mặc com-lê - Chương 2: Những người ấy là loại gì?

Nguồn: Snakes in Suits: When Psychopaths Go to Work
Tác giả: Paul Babiak và Robert Hare

Tiểu thuyết và phim ảnh thường mô tả kẻ thái nhân cách theo những khuôn mẫu cực đoan. Chúng xuất hiện là những kẻ giết người hàng loạt, hiếp dâm và lừa đảo máu lạnh. Không may là điều này cũng có phần đúng, nhưng bức tranh trong hiện thực phức tạp hơn một chút.


Nhiều năm nghiên cứu tội phạm trong tù đã chỉ rõ mức độ tội ác và bạo lực của những kẻ thái nhân cách. Giờ đây chúng ta biết những kẻ thái nhân cách cả nam và nữ thực hiện nhiều tội ác hơn và đa dạng hơn những tội phạm bình thường. Những tội ác của chúng thường mang tính bạo lực hơn những tội phạm bình thường, và bản chất hành vi của chúng mang tính hung hăng, đe dọa, chế ngự và tàn bạo hơn. Hơn nữa, sự hung hăng và bạo lực của chúng có bản chất như thú săn mồi – lạnh lùng và tuyệt đối không có những chấn động tình cảm mãnh liệt thường đi kèm hành vi bạo lực của hầu hết người bình thường khác. Kiểu hung hăng và bạo lực của chúng mang tính công cụ, là một cách để chúng đạt mục đích, và rất hiếm khi đi kèm chút bận tâm nào về những đau đớn, khổ sở ở các nạn nhân. Ngược lại, hầu hết bạo lực ở các tội phạm khác mang tính phản xạ bột phát – một phản ứng nhất thời đối với sự đe dọa hay tình huống gây ra cảm xúc mãnh liệt. Loại bạo lực này thường được nối tiếp bởi cảm xúc hối hận và mặc cảm tội lỗi về những gì đã gây ra cho người khác.

Có lẽ điều nguy hiểm nhất từ khía cạnh an toàn cộng đồng là những kẻ tội phạm thái nhân cách tái phạm với tỷ lệ cao hơn nhiều và sớm hơn nhiều so với các tội phạm khác. Tỷ lệ tái phạm là phần trăm số tội phạm phạm thêm một tội ác nữa sau khi được trở về với cộng đồng. Những kẻ thái nhân cách chiếm khoảng 15% số tội phạm trong tù. Nhiều người trong số 85% còn lại có thể coi là thái nhân cách xã hội hay bị rối loạn nhân cách chống xã hội, một rối loạn tương tự thường bị nhầm lẫn với chứng thái nhân cách (xem dưới đây). Mặc dù tỷ lệ thái nhân cách trong dân số nói chung là khá nhỏ – chỉ khoảng 1% - những tác hại về xã hội, kinh tế, thể chất và tinh thần gây ra bởi những cá nhân với chứng rối loạn này vượt xa con số đó. Chúng gây ra ít nhất một nửa những tội ác bạo lực nghiêm trọng ở Bắc Mỹ. Tuy vậy, như chúng ta sẽ thấy, không phải tất cả những kẻ thái nhân cách đều là tội phạm, và không phải tất cả tội phạm đều là thái nhân cách.



Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Rắn độc mặc comlê - Chương 1: Bộ comlê đẹp quá. Rắn độc có mặc comlê đẹp vậy không?

Rắn độc mặc comlê

Tác giả: Paul Babiak và Robert Hare
Nguồn: Snakes in Suits: When Psychopaths Go to Work

Fred dẫn cả nhóm vào quán rượu O'Hare sau giờ làm việc tối hôm đó. Anh đặt trả hóa đơn chung rồi bắt đầu gọi đồ uống cho tất cả mọi người trong công ty. Khi nhiều người nữa đến nhập hội, những tiếng reo mừng và chúc tụng bắt đầu nổi lên khi mọi người ăn mừng sự may mắn của họ. Fred nâng cốc lên. Sự im lặng quay trở lại khi mọi người đều nâng cốc hướng về phía anh. “Chó Điên đã chết. Chó Điên sống mãi!”, anh hét lên cùng với niềm vui sướng của tất cả mọi người ở đó.

“Đúng, đúng!” họ vỗ tay hoan hô và cạn cốc, rồi những tràng cười và pháo tay tràn ngập cả quán. Không ai cảm thấy buồn tối hôm đó, một thay đổi lớn so với hầu hết các tối thứ sáu tại quán O'Hare trong suốt hai năm qua.

Mọi thứ ở công ty đều tốt cho đến khi Chó Điên đến. Lương và thưởng đều tuyệt vời, điều kiện làm việc dễ chịu, và cơ hội làm việc cho một trong những công ty lâu đời và được kính trọng nhất trong lĩnh vực này là điều rất có ý nghĩa với nhiều người. Tuy nhiên, như tất cả mọi điều tốt đẹp khác, rồi cũng đến lúc thay đổi. Giám đốc công ty, “Ông già Bailey” như bạn bè ông thường gọi (và hầu hết các nhân viên đều là bạn bè của ông), đã bán công ty dịch vụ tài chính của mình cho một công ty lớn hơn hai năm trước. Mặc dù vậy, như nhiều nhà quản lý thành công khác, ông không muốn thấy mình lặng lẽ chìm vào bóng tối, mà vẫn muốn có một vai trò trong công ty, vì vậy ông đàm phán và nhận một vị trí tư vấn tạm thời trong hội đồng quản trị để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Hội đồng quản trị hoan nghênh sự giúp đỡ của ông và hoàn toàn thoải mái với việc ông thỉnh thoảng viếng thăm trụ sở công ty cũ (bây giờ là một chi nhánh). Bailey muốn những giá trị cũ mà ông tạo dựng phát triển và lan ra những chi nhánh khác của công ty mới. Nhưng điều đó không thành công. Một công ty lớn có nghĩa là bây giờ có nhiều chi nhánh và địa điểm, và khả năng ảnh hưởng của ông ngày càng giảm dần cùng với mỗi vụ sáp nhập mới. Những chi nhánh khác cũng có những giá trị, những cách làm riêng của họ.

Mặc dù ông đã quyết định không tham gia vào hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, một quyết định làm ông không hài lòng là việc thăng chức cho Gus, “một thằng nhóc nhắng nhít” theo đánh giá của Bailey, vào vị trí Giám đốc điều hành chi nhánh. Bailey coi Gus là một đứa chỉ giỏi xu nịnh, tránh đối đầu, thích đùn đẩy việc khó khăn cho người khác và dễ bị xiêu lòng bởi những lời nịnh nọt. Bailey nghĩ Gus dành quá nhiều thời gian gặp gỡ cấp trên trong công ty và quá ít thời gian điều hành công việc trong chi nhánh của anh ta.

Chẳng bao lâu những bình bia và bát lạc rang được đưa đến các bàn ở phòng trong của quán O'Hare, nơi cả nhóm đang bàn luận các chi tiết trong hồi kết của Chó Điên. Cùng lúc nhân viên từ các phòng ban hòa trộn với nhau, những người chỉ nghe phong phanh tin đồn hỏi thêm thông tin từ người bên cạnh, những người khác thì muốn xác nhận lại các chi tiết họ đã nghe. Thật thú vị khi thu thập những mẩu của câu chuyện và lắp ghép lại thành bức tranh hoàn chỉnh về những gì đã thực sự xảy ra.

Sáu tháng sau khi Gus được bổ nhiệm, mọi thứ bắt đầu rối tung. Lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của nó, chi nhánh của Bailey không đạt được mục tiêu đã định. Kết quả kém đến nỗi các nhà phân tích thị trường bắt đầu đưa ra những nhận xét không mấy dễ chịu, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của cả công ty. Tồi tệ hơn nữa, có nguy cơ chi nhánh còn bị phạt một món tiền lớn một cách rất công khai và nhục nhã do không tuân thủ quy định trong một số hợp đồng chính phủ. Điều này chưa đến tai báo chí, nhưng chắc chắn nó sẽ gây chấn động nếu không được giải quyết nhanh chóng. Bailey cảm thấy cần phải cho Gus đi, và đề nghị để mình điều hành chi nhánh cho đến khi tìm thấy ứng cử viên tốt hơn. Hội đồng quản trị công ty không đồng ý. Với mong muốn giúp Gus, họ quyết định đặt ra một vị trí phó giám đốc điều hành dưới quyền anh ta.

Một người thu hút sự chú ý của họ như một ứng cử viên hoàn hảo là Helen. Helen tham gia một trong những chi nhánh được mua lại khác chỉ một năm trước và trở thành ngôi sao sáng trong thời gian ngắn. Bản đánh giá thành tích cá nhân ca ngợi tinh thần, sự siêng năng, khả năng tập trung, nhiệt huyết và những khả năng bẩm sinh khác. Cô đã chứng minh giá trị của mình cho cấp trên, xây dựng nên danh tiếng là một người có khả năng giải quyết mọi việc, hoàn thành tốt các dự án theo đúng tiến độ. Cũng phải thừa nhận rằng có một số thiệt hại xảy ra trong quá trình đó, nhưng điều đó có vẻ không làm các cấp trên của cô quan tâm, và họ đưa cô vào danh sách ứng cử viên cho những vị trí quản lý chủ chốt. Tuy nhiên, bất chấp những đánh giá sáng giá từ cấp trên, chi nhánh của cô vẫn hoạt động kém, trong khi tiếp tục tuyển thêm người, yêu cầu và được chấp thuận ngân sách ngày càng lớn hơn trong hai năm liên tiếp. Bailey tự hỏi làm sao ban quản lý có thể bỏ qua những con số này và đưa một người chỉ quen tiêu tiền phụ trách một chi nhánh đang có vấn đề về tài chính. Nhưng đấy không còn là quyết định của ông nữa rồi.

Helen vượt qua vòng phỏng vấn với ủy ban tìm kiếm một cách xuất sắc. Phong cách năng động, cuốn hút và khả năng chỉnh đốn các vấn đề về tổ chức mà cô tự nhận – những vấn đề mà rõ ràng là chi nhánh của Gus đang có – khiến cô trở thành lựa chọn hiển nhiên cho vị trí đó. Những nhà phân tích bên ngoài công ty cũng sẽ nhìn nhận việc bổ nhiệm một người quyết đoán, năng động và có khả năng như vậy vào một chi nhánh đang thất bại một cách đầy tai tiếng như một cam kết chắc chắn từ phía công ty sẽ đáp ứng các yêu cầu của chính phủ. Phong cách và thái độ của cô đều phù hợp với những gì ban quản trị và các nhà phân tích muốn thấy. Thời gian, hoàn cảnh và vị trí của cô đều có vẻ rất phù hợp.

Lynda, từ bộ phận kế toán, ngồi ở góc phòng nhấp cốc bia. Tiếng trò chuyện khàn khàn của các đồng nghiệp ngồi cùng tạo nên một khung cảnh dễ chịu cho những suy nghĩ riêng tư của cô. “Em phải vui mới phải, Lynda,” Julie, thành viên lâu năm của đội kiểm toán, nói. “Em đã thắng, và [từ tục tĩu bị xóa] đã biến rồi.”

Lynda uống một ngụm bia và mỉm cười bẽn lẽn. Vừa ra trường, cô không bao giờ nghĩ làm việc cho một công ty lớn sẽ như thế này. Vài tháng vừa rồi đã rất khó khăn với cô. Dĩ nhiên là cô có thể xử lý công việc, và còn phổ biến vài kỹ thuật đánh giá bằng máy tính mới được học ở trường đến cho nhóm. Nhưng nỗi đau mà cô đã phải chịu không chịu biến đi.

“Nghe đây, Lyn. Thế giới này gồm đủ loại người, và em không may vớ phải một đứa đểu trong công việc đầu tiên. Nhưng hầu hết mọi người là tốt và muốn làm tốt công việc của mình – em là một trong số họ, và em được bao bọc bởi bạn bè – em đã làm đúng; em là anh hùng của chúng ta.” Ánh mắt cảm thông từ mọi người quanh bàn hướng tới cô, và Julie quàng tay ôm lấy Lynda. Cô mỉm cười.

Lynda không may đã là mục tiêu hành hạ trong bộ phận kế toán. Có thể đó là sự ngây thơ, tuổi trẻ hay xu hướng trung thực của cô, nhưng ngay cả Julie cũng không thể che chắn cho cô hoàn toàn. Julie đã cố gắng bảo vệ cho Lynda khi quá trình kiểm toán của cô đặt ra nhiều dấu hỏi nghiêm trọng về những gì Chó Điên đang làm, nhưng thực lực của Julie không thể lại được với Chó Điên.

Helen thất vọng với quyết định đó. Cô đã nghĩ Gus sẽ bị loại bỏ và cô sẽ nhận được vị trí cao nhất trong chi nhánh. Phó giám đốc nhân sự của chi nhánh giải thích với cô rằng vị trí hiện thời là một vị trí rất nổi bật, có vai trò quyết định trong việc cải thiện hoạt động hàng ngày của chi nhánh. Tất cả mọi người sẽ để ý xem cô có thể giúp Gus xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn không. Cô được cho biết hoàn thành xuất sắc vai trò mới sẽ giúp mang lại những đề bạt nhanh chóng và đáng kể trong tương lai. Thêm vào đó, Helen và Gus được xem như một kết hợp tuyệt vời cho công việc, và mặc dù khá là khác nhau trong cách tiếp cận và phong cách, họ là một đôi rất tốt – cô có thể học từ kinh nghiệm của Gus cũng như Gus học từ cô.

Helen nói cô sẽ nhận công việc mới nếu cô có được sự giúp đỡ cần thiết để thành công, một yêu cầu ai cũng phải thấy là hợp lý. Tổng công ty sẵn sàng làm mọi điều cần thiết và phê duyệt mọi yêu cầu nhằm giải quyết vấn đề đáng xấu hổ trong lịch sử công ty này. Do vậy, hoàn toàn ngược lại với những kiểm soát tài chính chặt chẽ ở những chỗ khác trong công ty, Gus và Helen gần như có bất cứ thứ gì họ yêu cầu. Với những đảm bảo như vậy, và gần như một tấm séc trắng đã ký sẵn, Helen đồng ý nhận công việc.

Chỉ sau hơn sáu tháng, những vấn đề gây phiền phức cho chi nhánh dường như đã biến mất. Tỷ lệ đạt yêu cầu trong thực thi các hợp đồng chính phủ tăng lên đến 95%, những sai sót (về con người, chương trình máy tính và thủ tục) mà lúc trước dẫn đến những vấn đề đó được tìm ra và nhanh chóng khắc phục, và câu hỏi về việc tuân thủ quy định chính phủ đã biến đi một cách lặng lẽ. Một mình Helen nhận được hầu hết sự khen ngợi trong việc cứu chi nhánh. Ngay cả Gus cũng tỏ lời khen cô, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiệp, sự siêng năng và cống hiến cho công việc.

Fred đi một vòng đến từng nhóm nhỏ trong phòng. Những lời chúc tụng và cạn cốc phát ra ở mỗi nhóm anh đến. Những mẩu hội thoại sôi nổi cũng được nghe thấy trên nền âm thanh chung. Rick, ở phòng thư tín, xác nhận là cảnh sát bang đã có mặt ở cửa sau để giữ tất cả mọi người ở lại bên trong. “Và có hai tay mặc com-lê đen mang máy tính, giấy tờ và cả giấy vụn trong sọt rác nữa,” anh ta thuật lại. Sheila, ở bộ phận an ninh, xác nhận đã nhận được điện thoại sáng hôm đó, tiếp đến là mệnh lệnh đặt các nhân viên an ninh ở cửa trước. “Vâng, còng tay nữa,” cô trả lời thắc mắc của đám nhân viên tiếp thị.

Không ai ngạc nhiên khi Gus bị thuyên chuyển khỏi vị trí – có lẽ ngoại trừ Gus – sau khi Helen nói với các thành viên hội đồng quản trị về những lỗi lầm của anh ta trong kết quả kinh doanh đáng thất vọng lúc trước. Cô có những ý tưởng thông minh, rất nhiều nhiệt huyết và rất bền bỉ trong việc giành lấy những gì cô muốn. Cô xây dựng nên một câu chuyện nghe rất có lý về khả năng quản lý yếu kém của Gus, đồng thời làm nổi bật vai trò của cô. Helen có cá tính cực kỳ cạnh tranh, rất mạnh mẽ trong giao tiếp với người khác và rất thích là trung tâm của mọi sự chú ý. Việc xoay chuyển tình thế ở chi nhánh đã cho cô bàn đạp cần thiết để vươn tới một sự nghiệp lớn ở công ty. Nói chung, cô đã khiến họ tin rằng cô có tất cả những đức tính cần thiết để lãnh đạo một công ty lớn. Cô là lựa chọn hiển nhiên để thay thế Gus, và đã được thăng cấp lên vị trí giám đốc điều hành chi nhánh của Gus.

Cánh cửa trước của quán O'Hare mở từ từ. Một người đàn ông to lớn đứng ở đó trong bộ áo choàng dài màu đen. Ông liếc nhìn đồng hồ và tiến về phía quầy rượu. O'Hare đứng ở quầy tối hôm đó và gật đầu chào ông. Tháo găng tay đen ra, người đàn ông gọi một cốc rượu cốc-tay gừng. O'Hare gật đầu và đi pha cốc rượu.

Dĩ nhiên không phải ai cũng thích Helen, và một số nhân viên không tin tưởng cô ta. Cô đối xử với cấp dưới với thái độ coi thường và khinh thị, thường chế giễu khả năng làm việc của họ. Ngược lại, với những người mà cô ta thấy hữu ích cho sự nghiệp của mình, cô ta tỏ ra duyên dáng, hấp dẫn và luôn vui vẻ. Cô có biệt tài trưng ra mặt tốt của mình cho những người cô cảm thấy quan trọng, trong khi bôi nhọ và loại trừ bất cứ ai không đồng ý với những quyết định của cô.

Helen trở nên nổi tiếng về tài rót vào tai cấp trên những gì họ muốn nghe. Cô ta chuẩn bị cho những cuộc gặp với ban quản trị như chuẩn bị quay phim ở Hollywood. Cô bắt tất cả cấp dưới phải báo cáo theo những kịch bản đã thỏa thuận trước, và dành tất cả những câu hỏi bất ngờ hoặc khó trả lời cho cô. Theo các đồng nghiệp, Helen là bậc thầy trong nghệ thuật gây ấn tượng, và cô ta đã thành công trong việc điều khiển cấp trên, đe dọa cấp dưới và nắm chặt tất cả những ai quan trọng với cô ta.

Cầm cốc rượu của mình lên, người đàn ông nhìn quanh quán. Ơ đây yên tĩnh ngoại trừ tiếng ồn từ căn phòng phía sau. Vị khách gọi một cốc nữa, đặt thẻ tín dụng của mình lên bàn. O'Hare rót đầy cốc, đặt lên bàn rồi cầm thẻ tín dụng đi trừ tiền.

Sau khi vụ rắc rối với chính phủ đã trở thành dĩ vãng và Gus không còn là vật cản, Helen bắt đầu bộc lộ phong cách quản lý độc đoán của mình. Mỗi buổi họp với nhân viên là một màn diễn đầy kịch tính và các nhân viên thường cảm thấy bầm dập, nhục nhã sau mỗi cuộc gặp mặt với cô ta. Cô ta thường sùng sục đi quanh khu văn phòng mới – mà cô ta vừa thuê chỉ vì cô ta muốn có một căn phòng làm việc rộng hơn cho mình – không chào hỏi ai, tuôn ra mệnh lệnh cộc lốc và nói chung là dọa nạt, xô đẩy mọi nhân viên.

Phong cách này hoàn toàn trái ngược với Bailey, một người mà cửa phòng làm việc luôn mở rộng, một người thường xuyên đi tiếp xúc với nhân viên, lắng nghe ý kiến mới để cải thiện doanh nghiệp. Bailey quý trọng nhân viên của mình và làm họ phải kinh ngạc với khả năng nhớ tên vợ hoặc chồng của họ hay nhớ những thành tích mà con cái họ đạt được. Bailey là một con người của công chúng, một người không chỉ cực kỳ thông minh mà còn rất biết cách kiếm tiền, và ông kiếm rất nhiều tiền. Ông biết rằng thành công của ông – thành công của doanh nghiệp – phụ thuộc vào chất lượng của các nhân viên và ông chia sẻ vinh quang cũng như bổng lộc với mọi người xung quanh.

Trong vài tháng sau đó, Helen tuyển nhóm nhân viên mới của riêng cô ta, thay thế nhiều đối thủ to mồm trong đám nhân viên kỳ cựu ở chi nhánh. Dựa trên cảm tính cá nhân khi tuyển nhân viên, cô ta thường đưa ra những món thưởng lớn để lôi kéo các tài năng trẻ tuổi rời khỏi công việc hiện thời của họ, và rồi nếu cô ta quyết định – chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần – rằng họ không phù hợp với mình, lập tức cho họ nghỉ việc. Cô ta sa thải hầu hết nhóm người mới tuyển một cách cực kỳ nhanh chóng khi cô ta cảm thấy họ không đủ năng lực hay không cần thiết. Không hề có sự quan tâm về những tổn hại mà cô ta đã gây ra với sự nghiệp và cuộc sống gia đình của những người đó, hay những vấn đề pháp lý mà cô ta có thể gây ra cho công ty.

Helen dường như có thể làm bất kỳ điều gì cô ta muốn mà không làm sao, bao gồm cả việc mua sắm những thứ xa xỉ nhất như máy tính, xe hơi, căn hộ riêng hay bất cứ thứ đồ dùng để phô trương quyền lực nào khác. Helen bày ra một chuỗi hội thảo dành riêng cho ban quản lý ở những điểm du lịch nhiệt đới rất tốn kém, với những khách mời nổi tiếng, trong đó cô ta trưng bày những thành tích của chi nhánh mà cô ta nhận tất cả công trạng. Bản báo cáo thành tích của cô ta không hề khớp với sự thiếu gắn kết diễn ra lâu nay trong nội bộ chi nhánh – nhưng bằng cách nào đó, không ai ở ngoài chi nhánh nhận thấy điều này.

Cô ta không muốn và có lẽ không có khả năng thừa nhận rằng những quyết định của cô ta có thể mang đến hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp. Bất cứ ai đặt câu hỏi về hành vi của cô ta đều nhận được những phản ứng dữ dội, ví dụ như khi cô ta sa thải một chuyên viên quản lý mà tổng công ty thuê để giúp cô ta. Cô ta không bao giờ sai mà chỉ có đúng và chỉ quan tâm đến những tin tức tốt đẹp. Nhân viên phẫn nộ với cách cô ta diễu qua diễu lại như một nữ hoàng. Cô ta rất thích phô trương địa vị, quyền lực và những đặc quyền mà cô ta có trong công ty, bao gồm cả một máy bay riêng mà tổng công ty thuê cho cô ta. Cô ta có nhiều kẻ thù, nhưng nhiều nhân viên cũng sợ cô ta.

Người đàn ông ở quán liếc nhìn đồng hồ một lần nữa và nhìn quanh quán như thể tìm kiếm ai đó. “Họ ở trong kia,” O'Hare nói, gật đầu về phía cánh cửa ra phòng sau. “Tôi không nghĩ là họ đang đợi ông, nhưng ông cứ đi thẳng vào cũng được.”

Điều làm các nhân viên thực sự khó chịu là sự vắng mặt ngày càng tăng của Helen, trong khi lúc Gus còn phụ trách thì cô ta gần như sống trong phòng làm việc. Trợ thủ của cô ta, Ned – một gã bạn thân mà cô ta bổ nhiệm vào một vị trí phát triển kinh doanh mới – cũng thường vắng mặt cùng lúc, gây ra những tin đồn không mấy tốt lành. Một tin đồn nghiêm trong hơn là về việc anh ta hoạt động một doanh nghiệp khác nữa bên lề, mặc dù chính sách của công ty cấm điều đó. Sự có mặt của Ned gây ra bực bội trong các nhân viên, nhưng Helen bảo vệ anh ta và không ai dám mâu thuẫn hay đặt câu hỏi về anh ta.

Với cốc rượu trong tay, người đàn ông nhẹ nhàng đẩy cửa vào phòng trong. Không ai nhận thấy ông, ngoại trừ Fred.

“Ned bị tóm trong căng tin đang uống cafe,” Sheila thuật lại. “Khi họ còng tay hắn, hắn ta phản đối um sùm, đòi gọi điện cho luật sự!”

“Thế còn chuyện Chó Điên tìm cách thoát bằng máy bay?” Sam, một người luôn biết về các tin đồn cuối cùng, hỏi.

Nhìn thấy ai vừa bước vào phòng, Fred đặng hắng lớn tiếng để cảnh báo mọi người, nhưng chẳng mấy ai nghe thấy. Anh bắt đầu gõ vào cái cốc trước mặt bằng cái nhẫn của mình để thu hút sự chú ý. Nhiều người bắt đầu nhận thấy sự có mặt của người đàn ông mới vào. Tiếng ồn ào nhỏ dần thành tiếng thì thầm, và tiếng thì thầm tắt hẳn thành im lặng hoàn toàn.

Vụ gian lận bị phát hiện vừa thông minh lại vừa táo tợn. Không ai ngờ được rằng những khách hàng góp phần chủ yếu vào sự xoay chuyển tình thế và sự phát triển của chi nhánh là hoàn toàn hư cấu, và rằng Ned và Chó Điên là một nhóm lừa đảo. Các nhân viên cũng không hề biết rằng một số khách hàng lớn của chi nhánh cũng hoàn toàn do Ned bịa ra để thổi phồng kết quả kinh doanh. Không ai có thể tưởng tượng họ đã làm việc ngay cạnh một đôi lừa đảo.

Người đàn ông nhìn qua các gương mặt trong phòng, mỉm cười với những ai ông vẫn còn nhận ra. Thấy Shirley ở bàn sau, ông tiến về nhóm đó. Hầu hết mọi người ở đó đã đứng lên, nhưng Lynda, ngồi quay lưng ra cửa, vẫn còn chìm sâu trong suy nghĩ. Ông đi đến đâu, đám đông rẽ ra đến đó. Đứng bên cạnh cô, ông hỏi, “Cháu có phải Lynda không?” Giật mình khỏi cơn mơ màng, cô quay lại và thấy người đang đứng bên cô.

Ít có công ty nào trải qua vụ tai tiếng nổi đình nổi đám như hôm đó. Cuối cùng, các nhà chức trách khám phá được rằng Helen, dùng mã truy cập máy tính mà cô ta lấy được từ bộ phận công nghệ thông tin, đã thực hiện những thay đổi rất nhỏ trong tài khoản của nhiều khách hàng, dần dần chuyển một số tiền lớn vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của cô ta. Ned, tình cờ có mặt ở văn phòng hôm đó, đã nhìn thấy cảnh sát đến và có đủ thời gian để gọi điện báo cho Helen trước khi lao khỏi phòng về phía lối ra ở căng tin và rơi vào tay cảnh sát. Helen may mắn hơn. Trong khi những chiếc xe không đánh dấu đi dọc phố về phía nhà cô ta, cô ta trốn khỏi cửa sau ngôi biệt thự, chạy qua vườn sau ra phố, nơi cô ta luôn đậu chiếc ô tô thứ hai sẵn sàng cho những vụ khẩn cấp như vậy. Trong khi chiếc máy bay do công ty thuê bị theo dõi, không ai tưởng tượng được rằng cô ta còn thuê một chiếc máy bay tư nhân khác ở sân bay địa phương phía bên kia thị trấn.

“Vâng, thưa ngài,” Lynda rụt rè nói.

“Chú muốn gửi lời cảm ơn của cá nhân chú về tất cả sự giúp đỡ của cháu. Chú thực sự đánh giá cao lòng can đảm và tính trung thực của cháu.”

“Ngài Bailey,” Fred tiến đến sau ông nói, “thật tuyệt khi thấy ngài ở đây. Xin chào mừng ngài đến với buổi gặp mặt nhỏ của chúng tôi.”

“Tôi cũng vui mừng khi gặp lại anh, Fred. Có vẻ như chúng ta đã hết bia rồi,” ông nói đầy hàm ý rồi ngồi xuống ghế bên cạnh Lynda. “Mọi người, bữa tiệc hôm nay là tôi chi,” Ông già Bailey nói. “Fred, anh có thể lấy một cốc nữa cho tôi được không? O'Hare biết tôi uống gì.”

Về tác giả:

Tiến sĩ Paul Babiak là một nhà tâm lý học chuyên về tổ chức doanh nghiệp và là giám đốc của HRBackOffice, một công ty tư vấn trong lĩnh vực phát triển nhân sự cấp cao. Những bài viết của ông đã được đăng trên các tờ New York Times, Washington Post, Harvard Business Review và nhiều tờ báo khác.

Tiến sĩ Robert D. Hare là tác giả cuốn Without Conscience (Không có lương tâm) và là người phát minh Bản Kiểm tra Thái nhân cách (The Pychopathy Checklist), công cụ chẩn đoán chứng thái nhân cách được sử dụng rộng rãi hiện nay. Ông là giáo sư danh dự khoa tâm lý học ở trường Đại học British Columbia, và là giám đốc Darkstone Research Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn pháp y. Ông đã dành được rất nhiều giải thưởng cho những nghiên cứu về chứng thái nhân cách.



Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Chế độ ăn ít carbohydrate: Vài mẹo nhỏ cho những ai bắt đầu - phần 2

Chế độ ăn ketogenic

Nguồn: Tips & tricks for starting (or restarting) low-carb - Part II
Tác giả: Michael R. Eades, M.D.

Trong bài viết trước, chúng ta thảo luận về cách tốt nhất để thúc đẩy quá trình thích nghi với trạng thái ít carbohydrat là tăng cường lượng mỡ ăn vào. Tôi không đề cập đến nhưng một bí mật nhỏ khác là để ý lượng protein. Quá nhiều protein sẽ ngăn cản sự chuyển đổi sang ketosis vì gan bạn sẽ chuyển một số protein đó thành glucose – lượng glucose này sẽ được dùng làm năng lượng trước và làm chậm lại quá trình chuyển đổi. Dĩ nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi, bao nhiêu protein là quá nhiều? Chừng nào bạn nhận protein từ thịt nhiều mỡ, nhiều khả năng là bạn sẽ không gặp vấn đề gì. Nếu bạn chỉ chọn phần thịt toàn nạc, ví dụ thịt gà nạc bỏ da, hay bạn uống bổ sung bột protein ít chất béo, bạn có thể gặp vấn đề trong quá trình thích nghi. Nếu bạn uống bổ sung bột protein, tôi khuyên bạn nên cho thêm một ít dầu dừa vào đó vì một số lý do. Thứ nhất, bạn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, và thứ hai, chất béo trong dầu dừa sẽ giúp loại bỏ chất béo khỏi gan và giúp phục hồi gan bạn.

Như tôi đã viết ở bài trước, bạn thực sự cần ăn nhiều chất béo để thúc đẩy quá trình thích nghi càng nhanh càng tốt. Nếu bạn không thích ăn thịt nhiều mỡ, bạn có thể thêm một ít triglyceride chuỗi trung bình (medium-chain triglycerides hay MCT) vào chế độ ăn. MCT được hấp thụ gần giống như carbohydrat và nhanh chóng được sử dụng bởi cơ thể. Chúng gần như không bao giờ được chuyển thành tế bào chất béo của cơ thể mà được đốt làm năng lượng, chút nào còn lại đều được chuyển thành ketone. Vì vậy, MCT sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất ketone. Dầu dừa cũng vậy nếu bạn thích nó hơn.

Bạn có thể tìm thấy dầu MCT ở hầu hết các cửa hàng bán thực phẩm và thuốc bổ sung sức khỏe (health food shops). Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì với nó, nhưng một số người có thể bị buồn nôn nếu họ uống quá nhiều. Vì vậy nếu bạn quyết định thử, hãy bắt đầu ít một rồi tăng dần. Hoặc là dùng dầu dừa.

Ngoại trừ việc thỉnh thoảng thèm carbohydrat, những triệu chứng phổ biến nhất của những người mới bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat là mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và chuột rút. Có thể nói bốn triệu chứng này chiếm đến 98% những phàn nàn chúng tôi nhận được từ các bệnh nhân khi họ mới bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat. Không phải ai cũng trải qua những triệu chứng này – đặc biệt là những người làm theo các chỉ dẫn của chúng tôi – nhưng trong số những người có gặp vấn đề, nó gần như luôn luôn là một trong bốn triệu chứng đó. Hãy thử xem bạn có thể làm gì để tránh hoặc chữa trị nếu bạn đang phải trải qua những triệu chứng đó.



Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Chế độ ăn ít carbohydrate: Vài mẹo nhỏ cho những ai bắt đầu - Phần 1

Low carb

Tác giả: Tiến sĩ y khoa Michael R. Eades
Nguồn: Proteinpower.com

Như những ai từng trải qua nó đều biết, bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat thường đi kèm một số trở ngại. Không phải với tất cả, nhưng một số. Những trở ngại nho nhỏ ban đầu này – cộng với áp lực từ bạn bè và người thân, những người có ý tốt nhưng thiếu hiểu biết, nghe theo đài báo mà nói rằng chế độ ăn ấy sẽ làm hại thận, làm nghẽn động mạch và suy yếu xương bạn – là đủ để khiến nhiều người từ bỏ kế hoạch của họ. Dựa trên gần 30 năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân bằng chế độ ăn ít carbohydrat của mình, tôi có thể đưa ra một số lời khuyên và mẹo nhỏ để giúp bạn đối phó với những trở ngại ban đầu này.

Lắng nghe cơ thể bạn?

Con đường chắc chắn nhất để dẫn đến thất bại trong những ngày đầu của chế độ ăn ít carbohydrat là lắng nghe cơ thể bạn. Cái ý tưởng lắng nghe cơ thể bạn là một trong những thứ làm tôi bực mình nhất. Trên thực tế, chỉ nghe những từ đó thôi là đủ làm tôi muốn nôn mửa. Chúng thường được thốt ra bởi những cô nàng với đôi mắt ươn ướt, mơ màng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi vừa đọc hàng đống lời nhận xét trong một trang blog về chế độ ăn nguyên thủy (paleo), trong đó ý tưởng nhảm nhí đó được đưa ra bởi nam giới nhiều hơn nhiều so với nữ giới.

Lắng nghe cơ thể bạn cũng giống như thả lỏng cương cho một con ngựa hoang chưa được thuần hóa. Nếu bạn vừa bắt đầu cai rượu ba ngày mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Nếu bạn ở trong trại cai nghiện ma túy mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Và nếu bạn vừa bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat một tuần mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Thực ra thì, lắng nghe nó cũng được, nhưng đừng làm những gì nó bảo bạn làm, bởi vì nếu bạn làm thế thì bạn đi tong.

Được rồi, không nói năng bừa bãi nữa. Tôi chỉ xả một chút cho đỡ tức. Bạn không thể tưởng tượng nổi con số những người vừa bắt đầu thử chế độ ăn ít carbohydrat, rồi bỏ cuộc và nói với tôi những từ đó. Không được, tôi lại sắp sửa nói năng bừa bãi. Dừng lại!



Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Ảo vọng ăn chay - Chương 4 phần 3: Tác hại của đậu tương với sức khỏe

Tác giả: Lierre Keith
Nguồn: Sách The Vegetarian Myth

Không một thảo luận nào về ăn chay có thể đầy đủ nếu không nói đến đậu tương. Đậu tương từng được tung hô là giải pháp cho mọi thứ từ chứng triều nhiệt của phụ nữ mãn kinh cho đến nạn đói của thế giới. Các tập đoàn nông nghiệp đã làm mọi cách để chúng ta tin rằng đậu tương có lợi cho sức khỏe – ADM tiêu 4,7 triệu đôla để mua thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình Gặp gỡ báo chí (Meet the Press), và 4,3 triệu đôla cho chương trình Nói chuyện với cả nước (Face the Nation) – mặc dù cho tới gần đây, chưa có ai từng ăn những thứ sản phẩm công nghiệp đang được bán cho tất cả mọi người trên khắp Hoa Kỳ, từ người già cho đến trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh.

Đậu tương là một cây họ đậu từng được trồng xen canh với các vụ cây ngắn hạn khác trên khắp châu Á. Bởi vì nó có thể giữ nitơ từ không khí, đậu tương được dùng như một loại phân xanh. Những chữ tượng hình của Trung Quốc cho lúa mạch, kê, gạo và lúa mì vẽ phần hạt của chúng, bởi vì phần ăn được là quan trọng. Chữ tượng hình cho đậu tương vẽ phần rễ, bởi vì nó được trồng chỉ để giữ đất chứ không phải để ăn. Đậu tương chứa nhiều chất phản dinh dưỡng đến nỗi nó không thể ăn được nếu không qua rất nhiều khâu xử lý, nhiều hơn nhiều so với các loại hạt khác.

Đầu tiên, đậu tương chứa những chất ức chế trypsin. Trypsin, như bạn vẫn nhớ, là một enzyme tiêu hóa sản xuất bởi tuyến tụy. Đấy là lý do tại sao ăn đậu tương gây đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Lên men đậu tương sẽ làm vô hiệu hóa hầu hết các chất ức chế trypsin. Trong một nghiên cứu thực hiện trên 50 nền văn hóa châu Á, những dân tộc tìm được cách vô hiệu hóa các chất ức chế trypsin là những dân tộc duy nhất coi đậu tương là thứ ăn được. Tương miso của Nhật Bản, món được lên men rất kỹ, bắt đầu được ăn vào khoảng giữa thế kỷ 2 trước công nguyên và thế kỷ 4 sau công nguyên. Đậu phụ, món không được lên men, được phát minh vào năm 164 trước công nguyên, và tempeh, một món cũng được lên men, được sáng chế vào những năm 1600. Các nhà sư ăn đậu phụ vì nó giúp họ giữ lời thề tiết chế tình dục: chất phytoestrogen trong đậu tương làm giảm nồng độ testoterone và ham muốn tình dục của họ. “Ngoại trừ trong nạn đói,” chuyên gia về đậu tương Kaayla Davis viết, “đậu phụ được dùng như một món ăn thêm, ăn với lượng nhỏ, thường là cùng với canh cá, chứ không phải là món chính.” Người Trung Quốc chỉ dùng đậu tương làm nguồn protein chính khi họ đang chết đói – khi mà họ ăn cả con cái họ.

Canh cá là một chi tiết quan trọng trong câu chuyện về đậu tương. Nếu bạn chịu được những cơn đau bụng gây ra bởi chất ức chế trypsin, vấn đề tiếp theo với đậu tương là phytat. Phytat, bạn nhớ không, liên kết với các chất khoáng trong đường tiêu hóa khiến bạn không hấp thụ được chúng. Đậu tương có nồng độ phytat cao đến mức không một phương pháp ngâm hay lên men nào có thể loại trừ hết chúng. Bạn có thể thấy sự khôn ngoan trong việc ăn đậu phụ cùng canh cá, vì canh cá cung cấp một lượng lớn các chất khoáng để bù lại ảnh hưởng của phytat.



Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tầm quan trọng của chất béo với bộ não

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 25: Tầm quan trọng của chất béo với bộ não


Bộ não là cơ quan tốn kém nhất về mặt năng lượng trong cơ thể. Nó chỉ chiếm 5% khối lượng cơ thể, nhưng dùng ít nhất 20% – 30% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể để thỏa mãn nhu cầu của nó. Nhiều người nghĩ rằng bộ não cần glucose để có lượng năng lượng này, nhưng rất ít người biết rằng thực ra bộ não thích ketone, một hợp chất chứa năng lượng tạo ra từ mỡ, làm nguồn năng lượng chính hơn!


Bộ não có thể dùng glucose, đặc biệt là khi người đó ăn chế độ ăn gồm chủ yếu là carbohydrat hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng trong điều kiện bình thường hàng ngày, glucose không cần thiết cho bộ não như mọi người vẫn thường nghĩ. Khi không có carbohydrat và một khi đã thích nghi về mặt chuyển hóa chất, bộ não dễ dàng sử dụng ketone làm nguồn năng lượng chính.

Bộ não dùng ketone trong trạng thái ketosis. Sử dụng ketone trong não là phổ biến ở trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa mẹ giàu chất béo. Sự chuyển đổi sang phụ thuộc vào carbohydrat chỉ xảy ra khi carbohydrat được đưa vào chế độ ăn của trẻ. Những enzyme chịu trách nhiệm chuyển hóa ketone, d-beta-hydroxybutyrate dehydrogenase, acetoacetate-succinyl-CoA transferase, acetoacetyl-CoA thiolase, có đủ trong não để chuyển hóa ketone thành acyl-CoA và đưa nó vào chu trình tricarboxylic acid ở tốc độ phù hợp để thỏa mãn nhu cầu năng lượng của bộ não. Khả năng sử dụng ketone trong não tỷ lệ thuận với trạng thái ketosis của cơ thể.

Cơ thể ưu tiên đốt đường trước mỗi khi nồng độ đường huyết tăng quá mức, chủ yếu để loại bỏ chất tai hại đó khỏi cơ thể bằng mọi cách có thể. Glucose cũng còn được dùng làm nguồn năng lượng chủ yếu cho bộ não khi nó đột nhiên có nhu cầu năng lớn, ví dụ như trong tình trạng khẩn cấp. Lượng carbohydrat dự trữ trong gan dưới dạng glycogen luôn sẵn sàng cho trường hợp đó. Không một ai cần ăn carbohydrat để có đủ glucose cho não hay cơ thể dùng. Không bao giờ.

Trên thực tế, dùng hoàn toàn glucose làm nguồn năng lượng chính cho bộ não và cơ thể là trái tự nhiên và có hại. Không may đây là trạng thái của tuyệt đại đa số mọi người. Các tế bào não không chịu tác động nhiều bởi insulin và do đó bị ảnh hưởng từ quá trình glycation và ôxy hóa của các gốc tự do do glucose tạo ra hơn bất cứ mô nào khác trong cơ thể. Không có cái gọi là mức độ an toàn của glucose. Glucose và các loại đường khác như fructose luôn luôn gây ra quá trình glycation và tạo ra các gốc tự do. Không gì có thể thay đổi điều đó. Mặc dù chúng ta cần glucose ở một mức độ nhất định để cung cấp năng lượng cho các tế bào hồng huyết cầu, glucose là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến sự thoái hóa và cái chết của chúng ta. Tuy vậy, chúng ta có thể kiểm soát mức độ glycation và thoái hóa, thông qua việc lựa cho ăn gì.


Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Nuôi dưỡng bộ não cho đúng

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 24: Nuôi dưỡng bộ não cho đúng


Những nghiên cứu mới nhất cho thấy yếu tố ăn uống có vai trò quan trọng trong việc quyết định bộ não ở tuổi già vẫn minh mẫn hay phải chịu một trong những căn bệnh thoái hóa thần kinh.

Tiến sĩ Mark P. Mattson, “Tương tác giữa chế độ ăn và gen trong sự già đi của não bộ và các hội chứng thoái hóa thần kinh,” Tạp chí Nội Y học (Annals of Internal Medicine), 2003

Quan niệm sai lầm thông thường là có sự tách biệt giữa tâm trí và cơ thể. Trên thực tế, không có sự tách biệt lớn nào giữa tâm trí và cơ thể. Điều gì xảy ra với một cái cũng xảy ra với cái kia. Cả hai thuộc về cùng một hệ thống, hoạt động tốt hoặc hư hỏng cùng nhau. Bạn không thể có hoạt động nhận thức và tâm lý khỏe mạnh mà không có một cơ thể khỏe mạnh, được nuôi dưỡng hợp lý (Lần cuối cùng tôi kiểm tra, bộ não là một phần của cơ thể con người – ít nhất là ở hầu hết mọi người). Ngay cả những phương pháp trị liệu tâm lý hay thuốc an thần tốt nhất cũng không thể mang lại một chất dinh dưỡng bị thiếu hay loại trừ một chất độc đang ở trong bộ não. Những thứ đó còn lâu mới có thể bù lại một chế độ ăn không đúng mực.

Nguy cơ suy giảm trong chức năng nhận thức và khả năng học hành ở học sinh trung học tăng 400% nếu bị nhạy cảm với gluten.
M. Verkasalo, “Bệnh celiac thầm lặng không được chẩn đoán: Một nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng học hành,” Tạp chí Vị tràng học Scandinavia (Scandinavian Journal of Gastroenterology), 2005
Bộ não và cơ thể cần một số nguyên liệu thô để hoạt động. Chấm hết. Không có đầy đủ những nguyên liệu thô phù hợp, không một hình thức trị liệu nào có thể có kết quả tối ưu hay lâu dài. Những chất độc nhận vào hàng ngày, dù là đường hay bột, gluten, rượu bia, kim loại nặng, mì chính, xenoestrogen, thực vật biến đổi gen, hay chất ô nhiễm, không thể được bù lại bằng bất cứ hình thức trị liệu tâm lý hay bằng cách nhồi thêm chất độc mới dưới hình thức thuốc kê đơn. Thêm vào đó, tất cả các chất truyền dẫn thần kinh có các thụ cảm tương ứng ở tất cả mọi cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Trong số gần 300 chất truyền dẫn thông tin trong cơ thể, gần như tất cả ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không phải chỉ giới hạn ở bộ não. Ngay cả các nơron cũng không giới hạn trong não bộ. Chúng tồn tại với số lượng lớn ở nhiều nơi khác trong cơ thể.

Tâm trí (bao gồm cả trí nhớ và tình cảm) không chỉ nằm trong bộ não; tâm trí tồn tại như một “trường” xuyên khắp cơ thể con người! Cái gì ảnh hưởng đến tâm trí sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, và ngược lại. Bạn không thể tách rời hai thứ.


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 18: Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?


Ngày 20/1/1999, chương trình ABC World News Tonight (Tin tức thế giới tối nay của đài ABC) với người dẫn chương trình Peter Jennings tường thuật rằng một nghiên cứu quy mô lớn mới được công bố cho thấy chất xơ hoàn toàn “vô dụng” trong việc giúp phòng ngừa ung thư đại tràng. Nghiên cứu này vừa được công bố trong Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine). Nó cho thấy rằng chất xơ, từng được coi là thần dược để phòng tránh ung thư đại tràng và củng cố sức khỏe đại tràng, hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ. Vâng, bạn nghe đúng đấy. Nghiên cứu khổng lồ trên 88.000 người trong vòng 16 năm đó kết luận một cách chắc chắn rằng ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ không có chút tác dụng nào trong việc phòng tránh ung thư đại tràng.

Tờ Thời báo New York có dòng tít tương tự “Nghiên Cứu Cho Thấy Chất Xơ Không Giúp Phòng Tránh Ung Thư Đại Tràng”. Giả thuyết này được đưa ra bởi bác sĩ kiêm nhà truyền giáo người Anh, Denis P. Burkitt, người từng nghiên cứu một số dân tộc có vẻ không bị ung thư đại tràng ở châu Phi và phỏng đoán rằng chế độ ăn giàu chất xơ là yếu tố hỗ trợ. Giả thuyết này đã bị bác bỏ vĩnh viễn một cách thuyết phục bởi nghiên cứu trên. Tờ Thời báo New York viết, “Ông lan truyền giả thuyết của mình như một chân lý về dinh dưỡng, khiến hàng triệu người nghe theo mà thay đổi chế độ ăn của họ. Giờ đây, một nghiên cứu lớn nhất từng được tiến hành về chủ đề này đã kết luận rằng, ít nhất là đối với phòng tránh ung thư đại tràng, tất cả những thứ ngũ cốc, rau hoa quả ấy không có tác dụng gì.” Tác giả chính của nghiên cứu này, Walter Willett, giáo sư tiến sĩ dinh dưỡng và dịch tễ học tại khoa Sức khỏe Cộng đồng trường đại học Harvard, tuyên bố, “Giả thuyết rằng chất xơ là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư đại tràng có vẻ lý thú, nhưng thực tế là dữ liệu nghiên cứu không ủng hộ nó chút nào.” Ông nói tiếp, “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu dài nhất từng được tiến hành, và chúng tôi xem xét nhiều khía cạnh của chế độ ăn. Chúng tôi xem xét cả u hạch và ung thư đại tràng và không có chút gì ủng hộ ý tưởng rằng chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư.”

Bạn có thể nghĩ tất cả những cái đó sẽ làm thay đổi khuyến nghị về dinh dưỡng của các bác sĩ. Nhưng có vẻ tất cả bọn họ đều không xem bản tin tối hôm đó và cũng không đọc báo vào sáng hôm sau. Câu truyện cổ tích rằng chất xơ giúp phòng tránh ung thư đại tràng vẫn tiếp tục được truyền bá, ngay cả khi ngũ cốc giàu chất xơ đã nhiều lần được chứng minh là có liên quan đến nhiều chứng bệnh đường ruột, bao gồm cả ung thư đại tràng.


Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Carbohydrat - Con đường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 15: Carbohydrat - Con đường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 

Insulin được biết đến như một hooc-môn dự trữ mỡ. Nó được kiểm soát bởi leptin, tuy nhiên các ảnh hưởng từ chế độ ăn tác động lên insulin và leptin theo cùng một cách, và mọi người thường trở nên 'nhờn' với các tín hiệu của cả insulin và leptin. Carbohydrat như đường và tinh bột - chứ không phải protein và mỡ - là những loại thực phẩm chính kích thích giải phóng insulin và gây ra những đợt dâng trào leptin gây hại cho sức khỏe. Điều này làm rối loạn các kênh liên lạc hooc-môn và làm cơ thể bị kháng hooc-môn.

Hầu hết lượng mỡ không muốn có trong cơ thể đến từ đường và tinh bột trong thực phẩm. Hooc-môn glucagon cho phép cơ thể đưa mỡ ra khỏi kho dự trữ và dùng làm nhiên liệu. Tuy nhiên glucagon không hoạt động khi có mặt insulin. Nếu bạn tiếp tục ăn nhiều carbohydrat khiến insulin tiếp tục được tiết ra, glucagon không thể hoạt động và mỡ của cơ thể không thể được đốt làm nhiên liệu.

Mỡ trong cơ thể không thể được đốt làm nhiên liệu chừng nào insulin còn có mặt. (Lặp lại đến khi nào bạn nhớ!)

Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở Thụy Điển so sánh tác dụng của chế độ ăn nguyên thủy (rất ít carbohydrat) với cái gọi là chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, hoa quả, rau và chất béo không bão hòa. (Chế độ ăn thực sự ở vùng Địa Trung Hải không giống thế chút nào). Sau 12 tuần, nồng độ đường huyết tối đa của những người tình nguyện giảm 26% nếu họ ăn chế độ ăn nguyên thủy, và chỉ 7% với cái gọi là chế độ ăn Địa Trung Hải.

Tiểu đường không phải là một căn bệnh về đường huyết mà là về insulin. Nồng độ đường huyết cao là biểu hiện của bệnh tiểu đường, nhưng không phải nguyên nhân. Nguyên nhân của bệnh tiểu đường là chế độ ăn quá nhiều carbohydrat, dẫn đến giải phóng quá nhiều insulin và leptin khiến các kênh liên lạc hooc-môn bị hư hỏng. Tăng cường insulin cho các bệnh nhân tiểu đường loại 2 chính là làm hại họ về lâu dài, mặc dù tạm thời họ có thể “cải thiện” nồng độ đường huyết. Đây là một phương pháp hoàn toàn sai lầm. Nồng độ insulin và leptin cao có liên quan chặt chẽ, hay thậm chí còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp, của bệnh tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, ung thư, béo phì và nhiều căn bệnh khác nữa.


Do hầu hết các bệnh nhân tiểu đường loại 2 được điều trị bằng các thuốc làm tăng insulin hay trực tiếp tiêm insulin, kết quả bi thảm là những phương pháp chữa trị thông thường đó góp phần gây ra các tác dụng phụ và tuổi thọ bị rút ngắn mà những bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường gặp.
Ron Rosedale, M.D., “Tiểu Đường Không Phải Là Căn Bệnh Về Đường Huyết”


Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 14: Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn


Vào năm 1994, một khám phá làm rung chuyển cả giới y học. Các nhà khoa học phát hiện ra một hooc-môn quan trọng mà trước đó họ không hề biết. Hơn thế nữa, nó không phải chỉ là một hooc-môn quan trọng; nó là một hooc-môn có ảnh hưởng đến tất cả các hooc-môn khác và kiểm soát hầu như tất cả hoạt động của vùng dưới đồi trong não bộ. Họ tìm ra nó ở nơi mà không ai ngờ tới: trong các tế bào mỡ của chúng ta.


Tên của hooc-môn đó là leptin.

Trước khi leptin được phát hiện ra, các nhà khoa học tin rằng mỡ trong cơ thể chỉ là một khối thừa xấu xí không ai muốn có mà cơ thể dùng để dự trữ năng lượng thừa. Quan điểm này về mỡ đã vĩnh viễn thay đổi. Bây giờ người ta hiểu rằng mỡ trong cơ thể là một cơ quan nội tiết phức tạp và tinh vi.

Một mục đích chủ yếu của leptin là phối hợp các phản ứng về mặt chuyển hóa năng lượng, nội tiết và hành vi của cơ thể đối với sự đói kém. Dĩ nhiên, đó có thể nói là chức năng quan trọng vào bậc nhất đối với sự sống còn – ưu tiên hàng đầu của mọi sinh vật. Do vậy, nó ảnh hưởng một cách mạnh mẽ lên cảm xúc, sự thèm muốn và hành vi của chúng ta. Tất cả mọi thứ khác đều phải nhường chỗ cho sự sống còn. Trên thực tế, leptin không phải là hooc-môn duy nhất tiết ra từ các tế bào mỡ. Hàng chục loại hooc-môn khác cũng được sản xuất ở đó. Hầu hết chúng đều có tác dụng kích thích phản ứng sưng tấy. Bản thân leptin cũng là một chất cytokine kích thích sự sưng tấy và đóng vai trò lớn trong các quá trình sưng tấy của cơ thể. Thêm vào đó, nó còn kích thích việc sản xuất các chất gây sưng tấy khác từ các mô mỡ trong khắp cơ thể. Đây là lý do tại sao những người bép phì lại có nhiều vấn đề liên quan đến sự sưng tấy như vậy.


Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Vai trò của Carbohydrat trong Cơ thể

Carbohydrat
Ngoại trừ chất xơ, tất cả carbohydrat đều biến thành đường sau khi tiêu hóa

Tác giả: Nora Gedgaudas
Nguồn: Primal Body, Primal Mind

Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 13: Vai trò của carbohydrat trong cơ thể

Lượng đường trắng tiêu thụ hàng năm ở Hoa Kỳ:

  • 1750: 1,8 kg một người, một năm
  • 1850: 9,1 kg một người, một năm
  • 1994: 54 kg một người, một năm
  • 1996: 73 kg một người, một năm
Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng đường tiêu thụ trên toàn cầu tiếp tục gia tăng khoảng 2% mỗi năm, và dự tính vào năm 2007 sẽ đạt khoảng 154 triệu tấn. Lưu ý: Con số này chưa bao gồm các loại đường hóa học công nghiệp khác như High Fructose Corn Syrup (HFCS) (đường hóa học làm từ ngô có nồng độ fructose cao).

HFCS hiện được ước tính là nguồn calo hàng đầu trong chế độ ăn người Mỹ! Sự gia tăng trong tỷ lệ béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường trùng khớp hầu như hoàn toàn với sự ra đời của HFCS gần 30 năm trước. Trung bình mỗi người bây giờ tiêu thụ 150 gam đường mỗi ngày. Một nửa trong số đó là fructose (đường tinh được tạo thành từ một nửa glucose và một nửa fructose). Con số này gấp 3 lần mức có thể gây ra rối loạn sinh hóa trong cơ thể. Cơ thể chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự vệ chống lại cơn lũ này. 90% tiền mua thực phẩm của dân Mỹ hiện nay được dùng để mua thực phẩm chế biến sẵn, và HFCS (loại đường độc hại nhất trong tất cả) có mặt trong gần như tất cả mọi sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn. Xin nhớ cho là những con số đường tiêu thụ này là trung bình và nhiều người tiêu thụ hơn gấp đôi con số đó. Dựa trên ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2011, một người Mỹ trung bình tiêu thụ 12 thìa đường mỗi ngày, tương đương với gần 2 tấn đường trong cả đời (hình dung một cái xe tải cá nhân loại lớn chở đầy đường). Nếu bạn muốn có một hình ảnh về lượng đường tiêu thụ trung bình trong một năm, hình dung một cái xe đẩy một bánh loại lớn, đầy có ngọn.

Tất cả các con số trên đều chưa bao gồm lượng đường trong chế độ ăn của chúng ta từ những nguồn tinh bột khác - bánh mì, mì ống, ngũ cốc, khoai tây, gạo - hay những cái gọi là đường “tự nhiên” như mật ong, mật, hay đường chuyển hóa từ lượng protein ăn vào nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể. Khi tất cả chúng thực sự được cộng lại, chúng ta sẽ phải kinh ngạc tại sao nạn dịch béo phì, tiểu đường, ung thư và bệnh tim (đó mới chỉ là một số căn bệnh liên quan đến đường) lại không tồi tệ hơn nhiều so với mức độ hiện nay. Tổ tiên của chúng ta thậm chí trong mơ cũng không thể hình dung được sự điên rồ này.



Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Ăn nhiều đường chóng già

Nguồn: Việt Báo (dịch từ Daily Mail)



Chúng ta đều biết rằng kẹo ngọt làm gia tăng số đo vòng 2, nhưng bạn có biết rằng chocolate cũng mang lại nếp nhăn?
Trong cuốn sách mới 10 Minutes/10 Years: Your Definitive Guide To A Beautiful And Youthful Appearance, bác sĩ chuyên khoa da liễu Fredric Brandt tại Mỹ đã giải thích vì sao đường là kẻ thù số một.

"Đường đẩy nhanh quá trình thoái hoá elastin và collagen, 2 protein chủ chốt của da. Nói theo cách khác, nó làm cho bạn già đi", tiến sĩ Brandt nói.

Ông tin rằng chỉ cần giảm lượng đường tiêu thụ, bạn có thể quay ngược thời gian tới 10 năm, cải thiện kết cấu và sắc thái làn da.