Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Tính nan giải của cuộc đối đầu Nga-Mỹ: Kẻ thái nhân cách không chịu nổi sự thật

Putin: Mục tiêu của bộ máy tuyên truyền phương Tây

Tác giả: Joe Quinn
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Trong trường hợp bạn chưa nhận ra, một cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra quanh bạn trong 12 tháng qua. Không phải một cuộc chiến tranh “nóng”, mà là một cuộc chiến tuyên truyền khổng lồ thường đi trước các động thái quân sự.

Cuộc tấn công tuyên truyền toàn diện của Hoa Kỳ chống lại Nga bắt đầu từ hồi năm 2006 với cái chết do ngộ độc polonium của nhà hoạt động chống Putin, Alexander Litvinenko. Bất chấp thực tế rằng trước Litvinenko, vụ giết người duy nhất bằng cách đầu độc với polonium là vụ sát hại Yasser Arafat, giới truyền thông phương Tây ngay lập tức buộc tội Putin cho cái chết của Litvinenko và vẫn làm vậy từ đó tới giờ.

Đầu năm nay, một cuộc điều tra của chính phủ Anh về cái chết của Litvinenko bắt đầu và những lời cáo buộc tương tự, dựa trên kiểu lập luận “mọi người đều biết Putin là một tên du côn” mà không có chút bằng chứng nào, lại được đưa ra. Một mẩu thông tin nhỏ được tiết lộ bởi cuộc điều tra hoàn toàn đánh tan mọi cáo buộc rằng Putin có bất cứ liên quan gì đến cái chết của Litvinenko. Tuy nhiên, mẩu thông tin đó đã bị cố tình lờ đi bởi giới truyền thông phương Tây.

Theo câu chuyện của chính phủ Anh, nhà hoạt động chống Putin này đã bị thủ tiêu bởi hai nhân viên FSB, những kẻ đã đầu độc ông ta với chất độc phóng xạ bằng cách cho ông ta uống phần nước chè còn lại trong một ấm trà (khoảng nửa cốc) mà họ gọi trong một khách sạn ở London. Vấn đề với tuyên bố này là ở chỗ Litvinenko tự mình sắp xếp cuộc gặp gỡ với hai người đàn ông ấy một cách tự phát chỉ vài giờ trước đó. Vì vậy, để tin rằng hai nhân viên này đã giết hại đồng chí cũ của họ, chúng ta phải giả định rằng bằng cách nào đó họ nghi ngờ rằng Litvinenko sắp yêu cầu gặp mặt và mang sẵn một gói polonium cho dịp ấy. Thêm vào đó, một trong hai nhân viên giới thiệu đứa con trai 8 tuổi của mình cho Litvinenko, thậm chí còn bảo nó bắt tay, sau khi Litvinenko đã uống một ít nước chè được cho là có chất phóng xạ ấy. Vợ của Litvinenko, Marina, khai với nhân viên điều tra rằng vào thời điểm cái chết của ông ta, Litvinenko làm việc cho MI6.

Bài phát biểu khá nổi tiếng của Putin tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007 được cho là thời điểm mà Nga công khai và đơn phương “chia tay” với phương Tây. Nhưng bài phát biểu của Putin được đưa ra sau nhiều năm trời chính quyền Hoa Kỳ và Anh cố gắng gây bất ổn cho chính quyền Nga, cả công khai lẫn bí mật, nhằm buộc họ chấp nhận sự cai trị tối cao của đế quốc Anh – Mỹ. Thay vì cúi đầu trước áp lực này, Putin đã chọn cách tiêm một liều sự thật và thực tiễn cho những kẻ hiếu chiến:

Lịch sử nhân loại chắc chắn đã trải qua những giai đoạn đơn cực, và chứng kiến những khát vọng hướng tới uy quyền tối cao trên thế giới. Còn gì chưa xảy ra trong lịch sử thế giới cơ chứ? Và một thế giới đơn cực là thế nào? Cho dù ai đó có tô vẽ từ ấy thế nào chăng nữa, cuối cùng nó vẫn trỏ đến một tình huống, trong đó chỉ có một trung tâm của quyền lực, một trung tâm của sức mạnh, một trung tâm đưa ra quyết định.

Đó là thế giới trong đó có một chủ nhân, một chủ quyền. Và suy cho cùng, điều này là nguy hiểm, không chỉ đối với những người nằm trong hệ thống này, mà còn đối với chính chủ quyền duy nhất ấy bởi vì nó tự phá hủy bản thân nó từ bên trong.

Và điều này chắc chắn không có điểm gì liên quan đến dân chủ. Bởi vì, như các bạn đã biết, dân chủ là quyền lực của số đông thay vì lợi ích và ý kiến của số ít.

Nhân tiện, nước Nga chúng tôi liên tục được dạy dỗ về dân chủ. Nhưng vì một lý do nào đó, những kẻ dạy dỗ chúng tôi tự họ không muốn học. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng quá mức, gần như không có giới hạn, của sức mạnh - sức mạnh quân sự - trong quan hệ quốc tế, và sức mạnh ấy đang ném thế giới vào vực thẳm của những cuộc xung đột không dứt. Chúng ta đang chứng kiến một thái độ khinh thị ngày càng lớn đối với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Một số quốc gia, đầu tiên và trên hết là Hoa Kỳ, đã vượt quá biên giới quốc gia của mình trong mọi lĩnh vực. Điều này có thể thấy rõ trong các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục mà họ áp đặt lên các nước khác. Vâng, ai thích điều đó? Ai chấp nhận được điều đó?

Kể từ bài diễn văn đó, Nga đã đi trên con đường đối lập với Hoa Kỳ và các nước chư hầu trong khối EU. Trong khi Nga thực hiện những nỗ lực cụ thể để khắc phục tình trạng mất cân bằng trong thế giới đơn cực bằng cách thiết lập các liên kết kinh tế, chính trị và xã hội đa phương với những nước không liên kết với đế chế (BRICS), Hoa Kỳ và EU tiếp tục chiến dịch bôi nhọ và gây mất ổn định của họ chống lại chính phủ Nga. Cùng với chiến dịch truyền thông chống Putin, những thủ đoạn khác bao gồm việc tài trợ và đào tạo các nhóm “đối lập” trong nước Nga, nỗ lực vu cáo Nga trong vụ bắn rơi một máy bay dân sự, các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị, tấn công tiền tệ đầu cơ, thao túng thị trường năng lượng để gây thiệt hại cho Nga (và cho hầu như tất cả các bên khác) và dĩ nhiên là tổ chức lật đổ chính quyền Ukraine để đặt lên một đám bâu xâu khiếp nhược sẵn sàng tuân lệnh thực hiện cuộc chiến chống lại người gốc Nga ở miền đông Ukraine, nhằm nhử Nga vào một cuộc chiến tranh với Ukraine và có thể là với cả châu Âu.

Cuốn "Bàn cờ lớn" của Brzezinski chỉ ra rằng quy phục nước Nga
là điều kiện tiên quyết để đế quốc Anh-Mỹ thống trị thế giới

Tất cả những động thái ấy (và những cái khác nữa) là nhằm kích động “thay đổi chế độ” ở Nga để ngăn chặn sự xuất hiện của một trật tự thế giới mới công bằng hơn mà Nga là tác nhân chủ yếu đang hướng tới. Đế quốc Anh - Mỹ nắm quyền lực tối cao ngày nay vì các đặc vụ của họ đã dùng thời gian 100 năm qua (nhiều hơn nữa trong trường hợp của Anh) để thâm nhập, thao túng, lật đổ và tống tiền những chính phủ khác. Họ cũng đã liên tục gây chiến tranh với các quốc gia khác để cướp bóc tài nguyên. Xây dựng trên nền tảng như vậy, đế quốc Anh - Mỹ không thể duy trì quyền lực tối cao của họ mà không tiếp tục chiếm đoạt tài sản (con người và tài nguyên) của các quốc gia khác. Do vậy, không khó để nhận ra tại sao việc Putin thúc đẩy hướng tới một trật tự kinh tế thế giới công bình hơn làm cho các đại diện của đế quốc bối rối và khiến họ thực hiện những biện pháp ngày càng cực đoan để ngăn chặn ý định của Nga.

Khi viết hay nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, hầu hết các học giả địa chính trị trong giới truyền thông không chính thống (bao gồm cả những người tầm cỡ hàng đầu như William Polk, làm việc tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời John F. Kennedy, và cựu trợ lý bộ trưởng tài chính dưới thời Regan, Paul Craig Roberts) giải thích về nguyên nhân cơ bản và đề xuất giải pháp cho bế tắc hiện nay bằng cách cho rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ / NATO vào Ukraine được Nga coi, một cách hoàn toàn dễ hiểu, như một cuộc tấn công trực tiếp vào lợi ích của họ; rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một sự đối xử tương tự từ phía Nga (như là Nga tài trợ cho một cuộc đảo chính ở Mexico và dựng lên một chính phủ chống Hoa Kỳ ở đó); và rằng Hoa Kỳ / NATO nên chấp nhận điều này và xuống nước, nếu không thì sẽ có nguy cơ đẩy hành tinh này vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. William Polk gần đây viết:

Chúng ta phải thừa nhận rằng Ukraine không nằm trong khu vực ảnh hưởng hay thống trị của chúng ta. Nó không nằm ở tây bán cầu hay bắc Đại Tây Dương. Tại Biển Đen, khái niệm về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một nghịch lý. Khu vực Biển Đen là một phần của cái mà người Nga gọi là khu vực “cận địa”. […]

Dĩ nhiên, nguy cơ là ở chỗ, do lý do chính trị trong nước - và đặc biệt là do sự thúc giục của những kẻ theo trường phái bảo thủ mới và những chính trị gia diều hâu khác - chúng ta có thể không chấp nhận thực tế địa chiến lược này. Khi đó, sự xung đột, với tất cả nỗi kinh hoàng gói trọn trong từ đó, sẽ trở nên hầu như không thể tránh khỏi.

Polk ám chỉ điều tôi đã giải thích ở trên - rằng việc bảo tồn sự bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ đòi hỏi phái “diều hâu” Mỹ phớt lờ sự thật. “Lý do chính trị trong nước” trỏ đến việc Hoa Kỳ cần tiếp tục làm những gì nó đang làm. Đầu tiên, mức tiêu thụ năng lượng hiện tại của Hoa Kỳ đòi hỏi nó phải tìm kiếm nguồn dầu ở nước ngoài. Và đó mới chỉ là một yếu tố. Chiến tranh và cướp bóc đế quốc là chất keo gắn kết nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế cực kỳ mất cân bằng giữa người giàu và người nghèo, giữa nợ và tín dụng. Bất kỳ nhà phân tích đầu óc bình thường nào cũng có thể thấy Hoa Kỳ đang rất cần tái cơ cấu một cách triệt để và một hệ thống quản lý tốt.

Nhưng vấn đề không chỉ là sự mù quáng ngoan cố của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Những kẻ thái nhân cách ước tính chiếm 2 – 6% dân số toàn cầu, mặc dù chúng không phân bố đều trên khắp thế giới.

Trong bài viết với tựa đề “Sinh học Xã hội của Chứng Thái nhân cách: Một Mô hình Tiến hóa Tích hợp” (The Sociobiology of Sociopathy: An Integrated Evolutionary Model), Linda Mealey từ khoa tâm lý học trường Đại học St. Benedict ở St. Joseph, Minnesota nói về sự gia tăng của chứng thái nhân cách trong nền văn hóa Mỹ. Bà gợi ý rằng trong một xã hội cạnh tranh - ví dụ trong một xã hội mà chủ nghĩa tư bản chiếm ưu thế - chứng thái nhân cách mang tính thích nghi và có nhiều khả năng gia tăng. Bà viết:

Cho đến nay, tôi vẫn lập luận rằng một số cá nhân có gen khiến họ dễ có khả năng trở thành thái nhân cách.

Những kẻ thái nhân cách luôn xuất hiện trong mọi nền văn hóa, bất kể điều kiện xã hội văn hóa ra sao…

Sự cạnh tranh làm gia tăng việc sử dụng những chiến lược thao túng làm hại cộng đồng và có thể làm suy giảm hành vi vì cộng đồng.

Một số nền văn hóa khuyến khích tính cạnh tranh hơn những nền văn hóa khác, và sự khác biệt trong giá trị xã hội này thay đổi cả theo thời gian và từ nền văn hóa này tới nền văn hóa khác… Trên cả hai mặt, mức độ cạnh tranh cao được gắn với tỷ lệ tội phạm và tính thao túng, lừa gạt cao.

Mật độ dân số cao, một dạng cạnh tranh gián tiếp, cũng được gắn với sự suy giảm trong hành vi vì cộng đồng và gia tăng trong hành vi làm hại cộng đồng.

Kết luận là “lối sống Mỹ” đã tối ưu hóa khả năng sống sót của những kẻ thái nhân cách, hay nói một cách khác, thái nhân cách là một “chiến lược sống” rất thành công trong xã hội Mỹ. Do vậy, lối sống Mỹ làm gia tăng con số kẻ thái nhân cách ngay cả khi chỉ xét về khía cạnh gen. Thêm vào đó, hệ quả của môi trường xã hội trong đó những kẻ thái nhân cách rất thành công là nhiều cá nhân không phải thái nhân cách trong gen cũng chuyển hóa tương tự và trở thành “thái nhân cách hành vi” hay “thái nhân cách thứ cấp”.

Ở đây không nói rằng bản thân chủ nghĩa tư bản là thái nhân cách. Điều tôi muốn nói là khi các yếu tố cho sự thành công của chủ nghĩa tư bản - sự khởi nghiệp táo bạo, tính sáng tạo, làm việc chăm chỉ, tầm nhìn xa và “tinh thần tiên phong” - bị tha hóa và chuyển hướng để thỏa mãn (mặc dù không bao giờ thành công) lòng tham vô đáy, bạn biết rằng thái nhân cách đã chiếm lĩnh. Thuật ngữ dùng bởi Andrew Lobaczewski trong cuốn Tà ác học Chính trị (Political Ponerology) để mô tả quá trình này là “tà ác hóa” (ponerization). Cũng giống như con người và động vật có thể bị nhiễm một loại ký sinh trùng có thể chiếm lĩnh đầu óc họ và khiến họ hành động theo những cách cực kỳ tàn hại cho bản thân, các loại “chủ nghĩa” (ý thức hệ) cũng vậy. Và các tổ chức dựa trên những ý thức hệ đó (cho đến tận chính phủ quốc gia) có thể bị thay đổi theo thời gian và sử dụng để che giấu hoạt động thái nhân cách. [Nhân tiện, Lobaczewski là một nhà tâm lý học người Ba Lan và là thành viên của một mạng lưới bí mật các nhà nghiên cứu nghiên cứu hiện tượng này tại Đông Âu dưới chế độ cộng sản vào khoảng giữa thế kỷ 20.]

Do những trung tâm của quyền lực, ảnh hưởng, sự tham nhũng và lòng tham sẽ thu hút những cá nhân thái nhân cách ở một “tầm cỡ” nhất định, chúng ta có thể đoán được rằng những kẻ thái nhân cách trong chính phủ Mỹ có nhiều khả năng chiếm tỷ lệ cao hơn tỷ lệ trung bình trong dân số Mỹ (trung tâm dân số cao, sự cạnh tranh và hành vi làm hại cộng đồng = công việc trong chính phủ). Hầu hết các nghiên cứu đồng ý rằng những kẻ thái nhân cách thiếu tầm nhìn xa, đặc biệt khả năng tưởng tượng về hậu quả đối với chúng do những hành động của chúng. Chúng chỉ nhìn thấy cái mà chúng muốn nhìn, và cái chúng muốn là dựa trên sự thôi thúc vô thức nguyên thủy bên trong hướng tới sự thống trị và hủy diệt mọi thứ. Đối với kẻ thái nhân cách, các luật lệ và sự thật là những thứ khó chịu mà chúng luôn cố gắng phá vỡ hoặc chối bỏ. Chúng rất sẵn sàng áp đặt luật lệ lên cho người khác, nhưng không bao giờ nghĩ rằng những luật lệ đó cũng có thể áp dụng cho chúng.

Đối với những kẻ thái nhân cách “thông thường” hay “tép riu”, điều này thường dẫn tới việc chúng liên tục bị bắt giữ và nằm trong tù. Chúng không học được gì từ điều đó, ngoài việc cố gắng tìm cách tránh để khỏi bị bắt lần nữa, thường là không thành công. Tuy nhiên, có bằng chứng gián tiếp cho thấy một số kẻ thái nhân cách - chúng có thể được gọi là “tham vọng” - có khả năng hiểu được rằng những khuynh hướng của chúng không được chấp nhận trong xã hội bình thường (mặc dù chúng không hiểu tại sao), rằng những luật lệ ấy là mối đe dọa đối với chúng, và rằng nâng bản thân chúng lên tầm trên của “xã hội bình thường”, nơi mà một loại luật lệ khác được áp dụng (hoặc nơi chúng có thể tạo ra luật lệ) là cách tốt nhất để cho phép chúng bộc lộ khuynh hướng thống trị và hủy diệt mọi thứ của chúng mà không phải chịu bất cứ hậu quả tiêu cực nào. Do vậy, vị trí quyền lực và ảnh hưởng trong một tổ chức đồ sộ và cực kỳ tha hóa như chính quyền Mỹ là chỗ hoàn hảo cho kẻ thái nhân cách hành nghề. Nhưng một khi đã vững chắc ở đó và tin tưởng (một cách đúng đắn) rằng hắn sẽ không phải chịu bất cứ hậu quả nào, kẻ thái nhân cách sẽ lại phớt lờ luật lệ và sự thật, và chắc chắn là không quan tâm gì đến những hậu quả tiêu cực của hành động của hắn đối với người khác.

Bây giờ chúng ta quay trở lại với vấn đề của William Polk rằng do lý do chính trị trong nước - và đặc biệt là do sự thúc giục của những kẻ theo trường phái bảo thủ mới và những chính trị gia diều hâu khác - chúng ta có thể không chấp nhận thực tế địa chiến lược rằng Ukraine không nằm trong khu vực ảnh hưởng hay thống trị của chúng ta”. Điều này là đúng, nhưng xét từ quan điểm của những kẻ thái nhân cách trong chính phủ Mỹ (và trên nữa), những kẻ đang điều hành chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga, “lý do chính trị trong nước” không có liên quan gì đến việc chúng không chấp nhận sự thật. Đối với những kẻ thái nhân cách này, ở cấp độ của những thôi thúc nguyên thủy của chúng, vấn đề với sự thật chính là bản thân sự thật: sự thật mâu thuẫn với những gì chúng muốn. Và như tôi đã lưu ý, những gì chúng muốn là thống trị và khi cần thiết để đạt được sự thống trị đó thì hủy diệt. Vị trí quyền lực và ảnh hưởng của chúng kết hợp với khả năng độc đáo có thể hoàn toàn phớt lờ sự thật và thay vào đó “tạo ra thực tiễn của riêng chúng”, là vấn đề cốt lõi đối diện với nhân loại hiện nay. Đấy là thuyết duy ngã với một xu hướng vị kỷ sâu sắc. Đấy là lòng tham và sự kiểm soát, thống trị, không phải hướng tới một mục đích cao quý nào (mặc dù đủ loại diễn giải và biện hộ cao quý được dùng để lừa gạt dân chúng trên thế giới khiến họ ủng hộ hành động của những kẻ thái nhân cách), mà đơn giản chỉ để thỏa mãn lòng tham và sự thống trị đó.

Đấy là sự thật về những gì chúng ta đang phải đối mặt với. Tuy nhiên, ý tưởng rằng các “nhà lãnh đạo” của chúng ta là những con thú săn mồi đội lốt người với mục đích kiểm soát và thống trị toàn thế giới là điều mà tâm trí người bình thường gần như không thể chấp nhận nổi bởi vì nó quá sức xa lạ, gần như vô nhân tính. Đấy cũng là lý do tại sao sự dối trá dễ chịu (nhưng ngây thơ đến mức vô vọng) rằng “Putin là một tên côn đồ” (lấy một ví dụ), và rằng chính quyền Mỹ đang cố gắng đảm bảo “tự do và dân chủ” cho tất cả mọi người, được chấp nhận bởi đa số công chúng.

Xem thêm:



3 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.