Sebastian Haffner |
Tác giả: Harrison Koehli
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại
Cả thế giới trở nên xa lạ và đáng ngại. Ngoài những quy tắc kỳ thú mà tôi biết, cuộc chơi lớn rõ ràng có các quy tắc bí mật khác mà tôi không nắm bắt được. Chắc chắn có điều gì đó gian dối và phản trắc về nó. Tôi có thể tìm thấy sự ổn định và an ninh, đức tin và sự tự tin ở đâu, nếu các sự kiện thế giới mang tính lừa đảo đến vậy? Lỡ chẳng may chiến thắng rồi lại chiến thắng cuối cùng chỉ dẫn đến thảm họa và những quy tắc thực sự của lịch sử chỉ được tiết lộ khi mọi sự đã kết thúc với sự đổ vỡ hoàn toàn? Tôi nhìn đăm đăm vào hư không. Tôi cảm thấy một nỗi kinh hoàng cho sự sống. (Thách thức Hitler, trang 27)
Đó là cách một thanh niên người Đức mô tả trải nghiệm của mình về những sự kiện dẫn đến sự ra đời của Đức Quốc xã. Tên ông là Sebastian Haffner. Sau này ông trở thành nhà báo, nhà sử học, và cuốn hồi ký của ông, Defying Hitler (Thách thức Hitler), cung cấp một cái nhìn thẳng thắn và sâu sắc về tác động thực sự của chủ nghĩa Quốc xã: ảnh hưởng của nó lên cuộc sống nội tâm của những người đã trải qua nó.
Những cuốn sách như Thách thức Hitler là rất thiết yếu nếu nhân loại muốn có hy vọng học được cách để thoát khỏi cái chu trình dường như vô tận của sự sung túc, rồi ngu dốt, rồi áp bức và rồi hủy diệt lẫn nhau. Những tài liệu khô khan như sách lịch sử quân sự, hồi ký chính trị, phân tích học thuật và các bản tin đều có thể cung cấp một số chi tiết quan trọng, nhưng chúng bỏ qua điểm mấu chốt. Chúng bỏ qua trọng tâm của vấn đề, điều khiến nó trở nên quan trọng. Nói một cách ngắn gọn, chúng thiếu chiều sâu tâm lý.
Lý thuyết kinh tế, cơ sở lý luận và chính sách của các đảng phái, bầu không khí chính trị, các sự kiện địa chính trị lớn - tất cả những thứ đó chỉ là vỏ ngoài che đậy cái thứ bên trong mà đối với nó, nhân loại có một nỗi sợ hãi và ghê tởm gần như bản năng, nhưng không thể gọi tên nó ra được. Nó ẩn giấu, như những “quy tắc bí mật” trên, dưới đáy sâu. Và các sự kiện mà chúng ta thấy diễn ra trong các bản tin chỉ gợi ra chút dấu vết nhỏ nhất về những gì đang thực sự xảy ra.
Đây là cách Haffner mô tả nó ở phần đầu cuốn sách của ông:
Lịch sử chính thức trong sách giáo khoa, như tôi đã nói, không cho chúng ta biết chút gì về sự khác nhau trong tính mãnh liệt giữa các sự kiện lịch sử. Để biết điều đó, bạn phải đọc tiểu sử, không phải tiểu sử của các chính khách mà là tiểu sử rất hiếm hoi của những cá nhân vô danh. Ở đó bạn sẽ thấy một sự kiện lịch sử đi qua cuộc sống cá nhân của tác giả như đám mây bay qua hồ nước. Không chút gợn sóng nào, chỉ có cái bóng thoáng qua. Một sự kiện khác khuấy động hồ nước lên như trong cơn bão. Trong một khoảnh khắc nhất định, nó không còn nhận ra được nữa. Một sự kiện thứ ba có thể rút cạn cả cái hồ. (Thách thức Hitler, trang 7)
Điều gì khiến một sự kiện chỉ là đám mây tương đối yên tĩnh trong khi một sự kiện khác là cơn giông bão? Ít nhất một phần là ở chỗ nó ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta như thế nào. Người có thể chết, thậm chí chết với số lượng lớn, nhưng ngoại trừ chút bứt rứt nhè nhẹ trong lương tâm, nó ảnh hưởng gì đến chúng ta? Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Công việc, mối quan hệ, sở thích. Cuộc sống vẫn bình thường.
Người dân miền đông Ukraine tại Odessa bị tàn sát bởi quân lính Kiev |
Nhưng các sự kiện có xu hướng tiến triển theo những hướng nhất định nếu nguyên nhân đằng sau chúng không được nhìn thấy và hiểu rõ, và nếu những hành động có hiệu quả không được tiến hành để lái chúng theo hướng khác. Bởi vì những nguyên nhân đó - những “quy tắc bí mật” đó - vẫn ẩn dưới đáy sâu, chúng ta không thể làm gì ngoài việc ngồi xem lịch sử diễn ra, có lẽ vơ lấy vài triệu chứng bên ngoài và coi đó chính là căn bệnh. Chúng ta thậm chí có thể nhìn ra hình dạng của nó, nhưng vô vọng trong việc thực hiện bất kỳ thay đổi thực sự nào. Các sự kiện đi qua đời chúng ta - chỉ là những cái tít lớn trên báo và trong những dòng RSS. Nó là như vậy cho đến khi chúng ta gặp phải cơn bão.
Nếu chúng ta không tìm hiểu các quy tắc bí mật của trò chơi lớn, chúng ta sẽ, như Haffner và vô số người khác trong thế hệ ông, chỉ thụ động ngồi xem xu thế tất yếu của “lịch sử”, xem những đám mây yên bình đó tụ hợp lại, cảm nhận những giọt mưa đầu tiên, cho đến khi chúng ta thấy bản thân đang ở dưới đám mây giông khổng lồ và nó xé toang cuộc sống bên trong và bên ngoài của chúng ta thành từng mảnh. Haffner viết:
Những sự kiện này [dẫn đến năm 1933] tự nhiên để lại dấu ấn của chúng trong tôi, cũng như trong tất cả các đồng bào của tôi. Nếu ai đó không đánh giá đúng được điều này, người ấy sẽ không hiểu những gì xảy ra sau đó. Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng giữa những gì xảy ra trước năm 1933 và những gì đến sau đó. Chúng tôi theo dõi những sự kiện trước đó diễn ra. Chúng làm chúng tôi quan tâm và kích động chúng tôi; đôi khi chúng thậm chí có thể giết hại một vài người trong số chúng tôi hay làm anh ta tan nát nhà cửa; nhưng chúng không buộc chúng tôi phải đối diện với quyết định tối thượng của lương tâm. Nơi sâu thẳm nhất bên trong chúng tôi vẫn không bị động chạm tới. Chúng tôi có thêm kinh nghiệm, có những niềm tin nhất định, nhưng chúng tôi về cơ bản vẫn là cùng một con người như trước. Tuy nhiên, không có ai, dù tự nguyện hay miễn cưỡng, sau khi bị cuốn vào guồng máy của Đức Quốc xã có thể thành thật nói về bản thân như vậy. (Thách thức Hitler, trang 6)
Chúng ta đang thấy các đám mây giông tụ hợp lại. Chúng đã ở đây hàng năm rồi. Bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với một trong những “quyết định tối thượng của lương tâm” ấy. Và chúng ta sẽ không còn là con người như trước nữa, cho dù chúng ta có cố nghĩ mọi thứ vẫn sẽ tiếp tục bình thường đến đâu chăng nữa. Mọi thứ sẽ không tiếp tục bình thường. Đây là cách Haffner mô tả cuộc sống trong cơn bão:
Với sự đe dọa đáng sợ, chính quyền đòi hỏi mỗi cá nhân phải tố cáo bạn bè mình, bỏ rơi người yêu của mình, từ bỏ niềm tin của mình và khoác lên những niềm tin mới được quy định sẵn. Anh ta phải chào hỏi theo cách mới, ăn uống theo cách mà anh ta không thích, dùng thời gian giải trí vào những việc mà anh ta ghê tởm, sẵn sàng làm những việc mà anh ta khinh miệt, phải phủ nhận quá khứ và con người của anh ta. Trong khi làm tất cả những điều đó, anh ta phải luôn luôn biểu hiện sự nhiệt tình và lòng biết ơn đến cực độ. (Thách thức Hitler, trang 3 – 4)
Đảng Quốc xã liên tục lấn tới. Điều không còn tồn tại nữa là niềm vui trong cuộc sống, sự nhã nhặn, vui vẻ, hiểu biết lẫn nhau, thiện chí, hào phóng và cảm giác hài hước. (Thách thức Hitler, trang 92)
Nếu nó nghe như một cảnh lấy từ cuốn 1984, đấy là vì thực tiễn ấy là điều mà Orwell đã cố vạch trần và cảnh báo. Ông có kỹ năng về văn học, nhưng ông không có vốn thuật ngữ chính xác và sự hiểu biết về những quy tắc bí mật. Nếu bạn thường xuyên theo dõi tin tức từ đài báo, nếu bạn đọc những cuốn sách viết bởi các kiến trúc sư của chiến lược địa chính trị hiện đại phương Tây, có nhiều khả năng bạn sẽ biết nơi nào có tiềm năng xuất hiện “thực tiễn mới” này lớn nhất: chế độ độc tài ở Nga và Trung Quốc, chế độ Hồi giáo phát-xít ở vùng Trung Đông và châu Phi. Nó không thể xảy ra ở đây, tại thế giới phương Tây “văn minh” này: Bắc Mỹ, châu Âu và Úc.
Xin lỗi, nhưng họ không thể sai lầm hơn được nữa. Thực tiễn mới này đã ở đây rồi, và ví dụ nổi bật nhất là ở một nơi ít người dự đoán: Ukraine. Hãy nhớ đoạn mô tả trên của Haffner trong đầu. Bây giờ đọc cái này, bức thư viết bởi một người phụ nữ trẻ ở Kiev ngay sau cuộc đảo chính ở Ukraine năm ngoái:
Bạn đồng nghiệp của tôi bị đánh đập ngay trước lối vào căn hộ do đã viết bài chống Maidan trên trang VK của cô. … Ở trường học hôm trước, cậu bé hàng xóm của tôi gọi điện cho bố mẹ bằng điện thoại di động vào giờ nghỉ và nói với họ bằng tiếng Nga. Các bạn học của em giằng lấy điện thoại và đập vỡ nó. Chúng còn xé rách cặp sách, xé tất cả các sách giáo khoa và vở của em và đánh đập em dã man. Chúng bắt em chỉ được nói tiếng Ukraine nếu không thì “sẽ phải sợ hãi suốt phần đời còn lại vì chúng sẽ tìm đến và đánh què chân em”. Đây là một cậu bé mới lớp bảy.
Thỉnh thoảng trên đường phố có thể thấy cảnh tượng này: Khi một người tiến đến gần một nhóm người khác, họ hỏi: “Anh có tham gia vào Maidan không? Anh có ủng hộ Maidan không?” Nếu cả hai câu trả lời đều là “không”, anh ta sẽ bị đánh đập, hành hạ dã man.
Ở Kiev bây giờ, đa số những người Nga và người nói tiếng Nga, những người lúc trước không ủng hộ Maidan, buộc phải nhớ về thời kỳ Liên Xô, khi mà “ngay cả tường vách cũng có tai”, và giữ kín miệng. Bởi vì chúng tôi, không giống như những vùng khác [Donesk, Lugansk], không có cơ hội tách khỏi Ukraine.
…
Kiev hoàn toàn bị chia cắt. Ở đây quan hệ với người Nga là điều không thể. …
Tất cả những người khác đều cẩn thận giữ gìn cả với những người mà họ nghĩ là họ biết rõ. Những người Nga và người nói tiếng Nga chưa phải đối mặt với hành động tàn bạo nào đều cố gắng giữ im lặng ở nơi công cộng. Họ cố gắng không thu hút sự chú ý của những kẻ điên khùng.
Và những người đã phải chịu trận hay ít nhất những trường hợp thực tế mà tôi biết đều cố gắng hết sức để cứu gia đình của họ và giữ im lặng, im lặng, im lặng.
Do vậy, “bức tranh” của Kiev có vẻ khá là an toàn, mùa xuân đến, hoa nở, v.v… Trên thực tế, một phần (và không phải là một phần nhỏ!) của thành phố đang sống trong nỗi kinh hoàng câm lặng.
Không thể im lặng tuyệt đối được. Nhưng những cư dân Kiev phản đối Maidan và đang phải đối mặt với sự tàn bạo hàng ngày không viết về điều đó một cách công khai. Đấy là bản năng sinh tồn.
Những dòng dưới đây là một nhận xét trả lời bức thư trên:
Tôi đã đọc “Bức thư từ Kiev”. Mọi thứ đều đúng… Tác giả nói đúng rằng bạn không thể vứt bỏ tất cả và rời đi trong một ngày được. Bạn sẽ không kiếm được một ngôi nhà mới và một công việc mới chỉ trong một ngày. Đơn giản là cần phải ẩn tránh. Đây là một cảm giác rất kinh khủng. Bạn không chỉ phải nhớ rằng tường vách có tai mà còn phải nhắc nhở bản thân để luôn tỏ ra như là bạn đang ở trong tâm trạng tốt. Vui mừng vì mặt trời mùa xuân vẫn còn chiếu sáng chẳng hạn. Sau Maidan, nếu không làm vậy thì sẽ không tốt lắm cho sức khỏe của bạn. Bọn chúng đang quan sát và tìm kiếm những ai không ủng hộ Maidan. Luật pháp không còn hoạt động ở đây. Người dân hoàn toàn không có khả năng tự vệ và chỉ nhờ vào sự thương xót của số phận.
…
Đầu tiên bọn chúng nhắm vào các tổ chức ủng hộ nhà độc tài cũ Yanukovych. Về sau chúng muốn tất cả các tổ chức không đồng tình với Maidan phải đóng cửa. Không có nhà hoạt động nhân quyền hay thậm chí “phóng viên không biên giới” nào từng nói về điều này. Tôi có cảm giác các sự kiện bây giờ là một cơn ác mộng khủng khiếp.
Ở đây tôi sẽ nói công khai. Đấy là chủ nghĩa phát-xít. Không gì khác ngoài chủ nghĩa phát-xít.
Mọi thứ không thay đổi mấy trong năm vừa qua. Nếu có thay đổi thì chỉ là tồi tệ hơn. Kiev đã tổ chức một “chiến dịch chống khủng bố” tốn kém và bạo lực chống lại người dân miền đông Ukraine: Donetsk và Lugansk, Donbass, Novorossiya. Chúng đã nã pháo vào các khu dân cư, bệnh viện, trường học, nhà máy. Chúng đã tra tấn các thường dân và thành viên của lực lượng dân quân địa phương bị bắt giữ, những người nổi dậy để bảo vệ vùng đất của họ chống lại cái mà họ nhận thức một cách đúng đắn là một chế độ phân biệt chủng tộc, áp bức và đáng căm ghét.
Trong khi phương Tây ca ngợi biểu hiện của nền dân chủ ở Ukraine, những kẻ mà họ ủng hộ - những kẻ pháo kích, tra tấn, hãm hiếp và giết hại thường dân - không có một chút nào có thể gọi là “dân chủ”. Nhưng có lẽ chúng ta nên ngừng hẳn việc dùng những từ như “dân chủ”. Nó chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền, một từ nghe rất kêu có thể mang bất cứ ý nghĩa nào người sử dụng nó muốn. Nó có tác dụng như một thứ cảm xúc được đóng gói. Dân chủ là tốt. Maidan là biểu hiện của nền dân chủ. Do đó Maidan là tốt. Đó là logic tình cảm được đóng gói trong từ đó. Nhưng nó không đúng sự thật.
Trẻ em Gaza bị tàn sát bởi Israel, "quốc gia dân chủ duy nhất ở vùng Trung Đông", hồi tháng 7 năm 2014 |
Một vài ví dụ: Andrey Biletsky là cựu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn “Azov”, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và đại biểu quốc hội Ukraine (nhờ thế lực của Arseniy Yatsenyuk, cún yêu của Victoria Nuland). Đây là những gì hắn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreigh Policy).
Thật không may, trong nhân dân Ukraine ngày nay có rất nhiều bọn Nga (do tư tưởng của bọn chúng chứ không phải do dòng máu của chúng), di dân Do Thái, Mỹ, châu Âu (thuộc Liên minh dân chủ tự do châu Âu), Ả rập, Trung Quốc, và vân vân, nhưng không có mấy người thuần gốc Ukraine… Không biết phải cần bao nhiêu thời gian và công sức để tiêu diệt những mầm mống virus nguy hiểm này khỏi dân tộc chúng tôi.
Năm 2010, hắn viết một bài luận văn phác thảo ý thức hệ của hắn cho Đảng Quốc gia Xã hội Ukraine (Social-National Assembly), trong đó chúng ta có thể đọc những dòng sau:
Sứ mệnh lịch sử của đất nước chúng ta tại thời điểm quan trọng này là dẫn dắt các dân tộc da trắng của thế giới trong một cuộc thập tự chinh cuối cùng cho sự sống còn của họ. Một cuộc thập tự chinh chống lại đám người hạ đẳng dẫn đầu bởi bọn Do Thái. Nhiệm vụ của thế hệ hiện tại là tạo ra Đế chế Thứ ba.
Tổng thống Ukraine Poroshenko vinh danh hắn với Huân chương Dũng cảm. Thủ tướng Yatsenyuk cũng không khá hơn. Đây là những gì hắn nói ngày 15/6 năm ngoái:
Họ [binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Lugansk] mất đi tính mạng của họ vì họ bảo vệ đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già, những người ở trong tình huống tính mạng bị đe dọa bởi những kẻ xâm lược được bảo trợ bởi bọn hạ đẳng. Trước hết, chúng ta sẽ tưởng nhớ những người anh hùng này bằng cách quét sạch những kẻ đã giết họ và bằng cách tẩy rửa đất nước chúng ta khỏi sự tà ác.
Và rồi đây là các khẩu hiệu nghe được trên khắp đất nước Ukraine:
- Nếu các người không “nhảy”, các người là lũ Moskal! (Moskal là một từ xúc phạm chỉ người Nga).
- Ukraine vinh quang!
- Một ngôn ngữ, một quốc gia, một quê hương!
- Treo cổ bọn Moskal!
Những người này không chỉ lặp lại “vần điệu của lịch sử”, họ đang hát chính xác cùng một điệp khúc ấy.
Haffner cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào tâm lý đám đông này:
Trong những phản ứng của nó, tâm lý đám đông rất giống tâm lý trẻ em. Không thể nhấn mạnh quá mức sự trẻ con của những ý tưởng nuôi dưỡng và khuấy động quần chúng. Nói chung, những ý tưởng thực sự phải được đơn giản hóa xuống mức độ hiểu biết của một đứa trẻ thì mới có hy vọng khơi dậy quần chúng làm nên những hành động lịch sử. (Thách thức Hitler, trang 16)
Dĩ nhiên, trẻ em có thể biểu lộ sự khôn ngoan và lòng vị tha. Chúng cũng có thể ích kỷ, ngu dốt và độc ác. Nó phụ thuộc vào những người cai trị quốc gia muốn nhắm vào và thúc đẩy khía cạnh nào trong đứa trẻ.
Sebastian Haffner |
Haffner cung cấp một giai thoại thú vị và sâu sắc về những kẻ tiếp tục quan tâm đến chính trị sau khi tất cả các đảng phái chính đã chứng tỏ sự vô dụng và lạc hậu của họ:
Sau cuộc nổi dậy Kapp Putsch, mối quan tâm đến chính trị giảm sút hẳn trong đám con trai chúng tôi. Không còn một chính đảng nào đại diện cho chính nghĩa nữa và toàn bộ chủ đề này đã mất đi sự hấp dẫn của nó… Nhiều người trong số chúng tôi tìm đến thú vui mới, ví dụ như chơi tem, học piano hay đi nhà hát. Chỉ một số ít còn gắn chặt với chính trị, và lần đầu tiên tôi thấy rằng, lạ lùng thay, đó là những kẻ thuộc loại ngu dốt, thô kệch và khó chịu nhất trong đám bạn học của tôi. Bọn họ bắt đầu gia nhập những tổ chức “đúng đắn”, Đoàn Thanh niên Quốc gia Đức hay Liên đoàn Bismarck (khi đó vẫn chưa có Đoàn Thanh niên Hitler), và chẳng bao lâu họ trưng ra quả đấm sắt, đoản côn, dùi cui trong trường. Họ khoe khoang về những chuyến phiêu lưu nguy hiểm để dán hay gỡ bỏ biểu ngữ vào ban đêm và bắt đầu sử dụng một số thuật ngữ nào đó khiến họ tách biệt khỏi số còn lại trong chúng tôi. Họ cũng bắt đầu xử sự một cách không thân thiện đối với đám con trai Do Thái. (Thách thức Hitler, trang 44 – 45)
Ngu dốt, thô kệch, khó chịu. Thật là một mô tả phù hợp cho cái loại mà cuối cùng sẽ trở thành sĩ quan SS, hay ngày nay thì trở thành thành viên Nhóm Cánh tả Ukraine. Nhưng có một mô tả lâm sàng chính xác hơn cho loại người này: những kẻ thái nhân cách. Đó là “bí mật lớn”. Thái nhân cách là nguyên nhân ẩn bên dưới các “đảng phái chính trị”, “sự kiện địa chính trị”, ý thức hệ. Nó là cái thứ “gian dối và phản trắc” đã làm xáo động thế giới bên trong của chàng trai trẻ Sebastian Haffner.
Bởi vì thái nhân cách, về bản chất của nó là gian dối và phản trắc. Nó phô ra cái mặt nạ của sự hợp lý, hiền hòa, thuyết phục mà rất khó, nếu không muốn nói là không thể, phát hiện ra nếu ai đó không biết sự tồn tại của nó để mà lưu ý. Bởi vì bên dưới sự thân thiện, sự hợp lý, tính thuyết phục ấy chỉ có một bản năng không kiểm soát hướng tới quyền lực: sự thống trị, kiểm soát và ý chí vô cảm để nói hay làm bất cứ điều gì để đạt được cái mà nó muốn, cho dù bao nhiêu thân thể, tài khoản ngân hàng, gia đình hay tình bạn nó phải tàn hại để đạt được điều đó. Bọn chúng đơn giản là không quan tâm. Một số trong bọn chúng thậm chí còn thích thú điều đó.
Và còn vị trí quyền lực nào tốt hơn để hướng tới ngoài chính trị thế giới? Trong kiệt tác viết trong bí mật Tà Ác Học Chính Trị (Political Ponerology) của ông, Andrew Lobaczewski đã nói rõ tất cả. Đáng tiếc là quá ít người bỏ công ra đọc và áp dụng nó. Cuốn sách chứa đầy chặt thông tin - các nguyên nhân, quy luật và giải pháp cho cái cung điệu bí ẩn mà chúng ta gọi là lịch sử - nhưng thông điệp cần nhớ rất đơn giản: những kẻ thái nhân cách hướng tới và đạt được các vị trí quyền lực. Chúng sẽ sử dụng bất cứ ý thức hệ nào để đến được đó - chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ, chế độ độc tài, chủ nghĩa phát xít - cũng giống như một kẻ lừa đảo sẽ đóng bất cứ vai nào để lừa được nạn nhân của hắn. Và khi những kẻ thái nhân cách chiếm con số đủ lớn trong thể chế nắm quyền, chúng tạo thành một thể chế bệnh hoạn. Lobaczewski viết:
Thể chế bệnh hoạn thậm chí còn ít mang tính chất của một hệ thống kinh tế xã hội hơn là một cấu trúc xã hội hay hệ thống chính trị. Nó là một tiến trình bệnh lý vĩ mô ảnh hưởng đến toàn thể quốc gia…
Và cách mà những kẻ thái nhân cách đến được điểm đó là nhờ việc sử dụng, thao túng và làm suy đồi đặc tính tốt đẹp nhất của nhân loại: lương tâm.
Những “kẻ sản xuất quan điểm” định hình một cách cẩn thận niềm tin của chúng ta - niềm tin thúc đẩy chúng ta ủng hộ hay bác bỏ một chính sách hay quyết định nào đó, hay tham gia vào một hình thức hoạt động khác. Và chúng làm điều đó bằng cách kêu gọi đến lương tâm của chúng ta, nhận thức về lẽ phải của chúng ta, nhận thức rằng có một số thứ về bản chất là tốt hơn những thứ khác. Hệ thống giá trị là điều không thể tránh khỏi, và các chính trị gia biết điều đó. Suy cho cùng thì chúng ta là những cá thể suy xét về “đạo đức”: một số quyết định tốt hơn những quyết định khác (vì những lý do nào đó), một số tuyên bố trung thực hơn những tuyên bố khác. Cái thước đo mà chúng ta dùng để đánh giá là lương tâm của chúng ta - nhận thức của chúng ta về một số giá trị như sự thật, cái đẹp và sự tốt lành - cùng với lý trí của chúng ta, luôn so sánh, đối chiếu, phân tích và tổng hợp thông tin dựa theo các giá trị ấy.
Do vậy chúng ta tự nhiên coi những quan điểm chính trị, những phán xét về cái tốt hay cái xấu của chúng ta là có cơ sở vững chắc từ lương tâm. Chúng ta ủng hộ bộ luật mới nhất vừa được thông qua bởi vì có một vấn đề cần giải quyết. Chúng ta có những quan điểm nhất định về một số loại người nhất định bởi vì họ gây ra một mối đe dọa. Chúng ta cần tham gia vào hoạt động này hay hoạt động khác bởi vì làm khác đi sẽ dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều.
Nhưng có một vấn đề. Lương tâm hoàn toàn không phải là lương tâm nếu nó không dựa trên sự thật. Lương tâm tôi không cho phép tôi ủng hộ một kẻ giết người chống lại các nạn nhân của hắn nếu trên thực tế hắn có tội. Và tôi không thể lên án một người hay một nhóm người nếu trên thực tế họ vô tội. Và đấy là nơi mà những “kẻ sản xuất quan điểm” hành nghề kiếm cơm của chúng: thuyết phục mọi người rằng sự việc là như thế này, trong khi nó không phải vậy, nhằm mục đích giành được sự ủng hộ của họ cho một quyết định hay một hành động nào đó dựa hoàn toàn trên sự dối trá (mặc cho trông bề ngoài nó có thể hợp lý đến đâu chăng nữa).
Nhớ rằng thể chế bệnh hoạn là gian dối và phản trắc do bản chất của nó. Cứ nhìn vào Ukraine và dòng thác bất tận những lời dối trá tuôn ra từ miệng các chính trị gia và giới truyền thông Kiev là đủ biết. Mặt khác, sự ổn định và an ninh, đức tin và sự tự tin - những thứ mà Haffner tìm kiếm một cách tuyệt vọng - cần sự thật. Không có cách nào khác. Nếu chúng ta không nhận thức được điều đó, và nếu chúng ta không tích cực tìm kiếm sự thật, chúng ta sẽ bị cuốn vào cơn bão. Những người dân Đức đã như vậy trong thập kỷ 1930. Nhân loại đang như vậy ngày hôm nay.
Năm 1937, Hitler đạt đến đỉnh cao quyền lực. Người dân Đức toại nguyện và phe đối lập bị đàn áp tàn bạo. |
Một đoạn trích cuối cùng từ Haffner:
Cuộc sống hàng ngày cũng gây khó khăn cho việc nhìn rõ tình hình. Cuộc sống vẫn tiếp tục như trước đây, mặc dù bây giờ nó mang cái vẻ ma quái và không thật… Lạ lùng thay, chính cái sự tiếp nối tự động của cuộc sống bình thường này đã cản trở bất cứ phản ứng sống động, mạnh mẽ nào đối với nỗi kinh hoàng ấy… Phản ứng này bị cản trở bởi sự tiếp tục máy móc của cuộc sống bình thường hàng ngày. Lịch sử sẽ khác biệt đến mức nào nếu con người vẫn còn độc lập, đứng trên đôi chân của chính họ như trong thành Athens cổ đại. Ngày nay họ bị ràng buộc vào những chi tiết nhỏ của công việc và thời gian biểu hàng ngày, phụ thuộc vào hàng ngàn chi tiết nhỏ, những bánh răng trong một cơ chế mà họ không kiểm soát, chạy đều đặn trên đường ray, và họ bất lực nếu chúng trật khỏi đường ray. Thói quen hàng ngày mang lại sự an ninh và tính liên tục. Bên ngoài kia là rừng rậm tăm tối. Mỗi người dân châu Âu của thế kỷ hai mươi đều cảm nhận điều đó trong xương tủy của anh ta và sợ nó. Đó là nguyên nhân của sự miễn cưỡng tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến cuộc sống của anh ta “trật khỏi đường ray” - một điều gì đó táo bạo hay khác thường. Chính sự thiếu tự chủ này mở ra khả năng cho những thảm họa khủng khiếp của nền văn minh như chế độ cai trị phát xít ở Đức. (Thách thức Hitler, trang 137 – 138)
Mọi thứ hầu như không thay đổi chút nào… Ngay cả khi những sự kiện cực kỳ quan trọng đang xảy ra xung quanh chúng ta - thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo những cách tinh tế nhất định - chúng ta vẫn có xu hướng không hành động. Thông thường chỉ khi một cái gì đó thực sự quan trọng đối với chúng ta bị lấy đi thì ngọn lửa bên trong mới được thổi bùng lên và chúng ta mới sẵn sàng hành động. Nhưng khi đó thường là đã quá muộn.
Vậy con người có thể làm gì? Vâng, chúng ta có thể bắt đầu mở rộng phạm vi những vấn đề được coi là quan trọng đối với cá nhân chúng ta. Để nhận thức rằng chúng ta là một phần của một tổng thể lớn hơn. Chúng ta cần nhìn nhận nỗi kinh hoàng đang xảy ra trên hành tinh này như là một vấn đề sống còn. Bởi vì nói rộng ra thì nó đúng là như vậy. Lương tâm. Sự thật. Nếu không có nó, sẽ không có gì thay đổi. Nó sẽ chỉ tồi tệ đi.
Nhận xét: Bài viết này lấy cuộc sống dưới chế độ Đức Quốc xã làm ví dụ vì nó quen thuộc với độc giả phương Tây. Với bạn đọc người Việt, cuộc sống ở miền bắc Việt Nam thời Cải cách Ruộng đất hay ở Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa có thể là những ví dụ quen thuộc hơn.
Các bài khác trong series này:
Xem thêm về chứng thái nhân cách:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.