Tác giả: Thiên Nam
Nguồn: Báo Đất Việt
Cuộc biểu tình lớn đòi chính phủ từ chức ở thủ đô Skopje của Macedonia, là một dấu hiệu cho thấy “Cách mạng màu” ở nước này bắt đầu khởi phát.
Biểu tình lớn ở thủ đô Skopje của Macedonia
Hôm 17-5, một cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối chính phủ đã diễn ra tại trung tâm thủ đô Skopje-Macedonia. Cuộc biểu tình quy tụ ở khoảng 20.000 người đã nổ ra sau khi 22 cảnh sát bố ráp một khu vực của người gốc Albania tại thị trấn miền Bắc Kumanovo. Đụng độ đã khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có 8 cảnh sát.
Người biểu tình đã hô khẩu hiệu đòi Chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức với cáo buộc các quan chức cấp cao lạm quyền, có âm mưu gian lận bầu cử và chỉ đạo nghe lén khoảng 20.000 người, trong đó có các chính khách, phóng viên và lãnh đạo tôn giáo.
Khoảng 30.000 người tập hợp bên ngoài tòa nhà Quốc hội bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Gruevski. Cách đó 2km, khoảng 1.000 người ủng hộ phe đối lập vẫn cắm trại bên ngoài phủ thủ tướng sau khi Thủ lĩnh đảng Liên minh Dân chủ Xã hội đối lập (SDSM) Zoran Zaev kêu gọi "bám trụ" cho đến khi ông Gruevski từ chức.
Căng thẳng chính trị tại Macedonia tăng cao từ tháng 1 vừa qua, khi chính phủ cáo buộc lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDSM) đối lập Zoran Zaev liên quan tới hoạt động gián điệp và bạo lực chống chính quyền. Tuy nhiên, ông Zaev đã bác bỏ lời buộc tội trên,
Phe đối lập cũng lên tiếng tố cáo chính quyền của Thủ tướng Gruevski lạm quyền và âm mưu gian lận bầu cử. Họ cũng tố chính phủ nghe lén khoảng 20.000 người, trong đó có các chính khách, phóng viên và lãnh đạo tôn giáo; gây căng thẳng sắc tộc để bám giữ quyền lực.
Ngày 18-5, Thủ tướng Gruevski thừa nhận trong quá trình quản lý và điều hành chính phủ đã "mắc một số thiếu sót" và sẽ khắc phục trong thời gian tới nhưng khẳng định sẽ không từ chức. Ông cũng cáo buộc tình báo nước ngoài hậu thuẫn phe đối lập tìm cách gây bất ổn cho đất nước để trục lợi và ép ông phải rời bỏ chức vụ.
Những diễn biến trên đã đẩy Macedonia rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc, trong bối cảnh quốc gia vùng Balkan này đang trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. Sang ngày 18-5, bốn đảng chính ở nước này đã thảo luận biện pháp tháo gỡ khủng hoảng nhưng chưa đạt kết quả.
Cộng đồng quốc tế đã dấy lên sự lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị ở Macedonia. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương cho biết, NATO đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Macedonia, kêu gọi nước này tránh bạo lực và leo thang khủng hoảng.
Sang đến ngày 18 và 19, người biểu tình đã rút lui gần hết, nhưng vẫn còn còn hàng trăm người dựng lều bên ngoài tòa nhà chính phủ. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai gần đó để ổn định tình hình nhưng không có vụ bạo lực nào diễn ra.
Mỹ định tiến hành Maidan mới với chính phủ “thân Nga”
Trong tuyên bố về cuộc khủng hoảng Macedonia, Bộ Ngoại giao Nga vừa cáo buộc phương Tây tìm cách "kích động một cuộc cách mạng sắc màu ở Macedonia, mà vụ một công dân Montenegro bị Macedonia bắt giữ với cáo buộc tiếp tay cho "các phần tử cực đoan Albania" hoạt động ở Macedonia là minh chứng rõ nhất.
Moscow cho rằng, đây là bằng chứng thuyết phục về những âm mưu đẩy Macedonia rơi vào vực thẳm của cách mạng sắc màu của các nhà tổ chức Phương Tây muốn mượn tay người khác để thực hiện những kịch bản Maidan giống như ở Ukraine.
Về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị ở Macedonia, Nga cho rằng, phương Tây thúc đẩy cách mạng màu ở đất nước này là do chính phủ của ông Nikola Gruevski không muốn cắt đứt quan hệ với Nga và sẵn sàng ủng hộ dự án xuất khẩu khí đốt của Nga qua "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
Phương Tây đang cố gắng thực hiện tại Macedonia một kịch bản từng được thử nghiệm thành công ở Ukraina, nơi mà Tổng thống hợp pháp Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2 năm 2014, sau khi ông hoãn ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu và chuẩn bị đàm phán gói viện trợ mới với Nga.
Ông George Engelhardt, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Slavơ, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết, ông Gruevski bị phương Tây “hỏi tội” bởi có quan điểm ủng hộ chính sách của Nga, bị Mỹ và NATO cho là đang nỗ lực giành ảnh hưởng trong khu vực Balkan.
"Chúng ta thấy trong báo chí phương Tây cả một tập hợp cáo buộc rằng Nga đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Balkan. Điều này có nghĩa rằng dư luận đang được chuẩn bị cho một kế hoạch là trong khu vực này cần phải đưa ra chính sách cứng nhắc hơn đối với Nga” - ông Engelhardt nói.
Vị chuyên gia này phân tích, vấn đề không phải là Nga có ảnh hưởng to lớn nào đó tại Macedonia. Đơn giản là Skopje, vốn phụ thuộc rất nhiều vào vào xuất khẩu nông sản, đã không tham gia các biện pháp trừng phạt, để giữ thị trường Nga và nước này đã giữ được thị trường xuất khẩu.
Điểm thứ hai nằm ở vấn đề là Macedonia có thể trở thành hành lang tiềm năng cho "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Hoa Kỳ và EU đã có những nỗ lực to lớn trong việc ngăn chặn "Dòng chảy phương Nam" và hiện đang cố gắng để đóng phương án trung chuyển Macedonia, và bằng cách đó, họ tin rằng sẽ hạ gục Nga từ vùng kinh tế Balkan."
Macedonia có dân cư phần lớn là người Serbia có quan điểm thân thiện với Nga. Tuy nhiên, một bộ phận người Albania cũng đang sinh sống tại đất nước này, và thường xuyên xung đột với chính quyền địa phương. Bởi vậy, Mỹ đã lợi dụng cộng đồng người Albania để tiến hành kế hoạch chống lại chính phủ thân Nga.
“Quy trình” hạ gục đối thủ “cứng đầu” của Mỹ
Vài chục năm qua, Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc cách mạng màu hay các cuộc bạo loạn lật đổ các chính phủ không chịu đi theo định hướng của Mỹ. Họ đã làm điều này nhuần nhuyễn đến nỗi xây dựng được một quy trình chuẩn cho dạng hành động này.
“Công thức” thay đổi thể chế của Mỹ bao gồm 3 kịch bản tương ứng với 3 giai đoạn kế tiếp nhau: Trước hết là “Cách mạng màu”, tiếp theo là bạo loạn lật đổ và cuối cùng là can thiệp quân sự. Trong đó, 2 giai đoạn đầu có thể sử dụng kết hợp với nhau, nếu không thành công cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kịch bản thứ 3.
Nhà Trắng hiện đang triển khai kịch bản “Cách mạng màu”, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” ở Macedonia, bằng cách dấy lên các cuộc biểu tình của phe đối lập, để tạo áp lực khiến chính phủ phải từ nhiệm hoặc bị lật đổ trong hòa bình.
Kịch bản thứ nhất mang tính “hòa bình” này đã từng xảy ra nhiều ở châu Âu trong giai đoạn cuối thứ kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Ví dụ như: Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004), và Cách mạng Tulip ở Kyrgyzstan(2005)...
Nếu bước đi này vẫn chưa thành công, Mỹ sẽ chuyển sang hình thái bạo loạn, lật đổ, thường được thấy ở những cuộc biểu tình kèm theo bạo động tự phát hay bị kích động nhằm tạo nên tình hình hỗn loạn về chính trị để mượn tay quần chúng hay lực lượng quân đội để lật đổ chính quyền.
Kịch bản dạng này có thể thấy ở Cách mạng Ai Cập năm 2011, lật đổ chính quyền của ông Hosni Mubarak và tiếp theo là cuộc Đảo chính Ai Cập 2013, khi quân đội lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi, sau khi những cuộc biểu tình bạo loạn trên toàn quốc
Gần đây nhất, kịch bản cách mạng màu kết hợp biểu tình bạo loạn để lật đổ chính quyền đã diễn ra ở Ukraine khi phương Tây đã điều khiển các đảng phái đối lập ở Ukraine biểu tình và cố tình tạo cớ, gây bạo loạn để lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych.
Khi hai phương thức được sửa dụng riêng rẽ hay kết hợp với nhau mà chưa đem lại kết quả, phương Tây sẽ sử dụng đến kịch bản cuối cùng: Kích động can thiệp quân sự dưới vỏ bọc “can thiệp nhân đạo”, “trách nhiệm bảo vệ”, “chống khủng bố”.
Ở hình thái này, Mỹ sẽ phải xây dựng được một lực lượng quân sự đối lập với chính quyền để kích động nội chiến, gây ra cảnh tàn sát chết chóc của dân thường, từ đó sẽ viện cớ để can thiệp quân sự trực tiếp, hay gián tiếp giúp đỡ các lực lượng đối lập dùng biện pháp quân sự để lật đổ chính quyền.
Một kịch bản điển hình được tiến hành là ở Syria, khi mà chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn trụ vững trước làn sóng “Mùa xuân Arab”. Vì thế Nhà Trắng thúc đẩy cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” nhằm vào Damascus, bằng việc huấn luyện, trợ giúp cho lực lượng đối lập ở Syria, nòng cốt là Quân đội Syria tự do (SFA).
Những kịch bản này rất có thể sẽ được áp dụng ở Macedonia, mặc dù hiện nay nó mới đang chỉ ở trong giai đoạn thứ nhất. Bởi vì, từ biểu tình hòa bình, yêu cầu chính phủ từ chức dẫn đến biểu tình bạo loạn, lật đổ là khoảng cách rất mong manh, chỉ cần một hành động cố tình khiêu kích là bạo lực sẽ bùng phát.
Hơn nữa, hiện có thông tin cho rằng Washington đã hà hơi phục hoạt một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất ở khu vực Balkan là “Quân đội Giải phóng Kosovo” (KLA), nhằm châm ngòi cho những chia rẽ sắc tộc giữa những người Macedonia gốc Albania thiểu số và người gốc Slavơ.
Dự đoán, tình hình Macedonia sắp tới sẽ có những biến động lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.