Nguồn: Những Nhà Dân Chủ Độc Tài
Phần 1: Bệnh di truyền của chế độ cũ
Theo tôi, đồng tiền là một trong những lý do quan trọng khiến phong trào dân chủ Việt Nam không ngừng bê bết.
Sự bê bết này bắt nguồn từ quá khứ. Không thể phủ nhận rằng phong trào dân chủ Việt Nam đã thừa hưởng nhiều di sản về nhân sự, tổ chức và tập quán của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và cộng đồng người Việt lưu vong. Những di sản đó bao gồm cả thói quen ỷ lại vào tiền viện trợ nước ngoài và nạn tham nhũng - vốn rất quen thuộc nơi các tướng lĩnh và quan chức Việt Nam Cộng Hòa. Những dị tật di truyền này đã định sẵn cho phong trào ngày nay một số phận bất hạnh.
Tác nhân khởi đầu số phận này là những nhà đấu tranh gạo cội trong cộng đồng hải ngoại. Là những nạn nhân đầy hận thù của chế độ cộng sản, và là những người có đầy đủ điều kiện để làm việc với các dòng tiền ngoại quốc, lớp cha chú này có thừa hai thứ quan trọng: nhiệt huyết và tiền nong. Tuy nhiên, họ lại thiếu một thứ quan trọng khác, là khả năng trực tiếp hiện diện ở quốc nội để phất cờ. Vì vậy, sau nhiều nỗ lực vô vọng, với sự đánh đổi khổng lồ về tài chính, thời gian và nhân lực trong quá khứ, họ đành bằng lòng với một phương án khác, là thông qua những nhà hoạt động trong nước để tác động gián tiếp vào chiến trường Việt Nam.
Từ chỗ này, có một vấn đề mới phát sinh. Những người chống cộng hải ngoại có mục đích, tôn chỉ và cách thức đấu tranh khác hoàn toàn với đa số đồng bào trong nước. Trong khi họ đặt mục tiêu trả thù, phục quốc, và đấu tranh để thay đổi kết cục đại bại của mình trong một cuộc chiến tranh quá khứ, thì đa số người trong nước chỉ tự hỏi mình có thể làm gì để có một tương lai hòa bình, thịnh vượng và êm ấm hơn. Trong khi họ muốn áp dụng các kỹ thuật sách động quần chúng để lật đổ và tiêu diệt toàn bộ thể chế hiện tại, thì đa số người trong nước chỉ muốn giải quyết những vấn đề dân sinh cụ thể, hoàn thiện pháp luật và việc thực thi pháp luật, để dần nới rộng tự do và công bằng... Trong khi họ muốn một cuộc cách mạng đường phố kinh thiên động địa, đủ ầm ỹ để họ có thể theo dõi được qua CNN, và đủ nhanh để có thể ăn mừng trước khi xuống lỗ, thì đa số người trong nước, nhất là giới trẻ, chỉ muốn một cuộc chuyển đổi chậm rãi, bền vững và an toàn. Mọi mâu thuẫn giữa quốc nội và hải ngoại chủ yếu sinh ra từ những khác biệt đó.
Đây là thứ mâu thuẫn không thể hòa giải. Nó chỉ được giải quyết khi một bên nắm quyền kiểm soát bên còn lại. Và nó đã được giải quyết khi tiền của cộng đồng hải ngoại kiểm soát phong trào dân chủ Việt Nam.
Nói gì thì nói, tiền tươi thóc thật có nặng với người bình thường thế nào, thì trong mắt những nhà hoạt động đang bị chính quyền cắt cơm, nó còn nặng gấp mười hơn thế. Còn tương lai dân tộc thì chẳng có tí sức nặng nào với những vị đã ở tuổi không có tương lai, và đã có nửa cuộc đời sống ngoài dân tộc. Thế là sau chót, giữa viễn kiến xa và tiền gần, cuộc cách mạng dân chủ bất hạnh đã chọn phương án hai.
Chính quyền Mỹ thích điều này. Giờ thì Mỹ, nguồn viện trợ truyền thống của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã tìm ra cách biến những nhà hoạt động Việt Nam thành con rối phục vụ cho mục đích chính trị của họ. Tất nhiên, họ chỉ coi đám rối này là công cụ để phục vụ những mục tiêu ngắn hạn và thực dụng, như buộc chính quyền Việt Nam phải chịu thiệt thòi trong hiệp định này, ký kết kia. Giữa đám người biểu tình ngáo ngơ và chính quyền Việt Nam - một tập hợp những tay chính khách vừa chuyên nghiệp, vừa đủ đĩ thõa để thỏa hiệp với mọi thế lực quốc tế khi cần, chắc chắn Mỹ không xem người biểu tình là đối tác đáng tin cậy cho những lộ trình chuyển đổi chính trị dài hơi. Điều này người ta biết nhưng không nói.
Và từ điểm khởi phát này, sự lệ thuộc tài chính vào nước ngoài bắt đầu giết dần giết mòn phong trào dân chủ.
Còn diễn biến muôn hình vạn trạng của cái chết, thì xin được đề cập đến trong bài sau.
Phần 2: Giai cấp mới
Đồng tiền tài trợ đã phá hoại phong trào dân chủ Việt Nam như thế nào?
Trước tiên, cần nhắc lại rằng vì những nhà tài trợ - bao gồm cộng đồng hải ngoại và các chính quyền phương Tây - chỉ muốn tận dụng các nhà hoạt động Việt Nam cho những mục tiêu nhất thời, đồng tiền mà họ bỏ ra sẽ chỉ chảy vào những hoạt động ngắn hạn, ồn ào, tập hợp được đám đông, và hứa hẹn gây tiếng vang trên truyền thông quốc tế. Chúng bao gồm các hình thức ký tên chung, biểu tình, đòi người, khiếu kiện tập thể... Trong khi đó, dòng tiền tài trợ gần như chẳng bao giờ tìm đến những chương trình có tính chất dài hơi và bền vững, nhằm chuẩn bị một nền tảng lý luận, nhân sự và tập quán vững chắc cho nền dân chủ tương lai. Vấn đề nằm ở chỗ những chương trình có tính chiến lược của người trong nước chắc chắn sẽ đụng chạm đến chiến lược hoàn toàn khác biệt của các nhà tài trợ ở nước ngoài. Vậy nên chẳng bao lâu, bằng khả năng chi phối nồi cơm của mình, phía hải ngoại dễ dàng lũng đoạn chiến lược của phong trào dân chủ Việt Nam, còn người trong nước chỉ được góp mặt trong những hoạt động rời rạc mang tính chiến thuật.
Muốn được tiền tài trợ, bạn phải có hoạt động bề nổi được đăng báo. Mà cách nhanh nhất để một hoạt động được đăng báo là... bị công an đàn áp trong, hoặc thậm chí từ trước lúc diễn ra. Vậy nên dần dần, nhờ tài bơm thổi và cường điệu hóa của cánh truyền thông mạng, công chúng bắt đầu ngưỡng mộ và dành mọi sự quan tâm cho những hoạt động thất bại từ trong trứng nước vì bị đàn áp, cùng những nhà hoạt động chẳng làm được gì khác ngoài ăn đòn và đi tù. Thất bại trên thực địa trở thành tiêu chuẩn đầu tiên để thành công, và để được phong anh hùng trên báo chí. Mà chỉ khi thành công trên báo chí, các nhà hoạt động mới có tiền tài trợ. Vòng luẩn quẩn này dần triệt tiêu mọi tầm nhìn và ý chí quyết thắng của phong trào dân chủ Việt Nam. Nó tạo ra một môi trường độc hại, nơi hạng tiểu nhân hám lợi, hám danh, không viễn kiến, nhưng giỏi khua môi múa mép và diễn trò ăn vạ dễ dàng ngóc dậy và chi phối phong trào. Tới mức hiện nay, có nhiều cá nhân và hội nhóm trong làng dân chủ đã nổi lên chỉ nhờ bị đàn áp, và không biết làm gì ngoài lặp đi lặp lại việc bị đàn áp. Nhóm No-U ở Hà Nội, Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng, cùng đông đảo các đảng viên Việt Tân từ Bắc vô Nam đều là những hiện tượng như vậy.
Quá trình thối rữa về mặt nhân sự của phong trào dân chủ Việt Nam đã hình thành trong nước ta một giai cấp mới. Tôi tạm gọi họ là giai cấp "ăn mày chính trị". Gọi như vậy, bởi họ có những đặc điểm sau:
Thất nghiệp
Chủ yếu hành nghề nơi những vỉa hè ngoài đời hoặc trên Internet
Tranh nhau đăng ảnh và viết status về chính trị, hoặc phát biểu về chính trị ở các buổi tiếp xúc quốc tế, nhưng không nêu được nhận định hoặc khuyến nghị gì mới, mà chỉ loay hoay lên án chế độ với tư cách một nạn nhân
Tiêu chí đầu tiên đặt ra khi viết dự án là phải lựa sao cho xin được tiền
Chỉ làm việc ngắn hạn trước mắt, theo làn sóng lên xuống của các dòng dư luận và dòng fund, chứ không hề có tầm nhìn hay dự định dài hạn
Thường xuyên gõ cửa các sứ quán phương Tây chỉ để kể lể rằng mình là những nạn nhân tội nghiệp đang bị chính quyền Cộng sản bắt nạt
Hầu như tuần nào cũng bị đánh, và hễ bị đánh là kêu ca ầm ỹ để tìm xin xỏ lòng thương
Giai cấp tồi tàn về mặt nhân cách và tư thế này, khi kế thừa truyền thống tham nhũng và tranh chấp tiền viện trợ của những tàn tích Việt Nam Cộng Hòa đang đóng vai trò môi giới xin fund, đã biến phong trào dân chủ thành một môi trường tài chính bẩn thỉu chẳng kém các công ty quốc doanh hoặc các viện nghiên cứu của chính quyền. Giờ đây, những vụ tham nhũng, lừa đảo và tranh vốn trong làng chống Cộng Việt Nam cũng đã thành ra một chuyện quen tai, nhàm chán.
Nhận xét: Cũng như tại nhiều nước khác bị phương Tây nhắm vào, cái gọi là phong trào "dân chủ" ở Việt Nam chỉ là công cụ gây mất ổn định, gây rối hoặc lật đổ chế độ tại nước sở tại của CIA. Những người muốn ủng hộ phong trào "dân chủ" để lật đổ chế độ nên nhìn vào Ukraine để xem nó sẽ dẫn đến điều gì cho đất nước và con người Việt Nam.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.