Tác giả: Andre Vltchek
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa
Hong Kong đang bức bối, người dân chia rẽ. Biểu tình và phản biểu tình đang chia rẽ thành phố nổi tiếng với chủ nghĩa khoái lạc, tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Những người phương Tây trộn lẫn với người biểu tình. Nhiều câu hỏi và nhiều sự khó hiểu, tiếp nối nhau.
Suốt nhiều thập kỷ Hong Kong là một xã hội với chủ nghĩa tư bản tốc độ và văn hóa tiêu dùng mãnh liệt. Người dân đang đối mặt với một số giá cả khó tưởng tượng nhất thế giới, đặc biệt là giá nhà ở …
Cái đó là gì? Không phải màu cam hay màu xanh lá cây, và lại càng không phải là màu đỏ! Biểu tượng của chúng là chiếc ô. Như nhiều người Hong Kong thường nói “chiếc ô xoàng xĩnh”.
Nhưng nó có thực sự tốt lành?
Tất nhiên, chúng ta đang nói về “biểu tình dân chủ” ở Hong Kong, và còn được biết đến như là “Phong Trào Chiếc Ô”; phiên bản mới nhất của trào lưu “dân chúng nổi dậy” được phương Tây khuyến mại!
Ở North Point của Hong Kong, gần bến phà Kowlon, một người đàn ông trung niên đang giương khẩu hiệu “Ủng Hộ Cảnh Sát Của Chúng Ta”. Trên bức ảnh, lều rạp và những chiếc ô của phong trào “ủng hộ dân chủ”, “Chiếm Đóng Trung Tâm” (còn được biết đến dưới tên “Phong Trào Chiếc Ô”) được tô bằng màu nâu đỏ, màu của sự phiền muộn.
“Ông phản đối những người biểu tình?” Tôi hỏi người đàn ông.
“Tôi không ủng hộ hay phản đối họ”, ông ta trả lời. “Nhưng nên biết rằng họ có khoảng 1 triệu người ủng hộ ở đây, trong khi Hong Kong có tất cả là 7 triệu dân. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc dọn sạch đường phố và để cho thành phố này được hưởng cuộc sống bình thường”.
Tôi tiếp tục nói: “Vào ngày 28 tháng 9, cảnh sát đã bắn 87 quả đạn hơi cay về phía người biểu tình, và con số đó đã được phương Tây và ở đây coi là bằng chứng cho sự tàn bạo của cảnh sát và sự cai trị phi dân chủ của Bắc Kinh. Người biểu tình mới kỷ niệm sự kiện đó vài ngày trước đây, như thể là điều đó đã biến họ thành thánh tử vì đạo …”
Một người đàn ông cười: “Chúng đã bị hư hỏng. Chúng hầu hết xuất thân từ các gia đình rất giàu có của thành phố giàu có nhất thế giới. Chúng không biết gì nhiều về thế giới. Tôi phải nói với anh là các sinh viên ở Bắc Kinh thực tế còn biết nhiều hơn về thế giới … 87 quả đạn hơi cay chả là gì hết khi so sánh với những gì xảy ra ở Cairo hay Bangkok. Ở New York, cảnh sát kéo lê và đánh đập người biểu tình, bất kể là nam hay nữ, trong đoạn kết của màn diễn Chiếm Đóng Phố Wall”.
Trước đó tôi nói chuyện với một người bạn, một học giả phương Tây hàng đầu đang giảng dạy ở Hong Kong. Thông thường, ông ta sẵn sàng giúp đỡ tôi với những phân tích của ông, song lần này, ông ta yêu cầu tôi không nêu tên của ông. Không phải vì sợ những điều Bắc Kinh có thể làm, chỉ đơn giản là vì nó có thể làm tình thế của ông ta ở Hong Kong thêm phức tạp. Tôi hỏi ông ta là “phong trào đối lập” thực ra tự phát triển hay nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, và ông ta trả lời:
“Để trả lời câu hỏi có sự can thiệp của nước trong Chiếm Đóng Trung Tâm không, chúng ta phải trả lời là có. Là một phố toàn cầu thượng hạng, Hong Kong được tiếp xúc nhiều với những quan điểm và luồng tư tưởng quốc tế trong suốt lịch sử của nó. Và chắc chắn là một số nhất định những thành viên của phong trào dân chủ đã bắt tay với “những nhà cải cách hăng hái” quốc tế (một sự ám chỉ tới hàng sa số các tổ chức hay quỹ “yểm trợ dân chủ” trên toàn cầu đang hoạt động với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ hoặc phương Tây). Đài Loan có thể can dự. Ủy Ban Đối Ngoại Nghị Viện Anh Quốc đang tìm cách can thiệp. Họ đều bị coi là “can thiệp nước ngoài” ở đây trong lời kêu gọi của Bắc Kinh mà C.Y. Leung hưởng ứng, mặc dù ông ta không nêu đích danh cái tên nào”.
Những người biểu tình có thể có một số bất bình hợp lý. Họ muốn bầu cử trực tiếp trưởng đặc khu hành chính và về lý thuyết mà nói, không có gì sai với yêu cầu đó. Họ muốn giải quyết tham nhũng, và kiềm chế các nhà tài phiệt địa phương. Điều đó cũng ổn thôi.
Vấn đề là ở chỗ phong trào đang thoái hóa thành một phong trào bài bác Bắc Kinh, được cả truyền thông phương Tây lẫn địa phương (thân doanh nghiệp và thân phương Tây) ủng hộ nhiệt liệt.
Một số sinh viên mà tôi đã nói chuyện với, ở Admiralty và Mong Kok, không buồn che dấu sự căm thù của họ đối với hệ thống Cộng Sản, và đối với chính quyền Bắc Kinh. Tất cả đều phủ nhận những tội ác của các quốc gia phương Tây trên khắp thế giới, hoặc họ đơn giản là không biết gì về chúng. Đối với họ rõ ràng chỉ có một và một thứ duy nhất có thể được gọi là “dân chủ” – cái hệ thống hay có thể gọi là thể chế được phương Tây định nghĩa, khuyến khích và xuất khẩu.
“Trung Quốc đang ở phía đúng đắn của lịch sử”, tôi cố gắng nói với một người biểu tình vào ngày 31 tháng 10 ở Admiralty. “Cùng với Nga và Châu Mỹ Latin, họ đang đương đầu với sự can thiệp tàn bạo của phương Tây trên khắp thế giới và chống lại tuyên truyền của phương Tây”.
Người ta nhìn tôi bối rối, giận dữ và phẫn nộ.
Tôi hỏi các sinh viên xem họ nghĩ gì về Venzuela, Bolivia hay Ecuador?
“Chế độ độc tài”, họ trả lời nhanh chóng và giận dữ.
Tôi hỏi họ về Bangkok và những “cuộc biểu tình và phong trào ủng hộ dân chủ” đã diễn ra chống lại chính quyền được bầu cử dân chủ; những cuộc biểu tình đã dẫn đến cuộc đảo chính của tầng lớp thượng lưu và quân đội theo mệnh lệnh từ phương Tây.
Tôi hỏi họ về những cuộc biểu tình “ủng hộ dân chủ” chống lại chính quyền được bầu cử dân chủ của tổng thống Morsi ở Ai Cập, và một cuộc đảo chính quân sự và thân phương Tây khác đã đưa quân đội lên nắm quyền. Ở Ai Cập, hàng ngàn người chết trong quá trình đó. Phương Tây và Israel thì hoan hỉ một cách kín đáo.
Nhưng sinh viên Hong Kong “đấu tranh” cho dân chủ hoàn toàn không biết gì về Thái Lan hay sự lạc đường của Mùa Xuân Arab.
Họ cũng không có được câu trả lời mạch lạc về Syria hay Iraq.
Tôi hỏi họ về Nga và Ukraina. Họ rất quen thuộc với chủ đề này, một cách hoàn hảo. Tôi nhận được các trích dẫn ngay lập tức như thể họ vừa mới trực tiếp lôi chúng ra từ truyền thông phương Tây: “Nga đang gây xung đột thế giới … Họ chiếm đóng Crimea và đưa quân đội tới Ukraina, sau khi bắn hạ máy bay của hãng hàng không Malaysia …”
Trở lại Hong Kong và Trung Quốc, hai cô gái ở Admiralty thể hiện rõ quan điểm của họ:
“Chúng tôi muốn dân chủ thật sự; chúng tôi muốn quyền đề cử và lựa chọn lãnh đạo của chúng tôi. Lãnh đạo địa phương hiện giờ là tay sai. Chúng tôi ghét chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi không muốn chế độ độc tài như Trung Quốc”.
Tôi hỏi là họ thực sự muốn gì? Họ lặp lại “dân chủ”.
“Thế còn hàng trăm triệu người mà Trung Quốc đã cứu thoát khỏi nghèo khổ? Còn vị trí quyết định chống lại đế quốc phương Tây của Trung Quốc? Còn nỗ lực chống tham nhũng của họ? Còn BRICS? Còn những nỗ lực phục hồi chủ nghĩa xã hội thông qua chăm sóc y tế, giáo dục miễn phí, văn hóa, giao thông được trợ cấp, nền kinh tế hỗn hợp/có kế hoạch?”
“Có điều gì tốt, bất cứ điều gì, mà Trung Quốc, quốc gia chủ nghĩa xã hội lớn nhất và thành công nhất trái đất đang làm không?”
Brian, một sinh viên ở Mong Kok, giải thích:
“Chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm và bầu chọn người lãnh đạo. Hiện giờ đang là chế độ độc tài ở Trung Quốc. Họ lựa chọn ủy ban để bầu các lãnh đạo của chúng tôi. Chúng tôi muốn dân chủ thật sự. Hình mẫu của chúng tôi là dân chủ phương Tây”.
Tôi hỏi ở cả hai nơi biểu tình về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Anh. Tôi không nhận được câu trả lời. Sau đó tôi nhận thấy những câu trích dẫn Winston Churchill, một gã tự nhận là phân biệt chủng tộc và không bao giờ buồn che dấu sự thù ghét của bản thân đối với những người không phải da trắng, không phải phương Tây. Nhưng ở đây, Churchill được coi là một trong những người đứng đầu của dân chủ; các câu trích dẫn ông ta được dán trên hàng sa số các bức tường.
Sau đó tôi nhìn thấy Tường John Lenon với một câu trích dẫn sáo ngữ kiểu như: “Bạn có thể nói tôi là kẻ ngủ mơ, nhưng tôi không phải là kẻ duy nhất”.
Họ thực sự mơ về điều gì, tôi không được biết. Tất cả những gì tôi thấy chỉ là sự tầm thường sáo rỗng ở mọi nơi về “dân chủ” và “tự do”
Cờ Anh quốc cũng ở khắp mọi nơi, và tôi còn nhìn thấy hai con chó ngao Anh; hai con vật cực kỳ dễ thương, tôi phải thừa nhận, nhưng chả giải thích được gì cho nguyện vọng của người biểu tình.
Trong khi hiếm có người còn nói tiếng Anh ở đây, mọi biểu tượng văn hóa, tư tưởng và tuyên truyền tại nơi biểu tình lẫn nơi “chiếm đóng” đều có liên quan tới phương Tây.
Sau đó, vào buổi tối ngày 29 tháng 9, ở gần Admiralty, tôi phát hiện một nhóm người phương Tây, la hét và sẵn sàng cho “cái gì đó lớn”
Tôi lại gần một trong số họ; tên của anh ta là John và anh ta đến từ Australia:
“Tôi đã sống ở Hong Kong một thời gian. Tối nay chúng tôi tổ chức chạy từ đây đến Aberdeen, Pok Fu Lam và quay trở lại, để ủng hộ Phong Trào Chiếc Ô. Một số người nước ngoài tham gia cũng đã sống ở Hong Kong một thời gian.”
Tôi không hiểu điều này có minh họa cho thiếu tự do và sự độc đoán của Bắc Kinh không?
Tôi cố gắng hình dung điều sẽ xảy ra trong cùng một tình huống, ở các quốc gia tay sai của Washington, London và Paris, ở các quốc gia mà phương Tây ca ngợi là “nền dân chủ rực rỡ”.
Điều gì sẽ xảy ra với tôi, khi tôi định tổ chức hoặc tham gia chạy marathon ở Nairobi, Kenya để phản đối việc Kenya xâm lược Somalia hay phản đối việc gây hấn trên bờ biển Swahili/Hồi Giáo? Họ sẽ làm gì với tôi, khi tôi là một người ngoại quốc, khởi đầu một cuộc chạy đua ở trung tâm Jakarta, để yêu cầu thêm tự do cho Papua?
Nghĩ là tôi đã mất hết can đảm và cùng với nó, khả năng suy nghĩ một cách khách quan, tôi nhắn tin cho một nhà ngoại giao ở Nairobi. “Họ sẽ trục xuất tôi?” Tôi hỏi. “Họ có coi việc đó là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia không?”
“Họ sẽ trục xuất anh” câu trả lời đến ngay lập tức. “Nhưng trước đó, anh sẽ thối rữa một thời gian trong một nhà giam cực kỳ bẩn thỉu.”
Tôi nghĩ vậy …
***
Vào lúc này, biểu tình trở nên hỗn loạn; làm gia tăng thời gian đi lại và hủy hoại kinh doanh.
Thậm chí phần lớn viên chức Hong Kong giờ đây không muốn người biểu tình chặn đường phố.
Tờ South China Morning Post, đưa tin vào ngày 29 tháng 10 năm 2014:
“Người biểu tình bị Hội luật sư phê phán vì đã lờ đi lệnh của tòa án, khi các luật sư ký đơn đề nghị chấm dứt chiếm đóng”.
Nhưng một số người thực sự thấy những yêu cầu biểu tình là chân thật và hợp hiến. Bạn của tôi, ông Basil Fernando, giám đốc của Ủy Ban Nhân Quyền Châu Á, đã viết cho tôi:
“Về phần những người biểu tình ở Hong Kong, họ là những người biểu tình địa phương chân thật với những quan ngại nghiêm túc. Người dân Hong Kong trong lịch sử mới đây nhận được nhiều quyền mà người dân ở các quốc gia Châu Á khác chỉ có trên danh nghĩa, mà không có trong đời thực. Lý do là sự độc lập và hoạt động của các thiết chế công cộng. Sự khởi đầu của họ được đánh dấu bằng Ủy Ban Chống Tham Nhũng Độc Lập (ICAC), được khai sinh vào năm 1974. Đó là thành công và kết quả là Hong Kong gần như là một xã hội không có hối lộ và tham nhũng. Với 25 năm sống [ở đây], tôi có thể xác nhận điều này.”
“Người dân thực sự lo ngại sẽ đánh mất điều đó và đó là lý do tại sao họ muốn có tiếng nói hơn, để bầu chọn trưởng đặc khu hành chính. Đây là một phong trào địa phương thực sự với các mục tiêu chính trị có giới hạn.”
Nhưng một tuần sau, khi tôi và Basil gặp nhau, mặt đối mặt, ở Hong Kong, ông ta thừa nhận:
“Nhiều sinh viên ở Hong Kong thiếu thông tin, và một số đã hư hỏng. Chúng chưa bao giờ phải trải qua khó khăn trong đời. Đây là một trong những nơi giàu có nhất trái đất. Một số đứa trẻ sợ Trung Quốc. Được, chúng ta có thể nói một số chúng là phản động … Nhưng điều này có thể hiểu được; đó là những người có gia đình chạy trốn khỏi Đất Liền Trung Quốc trong quá khứ … Bố mẹ và ông bà nuôi nhồi nhét cho con cháu họ những điều tiêu cực về Trung Quốc”.
Vài phút sau, tôi ăn trưa tại Cafe de Coral, một chuỗi cửa hàng địa phương. Một thanh niên đi vào, mặc áo phông, trên đó có dòng chữ: “Hải Quân Thực Sự. Doanh Trại Quân Đội Hoa Kỳ.”
Ở Hong Kong, điều đó chẳng có nghĩa gì. Đó thậm chí không phải là thông điệp chính trị, chỉ là cái áo phông.
Chừng nào thành phố còn giàu có, mọi thứ vẫn ổn. Và nó đã giàu có nhiều năm, nhiều thập kỷ; dưới sự cai trị của Anh, cũng như khi là một phần của Trung Quốc.
Câu hỏi là nếu họ không quan tâm tới chính trị thì tại sao người biểu tình phong tỏa các đường giao thông huyết mạch của thành phố suốt hơn một tháng để đòi bầu cử trực tiếp và “dân chủ”, bất kể dân chủ có nghĩa là gì với họ?
Hay có điều gì đó ẩn giấu sau tất cả những chuyện này, và cũng có thể là “sau những dòng chữ”?
“Chúng tôi cũng có những người nghèo”. Brian, một người biểu tình ở Mong Kok, nói với tôi.
Sự thật là Hong Kong không phải là một pháo đài xã hội như Macau láng giềng, cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha. Đáng nói là khi đến thăm Macau vài ngày trước, một số người giải thích với tôi là chuyện xảy ra ở Hong Kong không bao giờ diễn ra ở Macau, bởi vì mọi người ở đây cảm thấy “rất gần gũi Bắc Kinh”, có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và cảm thấy “hài lòng hơn với cuộc sống của họ”.
Hong Kong trong nhiều thập kỷ là một xã hội với chủ nghĩa tư bản tốc độ với văn hóa tiêu dùng mãnh liệt. Người dân đang đối mặt với một số giá cả khó tưởng tượng nhất thế giới, đặc biệt là giá nhà ở. Đây không phải là miền đất của sữa và mật ong; nó chưa từng là vậy – dưới thời là thuộc địa của Anh, hay bây giờ.
Cũng có một sự thất vọng lớn về việc đánh mất “sự độc đáo”, và thế mạnh. Một số đô thị trung tâm Đất Liền Trung Quốc đang trở nên hấp dẫn hơn, với đời sống văn hóa mạnh mẽ hơn, các công viên lớn hơn, kiến trúc đẹp hơn, và giao thông công cộng phát triển hơn. Cứ đến thăm Shenzen, Guangzhou, Bắc Kinh hay Thượng Hải, và chúng ta có thể thấy tương lai, sự rực rỡ và lạc quan sẽ thực sự xuất hiện ở đâu.
Dường như các cuộc biểu tình hiện nay đang phát tiết sự thất vọng phổ biến của cư dân Hong Kong, không chỉ với Bắc Kinh mà còn chủ yếu là với tự bản thân Hong Kong.
Thiếu lý tưởng và nhận thức chính trị, và nhiều thập kỷ bị tuyên truyền chống Cộng Sản và chống chủ nghĩa xã hội của phương Tây oanh tạc, người biểu tình chỉ đơn giản đổ lỗi Bắc Kinh về mọi thứ, ngay cả những thứ đáng ra họ phải đổ lỗi cho hệ thống tư bản cực đoan của họ.
Có một số ngoại lệ. Ở nơi biểu tình, có một vài nhóm nhỏ yêu cầu công bằng xã hội. Không phải tất cả bọn họ, nhưng có một số người Marxist và Trotskyist, thậm chí là những người theo chủ nghĩa vô chính phủ thành thị.
Một học giả đồng sự của tôi bình luận:
“Nghị trình của họ tập trung vào dân chủ và bầu cử trực tiếp trưởng đặc khu hành chính, nhưng nhu cầu xã hội được Chiếm Đóng Trung Tâm nhấn mạnh cũng không thể bỏ qua, cụ thể là khoảng cách thu nhập quá lớn, giá bất động sản ngoài tầm với của thanh niên, và nhìn chung là một tương lai không xác định …”
Nhưng trên hết, sự thất vọng ở đây đi cùng với sự lãnh đạm. Không có bất cứ điều gì gọi là cách mạng về thành phố này hay phong trào nó tạo ra.
Tôi thường uống rượu, thân mật, với ông Leung Kwok-hung (có biệt hiệu là “Tóc Dài”), người có vị thế là chính khách cánh tả nổi bật duy nhất ở đây. Tóc Dài là thành viên của Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong. Nhưng là “cánh tả” không ngăn được việc ông được khen ngợi cũng như thường xuyên được báo chí cánh hữu ở các quốc gia Đông Âu phỏng vấn, do “Tóc Dài” không chỉ phê phán phương Tây, ông ta cũng thường xuyên đánh Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ hiểu thực sự ông ta đứng về phía nào và rồi tôi với ông ấy mất liên lạc.
Một giáo sư “tiến bộ” của trường đại học danh tiếng ở Hong Kong có lần đã thú nhận với tôi, trong tiếng ồn ào của một buổi nhậu, và đã quá nửa đêm, rằng thành tích lớn nhất trong đời của bà ấy là có vài trải nghiệm đồng tính, và thừa nhận với bản thân rằng bà ấy lưỡng tính. Điều đó diễn ra vài giờ sau khi tôi trình chiếu bộ phim tài liệu của tôi về vụ thảm sát năm 1965 ở Indonesian tại trường của bà ấy, trong phim có khoảng từ 1 đến 3 triệu người đã mất mạng.
“Chúng ta hãy ăn tối vào tối mai”, một nữ học giả khác nói với tôi. “Nhưng với một điều kiện – không bàn chuyện chính trị.” Tôi đã từ chối.
***
Có thể là vô tình, hoặc có thể một số là cố ý, những người biểu tình đang làm lợi cho phương Tây. Hiện nay, phương Tây đang bận rộn gây xung đột, bôi nhọ và dồn ép các quốc gia, chính quyền và các phong trào dám phản kháng lại âm mưu thống trị toàn cầu của họ.
Suốt nhiều năm, bộ máy tuyên truyền phương Tây đã cố thuyết phục thế giới là Trung Quốc thực ra “không phải cộng sản”, thậm chí không phải là chủ nghĩa xã hội. Một quốc gia cộng sản thành công là cơn ác mộng tồi tệ với Đế quốc; nó sẽ làm tê liệt tín điều của phương Tây về chiến thắng của hệ tư tưởng của họ đối với các dạng chính quyền phi tư bản và phi đế quốc.
Đến nay, luận điệu tuyên truyền đó đã rất thành công. Nếu người dân được hỏi ở Berlin, London hay Paris, nhiều người sẽ lặp lại tuyên bố nực cười rằng “Trung Quốc còn tư bản hơn nhiều quốc gia tư bản công khai.”
Bằng cách khiêu kích Trung Quốc, trực tiếp và thông qua các quốc gia vệ tinh như Nhật Bản, Philippine và Hàn Quốc, phương Tây hy vọng rằng con rồng lớn sẽ mất kiên nhẫn, sẽ táp lại, và sau đó bị coi như là quái vật hung hãn. Điều đó có thể “biện minh” cho một cuộc chạy đua vũ trang khác, thậm chí có thể là xung đột trực tiếp với Trung Quốc.
Trung Quốc càng xã hội chủ nghĩa hơn thì phương Tây càng hốt hoảng hơn. Và Trung Quốc đang ngày càng trở thành chủ nghĩa xã hội hơn: bằng cách duy trì hệ thống kế hoạch trung ương, nhà nước nắm giữ các công nghiệp chủ chốt, chỉ đạo sản xuất của khu vực tư nhân, hay tuyên bố rằng nếu người dân không được cung cấp chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí thì quốc gia không có quyền tự gọi mình là cộng sản. Càng nhiều công viên công cộng được xây dựng, càng nhiều tuyến đường sắt cao tốc và đường tàu điện ngầm đô thị, cũng như nhà hát và trung tâm văn hóa thì phương Tây lại càng khiếp đảm.
Giờ thì những sinh viên theo chủ nghĩa phục thù ở Hong Kong thừa nhận rằng Trung Quốc thực sự là một quốc gia cộng sản, song điều đó phát ra từ môi của họ nghe rất tiêu cực. Họ tuyên bố công khai về việc họ ghét chủ nghĩa cộng sản ra sao.
Mọi thứ đều tốt với phương Tây, vì Trung Quốc cùng với Nga, Venezuela và Iran đứng đầu trong “danh sách tấn công” của họ.
Biểu tình ở Hong Kong xảy ra vào một thời điểm cực kỳ thuận tiện cho Đế quốc.
Mặc dù Trung Quốc hành động với sự kiềm chế ghê ghớm (hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Pháp hay Anh quốc đã thể hiện với những người biểu tình ở chỗ họ), nhưng họ đang trở thành mục tiêu trong chiến dịch bôi nhọ của truyền thông phương Tây.
Thậm chí nếu người biểu tình Hong Kong chỉ có một mục tiêu duy nhất, là bầu cử trực tiếp lãnh đạo cấp cao nhất, thì đây không phải là cách để đạt được điều đó.
Khuấy đảo nội bộ trong khi Trung Quốc cùng với các quốc gia BRICS khác đang phải đối mặt với khiêu khích và kích động trực tiếp không phải là cách để khơi dậy sự đồng cảm của Bắc Kinh, hay thúc đẩy sự thỏa hiệp. Đây là lúc gay go và nguy hiểm, mọi người đang cáu kỉnh.
Sai lầm của những người biểu tình là một số trong họ đang trực tiếp tấn công toàn bộ hệ thống của Trung Quốc, thay vì tập trung vào các yêu cầu địa phương và thực tế. Hoặc có thể nếu mục tiêu thực sự là gây bất ổn Trung Quốc thì đó là là một hành động được tính toán kỹ càng chứ không phải là sai lầm. Nhưng điều đó sẽ làm hại họ.
Theo một nghĩa nào đó, “Phong Trào Chiếc Ô” của Hong Kong đang làm với Trung Quốc chính cái điều mà “Euro Maidan” làm với Nga hay những người biểu tình cánh hữu ở Caracas làm với “El Processo”.
Cố ý hay không cố ý, phong trào biểu tình Hong Kong gia nhập vào mạng lưới các cuộc cách mạng màu sắc được tạo ra để gây bất ổn cho các đối thủ của đế quốc phương Tây: một số ở Syria và Ukraina, ở Cuba và Venezuela, ở Thái Lan, Ai Cập và khắp Châu Phi.
Khi được hỏi, nhiều người biểu tình Hong Kong nói rằng “họ không biết chuyện đó”. Ít nhất thì họ cũng nên có kiến thức tối thiểu về chính trị, trước khi dựng lên thành lũy và “vô tình” tham gia vào cuộc chiến toàn cầu - ở phía bên sai lầm của lịch sử.
***
Vào đêm cuối cùng trước khi rời khỏi Hong Kong, tôi đi thăm khu vực biểu tình Mong Kok.
Ở đó căng thẳng, không phải bởi vì cảnh sát bỏ công định can thiệp và dọn dẹp đường phố, mà bởi vì nhiều người biểu tình nhậu nhẹt. Mùi rượu nồng nặc bốc lên ở “chiến tuyến”, gần hàng rào ngăn cách giữa người biểu tình và cảnh sát.
“Có tiến triển gì không?” Tôi hỏi một cảnh sát.
“Không có gì hết. Chúng tôi được lệnh không làm gì cả”. Anh ta trả lời.
“Anh cảm thấy chuyện này thế nào?” Tôi hỏi anh ta, một cách thẳng thắn.
“Tôi được lệnh không nói gì, hay làm gì hết.” Anh ta trả lời.
Nhưng sau đó có một cuộc cãi vã ầm ĩ ở chỗ những người biểu tình; không phải là một nơi đáng yêu, một chút gì đó giống như Maidan ở Kiev.
Một ông già la hét với các thủ lĩnh biểu tình, những người đó cảm thấy bất ngờ, cố gắng đẩy ông già đi, sau đó cười nhạo ông ta, một cách công khai.
“Ông ta nói gì vậy?” Tôi hỏi
“Không gì hết!” một thủ lĩnh biểu tình hét lên, người này trông không giống như một người dân chủ chút nào. Anh ta xưng tên là Benny. “Đừng lo ngại! Ông chỉ cần đi khỏi đây. Chúng tôi tự lo cho bản thân được.”
“Lo về cái gì?” Tôi ngạc nhiên
“Ông già nói rằng ông ấy sẽ gọi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đến dẹp tụi tôi. Sau đó ông ấy định đánh những người tổ chức, theo kiểu võ công phu”. Một ai đó thì thầm vào tai tôi.
Đó là “chiếm đóng” được nói tới, với vài cái lều. Điều đó khá là khôi hài, hóm hỉnh, hay gì đó … Cách đó vài mét là cửa hàng có quảng cáo đồng hồ Rolex, bên cạnh đó là cửa hiệu massage.
“Một cuộc cách mạng Rolex”, tôi nghĩ.
Tâm trạng ở khu biểu tình thực sự bần tiện; không gì cao thượng, không gì lạc quan, không gì thực sự “cách mạng”.
Trong nhiều thập kỷ, Hong Kong đã tất bật trở nên giàu có một cách kinh tởm bằng cách phục vụ thành kính các lợi ích thực dân và thực dân mới của Anh và các nước phương Tây khác. Họ đã dễ dàng bán rẻ, hết lần này đến lần khác, bản tính Trung Quốc và Châu Á của họ để về phe với chủ nghĩa đế quốc chính trị, quân sự và kinh tế châu Âu cũng như Hoa Kỳ.
Họ không tỏ chút khoan dung nào với những quốc gia bị phá hủy trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Chừng nào tiền còn chảy, Hong Kong còn kinh doanh. Tiền, tiền, tiền! Sự giàu có của họ thường được xây dựng trên sự đau khổ của người khác. Thành phố phục vụ bất cứ kẻ nào cai trị, và trả tiền, bất chấp sự đau khổ mà hắn gây ra cho phần còn lại của Châu Á.
Dĩ nhiên là nhiều công dân của thành phố ghét chủ nghĩa xã hội và đặc biệt là Trung Quốc, khi Trung Quốc đang cùng với Nga, Châu Mỹ Latin, Nam Phi và các quốc gia khác tiến hành chuyển đổi xã hội thực sự.
Chứng kiến các thành phố vĩ đại của Trung Quốc mọc lên, trên khắp đất liền, các công dân của Hong Kong, hay ít nhất một số trong số họ, nhận thấy rằng không cần phải đi cướp hay cùng phe với những kẻ cướp, để trở nên giàu có.
Thậm chí những người hoàn toàn bị tẩy não cũng nhận ra trong tiềm thức của họ rằng có điều gì đó thực sự không ổn trong “đặc khu” của họ.
Khi con đường thủy giữa Hong Kong và Kowloon bị co hẹp lại do sự phát triển thiếu kiểm soát, khi tầng tầng lớp lớp những cửa hàng mới đang mọc lên mà hầu như không ai có đủ khả năng mua sắm; khi bất động sản nằm ngoài tầm với của đại đa số dân cư, Hong Kong giờ chỉ có hai sự lựa chọn; suy nghĩ lại về hệ thống kinh tế và chính trị, hoặc tiếp tục bán mình cho sự giàu có và chửi đổng hoặc chửi Bắc Kinh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.