Tác giả: Martha Stout
Chương mở đầu - Tưởng tượng
Chương 2 - Giống người băng giá: Những kẻ thái nhân cách
Chương 4 - Con người tử tế nhất trên đời
Chương 6 - Cách để nhận ra kẻ vô lương tâm
Chương 8 - Kẻ thái nhân cách ở nhà bên
Kẻ thái nhân cách: Mặt nạ của sự bình thường
Đại cương về chứng thái nhân cách
Rắn độc mặc com-lê
Chương 8: Kẻ thái nhân cách ở nhà bên
Có thể chúng ta là những con rối - những con rối bị điều khiển bởi những sợi dây của xã hội. Nhưng ít nhất chúng ta là những con rối có quan sát, có nhận thức. Và có thể nhận thức là bước đi đầu tiên hướng tới sự giải phóng cho chúng ta. – Stanley Milgram
“Em muốn nói chuyện với ai đó. Em nghĩ có lẽ là vì cha em ở trong tù.” Hannah, cô gái 22 tuổi, xinh đẹp, môi mím chặt, bệnh nhân mới của tôi, nói lí nhí trong khi vẫn quay mặt về phía một trong những tủ sách của tôi phía bên phải. Sau một lúc, cô nhìn thẳng vào tôi một cách rụt rè và nhắc lại: “Em cần ai đó để nói chuyện. Cha em ở trong tù.”
Cô thở hắt ra một tiếng rất khẽ, dường như nỗ lực để nói chừng đó đã rút hết không khí khỏi phổi cô, và rồi cô im lặng.
Khi ai đó đang rất hoảng sợ, và nhất là khi đó, một phần của trị liệu tâm lý chỉ đơn giản là biết cách lặp lại những câu nói của người ngồi đối diện với bạn mà không tỏ ý phán xét hay tỏ vẻ bề trên. Tôi hơi cúi về phía trước, các ngón tay vẫn lồng quanh gối, và cố gắng tìm gặp cặp mắt của Hannah, lúc này đã dán chặt xuống tấm thảm phương Đông ở giữa chúng tôi.
Tôi nói nhỏ nhẹ, “Cha em ở trong tù?”
“Vâng.” Cô từ từ nhìn lên trong khi trả lời, gần như ngạc nhiên, cứ như tôi đã lấy thông tin này bằng thần giao cách cảm. “Ông ấy giết một người. Ý em là ông ấy không cố ý, nhưng ông ấy giết một người.”
“Và bây giờ ông ấy ở trong tù?”
“Vâng. Vâng, ở trong tù.”
Cô đỏ mặt và mắt rơm rớm.
Tôi luôn bị ấn tượng bởi thực tế là chỉ một chút lắng nghe nhỏ nhoi nhất, một gợi ý mỏng manh nhất về khả năng sẽ được nhận sự cảm thông có thể mang lại ngay lập tức dòng cảm xúc mạnh như vậy. Tôi nghĩ đó là vì chúng ta hầu như không bao giờ thực sự được lắng nghe. Trong công việc với tư cách một nhà tâm lý học, tôi luôn được nhắc nhở hàng ngày về thực tế là chúng ta ít được lắng nghe, và những hành động của chúng ta ít được thấu hiểu bởi mọi người xung quanh đến mức nào. Và một trong những trớ trêu của “nghề lắng nghe người khác” của tôi là bài học nó dạy cho tôi rằng trên nhiều khía cạnh, mỗi người trong chúng ta thực sự là một ẩn số với những người xung quanh.
“Cha em ở trong tù bao lâu rồi?”, tôi hỏi.
“Khoảng 41 ngày. Phiên tòa kéo rất dài. Họ không giữ cha em trong tù trong lúc xét xử.”
“Và em cảm thấy em cần nói chuyện với ai đó?”
“Vâng. Em không thể… Nó quá là… Trầm cảm. Em nghĩ em đang bị trầm cảm. Em sắp phải nhập học trường y.”
“Trường y? Em muốn nói là tháng 9 này?”
Lúc ấy là tháng 7.
“Vâng. Ước gì em không phải làm vậy.”
Những giọt nước mắt lại chảy xuống, không một tiếng động, không một tiếng nức nở, như là phần còn lại của cô không biết rằng cô đang khóc. Dòng nước mắt chảy xuống từ đôi mắt cô, rớt xuống vạt áo sơmi lụa trắng thành những vết hoen ướt. Ngoại trừ điều đó, thái độ của cô không thay đổi, tê cứng. Nét mặt cô không nhúc nhích.
Tôi luôn bị xúc động bởi sự đau buồn. Sự đau khổ của Hannah là cùng cực. Tôi bị chế ngự hoàn toàn.
Dùng hai ngón trỏ, cô gạt mái tóc đen thẳng ra sau tai cho gọn. Tóc cô bóng đến mức trông như có ai vừa đánh bóng nó. Cô nhìn lướt qua tôi ra phía cửa sổ và hỏi, “Chị có biết cảm giác khi cha chị ở trong tù thế nào không?”
“Không,” tôi nói. “Có thể em sẽ cho chị biết.”
Và thế là Hannah kể cho tôi câu chuyện của cô, hay phần này của câu chuyện.
Cha cô là hiệu trưởng một trường cấp ba công lập tại một khu ngoại ô trung lưu, nơi Hannah lớn lên. Nó ở một bang khác, khoảng một ngàn dặm về phía tây Boston. Theo Hannah kể, ông là một người cực kỳ dễ mến với khả năng thu hút mọi người một cách tự nhiên, một “ngôi sao”, như cách Hannah nói, và được học sinh, giáo viên và gần như tất cả mọi ngưòi trong cộng đồng nhỏ quanh trường yêu mến. Ông luôn có mặt ở các trận bóng đá để cổ vũ, và rất coi trọng việc đội nhà có giành thắng lợi hay không.
Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn miền tây, ông mang nhiều “quan niệm bảo thủ”, Hannah nói. Ông tin vào lòng yêu nước và một quân đội hùng mạnh, đồng thời cũng tin vào tầm quan trọng của việc học hành và sự tự phấn đấu vươn lên. Hannah là đứa con duy nhất của ông. Và kể từ khi cô nhớ được, ông nói với cô rằng mặc dù cô không phải là con trai, cô có thể trở thành bất cứ cái gì cô muốn. Những cô gái có thể trở thành bất cứ cái gì họ muốn. Những cô gái có thể trở thành bác sĩ. Hannah có thể trở thành bác sĩ.
Hannah rất yêu cha cô. “Cha em là người đàn ông dễ thương nhất, có nhân cách nhất trên thế giới này. Ông ấy thực sự là như vậy,” cô bảo tôi. “Giá mà chị thấy những người đến dự phiên tòa. Họ chỉ có ngồi đó và khóc cho ông ấy, khóc rồi lại khóc. Họ thấy thương ông ấy quá, nhưng họ không làm gì được. Chị biết không? Họ không làm gì được.”
Vụ giết người xảy ra vào một đêm tháng ba khi Hannah, lúc đó đang học năm thứ hai cao đẳng, tình cờ ở nhà trong kì nghỉ xuân. Vào lúc tờ mờ sáng, cô bị đánh thức bởi một tiếng động rất to ở ngoài ngôi nhà của cha mẹ cô.
“Mãi về sau em mới biết đấy là tiếng súng,” cô bảo tôi.
Cô ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở nhìn quanh và thấy mẹ cô đứng ngay bên trong khung cửa phía trước của ngôi nhà, khóc lóc và vặn vẹo chân tay. Không khí lạnh tháng ba ùa vào nhà.
“Chị biết không, đấy là cảm giác lạ lùng nhất trên đời. Đến giờ em vẫn có thể nhắm mắt lại và nhìn thấy mẹ em đứng như vậy - cơn gió lùa vào bộ váy ngủ của bà – và cảm giác như là em đã biết hết mọi thứ, tất cả mọi thứ xảy ra, ngay tại thời điểm đó, thậm chí trước khi em biết bất cứ điều gì. Em biết cha em sẽ bị bắt. Em thấy tất cả. Nó như là cảnh từ một cơn ác mộng phải không? Tất cả những thứ ấy xảy ra như một cơn ác mộng. Nó như là một sự kiện mà chị không thể tin là đang xảy ra trong thực tế, và chị cứ nghĩ là chị sẽ tỉnh lại. Đôi lúc em vẫn nghĩ em sẽ tỉnh lại và mọi thứ sẽ chỉ là một giấc mộng kinh hoàng. Nhưng làm thế nào mà em biết tất cả mọi thứ trước khi em biết bất cứ cái gì? Em thấy mẹ em đứng đó như là… như là cảnh ấy đang xảy ra trong quá khứ, như là déjà vu hay cái gì đó tương tự. Nó thật là lạ lùng. Hoặc có thể là không. Có thể bây giờ khi em nhớ lại thì nó có vẻ như vậy. Em không biết nữa.”
Ngay khi nhìn thấy Hannah, mẹ cô lao đến túm lấy cô, như là kéo con gái mình ra khỏi đường tàu trước lúc một đoàn tàu lao đến vậy, và hét lên, “Đừng ra ngoài đó! Đừng ra ngoài đó!” Hannah không hề có ý ra ngoài, và cô cũng không hỏi mẹ cô chuyện gì xảy ra. Cô chỉ đứng đó trong vòng tay đang run rẩy vì kinh hoàng của bà.
“Trước đó chưa bao giờ em thấy mẹ em như vậy,” Hannah nói. “Mặc dù vậy, như em muốn nói lúc nãy, nó gần như là em đã trải qua tất cả cảnh ấy rồi. Em biết là em nên ở trong nhà.”
Một lúc sau – Hannah không chắc là bao lâu – cha cô đi vào từ cửa chính đang mở rộng, đến chỗ cô và mẹ cô vẫn đứng ôm nhau.
“Thằng đó không cầm súng trong tay. Nó đánh rơi đâu đó ngoài vườn.”
Chỉ mặc mỗi cái quần ngủ, ông đứng đó trước gia đình nhỏ của ông.
“Cha em trông bình thường. Ông ấy thở hơi gấp một chút, nhưng em muốn nói là ông ấy không có vẻ hoảng sợ hay gì hết, và trong một giây, trong nửa giây, em nghĩ có thể mọi thứ sẽ ổn cả.”
Khi nói vậy, nước mắt Hannah lại chảy xuống.
“Nhưng em vẫn quá sợ nên không dám hỏi cha em chuyện gì xảy ra. Sau một lúc, mẹ em thả em ra. Bà đi vào trong và gọi cảnh sát. Em nhớ là bà hỏi, ‘Anh ta có bị thương không?’ Và ông ấy nói, ‘Tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ tôi đã cho nó một cú rất nặng.’ Và rồi mẹ em đi vào bếp gọi cảnh sát. Đấy là việc cần làm, phải vậy không?”
“Phải,” tôi nói. Đấy không phải là một câu hỏi lấy lệ.
Từng chút một, Hannah biết được chuyện gì đã xảy ra. Lúc trước trong cái đêm kinh hoàng ấy, mẹ Hannah, vốn là một người ngủ nông, nghe thấy tiếng động từ phía phòng khách, nghe như là tiếng kính vỡ, và đã đánh thức chồng bà. Có những tiếng động nữa. Người đàn ông của gia đình đoán chắc là đang có một kẻ đột nhập cần đối phó và ra khỏi giường để chuẩn bị. Thận trọng (theo lời vợ ông ta kể lại sau đó) - chỉ bằng ánh sáng một ngọn đèn nhỏ xíu – ông lấy ra hộp đựng súng từ ngăn kéo phòng ngủ, mở khóa và lên đạn. Bà vợ van xin ông hãy đi gọi cảnh sát. Ông thậm chí không hề trả lời lời cầu khẩn này. Ông chỉ rít lên một cách ra lệnh, “Ở yên đó!” Và vẫn ở trong bóng tối, ông tiến ra phía phòng khách.
Nhìn thấy ông, hay có nhiều khả năng hơn là nghe thấy ông, kẻ đột nhập chạy ra khỏi nhà qua cửa chính. Cha Hannah đuổi theo, bắn vào người đàn ông và “hoàn toàn chẳng may”, như một trong những luật sư của ông mô tả sau này, bắn trúng sau đầu và giết chết kẻ đột nhập ngay tại chỗ. Điều xảy ra là người đàn ông ấy ngã xuống vỉa hè giữa bãi cỏ trước nhà và đường phố. Thế nghĩa là, nói một cách chi li, cha Hannah đã bắn một người không vũ trang trên đường phố.
Điều lạ lùng, không thể tin được, là không một người láng giềng nào ló mặt ra.
“Mọi thứ sau đó đều yên tĩnh. Quá yên tĩnh,” Hannah nói với tôi trong văn phòng.
Cảnh sát đến nhanh chóng sau khi mẹ Hannah gọi họ, tiếp theo là một số người nữa và một chiếc xe cứu thương không hú còi. Cuối cùng, cha mẹ cô bị đưa về đồn cảnh sát.
“Mẹ em gọi vợ chồng em gái bà đến để ở cùng em cho đến hết đêm, cứ như đột nhiên em lại trở thành một đứa trẻ. Họ chẳng giúp được gì. Họ cũng đang hoảng loạn. Em nghĩ rằng em chỉ cảm thấy u mê, không còn cảm giác gì.”
Ngày hôm sau, và những tuần sau đó, câu chuyện được bàn tán trên đài báo địa phương. Vụ nổ súng xảy ra ở một khu ngoại ô trung lưu yên tĩnh. Người nổ súng là một người đàn ông trung lưu bình thường, không có lịch sử về hành vi bạo lực. Ông ta không say rượu, cũng không dùng thuốc kích thích. Người chết là một kẻ tội phạm, nghiện ma túy, và ngay trước khi bị bắn, hắn đã đột nhập vào căn nhà qua cửa sổ. Không ai ngoài công tố viên tranh cãi về việc hắn là kẻ trộm, hay về việc cha Hannah đã đuổi và bắn hắn vì hắn đã đột nhập vào nhà ông.
Đây là một vụ án về quyền của nạn nhân. Đây là một vụ án về quản lý súng đạn. Đây là một vụ án cho thấy cần trấn áp tội phạm mạnh mẽ hơn nữa. Nó minh họa rõ ràng những tác hại trong việc tự trừng trị tội phạm không cần đến pháp luật. Hoặc có thể nó cho thấy chủ nhà cần có nhiều quyền hơn. ACLU (Hiệp hội Quyền Công dân Mỹ) sôi sùng sục, NRA (Hội Súng trường Quốc gia) còn hơn thế nữa.
Phiên tòa kéo dài, như Hannah đã nói, rồi đơn kháng cáo và một phiên tòa dài nữa. Cuối cùng, cha Hannah bị kết tội ngộ sát và kết án 10 năm tù. Các luật sư nói có nhiều khả năng nó sẽ “chỉ là” hai hay ba năm.
Tin về một hiệu trưởng trường trung học bị kết án 10 năm tù vì đã bắn một tên trộm trước cửa nhà làm dấy lên những luồng dư luận mạnh mẽ. Có nhiều cuộc biểu tình phản đối từ tất cả các phía: Quyết định ấy là trái hiến pháp. Nó thách thức lẽ công bằng. Ông ta bị kết án là đúng vì đã hành động coi thường luật pháp và vi phạm quyền con người. Ông ấy là một người Mỹ anh hùng vì đã bảo vệ gia đình mình. Ông ta là một thằng điên bạo lực. Ông ta là người hy sinh vì chính nghĩa, bất kể chính nghĩa ấy là gì.
Bất chấp tất cả, Hannah vẫn tiếp tục học cao đẳng, được toàn điểm A, và nộp đơn vào trường y. Cha cô khăng khăng yêu cầu cô làm vậy.
“Cha em không cho phép cuộc đời em bị hủy hoại bởi tất cả những thứ ‘ngu ngốc’ ấy. Đó là điều ông ấy nói.”
Và Hannah được nhận vào hầu như tất cả các trường y mà cô nộp đơn, bất chấp tình thế khó khăn của cha cô. Cô nói với tôi rằng “tình thế ấy có lẽ còn giúp em được nhận dễ hơn. Ông ấy đại diện cho chính nghĩa.”
Kết thúc câu chuyện, Hannah lục trong cái túi xách da nhỏ của cô, tìm ra một cái khăn giấy, và bắt đầu lau nước mắt trên má và áo cô. Cô làm vậy mặc dù có một hộp đầy khăn giấy ở trên bàn ngay bên trái cô.
“Vậy chị thấy đấy, em không thực sự cần được ‘điều trị’. Nhưng em rất muốn nói chuyện với ai đó. Em thực sự không muốn bị trầm cảm thế này khi bắt đầu vào trường y. Em không biết nữa. Chị nghĩ liệu em gặp chị có được không?”
Câu chuyện và thái độ của Hannah đã ảnh hưởng đến tôi. Tôi cảm thấy thông cảm sâu sắc với cô, và nói với cô điều đó. Nhưng trong thâm tâm, tôi tự hỏi liệu cô có thể chấp nhận sự giúp đỡ của tôi đến đâu. Tôi chỉ là một bác sĩ tâm lý chuyên về chấn thương tinh thần mà cô gọi sau khi thấy tên tôi trên một bài báo. Bề ngoài, chúng tôi đồng ý sẽ gặp một lần mỗi tuần trong một thời gian để Hannah có thể có ai đó để chia sẻ với. Trường y mà cuối cùng cô chọn nằm ở Boston, và mẹ cô thúc giục cô chuyển đến đó ngay sau lễ tốt nghiệp cao đẳng, để cô có thể “làm quen” trước khi năm học bắt đầu và tránh xa khỏi sự điên rồ ở nhà. Mẹ cô cảm thấy tình hình của chồng bà “có ảnh hưởng tiêu cực” đến con gái bà. Tôi nghĩ hiếm khi mà nghe được một câu nói giảm nhẹ như vậy, và tôi trấn an Hannah rằng tôi hoàn toàn đồng ý gặp cô.
Sau khi cô rời khỏi, tôi đi lại trong văn phòng chừng một hai phút, nhìn qua cửa sổ ra phía Vịnh Back của Boston, thu dọn giấy tờ trên bàn làm việc rộng mà bừa bộn, rồi lại quay trở lại cửa sổ. Tôi vẫn thường làm vậy sau mỗi buổi trị liệu trong đó người bệnh nói với tôi rất nhiều, nhưng vẫn rất ít. Trong khi đi lại, tôi suy nghĩ không phải về những câu hỏi pháp lý và chính trị như ai, cái gì, lúc nào, ở đâu, mà là về câu hỏi muôn thuở của tâm lý học: tại sao.
Hannah không hỏi tại sao – như là “Tại sao cha em bắn phát súng ấy? Tại sao ông ấy không đơn giản là để cho người đàn ông ấy đi khỏi?” Tôi suy ngẫm về điều đó. Về mặt tình cảm, cô không thể hỏi tại sao vì câu trả lời có thể là quá nguy hại. Toàn bộ mối quan hệ với cha cô có thể bị ảnh hưởng. Và có lẽ đó là lý do tại sao cô cần tôi, để giúp cô lần qua những câu trả lời có thể cho câu hỏi nguy hiểm này. Có thể cha cô khi ấy ở trong trạng thái không tự làm chủ được, đã vô tình bóp cò súng, và “hoàn toàn chẳng may” bắn trúng đầu kẻ đột nhập, giết chết hắn, như người luật sư nói. Hoặc có thể cha cô thực sự tin gia đình của ông đang gặp nguy hiểm, và bản năng bảo vệ gia đình đã khiến ông làm vậy. Hoặc có thể cha Hannah, người đàn ông có gia đình, người hiệu trưởng bình thường của trường trung học ở một khu ngoại ô trung lưu ấy, là một kẻ giết người.
Trong những buổi tiếp theo, suốt cả mùa hè đó và đến tận mùa thu lúc Hannah bắt đầu vào học, cô kể cho tôi thêm về cha cô. Trong loại công việc tôi làm, tôi thường nghe về những hành vi và sự kiện mà bản thân người bệnh, trong suốt cả cuộc đời, đã trở nên quá quen thuộc và nghĩ chúng là bình thường, nhưng đối với tôi lại rất không bình thường và đôi khi đáng báo động nữa. Đấy là điều mà chẳng bao lâu tôi bắt đầu nghe từ Hannah. Trong khi cô kể về cha cô, mặc dù hiển nhiên cô tin rằng đó là những câu chuyện không có gì đặc biệt, tôi lắp ghép chúng lại thành bức tranh của một con người tình cảm lạnh lùng mà những hành vi ích kỷ, độc đoán và gia trưởng của ông ta khiến tôi rùng mình. Đồng thời, tôi cũng trở nên quen thuộc với màn sương mờ dễ hiểu mà cô bệnh nhân trẻ thông minh của tôi chìm đắm vào mỗi khi câu chuyện tiến gần đến chỗ có thể khiến cô nhận ra bộ mặt thật của cha cô.
Tôi phát hiện ra cha Hannah đối xử bà vợ xinh đẹp và cô con gái giỏi giang của ông ta như những chiến lợi phẩm hơn là những con người, thường hoàn toàn phó mặc họ khi họ ốm đau hay gặp những khó khăn khác. Mặc dù vậy, tình yêu của Hannah với cha cô khiến cô nhìn nhận sự đối xử nhẫn tâm ấy dưới con mắt khác.
“Cha em thực sự tự hào về em,” cô nói, “hay đấy là điều em luôn tin – và vì vậy ông ấy không thể chấp nhận được khi em mắc sai phạm. Một lần hồi em học lớp bốn, cô giáo gửi giấy về nhà nói rằng em không làm bài tập về nhà. Cha không nói với em suốt hai tuần sau đó. Em biết đấy là hai tuần vì em có một quyển lịch nhỏ - em vẫn còn giữ nó đâu đó – và em đánh dấu từng ngày một. Cứ như là đột nhiên em không còn tồn tại nữa. Nó thật kinh khủng. Ồ, và một ví dụ nữa gần đây hơn: em đã học trung học rồi - trường của ông ấy, chị biết không? – và em bị một vết trầy to tướng, xấu xí ở trên má.” Cô chỉ lên khuôn mặt dễ thương của cô. “Cha em không nói với em một lời - thậm chí không nhìn đến em nữa – trong ba ngày. Ông ấy đòi hỏi sự hoàn hảo đến vậy. Em đoán là ông ấy muốn phô trương về em, và khi có điều gì đó không tốt, ông ấy không làm thế được nữa. Đôi khi nó khiến em cảm thấy chán nản, nhưng em nghĩ là em có thể hiểu được cha em, nói chung là như vậy.”
Hannah kể về một thời gian trong thời thơ ấu của cô khi mẹ cô bị bệnh nặng và phải nằm viện suốt ba tuần. Hannah tin rằng mẹ cô bị viêm phổi, nhưng cô nói, “Lúc đó em còn quá nhỏ để nhớ rõ mọi việc.” Dì của Hannah đưa cô đến thăm mẹ trong thời gian này. Nhưng cha cô không vào thăm vợ đến một lần trong thời gian bà nằm viện, và khi bà về nhà, ông ta tức giận vùng vằng vì lo rằng bà vợ ốm yếu xanh xao của ông ta “có thể không lấy lại được sắc đẹp như xưa,” như lời Hannah diễn tả.
Về phần bà mẹ xinh đẹp của Hannah, “Không có gì nhiều để nói,” Hannah bảo tôi. “Mẹ em nhẹ nhàng, dễ thương. Bà ấy luôn chăm sóc tốt cho em, nhất là khi em còn bé. Bà ấy thích làm vườn, và làm rất nhiều việc từ thiện. Mẹ em thực sự là một người phụ nữ tốt. Ồ, và bà ấy là hoa khôi của trường khi còn học trung học. Cha thích kể với mọi người như vậy.”
Khi tôi dồn hỏi Hannah về phản ứng của mẹ cô đối với những hành vi hờ hững của cha cô, cô nói, “Em không biết nữa. Em muốn nói là, thực sự mà nói, có những việc sẽ làm em rất tức giận nếu em ở vào địa vị mẹ, nhưng bà ấy không bao giờ nói gì. Bà ấy chỉ sống theo cách của mình. Như em nói lúc trước, bà ấy là một người phụ nữ nhẹ nhàng, dễ thương – có lẽ đấy là câu trả lời chị sẽ được nghe nếu chị hỏi ai đó biết về mẹ em – và em nghĩ đi kèm với điều đó là bà ấy không bao giờ thực sự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Bà ấy chắc chắn là không bao giờ va chạm với cha. Em muốn nói, em nghĩ là em sẽ chết vì kinh ngạc nếu bà ấy làm vậy. Mẹ em là một quý bà hoàn hảo. Nhược điểm duy nhất của bà ấy, nếu chị có thể gọi nó là vậy, là sự tự cao tự đại. Mẹ em rất đẹp, và em nghĩ rằng bà ấy biết vậy, và bà ấy dành rất nhiều thời gian chăm sóc cho mái tóc và cơ thể. Em nghĩ mẹ em coi đấy là quyền lực duy nhất của bà ấy trên thế giới này, chị có hiểu không?”
Hannah nhìn tôi một cách dò hỏi, và tôi gật đầu ra hiệu rằng tôi hiểu cô muốn nói gì.
“Và công bằng mà nói, cha đối xử rất tốt với mẹ em về khía cạnh ấy. Ông ấy gửi hoa cho mẹ em mỗi khi ông ấy vắng nhà, và ông ấy luôn bảo mẹ em đẹp như thế nào. Em nghĩ rằng những thứ đó rất có ý nghĩa với bà.”
“Ông ấy gửi hoa cho mẹ em mỗi khi ông ấy vắng nhà?” Tôi hỏi. “Ông ấy đi đâu?”
Khi tôi hỏi câu hỏi ấy – “Ông ấy đi đâu?” – Vẻ điềm tĩnh của Hannah giảm đi một chút. Cô cựa mình trên ghế và không nói gì. Cuối cùng cô trả lời, “Em không rõ lắm. Em biết nó nghe có vẻ buồn cười, nhưng em không biết. Đôi khi ông ấy đi về rất muộn vào ban đêm, hay thậm chí ông ấy đi vắng suốt cả mấy ngày cuối tuần. Mẹ sẽ được nhận hoa – em muốn nói, thực sự, đấy là chuyện giữa hai người họ. Nó quá là lạ lùng, vì thế em cố gắng không để ý đến nó.”
“Sự vắng mặt của ông ấy là lạ lùng?”
“Vâng… Đấy là em cảm thấy như vậy. Em không biết mẹ em cảm thấy gì về điều đó.”
“Thử đoán ông ấy đi đâu được không?” Tôi hỏi dồn, có lẽ hơi quá một chút, nhưng đấy có vẻ là một điểm quan trọng.
“Không, em luôn cố gắng không để ý đến nó.” Cô nhắc lại. Rồi cô lại bắt đầu nhìn chăm chú vào giá sách của tôi.
Tuần sau đó, tôi hỏi câu hỏi hiển nhiên, rằng đã bao giờ cha cô có hành vi bạo lực với cô hay mẹ cô chưa. Đã bao giờ ông đánh họ chưa?
Cô tươi lên và trả lời một cách hăm hở. “Ồ không. Ông ấy không bao giờ làm vậy. Em thậm chí không thể tưởng tượng được điều đó. Trên thực tế, nếu ai khác động đến em hay mẹ em, em nghĩ ông ấy sẽ giết họ.”
Tôi đợi một lúc để cho tác động của câu ấy ngấm vào tâm trí cô, nhưng cô không tỏ ra điều gì khác thường. Cô cựa mình một lần nữa và nhấn mạnh, “Không. Ông ấy không bao giờ đánh em hay mẹ em. Điều đó hoàn toàn chưa bao giờ xảy ra.”
Cô tỏ ra hài lòng một cách khó hiểu khi trả lời tôi như vậy, và tôi cũng tin cô, rằng cha cô chưa bao giờ có hành vi bạo lực trong gia đình. Nhưng sau 25 năm điều trị các nạn nhân chấn thương tâm lý, tôi đã học được một điều rằng bị đánh thực ra là một trong những cách bạo hành tương đối dễ chịu mà một người có thể nhận.
Tôi thử cách khác. Tôi nói, “Chị biết là em yêu cha em, và em cần giữ lấy tình yêu đó vào lúc này. Nhưng mọi mối quan hệ đều có những khó khăn của nó. Liệu có điều gì về cha em mà em ước sẽ thay đổi nếu có thể không?”
“Vâng, chị nói rất đúng. Em rất cần giữ lấy cha em. Và ông ấy rất xứng đáng nhận được sự thông cảm lớn từ tất cả mọi người, đặc biệt là lúc này…”
Cô dừng một chút, và ngoái lại phía sau nhìn vào cánh cửa hai lớp của văn phòng tôi. Sau đó cô quay lại nhìn tôi một lúc lâu, như để đánh giá động cơ của tôi, và cuối cùng nói, “Nhưng vì chị muốn biết em ước sẽ thay đổi điều gì, thực ra là có.”
Cô cười một tiếng khô khan và mặt đỏ nhừ đến tận tai.
“Điều gì vậy?” Tôi hỏi một cách tự nhiên nhất mà tôi có thể.
“Nó thực sự là một điều ngớ ngẩn. Nó, chà… Thỉnh thoảng ông ấy tán tỉnh các bạn em, đại loại như vậy, và nó thực sự làm em khó chịu. Thực ra, bây giờ em nói ra, nó nghe còn ngớ ngẩn hơn nữa. Em đoán là em không nên khó chịu nhiều về nó đến thế. Nhưng thực sự là như vậy.”
“Ông ấy tán tỉnh các bạn em? Ý em là thế nào?”
“Bắt đầu từ đầu trung học, khoảng vậy… Một số đứa bạn em phải nói là đẹp mê hồn, chị biết không? Đặc biệt có một đứa tên là Georgia… Và ông ấy tán tỉnh bọn nó. Ông ấy nháy mắt với bọn nó và thỉnh thoảng tóm chỗ này hay cù chỗ kia. Và đôi lúc ông ấy nói những câu đầy hàm ý – như là ‘Hôm nay đôi gò mát mẻ nhỉ, Georgia’ hay tương tự như vậy - nhưng em đoán là em chỉ hiểu nhầm. Ôi không, bây giờ em nói ra, nghe nó có vẻ lố bịch quá, chị có nghĩ vậy không? Có lẽ em không nên khó chịu về việc đó chút nào.”
Tôi nói, “Nếu chị ở địa vị em, chị nghĩ rằng chị sẽ khó chịu, rất khó chịu.”
“Chị nghĩ vậy à?” Cô trông phấn chấn được một lúc, và rồi lại xịu mặt xuống. “Chị biết không, ở trường trung học của cha - trường mà em học – các phụ huynh còn tuyên bố rằng ông ấy có hành vi ‘không lành mạnh’ với con cái họ. Có ba lần, em nghĩ vậy, hay ít nhất đấy là những lần em nghe nói đến. Em nhớ một lần mấy phụ huynh thực sự sôi sục, Họ thậm chí chuyển con họ sang trường khác. Nhưng sau đó tất cả mọi người đứng về phía ông ấy. Họ nghĩ thời buổi này đúng là đáng buồn khi một người đàn ông tốt bụng lại bị buộc tội về một thứ đồi trụy như vậy chỉ vì ông ấy ôm một trong các học sinh của ông ấy ở trường hay cái gì đó.”
“Còn em thì nghĩ sao?”
“Em không biết. Có lẽ em sẽ bị đày xuống địa ngục hay cái gì tương tự vì nói điều này, nhưng sự thật là em không biết – em đoán là vì em đã nhìn thấy ông ấy làm quá nhiều những việc mà mọi người có thể dễ dàng hiểu nhầm. Chị biết không? Em muốn nói là nếu chị là hiệu trưởng và chị đi đến đằng sau một đứa 16 tuổi xinh như mộng trong phòng tập thể thao và ôm ngang eo nó, chị sẽ phải chấp nhận là cha mẹ nó sẽ nổi xung lên một chút khi họ nghe về điều đó. Em không biết tại sao ông ấy không hiểu điều đó.”
Lần này Hannah không chờ tôi khẳng định ý kiến của cô. Cô lại nhìn chăm chú vào giá sách và yên lặng.
Cuối cùng, cô tuôn ra một hơi dài không nghỉ, “Và chị biết gì nữa không? Em chưa bao giờ nói điều này với ai, và em hy vọng chị sẽ không đánh giá em thấp hơn vì em kể cho chị, nhưng một lần đứa con gái này mà em biết – em không thân với nó, nhưng nó học cùng trường – nó đến ngồi cạnh em trong thư viện và bắt đầu viết vào một mảnh giấy. Nó cười và viết, ‘Mày có biết cha mày nói gì với tao về Central High không?’ và nó đưa cho em. Em viết lại, ‘Tao chịu. Cái gì?’ và nó viết, ‘Ông ấy bảo tao Central như là một quán café sex.’ Nó viết chữ cafe sex to trong ngoặc. Em tức đến nỗi chút nữa thì khóc, nhưng em đi ra khỏi đó, và rồi em không biết làm gì với mảnh giấy ấy, thế là em vo nó lại và đút vào túi, và khi về nhà, em lấy diêm ra và đốt nó trong bồn.”
Nói xong, cô nhìn xuống tấm thảm trước mặt.
“Chị rất lấy làm buồn Hannah. Em thực sự không đáng bị như vậy. Chắc là em rất hổ thẹn và đau đớn trong lòng. Nhưng sao em lại tưởng tượng chị sẽ đánh giá em thấp hơn khi nói ra điều đó?”
Với một giọng trẻ con hơn tuổi 22 của cô nhiều, Hannah trả lời, “Lẽ ra em phải giữ bí mật. Thế là phản bội.”
Hannah và tôi tiếp tục các buổi trị liệu. Trong nhiều buổi, cô kể với tôi về những thông điệp điện thoại lạ lùng mà mẹ cô đang nhận được ở nhà.
“Sau đêm bị đột nhập, nhà em hầu như không còn trả lời điện thoại được nữa. Có quá nhiều phóng viên, quá nhiều bọn quá khích gọi đến. Bây giờ, mẹ em lúc nào cũng để cho máy trả lời tự động, và nếu đấy là ai đó bà ấy muốn nói chuyện với, bà ấy sẽ cầm máy lên. Thế cũng ổn, em đoán vậy. Bà ấy chỉ cần xóa các thông điệp quá khích. Nhưng gần đây mẹ em bắt đầu nhận được những thông điệp kỳ quặc về ma túy. Chúng thực sự làm bà ấy tức giận. Những thông điệp ấy đúng là quái dị - em muốn nói là còn quái dị hơn những thứ quái dị thông thường.”
“Bà ấy có bảo em những thông điệp ấy nói gì không?” Tôi hỏi.
“Đại loại như vậy. Bà ấy tức giận đến nỗi hơi khó để nghe ra đầu đuôi câu chuyện trên điện thoại. Nhưng em nghĩ về cơ bản là chúng nói cha em đang buôn bán ma túy hay cái gì đó. Những thứ lố bịch – nhưng nó thực sự động chạm đến mẹ em. Bà ấy nói bọn họ đòi một số ‘thông tin’ gì đó từ trong nhà, nếu không họ sẽ làm hại cha em. Em đoán họ lặp lại nhiều lần về ‘thông tin’ và về việc sẽ làm hại cha em. Nhưng chẳng có gì trong nhà cả, và cha em cũng không ở đó. Ông ấy ở trong tù.”
“Mẹ em đã báo cảnh sát về các thông điệp ấy chưa?”
“Chưa. Bà ấy sợ làm thế sẽ khiến cha em gặp rắc rối.”
Trong một khoảnh khắc, tôi không nghĩ ra được một câu nào phù hợp để đáp lại câu trên, và khi thấy tôi yên lặng, Hannah nói thay tôi. Cô nói, “Em biết, em biết. Nó không hợp logic chút nào.”
Đến cuối năm học thứ nhất ở trường y của Hannah, mẹ cô đã nhận được khoảng hơn mười lần những thông điệp khó hiểu và đầy đe dọa ấy, và cả hai mẹ con vẫn không người nào báo cho cảnh sát về chúng.
Vào tháng năm, Hannah quyết định cô muốn bay đi thăm người cha ở trong tù của cô. Chúng tôi trao đổi về việc một chuyến đi thăm như vậy sẽ gây đau đớn về mặt tình cảm cho cô, nhưng cô quyết tâm đi. Chúng tôi nói chuyện trong nhiều buổi về chuyến đi sắp tới của cô, cố gắng để chuẩn bị cô cho những tình huống cô có thể phải đối phó, và cho những cảm xúc cô có thể có khi gặp cha cô trong tù. Nhưng không gì có thể chuẩn bị Hannah hay tôi cho những gì đã xảy ra. Nghĩ lại, tôi tin rằng ông ta chắc hẳn đã đạt đến cái điểm mà ông ta muốn có khán giả cho những cuộc chơi của mình, một tâm trạng tương tự như của Skip khi hắn dụ dỗ em gái hắn ra bờ hồ. Tôi không nghĩ được lý do khả dĩ nào khác cho việc tại sao cha Hannah lại đột nhiên thẳng thắn với con gái mình như vậy. Về phía Hannah, cô không nói với tôi rằng cô dự định sẽ hỏi thẳng cha cô. Có lẽ ngay chính cô cũng không biết trước về điều này. Đối với tôi, hành động của cô khi vào thăm tù là một trong những minh họa tốt nhất mà tôi từng gặp về việc một người có thể biết rất nhiều về một người khác mà không ý thức được rằng mình biết.
Khi cô trở lại Boston, dưới đây là những gì cô kể cho tôi về cuộc nói chuyện của họ. Tôi nghĩ rằng họ còn nói nhiều hơn, nhưng đây là tất cả những gì Hannah chia sẻ với tôi. Cô bắt đầu với hai mắt ngấn nước mắt, mô tả lại sự sách nhiễu nhục nhã và đau lòng thường xảy ra với những người đi thăm tù. Sau đó cô bình tâm hoàn toàn và kể lại cho tôi với một vẻ xa cách như câu chuyện xảy ra với ai khác vậy.
Cô nói, “Em rất sợ là ông ấy trông sẽ tiều tụy đau khổ, nhưng ông ấy không trông như vậy chút nào. Ông ấy trông rất ổn. Ông ấy trông… em không biết nữa - đầy sức sống là từ em muốn nói. Hai mắt ông ấy sáng rực. Em đã từng nhìn thấy ông ấy như vậy, nhưng em thực sự không trông đợi sẽ nhìn thấy ông ấy như vậy trong tù. Ông ấy có vẻ vui mừng khi thấy em – ông ấy hỏi về điểm số của em. Em nghĩ ông ấy sẽ hỏi em về mẹ, nhưng ông ấy không. Và rồi em nghĩ, ‘Còn chần chừ làm gì nữa?’ Và thế là em hỏi ông ấy.”
Cô nói câu này cứ như là tôi biết cô muốn nói gì, nhưng tôi không biết. Tôi hỏi, “Em hỏi ông ấy cái gì?”
“Em hỏi, ‘Người đàn ông ấy tìm cái gì trong nhà mình hả cha?’ Ông ấy nói, ‘Người đàn ông nào?’ Nhưng em chắn chắn là ông ấy biết em đang nói về điều gì. Ông ấy trông không có vẻ xấu hổ hay hổ thẹn hay bất cứ cái gì tương tự. Em nói, ‘Người đàn ông mà cha bắn ấy.’ Ông ấy thậm chí không chớp mắt. Ông ấy chỉ nói, ‘Ồ, thằng ấy. Nó tìm mấy cái tên. Nhưng nó không tìm thấy chúng. Cha có thể đảm bảo với con như vậy.’”
Hannah vẫn nói mà không nhìn vào tôi. Giờ cô nhìn thẳng vào tôi và nói, “Bác sĩ Stout, nét mặt của ông ta… Trông ông ấy như là đang nói chuyện về một cái gì đó rất thú vị. Em muốn chạy ra khỏi đó, nhưng em đã không làm vậy.”
“Chị không biết em sẽ làm vậy. Em thật là đáng phục.”
“Nó thật là kinh khủng,” cô tiếp tục như là không nghe thấy tôi thán phục hành động của cô. “Em nói, ‘Vậy là cha biết ông ta?’ Và ông ấy nói, ‘Dĩ nhiên cha biết hắn. Cha giết một người hoàn toàn xa lạ làm gì?’ Và rồi ông ấy cười. Ông ấy cười, bác sĩ Stout.”
Vẫn nhìn thẳng vào tôi, mặc dù với một khoảng cách tình cảm nhất định từ chủ đề của câu chuyện, cô tiếp tục: “Và rồi em nói, ‘Cha có dính vào heroin không?’ Ông ấy không trả lời trực tiếp câu đó. Ông ấy chỉ bảo rằng em thông minh. Chị có tin được không? Ông ấy bảo rằng em thông minh.”
Cô lắc đầu với thái độ không tin được và ngồi yên lặng một lúc.
Cuối cùng, tôi nhắc cô. Tôi nói, “Em có hỏi câu nào khác không, Hannah?”
“Có. Có, em có hỏi ông ấy. Em nói, ‘Cha đã từng giết ai khác chưa?’ Và chị có biết ông ấy nói gì không?”
Và cô lại im lặng.
Sau một khoảnh khắc, tôi trả lời, “Không, chị không biết. Ông ấy nói gì?”
“Ông ấy nói, ‘Tôi viện Điều Bổ sung Thứ Năm.’” (ND: Điều Bổ sung Thứ Năm của hiến pháp Hoa Kỳ có đoạn: “không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự”)
Chỉ đến lúc này Hannah mới lại bật khóc, không còn chút kiềm chế nào nữa. Sự đau đớn đột ngột, xé lòng của cô, về người cha mà cô vẫn nghĩ là tồn tại, nhắc tôi nhớ đến một câu nói của Emerson, rằng trong tất cả những cách để mất đi một người, cái chết là cách nhân từ nhất.
Cô khóc một lúc lâu, nhưng tôi thấy nhẹ lòng khi cuối cùng nước mắt đã cạn, cô có thể quay trở lại với ý nghĩ về sự an toàn của bản thân. Lau mặt bằng một nắm khăn giấy từ hộp trên bàn, cô nhìn tôi và nói bằng một giọng bình tĩnh, “Các luật sư sẽ đưa ông ấy ra, chị biết đấy. Em phải làm gì bây giờ?”
Và tôi nghe thấy mình nói, với một giọng quyết liệt của người mẹ khác hẳn cách tôi quen dùng trong các buổi trị liệu, “Em sẽ tự bảo vệ mình, Hannah.”
Những người có lương tâm có thể làm gì với kẻ không biết hối hận?
Những kẻ thái nhân cách không phải là hiếm gặp. Ngược lại, chúng chiếm một phần đáng kể trong dân số. Mặc dù câu chuyện của Hannah xảy ra với người đặc biệt thân cận với cô, điều không phải ai cũng gặp, thế nhưng để một người trong xã hội phương Tây sống suốt cả đời mà không gặp một kẻ như vậy, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, là điều gần như không thể.
Những kẻ không có lương tâm cảm nhận tình cảm theo cách rất khác so với bạn và tôi. Chúng hoàn toàn không cảm nhận tình yêu, cũng như bất cứ gắn bó tình cảm nào với những người xung quanh. Sự thiếu hụt này, mà chúng ta thậm chí khó có thể tưởng tượng được, biến cuộc đời chúng thành một cuộc chơi không bao giờ chấm dứt nhằm dành khả năng thống trị người khác. Đôi khi những kẻ thái nhân cách trở nên bạo lực, như cha của Hannah. Nhưng thường chúng thích “chiến thắng” người khác bằng những thủ đoạn trên thương trường, trong công sở hay chính quyền hơn – hay đơn giản bằng cách bóc lột ai đó trong những mối quan hệ ăn bám như Luke, gã chồng mà không phải là chồng của Sydney, đã làm.
Hiện nay, chứng thái nhân cách là “không chữa trị được”; hơn nữa, những kẻ thái nhân cách hầu như không bao giờ muốn được “chữa trị”. Trên thực tế, có nhiều khả năng do ảnh hưởng của những kẻ thái nhân cách, một số nền văn hóa, tiêu biểu là nền văn hóa phương Tây của chúng ta, bị đồng hóa theo chúng và khuyến khích các hành vi chống xã hội, bao gồm cả bạo lực, giết người và gây chiến tranh.
Những sự thật này là khó chấp nhận với hầu hết mọi người. Chúng quá gớm ghiếc và đáng sợ. Nhưng sự hiểu biết và chấp nhận chúng như một phần thực tế của thế giới chúng ta là quy tắc đầu tiên trong “13 quy tắc đối phó với những kẻ thái nhân cách trong cuộc sống hàng ngày” mà tôi soạn cho những bệnh nhân như Hannah, và cho những người khác muốn tự bảo vệ họ và bảo vệ người thân của họ.
Đây là mười ba quy tắc đó:
Mười ba quy tắc đối phó với những kẻ thái nhân cách trong cuộc sống hàng ngày
1. Quy tắc đầu tiên là chấp nhận viên thuốc đắng rằng một số người thực sự không có lương tâm theo đúng nghĩa đen của nó.
Những người này thường trông bề ngoài không bặm trợn như tên tội phạm trứ danh Charles Manson hay quái dị như người Ferengi trong phim Star Trek. Chúng trông giống như chúng ta.
2. Khi có sự bất đồng giữa tiếng nói bản năng của bạn và những gì thường được xã hội mặc nhận về vai trò của một ai đó – như nhà giáo, bác sĩ, nhà lãnh đạo, nhà bảo vệ động vật, nhà hoạt động nhân đạo, cha mẹ - hãy làm theo tiếng nói bản năng của bạn.
Dù muốn hay không, bạn luôn quan sát và tiếp nhận thông tin về hành vi con người trong cuộc sống hàng ngày, và ấn tượng trong tiềm thức của bạn, mặc dù có vẻ lạ lùng và khó tin, có thể giúp bạn thoát khỏi một tình huống nguy hiểm nếu bạn nghe theo nó. Tiềm thức của bạn tự hiểu mà không cần ai bảo, rằng những danh hiệu cao quý và đầy ấn tượng không mang lại lương tâm cho những kẻ không có nó ngay từ đầu.
3. Khi bắt đầu bất kỳ mối quan hệ mới nào, hãy thực hành Quy tắc Số Ba đối với những lời tuyên bố và hứa hẹn của người kia, hay về những trách nhiệm của anh ta hay cô ta. Hãy biến Quy tắc Số Ba thành chính sách bất di bất dịch của bạn.
Một lời nói dối, một lời hứa hẹn không giữ trọn, hay một trách nhiệm không làm tròn có thể là một hiểu nhầm. Hai lần có thể là một sai lầm nghiêm trọng nào đó. Nhưng ba lời nói dối cho thấy bạn đang giao thiệp với một kẻ dối trá, và sự dối trá là yếu tố quan trọng nhất của hành vi vô lương tâm. Hãy cắt đứt và rời đi ngay cơ hội đầu tiên bạn có. Rời đi bây giờ, mặc dù có thể khó khăn, vẫn là dễ dàng hơn so với sau này, và cái giá bạn trả cũng sẽ là ít hơn.
Không đưa tiền bạc, thành quả lao động, bí mật hay tình cảm của bạn cho kẻ vi phạm ba lần. Món quà quý giá của bạn sẽ chỉ phí hoài.
4. Nghi ngờ những người có chức quyền.
Một lần nữa, tin vào sự mách bảo của bản năng và tiềm thức của bạn, đặc biệt đối với những kẻ tuyên bố rằng việc thống trị người khác, bạo lực, chiến tranh hay những hành vi khác trái với lương tâm bạn là giải pháp tốt nhất cho một vấn đề nào đó. Hãy làm vậy ngay cả khi mà, và đặc biệt khi mà, tất cả mọi người xung quanh bạn đã hoàn toàn không còn nghi ngờ nhà chức trách nữa. Tự nhẩm lại trong đầu những gì Stanley Milgram đã dạy chúng ta về sự phục tùng: Ít nhất sáu trong số mười người sẽ tuân theo nhà chức trách ở gần họ một cách mù quáng đến tận phút cuối chót.
Tin tốt lành là sự trợ giúp xã hội sẽ khiến mọi người dễ thách thức nhà chức trách hơn. Hãy khuyến khích những người quanh bạn cũng đặt câu hỏi như bạn.
5. Nghi ngời sự nịnh bợ
Lời khen ngợi là đáng quý, nhất là lời khen chân thành. Ngược lại, sự nịnh bợ là cách ve vuốt cái tôi của chúng ta một cách vô lý và thái quá. Nó là chất liệu tạo ra sự hấp dẫn giả tạo và gần như luôn luôn đi kèm với dụng ý điều khiển. Điều khiển người nghe bằng cách nịnh bợ đôi khi chỉ là vô thưởng vô phạt nhưng đôi khi nhằm mục đích xấu. Hãy nhìn qua cái tôi đang được ve vuốt của bạn và nhớ lại rằng sự nịnh bợ là đáng ngờ.
“Quy tắc nịnh bợ” này không chỉ áp dụng ở mức độ cá nhân mà còn cả ở mức độ tập thể hay thậm chí với cả quốc gia. Trong suốt lịch sử loài người cho đến tận hiện tại, những lời kêu gọi chiến tranh luôn đi kèm với tuyên bố bùi tai rằng thắng lợi mà quân đội của chúng ta sắp đạt được sẽ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, rằng đấy là một chiến công đáng ngợi ca về mặt đạo đức, minh chứng bởi hiệu quả nhân văn của nó, độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại, xứng đáng được sự ủng hộ và biết ơn lớn lao của dân chúng. Kể từ khi chúng ta bắt đầu ghi chép lịch sử nhân loại, tất cả các cuộc chiến tranh lớn đều được trình bày theo cách như vậy, bởi tất cả các bên tham gia. Và tính từ thường đi kèm nhất với từ chiến tranh là thần thánh hay thiêng liêng, ví dụ như “cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta”. Có thể nói nhân loại sẽ chỉ có được hòa bình khi các dân tộc học được cách nhìn ra sự nịnh bợ bậc thầy này.
Giống như một cá nhân được thổi phồng bởi những lời nịnh bợ sẽ dễ dàng có những hành vi ngu ngốc, lòng yêu nước được thổi phồng quá mức là một điều nguy hiểm.
6. Nếu cần thiết, hãy xem xét lại lòng kính trọng của bạn.
Quá thường xuyên, chúng ta nhầm lẫn sự sợ hãi với lòng kính trọng. Khi chúng ta càng sợ ai đó bao nhiêu, chúng ta càng dễ dành cho người ấy lòng kính trọng bấy nhiêu.
Tôi có một con mèo đốm Bengal mà con gái tôi đặt tên là Lực sĩ, bởi vì ngay từ khi còn là một con mèo con, trông nó đã như một đô vật chuyên nghiệp. Bây giờ lớn, nó to hơn nhiều so với hầu hết những con mèo nhà khác. Những cái móng vuốt đáng sợ của nó trông giống như những cái móng báo hơn là mèo. Thế nhưng nó rất hiền và ưa hòa bình. Hàng xóm tôi cũng có một con mèo nhỏ. Con mèo ấy rất dữ và nó có thể dọa nạt hầu hết những con mèo khác chỉ bằng cái nhìn hung hãn. Những bất cứ lúc nào nó đến gần Lực sĩ trong phạm vi 20 mét, tất cả cơ thể 3 kg của nó co dúm lại trước thân hình 7 kg của Lực sĩ và nó bò rạp xuống đất trong sự sợ hãi và tôn kính của loài mèo.
Lực sĩ là một con mèo tuyệt vời. Nó rất âu yếm và quấn quýt tôi, và tôi cũng yêu nó. Mặc dù vậy, tôi muốn tin rằng một số phản ứng của nó là sơ đẳng hơn tôi. Tôi hy vọng tôi không nhầm lẫn sự sợ hãi với lòng kính trọng, bởi vì làm vậy là một cách khiến tôi dễ dàng trở thành nạn nhân. Hãy sử dụng bộ não con người ưu việt của chúng ta để chiến thắng xu hướng cúi đầu trước thú dữ của loài vật, để chúng ta có thể thoát khỏi sự trói buộc bản năng của sự lo lắng và sợ hãi. Trong một thế giới hoàn hảo, lòng kính trọng của con người sẽ chỉ tự động được dành cho những người mạnh mẽ, tốt bụng và có nhân cách dũng cảm. Những kẻ thu lợi từ việc dọa dẫm bạn không nằm trong danh sách ấy.
Quyết tâm tách rời lòng kính trọng khỏi sự sợ hãi còn quan trọng hơn nữa đối với các tập thể và quốc gia. Nhà chính trị gia dọa dẫm dân chúng bằng cách nhắc nhở thường xuyên về tội ác, bạo lực hay khủng bố và rồi dùng sự sợ hãi của họ để dành lấy lòng trung thành, chỉ là một kẻ lừa đảo lão luyện và thành công chứ không phải là một nhà lãnh đạo xứng đáng. Điều này luôn đúng trong suốt lịch sử nhân loại.
7. Đừng để bị cuốn vào cuộc chơi.
Kích thích trí tò mò là một thủ đoạn của kẻ thái nhân cách. Chống lại sự cám dỗ của ý muốn cạnh tranh với kẻ thái nhân cách để tỏ ra hấp dẫn hơn, hay thông minh hơn, hay tìm cách tìm hiểu tâm lý hắn, hay thậm chí là đùa cợt với hắn. Bên cạnh việc tự hạ thấp mình xuống ngang hàng với hắn, bạn cũng khiến mình sao lãng khỏi cái thực sự quan trọng, đó là tự bảo vệ bản thân.
8. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi kẻ thái nhân cách là tránh xa hắn, từ chối mọi hình thức tiếp xúc hay liên lạc.
Các nhà tâm lý học thường không thích khuyến nghị việc tránh tiếp xúc, nhưng đây là một ngoại lệ đặc biệt. Cách duy nhất thực sự có hiệu quả để đối phó với kẻ thái nhân cách mà bạn đã nhận diện là hoàn toàn loại trừ anh ta hay cô ta khỏi cuộc đời bạn. Những kẻ thái nhân cách hoàn toàn không để tâm đến các quy tắc xã hội, và vì vậy cho phép chúng tham gia vào các mối quan hệ xã hội là một việc đầy nguy hiểm. Hãy loại trừ chúng bắt đầu từ các mối quan hệ và cuộc sống tình cảm của chính bạn. Bạn sẽ không làm ai tổn thương cả. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng những kẻ thái nhân cách không có chút tình cảm nào để bạn có thể làm tổn thương mặc dù chúng có thể cố tỏ ra ngược lại.
Có thể bạn sẽ không bao giờ giải thích được cho gia đình hay bạn bè của bạn hiểu tại sao bạn lại tránh xa một cá nhân nào đó. Chứng thái nhân cách rất khó để nhận ra và còn khó hơn để giải thích cho người khác. Hãy tránh xa hắn bất chấp mọi người nói gì.
Nếu việc tránh tiếp xúc hoàn toàn là không thể, hãy lập kế hoạch để đạt càng gần đến mục tiêu tránh tiếp xúc hoàn toàn càng tốt.
9. Nghi ngờ xu hướng thương người quá dễ dàng của bạn.
Lòng kính trọng chỉ nên dành cho những người tốt bụng và có nhân cách dũng cảm. Lòng thương người là một tình cảm quý giá khác và nó chỉ nên dành cho những người vô tội thực sự bị đau đớn hay gặp hoàn cảnh không may. Ngược lại, nếu bạn thấy mình thương hại một kẻ vẫn thường xuyên làm hại bạn hay những người khác, và nếu kẻ đó chủ động tìm cách khơi dậy lòng thương người của bạn, khả năng gần 100 phần trăm là bạn đang gặp phải một kẻ thái nhân cách.
Cũng liên quan đến điểm này – tôi khuyến nghị bạn xem xét lại thật kỹ xu hướng tỏ ra lịch sự trong tất cả mọi hoàn cảnh. Với những người có giáo dục trong nền văn hóa của chúng ta, luôn giữ một thái độ mà chúng ta coi là “có văn hóa” trở thành gần như một phản xạ, và thường chúng ta tỏ ra lịch sự một cách máy móc ngay cả khi có ai đó làm chúng ta nổi điên, nói dối với chúng ta một cách hệ thống, hay đâm chúng ta sau lưng. Những kẻ thái nhân cách rất biết cách lợi dụng phản xạ lịch sự máy móc này trong những tình huống đối đầu.
Đừng sợ tỏ thái độ nghiêm nghị và thẳng thắn một cách bình tĩnh.
10. Đừng cố gắng cứu vớt kẻ không thể cứu vớt được.
Cơ hội thứ hai (thứ ba, tư, năm) là để cho những người có lương tâm. Nếu bạn gặp phải một kẻ không có lương tâm, hãy biết cách kìm nén tình cảm xuống và thoát ra.
Đến một lúc nào đó, hầu hết chúng ta cần học bài học quan trọng, mặc dù có thể đáng thất vọng, của cuộc sống rằng dù cho ý định của chúng ta có tốt đẹp đến đâu, chúng ta cũng không thể điều khiển hành vi - chứ đừng nói đến bản chất - của người khác. Hãy học bài học này về cuộc sống con người và tránh mắc phải cùng một tham vọng với kẻ thái nhân cách: điều khiển người khác.
Nếu bạn không muốn điều khiển, nhưng thay vào đó muốn giúp đỡ mọi người thì hãy dành sự giúp đỡ ấy cho những người thực sự muốn được giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy điều này không áp dụng với kẻ không có lương tâm.
Hành vi của kẻ thái nhân cách không phải lỗi của bạn, không một chút nào trên bất cứ phương diện nào. Đó cũng không phải là sứ mệnh của bạn. Sứ mệnh của bạn là cuộc sống của chính bạn.
11. Không bao giờ đồng ý, vì lòng thương hại hay bất cứ lý do nào khác, giúp một kẻ thái nhân cách che giấu bản chất thực sự của anh ta hay cô ta.
“Đừng nói với ai,” thường được nói kèm với nước mắt hay hàm răng nghiến chặt, là lời yêu cầu điển hình của bọn trộm cắp, lạm dụng trẻ em – và thái nhân cách. Đừng nghe bài hát mỹ nhân ngư này. Những người khác xứng đáng được cảnh báo hơn là những kẻ thái nhân cách xứng đáng được bạn giữ bí mật cho.
Nếu một kẻ không có lương tâm nào đó khẳng định rằng bạn “nợ” anh ta hay cô ta, hãy nhớ lại điều bạn sắp đọc sau đây: “Cô nợ tôi” hay “anh nợ tôi” là câu nói thường được dùng của kẻ thái nhân cách trong hàng ngàn năm nay và đến giờ vẫn vậy. Đấy là điều Rasputin nói với nữ hoàng Nga. Đó cũng là điều cha Hannah ngụ ý nói với cô trong cuộc nói chuyện trong tù.
Chúng ta thường coi câu “anh nợ tôi” là một tuyên bố đầy trọng lượng, nhưng nó đơn giản là không đúng. Đừng nghe nó. Đồng thời, hãy bỏ qua một câu nói nữa thường đi kèm với nó: “Anh cũng chỉ như tôi”. Bạn không giống như chúng.
12. Bảo vệ tâm linh của bạn.
Đừng cho phép kẻ không có lương tâm, hay thậm chí một loạt những kẻ như vậy, làm bạn tin rằng tất cả nhân loại là tồi tệ như vậy. Hầu hết mọi người trên thế giới này có sở hữu lương tâm. Hầu hết mọi người có thể yêu.
13. Sống một cuộc sống tốt là cách trả thù tốt nhất.
Lời kết
Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Hannah.
Cha cô đã được ân xá khỏi tù, nhưng cô không gặp ông ta, hay thậm chí nói chuyện với ông ta, trong suốt sáu năm qua. Sự mất mát này, và lý do của nó, vẫn gây ra nỗi đau buồn lớn cho cô.
Cha mẹ cô giờ đã ly hôn. Lý do không phải vì những hành vi tội phạm của ông ta, những hành vi mà mẹ Hannah và cả xã hội vẫn từ chối thừa nhận. Lý do là vì bà bắt gặp ông ta trong giường với một đứa học trò cũ 19 tuổi.
Chứng thực cho trí thông minh và sức mạnh của cô, Hannah kết thúc trường y với điểm xuất sắc. Nhưng chẳng bao lâu cô nhận ra điều hiển nhiên - rằng trở thành bác sĩ là hoài bão của cha cô cho cô chứ không phải của chính cô. Ông ta coi đấy là ngành nghề cao quý nhất trong tất cả.
Bất chấp tất cả, Hannah vẫn giữ được khả năng gần gũi với những con người đáng tin cậy và đáng yêu, và giữ được cả tính hài hước nữa. Ví dụ, khi cô từ bỏ ngành y, cô bảo tôi rằng cô đã nhận ra lời thề của ngành y, “Trước tiên, không làm hại”, hoàn toàn không phù hợp với cha cô chút nào.
Cô nộp đơn và được nhận vào nhiều trường luật. Cô chọn một trường có chuyên ngành về quyền con người.
Về tác giả:
Tiến sĩ Martha Stout là một nhà tâm lý học người Mỹ. Bà là giảng viên tại khoa tâm thần học của Khoa Y, trường đại học Harvard và đồng thời khám bệnh tại phòng khám tư của mình được 25 năm nay. Bà hiện đang sống tại Cape Ann, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Sao khong co cac chuong le ha ban?
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm. Do thời gian hạn hẹp nên mình chỉ chọn dịch những chương nói về chứng thái nhân cách. Tài liệu tiếng Việt về chủ đề này hầu như không có. Những chương lẻ nói về phần kia của nhân loại: những người có lương tâm. Đã có nhiều bài viết tiếng Việt về chủ đề đó nên mình muốn dành thời gian dịch cái khác.
Trả lờiXóatài liệu này thật sự rất bổ ích đối với em
Trả lờiXóaEm là một mem của trang tamlyhoc.net. Cách đây lâu rồi em đọc được topic giới thiệu bản dịch cuốn này của anh trong diễn đàn và em đã đọc ngay không chần chừ. Cảm ơn anh đã dồn công sức dịch thuật và còn đăng free nữa. Hôm nay em mới mở lại blog anh và đọc hết các bài đăng còn lại, mới thấy nhiều bài dịch hay và thú vị quá! Mong được trao đổi thêm với anh.
Trả lờiXóaLiệu "Kẻ thái nhân cách ở nhà bên" và "People of the lie" của Morgan Scott Peck có phải nói về chung một chủ đề không nhỉ?
Trả lờiXóaChào BT. Mình chưa đọc cuốn "People of the lie" nên không thể đưa ra ý kiến được. Tuy vậy, mình có thể mượn cuốn đó để xem. Khi nào xong, hy vọng mình sẽ có câu trả lời cho câu hỏi của bạn.
Trả lờiXóathanks for sharing <3
Trả lờiXóam rất hứng thú với những vấn đề tâm lý nên tìm đc bài của bạn quả rất tuyệt :x
m đg kiếm các tài liệu về tâm lý học tội phạm bản Việt nhg ít quá, nếu bạn biết hoặc có bất cứ tài liệu nào liên quan đến đề tài này thì share cho m nhé XD
hoặc nói tên sách (tất nhiên vẫn là bản Việt, đọc bản Anh chắc tỷ năm sau mới xg mất T_T)
thanks again :x
mình thấy tài liệu rất hay, mình muốn sao chép sang website khác mong bạn đồng ý.
Trả lờiXóaMình rất vui là bạn thấy các tài liệu trên blog này bổ ích. Bạn có thể sao chép chúng tùy ý với điều kiện ghi rõ nguồn gốc và kèm một link trở lại blog này. Thân.
Trả lờiXóaMột người trong gia đình có tặng mình cuốn sách này nhưng vì tiếng Anh của mình co hạn nên không thể hiều rõ được. Cảm ơn bạn.
Trả lờiXóaBạn ơi, bạn có bán sách này không?nếu có mình rất sẵn lòng ghé chỗ bạn để mua. :)
Chào bạn Việt,
Trả lờiXóaRất tiếc do thời gian có hạn nên mình chỉ dịch được những chương đã đăng trên blog này. Mình không có kế hoạch dịch những chương còn lại do chúng nói về chủ đề khác, nhưng mình hi vọng sẽ dịch một cuốn sách khác cũng rất hay về chủ đề thái nhân cách trong tương lai gần.
Cảm ơn anh vì đã chia sẻ tài liệu này. Nó đã thay đổi cuộc sống của tôi khi tôi đang tuyệt vọng. Câu chuyện của tôi giống cô Sydney trong chương sách này.
Trả lờiXóaMình rất vui vì nó có ích cho bạn, Wanderer. Không biết bạn có đọc được tiếng Anh không? Có rất nhiều tài liệu bổ ích bằng tiếng Anh trên Internet mình có thể chia sẻ nếu bạn đọc được.
Trả lờiXóaChúc bạn chóng vượt qua thử thách và tìm lại được sự thăng bằng trong cuộc sống.
Không đâu, Mimi. Không phải tất cả những người ích kỷ đều là thái nhân cách. Từ "thái nhân cách" là một từ rất nghiêm trọng và không nên sử dụng bừa bãi. Rối loạn thái nhân cách chỉ có thể được chẩn đoán chính xác thông qua Bảng Kiểm Tra Thái Nhân Cách - Có Sửa Đổi (PCL-R) của tiến sĩ Robert Hare, và chỉ bởi những người đã qua đào tạo chuyên môn.
Trả lờiXóaNếu có thời gian, bạn có thể đọc thêm bài dịch "Đại cương về chứng thái nhân cách" trong blog này. Bạn sẽ tìm được nhiều thông tin bổ ích trong đó.