Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tại sao tôi xấu hổ là một công dân Hoa Kỳ

Nữ thần Tự do xấu hổ

Tác giả: Dave Lindendorf
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Tôi sẽ nói điều này: Tôi xấu hổ là một công dân Mỹ. Điều này không dễ dàng, bởi vì đã sống ở nước ngoài và chứng kiến những chỗ khá tồi tệ trong cuộc đời mình, tôi biết rằng đất nước này có nhiều điều vĩ đại, nhiều con người vĩ đại sống ở đó. Nhưng gần đây tôi đã đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ đang là một quốc gia méo mó và bệnh hoạn, nơi mà cái xấu vượt xa cái tốt.

Tôi có thể nhớ những lần đầu tiên có cảm giác ghê tởm đối với đất nước của tôi. Lần đầu là khi tôi nhận ra, ở cái tuổi 17 tuổi nhạy cảm, sự tàn bạo mà Hoa Kỳ đang gây ra đối với những người dân Việt Nam nhân danh tôi – cưỡng hiếp, giết hại, phá hủy làng mạc của nông dân, ném bom na-pam xuống trẻ em ở miền Nam, và ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam (bao gồm cả đê điều, trường học và bệnh viện). Sau đó tôi thấy kinh hoàng và ghê tởm khi được biết một cách muộn màng rằng Hoa Kỳ đã dồn những người bản địa, người Mỹ gốc Nhật và người Nhật định cư hợp pháp vào trại tập trung trong thế chiến thứ hai, và chính quyền quốc gia đã đồng lõa với đám phát xít da trắng quỷ quyệt ở California trong việc tước đoạt trang trại, nhà cửa và công việc của những người bị giam giữ đó.

Nhưng những tội ác đó, mặc dù kinh khủng, vẫn chưa là gì so với những thứ mà tôi thấy đất nước này đang làm hiện nay.

Cho phép tôi liệt kê một số cách mà đất nước này làm tôi ghê tởm:

1. Nó không phải chỉ là lần công bố mới nhất bản báo cáo được sửa chữa rất nhiều về chương trình tra tấn có chủ ý của chính quyền Bush/Cheney, khởi sự vào năm 2001 sau sự kiện 11 tháng 9 và kéo dài trong nhiều năm không chỉ đối với những người bị coi là khủng bố mà còn cả đối với những người được biết là hoàn toàn vô tội. Nó là ở chỗ không có gì đã được thực hiện, hay có vẻ như sẽ được thực hiện, để trừng phạt những kẻ cho phép và ủng hộ cho các tội ác chiến tranh cũng như tội ác chống nhân loại đó. Và không chỉ có vậy mà còn quá nhiều người Mỹ đồng bào với tôi đồng tình với điều đó. Ngay cả trên truyền thông, bao gồm cả trên NPR, tôi nghe thấy các phóng viên nói rằng một trong số “các câu hỏi” về chương trình tra tấn của chính quyền là nó “có hiệu quả” hay không đối với việc thu thập thông tin về hoạt động khủng bố. Bất kể tra tấn có hiệu quả hay không, Hoa Kỳ và các quốc gia còn lại của thế giới đã ký một hiệp định sau Thế Chiến thứ II nói rằng tra tấn là một hành vi tội phạm (hình phạt bao gồm cả tử hình theo luật pháp quốc tế!). Đó là sự che đậy hay thất bại trong việc trừng phạt tội ác tra tấn.

2. Cảnh sát ở Hoa Kỳ đã bị quân sự hóa về cả phương diện vật chất lẫn huấn luyện và sự tự nhận thức, khiến họ giờ đây trở thành một dạng quân đội xâm lược hơn là “viên chức hòa bình” (một khái niệm lỗi thời mà bạn không bao giờ còn nghe ai sử dụng nữa). Hết lần này đến lần khác chúng ta chứng kiến cảnh sát hung hăng sử dụng vũ lực, trong đó có cả vũ lực chết người, trong các tình huống cần đến sự bình tĩnh và hiểu biết. Điều kinh tởm nhất đối với tôi là chứng kiến một xe cảnh sát ở Cleverland lao thẳng lên bãi cỏ tới ban công trong một sân chơi, nơi có cậu bé 12 tuổi Tamir Rice đang ngồi, một mình, chơi với khẩu súng đồ chơi. Trong vòng chưa tới hai giây, một cảnh sát bước ra khỏi xe và bắn cậu bé tử thương vào bụng. Hoàn toàn không có lý do gì cho vụ xử tử này. Không có ai quanh đó bị đe dọa bởi cậu bé. Cảnh sát lẽ ra phải dừng xe ở khoảng cách an toàn, đánh giá tình hình, sau đó kêu gọi Rice rời khỏi ban công và buông súng, ngay cả nếu họ sợ rằng đó là khẩu súng thật. Hoặc là họ lẽ ra phải ra lệnh cho cậu bé ngồi yên và buông súng, và sau đó nếu cậu bé không làm theo, họ phải chờ tăng cường lực lượng, trong đó có người được đào tạo trong việc đàm phán. Trái lại, họ chỉ lao thẳng xe tới đó như trong tình huống giải cứu con tin và hạ gục cậu bé. Sau đó họ không làm gì để giúp cậu bé. Ugh! Và rồi không có làn sóng phẫn nộ phổ biến nào về vụ sát hại tàn bạo đó của cảnh sát.

Cảnh sát tàn bạo

Cũng như không có sự phẫn nộ phổ biến với những cảnh sát can dự vào vụ giết hại Micheal Brown ở Ferguson, MO hay vụ siết cổ chết Eric Garner một cách hoàn toàn vô lý ở Staten Island, New York. Trong cả hai vụ, những kẻ giết người mặc đồng phục đều được miễn tố bởi các hội thẩm đoàn công tố hoàn toàn bị thao túng và bị lừa dối. Trái lại, chúng ta nghe thấy những người da trắng được phỏng vấn trên chương trình truyền hình nói rằng cảnh sát đã làm đúng.

3. Nhưng đó mới chỉ là một phần thôi. Tôi thấy kinh tởm khi tổng thống của chúng ta là một kẻ không có đủ gan để lên án những tội ác đó và tuyên bố rằng ông ta sẽ truy tố những ai ra lệnh cho quân đội và CIA sử dụng tra tấn đối với những người bị bắt trong cái được gọi là Chiến Tranh Chống Khủng Bố. Tổng thống Obama lẽ ra phải yêu cầu Bộ Tư Pháp tích cực truy tố những cảnh sát giết hại thường dân không vũ trang nếu các công tố viên địa phương không làm điều đó, và ông ta lẽ phải ra lệnh truy tố bất cứ ai ra lệnh, ủy quyền, tạo điều kiện hay bao che cho việc tra tấn của các nhân viên chính quyền. (Không có gì ngạc nhiên khi tổng thống Obama được chẩn đoán trào ngược dịch vị dạ dày: ít nhất đường ống dinh dưỡng của con người này cũng có vẻ có lương tâm!)

Nhận xét:

Ở đây tác giả vẫn còn nuôi dưỡng ảo tưởng rằng Obama chỉ là vị tổng thống yếu đuối hay bị thao túng. Ông vẫn chưa xét đến, hay chưa có đủ can đảm nghĩ đến, việc Obama, cũng như Bush và Cheney, là một phần căn bản của tất cả những gì khiến cho đất nước Hoa Kỳ trở thành như hiện nay. Cũng như hầu hết những người bình thường, ông không thể hình dung được sự tồn tại của một loại người hoàn toàn không có lương tâm: những kẻ thái nhân cách, và chúng đang cai trị thế giới này.

Xem thêm:

4. Tôi cảm thấy kinh tởm khi mà theo như tổ chức Sáng Kiến Chính Sách Nhà Tù, Hoa Kỳ vào lúc này có khoảng 2,4 triệu tù nhân ( chỉ có 2/3 trong số họ bị kết án, với phần lớn trong số còn lại là bị tạm giam chờ xét xử vì họ không thể nộp số tiền bảo lãnh quá mức do hệ thống tòa án tha hóa của chúng ta đặt ra). Không có gì ngạc nhiên: Từ cuối những năm 80 đến năm 2008, số lượng các đạo luật liên bang có hình phạt tù đã tăng từ 3000 lên 4450, và chúng tiếp tục gia tăng khi những kẻ bất tài trong Quốc Hội tiếp tục thông qua những đạo luật tạo ra ngày càng nhiều “tội hình sự” hơn để trừng phạt. Đấy là chưa kể tới chính quyền bang và địa phương. Điều đó giải thích tại sao Hoa Kỳ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng có số tù nhân chiếm tới 25% số tù nhân trên toàn thế giới. Chính bản thân tôi cũng bị đe dọa bỏ tù cách đây chưa lâu bởi một gã cảnh sát côn đồ ở thị trấn lân cận vì xin đi nhờ xe – một hành vi mà thực ra là hợp pháp ở bang của tôi, và nếu tôi có làm không phù hợp thì cũng giống hầu hết các vi phạm hành chính như đỗ xe sai luật, chỉ đáng bị xử phạt chứ không phải bị bắt giữ. Không vấn đề gì - nếu tôi không khuất phục và bỏ tay xuống, gã đầu gấu trong bộ đồng phục với vũ khí cầm tay sẽ còng tay tôi, và vu cáo về những thứ như: chống cự cảnh sát, quấy rối trật tự hay những chuyện vớ vẩn tương tự. Chúng ta sống trong một xã hội bị ám ảnh bởi sự trừng phạt, bị giám sát bởi những cảnh sát dường như thích thú với việc cai trị công chúng.

5. Tôi ghê tởm khi chứng kiến hết cộng đồng này đến cộng đồng khác thông qua những luật lệ cấm cho người vô gia cư ăn. Đấy là tại một quốc gia trong giai đoạn hậu Đại Suy Thoái, chúng ta vẫn đang có tỷ lệ thất nghiệp thực tế và lao động không đầy đủ từ 18 đến 20% tùy thuộc vào cách tính.

6. Tôi xấu hổ và tức giận khi Wall Street về bản chất là một hiện trường tội ác khổng lồ - nơi mà hàng ngàn tỷ dollar của cải trong suốt thập kỷ qua đã bị rút khỏi túi những thường dân Mỹ và đặt vào tay của nhóm 1% hay 5% giàu nhất, biến đất nước chúng ta thành xã hội bất công nhất trong số 34 quốc gia phát triển của thế giới. Không có một chủ ngân hàng nào từ nhóm được gọi là ngân-hàng-quá-lớn-để-sụp-đổ bị buộc tội, càng ít hơn nữa bị truy tố hay bỏ tù vì trò lừa đảo lớn nhất mà thế giới từng được thấy. Trong một số dịp hiếm hoi khi Bộ Tư Pháp theo đuổi những tội phạm ngân hàng đó, họ đạt được “các thỏa thuận” dưới dạng những khoản phạt vô nghĩa, và các thỏa thuận thậm chí chưa từng yêu cầu những giám đốc lừa đảo đó rời bỏ vị trí quyền lực béo bở, hay phải thừa nhận là họ làm sai. Trên thực tế, những gã lừa đảo trong bộ complê thay vì đồng phục nhà tù đó lại thường xuyên được mời làm khách ở Nhà Trắng và Quốc Hội, được kêu gọi đóng góp “sự thông thái” của họ cho chính sách của chính quyền, sau đó họ sẽ thưởng công cho các chủ nhà hào hiệp của họ với những bổng lộc và “quyên góp chiến dịch bầu cử” mà thực chất không khác gì hối lộ.

7. Tôi phẫn nộ và xấu hổ khi đất nước của tôi tiêu tốn hơn một nghìn tỷ dollar mỗi năm cho quân đội và có quân nhân đóng tại 800 căn cứ trên toàn thế giới. Điều này diễn ra trong khi 50 triệu người Mỹ được báo cáo là “mất an ninh lương thực” – hay nói cách khác là 50 triệu người, nhiều trong số đó là trẻ em, bị đói tại một thời điểm nào đó trong năm – và khi những chương trình hỗ trợ như Phiếu Lương Thực và Trợ Cấp Thất Nghiệp đang bị cắt giảm để tiết kiệm tiền. Tồi tệ hơn, không có scandal quốc gia nào về việc đó. Trên thực tế, nhiều người Mỹ, có lẽ là đa số, nghĩ rằng tất cả các khoản chi tiêu cho quân đội là tốt, bởi vì nó có vẻ như “bảo vệ an toàn cho chúng ta” và có thể “tạo công ăn việc làm.” Sự thật cay đắng là ngày nay, Hoa Kỳ, đất nước của tôi, là quốc gia khủng bố lớn nhất thế giới – dựa một cách khác quan trên thành tích không có đối thủ về việc xâm chiếm bất hợp pháp các đất nước khác, thực hiện giết chóc bằng máy bay không người lái ngoài biên giới, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu người dân, tài trợ và viện trợ cho các cuộc lật đổ chính quyền nước ngoài, thường là các chính quyền được bầu cử dân chủ.

8. Tôi ghê tởm tận trong tâm can bởi vì một nửa thế kỷ sau khi những người Tuần Hành Vì Tự Do và những người dân địa phương can đảm đã chiến thắng và chấm dứt đạo luật Jim Crow ở miền Nam, đạo luật đã cấm người da đen đi bầu cử suốt nhiều thế hệ, ít nhất một nửa đất nước, không chỉ ở miền nam mà là mọi nơi, giờ đây lại đang tìm cách ngăn cản người da đen, người gốc Nam Mỹ và những người có màu da khác đi bầu cử. Hệ thống tòa án tha hóa của chúng ta ủng hộ họ trong nhiều trường hợp, ngay cả Tòa Án Tối Cao, hiện đang bị thống trị bởi những kẻ phát xít, bắt đầu phát xít và phát xít tôn giáo.

9. Tôi xấu hổ khi phần lớn những người Mỹ đồng bào của tôi quan tâm nhiều về chuyện họ có thể có chiếc iPhone mới nhất, hay họ có quyền do chúa ban tặng để được sở hữu một vũ khí tự động không giấy phép, hơn là về việc chúng ta vẫn có quyền riêng tư hay không, quyền không bị chính phủ theo dõi, hay các doanh nghiệp có được phép mua quan chức chính quyền trực tiếp như mua một miếng thịt bò không.

10. Tôi kinh tởm khi nam và nữ đồng bào của tôi không còn tin rằng điều quan trọng của một xã hội là cung cấp cho mọi người các dịch vụ cơ bản, tạo ra cho tất cả mọi người một cơ hội công bằng để thoát khỏi nghèo khổ. Không còn nhận thức rằng mọi người phải được đi học ở một trường công được tài trợ tử tế, hay tiếp cận miễn phí một trường cao đẳng tài trợ bằng tiền thuế hay với một mức học phí thấp – thứ học phí có thể được đáp ứng bởi công việc vừa học vừa làm 10 giờ một tuần. Không còn bất cứ nhận thức nào về việc mọi người Mỹ phải được quyền chăm sóc y tế chất lượng. Ngay cả chút hỗ trợ cho cái được gọi là Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Vừa Túi Tiền (ACA) hầu hết là từ những cá nhân ích kỷ muốn có khả năng thanh toán bảo hiểm cho bản thân chứ không phải là về việc tạo ra sự chăm sóc y tế chất lượng cho tất cả mọi người. Nó giống như là, nếu ACA tạo cho bạn khả năng thanh toán bảo hiểm, bạn ủng hộ nó, nhưng nếu bạn đã có bảo hiểm do chủ lao động thanh toán thì bạn chống lại ACA. Đó là sự thật cơ bản trong mọi lĩnh vực. Người Mỹ ngày nay đã đánh mất nhận thức chung về chia sẻ trách nhiệm và đấu tranh chung. Mọi người thường nói (không chính xác, tôi nghĩ) về thế hệ những năm 60 là thế hệ của “cái tôi”. Hiện nay, có lẽ là toàn bộ Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia của “cái tôi”.

11. Cuối cùng, tôi không thể quên vấn đề biến đổi khí hậu. Không có gì hoài nghi, Hoa Kỳ là tác nhân chính trong biến đổi khí hậu suốt thế kỷ qua, do là một quốc gia công nghiệp hóa nhất thế giới. Ngay cả ngày nay, nếu như Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ về khí thải các-bon, sự thật không thể phủ nhận là tính bình quân trên đầu người, mỗi người Hoa Kỳ chúng ta thải khí các-bon vào khí quyển vượt xa bất cứ người Trung Quốc nào, gấp 5 lần hoặc hơn. Mặc dù vậy, đất nước của chúng ta là cản trở chủ yếu đối với bất cứ nỗ lực chân thật nào nhằm giảm bớt hay đảo ngược biến đổi khí hậu. Dưới chính quyền hiện tại và trước đây, Hoa Kỳ đã phá hoại thành công các nỗ lực đạt đến một hiệp định quốc tế giới hạn khí thải hiệu ứng nhà kính, thậm chí sử dụng cả năng lực do thám của Ủy Ban An Ninh Quốc Gia để theo dõi tình hình đàm phán của các quốc gia khác và để tống tiền các nhà lãnh đạo. Thật là ghê tởm khi thấy sự ích kỷ của người Mỹ lớn đến mức họ không quan tâm một chút nào đến tương lai kinh khủng mà con cái chứ không phải chờ đến cháu của chúng ta phải đối mặt (Ngân Hàng Thế Giới, không phải là một cái ổ cực đoan về môi trường, cảnh báo rằng thiếu niên hiện nay sẽ đối mặt với một thế giới nóng hơn từ 6 đến 8 độ F khi chúng 80 tuổi!). Đây là sự ích kỷ - hay – điên khùng trên quy mô lớn mà tôi không thể hiểu nổi.

Nhận xét: Việc sử dụng vấn đề biến đổi khí hậu làm ví dụ về sự ích kỷ và vô trách nhiệm của Hoa Kỳ là không hợp lý (mặc dù sự ích kỷ và vô trách nhiệm ấy là sự thật) vì cái gọi là hiệu ứng nóng lên nhà kính do khí thải CO2 của con người chỉ là một trò tuyên truyền để che giấu sự thật rằng khí hậu đang ngày càng lạnh đi do những tác nhân ngoài sự kiểm soát của con người. Tôi hy vọng sẽ đăng tải một số bài viết về chủ đề này trong tương lai gần.

Tôi có thể tiếp tục nhưng tôi nghĩ rằng mười một lý do để xấu hổ về đất nước của một ai đó là quá đủ.

Đó là tôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.