Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Tại sao mọi người tin những chuyện bịa đặt và tám cách để thay đổi nó

Thông tin sai lệch

Tác giả: Tiến sĩ Jeremy Dean
Nguồn: PsyBlog
Nguồn dịch: Tâm lý học tội phạm blog

Một số người tin đủ thứ kỳ quặc, ví dụ như...

... không, thực ra có một lý do tâm lý rất xác đáng khiến tôi không lặp lại những thứ đó ở đây.

Tôi chỉ muốn nói rằng một số người tin những điều rất kỳ lạ. Và một trong những lý do khiến mọi người chấp nhận những ý tưởng kỳ quặc là vì nó được lặp lại, ngay cả khi chỉ để phản bác chúng.

Vậy tất cả những thông tin sai đến từ đâu, tại sao mọi người tin nó và làm thế nào những người biết thông tin đúng có thể thay đổi niềm tin của họ?

(Bài này dựa theo một bài viết tuyệt vời của giáo sư Stephan Lewandowsky và cộng sự).

Thông tin sai đến từ

1. Những tin đồn và câu chuyện bịa đặt

Con người ưa thích những câu chuyện giật gân, gây xúc động mạnh. Họ thích truyền bá những câu chuyện làm người nghe rất hạnh phúc, ghê tởm, phẫn nộ hoặc sợ hãi: bất kỳ điều gì gây ra phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.

Những câu chuyện trung tính, có thể có nhiều khả năng là sự thật, nhưng nhàm chán hơn, và do đó nhận được ít sự chú ý.

Kỳ lạ hơn, nghiên cứu cho thấy mọi người tin vào những điều rõ ràng là bịa đặt mà họ từng đọc trong tiểu thuyết. Điều này đúng ngay cả khi:

  • Chúng rõ ràng là tiểu thuyết bịa đặt,

  • và khi họ được cho biết rằng cuốn tiểu thuyết bịa đặt đó chứa những thông tin sai,

  • và khi sự thật được biết tương đối rộng rãi.

Điều này có thể một phần vì sự phòng vệ của mọi người có xu hướng trở nên thấp hơn khi họ tiêu thụ các sản phẩm giải trí phổ biến.

2. Những nhà chính trị

Hầu hết chúng ta đều biết rằng các chính trị gia sẽ nói bất kỳ điều gì để được bầu, nhưng chúng ta có thể phân biệt được giữa sự thật và những lời nói dối mà họ nói không?

Các nghiên cứu phát hiện thấy, trong thực tế, mọi người rất khó để biết được sự khác nhau. Có vẻ như việc biết các chính trị gia nói dối không ngăn được mọi người tin vào những lời dối trá đó.

3. Giới truyền thông

Lý do thông thường của thông tin sai ở các phương tiện truyền thông là sự đơn giản hóa quá mức và sự cần thiết tạo ra sự cân bằng. Nhu cầu về sự cân bằng là một điều thú vị vì bản thân các vấn đề không phải lúc nào cũng “cân bằng”.

4. Mạng Internet

Có rất nhiều điều tốt đẹp để nói về mạng Internet, nhưng nó vẫn là nguồn của rất nhiều thông tin sai. Dưới đây là một ví dụ đáng sợ:

Một cuộc khảo sát 50 trang web đầu tiên xuất hiện khi tìm kiếm cụm từ “chế độ ăn giảm cân” cho thấy chỉ có 3 trong số đó cho bạn những lời khuyên đúng đắn.

Thêm nữa, con người có xu hướng tìm kiếm thông tin nhằm xác nhận, củng cố những quan điểm họ đang có. Và điều này trở nên dễ dàng hơn nhiều trong hiện tại khi mạng Internet mang đến đủ loại quan điểm. Cho dù mọi người tin vào điều gì đi nữa, họ luôn có thể tìm được những người khác cùng quan điểm để hỗ trợ họ.

Tại sao con người tin những thông tin sai

Rõ ràng là những điều dối trá và thông tin sai trôi nổi ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều biết rằng các chính trị gia, giới truyền thông và mạng Internet đôi lúc nói dối, thì làm thế nào một số người vẫn tin chúng?

Vấn đề là cách thức con người tin (hoặc không tin) điều gì đó về cơ bản là rất kỳ quặc. Rất ít người buồn kiểm tra lại những sự kiện, cơ sở lập luận đó; hầu hết mọi người sử dụng một số suy nghĩ tắt:

1. Cảm thấy nó đúng? Thông tin mới có phù hợp với những điều tôi đã tin không? Ví dụ, một người theo Đảng Cộng Hoà nhiều khả năng sẽ chấp nhận những lời nói dối về nơi sinh của tổng thống Obama vì lời nói dối đó tiện lợi cho họ.

2. Nó có lý không? Những điều dễ hiểu thì dễ tin hơn. Tâm trí con người cự tuyệt những thứ phức tạp, tự bảo vệ nó bằng cách nói rằng : ôi dào, đấy có thể là một thứ bịa đặt (Xem: 8 nghiên cứu khẳng định sức mạnh của sự đơn giản).

3. Nguồn có đáng tin không? Những người có vẻ có uy quyền, như những người ở vị trí quyền lực, có nhiều khả năng được tin tưởng hơn. Ví dụ, các bác sĩ có thể gây ra rất nhiều thiệt hại bằng cách đưa ra lời khuyên tồi một cách công khai vì mọi người có xu hướng tin họ.

4. Những ai khác cũng tin nó? Con người thích đi theo “bầy đàn”. Không may là con người cũng có thành kiến rằng hầu hết mọi người đều nhất trí với họ, ngay cả nếu trong thực tế, mọi người không như vậy.

Nhưng những điều này vẫn chưa giải thích được tại sao mọi người tiếp tục tin vào những thứ kỳ quặc, ngay cả sau khi nó được chứng minh với họ là sai lầm. Ngay cả khi thông tin sai hoàn toàn được rút lại và những người liên quan thừa nhận đó là những lời dối trá, thì vẫn rất khó để giết chết thông tin sai.

Một cách giải thích là dựa trên cách hoạt động của trí nhớ: chúng ta có xu hướng nhớ lại ý chính của một điều gì đó dễ dàng hơn nhiều so với nhớ lại những chi tiết chính xác. Thường thì điều này là thuận tiện vì nó có nghĩa là chúng ta có thể học những điều cụ thể, ví dụ như nấu thịt bò làm nó dễ tiêu hoá hơn, và khái quát hóa nó thành sự thật là nấu nướng làm nhiều thức ăn ngon hơn.

Mặt hạn chế của điều này là mọi người dễ dàng nhớ lại ý chính của một số thông tin sai và quên rằng họ nghe thông tin đó từ một nguồn hoàn toàn không đáng tin.

8 cách chống lại thông tin sai

Vậy, có thể tiêu diệt những thông tin sai không? Lewandowsky và các cộng sự nói có, nhưng rất khó và bạn sẽ cần sự giúp đỡ từ 8 kỹ thuật tâm lý sau:

1. Nhiều hơn sự thật

Thay đổi tâm trí mọi người không chỉ là nói với họ rằng họ đã sai; giá mà chỉ dễ dàng như vậy. Để bị thuyết phục, mọi người cần nghe một sự giải thích thay thế tại sao nó lại như vậy, chứ không chỉ đơn giản thông tin sai là sai. Lý tưởng hơn, bạn cũng nên giải thích động cơ cho những lời nói dối.

2. Ngắn gọn và êm dịu

Sự giải thích thay thế không nên quá phức tạp. Nó càng ngắn gọn thì càng hiệu quả. Đưa ra quá nhiều lời giải thích và mọi người sẽ bịt tai. Chỉ cần một vài sự thật nổi bật.

3. Đừng lặp lại những điều hoang đường

Tránh lặp lại điều hoang đường. Nhớ rằng mọi người thấy dễ dàng nhất khi nhớ lại ý chính của một điều gì đó. Nếu bạn liên tục lặp lại điều hoang đường, bạn đang tự làm hại mình.

4. Nói về thông tin sai

Bạn sẽ phải lặp lại điều hoang đường một lần, để mọi người biết bạn đang nói về cái gì. Vì vậy, nói cho họ biết trước rằng điều bạn sắp nói là thông tin sai.

5. Sự thật, sự thật, sự thật

Liên tục lặp lại sự thật. Sức mạnh của việc lặp đi lặp lại để ảnh hưởng đến mọi người là rõ ràng. Xem: Ảo tưởng của sự thật.

6. Tấn công nguồn của thông tin

Nguồn của thông tin sai là gì? Nó có đáng tin không? Chắc chắn là không! Khuyến khích mọi người trở nên đa nghi một chút có thể có lợi.

Một trong những thách thức ở đây là mọi người có xu hướng tin những người nói điều phù hợp với thế giới quan của họ. Do đó bạn cần…

7. Khẳng định thế giới quan

Bạn cần giữ người nghe bên phía bạn, ngay cả khi bạn nói với họ điều họ không muốn nghe. Bạn có thể làm điều này bằng cách đặt vấn đề theo cách nhìn của họ. Ví dụ bạn có thể nói với một người đang nghi ngờ sự thật về nơi sinh của tổng thống Obama: “Này, cả hai chúng ta đều chẳng ai thích Obama và những chính sách của ông ta cả. Nhưng sự thật là ông ta sinh ra ở Hawaii.”

Nói với mọi người những điều họ không muốn nghe là một hành động cân bằng. Bạn phải đi đủ xa để nói được điều bạn muốn nói, nhưng không quá xa khiến người nghe thấy phản cảm.

8. Khẳng định bản sắc

Một cách khác để tránh sự kháng cự tự nhiên của mọi người trước những sự thật họ thấy khó chịu là khẳng định bản sắc của họ. Bạn có thể gián tiếp làm mọi người nghĩ về những điều quan trọng đối với họ như gia đình, bạn bè và những lý tưởng.

Nghiên cứu cho thấy điều này giúp mọi người xử lý với sự không nhất quán giữa niềm tin của họ và những thông tin mới xung đột với nó.

Bùn thì dễ dính

Dĩ nhiên tất cả các kỹ thuật này đều đã được sử dụng bởi những người muốn lái và ảnh hưởng quan điểm công chúng. Đó cũng là lý do tại sao cần biết về chúng. Như Lewandowsky và các cộng sự kết luận:

Kỹ thuật sửa chữa thông tin sai hoàn toàn không khác gì kỹ thuật của những người muốn lan truyền thông tin sai thay thế các quan điểm đúng đang có của người nghe. Do đó, điều quan trọng là công chúng có một hiểu biết cơ bản về tác động của thông tin sai... Khi công chúng nhận thức rộng rãi rằng có nhiều người thường “ném bùn” vì họ biết rằng nó sẽ “dính”, họ có được nhận thức đúng đắn hơn.

Nhận xét:

Bình thường ai cũng muốn tin rằng họ luôn suy nghĩ tỉnh táo, có thể phân biệt sự thật với dối trá và chỉ tin vào những gì đáng tin. Nhưng bài viết này cho thấy sự thật đáng sợ là con người có thể tin vào những điều hoàn toàn trái với lẽ thường, chỉ vì một số kỹ thuật tâm lý, và một khi họ đã tin vào điều gì, rất khó để thay đổi nó. Đây là điều mà những kẻ thái nhân cách, bậc thầy trong việc quan sát tâm lý con người, đã biết và sử dụng từ lâu. Không phải vô tình mà hầu hết các phương tiện truyền thông phương tây đều nằm dưới sự kiểm soát của một số rất ít công ty. Và khi những cỗ máy tuyền truyền đó (bởi vì chúng đúng là như vậy) lặp đi lặp lại những lời dối trá của các chính quyền phương tây, ví dụ như chuyện những kẻ cướp máy bay người Ả rập trong vụ tấn công 11 tháng 9, hay vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein, hay những lời dối trá về Putin và nước Nga hiện nay, hầu hết mọi người sẽ tin đó là sự thật.

Như đoạn kết của bài viết này nói, cách duy nhất để chống lại tình trạng đó là luôn nhớ rằng mọi người có thể "ném bùn", đặc biệt là những kẻ thái nhân cách thì luôn luôn như vậy, và kiểm tra mọi sự kiện và cơ sở lập luận mà bạn được nghe.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.