Tác giả: Nat Parry
Nguồn: Essential Opinion
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa
Một trong những điều nực cười nhất của cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ và quan hệ xuyên Đại Tây Dương là trách nhiệm dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở các nước cựu Liên Bang Soviet có vẻ mạnh mẽ hơn là ở chính quê nhà Hoa Kỳ vào lúc này. Điều này được nêu bật một lần nữa vào tháng trước khi Ba Lan thanh toán ¼ triệu dollar cho hai nghi phạm khủng bố bị CIA tra tấn tại nhà tù bí mật trên lãnh thổ Ba Lan từ năm 2002 đến 2003.
Với phán quyết của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (ECHR), bản án đã gây ra sự phẫn nộ cho nhiều người Ba Lan. Họ cảm thấy không công bằng khi bị trừng phạt bởi những sai trái của Hoa Kỳ. “Chúng tôi phải trả tiền bồi thường mặc dù người của chúng tôi không làm gì sai,” cựu ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói. Sikorski cho biết Ba Lan là nước duy nhất đã nhận trách nhiệm về việc các quan chức cấp cao của họ cho phép CIA vi phạm nhân quyền trên lãnh thổ của họ.
Sự thiếu trách nhiệm này bao gồm cả Hoa Kỳ. Họ không điều tra hay xét xử các quan chức cấp cao cho phép vi phạm nhân quyền tại các nhà tù bí mật của CIA ở Ba Lan hay bất cứ đâu trên thế giới.
Trong số 119 tù nhân được biết bị giam giữ tại các nhà tù bí mật của CIA từ năm 2001 đến năm 2006, có ít nhất 39 người bị thành viên của CIA tra tấn, theo báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện về tra tấn được công báo vào tháng 12 vừa qua. Hai cá nhân bị tra tấn ở Ba Lan, Abu Zabaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri, đã được chuyển tới vịnh Guantanamo, họ ở đó cho tới năm 2006.
Trong khi al-Nashiri đang bị xét xử vì bị cho là đã tổ chức đánh bom chiến hạm USS Cole vào năm 2000 thì Abu Zubayah được coi là một trong số những “tù nhân vĩnh viễn” của Guantanamo khi không có bản án hay phiên tòa nào được dự định. Thậm chí không có một quyết định sơ bộ nào cho trường hợp của anh trong gần bảy năm. Trong một bài viết ngày 12 tháng 5 năm 2015, tờ ProPublica cho biết trường hợp của anh đã bị trì hoãn “2.477 ngày và vẫn tiếp tục”.
Một trong các luật sư của anh, Hellen Duffy, viết trong tờ Guardian vào tháng 12 vừa qua, sau khi bản tóm tắt báo cáo của thượng viện được công bố, “hiện giờ Abu Zubaydah có thể được coi là tang vật loại A” trong chương trình giam giữ và tra tấn của CIA.
“Anh ấy có vinh dự đáng tiếc là nạn nhân đầu tiên của chương trình tra tấn CIA. Như báo cáo đã làm rõ, nhiều kỹ thuật tra tấn (hay “thẩm vấn nâng cao”) đã được phát triển và anh ấy là tù nhân duy nhất chúng ta biết đã bị trải qua tất cả những thứ đó,” Duffy viết.
Báo cáo của thượng viện có khoảng 1.000 dẫn chiếu đến trường hợp Abu Zubaydah, xác nhận các phát hiện của ECHR liên quan đến những kỹ thuật thẩm vấn mà anh ta phải chịu đựng.
Trong đó có “walling” (liên tục bị ném vào tường), không cho ngủ tới 180 giờ (thường là khỏa thân trong tư thế căng thẳng) và nhấn nước. Việc nhấn nước Abu Zubaydah, anh ta bị nhấn nước 83 lần trong 1 tháng, được cấp cao nhất của chính quyền Hoa Kỳ cho phép.
Anh ta cũng phải chịu những hình thức giam giữ cực đoan.
“Trong 20 ngày liên tục của 'giai đoạn thẩm vấn quyết định', AbuZubayah bị giam tổng cộng 266 giờ (11 ngày, 2 giờ) trong một chiếc hộp giam giữ có kích thước bằng chiếc quan tài và 22 giờ trong hộp giam nhỏ với chiều rộng 0,53 cm, chiều sâu 0,77m và chiều cao 0,77m,” theo báo cáo của thượng viện. “Nhân viên thẩm vấn của CIA nói với Abu Zubaydah rằng cách duy nhất anh ta có thể ra khỏi nhà tù là trong một chiếc hộp giam hình quan tài.”
Duffy lưu ý ngoài việc tra tấn Aby Zubaydah, báo cáo của thượng viện cũng tiết lộ về lượng thông tin sai lệch đã được tạo ra để biện minh cho việc giam giữ anh ta không giới hạn. Nhiều khẳng định của CIA, trong một số trường hợp được lặp lại ngay cả khi họ biết chúng là sai từ lâu, đã bị bác bỏ hết điểm này đến điểm khác trong báo cáo.
Ví dụ, trái với những khẳng định lặp đi lặp lại rằng Abu Zabaydah là “người đứng hàng thứ ba hay thứ tư của al-Qaeda,” báo cáo cho biết “sau đó CIA đã kết luận rằng Abu Zubaydah không phải là thành viên của al-Qaeda.” Báo cáo cũng phủ nhận khẳng định của chính quyền về việc anh ta can dự vào vụ 11 tháng 9, rằng đội thẩm vấn “chắc chắn anh ta che giấu thông tin” và khẳng định về việc tra tấn anh ta mang lại các thông tin tình báo quý giá.
Vụ việc của Abu Zubaydah cũng dẫn đến vụ truy tố duy nhất cho tới nay ở Hoa Kỳ liên quan đến chương trình tra tấn CIA – mặc dù bị can không phải là những người tra tấn anh ta mà là người đầu tiên tiết lộ vụ việc này cho công chúng.
Truy tố chọn lọc
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News năm 2007, cựu sĩ quan CIA John Kiriakou mô tả việc nhấn nước Abu Zubaydah và sau đó bị cho là đã cung cấp cho nhà báo tên của một điệp viên bí mật trong Trung Tâm Chống Khủng Bố trực thuộc CIA, người đã tham gia vào chiến dịch bắt giữ và thẩm vấn Abu Zubaydah. Vì sự vi phạm này, Kiriakou bị kết án theo Luật Do Thám 1917 và chấp nhận thỏa thuận nhận tội để lĩnh án 2 năm tù.
Vụ xét xử Kiriakou hồi đó bị một số bộ phận của cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ví dụ, Hội đồng Nghị Viện của Tổ Chức Anh Ninh và Hợp Tác Châu Âu trong một nghị quyết năm 2012 “đã lên án nhà cầm quyền Hoa Kỳ về việc truy tố cựu điệp viên CIA John Kiriakou, người bị cáo buộc cung cấp cho nhà báo các chi tiết liên quan đến việc bắt giữ Abu Zubaydah, một nghi phạm al-Qaeda được cho là bị tra tấn tại nhà tù bí mật của CIA ở Ba Lan và là một trong hai “nạn nhân được bảo vệ” của công tố ở Warsaw.”
Cựu nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ Jim Moran (đảng dân chủ bang Virginia) phát biểu tại hạ viện vào ngày 17 tháng 11 năm 2012 rằng việc chính quyền kết án Kiriakou là một sự “truy tố chọn lọc”. Ông yêu cầu tổng thống Obama tha bổng Kiriakou và gọi cựu sĩ quan có 15 năm hoạt động của CIA là “người hùng Hoa Kỳ”.
Kiriakou đã ra khỏi tù sau khi mãn hạn nhưng các nạn nhân bị tra tấn của CIA vẫn tiếp tục bị giam giữ không biết đến ngày ra ở Gitmo. Ba Lan không chỉ phải đối mặt với thiệt hại chính trị vì chính sách này mà còn với những khó khăn thực tế trong việc thực hiện quyết định của ECHR liên quan đến việc bồi thường cho những người đã bị giam giữ - một người Palestine và một người Ả rập Xê út.
Mặc dù vậy, “Ba Lan đang thi hành các quyết định của ECHR,” người phát ngôn bộ ngoại giao Marcin Wojciechowski nói, “Trường hợp thứ nhất, tiền được trả vào tài khoản do luật sư của anh ta chỉ định, trong trường hợp còn lại, do bị trừng phạt quốc tế, chúng tôi yêu cầu thiết lập một khoản ký quỹ pháp lý,” ông nói thêm.
Theo quy định của ECHR, Ba Lan cũng phải yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ án tử hình đối với hai người đàn ông cho phù hợp với việc bãi bỏ án tử hình trên toàn EU, Wojciechowski nói với AFP.
Sự chối cãi hợp lý bề ngoài
Nhiều người Ba Lan phiền lòng khi thấy đất nước họ đối mặt với những hậu quả pháp lý của nhà tù bí mật và chương trình giam giữ mà CIA thực hiện dưới thời George W. Bush ở một số quốc gia trên thế giới sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Ở Ba Lan, ý tưởng rằng một quốc gia cựu cộng sản lại dung túng cho nhà tù bí mật của CIA trong đó việc tra tấn được thực hiện nhiều năm đã bị nhiều chính khách, nhà báo và công chúng của quốc gia này cười nhạo, coi như một thuyết âm mưu điên rồ. Các quan chức Ba Lan đã thường xuyên phủ nhận sự tồn tại của các nhà tù đó.
Nhưng một chuỗi các tiết lộ và tuyên bố chính trị của lãnh đạo Ba Lan lần đầu tiên đã thừa nhận rằng Hoa Kỳ thực sự quản lý một sơ sở thẩm vấn bí mật đối với các nghi phạm khủng bố vào năm 2002 và 2003 ở khu vực hẻo lánh của đất nước. Vào tháng 9 năm 2014, cựu tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski chính thức thừa nhận sự tồn tại của nhà tù bí mật CIA ở một căn cứ không quân, tại đó các nghi phạm khủng bố được thẩm vấn, nhưng ông ta khẳng định rằng Warsaw không biết về sự tra tấn ở nhà tù này.
Giờ đây sự phủ nhận việc chính quyền biết về vụ tra tấn có vẻ chỉ là nhắm mắt làm ngơ hoặc là sự chối cãi hợp lý bề ngoài để đổi lấy hàng triệu dollar tiền mặt. Báo cáo tra tấn của thượng viện cho biết, trái ngược với những đe dọa ban đầu về việc chấm dứt chuyển giao nghi phạm khủng bố đến nhà tù bí mật 11 năm trước đây, chính quyền Ba Lan đã trở nên “linh hoạt” hơn sau khi CIA chi ra một khoản tiền lớn. Theo như báo cáo, CIA đã trả cho quan chức Ba Lan khoảng 50 triệu dollar để họ nhìn đi chỗ khác.
Nhưng theo Radoslaw Sikorski, cựu ngoại trưởng Ba Lan và giờ là chủ tịch hạ viện, nhà tù được thiết lập dựa trên tình hữu nghị với Hoa Kỳ. Giờ đây, ông ta thừa nhận rằng mặc dù vậy quan hệ bí mật ấy đã gây ra thiệt hại cho Ba Lan.
“Chúng tôi bị chê cười bởi chuyện này, nhưng ngay cả như vậy chúng tôi cũng không lấy làm tiếc vì đã có quan hệ an ninh và tình báo cực kỳ gần gũi với Hoa Kỳ,” ông nói. “Tuy nhiên, chúng tôi có thể phải trả tiền bồi thường ngay cả khi nhân viên của chúng tôi không làm gì sai. Anh có thể tưởng tượng người dân Ba Lan cảm thấy chuyện này thế nào.”
“Chuyện này làm chúng tôi mang tiếng xấu,” người sáng lập ra tổ chức cố vấn chính phủ Hiệp Hội Châu Âu-Đại Tây Dương ở Warsaw, Tadeusz Chabiera nói. “Chúng tôi là một quốc gia nhỏ bị một quốc gia lớn đối xử tồi tệ.”
Sự hối tiếc và cảm giác bị lừa dối được thể hiện ở Ba Lan theo một khuôn mẫu đã có từ lâu, ít nhất là một thập kỷ trước đây. Dấu hiệu về sự cay đắng nổi lên lần đầu tiên vào năm 2004 khi Hoa Kỳ xâm lược Iraq và Ba Lan đóng góp 2.400 quân.
Vào đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Iraq, David Ost tường thuật trên tạp chí The Nation vào ngày 16 tháng 12 năm 2004, “George W. Bush đã làm được điều mà 45 năm chế độ cộng sản không thể làm: hủy hoại hình ảnh về bản chất tốt đẹp của người Mỹ, thứ vốn đã luôn là con bài chủ chốt của Hoa Kỳ.”
Hình ảnh bị hủy hoại của Hoa Kỳ
Ở Ba Lan, cũng giống như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, hầu hết hình ảnh tích cực đã được khôi phục sau khi Barack Obama thắng cử năm 2008 với lời hứa về sự thay đổi mà ông ta có vẻ như đại diện. Nhưng theo như Trung Tâm Nghiên Cứu Pew đưa tin vào năm 2013, “tình cảm thân Mỹ đang đi xuống.”
“Sự suy giảm không thể so sánh với sự sụp đổ của danh tiếng Hoa Kỳ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này,” Pew tuyên bố, cho biết rằng vào thời điểm của nghiên cứu toàn cầu năm 2013, hơn 6/10 ở Ba Lan, Pháp, Italy và Tây Ban Nha có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ. “Nhưng 'sự trỗi dậy Obama' về danh tiếng trên toàn cầu mà Hoa Kỳ trải qua vào năm 2009 rõ ràng là chuyện quá khứ.”
Vẫn cần phải chờ xem những sự tiến triển mới đây về việc tra tấn của CIA có đóng vai trò đáng kể nào trong việc tiếp tục hủy hoại hình ảnh của Hoa Kỳ hay không, nhưng sự phi lý của việc một quốc gia nhỏ như Ba Lan phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề về chính sách phi pháp của Hoa Kỳ trong khi không ai ở Hoa Kỳ động đậy gì sẽ không bị bỏ qua bởi các đồng minh khác của Hoa Kỳ.
Tại một số quốc gia hợp tác với chương trình giam giữ của Hoa Kỳ, bánh xe công lý vẫn đang quay, mặc dù chậm dãi.
Một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành ở Lithuania, tại đó các công tố viên tập trung vào các hoạt động bất hợp pháp xuyên biên giới liên quan đến tù nhân Mustafa al-Hawsawi của CIA, người này có thể đã bị tra tấn tại nhà tù bí mật có mật danh là Violet của Lithuania.
Cùng lúc đó, những lời kêu gọi nhà cầm quyền thực hiện điều tra toàn diện về sự tồn tại của nhà tù bí mật của CIA ở Romania ngày càng vang dội. Cựu tổng thống Romania Ion Iliescu cho biết vào tháng trước rằng ông đã chấp thuận yêu cầu thiết lập ít nhất một nhà tù bí mật của CIA, tại đó các tù nhận bị tra tấn. Iliescu nói rằng ông rất tiếc về quyết định đó.
Còn những lời kêu gọi tiếp tục đòi hỏi Hoa Kỳ tiến hành các cuộc điều tra đáng tin cậy về vai trò của họ và bồi thường cho nạn nhân của chương trình giam giữ và tra tấn.
Trùng hợp thay, bản án của ECHR đối với Ba Lan được đưa ra cùng tuần với việc Liên Hiệp Quốc thúc giục Hoa Kỳ bồi thường tài chính cho các nạn nhân của chương trình tra tấn và truy tố thủ phạm của các vụ tra tấn này.
Theo một báo cáo của nhóm hành động của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về Kiểm Định Phổ Quát Định Kỳ, xuất bản ngày 15 tháng 5, Hoa Kỳ phải “đảm bảo rằng tất cả các nạn nhân bị tra tấn và ngược đãi - bất kể là đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ hay không – nhận được bồi thường và có quyền khả thi về bồi thường công bằng và hợp lý cũng như phục hồi hoàn toàn, bao gồm trợ giúp về y tế và tâm lý học.”
Hơn nữa, Hoa Kỳ phải “đảm bảo điều tra minh bạch và xác đáng cũng như xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về các cáo buộc tra tấn, ngược đãi, bao gồm những người bị nêu tên trong kết luận công khai của thượng viện về hoạt động của CIA được xuất bản vào năm 2014 và bồi thường cho các nạn nhân.” Với thời hạn vào tháng 12 để phản hồi các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Obama sẽ phải chứng tỏ cho thế giới thấy bằng cách quyết định xem khuyến nghị nào sẽ được chấp nhận và khuyến nghị nào sẽ bị từ chối.
Khi đề cập tới việc truy tố tra tấn và bồi thường, có thể nói rằng cả thế giới sẽ theo dõi.
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.