Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Những lòng tốt thầm lặng khiến cuộc sống đáng sống hơn

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên VN

Người làm gò hàn, người sửa xe sống ven vỉa hè, người nhiều năm qua chăm sóc chồng bị tai biến…, cuộc sống cũng nhiều cơ cực. Nhưng lòng tốt thầm lặng mà họ dành cho những người nghèo, người bệnh, cho trẻ nhỏ học sinh đang khiến những cuộc sống ấy trở nên rộng lớn hơn rất nhiều.

Những câu chuyện không mới, nhưng đôi khi điểm lại dường như có thể khiến cuộc sống quanh mỗi người trở nên tươi sáng hơn.

Ông Tâm sửa xe không lấy tiền

Cuối năm 2013, trên mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh một tấm bảng viết phấn trắng được viết giản dị: “Các cháu học cấp 1, cấp 2 đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa, ông không lấy tiền. Ông chưa sửa kịp, ông đưa đến trường” – ký tên: ông Tâm.

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1949, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội). Ông kể, tấm biển được treo trước cửa nhà 6 năm rồi (tính đến năm 2013). Theo báo Dân Trí, nơi ông sống người lớn không mấy quan tâm tới Internet nên khi biết chuyện giúp đỡ trẻ nhỏ của mình được đưa lên mạng, rồi nhiều người biết đến, ông tỏ ra ngạc nhiên.

Ông nói, một lần đang gò hàn cho khách thì bắt gặp một cháu trong xóm mếu máo dắt xe xịt lốp đi qua. Thấy tội, ông kêu lại sửa hộ, cháu trả tiền nhưng ông không nhận. Về nhà, trong lòng ông thấy vui nên từ đó, thấy cháu nào hỏng xe ông lại giúp.

Rồi nhiều lần thấy các cháu học sinh dắt chiếc xe bị xịt lốp đi qua, ông gọi lại để sửa giúp thì nhiều cháu nói: “Ông ơi, cháu không có tiền”. Biết các cháu không dám, ông nghĩ đến chuyện ghi bảng sửa không lấy tiền để các cháu an tâm hơn.

Vợ ông kể, tấm bảng sửa xe miễn phí trước của ông sơ sài và cũ nên đi xa khó thấy chữ. Tấm bảng gần đây là do ông xin được ít sơn đen, sơn lên để các cháu nhìn rõ hơn.

Bộ đồ nghề của ông giá chỉ 200.000 đồng, cái thì tự mua, cái thì hàng xóm thêm pha. Cuối năm 2013, ông sắm thêm chiếc bơm mới để khi ông đi vắng, bà có thể bơm giúp các cháu. Ông cũng dạy bà cách bơm xe, lắp xích để mỗi khi ông đi vắng, ông có thể yên tâm vì có bà ở nhà rồi.

Có một đợt, thấy báo đài về hỏi thăm, phỏng vấn nhiều quá, ông ngại nên cất bảng đi. Sau mọi người thắc mắc, nói ông treo lại cho các cháu học sinh còn biết, các cháu được sửa xe sẽ không đi học trễ giờ, ông mới đem ra treo lại.

“Mình chả giàu hơn vì mấy đồng…”

Đây là lời tâm sự của người đàn ông suốt hơn 10 năm qua cần cụi vá xe miễn phí cho học sinh, sinh viên và dân nghèo. Ngã tư đường Hà Huy Tập – Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) từ lâu đã trở thành điểm bơm vá xe quen thuộc với hàng nghìn học sinh và người khuyết tật.

Nói về tấm biển ghi số điện thoại cùng dòng chữ “Bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật”, anh Trần Viết Hùng (trú tổ 52, phường Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) nói: “Mình cũng cực khổ nhiều rồi. … Thấy nhiều hoàn cảnh cũng tội. Nhiều em ra học xe hư dắt bộ ngang qua chỗ mình mà không dám vô. Kêu lại để làm dùm mà các em ngại”.

Anh nói trước giờ bơm vá xe cho các em đã không lấy tiền rồi, nhưng còn nhiều em không biết, nên ngại. Cho nên, anh mới để tấm bảng miễn phí lên cho các em an tâm. “Còn người tàn tật, mình không giúp họ thì thôi, lấy tiền họ làm gì. Mình chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi”, anh Hùng nói.

Hơn 10 năm tất bật với cà lê, mỏ lết mưu sinh, anh Hùng có nước da đen sạm vì nắng gió. Công việc vất vả, thu nhập thất thường nhưng chẳng bao giờ anh nghĩ đến chuyện dỡ bỏ tấm biển sửa xe miễn phí cho học sinh, người khuyết tật.

Mình chả giàu hơn vì mấy đồng tiền từ người tàn tật hay những em học sinh được bố mẹ cho vài đồng uống nước. Mình giúp đỡ người khác cũng là một cách tích đức và sống vui với đời”, anh nói đơn giản trên báo VnExpress.

Không chỉ học sinh, người khuyết tật, mà những người bán vé số ghé vào sửa, anh Hùng cũng lắc đầu không lấy tiền. Anh nói đã phải bán vé số thì giàu có gì.

Nhưng nhiều người biết, ngoài tấm lòng đôn hậu thì anh cũng cực như ai. Toàn bộ thu nhập gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con trông chờ cả vào gánh bún buổi sáng của vợ anh và tiệm sửa xe miễn phí nhiều hơn lấy tiền của anh.

Nói chuyện với PV VOA, anh Hùng cũng cho hay gia đình cũng khổ nên bản thân đã làm nhiều nghề từ xích lô, xe bò, bốc vác, xe thồ, đến cuối cùng chọn nghề này. Anh nói: “Mình làm dựa vô vỉa hè của người ta, họ cho mình làm buổi chiều thôi. Hàng ngày ra làm 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng, khi nào đường hết người mới về”.

Ba đứa con của anh, đứa đầu 18 tuổi (tính đến năm 2014), cách đây ba năm bị bệnh phổi, yếu quá, nên giờ ở nhà không đi học nữa. Hai đứa nhỏ còn đi học. Đứa nhỏ nhất học lớp 6.

Hơn 10 năm giúp mọi người, anh nhớ mang máng mỗi tháng có khoảng hơn 500 lượt học sinh ghé quán để bơm, vá xe miễn phí. “Mình quý con người ta, giúp đỡ họ thì sau này con mình ra đường cũng có người thương, giúp đỡ lại. Chỉ đơn giản là vậy thôi. Có thêm vài đồng nữa cũng tốt, nhưng hàng chục năm nay không có mình vẫn xoay sở được. Cực một chút nhưng vui”, anh Hùng nói.

Biết anh làm việc thiện, nhiều người xung quanh phụ anh bơm xe cho học sinh, người tàn tật khi quán đông khách. Bác lái xe ôm cạnh anh Hùng nói với PV VnExpress: “Nhà Hùng cũng cực, nhưng được cái tốt bụng nên dù sống bám ở vỉa hè cũng không mất lòng ai. Với người nghèo như chúng tôi, chia sẻ công việc với nhau cũng là niềm vui”.

Còn anh Hùng cho hay, lần đầu tiên mình được lên báo, các em gửi tin nhắn tới chúc mừng.

Tấm lòng đôn hậu của người phụ nữ phát nước miễn phí ở Bệnh viện K

Mùa hè năm nay, những ngột ngạt quanh bệnh viện U bướu Trung ương (viện K) – nơi đón và đưa những bệnh nhân ung thư, trở nên đỡ hơn với lời mời chào đon đả của một người phụ nữ tóc hoa râm: “Nước mát lắm, có tính giải nhiệt, lại dễ uống. Ngày tôi ở đây 2 buổi, các cô cứ xuống”.

Báo Thanh Niên cho hay, giữa hè, từ tháng 6, cứ mỗi tuần 2 lần, bà Đinh Thị Thụng (SN 1949, ngụ tại phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nấu nước vối mang đến cổng bệnh viện K phát miễn phí cho bệnh nhân và người nghèo. Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, bà tăng lên 3 chuyến để đủ nước cho mọi người uống.

Mỗi lần đi bà đều đi phát hai lượt, buổi sáng tầm từ 9 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 3 giờ đến 4 giờ và mang theo từ 50 – 60 lít nước, trước khi đi cũng tất bật đặt trước 3 ấm nước để chiều có nước nguội mang đi ngay.

Tôi thấy vui, hạnh phúc vì được giúp đỡ người khác, mặc dù gia đình tôi chẳng khá giả gì”, người phụ nữ đôn hậu nói.

Bà kể, trước kia bà làm nghề bán hàng rong, lang thang trên phố cả ngày, nhiều khi cổ họng khô rát vì khát nước nhưng không dám mua chai nước uống. Rồi những lần đi qua Bệnh viện K, thấy người dân vào khám bệnh rất khát nước, nhưng nhiều người vì khó khăn nên không dám bỏ tiền ra mua nước uống. Hiểu được hoàn cảnh ấy, bà quyết định sẽ mang nước miễn phí đến cho mọi người.

Bản thân mình cũng đã từng trải qua khó khăn, nhìn thấy họ nằm viện ốm đau nên thương, nếu có 50.000 đồng thì chỉ giúp được một người nhưng nếu đem số tiền ấy ra mua lá vối về nấu nước thì giúp đỡ được cả trăm người, nhất là trời nắng nóng như bây giờ có cốc nước mát cũng đỡ được phần nào”, bà Thụng chia sẻ suy nghĩ với PV báo Lao Động.

Xe nước miễn phí có đủ nước vối nóng, nước vối lạnh, thêm nước đun sôi để nguội mọi người có thể mang về phòng bệnh. Hỏi thì bà nói: “Nước vối mùa hè uống mát lại thanh nhiệt cơ thể, tôi mang cả nước vối nóng lẫn lạnh, ai dùng nước nào thì rót cho người ta loại đó, mỗi chuyến tôi vẫn chở thêm một bình nước sôi để nguội cho ai uống thuốc thì rót mang về phòng bệnh”, theo báo Lao Động.

Bà nói, ban đầu cũng nhiều người e ngại, sau bà mời rồi nói chuyện thì mọi người tin tưởng và cảm động hơn. Có hôm bận việc, bà ra muộn, nhiều người ngóng trông, lại nghĩ bà ốm. Cái tên “bà Thụng nước vối” thân thiện vì thế mà ra đời.

Nhưng ít ai biết sau xe nước miễn phí với những lời mời đôn hậu là câu chuyện dài với nhiều biến cố của bà Thụng.

Năm 2009, đôi mắt của bà bỗng dưng mờ mờ rồi tối hẳn. Gia đình phải đưa bà đi mổ mắt. Nhưng bệnh chưa qua thì đến năm 2010, bà tiếp tục phải trải qua hai lần mổ mật. Sức khỏe yếu đi vì 4 ca mổ trong 3 năm. Cũng trong năm 2010, ông Chua – chồng bà bị tai biến, liệt nửa người.

Bà Thụng chăm chồng bị liệt sau mỗi buổi mang nước cho mọi người từ viện K trở về

Đều đặn như vậy trong 6 qua, bà tự chăm sóc cho mình và chăm sóc cho chồng. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào người con trai làm nghề bán hàng rong.

Mình làm việc tự cảm thấy khoan khoái, trong người khỏe ra nên cứ làm thôi, có thêm cậu con trai tôi động viên là tốt rồi, chỉ cầu trời cho sức khỏe mà nấu được nồi nước mang phát cho mọi người”, bà nói về công việc thiện của mình.

Bữa cơm tối của tôi, bây giờ không bao giờ trước 21 giờ và không đi ngủ trước 23 giờ, nhưng tôi quen rồi”, bà Thụng cười. “Khi nào sức khỏe còn tôi vẫn còn làm từ thiện, chứ không thể hứa trước làm được lâu dài. Được giúp đỡ người khác khiến lòng tôi vui rồi”, bà vui vẻ nói.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.