Tác giả: Lierre Keith
Nguồn: The Vegetarian Myth
Chương 1: Tại sao có cuốn sách này?
Đây không phải là một cuốn sách dễ viết với tôi. Với nhiều người trong các bạn, nó sẽ không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tôi biết. Tôi là một người ăn chay trong gần 20 năm. Tôi biết những lý do đã buộc tôi đi theo một chế độ ăn khắc nghiệt, và đó là những lý do đáng trân trọng, thậm chí là cao quý. Những lý do như là công lý, lòng từ bi, một nỗi khao khát đến tuyệt vọng làm sao để thế giới này trở nên tốt hơn. Để cứu lấy hành tinh này – những cái cây cuối cùng đã chứng kiến hàng bao thế hệ, những mẩu đất hoang sơ cuối cùng vẫn đang nuôi dưỡng những loài thú sắp tuyệt chủng, lặng im đợi số phận của chúng trong bộ lông hay bộ cánh của mình. Để bảo vệ những kẻ yếu ớt, những kẻ không có tiếng nói. Để nuôi dưỡng những người đang chịu cảnh đói ăn. Hay ít nhất là không tham gia vào cái điều kinh khủng gọi là nền chăn nuôi công nghiệp.
Những cảm xúc khát khao này sinh ra từ một nỗi niềm đau đáu sâu sắc đến nỗi nó gần như chạm đến thế giới tâm linh. Ít nhất chúng là như vậy đối với tôi, và đến giờ chúng vẫn thế. Tôi muốn cuộc đời của tôi là một cuộc chiến đấu, là tiếng thét xung trận, là một mũi tên sắc nhọn bay vào trái tim của sự thống trị: chế độ phụ hệ, chủ nghĩa đế quốc, sự công nghiệp hóa, và mọi hệ thống quyền lực bạo tàn khác. Nếu những hình ảnh bạo lực này khiến bạn thấy không thoải mái, tôi có thể diễn đạt lại. Tôi muốn cuộc đời của tôi – cơ thể của tôi – là một nơi mà trái đất được ấp ủ, chứ không phải bị nhai nuốt, nơi mà sự bạo tàn không có chỗ đứng, nơi mà bạo lực dừng bước. Và tôi muốn việc ăn uống – hành động cơ bản nuôi dưỡng tôi – là một hành động nuôi dưỡng vạn vật chứ không phải là hành động giết chóc.
Cuốn sách này được viết để phát triển tiếp những nỗi khát khao ấy, nỗi niềm đau đáu ấy. Nó không phải được viết để chế nhạo khái niệm quyền động vật hay chế giễu những người muốn có một thế giới hiền hòa hơn. Thay vào đó, cuốn sách này là một nỗ lực để tôn vinh những niềm khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta cho một thế giới công bình. Và những khát vọng ấy – cho lòng từ bi, cho sự lâu bền, cho sự phân phối công bằng các tài nguyên – không được đáp ứng bởi triết lý hay sự thực hành chế độ ăn chay. Chúng ta đã bị dẫn đi lầm đường. Những người tiên phong trong phong trào ăn chay có những ý định tốt. Tôi tuyên bố ngay ở đây điều mà tôi sẽ còn lặp lại nữa: rằng mọi điều họ nói về chế độ chăn nuôi công nghiệp là đúng. Đó là một hệ thống độc ác, lãng phí và hủy hoại. Không một dòng nào trong cuốn sách này biện hộ hay quảng bá cho hệ thống sản xuất thực phẩm công nghiệp ở bất cứ mức độ nào.
Tuy nhiên, sai lầm đầu tiên là cho rằng chế độ chăn nuôi công nghiệp – một cách làm mới được thực hành 50 năm – là cách duy nhất để nuôi gia súc, gia cầm. Những tính toán của họ về mức năng lượng sử dụng, lượng calo tiêu thụ, con số những người bị đói ăn vì thực phẩm của họ bị đem nuôi gia súc, đều dựa trên quan điểm rằng gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc.
Bạn có thể cho gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc, nhưng đấy không phải là chế độ ăn thích hợp với chúng. Ngũ cốc chỉ xuất hiện khi con người thuần hóa một số loài họ cỏ, sớm nhất là 12.000 năm trước, trong khi auroch, tổ tiên hoang dã của loài bò được thuần hóa hiện nay, đã có mặt hai triệu năm trước đó. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, những loài ăn cỏ không cạnh tranh với con người. Chúng ăn cái chúng ta không ăn được – cellulose – và biến nó thành cái chúng ta ăn được – protein và chất béo. Ngũ cốc sẽ làm tăng mạnh tốc độ tăng trưởng của bò lấy thịt và sản lượng sữa của bò sữa. Ngũ cốc cũng sẽ giết chúng. Sự cân bằng vi khuẩn tinh tế trong dạ cỏ của bò sẽ chuyển thành acid và tự hoại. Gà sẽ mắc bệnh gan nhiễm mỡ nếu cho ăn toàn ngũ cốc, và chúng có thể sống mà không cần chút ngũ cốc nào. Cừu và dê, cũng là những động vật nhai lại, không bao giờ nên động vào ngũ cốc.