Tác giả: Lierre Keith
Nguồn: The Vegetarian Myth
Chương 1: Tại sao có cuốn sách này?
Đây không phải là một cuốn sách dễ viết với tôi. Với nhiều người trong các bạn, nó sẽ không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tôi biết. Tôi là một người ăn chay trong gần 20 năm. Tôi biết những lý do đã buộc tôi đi theo một chế độ ăn khắc nghiệt, và đó là những lý do đáng trân trọng, thậm chí là cao quý. Những lý do như là công lý, lòng từ bi, một nỗi khao khát đến tuyệt vọng làm sao để thế giới này trở nên tốt hơn. Để cứu lấy hành tinh này – những cái cây cuối cùng đã chứng kiến hàng bao thế hệ, những mẩu đất hoang sơ cuối cùng vẫn đang nuôi dưỡng những loài thú sắp tuyệt chủng, lặng im đợi số phận của chúng trong bộ lông hay bộ cánh của mình. Để bảo vệ những kẻ yếu ớt, những kẻ không có tiếng nói. Để nuôi dưỡng những người đang chịu cảnh đói ăn. Hay ít nhất là không tham gia vào cái điều kinh khủng gọi là nền chăn nuôi công nghiệp.
Những cảm xúc khát khao này sinh ra từ một nỗi niềm đau đáu sâu sắc đến nỗi nó gần như chạm đến thế giới tâm linh. Ít nhất chúng là như vậy đối với tôi, và đến giờ chúng vẫn thế. Tôi muốn cuộc đời của tôi là một cuộc chiến đấu, là tiếng thét xung trận, là một mũi tên sắc nhọn bay vào trái tim của sự thống trị: chế độ phụ hệ, chủ nghĩa đế quốc, sự công nghiệp hóa, và mọi hệ thống quyền lực bạo tàn khác. Nếu những hình ảnh bạo lực này khiến bạn thấy không thoải mái, tôi có thể diễn đạt lại. Tôi muốn cuộc đời của tôi – cơ thể của tôi – là một nơi mà trái đất được ấp ủ, chứ không phải bị nhai nuốt, nơi mà sự bạo tàn không có chỗ đứng, nơi mà bạo lực dừng bước. Và tôi muốn việc ăn uống – hành động cơ bản nuôi dưỡng tôi – là một hành động nuôi dưỡng vạn vật chứ không phải là hành động giết chóc.
Cuốn sách này được viết để phát triển tiếp những nỗi khát khao ấy, nỗi niềm đau đáu ấy. Nó không phải được viết để chế nhạo khái niệm quyền động vật hay chế giễu những người muốn có một thế giới hiền hòa hơn. Thay vào đó, cuốn sách này là một nỗ lực để tôn vinh những niềm khát khao sâu thẳm nhất của chúng ta cho một thế giới công bình. Và những khát vọng ấy – cho lòng từ bi, cho sự lâu bền, cho sự phân phối công bằng các tài nguyên – không được đáp ứng bởi triết lý hay sự thực hành chế độ ăn chay. Chúng ta đã bị dẫn đi lầm đường. Những người tiên phong trong phong trào ăn chay có những ý định tốt. Tôi tuyên bố ngay ở đây điều mà tôi sẽ còn lặp lại nữa: rằng mọi điều họ nói về chế độ chăn nuôi công nghiệp là đúng. Đó là một hệ thống độc ác, lãng phí và hủy hoại. Không một dòng nào trong cuốn sách này biện hộ hay quảng bá cho hệ thống sản xuất thực phẩm công nghiệp ở bất cứ mức độ nào.
Tuy nhiên, sai lầm đầu tiên là cho rằng chế độ chăn nuôi công nghiệp – một cách làm mới được thực hành 50 năm – là cách duy nhất để nuôi gia súc, gia cầm. Những tính toán của họ về mức năng lượng sử dụng, lượng calo tiêu thụ, con số những người bị đói ăn vì thực phẩm của họ bị đem nuôi gia súc, đều dựa trên quan điểm rằng gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc.
Bạn có thể cho gia súc, gia cầm ăn ngũ cốc, nhưng đấy không phải là chế độ ăn thích hợp với chúng. Ngũ cốc chỉ xuất hiện khi con người thuần hóa một số loài họ cỏ, sớm nhất là 12.000 năm trước, trong khi auroch, tổ tiên hoang dã của loài bò được thuần hóa hiện nay, đã có mặt hai triệu năm trước đó. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, những loài ăn cỏ không cạnh tranh với con người. Chúng ăn cái chúng ta không ăn được – cellulose – và biến nó thành cái chúng ta ăn được – protein và chất béo. Ngũ cốc sẽ làm tăng mạnh tốc độ tăng trưởng của bò lấy thịt và sản lượng sữa của bò sữa. Ngũ cốc cũng sẽ giết chúng. Sự cân bằng vi khuẩn tinh tế trong dạ cỏ của bò sẽ chuyển thành acid và tự hoại. Gà sẽ mắc bệnh gan nhiễm mỡ nếu cho ăn toàn ngũ cốc, và chúng có thể sống mà không cần chút ngũ cốc nào. Cừu và dê, cũng là những động vật nhai lại, không bao giờ nên động vào ngũ cốc.
Sự hiểu lầm này sinh ra do thiếu hiểu biết, một sự thiếu hiểu biết chạy xuyên suốt huyền thoại ăn chay, xuyên qua bản chất của nông nghiệp và kết thúc ở bản chất của sự sống. Chúng ta sống trong môi trường công nghiệp đô thị, và chúng ta không biết nguồn gốc thực phẩm chúng ta ăn. Đây bao gồm cả những người ăn chay, mặc dù họ tự coi chân lý nằm ở phía họ. Nó bao gồm cả tôi nữa, trong suốt hai mươi năm. Những người ăn thịt đã nhắm mắt trước sự thật, chỉ có tôi đối diện với nó. Chắc chắn là hầu hết những người ăn thịt sản xuất từ chế độ chăn nuôi công nghiệp chưa bao giờ tự hỏi cái gì đã chết và nó chết như thế nào. Nhưng thẳng thắn mà nói, hầu hết những người ăn chay cũng vậy.
Sự thật là nông nghiệp là thứ tàn hại nhất mà con người đã làm với hành tinh này, và tiếp tục làm điều đó sẽ không cứu được chúng ta. Sự thật là nông nghiệp đòi hỏi sự tận diệt của cả hệ sinh thái. Sự thật nữa là sự sống không thể có được nếu không có cái chết, rằng dù bạn ăn gì đi nữa, một sinh linh nào đó đã phải chết để nuôi sống bạn.
Tôi muốn một sự liệt kê đầy đủ, liệt kê không chỉ những gì nằm chết trên đĩa thức ăn của bạn. Tôi muốn hỏi về tất cả những gì đã chết trong suốt cả quá trình, tất cả những gì đã bị giết để có được bữa ăn đó trên đĩa của bạn. Đó là câu hỏi triệt để hơn, và đó là câu hỏi duy nhất sẽ dẫn đến sự thật. Bao nhiêu dòng sông đã bị ngăn dòng và tháo cạn nước, bao nhiêu thảo nguyên bị cày xới lên và bao nhiêu cánh rừng bị đốn trụi, bao nhiêu lớp đất màu bị biến thành bụi và thổi vào hư không? Tôi muốn biết về tất cả các loài – không phải chỉ các cá thể, mà cả loài – cá hồi, bò rừng, chim sẻ, sói xám. Và cái tôi muốn không chỉ là con số những gì đã chết và biến đi. Tôi muốn chúng trở lại.
Trái với những gì bạn đã được nghe, mặc cho người nói có tha thiết đến đâu, ăn đậu nành sẽ không mang chúng trở lại. Chín mươi tám phần trăm các đồng cỏ của Mỹ đã biến mất, chuyển thành đất trồng ngũ cốc độc canh. Việc cày bừa ở Canada đã phá hủy 99% lớp đất màu gốc. Trên thực tế, sự biến đi của đất màu là một mối đe dọa môi trường “sánh ngang với sự nóng lên toàn cầu.” Khi những khu rừng nhiệt đới biến thành thịt bò, những người cấp tiến trong chúng ta nhận thức được và sẵn sàng hành động. Nhưng khi thủ phạm là lúa mì và nạn nhân là những thảo nguyên, sự gắn bó với huyền thoại ăn chay khiến chúng ta im lặng, cảm thấy khó nói và cuối cùng là không làm gì. Chúng ta chấp nhận như một đức tin rằng ăn chay là con đường dẫn đến sự cứu rỗi, cho chúng ta, cho hành tinh này. Làm sao nó có thể là thủ phạm được?
Chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với câu trả lời. Những gì đang hiện ra lờ mờ trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết và chối bỏ sự thật của chúng ta là một bản cáo trạng đối với chính nền văn minh này. Điểm khởi đầu có thể là những gì chúng ta ăn, nhưng điểm kết là toàn bộ lối sống, sự xếp đặt quyền lực và một gắn bó cá nhân không nhỏ. Tôi nhớ cái ngày tôi học lớp bốn khi cô Fox viết hai chữ lên bảng đen: văn minh và nông nghiệp. Tôi nhớ bởi sự trang trọng trong giọng nói của cô và lời giải thích gần như một bài hùng biện. Cái này là Quan Trọng. Và tôi hiểu. Mọi điều tốt đẹp trong văn hóa nhân loại đều bắt nguồn từ đó: mọi sự thoải mái, ân sủng, công lý. Tôn giáo, khoa học, y học, nghệ thuật được sinh ra và cuộc đấu tranh bất tận chống lại nạn đói, bệnh tật, bạo lực có thể kết thúc trong thắng lợi, tất cả vì con người đã tìm ra cách trồng thức ăn của riêng mình.
Sự thật là nông nghiệp đã dẫn đến sự đi xuống của quyền con người và văn hóa: chế độ nô lệ, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quân phiệt, sự phân chia tầng lớp trong xã hội, nạn đói kinh niên và bệnh tật. “Vấn đề thực sự ở đây không phải là việc giải thích tại sao một số người lại chậm chạp trong việc áp dụng nông nghiệp mà là giải thích tại sao lại có bất cứ người nào muốn áp dụng nó, trong khi nó tồi tệ một cách quá rõ ràng,” Colin Tudge ở trường cao đẳng Kinh Tế London viết. Nông nghiệp còn là một thảm họa đối với những sinh vật khác mà chúng ta cùng chia sẻ trái đất với, và sau cùng nó là một thảm họa đối với chính sự sống trên hành tinh này. Tất cả mọi thứ đều bị đe dọa. Nếu chúng ta muốn có một thế giới bền vững, chúng ta phải sẵn sàng xem xét lại những mối quan hệ quyền lực đằng sau huyền thoại căn bản nhất của nền văn hóa chúng ta. Bất cứ điều gì ít hơn thế cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Đặt câu hỏi ở mức độ đó quả là khó khăn với hầu hết mọi người. Trong trường hợp này, những khó khăn về tình cảm vốn có trong việc chống lại bất cứ thế lực hùng mạnh nào còn bị làm phức tạp hơn bởi sự lệ thuộc của chúng ta vào nền văn minh và sự bất lực của mỗi cá nhân trong việc chống lại nó. Hầu hết chúng ta không có chút cơ hội sống sót nào nếu cơ sở hạ tầng công nghiệp sụp đổ vào ngày mai. Và nhận thức của chúng ta càng phát triển bao nhiêu thì ý thức về sự bất lực của chúng ta cũng sâu sắc bấy nhiêu. Không có một danh sách Mười Điều Đơn Giản Cần Làm ở chương cuối của cuốn sách này bởi vì, thẳng thắn mà nói, không có mười điều đơn giản nào có thể cứu trái đất này. Không có giải pháp cá nhân. Chỉ có một mạng lưới đan xen của những hệ thống phân cấp thứ bậc và những hệ thống quyền lực khổng lồ mà chúng ta cần đối mặt với và phá bỏ. Chúng ta có thể bất đồng quan điểm về việc thực hiện điều đó thế nào, nhưng chúng ta phải làm điều đó nếu chúng ta muốn trái đất có chút cơ hội tồn tại nào.
Cuối cùng, tất cả lòng dũng cảm trên thế giới này cũng sẽ là vô dụng nếu không có đủ tri thức để vạch ra một lối đi bền vững vào tương lai, cả trên phương diện cá nhân và tập thể. Một trong những mục tiêu của tôi trong việc viết cuốn sách này là để cung cấp tri thức đó. Đại đa số dân chúng ở Hoa Kỳ không tự trồng thức ăn chứ đừng nói săn bắn và hái lượm. Chúng ta không có cơ sở nào để đánh giá bao nhiêu chết chóc có trong một khẩu phần salad, một bát hoa quả, một đĩa thịt. Chúng ta sống trong môi trường đô thị, trong tiếng thì thầm cuối cùng của rừng cây, cách xa hàng ngàn dặm từ những dòng sông, thảo nguyên và đầm lầy bị tàn phá, và hàng triệu sinh vật đã chết cho bữa ăn của chúng ta. Chúng ta thậm chí không biết phải hỏi câu hỏi gì để tìm ra sự thật.
Trong cuốn sách Long Life, Honey in the Heart (Cuộc Sống Lâu Dài, Mật Ngọt Trong Trái Tim), Martin Pretchel viết về người Maya và khái niệm kas-limaal của họ, tạm dịch là “sự mang nợ lẫn nhau, sự nuôi dưỡng lẫn nhau.” “Tri thức rằng mọi động vật, thực vật, con người, gió, mùa đều mang nợ công sức của mọi thứ khác là tri thức của người trưởng thành. Không muốn mang nợ có nghĩa là bạn không muốn là một phần của sự sống, và bạn không muốn lớn lên thành một người trưởng thành,” một trong những bô lão giải thích với Pretchel như vậy.
Cách duy nhất ra khỏi huyền thoại ăn chay là theo đuổi kas-limaal, tri thức của người trưởng thành. Đây là một khái niệm chúng ta cần, đặc biệt với những người trong số chúng ta đang sôi sục bởi sự bất công. Tôi biết nó là cần thiết với tôi. Trong đời tôi, miếng thịt đầu tiên tôi cắn sau hai mươi năm ăn chay đánh dấu điểm kết của thời non dại của tôi, thời điểm mà tôi bắt đầu đảm nhận trách nhiệm của tuổi trưởng thành. Đấy là thời điểm tôi ngừng không tìm cách chống lại phép tính cơ bản của sự sống: rằng để một sinh linh được sống, một sinh linh khác phải chết. Sự chấp nhận đó, với tất cả nỗi đau buồn xé lòng của nó, mang đến khả năng lựa chọn một cách khác, một cách tốt hơn.
Những người nông dân cấp tiến có một kế hoạch rất khác để đưa chúng ta từ sự huỷ diệt đến sự bền vững. Họ bắt đầu với những thông tin hoàn toàn khác. Tôi từng nghe những người ăn chay tuyên bố rằng một acre đất (0.4 hecta) chỉ nuôi sống được 2 con gà. Joel Salatin, một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất trong lĩnh vực canh tác bền vững, một người tự tay nuôi gà, đặt con số ấy ở 250 con gà trên một acre. Bạn tin ai? Bao nhiêu người trong số chúng ta có đủ tri thức để đánh giá? Frances Moore Lappe nói cần 12 đến 16 cân ngũ cốc để làm ra một cân thịt bò. Trong khi đó, Salatin nuôi gia súc mà không cần chút ngũ cốc nào, luôn chuyển đàn gia súc trên cánh đồng trồng cây lâu năm đa canh, và bồi đắp thêm đất màu sau mỗi năm. Những cư dân của nền văn hóa công nghiệp đô thị không hề được tiếp xúc với ngũ cốc, gà, bò hay thậm chí đất. Chúng ta không có cơ sở trải nghiệm để chống lại luận điểm của những người ăn chay. Chúng ta không có khái niệm gì về việc thú vật, cây cối và đất đai ăn gì, hay bao nhiêu. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta không biết chính chúng ta đang ăn gì.
Đối mặt với sự thật về chế độ chăn nuôi công nghiệp – cách nó tra tấn súc vật và hậu quả của nó lên môi trường – đối với tôi ở tuổi 16 là một hành động có tầm quan trọng sâu sắc. Tôi biết trái đất này đang chết. Đấy là nỗi đau mà tôi cảm nhận hàng ngày từ đó tới giờ. Tôi sinh ra năm 1964. “Mùa xuân” và “im lặng” trở thành không thể tách rời. Chúng nhập lại thành một từ. Địa ngục là đây, trong những nhà máy lọc dầu ở vùng bắc New Jersey, trong hơi nóng thiêu đốt từ những con đường trải nhựa chạy dài tít tắp, trong làn sóng người đang nhấn chìm hành tinh này. Tôi cùng khóc với Iron Eyes Cody, cùng khao khát mong về một lục địa nguyên sơ với những dòng sông, đầm lầy, chim, thú, cá và một con thuyền độc mộc. Tôi và anh trai tôi thường trèo lên cây crabapple cổ thụ ở công viên gần nhà và mơ mộng về việc mua cả một quả núi. Không người nào được vào, chuyện đó không phải bàn cãi. Ai sẽ sống ở đó? Những con sóc là tất cả những gì tôi nghĩ được. Bạn đọc đừng cười. Ngoài Bobby, con chuột cảnh của chúng tôi, sóc là động vật duy nhất mà chúng tôi từng thấy. Anh tôi, thấm dần nguyên mẫu nam tính của xã hội, dành những năm còn lại của tuổi thơ tra tấn côn trùng và mang súng cao su đi bắn chim sẻ. Còn tôi trở thành người ăn thuần chay.
Vâng, tôi là một đứa trẻ quá nhạy cảm. Bài hát yêu thích của tôi ở tuổi lên năm – và ở đây bạn được phép cười – là bài Those Were The Days (Những Ngày Xưa Ấy) của Mary Hopkin. Liệu có quá khứ lãng mạn, bi thương nào để tôi có thể khóc thương vào lúc năm tuổi? Nhưng bài hát ấy buồn và tinh tế đến nỗi tôi thường nghe đi nghe lại cho đến khi quá mệt thiếp đi vì khóc.
Vâng, thật là buồn cười. Nhưng tôi không thể cười những nỗi đau tôi cảm nhận khi phải chứng kiến một cách bất lực sự hủy diệt của hành tinh này. Nỗi đau ấy là thật và nó tràn ngập trong tôi. Và những người ăn chay cho tôi một lối thoát hấp dẫn. Không có chút hiểu biết gì về bản chất của nông nghiệp, bản chất của tự nhiên, và cuối cùng là bản chất của sự sống, tôi không thể biết được rằng dù cho những động cơ của họ có cao cả đến đâu, cách làm của họ là một ngõ cụt đi sâu hơn vào chính sự hủy diệt mà tôi đang khao khát ngăn chặn.
Những động cơ và những sự thiếu hiểu biết ấy gắn liền với huyền thoại ăn chay. Trong hai năm sau khi tôi quay lại ăn thịt, tôi vẫn không thể dừng không đọc các diễn đàn ăn chay trên mạng. Tôi không biết tại sao. Tôi không phải tìm chỗ để tranh luận. Tôi không hề viết một bài nào. Rất nhiều cộng đồng văn hóa nhỏ với động cơ mãnh liệt có mang một số yếu tố sùng bái khó cưỡng lại, và cộng đồng ăn chay cũng vậy. Có thể sự cưỡng bách đó có liên quan đến sự mơ hồ, rối rắm trong tôi – về mặt tâm linh, lý tưởng và cá nhân. Có thể tôi giống như người trở lại thăm nơi mình đã bị tai nạn: Đây là nơi tôi đã hủy hoại cơ thể mình. Có thể tôi vẫn còn những câu hỏi và tôi muốn xem liệu tôi có thể giữ bản thân chống lại những câu trả lời đang mời chào, những câu trả lời mà đã có lúc tôi ấp ủ trong tim, những câu trả lời mà có lúc tôi thấy thật là chính đáng, nhưng giờ chỉ thấy trống rỗng. Có thể tôi không biết tại sao. Mỗi lần nó lại khiến tôi cảm thấy lo âu, giận dữ và tuyệt vọng.
Nhưng một bài viết đánh dấu bước ngoặt. Một người ăn chay tuôn ra ý tưởng của anh ta để giữ cho thú vật khỏi bị giết – không phải bởi con người, mà là bởi những con thú khác. Chính phủ nên xây một hàng rào giữa vùng Serengeti, và ngăn cách những con thú săn mồi khỏi những con mồi của chúng. Sát sinh là sai trái và không có con thú nào đáng phải chết cả, vì vậy những con hổ báo và sói sẽ sống ở một bên, trong khi những con linh dương và ngựa vằn sẽ sống ở bên kia. Anh ta biết rằng những con thú ăn thịt sẽ không sao cả bởi vì chúng không cần ăn thịt. Đấy là một lời dối trá mà ngành công nghiệp thịt nói với chúng ta. Anh ta đã nhìn thấy con chó của anh ta ăn cỏ.
Không ai phản đối cả. Trên thực tế, những người khác còn chêm vào. Con mèo của tôi cũng ăn cỏ, một người phụ nữ viết với tất cả lòng nhiệt tình. Con mèo tôi cũng thế!, một người khác viết. Tất cả đều đồng ý rằng hàng rào là giải pháp tốt để thú vật khỏi chết.
Lưu ý cho rằng địa điểm của dự án giải phóng này là châu Phi. Không ai nhắc đến những thảo nguyên Bắc Mỹ, nơi cả động vật ăn thịt lẫn ăn cỏ đều đã bị trừ tiệt để lấy chỗ trồng ngũ cốc mà những người ăn chay mở rộng vòng tay đón chào. Nhưng tôi sẽ quay lại vấn đề đó trong chương 3.
Tôi có đủ hiểu biết để biết rằng ý tưởng này là điên rồ. Nhưng không một ai khác trên diễn đàn đó thấy có gì không ổn với chương trình ấy cả. Vì vậy, trong trường hợp bạn đọc cũng không có đủ kiến thức để đánh giá kế hoạch ấy, tôi sẽ phân tích nó từng bước một.
Động vật ăn thịt không thể tồn tại bằng cellulose được. Chúng có thể thỉnh thoảng ăn cỏ, nhưng chúng dùng cỏ như một loại thuốc, thường là để tẩy ruột của chúng khỏi ký sinh trùng. Ngược lại, động vật nhai lại đã tiến hóa để ăn cỏ. Chúng có dạ cỏ, cái đầu tiên trong một chuỗi dạ dày đóng vai trò như những cái thùng lên men. Điều thực sự xảy ra trong một con bò hay một con ngựa vằn là những con vi khuẩn ăn cỏ, và rồi con thú ăn vi khuẩn.
Sư tử, linh cẩu và con người không có hệ thống tiêu hóa của động vật nhai lại. Suốt từ răng đến hậu môn, chúng ta thực sự được thiết kế cho thịt. Chúng ta không có cơ chế nào để tiêu hóa cellulose.
Vì vậy, ở phía bên các động vật ăn thịt, nạn đói sẽ lấy đi đến con thú cuối cùng. Một số sẽ sống sót lâu hơn những con khác, và một số sẽ sống sót bằng cách ăn thịt đồng loại. Những con thú ăn xác sẽ có một bữa tiệc ra trò, nhưng khi những bộ xương đã bị gặm trơ, chúng cũng sẽ chết đói. Sự chết chóc không dừng lại ở đó. Không có động vật ăn cỏ gặm cỏ, đất đai sẽ dần dần biến thành hoang mạc.
Tại sao? Bởi vì nếu không có động vật ăn cỏ, những cây lâu năm cứ lớn lên, tỏa bóng râm che không cho những bụi cây thấp ở dưới phát triển. Ở một môi trường khô hanh như Serengeti, sự phân huỷ chủ yếu là dưới dạng vật lý (tan vụn) và hóa học (ôxi hóa), chứ không phải dưới dạng sinh học do vi khuẩn như trong một môi trường ẩm ướt. Trên thực tế, những con thú nhai lại làm thay vai trò sinh học của đất bằng cách tiêu hóa cellulose và trả lại các chất dinh dưỡng dưới dạng nước tiểu và phân.
Khi không có động vật nhai lại, cành và lá cây rơi xuống sẽ chất mãi lên, hạn chế sự sinh trưởng và cuối cùng giết chết cây cối. Đất bây giờ bị lộ trần ra dưới nắng, gió và mưa, khoáng chất sẽ bị rửa trôi và cấu trúc đất bị phá huỷ. Với cố gắng cứu những con thú khỏi chết, chúng ta đã giết tất cả.
Bên phía các động vật ăn cỏ, bầy đàn những con linh dương sẽ sinh sản mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng vì không có động vật ăn thịt để hạn chế chúng, chẳng bao lâu sẽ có nhiều động vật ăn cỏ hơn là cỏ. Con số những con thú sẽ vượt xa nguồn thức ăn của chúng. Chúng sẽ ăn cây cối đến tận gốc, và rồi chết đói, để lại phía sau một vùng đất xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù bài học ở đây là hiển nhiên, nó cũng đủ sâu sắc để truyền cảm hứng cho một tôn giáo: Chúng ta cần bị ăn cũng như chúng ta cần ăn. Những con thú ăn cỏ cần lượng cellulose hàng ngày của chúng, nhưng cỏ cũng cần những con thú ăn cỏ. Nó cần nguồn phân, với lượng nitơ, khoáng chất và vi khuẩn; nó cần sự hạn chế mang tính cân bằng của động vật ăn cỏ; và nó cần nguồn dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể động vật, nguồn dinh dưỡng sẽ được giải phóng bởi các tác nhân phân huỷ khi những con thú ấy chết đi.
Cỏ và thú ăn cỏ cần lẫn nhau cũng tương tự như thú ăn thịt và con mồi cần lẫn nhau. Đây không phải là những mối quan hệ một chiều, không phải là những sắp xếp của sự thống trị và lệ thuộc. Chúng ta không phải đang bóc lột những sinh linh khác khi ăn chúng. Đấy chỉ là lượt của chúng ta mà thôi.
Đó là lần cuối cùng tôi vào những diễn đàn ăn chay. Khi ấy tôi nhận ra rằng những người thiếu hiểu biết sâu sắc đến như vậy về bản chất của sự sống, với chu kỳ luân chuyển khoáng chất và carbon của nó, với sự cân bằng của một vòng tròn từ ngàn xưa bao gồm những sinh linh với vai trò sản xuất, tiêu thụ và phân huỷ sẽ không có khả năng hướng đạo cho tôi, hay đưa ra một ý tưởng có ích nào về một nền văn hóa bền vững của con người. Bằng cách quay lưng lại với tri thức của người trưởng thành, tri thức hiển hiện trong sự sống của mọi sinh vật, từ vi khuẩn cho đến những con gấu xám, họ sẽ không bao giờ có thể làm dịu nỗi khao khát tâm linh và tình cảm vẫn nhoi nhói trong tôi, nỗi khao khát chỉ có thể được làm dịu bởi việc chấp nhận tri thức đó. Có lẽ suy cho cùng, cuốn sách này là một cố gắng để làm dịu bớt nỗi đau của bản thân tôi.
* * * * * *
Tôi có những lý do khác để viết cuốn sách này. Một trong số đó là sự nhàm chán. Tôi thấy mệt mỏi với những cuộc thảo luận lúc nào cũng giống nhau, đặc biệt là khi đó không phải là những cuộc thảo luận dễ dàng. Những người ăn chay có thể tóm gọn lý thuyết của họ trong những khẩu hiệu nghe rất kêu – Thịt Là Sát Sinh – và những giải pháp nghe có vẻ hiển nhiên, như là khi họ nói cần 16 cân ngũ cốc để có được một cân thịt. Tôi có thể đưa ra những khẩu hiệu của riêng tôi – Độc Canh Là Sát Sinh? Cuộc Diễu Hành Của Triệu Con Vi Khuẩn? - nhưng những khẩu hiệu ấy không dễ hiểu đối với công chúng. Tôi phải bắt đầu từ đầu, từ những protein đầu tiên tự tổng hợp thành sự sống, rồi đến sự quang hợp, cây cối, động vật, vi khuẩn, đất, và cuối cùng là nông nghiệp. Tôi gọi cuộc trò chuyện ấy là “Vi Khuẩn, Phân, và Quá Trình Độc Canh”, và tôi cần ít nhất nửa tiếng để đi qua phần mở đầu, về cơ bản là một đại cương về bản chất của sự sống. Vâng, tất cả đấy là tri thức – thông tin, tình cảm, tâm linh – mà lẽ ra tất cả chúng ta đều phải được nhận trước khi lên bốn. Nhưng còn ai để dạy chúng ta? Và chẳng phải tất cả những gì là không ổn với nền văn hóa này đều được tóm gọn trong câu hỏi đó hay sao?
Nhưng không phải chỉ có lượng thông tin quá nhiều làm cho cuộc thảo luận trở nên khó khăn. Thường thường, người nghe không muốn nghe nó, và sự chống đối có thể lên đến mức cực điểm. “Ăn chay” không chỉ là những gì bạn ăn hay thậm chí là những gì bạn tin. Nó là bạn, toàn thể con người bạn. Khi đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về thực phẩm, tôi không chỉ soi xét một triết lý hay một thói quen ăn uống. Tôi đe dọa tất cả nhận thức về bản thân của người ăn chay. Và hầu hết các bạn sẽ phản ứng với sự giận dữ. Tôi nhận được những bức thư đe dọa từ khi tôi vừa mới bắt đầu cuốn sách này. Và cảm ơn, tôi không cần thêm nữa.
Nhưng tôi cũng viết cuốn sách này như một lời cảnh báo. Một chế độ ăn chay – đặc biệt là chế độ ăn chay ít chất béo, và đặc biệt hơn cả là chế độ ăn thuần chay (chỉ ăn sản phẩm từ cây, không ăn cả sữa, trứng) – không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự bảo dưỡng và duy trì về mặt lâu dài của cơ thể. Nói trắng ra là nó sẽ làm hại bạn. Tôi biết. Hai năm sau khi tôi bắt đầu ăn chay, sức khỏe của tôi suy sụp, và nó suy sụp một cách thê thảm. Tôi mắc một căn bệnh thoái hóa khớp mà tôi vẫn còn đến bây giờ. Nó bắt đầu vào mùa xuân ấy như một cảm giác đau đau lạ lùng, âm ỉ ở sâu tận chỗ mà lúc trước tôi không biết là có thể có cảm giác. Đến cuối mùa hè, nó cảm giác như những mảnh đạn mắc trong cột sống của tôi.
Tiếp theo đó là những năm tháng đau đớn ngày càng tăng và những chuyến viếng thăm vô vọng đến các bác sĩ chuyên môn. Phải mất 15 năm tôi mới nhận được một chẩn đoán thay vì một cái vỗ kẻ cả vào đầu. Cột sống của thanh niên mới lớn không tự nhiên suy sụp mà không có lý do, và vì vậy, mặc dù các triệu chứng của tôi khớp hoàn toàn, không một bác sĩ nào nghĩ đến bệnh thoái hóa đĩa sụn. Bây giờ tôi có những tấm phim chụp, và tôi nhận được sự tôn trọng của các bác sĩ. Cột sống của tôi giờ trông như kết quả của một tai nạn ngã từ nhà cao tầng. Về mặt dinh dưỡng, những gì xảy ra cũng gần như vậy.
Sáu tuần sau khi bắt đầu ăn chay, tôi có trải nghiệm hạ đường huyết lần đầu tiên, mặc dù tôi không biết nó được gọi tên như vậy cho đến 18 năm sau và khi đó nó đã trở thành một phần của cuộc sống tôi. Ba tháng sau khi bắt đầu, tôi ngừng kinh nguyệt, một đầu mối cảnh báo rằng đây không phải là một ý tưởng hay ho. Sự mệt mỏi cũng bắt đầu cùng thời gian đó, và nó chỉ có tồi tệ hơn với thời gian, cùng với cảm giác lạnh thường trực. Da tôi khô đến mức nó vỡ ra thành các vẩy nhỏ, và vào mùa đông nó đau đến mức làm tôi không ngủ được. Năm 24 tuổi, tôi bị bệnh không tiêu. Một lần nữa, nó không được chẩn đoán hay chữa trị cho đến khi tôi 38 tuổi và tìm thấy một bác sĩ chuyên chữa những người từng ăn thuần chay. Đấy là 14 năm với cảm giác buồn nôn liên tục, và đến giờ tôi vẫn không ăn được sau 5 giờ chiều.
Rồi đến chứng lo lắng và trầm cảm. Gia phả dòng họ tôi có một chuỗi dài những người nghiện rượu và trầm cảm, vì vậy rõ ràng là tôi không được thừa hưởng một bộ gen tốt lắm về mặt sức khỏe tinh thần. Sự suy dinh dưỡng là thứ cuối cùng mà tôi cần trong tình trạng đó. Việc ăn thuần chay không phải là nguyên nhân duy nhất cho chứng trầm cảm của tôi nhưng nó là một yếu tố đóng góp quan trọng. Tôi trải qua nhiều năm khi thế giới bên ngoài chỉ là một màu xám vô tận và vô vọng, thỉnh thoảng điểm xuyết bởi những cơn hoảng loạn. Tôi thường xuyên tan biến trong những cơn hoảng loạn ấy. Nếu tôi không tìm thấy chìa khóa nhà, tôi sẽ lại đổ sụp xuống sàn phòng khách, chênh vênh bên bờ Vực Thẳm Vô Tận. Làm thế nào tôi có thể tiếp tục bây giờ? Để làm gì? Chìa khóa mất rồi và tôi cũng vậy, thế giới, vũ trụ cũng vậy. Mọi thứ đều sụp đổ, trống rỗng, vô nghĩa. Tôi biết những cảm giác ấy là phi logic nhưng tôi không thể dừng một khi chúng đã bắt đầu. Và bây giờ tôi biết tại sao. Serotonin được làm ra từ amino acid trytophan. Và không có nguồn trytophan tốt nào từ thực vật. Thêm vào đó, tất cả lượng trytophan trên thế giới này cũng không có ích gì cho bạn nếu không có chất béo bão hòa, cần thiết để các chất truyền dẫn thần kinh của bạn có thể thực sự truyền được. Tất cả những năm tháng suy sụp tinh thần ấy không phải là lỗi của cá nhân tôi; nó có nguyên nhân hóa sinh, mặc dù là tôi tự chuốc lấy nó.
Có gì nhàm chán hơn những vấn đề sức khỏe của một người khác không? Tôi sẽ cố gắng nói ngắn thôi. Cột sống của tôi không hồi phục được. Nhưng một chế độ ăn bao gồm những sản phẩm từ động vật ăn cỏ đã chữa những tổn thương một chút và làm giảm bớt mức độ đau đớn của tôi. Các thụ thể insulin của tôi cũng bị suy giảm, nhưng protein và chất béo giữ cho chỉ số đường huyết của tôi ổn định. Đã năm năm rồi tôi không bị mất một chu kỳ kinh nguyệt nào, mặc dù nếu tôi bị ung thư ở một trong những cơ quan sinh sản, tôi đổ lỗi cho đậu nành. Dạ dày của tôi tạm ổn – không hoàn hảo, nhưng tạm ổn – chừng nào tôi vẫn uống betaine hydrochrolide với mỗi bữa ăn. Với những theo đuổi về tâm linh và một chế độ ăn đầy dinh dưỡng, tôi giờ không còn bị trầm cảm nữa, và tôi biết ơn về điều đó mỗi ngày. Nhưng cảm giác lạnh và sự mệt mỏi là vĩnh viễn. Có một số ngày, chỉ thở thôi cũng có vẻ cần nhiều năng lượng hơn tôi có.
Bạn không cần phải thử những gì tôi đã làm. Bạn được phép học từ những sai lầm của tôi. Tất cả bạn bè thời trẻ của tôi đều đầy nhiệt huyết và theo đuổi sự công bình đến mức cực đoan. Ăn chay là con đường hiển nhiên, và ăn thuần chay còn tốt hơn nữa. Và những người trong số chúng tôi theo đuổi nó trong thời gian dài cuối cùng bị tổn hại. Nếu tôi đặt dấu hỏi về cách sống, về triết lý sống của bạn, bạn có thể cảm thấy bối rối, sợ hãi và tức giận khi đọc cuốn sách này. Nhưng hãy tin tôi: bạn sẽ không muốn cuối cùng trở thành như tôi. Tôi mong bạn hãy tiếp tục, đọc cuốn sách này, xem xét các nguồn tham khảo trong phần phụ lục. Làm ơn. Đặc biệt là nếu bạn có con nhỏ hay muốn có. Tôi lạy bạn đấy.
* * * * * *
Những người hút thuốc sẽ nói với bạn rằng không có gì khó chịu hơn một người đã cai thuốc. Sự thôi thúc giảng đạo cho người khác có vẻ như đi cùng với việc được cứu rỗi. Tôi đã cố gắng hết sức để tránh một giọng trịch thượng và hướng đến một cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Suy cho cùng, tôi muốn giúp ích hơn là tỏ ra mình đúng. Đặc biệt là khi xem xét tương lai mà chúng ta đang phải đối mặt và những gì đang bị đe dọa. Những giá trị cơ bản mà những người ăn chay tuyên bố là hướng tới – công lý, lòng từ bi, sự bền vững – là những giá trị duy nhất mà sẽ tạo ra một thế giới mà mọi sinh linh liên hệ với nhau thay vì thống trị lẫn nhau; một thế giới mà con người tiếp cận mọi sinh linh – mọi hòn đá, mọi hạt mưa, mọi người anh em có lông hay có cánh của chúng ta – với sự khiêm nhường và kính trọng; thế giới duy nhất mà trong đó chúng ta có hy vọng sống qua được cái kinh khủng vẫn được gọi là nền văn minh. Tôi cung cấp cho bạn cuốn sách này trong hy vọng rằng một thế giới như vậy là có thể.
Nhận xét: Xem tiếp Chương 4: Ăn chay vì dinh dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.