Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 18: Chất xơ có phải một carbohydrat không thể thiếu không?


Ngày 20/1/1999, chương trình ABC World News Tonight (Tin tức thế giới tối nay của đài ABC) với người dẫn chương trình Peter Jennings tường thuật rằng một nghiên cứu quy mô lớn mới được công bố cho thấy chất xơ hoàn toàn “vô dụng” trong việc giúp phòng ngừa ung thư đại tràng. Nghiên cứu này vừa được công bố trong Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine). Nó cho thấy rằng chất xơ, từng được coi là thần dược để phòng tránh ung thư đại tràng và củng cố sức khỏe đại tràng, hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ. Vâng, bạn nghe đúng đấy. Nghiên cứu khổng lồ trên 88.000 người trong vòng 16 năm đó kết luận một cách chắc chắn rằng ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ không có chút tác dụng nào trong việc phòng tránh ung thư đại tràng.

Tờ Thời báo New York có dòng tít tương tự “Nghiên Cứu Cho Thấy Chất Xơ Không Giúp Phòng Tránh Ung Thư Đại Tràng”. Giả thuyết này được đưa ra bởi bác sĩ kiêm nhà truyền giáo người Anh, Denis P. Burkitt, người từng nghiên cứu một số dân tộc có vẻ không bị ung thư đại tràng ở châu Phi và phỏng đoán rằng chế độ ăn giàu chất xơ là yếu tố hỗ trợ. Giả thuyết này đã bị bác bỏ vĩnh viễn một cách thuyết phục bởi nghiên cứu trên. Tờ Thời báo New York viết, “Ông lan truyền giả thuyết của mình như một chân lý về dinh dưỡng, khiến hàng triệu người nghe theo mà thay đổi chế độ ăn của họ. Giờ đây, một nghiên cứu lớn nhất từng được tiến hành về chủ đề này đã kết luận rằng, ít nhất là đối với phòng tránh ung thư đại tràng, tất cả những thứ ngũ cốc, rau hoa quả ấy không có tác dụng gì.” Tác giả chính của nghiên cứu này, Walter Willett, giáo sư tiến sĩ dinh dưỡng và dịch tễ học tại khoa Sức khỏe Cộng đồng trường đại học Harvard, tuyên bố, “Giả thuyết rằng chất xơ là yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư đại tràng có vẻ lý thú, nhưng thực tế là dữ liệu nghiên cứu không ủng hộ nó chút nào.” Ông nói tiếp, “Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu dài nhất từng được tiến hành, và chúng tôi xem xét nhiều khía cạnh của chế độ ăn. Chúng tôi xem xét cả u hạch và ung thư đại tràng và không có chút gì ủng hộ ý tưởng rằng chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư.”

Bạn có thể nghĩ tất cả những cái đó sẽ làm thay đổi khuyến nghị về dinh dưỡng của các bác sĩ. Nhưng có vẻ tất cả bọn họ đều không xem bản tin tối hôm đó và cũng không đọc báo vào sáng hôm sau. Câu truyện cổ tích rằng chất xơ giúp phòng tránh ung thư đại tràng vẫn tiếp tục được truyền bá, ngay cả khi ngũ cốc giàu chất xơ đã nhiều lần được chứng minh là có liên quan đến nhiều chứng bệnh đường ruột, bao gồm cả ung thư đại tràng.


Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Carbohydrat - Con đường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2

Tác giả: Nora Gedgaudas


Cơ thể nguyên thủy, tâm trí nguyên thủy

Chương 15: Carbohydrat - Con đường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 

Insulin được biết đến như một hooc-môn dự trữ mỡ. Nó được kiểm soát bởi leptin, tuy nhiên các ảnh hưởng từ chế độ ăn tác động lên insulin và leptin theo cùng một cách, và mọi người thường trở nên 'nhờn' với các tín hiệu của cả insulin và leptin. Carbohydrat như đường và tinh bột - chứ không phải protein và mỡ - là những loại thực phẩm chính kích thích giải phóng insulin và gây ra những đợt dâng trào leptin gây hại cho sức khỏe. Điều này làm rối loạn các kênh liên lạc hooc-môn và làm cơ thể bị kháng hooc-môn.

Hầu hết lượng mỡ không muốn có trong cơ thể đến từ đường và tinh bột trong thực phẩm. Hooc-môn glucagon cho phép cơ thể đưa mỡ ra khỏi kho dự trữ và dùng làm nhiên liệu. Tuy nhiên glucagon không hoạt động khi có mặt insulin. Nếu bạn tiếp tục ăn nhiều carbohydrat khiến insulin tiếp tục được tiết ra, glucagon không thể hoạt động và mỡ của cơ thể không thể được đốt làm nhiên liệu.

Mỡ trong cơ thể không thể được đốt làm nhiên liệu chừng nào insulin còn có mặt. (Lặp lại đến khi nào bạn nhớ!)

Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở Thụy Điển so sánh tác dụng của chế độ ăn nguyên thủy (rất ít carbohydrat) với cái gọi là chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, hoa quả, rau và chất béo không bão hòa. (Chế độ ăn thực sự ở vùng Địa Trung Hải không giống thế chút nào). Sau 12 tuần, nồng độ đường huyết tối đa của những người tình nguyện giảm 26% nếu họ ăn chế độ ăn nguyên thủy, và chỉ 7% với cái gọi là chế độ ăn Địa Trung Hải.

Tiểu đường không phải là một căn bệnh về đường huyết mà là về insulin. Nồng độ đường huyết cao là biểu hiện của bệnh tiểu đường, nhưng không phải nguyên nhân. Nguyên nhân của bệnh tiểu đường là chế độ ăn quá nhiều carbohydrat, dẫn đến giải phóng quá nhiều insulin và leptin khiến các kênh liên lạc hooc-môn bị hư hỏng. Tăng cường insulin cho các bệnh nhân tiểu đường loại 2 chính là làm hại họ về lâu dài, mặc dù tạm thời họ có thể “cải thiện” nồng độ đường huyết. Đây là một phương pháp hoàn toàn sai lầm. Nồng độ insulin và leptin cao có liên quan chặt chẽ, hay thậm chí còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp, của bệnh tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, ung thư, béo phì và nhiều căn bệnh khác nữa.


Do hầu hết các bệnh nhân tiểu đường loại 2 được điều trị bằng các thuốc làm tăng insulin hay trực tiếp tiêm insulin, kết quả bi thảm là những phương pháp chữa trị thông thường đó góp phần gây ra các tác dụng phụ và tuổi thọ bị rút ngắn mà những bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường gặp.
Ron Rosedale, M.D., “Tiểu Đường Không Phải Là Căn Bệnh Về Đường Huyết”