Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Chế độ ăn ít carbohydrate: Vài mẹo nhỏ cho những ai bắt đầu - phần 2

Chế độ ăn ketogenic

Nguồn: Tips & tricks for starting (or restarting) low-carb - Part II
Tác giả: Michael R. Eades, M.D.

Trong bài viết trước, chúng ta thảo luận về cách tốt nhất để thúc đẩy quá trình thích nghi với trạng thái ít carbohydrat là tăng cường lượng mỡ ăn vào. Tôi không đề cập đến nhưng một bí mật nhỏ khác là để ý lượng protein. Quá nhiều protein sẽ ngăn cản sự chuyển đổi sang ketosis vì gan bạn sẽ chuyển một số protein đó thành glucose – lượng glucose này sẽ được dùng làm năng lượng trước và làm chậm lại quá trình chuyển đổi. Dĩ nhiên, điều này dẫn đến câu hỏi, bao nhiêu protein là quá nhiều? Chừng nào bạn nhận protein từ thịt nhiều mỡ, nhiều khả năng là bạn sẽ không gặp vấn đề gì. Nếu bạn chỉ chọn phần thịt toàn nạc, ví dụ thịt gà nạc bỏ da, hay bạn uống bổ sung bột protein ít chất béo, bạn có thể gặp vấn đề trong quá trình thích nghi. Nếu bạn uống bổ sung bột protein, tôi khuyên bạn nên cho thêm một ít dầu dừa vào đó vì một số lý do. Thứ nhất, bạn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, và thứ hai, chất béo trong dầu dừa sẽ giúp loại bỏ chất béo khỏi gan và giúp phục hồi gan bạn.

Như tôi đã viết ở bài trước, bạn thực sự cần ăn nhiều chất béo để thúc đẩy quá trình thích nghi càng nhanh càng tốt. Nếu bạn không thích ăn thịt nhiều mỡ, bạn có thể thêm một ít triglyceride chuỗi trung bình (medium-chain triglycerides hay MCT) vào chế độ ăn. MCT được hấp thụ gần giống như carbohydrat và nhanh chóng được sử dụng bởi cơ thể. Chúng gần như không bao giờ được chuyển thành tế bào chất béo của cơ thể mà được đốt làm năng lượng, chút nào còn lại đều được chuyển thành ketone. Vì vậy, MCT sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất ketone. Dầu dừa cũng vậy nếu bạn thích nó hơn.

Bạn có thể tìm thấy dầu MCT ở hầu hết các cửa hàng bán thực phẩm và thuốc bổ sung sức khỏe (health food shops). Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì với nó, nhưng một số người có thể bị buồn nôn nếu họ uống quá nhiều. Vì vậy nếu bạn quyết định thử, hãy bắt đầu ít một rồi tăng dần. Hoặc là dùng dầu dừa.

Ngoại trừ việc thỉnh thoảng thèm carbohydrat, những triệu chứng phổ biến nhất của những người mới bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat là mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và chuột rút. Có thể nói bốn triệu chứng này chiếm đến 98% những phàn nàn chúng tôi nhận được từ các bệnh nhân khi họ mới bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat. Không phải ai cũng trải qua những triệu chứng này – đặc biệt là những người làm theo các chỉ dẫn của chúng tôi – nhưng trong số những người có gặp vấn đề, nó gần như luôn luôn là một trong bốn triệu chứng đó. Hãy thử xem bạn có thể làm gì để tránh hoặc chữa trị nếu bạn đang phải trải qua những triệu chứng đó.



Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Chế độ ăn ít carbohydrate: Vài mẹo nhỏ cho những ai bắt đầu - Phần 1

Low carb

Tác giả: Tiến sĩ y khoa Michael R. Eades
Nguồn: Proteinpower.com

Như những ai từng trải qua nó đều biết, bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat thường đi kèm một số trở ngại. Không phải với tất cả, nhưng một số. Những trở ngại nho nhỏ ban đầu này – cộng với áp lực từ bạn bè và người thân, những người có ý tốt nhưng thiếu hiểu biết, nghe theo đài báo mà nói rằng chế độ ăn ấy sẽ làm hại thận, làm nghẽn động mạch và suy yếu xương bạn – là đủ để khiến nhiều người từ bỏ kế hoạch của họ. Dựa trên gần 30 năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân bằng chế độ ăn ít carbohydrat của mình, tôi có thể đưa ra một số lời khuyên và mẹo nhỏ để giúp bạn đối phó với những trở ngại ban đầu này.

Lắng nghe cơ thể bạn?

Con đường chắc chắn nhất để dẫn đến thất bại trong những ngày đầu của chế độ ăn ít carbohydrat là lắng nghe cơ thể bạn. Cái ý tưởng lắng nghe cơ thể bạn là một trong những thứ làm tôi bực mình nhất. Trên thực tế, chỉ nghe những từ đó thôi là đủ làm tôi muốn nôn mửa. Chúng thường được thốt ra bởi những cô nàng với đôi mắt ươn ướt, mơ màng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi vừa đọc hàng đống lời nhận xét trong một trang blog về chế độ ăn nguyên thủy (paleo), trong đó ý tưởng nhảm nhí đó được đưa ra bởi nam giới nhiều hơn nhiều so với nữ giới.

Lắng nghe cơ thể bạn cũng giống như thả lỏng cương cho một con ngựa hoang chưa được thuần hóa. Nếu bạn vừa bắt đầu cai rượu ba ngày mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Nếu bạn ở trong trại cai nghiện ma túy mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Và nếu bạn vừa bắt đầu chế độ ăn ít carbohydrat một tuần mà bạn lắng nghe cơ thể bạn thì bạn đi tong. Thực ra thì, lắng nghe nó cũng được, nhưng đừng làm những gì nó bảo bạn làm, bởi vì nếu bạn làm thế thì bạn đi tong.

Được rồi, không nói năng bừa bãi nữa. Tôi chỉ xả một chút cho đỡ tức. Bạn không thể tưởng tượng nổi con số những người vừa bắt đầu thử chế độ ăn ít carbohydrat, rồi bỏ cuộc và nói với tôi những từ đó. Không được, tôi lại sắp sửa nói năng bừa bãi. Dừng lại!



Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Ảo vọng ăn chay - Chương 4 phần 3: Tác hại của đậu tương với sức khỏe

Tác giả: Lierre Keith
Nguồn: Sách The Vegetarian Myth

Không một thảo luận nào về ăn chay có thể đầy đủ nếu không nói đến đậu tương. Đậu tương từng được tung hô là giải pháp cho mọi thứ từ chứng triều nhiệt của phụ nữ mãn kinh cho đến nạn đói của thế giới. Các tập đoàn nông nghiệp đã làm mọi cách để chúng ta tin rằng đậu tương có lợi cho sức khỏe – ADM tiêu 4,7 triệu đôla để mua thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình Gặp gỡ báo chí (Meet the Press), và 4,3 triệu đôla cho chương trình Nói chuyện với cả nước (Face the Nation) – mặc dù cho tới gần đây, chưa có ai từng ăn những thứ sản phẩm công nghiệp đang được bán cho tất cả mọi người trên khắp Hoa Kỳ, từ người già cho đến trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh.

Đậu tương là một cây họ đậu từng được trồng xen canh với các vụ cây ngắn hạn khác trên khắp châu Á. Bởi vì nó có thể giữ nitơ từ không khí, đậu tương được dùng như một loại phân xanh. Những chữ tượng hình của Trung Quốc cho lúa mạch, kê, gạo và lúa mì vẽ phần hạt của chúng, bởi vì phần ăn được là quan trọng. Chữ tượng hình cho đậu tương vẽ phần rễ, bởi vì nó được trồng chỉ để giữ đất chứ không phải để ăn. Đậu tương chứa nhiều chất phản dinh dưỡng đến nỗi nó không thể ăn được nếu không qua rất nhiều khâu xử lý, nhiều hơn nhiều so với các loại hạt khác.

Đầu tiên, đậu tương chứa những chất ức chế trypsin. Trypsin, như bạn vẫn nhớ, là một enzyme tiêu hóa sản xuất bởi tuyến tụy. Đấy là lý do tại sao ăn đậu tương gây đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Lên men đậu tương sẽ làm vô hiệu hóa hầu hết các chất ức chế trypsin. Trong một nghiên cứu thực hiện trên 50 nền văn hóa châu Á, những dân tộc tìm được cách vô hiệu hóa các chất ức chế trypsin là những dân tộc duy nhất coi đậu tương là thứ ăn được. Tương miso của Nhật Bản, món được lên men rất kỹ, bắt đầu được ăn vào khoảng giữa thế kỷ 2 trước công nguyên và thế kỷ 4 sau công nguyên. Đậu phụ, món không được lên men, được phát minh vào năm 164 trước công nguyên, và tempeh, một món cũng được lên men, được sáng chế vào những năm 1600. Các nhà sư ăn đậu phụ vì nó giúp họ giữ lời thề tiết chế tình dục: chất phytoestrogen trong đậu tương làm giảm nồng độ testoterone và ham muốn tình dục của họ. “Ngoại trừ trong nạn đói,” chuyên gia về đậu tương Kaayla Davis viết, “đậu phụ được dùng như một món ăn thêm, ăn với lượng nhỏ, thường là cùng với canh cá, chứ không phải là món chính.” Người Trung Quốc chỉ dùng đậu tương làm nguồn protein chính khi họ đang chết đói – khi mà họ ăn cả con cái họ.

Canh cá là một chi tiết quan trọng trong câu chuyện về đậu tương. Nếu bạn chịu được những cơn đau bụng gây ra bởi chất ức chế trypsin, vấn đề tiếp theo với đậu tương là phytat. Phytat, bạn nhớ không, liên kết với các chất khoáng trong đường tiêu hóa khiến bạn không hấp thụ được chúng. Đậu tương có nồng độ phytat cao đến mức không một phương pháp ngâm hay lên men nào có thể loại trừ hết chúng. Bạn có thể thấy sự khôn ngoan trong việc ăn đậu phụ cùng canh cá, vì canh cá cung cấp một lượng lớn các chất khoáng để bù lại ảnh hưởng của phytat.