Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Hiểm họa vũ trụ từ sao chổi đối với Trái Đất

Tác giả: Laura Knight-Jadczyk
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

Hôm nay chúng ta sẽ xem xét bản Tóm tắt Các Kết luận về Cầu lửa và Thiên thạch mà Victor Clube đính kèm bức thư của ông gửi người phụ trách về vật lý và là điều phối viên BMD (phòng chống tên lửa đạn đạo) của Văn phòng Châu Âu về Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ hồi năm 1996, 5 năm trước ngày 11/9/2001; cái đó và một vài thứ khác.

Tôi thường bị cáo buộc là “reo rắc sợ hãi” bởi tôi cứ đưa ra chủ đề này hết lần này đến lần khác. Tôi thậm chí còn nghĩ một liên hệ đáng kinh ngạc là bước đột phá lớn trong thí nghiệm giao tiếp siêu quang của tôi xảy ra vào cùng ngày mà các mảnh sao chổi Shoemaker-Levy bắt đầu lao vào sao Mộc - thậm chí đúng thời điểm va chạm đầu tiên - và rằng giao tiếp với “tôi trong tương lai” này đã tập trung rất nhiều chú ý vào chủ đề đám mây sao chổi và các mảnh sao chổi thường xuyên bay qua hệ mặt trời, gây rối loạn và mang lại sự tàn phá, chết chóc đến cho Trái Đất. Từ kết quả của những nghiên cứu xuất phát từ thí nghiệm giao tiếp này, tôi viết cả một cuốn sách 800 trang xoay quanh vấn đề về những thảm họa gây ra bởi các vụ nổ sao chổi rõ ràng là đã xảy ra thường xuyên trong lịch sử: Bí mật của Thế giới (The Secret History of the World).

Trong những ngày đầu đăng tải kết quả từ thí nghiệm này, tôi rất bực mình bởi nhiều cuộc tấn công nhắm vào tôi từ tất cả các hướng. Tôi bị cáo buộc là “giao tiếp ngoại cảm với người ngoài hành tinh” (không đúng), là muốn “thành lập một giáo phái” (có gì gọi là giáo phái trong việc nghiên cứu về các chủ đề khoa học và phơi bày rằng tôn giáo chỉ là một trò gian lận?), v.v… Những thứ kiểu như vậy thực sự làm tôi bị tổn thương và bối rối, nhưng bây giờ tôi đã nhìn ra mặt tốt của nó: nó giúp tôi tìm hiểu về loại người đang cai quản thế giới chúng ta; loại người muốn giữ bí mật để chúng có thể tiếp tục nắm quyền; loại người tạo ra những thứ kiểu như “Cuộc Chiến Chống Khủng Bố” để khiến số đông nhân loại không biết về một tương lai có thể đưa nền văn minh của chúng ta đến hồi kết; loại người biết rằng có thể sống sót qua những đợt bắn phá của sao chổi và chúng muốn chúng là những người duy nhất sống sót, kệ xác tất cả mọi người còn lại.

Mike Baillie viết như sau trong cuốn sách của ông về Cái Chết Đen:

Điều ngày càng rõ ràng hơn là về mặt trí tuệ, thế giới chia thành hai nửa. Có những người nghiên cứu quá khứ, trong lĩnh vực lịch sử và khảo cổ học, và không thấy có bất cứ bằng chứng nào về việc có cộng đồng người nào từng bị ảnh hưởng bởi va chạm từ vũ trụ. Đối nghịch với quan điểm này, có những người nghiên cứu các vật thể đi đến gần, và đôi khi va chạm với hành tinh này. Một số thành viên nghiêm túc của nhóm sau này không có chút nghi ngờ nào rằng đã có nhiều vụ va chạm tàn phá trong năm thiên niên kỷ vừa qua, giai đoạn của nền văn minh con người. Trong một bài viết xuất bản năm 2005, David Asher và các đồng nghiệp xem xét những vật thể được biết là đã đi qua gần Trái Đất trong thời gian gần đây. Họ kết luận, dựa trên nhiều mạch bằng chứng khác nhau (ví dụ số thiên thạch được phát hiện trên Trái Đất có nguồn gốc từ mặt trăng), rằng thời gian trung bình giữa các vụ va chạm trên Trái Đất là không quá 300 năm, có nhiều khả năng còn ít hơn. [Trái Đất trong trường bắn vũ trụ (Earth in the Cosmic Shooting Gallery)]

Kiểm tra các tác giả Baillie đề cập đến, chúng ta thấy có Bill Napier. Napier là một cộng sự của Victor Clube. Điều này đưa chúng ta đến một sự chia rẽ khác. Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về vấn đề này như đã được đề cập đến bởi Clube trong phần đầu bức thư trong câu hỏi tôi trích dẫn ngày hôm qua. Ông viết:

Điều được nhấn mạnh ở đây là bản báo cáo này thể hiện một quan điểm trái ngược với quan điểm khoa học chính thống hiện đang được hỗ trợ bởi nhiều cơ quan khác nhau của Hoa Kỳ sau những phát hiện gần đây dưới sự lãnh đạo của các nhà khoa học Mỹ (ví dụ như Luis Alvarez, Eugene Shoemaker, David Morrison, v.v…). Bất chấp sức nặng của quan điểm chính thống này, điều được nhận ra ở đây là ảnh hưởng của sao chổi trên mặt đất nói chung là mạnh hơn ảnh hưởng của tiểu hành tinh trong cả những tác động dài hạn và ngắn hạn (trỏ đến những ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa sinh học và địa chất và tiến hóa của nền văn minh con người). Cơ sở cho lý luận này là trong khoảng thời gian dài (tương đương với quá trình tiến hóa sinh học và địa chất), nguồn vào của các vật thể vũ trụ chủ yếu bao gồm những sao chổi kích thước lớn hơn 100 km, sau đó vỡ ra thành những vật thể kích thước nhỏ hơn 1 km trong những khoảng thời gian ngắn (tương đương với nền văn minh con người). Khoảng cách thời gian trung bình giữa các va chạm với những sao chổi và tiểu hành tinh kích thước ở giữa là xấp xỉ 1 – 10 triệu năm. Xét về mục đích phòng vệ hành tinh, việc chỉ tập trung vào những thảm họa xảy ra trong khoảng tần số hẹp này thực sự là vô lý.

Đề cập của Clube đến những ý tưởng “khoa học chính thống” về sao chổi và tiểu hành tinh chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong cuộc tranh luận này.

Cuộc tranh luận này là giữa tiểu hành tinh và sao chổi. Tiểu hành tinh là những vật thể đá rắn và có khoảng 1000 vật thể như vậy với kích thước 1 km trở lên bay cắt ngang qua quỹ đạo Trái Đất. Chúng được gọi là các tiểu hành tinh Apollo. Các nhà thiên văn học theo “trường phái Mỹ” tin rằng những vật thể này là mối đe dọa chính đối với Trái Đất và nhân loại và họ tập trung vào việc tìm kiếm, theo dõi và tính toán quỹ đạo của chúng. Trường phái này tin rằng nếu tất cả các tiểu hành tinh đều được tính toán quỹ đạo và những cái đe dọa đến chúng ta được giải quyết, Trái Đất sẽ an toàn trong tương lai. Ước tính của họ là chúng ta chỉ bị tấn công bởi một trong những em bé này khoảng một lần trong 100.000 năm hoặc lâu hơn.

Vào thời điểm này, các nhà thiên văn học theo trường phái Mỹ đã tìm ra và theo dõi khoảng 700 trong số ước tính 1000 tiểu hành tinh như vậy và cho đến nay, không một cái nào trong số chúng có khả năng va chạm với Trái Đất trong tương lai gần. Đến cuối năm 2008, họ dự tính sẽ xác định được 90% những mối đe dọa tiềm năng này.

Dĩ nhiên, họ không nói đến những vật thể nhỏ hơn 1 km vì họ tin rằng chúng mang lại ít rủi ro hơn nhiều ngay cả khi chúng lao vào Trái Đất.

Vậy là “trường phái Mỹ” tin rằng cùng với thời gian và công nghệ cao của Hoa Kỳ, họ có thể khảo sát tất cả mọi thứ quanh chúng ta và giữ cho khoảng không gian của chúng ta trong vũ trụ “dưới tầm kiểm soát”.

Điều mà họ nói, như Baillie đã chỉ ra một cách sắc sảo, là như sau: Có những vật thể bay qua quỹ đạo Trái Đất nhưng chúng rất hiếm khi tấn công chúng ta (chỉ một lần trong khoảng 100.000 năm), nhưng họ sẽ giữ cho chúng ta an toàn bằng cách tìm ra tất cả chúng và nghĩ ra cách tiêu diệt những vật thể CÓ THỂ gây ra mối đe dọa vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Tất nhiên, họ cho rằng nếu họ tìm ra cái nào trong số chúng có thể là mối đe dọa sau khi tính toán quỹ đạo, họ sẽ có thời gian để giải quyết nó.

Trong tạp chí “Thế giới Thiên văn học Tiểu hành tinh”, không có bất cứ va chạm nghiêm trọng nào trong vài ngàn năm qua, và họ sẽ giữ cho nó cứ tiếp tục như vậy!

Thật là điển hình kiểu Mỹ! Đừng lo, cô em, John Wayne và đám cao bồi của anh ta sẽ tháp tùng đoàn xe và diệt sạch bọn da đỏ ngoài vòng pháp luật!

Rõ ràng Victor Clube không phải là một thành viên của trường phái Mỹ.

Trường phái “Nguy cơ Sao chổi” có cơ sở chủ yếu ở Anh và họ suy nghĩ rất khác so với trường phái tiểu hành tinh “chính thống” ở Mỹ.

Sao chổi được cho là khác với các tiểu hành tinh vì chúng được tạo thành từ nước đá, khí đóng băng, vật chất hữu cơ và vài mẩu đá với kim loại. Lý thuyết chính thống (có thể cần sửa đổi theo lý thuyết vũ trụ điện) nói rằng sao chổi bị nóng lên khi chúng bay qua hệ mặt trời và điều này gây ra thoát khí. Đấy là lúc chúng ta nhìn thấy chúng như những vật thể sáng rực với chiếc đuôi dài.

Sau vài lần bay qua hệ mặt trời, một số sao chổi “thoát khí” hoàn toàn và tất cả những gì còn lại là một “cục đá rất đen” với một kích thước nhất định, thường là đường kính ít nhất vài km. Lý do một sao chổi thoát khí hết trở nên đen đến như vậy có khả năng là do những hợp chất hữu cơ tập trung trên bề mặt sao chổi như một lớp nhựa đường. Những vật thể như vậy, khác với các tiểu hành tinh, rất khó phát hiện bởi vì chúng không phản xạ ánh sáng.

Sao chổi cũng để lại những dải bụi và mảnh vỡ trong hệ mặt trời và Trái Đất đi qua những dải như vậy theo định kỳ. Khi điều này xảy ra, thường xảy ra những trận mưa sao băng mà thực chất là các hạt bụi từ sao chổi bốc cháy trong bầu khí quyển.

Sao chổi cũng có thể vỡ ra thành những mảnh nhỏ hơn, nhưng vẫn còn khá lớn.

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng trong một dải bụi sao chổi còn có một số mảnh sao chổi khá lớn, màu đen và không thấy được. Nếu bạn không nhìn thấy chúng, bạn không làm gì được với chúng. Và khi chúng va chạm, chúng có xu hướng cháy hay nổ tung trong bầu khí quyển (ví dụ sự kiện Tunguska), do vậy chúng không để lại những dấu tích lâu bền như là những hố lớn để các nhà khảo cổ học sau đó có thể tìm thấy và nói “Vâng, sự sụp đổ của nền văn minh này là do một cuộc tấn công từ vũ trụ”. Không, chỉ có lửa, chết chóc và tàn phá, đôi khi hoàn toàn.

Tất cả những thứ đó có nghĩa là vấn đề sao chổi không có một giải pháp dễ dàng.

Các nhà khoa học theo trường phái Nguy cơ Sao chổi đề xuất rằng sự kiện Tunguska là do một mảnh sao chổi Encke. Những nhà khoa học này giờ còn có THỰC TIỄN của việc các mảnh sao chổi Shoemaker-Levy lao vào sao Mộc tháng 7/1994 để minh họa cho vấn đề chúng ta đang đối mặt với. Như đã đề cập ở trên, các nhà khoa học theo trường phái Nguy cơ Sao chổi cũng nghĩ rằng những va chạm với chúng là thường xuyên hơn nhiều so với nhiều người nghĩ.

Các mảnh sao chổi Shoemaker-Levy lao vào sao Mộc

Vậy, tóm tắt lại: có hai trường phái rất khác nhau nghiên cứu các nguy cơ từ vũ trụ. Trường phái tiểu hành tinh nói rằng đã từng có rất ít va chạm và vấn đề có thể giải quyết được. Trường phái sao chổi nói có bằng chứng rằng đã từng có rất nhiều va chạm với các mảnh vụn sao chổi dẫn đến những tác động sâu sắc lên nền văn minh con người, và sẽ lại có va chạm nữa, có thể là trong tương lai rất gần.

Được rồi, bây giờ chúng ta hãy xem các tóm tắt của Victor Clube về vấn đề này. Ông viết:

Va chạm với các tiểu hành tinh, mặc dù quan trọng, không phải là nguy cơ ngắn hạn nghiêm trọng nhất đối với nhân loại hay nền văn minh.

Cứ mỗi 5 – 10 thế hệ, trong khoảng một thế hệ, loài người gặp phải nguy cơ cao của những chấn động toàn cầu thông qua một cơ chế vũ trụ khác.

Cơ chế vũ trụ này là một đoàn các mảnh vụn sao chổi “kiểu Shoemaker-Levy” dẫn đến hàng loạt những va chạm giữa Trái Đất với những thiên thạch dưới 1 km.

Với nguy cơ là khoảng 10%, các chấn động toàn cầu có thể xảy ra dưới dạng như sau (a) nhiều vụ bắn phá cỡ megaton, (b) suy thoái khí hậu thông qua tích lũy bụi ở tầng bình lưu, có thể dẫn tới kỷ nguyên băng hà, và (c) hậu quả dịch bệnh không kiểm soát được.

Ảnh hưởng của chuỗi sự kiện này lên các thế hệ gặp phải nó có thể là rất nghiêm trọng bởi vì, cho dù nguy cơ có được nhận ra hay không, nền văn minh thường trải qua những giai đoạn chuyển đổi bạo lực, ví dụ cách mạng, di cư và sự sụp đổ của nền văn minh.

Những giai đoạn chuyển đổi như vậy sau đó thường bị coi là vô nghĩa và mang lại sự bối rối cho giới cầm quyền tầm cỡ quốc gia, thậm chí đến mức các bằng chứng lịch sử và thiên văn của mối nguy cơ bị đẩy ra ngoài lề và trấn áp.

Tuy nhiên, một khi mối nguy cơ được nhận ra và hồi sinh, “sự giác ngộ” như vậy có thể kích thích một giai đoạn chuyển đổi bạo lực bởi vì mọi người giờ đòi hỏi các bằng chứng lịch sử và thiên văn đó.

Những biến động như vậy cộng với các biến động tự nhiên rõ ràng là làm trầm trọng thêm vấn đề và do vậy cần những biện pháp loại trừ mối nguy cơ.

Khả năng công nghệ của chúng ta để chống lại (a) nhiều vụ bắn phá cỡ megaton và (b) tích lũy bụi ở tầng bình lưu cần được khám phá.

Các thiên thạch dưới 1 km đi gần Trái Đất thường chỉ được phát hiện trước một khoảng thời gian rất ngắn. Do vậy, cần những biện pháp khác với những biện pháp đang được dùng cho các tiểu hành tinh trên 1 km và sao chổi.

Vậy, câu hỏi là: nếu có thậm chí chỉ là 10% khả năng chúng ta đối diện với một sự kiện kiểu Shoemaker-Levy, tại sao không ai làm gì hết?

Vâng, có thể họ có làm. Có thể tất cả cuộc Chiến tranh Chống Khủng bố và việc chiếm quyền kiểm soát tài nguyên này về bản chất là cách mà kẻ thái nhân cách giải quyết mối đe dọa đến sự sống còn của chúng. Có thể nó không phải là Bóng chiều của Lũ Thái nhân cách như Kevin Barrett muốn nghĩ… mà là Bóng chiều của Nhân loại, nếu chúng ta không tỉnh dậy sớm.

Nhận xét: Ngoài sự kiện Tunguska vào năm 1908 và sao chổi Shoemaker-Levy vào năm 1994, gần đây chúng ta còn có sự kiện Chelyabinsk nơi mà vào ngày 15/2/2013, một thiên thạch với đường kính ước tính 17 m đã nổ tung trong khí quyển, giải phóng năng lượng tương đương 500 kiloton (500 ngàn tấn thuốc nổ TNT). Có vẻ nhân loại đang được nhận những lời "nhắc nhở" ngày càng cấp bách hơn. Đáng tiếc là những kẻ thái nhân cách cai trị thế giới này chỉ lo thỏa mãn lòng tham không đáy của chúng thay vì lo lắng cho nhân loại.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.