Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Tiết lộ mới về Cái Chết Đen: Mối liên quan virus và vũ trụ

Địa ngục trần gian: Bức tranh Chiến thắng của Thần chết của họa sĩ Pieter Bruegel
lột tả cảnh hoang tàn và nỗi kinh hoàng sau đại dịch Cái Chết Đen ở châu Âu thời Trung Cổ

Tác giả: Gabriela Segura, M.D.
Nguồn: Sott.net
Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại

“Sao chổi là những ngôi sao xấu xa. Mỗi khi chúng xuất hiện ở phía nam, chúng xóa sạch cái cũ và lập nên cái mới. Cá đổ bệnh, vụ mùa thất bát, vua và dân thường lăn ra chết, trai tráng ra chiến trường đánh giết lẫn nhau. Dân chúng căm ghét cuộc sống và thậm chí không muốn nói về nó.” - Lý Thuần Phong, Tổng quản Phòng Thiên văn Hoàng gia Trung Quốc, năm 648.

Năm 2007, một thiên thạch rơi xuống Puno, đông nam Peru. José Macharé - nhà khoa học thuộc Viện Địa chất, Khai thác mỏ và Luyện kim ở Peru - nói rằng hòn đá vũ trụ rơi gần một khu vực lầy lội cạnh Hồ Titicaca, làm nước sôi khoảng 10 phút, hòa lẫn với đất và phát ra một đám mây màu xám. Thành phần của đám mây đó vẫn còn chưa rõ. Loại trừ khả năng chất độc phóng xạ, đám mây độc này được cho là đã gây đau đầu và vấn đề về hô hấp cho ít nhất 200 người trong một cộng đồng 1500 cư dân. Ngoài sự kiện này, chúng ta có hay nghe người dân đổ bệnh vì đá từ vũ trụ không? Còn chim, cá và các loài động vật khác thì sao? Các nhà chiêm tinh cổ đại coi sao chổi là một điềm xấu dẫn đến cái chết và nạn đói, nhưng còn nguyên nhân nào khác ngoài hậu quả về vật lý / cơ học của va chạm với sao chổi tàn phá môi trường mỏng manh của chúng ta mà chúng ta cần biết không?

Là một bác sĩ, tôi thường chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến y tế và sức khỏe, chứ không mấy khi nghiên cứu về lịch sử và thảm họa. Tuy nhiên, như nhiều người khác, tôi thấy những dấu hiệu của sự thay đổi khí quyển trên hành tinh của chúng ta mà nhiều chuyên gia cho rằng rất có thể là do tích tụ bụi sao chổi. Khi tôi đọc các tường thuật ngày càng nhiều về cầu lửa trên bầu trời ở khắp nơi trên thế giới và tôi biết những yếu tố này chắn chắn có ảnh hưởng nào đó lên sức khỏe cá nhân và cộng đồng, nó thúc đẩy tôi nghiên cứu tìm ra sự liên quan để có thể chuẩn bị tốt hơn cho những gì có thể đến trong tương lai của chúng ta. Nếu hành tinh của chúng ta đang đi vào một chu kỳ bắn phá mới của sao chổi, và nếu những sao chổi này mang các loài vi sinh vật mới mà hệ thống miễn dịch tập thể của nhân loại chưa từng biết tới, thì được cảnh báo trước có nghĩa là được chuẩn bị trước.

Theo nhà khoa học quá cố Fred Hoyle và Chandra Wickramasinghe của trường Đại học Wales tại Cardiff, virus có thể được phân bố khắp không gian vũ trụ bởi bụi trong các dải mảnh vụn sao chổi. Sau đó, khi Trái Đất đi qua những dải này, bụi và virus tích tụ trong khí quyển của chúng ta, nơi chúng có thể nằm lơ lửng trong nhiều năm cho đến khi trọng lực kéo chúng xuống. Họ so sánh và phát hiện nhiều dịch bệnh trong lịch sử trùng hợp với sự xuất hiện của sao chổi trên bầu trời. Hai nhà nghiên cứu này tin chắc rằng mầm mống gây ra các bệnh dịch và đại dịch đến từ vũ trụ.

Trong một bức thư đăng trên tạp chí Lancet [1], Wickramasinghe giải thích rằng một lượng nhỏ virus đi vào tầng bình lưu có thể rơi trước hết xuống phía đông dãy núi Himalayas, nơi mà tầng bình lưu là mỏng nhất, tiếp theo là rơi rải rác ở những vùng xung quanh. Liệu đây có phải lý do tại sao những chủng loại virus cúm mới có đột biến gen lớn và có thể gây ra đại dịch thường xuất hiện ở châu Á? Wickramasinghe lập luận rằng nếu một virus chỉ có khả năng lây nhiễm thấp, tiến trình toàn cầu sau đó của nó sẽ phụ thuộc vào quá trình vận tải và hòa trộn ở tầng bình lưu, dẫn đến sự reo rắc theo mùa trong vài năm sau đó. Do vậy, ngay cả khi tất cả mọi nỗ lực hợp lý đã được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan, ổ bệnh mới vẫn có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào.

Khoa học chính thống chế giễu ý tưởng rằng nếu có sự sống như vi khuẩn và virus trong vũ trụ, một số trong đó sẽ tự nhiên rơi xuống Trái Đất. Trong khi một số nhà nghiên cứu đồng ý là bụi sao chổi có thể chứa chất hữu cơ, họ lập luận rằng ngay cả khi lượng bụi đó đến được bầu khí quyển Trái Đất, nhiệt độ cao trong quá trình đi vào sẽ khiến bất cứ hợp chất hữu cơ nào trong đó bị tiêu hủy. Nhưng một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Thiên thạch và Khoa học Hành tinh (Meteoritics and Planetary Science) [2] cho thấy amino acid, nguyên liệu của sự sống, được tìm thấy trong một thiên thạch nơi mà các nhà khoa học nghĩ rằng không thể tồn tại. Tại sao? Bởi vì cục thiên thạch này được tạo ra khi hai tiểu hành tinh va vào nhau. Cú sốc của vụ va chạm làm nó nóng lên đến hơn 1100 độ C - đủ nóng để phá hủy tất cả các phân tử hữu cơ phức tạp như amino acid. Nhưng họ vẫn tìm thấy chúng ở đó, hơn nữa quá trình nghiên cứu trong bài viết cho thấy khả năng nhiễm bẩn từ bên ngoài là rất thấp. Ngoài amino acid, họ còn tìm thấy những khoáng chất chỉ hình thành dưới nhiệt độ cao, cho thấy chúng thực sự được tạo ra trong một vụ va chạm cực mạnh. Jennifer Blank ở dự án SETI đã làm thí nghiệm với amino acid trong nước và nước đá, và cho thấy chúng có thể sống sót nguyên vẹn ở những nhiệt độ và áp suất tương đương với điều kiện xảy ra khi một sao chổi đi vào khí quyển Trái Đất dưới góc nhỏ, hay trong một vụ va chạm giữa hai tiểu hành tinh.

Tiến sĩ Rhawn Joseph, đồng tác giả với Wickramasinghe trong cuốn sách Sinh học, Vũ trụ học, Sinh học Vũ trụ và Nguồn gốc của Sự sống (Biology Cosmology, Astrobiology, and the Origins and Evolution of Life) nói với chúng ta [3]

Các nhà thiên văn học cổ đại Trung Quốc ghi chép lại nhiều giai đoạn trong đó sao chổi xuất hiện trước bệnh dịch và thảm họa. Những quan sát tỉ mỉ được tập hợp vào năm 300 trước Công nguyên trong cuốn sách được biết đến dưới cái tên “Sách Lụa Mã Vương Đôi” (Mawangdui Silk). Nó mô tả 29 dạng sao chổi khác nhau và các thảm họa liên quan đến chúng, từ tận năm 1500 trước Công nguyên.
Sách Lụa Mã Vương Đôi mô tả 29 dạng sao chổi khác nhau và
các bệnh tật cùng thảm họa liên quan đến chúng, từ năm 1500 TCN

Joseph chỉ ra rằng châu Âu thời trung cổ và châu Mỹ thời thuộc địa là những nơi mà người ta quan sát thấy sao chổi xuất hiện trùng hợp với đại dịch và bệnh tật. Ông nói thêm rằng sao chổi Encke, nhiều khả năng là khởi nguồn của vật thể gây ra sự kiện Tunguska và đại dịch cúm năm 1918, cũng trùng khớp. Ông viết:

… trong năm 2005, các nhà khoa học từ Viện Bệnh học của Các Lực lượng Vũ trang (Armed Forces Institute of Pathology) tại Washington D.C. làm sống lại virus cúm năm 1918 từ những thi thể được bảo quản trong lòng đất đóng băng vĩnh cửu của Alaska. Họ sớm phát hiện ra rằng một loại virus hoàn toàn mới đã kết hợp với một loại virus cũ, trao đổi và tái kết hợp gen, để tạo ra một virus lai. Quá trình này chuyển hóa những chủng virus cúm nhẹ thành những dạng nguy hiểm và dễ lan truyền hơn nhiều. Họ cũng xác nhận rằng virus cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến từ trên trời, trước hết lây nhiễm trong các loài chim và sau đó mới lan truyền và phát triển ở người.

Joseph lập luận rằng vi sinh vật và chuỗi virus nằm trên mảnh vỡ sao chổi và những hạt nhỏ hơn rơi vào tầng trên của khí quyển khi mảnh vỡ và bụi sao chổi va chạm với trái đất. Sau đó chúng trôi từ từ theo các dòng khí, đôi khi ở trên không hàng năm trời, lan tỏa dọc ngang khắp hành tinh và nhẹ nhàng rơi, cho đến khi cuối cùng chúng đáp xuống bất kỳ cái gì chúng gặp trên bề mặt trái đất - có thể là đại dương, sông ngòi, thú vật, cây cối, con người. Trên thực tế, người ta biết rằng vi sinh vật tồn tại với số lượng đáng kể trong khí quyển Trái Đất và chúng được tìm thấy trong các mẫu không khí thu thập ở những độ cao từ 41 km đến 77 km. Những cơ chế tự nhiên đưa vi sinh vật vào khí quyển là bão, núi lửa, gió mùa và va chạm với sao chổi.

Chúng ta biết rằng vật thể Tunguska nổ tung trong bầu khí quyển vào tháng 6 năm 1908, nhưng mãi đến năm 1927 các nhà khoa học cuối cùng mới tìm đến được vùng bị ảnh hưởng ở Siberia. Không một mảnh vỡ nào của vật thể ban đầu bị nổ tung có thể được tìm thấy, nhưng quá trình nghiên cứu thực địa sau đó phát hiện những hạt kỳ lạ hình cầu màu đen, sáng bóng ánh kim loại trong lớp đất của nhiều hố thiên thạch nhỏ, nông, hình bầu dục - đường kính 50 đến 200 mét - tương tự như các hố thiên thạch tại Vịnh Carolina. Những hạt hình cầu này có thành phần đặc trưng của vật thể ngoài Trái Đất, với nồng độ iridium, niken, coban và một số kim loại khác rất cao. Hàm lượng cao bất thường của cùng những kim loại đó sau này được tìm thấy trong các lõi băng Nam Cực - nhưng tại lớp tương ứng với năm 1912. [4] Thế nghĩa là cần bốn năm để những kim loại đó rơi từ tầng bình lưu xuống bề mặt Trái Đất. Có phải vật thể Tunguska là nguồn của những chủng loại virus mới chưa bao giờ được nhìn thấy trên Trái Đất không?

Một nghiên cứu tiến hành gần địa điểm của sự kiện Tunguska tìm thấy nồng độ đáng kể những vi sinh vật có thể nhân giống được trên bầu trời tây nam Siberia ở các độ cao từ 0,5 – 7 km, một khoảng tương tự như độ cao 5 – 10 km nơi vật thể vũ trụ Tunguska tương tác với khí quyển Trái Đất. [5]

Joseph nhắc nhở chúng ta rằng vi sinh vật phát triển mạnh trong thời tiết lạnh là những cư dân thành công nhất của hành tinh này. Trên thực tế, chúng thích nghi một cách hoàn hảo với cuộc sống trên một số vật thể đông cứng di chuyển trong không gian vũ trụ. “Tác động lâu dài của nhiệt độ dưới không không nên bị coi là một yếu tố tiêu cực cực đoan mà là một yếu tố tạo sự ổn định, hỗ trợ cho khả năng tồn tại của vi sinh vật.” (D. A. Gilichinsky, "Mô hình Đóng băng Vĩnh cửu của Môi trường sống Ngoài Hành tinh (Permafrost Model of Extraterrestrial Habitat)" trong Sinh học Thiên văn (Astrobiology), biên tập bởi G. Horneck & C. Baumstark-Khan, Springer, 2002). Hỗ trợ cho lập luận này, người ta biết rằng Richard Hoover của NASA đã phát hiện vi sinh vật trong lõi băng cổ đại hơn 4000 năm tuổi, khoan từ Hồ Vostok gần cực nam Trái Đất. Những sinh vật này được tìm thấy cùng với các hạt bụi cổ đại rơi từ vũ trụ. Hơn nữa, những vi sinh vật tìm thấy tại Hồ Vostok gia tăng về số lượng khi số lượng hạt bụi gia tăng (S. Abyzov và các cộng sự, Vi sinh học (Microbiologiya), 1998, 67: 547). [3]

Joseph và Wickramasinghe cũng xem xét và cung cấp bằng chứng rằng vi khuẩn có thể đi từ hành tinh này đến hành tinh khác và hệ mặt trời này đến hệ mặt trời khác trong khi được bao bọc trong các tiểu hành tinh, sao chổi và mảnh vỡ vũ trụ khác, và rằng chúng có thể sống sót qua sự va chạm và sức nóng khi đi ra và đi vào bầu khí quyển. Đây là cái gọi là lý thuyết Panspermia. [6]

Họ lập luận rằng vi khuẩn và virus có thể cho và nhận DNA, và lập luận này được hỗ trợ bởi một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nature Communications. [7] Nghiên cứu này làm sáng tỏ cách vi khuẩn hòa nhập DNA ngoại lai từ những virus xâm nhập vào quá trình điều tiết của chúng. Thomas Wood, giáo sư tại khoa Kỹ thuật Hóa học Artie McFerrin của trường Đại học Texas A&M, giải thích cách virus tự nhân bản bằng cách xâm nhập vào vi khuẩn và tích hợp chính nó vào các nhiễm sắc thể của vi khuẩn. Virus sau đó có thể tự nhân bản và giết chết vi khuẩn. Do đã tích hợp chính nó vào nhiễm sắc thể của vi khuẩn, bản thân virus cũng có thể trải qua đột biến gen.

Quay lại với Cái Chết Đen

Lấy cảm hứng từ Cái Chết Đen, bức tranh Điệu Múa Tử Thần mang tính hình tượng về
việc cái chết có ở khắp nơi. Đây là một mô típ tranh phổ biến vào cuối thời trung cổ.

Cái Chết Đen di chuyển không ngừng về phía bắc xuyên qua châu Âu như một cơn sóng khổng lồ. Nó đi rất nhanh trong thời gian đầu, từ tháng 12 năm 1347 đến tháng 6 năm 1348 khi nó lây lan qua nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha và vùng Balkans. Vượt qua dãy núi Alps và Pyrenees, cuối cùng nó đến Thụy Điển, Na Uy và biển Baltic và tháng 12 năm 1350. Nhiều ngôi làng mất toàn bộ dân số và bị xóa sổ, nhưng trong tiến trình của căn bệnh, cũng có những vùng mà nó tránh hoàn toàn. Cái Chết Đen ở lại châu Âu trong ba thế kỷ tiếp theo và cuối cùng biến mất vào thế kỷ 17, khi châu Âu ở đỉnh cao quyền lực.

Tại sao nó xuất hiện, lây lan và rồi biến mất như vậy? Một loại virus mới trước đây chưa từng có, hình thành dưới các điều kiện tạo ra bởi va chạm từ vũ trụ, có thể là rất nguy hiểm đối với cộng đồng dân số không được miễn dịch với nó từ trước (ý tôi ở đây là miễn dịch tự nhiên). Nhưng cùng với việc sự miễn dịch dần dần được hình thành trong cộng đồng, diễn biến của căn bệnh hoặc bản thân căn bệnh có thể thay đổi.

Có những bằng chứng thuyết phục rằng Cái Chết Đen không phải là sự bùng phát của bệnh dịch hạch mà trên thực tế được gây ra bởi một loại virus xuất huyết. Lập luận này được tổng hợp trong cuốn sách Sự Trở lại của Cái Chết Đen (Return of the Black Death) [8] trong đó Susan Scott và Christopher Duncan từ trường Đại học Liverpool cẩn thận ghép tất cả các manh mối có thể vào với nhau. Họ theo dõi bệnh dịch từ khi nó mới xuất hiện một cách bất thình lình và ghi chép lại những tác động thảm khốc chưa từng có mà nó gây ra đối với nền văn minh châu Âu - chết chóc trên quy mô không thể tưởng tượng nổi. Nó cũng rất có thể xảy ra một lần nữa vào bất cứ lúc nào.

Nghiên cứu hồ sơ giáo xứ và dữ liệu lịch sử được lưu lại tại các tỉnh của Anh, sử dụng thông tin về những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của những con người thật kết hợp với mô hình máy tính, Duncan và Scott đã không chỉ có thể ước tính khoảng thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng cho đến lúc tử vong mà còn thiết lập những điểm dưới đây về đại dịch này:

  • Một ổ dịch được ghi nhận là bắt đầu khi có một du khách hay người lạ đến, hay người địa phương trở về từ vùng nơi bệnh dịch được biết là đang hoành hành.

  • Bệnh dịch tiến triển chính xác theo cùng một cách trong mỗi lần bùng phát.

  • Tuy nhiên, có hai loại bệnh dịch khác nhau ở Anh, chi phối bởi quy mô và mật độ dân số.

  • Một đợt dịch bệnh điển hình kéo dài trong 8 đến 9 tháng, từ mùa xuân đến tháng 12.

  • Tỷ lệ tử vong thường khoảng 40% dân số, mặc dù họ không biết được có bao nhiêu người bỏ đi ngay khi có dấu hiệu bệnh dịch đầu tiên.

Không chỉ vậy, họ còn thiết lập được những dữ liệu thống kê quan trọng về bệnh dịch như sau:

  • Giai đoạn tiềm ẩn: 10 – 12 ngày

  • Giai đoạn lây nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng: 20 – 22 ngày

  • Thời gian ủ bệnh: 32 ngày

  • Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng cho đến khi chết: 5 ngày

  • Tổng thời gian lây nhiễm: khoảng 27 ngày, giả định rằng bệnh nhân vẫn có thể lây nhiễm cho đến khi chết, mặc dù có thể là khả năng lây nhiễm giảm đi khi các triệu chứng xuất hiện.

  • Thời gian trung bình từ khi lây bệnh đến khi chết: 37 ngày

Các tác giả rất ngạc nhiên khi họ có thể tính ra những số liệu thống kê này cho hơn 50 ổ dịch khác nhau ở Anh và xác minh thời gian tiềm ẩn và lây nhiễm trong nhiều trường hợp. Sự tương ứng với thời gian “kiểm dịch” 40 ngày từng được xác định là thành công rộng rãi trong việc phòng chống bệnh dịch củng cố cho kết luận của họ. Từ dữ liệu có sẵn tại các nước khác, họ lập luận một cách thuyết phục rằng những số liệu thống kê này đúng cho Cái Chết Đen trên khắp châu Âu. Rõ ràng chìa khóa cho sự lây lan rộng rãi của đại dịch này trong thời Trung Cổ nằm ở thời gian ủ bệnh đặc biệt dài của nó.

Mọi căn bệnh truyền nhiễm đều có giai đoạn ủ bệnh, kể từ khi một người bị lây nhiễm cho đến khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, và giai đoạn lây nhiễm khi người đó có thể truyền căn bệnh cho người khác. Giai đoạn tiềm ẩn là thời gian sau khi một người bị lây nhiễm trong đó mầm bệnh sinh sôi cho đến khi bệnh nhân trở nên truyền nhiễm. Nếu giai đoạn tiềm ẩn ngắn hơn giai đoạn ủ bệnh, người nhiễm bệnh sẽ có thể truyền bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện, và người đó có thể truyền bệnh cho người khác mà không biết. Cuối cùng thì căn bệnh đi hết quá trình trong cơ thể, và để dịch bệnh có thể tiếp tục, nó phải truyền nhiễm được cho ít nhất một người nữa trong cả quá trình.

Trong các triệu chứng của dịch bệnh này, có những tường thuật như sau:

  • Nạn nhân thường biểu hiện triệu chứng trong khoảng năm ngày trước khi chết. Nhưng theo một số tường thuật thời đó, giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 đến 12 ngày.

  • Dấu hiệu chẩn đoán chính là sự xuất hiện của những đốm xuất huyết, thường là màu đỏ, nhưng cũng có thể có màu từ xanh dương cho đến màu tím hoặc từ màu da cam đến màu đen. Chúng thường xuất hiện ở ngực, nhưng cũng có khi thấy ở cổ, tay, chân và có nguyên nhân do xuất huyết dưới da vì các mạch máu bị tổn thương. Chúng được gọi là những “dấu hiệu của Chúa”.

  • Nhiều loại sưng tấy như nhọt, loét, hạch cũng là đặc trưng của căn bệnh này. Các hạch là những tuyến bạch huyết bị sưng, thường ở cổ, nách, bẹn. Nếu các hạch không nổi lên và vỡ, có rất ít cơ hội sống sót, nhưng nếu chúng vỡ, có vẻ như sốt sẽ giảm.

  • Sốt, nôn mửa liên tục, tiêu chảy và chảy máu kéo dài từ mũi là những đặc điểm bổ sung khác. Ngoài ra còn có triệu chứng nước tiểu có máu, khát đến cháy họng, và trong một số trường hợp người bệnh phát điên hoặc mê sảng.

  • Khám nghiệm tử thi cho thấy các cơ quan nội tạng bị hoại tử hàng loạt. Đây đúng là một cách chết khủng khiếp. Nạn nhân bị chết do các cơ quan nội tạng chết và hóa lỏng dần dần.

Cái Chết Đen từ Kinh Thánh Toggenburg
Minh họa về Cái Chết Đen từ Kinh Thánh Toggenburg (1411)

Do không có ai từng tiếp xúc với căn bệnh trước đó, hầu như tất cả những ai tiếp xúc với một người mắc bệnh đều bị nhiễm bệnh và chết, nhưng cũng có tường thuật về một số người có vẻ có miễn dịch tự nhiên đối với căn bệnh mới này. Liệu có phải tổ tiên họ từng tiếp xúc với một bệnh dịch tương tự trong quá khứ? Hay họ mang một đột biến gen đặc biệt nào đó khiến họ miễn dịch, hay hệ thống miễn dịch của họ đủ mạnh để chống lại căn bệnh như vậy?

Thế còn bệnh dịch hạch thì sao?

Trái ngược với lẽ thường, bệnh dịch hạch được hầu như tất cả mọi người tin tưởng chắc chắn là nguyên nhân của Cái Chết Đen, mặc dù điều đó đã được xác định là không thể được về mặt sinh học.

Bệnh dịch hạch là một căn bệnh mang trên cơ thể những động vật gặm nhấm như chuột và nó được truyền từ chuột sang người thông qua bọ chét. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Yersinia pestis. Một số chuột có khả năng đề kháng thấp và sẽ chết, trong khi những con khác có khả năng đề kháng cao và sống sót sau khi nhiễm bệnh. Đây là điều quan trọng, bởi vì căn bệnh sẽ biến mất nếu tất cả chuột đều không có khả năng đề kháng. Nó chỉ có thể tồn tại ở một khu vực nơi có sự cân bằng giữa lượng chuột có khả năng đề kháng thấp và đề kháng cao.

Scott và Duncan giải thích tại sao vi khuẩn Yersinia pestis chưa bao giờ tồn tại trong cộng đồng động vật gặm nhấm ở châu Âu vì chúng không có khả năng đề kháng. Bên cạnh đó, những loài chuột duy nhất sống tại châu Âu hoặc là đến đó khoảng 60 năm sau khi bệnh dịch kết thúc, hoặc không thể sống sót mà không có khí hậu ấm áp, điều khiến chúng không thể lan truyền bệnh nhanh chóng trong mùa đông được. Họ lập luận:

...người ta biết rằng Cái Chết Đen được mang qua biển tới Iceland và rằng có hai dịch bệnh nghiêm trọng đã được xác nhận trong thế kỷ 15. […] Tuy nhiên, người ta cũng biết rằng không có con chuột nào tồn tại trên hòn đảo này trong suốt ba thế kỷ xảy ra Cái Chết Đen. Sự lan truyền của căn bệnh tiếp tục trong mùa đông khi mà nhiệt độ trung bình là dưới -3 độ C, nhiệt độ nơi mà sự lan truyền thông qua bọ chét là điều không thể. Người ta cũng đồng ý rằng không có sự đề cập đến chuột chết trong bất cứ tường thuật nào của thời đó về Cái Chết Đen. Điều kiện lý tưởng để bọ chét đẻ trứng là nhiệt độ từ 18 đến 27 độ C và độ ẩm tương đối 70%, trong khi nhiệt độ dưới 18 độ C ức chế việc đẻ trứng. Các nhà nghiên cứu đã thu thập tất cả những dữ liệu có thể về khí hậu miền trung nước Anh trong thời gian Cái Chết Đen và chưa bao giờ nhiệt độ trung bình trong tháng 7 - 8 vượt quá 18,5 độ C.

Ngay nước Anh, chứ đừng nói đến Iceland hay Thụy Điển, cũng không có một khí hậu có khả năng duy trì những đợt bùng phát thường xuyên của bệnh dịch hạch lây lan qua bọ chét. Ngay từ đầu, người dân châu Âu thời trung cổ nhận ra rằng đó là một bệnh truyền nhiễm lây trực tiếp từ người này qua người khác, chứ không phải là một căn bệnh liên quan đến, hay đến từ chuột.

Có hai thể bệnh dịch hạch ở người: thể hạch và thể viêm phổi. Bệnh nhân dịch hạch ở thể hạch không lây truyền cho người khác. Bệnh dịch hạch ở thể viêm phổi có khả năng truyền nhiễm, nhưng nó chỉ xuất hiện trong khoảng 5% số ca dịch hạch. Nghĩa là nó không thể xảy ra mà không có những ca thể hạch và nó không thể duy trì mãi một cách độc lập. Nó xảy ra khi vi khuẩn đi vào phổi, và thời gian từ khi nhiễm bệnh đến cái chết do dịch hạch thể viêm phổi là 5 ngày chứ không phải 37 ngày.

Scott và Duncan lưu ý đến một số yếu tố trỏ đến tác nhân gây bệnh của Cái Chết Đen là một loại virus. Tác nhân gây bệnh có vẻ như cũng rất ổn định. Nếu có đột biến gen, nó cũng không làm thay đổi tiến trình của căn bệnh, ít nhất là trong 300 năm. Người ta tin rằng bệnh dịch này lây truyền thông qua những giọt nước rất nhỏ trong không khí. Các báo cáo thời đó cho rằng một người được an toàn nếu đứng cách người bệnh ít nhất 4 mét ở ngoài trời. Điểm thú vị nhất là trong cư dân châu Âu, những người mang đột biến gen CCR5-Δ32 có tỷ lệ sống sót cao hơn nhiều. Đột biến gen này dẫn đến việc xóa đi một phần gen CCR5 có nhiệm vụ mã hóa một loại protein được sử dụng như một loại cổng vào bởi một số virus. Đột biến gen này khiến người mang nó có khả năng đề kháng với virus HIV-1 và có thể đã khiến họ đề kháng với Cái Chết Đen.

Virus gây ra Cái Chết Đen không tồn tại trong những virus được biết đến hiện nay, mặc dù các triệu chứng của nó tương tự như triệu chứng của bệnh Ebola, Marburg và một số bệnh sốt xuất huyết - những căn bệnh gây ra bởi filovirus. Chúng có tỷ lệ tử vong cao và có xu hướng xảy ra trong những đợt dịch bùng nổ dữ dội do lây truyền từ người sang người. Những đợt dịch bùng phát xảy ra không theo quy luật và cho đến nay, không một loại động vật chứa nào được biết đến.

Những đại dịch tương tự đã được mô tả trong thời cổ đại, ví dụ như đại dịch tàn phá thành Athens năm 430 trước Công nguyên mà Joseph và Wickramasinghe cho rằng tác nhân gây bệnh cũng bắt nguồn từ sao chổi. [9] Cũng như với Cái Chết Đen, đại dịch ở Athens xảy ra trong một vùng địa lý nhất định; nó suy giảm và biến mất cũng đột ngột như khi nó bắt đầu và không một loại bệnh nào được biết đến hiện nay khớp với những mô tả về nó bởi nhà sử học Thucydides.

Những căn bệnh này biến đi đâu? Có phải virus Cái Chết Đen đột biến gen và gây ra những căn bệnh đáng sợ khác? Điều mà chúng ta biết là một loại bệnh đậu mùa độc tính cao xuất hiện vào thập kỷ 1630. Và ngay khi Cái Chết Đen biến mất khỏi sân khấu lịch sử, bệnh đậu mùa thay vị trí của nó để trở thành căn bệnh đáng sợ nhất đối với nhân loại. Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Virus đậu mùa, không giống như tác nhân gây bệnh của Cái Chết Đen, có sức đề kháng cao với nhiệt độ lạnh, khiến nó trở thành một virus có sức sống bền bỉ. Theo các dữ liệu thu thập bởi Scott và Duncan mô tả tiến trình bệnh lý của Cái Chết Đen, bệnh đậu mùa dạng xuất huyết gần như giống hệt với Cái Chết Đen.

Nhưng có va chạm với sao chổi nào xảy ra vào thời điểm của Cái Chết Đen không?

Nếu bạn đọc bài đặc biệt của tạp chí Nối Điểm Thành Hình (The Dot Connector Magazine) số 11 (xem cả bài Thời đại Vàng son, Thái nhân cách và Đợt Tuyệt chủng thứ sáu - The Golden Age, Psychopathy and the Sixth Extinction), bạn có lẽ đã biết câu trả lời là có. Những đợt bùng phát bệnh dịch thường trùng hợp với thời kỳ khan hiếm lương thực, đói kém, lũ lụt, người dân nổi dậy và chiến tranh tôn giáo. Tại một số nước thì có núi lửa phun trào, động đất và nạn đói. Và không chỉ những đợt bùng phát bệnh dịch trùng hợp với va chạm sao chổi mà bản thân các trận động đất cũng có thể là dấu hiệu của va chạm sao chổi. Nhà nghiên cứu vòng tuổi cây Mike Baillie ở trường Đại học Nữ hoàng, Belfast, Ireland viết về vấn đề này trong cuốn sách của ông: Tiết lộ mới về Cái Chết Đen: Mối Liên quan Vũ trụ (New Light on the Black Death: The Cosmic Connection). [10]

Baillie so sánh các vòng tuổi cây với những mẫu lõi băng đã được phân tích, xác định tuổi, và phát hiện có ammonium. Người ta đã xác định mối liên hệ giữa ammonium trong các lõi băng và sự bắn phá từ vũ trụ lên bề mặt Trái Đất trong ít nhất bốn lần trong 1500 năm qua: năm 539, 626, 1014, năm 1908 - sự kiện Tunguska. Baillie chỉ ra những dấu hiệu giống hệt nhau xảy ra vào thời điểm Cái Chết Đen ở cả các vân vòng tuổi cây và mẫu lõi băng, và ở cả những thời điểm của các đại dịch khác trong lịch sử. Baillie chỉ ra rằng động đất có thể được gây ra bởi các vụ nổ sao chổi trong khí quyển hoặc thậm chí là những va chạm trên bề mặt Trái Đất. Trên thực tế, tín hiệu ammonium trong lõi băng trùng khớp với một trận động đất xảy ra vào ngày 25/1/1348. Ông liên hệ sự kiện này với những tường thuật trong thế kỷ 14 rằng bệnh dịch là do “sự hư hoại của bầu khí quyển” đến từ trận động đất này.

Sao chổi Halley
Một bức tranh vẽ năm 1456 mô tả sao chổi Halley khi nó bay qua gần Trái Đất

Khái niệm về những vật thể vũ trụ bay sượt qua bầu khí quyển hay va chạm trực tiếp với Trái Đất, và gửi xuống vi khuẩn hay virus, rồi những vi khuẩn và virus đó có thể kết hợp với vi sinh vật trên Trái Đất để tạo ra những chủng loại virus mới và đóng góp vào sự tiến hóa và bệnh tật trên Trái Đất, có vẻ thật là đáng sợ. Chúng ta có thể làm gì để chống lại những mối đe dọa truyền nhiễm như vậy? Liệu sự thay đổi trong chế độ ăn có ảnh hưởng đến sự xuất hiện và biến mất của bệnh tật không?

Chúng ta biết rằng khoảng thời gian giữa năm 500 và 1300 chứng kiến những thay đổi lớn trong chế độ ăn uống trên hầu hết châu Âu, khoảng thời gian trước khi xảy ra Cái Chết Đen. Nông nghiệp tập trung cao độ trên diện tích ngày càng lớn dẫn đến việc thịt bị thay thế bởi ngũ cốc và rau quả trong vai trò là thành phần chính trong chế độ ăn của đa số người dân. Thịt đắt hơn và do đó có vẻ sang hơn, và thường chỉ có mặt thường xuyên trên bàn ăn của giới quý tộc. Theo một số tường thuật, giới này rất ít bị ảnh hưởng bởi Cái Chết Đen. Vì vậy, rất có thể việc ăn thịt đóng vai trò bảo vệ về mặt dinh dưỡng chống loại các loại bệnh tật khác nhau, bao gồm cả Cái Chết Đen (dữ liệu khảo cổ học từ thời nguyên thủy thực sự hỗ trợ ý kiến này).

Chúng ta biết rằng ngũ cốc là nguồn của gluten, một protein rất khó để tiêu hóa và ngày càng nhiều người không có khả năng dung nạp nó do sự lai tạo hiện đại cho mục đích công nghiệp. Những chất phản dinh dưỡng như lectin trong ngũ cốc đã được biết là độc hại. Chất lectin trong lúa mì được biết là gây sưng tấy, độc hại với hệ thống miễn dịch, hệ thần kinh, tim mạch, có thể ảnh hưởng đến biểu hiện của gen, làm rối loạn chức năng nội tiết, có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa. Lectin cũng mang một số đặc tính bệnh học tương tự với một số loại virus - đáng ngạc nhiên phải không. [11] Một cộng đồng dân số với bánh mì là thành phần chính trong chế độ ăn chắc chắn là có sức đề kháng yếu với bệnh tật, và với đại dịch.

Khi đó thì như vậy, ngày nay chúng ta cũng ở trong tình trạng tồi tệ không kém do sự công nghiệp hóa nguồn thực phẩm của chúng ta. Thực phẩm thiếu dinh dưỡng, cộng với việc tiêu thụ ngũ cốc rộng rãi và độc chất đầy rẫy trong môi trường xung quanh (kim loại nặng, fluoride, chất phụ gia độc hại trong thực phẩm, v.v...) đã biến chúng ta thành một cộng đồng dân số hoàn hảo để bị tiêu diệt bởi sự trở về của Cái Chết Đen.

Về tác giả: Tiến sĩ y học Gabriela Segura sinh ra tại vùng Trung Mỹ và tốt nghiệp khoa phẫu thuật tim trường đại học Milan. Những cuộc khám phá về y học và các hình thức chữa trị không chính thống đã đưa cô từ Costa Rica qua Tây Ban Nha, Canada, Uzbekistan, Pháp và Ý. Hoạt động ưa thích của cô là nghiên cứu về bản chất thực sự của thế giới chúng ta trên trang web Sott.net, và hòa mình với thiên nhiên. Các bài viết của cô được đăng trên blog The Health Matrix.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chandra Wickramasinghe, Milton Wainwright & Jayant Narlika. SARS - a clue to its origins? The Lancet, vol. 361, May 23, 2003, pp 1832.
  2. Daniel P. Glavin, Andrew D. Aubrey, Michael P. Callahan, Jason P. Dworkin, Jamie E. Elsila, Eric T. Parker, Jeffrey L. Bada, Peter Jenniskens & Muawia H. Shaddad. Extraterrestrial amino acids in the Almahata Sitta meteorite. Meteoritics & Planetary Science, vol. 45 (10-11), October/November 2010, pp 1695-1709.
  3. Rhawn Joseph Ph.D, Rudolf Schild Ph.D. & Chandra Wickramasinghe Ph.D. Biological Cosmology, Astrobiology, and the Origins and Evolution of Life. Cosmology Science Publishers, 2010.
  4. Ganapathy, R. The Tunguska explosion of 1908 - Discovery of meteoritic debris near the explosion site and at the South Pole. Science, vol. 220, June 10, 1983, pp 1158-1161.
  5. Rina S. Andreeva, Alexander I. Borodulin, et al. Biogenic Component of Atmospheric Aerosol in the South of West Siberia. Chemistry for Sustainable Development, 10, 2002, pp 532-537.
  6. Chandra Wickramasinghe. Life from space: astrobiology and panspermia. February 2009. The Biochemical Society. http://www.panspermia.org/biochemistfeb09.pdf
  7. Xiaoxue Wang, Younghoon Kim, Qun Ma, Seok Hoon Hong, Karina Pokusaeva, Joseph M. Sturino & Thomas K. Wood. Cryptic prophages help bacteria cope with adverse environments. Nature Communications, vol. 1 (9), 2010, pp 147.
  8. Susan Scott & Christopher Duncan. Return of the Black Death: The World's Greatest Serial Killer. Wiley, 2004.
  9. Rhawn Joseph, Ph.D. & Chandra Wickramasinghe, Ph.D. Comets and Contagion: Evolution and Diseases From Space. Journal of Cosmology, vol. 7, 2010, pp 1750-1770.
  10. Mike Baillie. New Light on the Black Death: The Cosmic Connection. Tempus, 2006.
  11. Sayer Ji. Opening Pandora's Bread Box: The Critical Role of Wheat Lectin in Human Disease. Journal of Gluten Sensitivity, Winter 2009.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.