Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Lý do kinh tế đằng sau xung đột Hoa Kỳ - Trung Quốc

Tác giả: Bart Gruzalski
Nguồn: CounterPunch
Nguồn dịch: Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa

Lời giới thiệu từ người dịch:

Những ngày này, báo chí dân túy Việt Nam đang ca tụng việc Hoa Kỳ can thiệp vào những tranh chấp trên biển Đông, bằng việc dùng tàu chiến để khiêu khích Trung Quốc ở phạm vi 12 hải lý (một trò đùa lố lăng), sau khi cố gắng bao vây Trung Quốc bằng một chuỗi căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước chư hầu trong khu vực. Nhưng những người Việt Nam còn tỉnh táo thì sẽ hiểu rằng Hoa Kỳ không can thiệp vào biển Đông vì quyền lợi của Việt Nam hay lợi ích của tự do lưu thông trên biển Đông, lý do thực sự là Hoa Kỳ đang muốn kiềm chế Trung Quốc, không để Trung Quốc trở thành kẻ lật đổ sự thống trị toàn cầu của họ. Người Việt Nam có lương tri hiểu rằng sự nhầm lẫn trong việc nhận định mục đích thực sự của Hoa Kỳ, hay nói cách khác là ảo tưởng ở sự can thiệp của Hoa Kỳ, sẽ khiến đất nước của chúng ta phải trả một cái giá rất đắt.

Xin mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài viết dưới đây của giáo sư đại học ở Boston Bart Gruzalshi để hiểu thêm chi tiết về mục đích của Hoa Kỳ trong việc khiêu khích Trung Quốc trên biển Đông. Tác giả nói về việc Hoa Kỳ lo sợ đồng dollar của họ đánh mất vị thế thống trị thương mại thế giới, nhưng chúng ta phải hiểu rằng các ngân hàng Hoa Kỳ đang cung cấp đồng dollar cho thanh toán quốc tế, vì vậy việc đồng dollar bị loại bỏ đe dọa trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng Hoa Kỳ, giai cấp tư sản Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai dám làm điều đó.

Có nhiều lý do khiến Hoa Kỳ dồn ép Trung Quốc trên Biển Đông. Hai bài báo đăng trên Counterpunch trong những tuần qua đã tìm hiểu các lý do ấy. Nhưng không có bài báo nào đề cập tới lý do kinh tế quan trọng, cho dù chỉ là một phần, đã thúc đẩy Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến và đóng vai trò quan trọng trong sự tranh chấp gia tăng với Trung Quốc: giá trị của đồng dollar.

Sự thống trị của đồng dollar trong thương mại thế giới là rất quan trọng đối với giá trị của nó và đối với kinh tế Hoa Kỳ. Sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ bản vị vàng, họ đã ký một thỏa thuận chắc chắn với Saudi Arabia và tất cả các nước OPEC ở Trung Đông để buộc các nước này phải mua bán dầu bằng đồng dollar. Do thỏa thuận này mà đồng dollar còn thường được gọi là “dollar dầu lửa”. Giá trị của dollar/dollar dầu lửa dựa trên năng lực thanh toán thương mại quốc tế của nó, không chỉ là đối với dầu lửa mà còn là vũ khí, thực phẩm cũng như mọi thứ khác.

Hai cuộc chiến dollar

Như tôi đã thảo luận trong một bài báo trên Counterpunch vào năm 2013, lý do khiến Bush II xâm lược Iraq là bởi vì Iraq đã đe dọa Hoa Kỳ bằng việc mua bán dầu với đồng Euro. Nếu Saddam Hussein được phép tiếp tục, điều này sẽ là sự thách thức chủ yếu đối với sự thống trị của đồng dollar trong vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới. Đồng euro dầu lửa có thể thay thế đồng dollar dầu lửa. Điều này có thể làm suy yếu giá trị của đồng dollar và phá hủy nền kinh tế Hoa Kỳ. Đây chính là lý do bị lảng tránh của việc lật đổ Saddam Hussein. Giá trị của đồng dollar đóng vai trò như là sức khỏe của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh Iraq thức hai đã loại bỏ nguy cơ này và dầu của Iraq lại được mua bán bằng đồng dollar.

Ron Paul đã công bố lý do này nhưng không được chú ý nhiều: “Saddam Hussein định mua bán dầu lửa bằng đồng euro. Sự ngạo mạn của ông ta là mối đe dọa đối với đồng dollar; quân đội nghèo nàn của ông ta không bao giờ là sự nguy hiểm … Không có sự thừa nhận công khai nào về việc lật đổ Saddam Hussein bởi vì đòn đánh của ông ta vào sự thống nhất của đồng dollar trong vai trò đồng tiền dự trữ bằng cách mua bán dầu lửa với đồng euro. Nhiều người tin rằng đây mới là lý do thực sự khiến Hoa Kỳ xâm lược Iraq. Tôi không cho rằng đó là lý do duy nhất nhưng nó đóng một trò đáng kể trong động cơ xâm lược Iraq của Hoa Kỳ.”

Ron Paul cũng công bố lý do của cuộc nổi loạn do Hoa Kỳ dẫn đầu để lật đổ Gaddafi ở Lybia. Một lần nữa, bảo vệ đồng dollar là lý do chủ chốt. Gaddafi đã lên kế hoạch mua bán dầu lửa bằng đồng dinar, đồng tiền vàng của châu Phi. Theo Ron Paul, Hoa Kỳ sẽ tấn công bất cứ quốc gia nào dám đe dọa đồng dollar bằng cách sử dụng các đồng tiền khác để thực hiện thanh toán quốc tế.

Tổn thất niềm tin đối với đồng dollar

Đồng dollar đã trở thành đồng tiền thống trị trong thanh toán quốc tế kể từ khi Nixon chấm dứt việc đổi đồng dollar lấy vàng. Bất chấp những sự thách thức của Iraq và Lybia, sự sắp xếp đó đã tiếp tục thêm một thập kỷ nữa trong thế kỷ 21.

Hai sự kiện đã diễn ra trong và sau sự sụp đổ niềm tin ở đồng dollar vào năm 2008. Sự kiện thứ nhất không được bất cứ gã tài chính Hoa Kỳ tinh ranh nào thừa nhận: sự phá hoại mà Hoa Kỳ gây ra cho các quốc gia đang phát triển khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng. Do thiếu nguồn quỹ ở quốc nội, các khoản cho vay của Hoa Kỳ đã không thể đáp ứng nhu cầu về tiền của các quốc gia đang phát triển để họ có thể tiếp tục các dự án. Những quốc gia này không thể quên được sự tổn thất đột ngột và đau đớn của nguồn cung tiền. Sự kiện đó có thể lặp lại một lần nữa và trở nên tồi tệ hơn. Các quốc gia này hiểu rằng việc dựa vào đồng dollar là dựa vào điều kiện bên ngoài mà họ hoàn toàn không thể kiểm soát nhưng lại có thể hủy hoại nền kinh tế của họ. Điều thứ hai là gói nới lỏng định lượng của Bernanke đã pha loãng đồng dollar thành một cái bóng của chính nó (giống như việc tạo ra đồng dollar từ đồng dollar bản vị vàng vào năm 1971). Đây là cán cân dự trữ với các ngân hàng dự trữ liên bang. Vào ngày 17 tháng 9 năm 2008, các ngân hàng của FED có 47 tỷ dollar. Vào ngày 27 tháng 5 năm 2015, con số đó là 2.510,791 tỷ “Bernanke dollar,” mặc dù vậy là một sự pha loãng vi lượng đồng căn so với đồng dollar thời tiền Bernanke.

Các quốc gia nước ngoài đã nhận thấy điều này. Tiếng nói chủ yếu là Nga và Trung Quốc. Vào năm 2010, tờ Nhật Báo Trung Hoa đưa tin “Trung Quốc và Nga … [dự định] loại bỏ đồng dollar và sử dụng đồng nội tệ cho thương mại song phương.” Trung Quốc và Nga, cùng với ba quốc gia khác, thành lập BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Hãng Reuters đưa tin vào cuối tháng 7 năm ngoái về việc BRICS thành lập một “ngân hàng phát triển trị giá 100 tỷ dollar và một quỹ dự trữ tiền tệ là bước tiến cụ thể đầu tiên của họ trong việc tiến tới vẽ lại hệ thống tài chính quốc tế do phương Tây thống trị.”

Kế hoạch về ngân hàng BRICS

Amy Goodman và Juan Gonzalez đã phỏng vấn nhà kinh tế học được giải Nobel Joseph Stiglitz của Hoa Kỳ về ngân hàng BRICS. Stiglitz nói rằng BRICS rất quan trọng:

“Đầu tiên, nhu cầu toàn cầu đòi hỏi nhiều đầu tư hơn cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là yêu cầu về khối lượng hàng nghìn tỷ dollar, vài nghìn tỷ dollar trong một năm. Các thể chế hiện nay không có đủ nguồn lực … [ngân hàng mới] bổ sung thêm vào dòng tiền tài trợ cho cơ sở hạ tầng, thích nghi với sự biến đổi khi hậu – tất cả những nhu cầu đó hiện rõ ở các quốc gia nghèo nhất.”

“Thứ hai, điều đó phản ánh một sự thay đổi căn bản trong kinh tế thế giới và quyền lực chính trị, ý tưởng đứng sau điều này là các nước BRICS hiện nay giàu hơn các quốc gia phát triển khi mà Ngân Hàng Thế Giới và IMF được thành lập. Chúng ta đang ở một thế giới khác … Các thể chế cũ không còn phù hợp.”

Một kỳ vọng mà người dân của các quốc gia khác đặt ra là, vào thế kỷ 21, những người lãnh đạo hàng đầu của IMF sẽ được “lựa chọn dựa trên phẩm chất, chứ không phải bởi vì họ là người Mỹ. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ đã nuốt lời hứa về thỏa thuận đó.”

Gonzalez đã hỏi Stiglitz về cách thức Trung Quốc, đang nắm giữ khoản dự trữ tiền tệ khổng lồ, và Brazil, đã sở hữu ngân hàng phát triển riêng từ nhiều năm, sẽ hợp tác trong vai trò là các thành viên trụ cột của ngân hàng BRICS mới này.

“Trung Quốc dự trữ hơn 3 nghìn tỷ dollar,” Stiglitz trả lời. “Họ cần phải sử dụng khoản dự trữ đó tốt hơn là chỉ đặt chúng vào các trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Anh biết đấy, đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc nói rằng việc đó giống như đặt một miếng thịt vào tủ lạnh và sau đó rút phích cắm điện, bởi vì giá trị thực của tiền ở trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đang giảm xuống. Thế nên họ nói, “Chúng ta cần sử dụng tốt hơn những quỹ này,” cũng như sử dụng nguồn tiền đó tốt hơn thay vì để xây dựng những căn nhà tồi tệ ở giữa sa mạc Nevada. Anh biết đấy, có những nhu cầu xã hội thực mà nguồn tiền đó chưa bao giờ được dùng để đáp ứng.”

Sau đó Stiglitz nói về Brazil. “Brazil đã có BNDES … một ngân hàng phát triển khổng lồ, lớn hơn Ngân Hàng Thế Giới. Người ta không biết điều này, nhưng Brazil đã cho thấy một quốc gia đơn lẻ có thể tạo ra một ngân hàng phát triển hiệu quả ra sao. Sự học hỏi được tiếp tục. Cách thức mà anh tạo ra một ngân hàng phát triển hiệu quả, thực sự thúc đẩy sự phát triển thực tế … trở thành một phần quan trọng của sự đóng góp là điều mà Brazil sẽ làm.”

Thương mại giữa Trung Quốc và Nga không sử dụng đồng dollar

Vào tháng 10 năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn bất ngờ với CNBC, thủ tướng Nga Dmitry Medevev nói rằng thế giới cần phải chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng dollar của Hoa Kỳ, khẳng định rằng kinh tế thế giới sẽ có lợi từ hệ thống tiền tệ đa dạng hơn. “Chúng tôi không phản đối đồng dollar, nhưng chúng tôi tin rằng hệ thống tiền tệ ngày nay cần phải cân bằng hơn,” ông nói, kêu gọi một sự dự trữ nhiều hơn các đồng tiền chủ chốt. Cụ thể hơn, ông nói rằng đồng euro, nhân dân tệ, bảng Anh và dollar sẽ được nhóm lại. Ông đề cập tới việc BRICS là nhóm sẽ thực hiện sự thay đổi này. “Thứ không chỉ là một hệ thống tài chính này” hoàn toàn khả thi, ông nói.

Medevev nhấn mạnh rằng khi các quốc gia “thực sự phụ thuộc” vào đồng dollar, họ chịu sự ảnh hưởng của kinh tế Hoa Kỳ. “Kinh tế Hoa Kỳ đang được cải thiện nhưng chúng ta không có bằng chứng là nó sẽ không sụp đổ một lần nữa, do đó mọi người sẽ phải gánh chịu,” ông nói. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải từ bỏ sự phụ thuộc này [vào bất cứ một đồng tiền nào] trong hệ thống tài chính thế giới.”

Medvedev chỉ ra rằng kết hợp các đồng tiền khác đã cho phép Nga giao thương trực tiếp với Trung Quốc. “Đây là một sự khẳng định rõ ràng cho thấy nếu ai đó rời khỏi chỗ của họ thì người khác sẽ thế chỗ,” ông nói thêm. Thỏa thuận tháng 10 theo sau một hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ với Gazprom, trị giá 400 tỷ dollar, để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong hơn 30 năm.

Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc sáng lập vào năm 2014

Cùng với việc là thành viên sáng lập của BRICS Bank, Trung Quốc đang thiết lập một ngân hàng phát triển, Ngân Hàng Đầu Tư Phát Triển Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (AIIB). Hoa Kỳ kiểm soát cả Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á. Cả hai tổ chức này phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội khi ngân hàng phát triển của Trung Quốc tiến bước. Cùng với ngân hàng của BRICS, ngân hàng phát triển mới sẽ cung cấp sự thay thế quốc tế cho đồng dollar trong thương mại.

Theo tờ New York Times, “Hoa Kỳ, dĩ nhiên là tiếng nói chỉ trích … chủ yếu … đã không gây áp lực cho đề xuất của Trung Quốc. Trái lại, trong các cuộc đối thoại lặng lẽ với các đối tác tiềm năng của Trung Quốc, quan chức Hoa Kỳ đã vận động chống lại ngân hàng phát triển với sự cương quyết không ngờ và tham gia vào các chiến dịch mãnh liệt để thuyết phục các đồng minh quan trọng tẩy chay dự án, theo các quan chức cấp cao Hoa Kỳ và đại diện của các chính quyền liên quan khác.” Tờ New York Times cũng đưa tin về sự phản đối các lập luận phê phán của Hoa Kỳ: “Các lập luận của Washington chống lại những nhu cầu rõ ràng về cơ sở hạ tầng ở Châu Á – những nhu cầu mà các thể chế hiện tại không thể đáp ứng, một số chuyên gia về phát triển nói. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ước tính vào năm 2009 là khu vực cần khoảng 8 nghìn tỷ dollar để đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất cho tới năm 2020 – một số lượng vượt quá khả năng đáp ứng của họ hay Ngân Hàng Thế Giới, các chuyên gia của hai ngân hàng nói.”

Những tiến triển mới đây

Vào tháng 4 năm nay, thời hạn đã được đặt ra để các quốc gia tham gia vào ngân hàng phát triển Châu Á mới của Trung Quốc. Người Trung Quốc đã ngạc nhiên vì sự xin gia nhập vào phút chót của những quốc gia không mấy thân thiện với Bắc Kinh. Trong số những sự ngạc nhiên đó: Đài Loan và 14 trong số nhóm 20 nước. Nhật Bản là đồng minh Châu Á chủ chốt duy nhất vẫn sát cánh cùng chính quyền Obama. Ngay cả Australia và Hàn Quốc cũng quyết định tham gia. Ở Châu Âu, Anh Quốc là một trong số các quốc gia tham gia, quá đủ để chọc tức Hoa Kỳ.

Cùng lúc đó, Putin thông báo việc triển khai ngân hàng phát triển mới của BRICS trị giá 100 tỷ dollar. Họ cũng có 100 tỷ dollar khác làm dự trữ ngoại tệ để bảo vệ các đồng tiền của BRICS trước những biến động của kinh tế và thị trường thế giới. Việc triển khai diễn ra vào tháng 7 ở Ufa,Nga. “Chúng tôi dự định đạt được thỏa thuận ở Ufa về việc triển khai các hoạt động thực tế của ngân hàng BRICS và một quỹ dự trữ ngoại tệ,” Putin nói. Ngân hàng này sẽ là đối thủ cạnh tranh đối với IMF và Ngân Hàng Thế Giới và sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Họ cũng thách thức vai trò phương tiện thanh toán quốc tế của đồng dollar.

Một động cơ khả dĩ nhưng bị đánh giá thấp của việc khiêu khích Trung Quốc

Trong bài báo xuất sắc trên CounterPunch, Jack Smith viết rằng việc Hoa Kỳ khiêu khích Trung Quốc “xảy ra bởi một lý do chủ yếu. Hoa Kỳ ngạo mạn thống trị thế giới một mình, không được ủy quyền, không có sự cạnh tranh hay giám sát, kể từ khi Liên Bang Soviet sụp đổ gần 25 năm trước đây. Không có điều gì quan trọng hơn việc đó đối với giai cấp thống trị của Hoa Kỳ. Mọi mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sự thống trị của Washington phải bị vô hiệu hóa. Cái bóng mờ ở Đông Á gây ra sự lo ngại bất an của Washington – Trung Quốc.”

Smith hoàn toàn chính xác như ông đã trình bày. Sự thống trị chính thống của Hoa Kỳ bắt đầu từ khi Liên Bang Soviet sụp đổ. Nhưng có một khía cạnh của sự thống trị mà Smith đã không đề cập: bảo vệ sự thống trị của đồng dollar trong thương mại thế giới. Trung Quốc và Nga đang tạo ra sự thay thế, đe dọa sự thống trị độc tôn của đồng dollar trong vai trò tiền tệ thế giới. Thông qua việc trao đổi không dùng đồng dollar, họ chống lại giá trị của đồng dollar và do vậy đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.